Giới Thiệu Trà Kiệu

35 Năm, Hành Trình Phục Vụ – Ca Đoàn Tử Đạo Trà Kiệu 2015

GIÁO XỨ TRUNG TÂM THÁNH MẪU TRÀ KIỆU

CA ĐOÀN TỬ ĐẠO

 

35 năm,

hành trình phục vụ

 

 

 

Trà Kiệu, 11/2015

 

 

Nội dung

Hành trình 35 năm.. 

Tâm ca 

Tiếng lòng

35 năm phục vụ

Hãy thắp sáng mãi ngọn nến yêu thương

Lời tự sự

Mừng kỷ niệm 35 năm...

Dấu ấn

Hoài tưởng

Ca đoàn là mái ấm gia đình

35 năm hồng ân

Quê hương tôi

Người cùng chí hướng

Hưởng “thọ” 35 tuổi

Tất cả là hồng ân

Cất cao lời nguyện ca

Một thời để nhớ

Lời tạ tội

Cái duyên nó và “Tử Đạo”

 

Hành trình 35 năm

Qua dòng thời gian

Mùa Xuân năm 1975, chiến tranh kết thúc, Giáo xứ Trà Kiệu bước vào một giai đoạn mới với vô vàn khó khăn thử thách, vui buồn lẫn lộn. Khó khăn vì mọi người phải lao động đầu tắt mặt tối để kiếm miếng ăn; mừng vì không còn phải nhìn thấy cảnh bom rơi đạn réo, chết chóc tang thương; buồn vì phải sống trong phập phồng lo sợ vì vết thương chiến tranh còn để lại những hận thù, nghi kỵ. Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng đã về nhận Giáo xứ Trà Kiệu với bao trách nhiệm nặng nề chồng chất trên hai vai, cha là người khôn ngoan, xã giao rộng rãi và dần dần xua tan những nghi kỵ, những hiềm khích giữa đạo và đời, giữa lương và giáo. Giáo dân Trà Kiệu bắt đầu hòa nhịp vào cuộc sống, tiếng chuông nhà thờ sớm chiều ngân vang, cuộc sống đi dần vào ổn định.

Là một giáo xứ lớn và đông giáo dân xếp loại nhất nhì trong giáo phận, mỗi ngày Chúa Nhật ca đoàn Cêcilia phải phụ trách 3 Thánh lễ, cho nên khó lòng mà chu toàn bổn phận vì “lực bất tòng tâm”. Nhận thấy điều này, cùng với lòng nhiệt thành nhà Chúa đã thôi thúc một số anh em muốn thành lập một ca đoàn để phục vụ, để chung tay góp sức với ca đoàn Cêcilia. Anh Lưu Văn Thiên, anh Lê Tấn Thuyết cùng một số anh em khác thường hay tâm sự với nhau về việc thành lập ca đoàn, một ca đoàn toàn nam chứ không có nữ. Sau khi gặp cha Antôn để trình bày ý nguyện, cha không trả lời ngay mà phải mất một thời gian để suy nghĩ và cuối cùng cha cũng vui vẻ chấp nhận nhưng cho hát vào chiều thứ sáu hằng tuần để xem thử ra sao. Sau khi vận động qui tụ một số anh em nhưng lại không thực hiện được vì giờ lễ chiều là lúc anh em đi lao động chưa về, tưởng rằng ước mơ không thành sự thật, nhưng may mắn thay cha lại quyết định cho anh em phụ trách Thánh lễ vào sáng Chúa Nhật. Niềm vui ngập tràn và thế là Ca đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của Giáo xứ Trà Kiệu ra đời. 

Vào sáng Chúa Nhật ngày 02/11/1980 ca đoàn ra mắt giáo xứ đúng vào ngày lễ Cầu cho các tín hữu đã qua đời. Những giọng ca nam trầm trầm lần đầu tiên vang lên khiến cho bà con giáo dân Trà Kiệu vô cùng ngạc nhiên, bỡ ngỡ và thay phiên nhau ngoái đầu nhìn lên tầng đàn. Sau Thánh lễ hôm đó ca đoàn được bà con giáo dân đặt một tên riêng là “Ca đoàn già”. Dù rằng tuổi đời của anh em lúc đó là U30, chỉ một vài anh em U36. Con số ca viên đầu tiên là 26 anh em :

Ca trưởng: Lưu Văn Thiên.

Ca phó: Lưu Văn Hùng.

Thủ quỹ: Nguyễn Xuân Phong.

Ca viên: Lê Tấn Thuyết, Nguyễn Như Hùng, Nguyễn Viết Doãn, Nguyễn Văn Cảnh, Lê Bá Cường, Lưu Minh Huy, Huỳnh Đức Tiếp, Phan Văn Anh, Lưu Văn Thiện, Nguyễn Quỳnh Du, Nguyễn Hiến, Trần Huệ, Nguyễn Đình Quang, Võ Trà, Nguyễn Trường An, Phạm Văn Ánh, Nguyễn Thường Vinh, Lưu Hoài Nở, Võ Nhựt, Nguyễn Xuân Lĩnh, Võ Quang, Trần Quang Hùng, Trần Năm.

Để có đủ điều kiện sinh hoạt, anh em mỗi người phải đóng 2 đồng, số tiền trên dùng để mua vở chép bài hát vì lúc đó chưa có sách hát, mua đèn dầu để thắp sáng vì chưa có điện. Thời gian tập hát được qui định vào tối thứ sáu và thứ bảy hằng tuần. Thật tình mà nói, lúc đó anh em vào ca đoàn mà không cần phải tuyển chọn giọng ca, chỉ nhiệt tình là đủ. Nhờ ca đoàn mà một số anh em đã quay về với Chúa sau 5 năm, 10 năm, thậm chí 15 năm vắng bóng nơi giáo đường. Một tuần sau ngày thành lập, anh em đã đến viếng tang cụ bà Maria Xuyến và dâng lời ca tiếng hát cầu nguyện cho người quá cố. Kể từ đó, khi 24 tiếng chiêng nhà thờ vang lên báo hiệu một người trong giáo xứ ra đi, anh em đều đến hát cầu và duy trì mãi cho đến bây giờ. Số ca viên tăng giảm qua từng năm, nhưng con số ổn định lúc nào cũng không dưới 30 và không quá 35.

 Năm 1981: Quang Thành Khôi, Lê Vũ Long, Nguyễn Minh Tuấn, Lưu Văn Quang, Nguyễn Hoàng, Mai Đình Phán, Trần Văn Nhàn, Nguyễn Viết Thịnh.

Năm 1982: Đinh Quang Hiến.

Vì đèn dầu không đủ ánh sáng nên ca đoàn đã mua một bình acqui Niken 34 để thoải mái hơn cho việc sinh hoạt.

Năm 1983: Nguyễn Thanh Luận, Phan Minh Tân, Trần Phước, Lưu Minh Hùng. Anh ca trưởng đi Trị An làm ăn, anh Lê Bá Cường được chọn làm ca phó.

Năm 1984: Lê Vạn, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Xuân Thịnh, Lưu Văn Báu.

Cũng trong năm này, vào ngày 11/7 Đức Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi được nhà nước cho về an dưỡng tại Trà Kiệu. Ca đoàn đã dâng tặng ngài bình điện Niken 34, còn anh em sử dụng đèn dầu ABC. Mỗi sáng Chúa Nhật khi nghe ca đoàn chúng tôi hát, toàn là giọng nam nên ngài liên tưởng đến các Thầy ở Đại Chủng viện, ngài đã cho gọi anh ca trưởng đến gặp, ngài rất vui khi biết tinh thần phục vụ của chúng tôi và ngài đặt tên ca đoàn chúng tôi là “Ca đoàn các Thầy”.

Năm 1985: Trần Anh Minh.

Năm 1986: Nguyễn Tuấn Khải.

Từ khi thành lập cho đến nay, chúng tôi chưa có nhạc công riêng, nên phải nhờ đến quý Soeurs. Kể từ hôm nay, anh Nguyễn Tuấn Khải là nhạc công chính thức của ca đoàn.

Năm 1988: Lê Tấn Hóa, Trương Văn Năm, Đinh Hoàng, Nguyễn Văn Tuấn, Hồ Đắc Trí.

Năm 1989: Phạm Ngọc Hiển, Nguyễn Quang Tấn, Nguyễn Viết Đào (Phúc), Nguyễn Văn Tâm, Trần Minh Sơn.

Trong số anh em này có anh Đào (Phúc) là người hát hay và giỏi nhạc nên anh em nhất trí bầu chọn anh làm ca phó về chuyên môn.

Năm 1992: Phan Thanh Vũ, Nguyễn Văn Khánh.

Năm 2002: Trần Quang Lợi.

Năm 2004: Đoàn Công Thiện.

Năm 2005: Phạm Cảnh Thủy.

Năm 2010: Lê Quý Minh, Lưu Bá Tánh, Nguyễn Trường Sơn, Phạm Cảnh Lĩnh, Nguyễn Minh Huy, Đinh Văn Anh. Anh Lưu Hoài Nở tham gia phục vụ trở lại.

Năm 2011: Nguyễn Ngọc Huy, Huỳnh Minh, Lê Hoàng Thoải, Lê Văn Trực, Đoàn Bình.

Anh  Nguyễn Viết Đào (Phúc) và anh Nguyễn Tuấn Khải rời khỏi ca đoàn, ca đoàn không có nhạc công. Nhưng thật may, anh Nguyễn Ngọc Huy gia nhập ca đoàn, anh vừa giỏi nhạc, vừa đàn hay nên anh em tín nhiệm bầu anh làm ca phó chuyên môn thay anh Phúc và kiêm nhạc công thay anh Tuấn Khải.

Kể từ ngày thành lập cho đến bây giờ có 67 ca viên tham gia, hiện tại con số đang phục vụ là 31 anh em. Ca đoàn có 6 anh em chuyển nhập vào ca đoàn Vĩnh Hằng trên Thiên quốc: anh Nguyễn Văn Cảnh vào năm 1989, anh Nguyễn Đình Quang vào năm 1991, anh Hồ Đắc Trí vào năm 2008, anh Phạm Cảnh Thủy vào năm 2006, anh Trần Quang Hùng năm 2012 và anh Trần Văn Nhàn (Nam) vào năm 2014.

Một vườn ươm

Trong chuyến viếng thăm cha Phaolô Mai Văn Tôn ở Giáo Xứ Thuận Yên vào ngày 04/09/2004, đêm hôm đó cha con hàn huyên tâm sự với nhau, ngài nói với anh ca trưởng: “Anh ca trưởng ơi, Ca đoàn Tử đạo là vườn ươm trồng người cho Giáo xứ, anh có công lớn đấy”. Câu nói của ngài đã khơi dậy một niềm tự hào nhỏ bé nơi anh em chúng tôi và trong vườn ươm này, anh em chúng tôi đã dần dần chín mùi theo năm tháng. Ngoài việc phục vụ ca hát trong Thánh lễ, anh em còn tham gia vào các công việc khác của giáo xứ tùy theo khả năng mỗi người và khởi đầu là những việc làm nhỏ nhỏ nhưng mọi người tham gia rất tích cực. Thập niên 1980, tình hình an ninh trật tự vô cùng phức tạp, đặc biệt là trong các dịp lễ lớn, cha sở và giáo xứ tin tưởng giao cho anh em nhiệm vụ bảo vệ trật tự, quản lý xe cộ của khách hành hương trong những ngày lễ tết và Đại hội Đức Mẹ Trà Kiệu. Sau đây xin được ghi lại những đóng góp của anh em cho giáo xứ, cho đất Mẹ Trà Kiệu thân yêu :

  • Anh Lưu Văn Thiên

1980 – 2009: Giảng viên giáo lý các lớp Kinh Thánh và lớp giáo lý hôn nhân.

1989 – 2004 Phó chủ tịch Hội đồng giáo xứ, đặc trách giới trẻ. Trưởng ban giáo lý.

  • Anh Võ Quang

1971 – 2015: phục vụ trong ban trang trí. 

2003 – 2008: Giáo chức giáo khóm Đông.

2015: Tiếp tục được chọn vào ban giáo chức khóm Đông.

  • Anh Lưu Văn Thiện

1981 – 2000: Giảng viên giáo lý. Hiện nay anh là thành viên của ban đọc sách.

  • Anh Quang Thành Khôi

1989 – 2015: Trưởng ban đại diện giáo khóm Bắc.

  • Anh Lê Vạn

2003 – 2007: Giảng viên giáo lý.

2003 – 2015: Giáo chức giáo khóm Bắc và hiện nay anh được bầu chọn làm Giáo khóm trưởng khóm Bắc.

  • Anh Lê Vũ Long

1989 – 2001: Bảo vệ Đền Đức Mẹ đồi Bửu Châu

  • Anh Lê Bá Cường

1992 – 2015: Giáo chức giáo khóm Tây

2000 – 2015: Ban chấp hành hội trợ táng giáo khóm Tây.

2001 – 2006: Tổ trưởng tổ đọc kinh số 9

2011 – 2015: Ban chấp hành hội Liên Minh Thánh Tâm.

2015: ban Caritas giáo xứ.

  • Anh Trần Phước

1989 – 2014: Thư ký Hội đồng giáo xứ.

2015: Phó chủ tịch Hội đồng giáo xứ.

  • Anh Lê Tấn Hóa

1998 – 2015: Thành viên ban trang trí.

2003 – 2010: Ủy viên Hội đồng giáo xứ, đặc trách phụng vụ

  • Anh Nguyễn Viết Đào (Phúc)

2003 – 2005: Thủ quỹ của Hội đồng giáo xứ

2005 – 2015: Đệ nhất phó chủ tịch và đã xin nghỉ việc .

  • Anh Đinh Quang Hiến

2004 – 2009: Tổ trưởng tổ đọc kinh số 8  

  • Anh Phạm Văn Ánh

2005 – 2014: Ủy viên Hội đồng giáo xứ.

2014: Chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ và xin nghỉ vào năm 2015.

  • Anh Phạm Cảnh Thủy

2004 – 2006: Thủ quỹ của Hội đồng giáo xứ.

  • Anh Đoàn Công Thiện

2008 – 2015: Thành viên ban đọc sách.

2009 – 2015: Tổ trưởng tổ đọc kinh số 9.

  • Anh Nguyễn Thường Vinh

2002 – 2015: Tổ trưởng tổ đọc kinh số 21

  • Anh Lê Quý Minh

2003 – 2015: Giáo chức giáo khóm Bắc.

2003 – 2015: Phụ trách giới trẻ.

2015: Đoàn trưởng xứ đoàn Gioan Bosco Trà Kiệu.

  • Anh Huỳnh Minh

2006 – 2015: Tổ trưởng tổ đọc kinh số 18

  • Anh Nguyễn Xuân Phong

2003 – 2014: Thành viên ban Bác Ái Xã Hội của giáo xứ.

  • Anh Phan Thanh Vũ

2003 – 2013: Trưởng  ban Y tế phục vụ trong các ngày lễ lớn và các ngày Đại Hội Đức Mẹ Trà Kiệu .

  • Lê Hoàng Thoải

2015: Tổ trưởng tổ đọc kinh số 20

  • Nguyễn Ngọc Huy

2004 – 2015: Giảng viên giáo lý và hiện nay được bầu chọn giữ chức vụ phó ban. 

  • Phạm Cảnh Lĩnh   

2015: Giáo chức giáo họ Phú Nham

Ghi lại quá trình anh em đã tham gia vào công việc chung, chúng tôi hoàn toàn không có ý khoe khoang hay vỗ ngực xưng danh mà chỉ nhằm khích lệ tinh thần anh em, mong sao anh em tiếp tục dành thời gian cho những công việc hữu ích, hầu đem lại niềm vui cho giáo xứ, cho gia đình và cho chính bản thân mình.

Cảm tạ tri ân

Chúng con xin cảm tạ Chúa và Mẹ Trà Kiệu đã dìu dắt chúng con suốt 35 năm qua. Chúng con đã trãi qua biết bao nhiêu thăng trầm, buồn vui lẫn lộn và kỳ diệu thay chúng con còn đứng vững đến ngày hôm nay.

Đôi chân của chúng con nhiều lúc muốn chùng lại, mệt mỏi, rã rời nhưng vẫn vững bước tiến lên, vì chúng con tin rằng Chúa và Mẹ Trà Kiệu đang ở kề bên. Chúng con sẽ tiếp tục cuộc hành trình này cho đến khi “lực bất tòng tâm” và luôn tin tưởng hồng ân của Chúa và Mẹ Trà Kiệu luôn ngập tràn trên bước đường chúng con đi.

Chúng con xin cảm ơn cha Antôn Nguyễn Trường Thăng đã tin tưởng và ủng hộ chúng con ngay từ lúc ban đầu, nhờ thế mà chúng con mới tồn tại cho đến ngày hôm nay. Xin Chúa và Mẹ Trà Kiệu ban cho cha nhiều ơn lành hồn xác, đặc biệt là cho cha mau chóng lành bệnh để cha tiếp tục cống hiến cho Giáo hội.

Chúng con xin cảm ơn cha Giuse Nguyễn Văn Thông và soeur Điệp (dòng Phaolô) đã vô cùng vất vả tập luyện cho anh em chúng con trong thời gian ca trưởng đi vắng, vất vả là vì anh em chúng con không hiểu biết gì về nhạc lý, chỉ nghe rồi bắt chước theo.

Chúng con xin cảm ơn cha cố Phaolô Mai Văn Tôn đã coi chúng con như người thân trong gia đình. Cha đã chỉ dẫn cho chúng con nhiều điều hay lẽ phải và đã mở đường cho anh em chúng con “lột xác” dấn thân phục vụ trong nhiều lãnh vực. Trên Thiên đàng xin cha cầu nguyện cho anh em chúng con luôn bước đi trong ơn nghĩa Chúa .

Chúng con xin cảm ơn Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long và Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, cha Tổng đại diện Phaolô Trần Quốc Việt, cha Giuse Nguyễn Thanh Sơn, cha Phaolô Đoàn Quang Dân, cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng đã luôn luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho anh em chúng con trên bước đường phục vụ.

Chúng con xin cảm ơn quý cha phó Giuse Lê Văn Cường, cha Simon Hứa Thanh Tuyên, cha Giuse Lê Thiện Thuật, cha Phaolô Lê Tấn Kính, cha Simon Nguyễn Can Trường, cha Phaolô Hồ Quang Phúc, cha Phaolô Phạm Thanh Thảo và cha F.X Lê Đông Nhật đã dành cho chúng con nhiều thiện cảm và nâng đỡ tinh thần chúng con rất nhiều.

Chúng tôi xin cảm ơn Hội Đồng Giáo xứ đã đánh giá cao tinh thần anh em chúng tôi và giao cho chúng tôi đảm nhận những công việc “cần” vào các thời điểm khó khăn.         

Chúng con xin cảm ơn quý soeurs hai Dòng Mến Thánh Giá và Phaolô đã dành cho chúng con nhiều ưu ái, tạo điều kiện để anh em tham gia cộng tác phục vụ các ngày đại lễ Giáng Sinh, Phục Sinh và Tháng Hoa.

Chúng con xin cảm ơn quý thầy xứ: thầy Tôma Võ Minh Danh (cha Danh), thầy Phaolô Trần Ngọc Hoàng (cha Hoàng), thầy Giuse Nguyễn Ngọc Phước, thầy Stêphanô Võ Ngọc Đính (cha Đính), thầy Antôn Lâm Trọng Thi (cha Thi), thầy Micae Nguyễn Hùng Phong và thầy Giuse Tống Văn Ổn đã cộng tác nhiều với chúng con trong việc phục vụ.

Chúng con xin cảm ơn Soeur Saint Jean Trần Thị Anh, Soeur Lê Thị Tuyết Nga, anh Lê Tấn Thuyết cùng quí ân nhân gần xa đã hỗ trợ cho chúng con về mặt tinh thần lẫn vật chất.

Chúng tôi xin cảm ơn toàn thể bà con giáo dân Giáo Xứ Trà Kiệu, quý vị là nguồn động lực mạnh mẽ nhất giúp chúng tôi mỗi ngày một thăng tiến qua những lời khen và góp ý. Xin quý vị hãy tiếp tục hỗ trợ cho anh em chúng tôi qua lời cầu nguyện hằng ngày.

Lời cảm ơn sau hết, chúng tôi xin dành cho những người vợ thân yêu của chúng tôi, những người đã hy sinh gánh vác công việc nhà để cho anh em chúng tôi có thời gian phục vụ. 

Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Trà Kiệu ban nhiều ơn lành hồn xác trên quý Đức Cha, quý Cha, quý Soeurs, quý Thầy, quý Hội Đồng Giáo Xứ và quý ân nhân. Những lời cầu nguyện và những giúp đỡ của quý vị dành cho chúng tôi sẽ được Thiên Chúa trả công bội hậu.

Tiếp tục hành trình

35 năm trôi qua tuổi đời thêm chồng chất, những anh chàng trung niên lứa tuổi 30 thuở nào nay đã thành người cao tuổi 60, 65. Chúng tôi đã đón nhận tên gọi ca đoàn “già” do bà con giáo dân đặt cho, nhưng chúng tôi không nhận mình là người già mà chỉ là người cao tuổi thôi. Người già thì luộm thuộm nói trước quên sau, thích an phận không muốn làm gì cả. Chúng tôi không phải là người già, vì tâm hồn chúng tôi trẻ trung, vẫn tràn đầy nhiệt huyết và tiếp tục đóng góp công sức mình cho công việc chung. Chúng tôi sẽ gắng hết sức cho đến khi “lực bất tòng tâm”, chúng tôi sẽ tiếp tục ca vang lời ngợi khen Thiên Chúa và Đức Mẹ, dù rằng chúng tôi không phải là ca sĩ, nhưng ca mãi, hát mãi rồi chúng tôi cũng sẽ trở thành ca sĩ, người ca sĩ “vĩnh hằng” của Thiên Chúa.     

          

Trà Kiệu, tháng 11 năm 2015

Ca Trưởng Lưu Văn Thiên.                  


Tâm ca

 

Tấm lòng yêu Chúa cao dâng,

Thôi thúc nhiệt huyết góp phần tham gia.

Vì lòng yêu Chúa thiết tha,

Tôi đây mới được tham gia ca đoàn.

Ca đoàn Tử đạo đàng hoàng,

Ca đoàn tuổi lớn vô vàn điều hay.

Mượn bút xin viết lên đây:

Từ khi thành lập đến nay lâu rồi.

Người lớn kể lại cho tôi,

Sơ khai thành lập, ôi thôi mệt nhoài.

Ca Trưởng đây rất có tài,

Nhắn nhủ, dìu dắt miệt mài lo toan.

Dẫu cho không điện, không phòng,

Ca viên hăng hái một lòng hát ca.

Cho dù bão tố mưa sa,

Ca viên chẳng sợ, chẳng nệ hà chi.

Nghĩ lại đoạn đường đã đi,

Ca viên công sức mọi khi hết mình.

Hát lễ vào lúc bình minh,

Hướng lòng dâng Chúa chung tình lời ca.

Cố lên ca đoàn chúng ta,

Chung tay, chung sức hát ca tháng ngày.

Cố gắng hát thật là hay,

Hát hết tâm ý, truyền ngay ân tình.

Hát sao cho thật có tình,

Không phụ Ca Trưởng dạy mình bao năm.

Kỷ niệm đã ba lăm năm,

Ca viên Tử Đạo nhất tâm đời mình:

Nhiệt thành chung sức chung tình,

Đi tập đều đặn phúc vinh dư đầy.

Tập đều ta sẽ hát hay,

Hát hay, Thiên Chúa ban đầy ơn thiêng!

Vincente Nguyễn Trường Sơn.

 

 

 

Tiếng lòng

Ca đoàn đóng một vài trò nòng cốt, đó là làm thế nào để lời ca, tiếng hát của mình tăng thêm sự hưng phấn và cảm xúc, mà không làm mất đi vẻ tôn nghiêm, trang trọng của các nghi lễ phụng vụ. Tôi lấy làm cảm kích khi được là một phần của ca đoàn chúng ta.

Những ngày tháng cùng nhau tập hát vào các buổi tối 5, 6, 7 hàng tuần. Tôi cùng các anh em đã tập luyện không ngừng nghỉ, hát đi hát lại nhưng lòng vẫn cứ khoan khoái vì được phụng sự Chúa. Thời gian qua mang theo bao kỷ niệm của ca đoàn chúng ta: vui có, buồn có; đối với tôi đó là khoảng thời gian tươi đẹp nhất. Đặc biệt đối với tôi, Ca trưởng Matthêu Lưu Văn Thiên – một người đứng đắn, một bản lĩnh đáng nể phục và một uy tín đáng tin cậy. Người hướng dẫn chúng tôi hát là người quan trọng đối với cả tôi và anh em. Cùng với đó là sự hỗ tương giữa các thành viên trong ca đoàn trong những ngày tháng đó.

Đây là những cảm nghĩ chân thật nhất của tôi.

Gioan Phạm Cảnh Lĩnh

 

35 năm phục vụ

Mùa đông năm 1980, ngày 02 tháng 11, ca đoàn các Thánh Tử Đạo Trà Kiệu hát phục vụ Thánh lễ đầu tiên: Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời. Lòng tôi bồi hồi nhớ lại những ngày ấy, co ro trong chiếc áo đi mưa đến nhà thờ hằng tuần để tập hát. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, anh em đóng góp mỗi người 2 đồng mua dầu đèn tập hát, tự sắm vở chép bài hát, nhưng tinh thần anh em rất thoải mái, vui vẻ. Giáo dân giáo xứ Trà Kiệu rất thích ca đoàn Tử Đạo hát các Thánh Lễ, họ gọi ca đoàn với cái tên thân thương: “ca đoàn già”. Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi nghe ca đoàn hát, ngài cứ nghĩ là các Thầy Đại Chủng Viện đang hát. Có lúc anh Ca Trưởng Lưu Văn Thiên đi xa vì kế sinh nhai, cha Giuse Nguyễn Văn Thông và soeur Trần Thị Anh tập hát.

Hiện tại, bản thân là người cao tuổi, nhưng nguyện cố gắng tham gia ca đoàn những ngày tháng còn lại.

Trà Kiệu, 08 – 11 – 2015.

Tôma Nguyễn Xuân Phong.

 

 

Hãy thắp sáng mãi ngọn nến yêu thương

Ngọn nến cháy là ánh sáng được rọi chiếu, tỏa sáng cho nhau. Chúc mừng ca đoàn chúng ta nhé! Mình có qua mới biết đường dài, mới thấy cuộc đời thật ý nghĩa cao đẹp. Qua bao nhiêu thăng trầm, biến chuyển của cuộc sống, thế rồi mình vẫn lớn lên, triển nở, đơm bông như những ngô, lúa ngoài đồng. Đó là nhờ công lao của Ca Trưởng. Các anh em cựu ca đoàn đã có công giữ lửa cháy mãi suốt chặng đường dài 35 năm qua, để rồi được lớn lên và lan tỏa khắp giáo xứ trong giáo phận, mà đâu đâu ai ai cũng biết là ca đoàn các Thánh Tử Đạo Trà Kiệu.

35 năm, tất cả là Hồng Ân của Thiên Chúa ban. Nhìn lại những thành quả đạt được, chúng ta vừa mừng, vừa lo. Mừng vì có nhiều thành viên mới gia nhập, kế thừa ca đoàn. Lo vì nhiều thành viên đã cao tuổi. Ngọn nến đã dần cạn kiệt, có sáng mãi cho lớp sau vươn tới hay không? Vì vậy, chúng ta không ngừng thúc đẩy ý thức, trách nhiệm. Một công việc Tông đồ đấy, các anh em ạ! Dấn thân phục vụ là phải chịu nhiều gian truân, thử thách. Tất cả chúng ta đều vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa quan phòng.

Cầu chúc cho nhau nhiều ơn lành và tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa trong ngày kỷ niệm 35 năm Hồng Ân này.

Tôma Lê Quý Minh

 

Lời tự sự

Ngày thành lập ca đoàn năm 1980, tôi đã tham gia đầu tiên. Nhưng lúc đó, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tôi dắt dìu vợ con vào Sài Gòn lập nghiệp. Tha phương lâu ngày, cảm thấy nhớ mẹ già và quê hương, nên dắt nhau trở về.

Về quê, không ruộng nương, không nghề nghiệp, vợ dại con thơ, làm tôi mất niềm tin, rồi lại rời xa Thánh đường.

Sau 20 năm, vào một buổi chiều buồn, bạn Lợi nhà kế bên qua chơi, nói chuyện và khuyên tôi. Sau đó động viên và mời tôi vào ca đoàn. Kể từ đó, những bài ca tiếng hát đã làm sống lại niềm tin trong tôi. Tối thứ 6, thứ 7 đi tập hát, đi sớm lên tán dóc với anh em. Sáng Chúa nhật, khi chuông giáo đường ngân vang, giục tôi nhanh chân đến Thánh đường. Những bước chân đi là mang theo cả niềm vui và niềm tin trọn vẹn của tôi.

Trong 5 năm gắn bó cùng ca đoàn, có những lúc bị người khác xúc phạm, mình cũng giận lắm, nhưng khi những bài Thánh ca cất lên, mình thấy tâm hồn thanh thản và hướng thiện hơn: “Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu. Dù khi mỏi mệt, dù khi thất vọng, con vẫn cậy trông….”

Sau những lời tự sự này, xin cùng cầu nguyện để tôi được sống thánh thiện và tốt hơn trong Chúa Ki-tô.

Cầu bình an cho tất cả anh em trong ca đoàn.

Chào thân ái!

Phanxicô Xavie Lưu Hoài Nở

 

Mừng kỷ niệm 35 năm

Ca đoàn Tử Đạo chúng ta,

Cùng nhau cầu nguyện, hát ca mỗi ngày.

Lửa yêu thương, sáng các Ngài,

Tỏa lan khắp chốn rạng ngời tin yêu.

Đẹp lòng các Thánh bao nhiêu,

Anh em lãnh nhận càng nhiều ân ban.

Trãi qua thử thách gian nan,

Tạ ơn các Thánh, ca đoàn bình an.

Thành tâm tạ lỗi các Ngài,

Những gì khiếm khuyết xin Ngài thứ tha.

Nguyện luôn một dạ sắt son,

Hôm nay kỷ niệm ba lăm năm tròn.

Anphongsô Lê Bá Cường

 

Dấu ấn

Ngày hai, mười một, tám mươi,

Anh em xúm lại cùng nhau luận bàn.

Thời buổi bao cấp gian nan,

Cha Thăng quản xứ lo toan mọi điều.

Làm một chánh xứ đương triều,

Hội đoàn không có, thiếu nhi chẳng còn.

 

Cha Thăng mòn mỏi đợi trông,

Một ca đoàn mới, chờ mong hình thành.

Anh Thiên cùng với các anh,

Trao cha quản xứ một danh sách người.

Ngày hai, mười một, tám mươi,

Đầu tiên chỉ có trên mười ca viên.

Anh Thiên vận động, giải khuyên,

Lần hồi con số ca viên tăng dần.

Anh em tập hát chuyên cần,

Cùng nhau phấn khởi góp phần vào lo.

 

Bấy giờ điện khí có đâu,

Tập đêm dưới ánh đèn dầu hiu hiu.

Nào là hát lễ Phước Kiều,

Đám cưới Bà Rén: thầy Lương yêu cầu.

 

Hình ảnh còn đó rõ ràng,

Những kỷ niệm ấy khó tàn phai đi.

Ca đoàn đứng vững lo chi,

Anh em tin tưởng có gì lo âu.

Qua bao biến đổi thăng trầm,

Hôm nay kỷ niệm ba lăm năm tròn.

Mọi sự Thiên Chúa an bài,

Qua tay Thánh Mẫu chở che hộ phù.

 

Anphongsô Lê Bá Cường

Một dịp ghé thăm cha Antôn nơi An Ngãi, 29/11/2013

 

 

Hoài tưởng

 

Nhân ngày kỷ niệm ca đoàn:

Các Thánh Tử Đạo Anh Hùng Việt Nam.

Ngược dòng tính lại thời gian,

Mới đây trót đã ba lăm năm rồi.

Tâm tư cảm xúc bồi hồi,

Hát ca tụng Chúa rạng ngời đức tin.

Ca đoàn ba mốt thành viên,

Anh Thiên: ca trưởng, anh Huy: đánh đàn.

Ca viên theo phách nhịp nhàng,

Giọng trầm, giọng bỗng, điệu đàn du dương.

Mỗi khi xứ có tang thương,

Anh em đôn đốc rủ nhau hát cầu.

Cho dù tóc đã bạc màu,

Tuổi cao sức yếu, giọng ngày thêm khan.

Dẫu rằng ai cũng lo toan,

Việc nhà, việc Chúa, đảm đang chu toàn.

Ba lăm năm, những mùa vàng,

Tạ ơn Thiên Chúa, ngợi ca danh Người.

 

Giuse Đoàn Công Thiện

 

 

Ca đoàn là mái ấm gia đình

Sống trên đời ai cũng muốn có một mái ấm gia đình. Nơi đó, mọi người yêu thương nhau, chia sẻ cho nhau niềm vui, nỗi buồn, cho dù cuộc sống có đổi thay.

Khi nhắc đến cụm từ “mái ấm gia đình”, nó làm sống lại ký ức tuổi thơ trong tôi, nơi tôi sống êm đềm, hạnh phúc bên người thân. Mỗi gia đình là một xã hội thu nhỏ, là nơi vun đắp cho tương lai của cá nhân và xã hội. Mỗi thành viên trong gia đình cần đồng lòng gắn kết, chăm sóc, yêu thương nhau, cùng xây đắp một mái ấm gia đình hạnh phúc.

Như vậy, gia đình là một cộng đoàn. Ca đoàn các Thánh Tử Đạo là mái ấm của đại gia đình. Gia đình này là một tập thể các tín hữu, nhờ vào khả năng chuyên môn và lòng nhiệt thành để được tuyển chọn giữa cộng đoàn dân Chúa, để thi hành thừa tác vụ ca hát trong các nghi lễ phụng vụ. Có đầy đủ vai trò và trách nhiệm của các thành viên, tính cách gia đình được tổ chức có hệ thống gồm: ca trưởng, ca phó, thủ quỹ, thư ký và nhạc công. Trưởng nhóm mỗi thành phần đều có vai trò, trách nhiệm riêng của mình.

Đã 35 năm qua, hạnh phúc cao quý của đại gia đình này là sự đồng thuận, gắn bó, mặc lấy cho mình những giá trị nhân bản, đã phục vụ một cách hiệu quả. Thành viên luôn ý thức về ý nghĩa cao cả của sự hy sinh dấn thân này. Bên cạnh đó, còn có những lời động viên, lời cầu nguyện của những người mẹ, người chị, người vợ… đã giúp đỡ thành viên hăng say trong tinh thần đạo đức sốt sắng.

Một mái ấm gia đình đích thực thể hiện được vai trò của mình. Sự thành công này phải nhắc đến Ca trưởng – một chủ gia hiểu rõ nhiệm vụ trước hết và trên hết là hướng dẫn ca đoàn chu toàn thừa tác vụ của mình, đồng thời là gạch nối giữa cha xứ, Hội đồng mục vụ và ca đoàn.

Với bổn phận điều hành, tuyển chọn và huấn luyện, phải nhìn nhận ca trưởng đã có một bản lĩnh đáng nể phục và một uy tín cao.

Sự độc đáo của cơ cấu tổ chức ca đoàn các Thánh Tử Đạo Trà Kiệu, có tên gọi thân mật là ca đoàn già. Trong điều kiện được phép mở rộng, nhưng thành viên chỉ hoàn toàn là nam giới, tuổi đời đã … qua mau, vẫn vững vàng về mặt chuyên môn, dù chỉ có 2 bè: bè tenore gồm các giọng nam cao, bè baso gồm các giọng nam trầm, thấp. Nhưng khi cất tiếng ca thể hiện được âm tắc, âm vực của giọng hát và được cộng đoàn đón nhận. 

Nhìn lại 35 năm qua, vui có, buồn có, bên cạnh những thành công trên đây, ca đoàn cũng không tránh khỏi những sơ sót nhỏ đáng tiếc. Trở ngại thường gặp là tình trạng sinh hoạt “mưa nắng thất thường” của một số thành viên, ảnh hưởng đến việc tập hát và trình tấu của ca đoàn. Ước mong sao các thành viên ý thức rõ vai trò, trách nhiệm cao quý của mình, để biết hy sinh và dấn thân phục vụ nhiều hơn, dù vẫn biết sự phục vụ này hoàn toàn chỉ có tính cách tự nguyện, để cùng một sứ mạng, đồng lao cộng khổ cho sự thăng tiến của giáo xứ.

Cầu xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu, dù khi mỏi mệt dù khi thất vọng con vẫn cậy trông.

Giacôbê Phan Thanh Vũ

09/11/2015


35 năm hồng ân

 

Kính thưa quý cha, quý soeur 2 dòng, quý ân nhân, đặc biệt quý bà vợ, cùng toàn thể anh em ca đoàn các Thánh Tử Đạo giáo xứ Trà Kiệu.

Năm 2015, đánh dấu ca đoàn chúng ta kỷ niệm 35 năm. Trong 35 năm qua, chúng ta tự lực cánh sinh và tồn tại đến ngày hôm nay, quả thật đáng mừng, đáng trân trọng và đáng quý. Vì vậy chúng ta hãy động viên nhau thật nhiều hơn nữa. Mặc dù tuổi của chúng ta, đúng như tên gọi thân thương: “ca đoàn già”, tuổi càng lớn thì trách nhiệm với gia đình, Giáo hội, xã hội càng nhiều, đặc biệt là cơm áo gạo tiền. Chính vì vậy có một số anh em phục vụ không thông suốt, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta chùng bước, mà hãy cố gắng phục vụ giáo xứ. Với sự hướng dẫn của ca trưởng Lưu Văn Thiên cộng với sự động viên nhắc nhở của các bà vợ, đó là những động lực thúc đẩy cho chúng tôi đứng vững đến ngày hôm nay để phục vụ các Thánh lễ mà giáo xứ phân công.

35 năm hiện diện và phục vụ không là gì so với đời người, nhưng 35 năm trong mọi hoàn cảnh khó khăn, ca đoàn vẫn còn đứng vững đến ngày hôm nay, quả là rất tuyệt vời. Vì vậy, mỗi ca viên chúng ta hãy cố gắng, hy sinh hơn nữa để phục vụ giáo xứ tốt hơn nữa.

Nhân dịp này, chúng tôi xin cảm ơn quý cha, ca trưởng, quý soeur hai dòng, quý ân nhân, đặc biệt quý bà vợ của mỗi ca viên… đã động viên, giúp đỡ cách này, cách khác cho ca đoàn chúng con tồn tại đến ngày hôm nay và xin tiếp tục cầu nguyện cho ca đoàn chúng con để hướng đến kỷ niệm 40 năm.

Và cũng trong dịp này, con xin mượn giai điệu ray rức và những ngôn từ lay động mọi tâm ca của bài hát “35 năm hồng ân”, để cầu chúc cho tất cả chúng ta luôn thắm đượm hồng ân của Thiên Chúa, của Đức Mẹ Trà Kiệu và của các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Chúc cho chúng ta mơ về thế giới mà mọi người đều là anh em. Chúc cho chúng ta có thật nhiều hy vọng, sẵn sàng và cố gắng, nếu không chúng ta sẽ gục ngã và diệt vong.

 

Trà Kiệu, 10/11/2015

Simon Lưu Minh Hùng

 

 

Quê hương tôi

 

Tôi sinh ra trên một vùng quê nghèo ở phía Bắc tổ quốc. Ngày tôi sinh ra, cũng là ngày trọng đại đối với đất nước và toàn dân tộc Việt Nam: 30/4/1975 – ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Tôi lớn lên cũng như bao nhiêu người khác, cũng nếm trải những khó khăn của thời cuộc. Những năm tháng đầu đời trôi qua, tôi lại có được cơ hội tốt hơn khi được gia đình đưa lên học và sống tại Hà Nội. Lúc đó, trong tôi ngập tràn hạnh phúc, đó cũng là niềm mong mỏi của những anh em cùng trang lứa nơi quê tôi. Sự thay đổi này đã biến đổi tôi thành một con người khác với đầy sự phóng khoáng và tự do.

Và vì cuộc sống mưu sinh, một lần nữa, tôi lại được đến một mảnh đất mới đầy lạ lẫm và tràn đầy những cảm xúc. Tôi đến vùng đất này như một nghĩa vụ trong đời trai trẻ phải trải qua, rồi cũng sẽ chia tay mảnh đất này trong một sớm, một chiều thôi. Nhưng có ai biết được chữ ngờ, mảnh đất ấy đã mang lại cho tôi một cuộc sống mới. Và điều gì đến sẽ đến, như một định mệnh mà con người không thể biết và chuẩn bị, một gia đình nhỏ đã hình thành trên mảnh đất Trà Kiệu. Với gia đình mới đầy hạnh phúc đã lôi cuốn tôi cảm nghiệm một tình yêu đầy khác lạ, đó chính là tình yêu với Thiên Chúa. Bởi tình yêu đó, tôi đã được lãnh nhận Bí tích Rửa tội và chính thức trở thành con cái Chúa. Niềm vui như cứ nhân đôi lên trong suốt cuộc đời tôi. Tình yêu đó lại thúc bách tôi phải làm gì đó có ích cho gia đình, cho quê hương mới này và thế là tôi có cơ hội được tham gia vào ca đoàn Tử Đạo. Với tôi, khi được tham dự mỗi ngày cùng anh em dâng lời ca tiếng hát lên Thiên Chúa là một niềm vinh dự lớn lao. Ca đoàn như một gia đình lớn của tôi, là niềm an ủi, nguồn động viên, chia sẻ trong cuộc sống. Sự gắn bó trong gia đình này thật ý nghĩa với tôi, những thành viên trong ca đoàn như những người thân của tôi, gần nhất với tôi lúc này. Thật lòng tôi không bao giờ nghĩ mình có được niềm hạnh phúc ấy, ở một nơi đất khách quê người này. Giờ đây, mảnh đất này, con người nơi đây, chính là quê hương, gia đình thân thương của tôi. Ước mong tình cảm này, mối dây này luôn gắn kết chúng ta trong ân nghĩa Chúa. Xin được cảm tạ và tri ân tất cả.

 

G.B Lê Hoàng Thoải.

 

 

Người cùng chí hướng

 

Thương nhau tay nắm bàn tay,

Cùng nhau chia sẻ đắng cay ngọt bùi.

Mỗi người là một niềm vui,

Gần nhau thương mến bùi ngùi sẻ chia.

Dẫu rằng không phải một cha,

Nhưng tình thân đã như là anh em.

Vinh hoa phú quý chẳng màng,

Đường danh vọng bước, cũng xem bụi trần.

Về đây từ chốn xa gần,

Mỗi người một tính, đâu cần giống nhau.

Một lòng, một chí mai sau,

Dựng xây giáo xứ ngày càng đi lên.

Tôma Đoàn Bình

 

Hưởng “thọ” 35 tuổi

 

35 tuổi ở đời chẳng là bao.

35 tuổi phục vụ ca đoàn thật dài và đầy thử thách.

Nhiều lúc không làm chủ bản thân,

không tôn trọng tập thể,

không ý thức trách nhiệm.

Không nhờ sự giúp đỡ của ca trưởng, ca phó

và tập thể ca đoàn đóng góp xây dựng cho tôi,

tôi chỉ hưởng dương.

Xin các Thánh Tử Đạo cầu bầu cho con,

Để con phục vụ tích cực hơn.

Giacôbê Võ Quang

 

Một lần viếng mộ cha Tôn tại nghĩa địa An Ngãi.

Tất cả là hồng ân

Lời lẽ nào nói hết tâm tình Chúa thương.

Qua bao năm tháng, bao dặm trường.

Người dẫn đường dắt dìu con bước đi.

Những gian nguy Người ra tay che chở.

An ủi, vỗ về lúc sa cơ.

Nhuộm thắm bùn nhơ, Người tha thứ.

Ơn Người gìn giữ tỏa muôn hương.

Khúc cảm tạ từ đó con vang mãi,

Cùng anh em vững chãi theo thời gian.

Bạt ngàn ân phúc Chúa ban tặng.

Ba lăm năm một chặng đàng lịch sử

Hạnh phúc đầy dư như lòng mơ ước.

Cả cuộc đời và mãi về sau.

Hồng ân Chúa quả thật lớn lao.

Muôn đời con hát ngợi ca danh Người.

Giuse Lê Tấn Hóa

Cất cao lời nguyện ca

Con cất cao lời nguyện ca mỗi sáng,

Mang tâm tình dâng Chúa – Đấng cao sang.

Xin cho con là thân phận cưu mang,

Vì có Chúa mỗi ngày nuôi con sống.

 

Con cất cao lời nguyện ca mọi lúc

Là lời kinh thắm đượm suốt tâm hồn.

Đừng để con như chiếc lá héo hon,

Nằm cô độc giữa cuộc đời dâu bể.

 

Con cất cao lời nguyện ca sớm, trễ

Để tâm hồn chai đá hóa yêu thương.

Xin cho con tỉnh táo bước trên đường

Hiên ngang sống như Anh Hùng Tử Đạo.

 

Con vẫn biết Sa tan nhiều gươm giáo

Những đôi lần… con gục ngã Chúa ơi!

Chúa xót thương, thứ tha… vì yếu đuối

Để lời ca con vọng mãi trong đời. Amen.

 

Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam

15/11/2015

Anphong Nguyễn Minh Huy

 

 

Một thời để nhớ

Vào thời cha Phaolô Mai Văn Tôn làm quản xứ giáo xứ Trà Kiệu, tại nhà nguyện Thạnh Quang, mỗi năm chỉ có một Thánh lễ duy nhất vào ngày lễ Thánh Anrê Dũng Lạc cùng các bạn tử đạo (24/11).

Ca đoàn các Thánh Tử Đạo phụ trách hát lễ này. Anh em ca viên vẫn xem ngày này như là bổn mạng lần thứ 2, vì đã mừng bổn mạng vào Chúa nhật trước đó. Mặc dầu ca đoàn thành lập vào thời cha Thăng, nhưng cha Tôn là cha sở duy nhất từng tuyên bố: “Ca đoàn các Thánh Tử Đạo là ca đoàn của tôi”.

Đến thời cha Anphong Nguyễn Hữu Long mới có Thánh lễ vào các chiều thứ tư hằng tuần. Có 3 ca viên của ca đoàn Tử Đạo thường xuyên chăm sóc, giữ gìn ngôi nhà nguyện Thạnh Quang này, là các anh: Khôi, Vạn, Minh. Nhà nguyện này vẫn được xem như là “tiền đồ” của Đài Mẹ Thạnh Quang ngày nay.

Giuse Quang Thành Khôi.

 

Lời tạ tội

 

Đời con như giọt nước

Vỡ bên thềm tạ tội

Bao nhiêu năm không đáng

Với tình Chúa bao la.

 

Ba lăm năm miệt mài

Cất giọng hát khàn khô

Cùng dâng lên Thiên Chúa

Có biết Ngài thấu chăng?!

 

Cũng lắm lúc ham đời

Bỏ mình Chúa trên ngôi

Bôn ba đời – quên lãng

Chúa buồn trách thân con?

 

Phải chăng! Lòng hãnh tiến

Những kiêu căng hẹp hòi

Thói ích kỷ nhỏ nhen

Làm Chúa buồn… Thánh giá.

 

Con cúi đầu tạ tội

Chúa lòng lành trên cao

Vác Thánh giá cho đời

Chịu sỉ nhục biết bao.

 

Lao đao qua tháng ngày

Tuổi xuân đã hao gầy

Con nguyện đến tàn hơi

Một đời ca ngợi Chúa.

 

Ba lăm năm một thời

Vui cùng chút cầm ca

Lòng thiện tâm ươm nở

Để vườn Chúa đơm hoa.

 

Giuse Nguyễn Minh Tuấn

                                                              

 

 

Khi ca viên là diễn viên

 

Cái duyên nó và “Tử Đạo”

 

Nó sinh ra và lớn lên ở vùng đất sơn thủy hữu tình, cảnh quan tuyệt đẹp với bao công trình huy hoàng đồ sộ của người Chămpa khiến người xưa đã từng thốt lên:

“Điện các huy hoàng trong ánh nắng,

Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh”.

Quê nó không chỉ có sơn thủy hữu tình mà còn có cả những trang sử hào hùng của cha ông, tổ tiên trong hành trình đức tin: chiến đấu chống lại quân Văn Thân để bảo vệ đức tin, để rồi Đức Mẹ phải đoái thương hiện đến cứu giúp vào tháng 9/1885.

Nó được 01 tuổi là thời điểm sau này nó mới biết, giáo xứ có một “đứa con” được sinh ra và mang tên “Tử Đạo”. Tuổi thơ nó dẫu không khổ cực như cha anh đi trước, nhưng nó cũng cảm nếm được một phần của cái thời được gọi là bao cấp. Cái thời mà nó được gia đình dành cho những chén cơm đầy hạt gạo, còn những thành viên khác trong chén chỉ toàn là sắn lát hoặc khoai lang… Cái thời mà ăn những cái bánh tráng sắn vàng khè cuốn với rau muống, cái thời gia đình nó đi làm mành trúc lấy điểm ở hợp tác xã, cái thời nó mang quần tà lỏn cắp sổ, xếp hàng đi nhận dầu, gạo… ở cửa hàng bách hóa… Nó biết cái cảnh đó, và sau này nó mới biết “Tử Đạo” cũng cùng chung cảnh khổ đó: đèn điện không có, sách hát không có, phải khai báo nhân thân với chính quyền khi tham gia hội đoàn… thiếu thốn mọi điều. Tuổi thơ nó và “Tử Đạo” cùng lớn lên ở thập niên 80 đó. Nó đi học văn hóa, rồi được học giáo lý mỗi sáng Chúa nhật, đặc biệt là mỗi chiều thứ 5 hàng tuần, nó cùng chúng bạn lên nhà xứ để nghe cha bố Antôn kể chuyện Kinh Thánh. Cha kể hay ơi là hay, hết thứ 5 tuần này là chúng nó mong sao cho đến thứ 5 tuần sau để nghe ngài kể tiếp những câu chuyện dang dở. Chiều Chúa nhật, nó và chúng bạn lại được ngài dạy vẽ cho, ở đó chúng nó được ngài chỉ vẽ tận tình, rồi còn cho xem Kính vạn hoa, chụp hình… những trò lúc đó, chúng nó mơ cũng không thấy. Nó sướng vậy đó, chỉ lo ăn – học – chơi, còn “Tử Đạo” cứ thế chịu khó, chịu cực đi làm nuôi ăn, rồi mỗi đêm đèn dầu tập hát…, để phục vụ giáo xứ. Lúc đó, nó cũng chẳng biết được như vậy đâu vì cái tuổi ăn chơi, khác “người em Tử Đạo” sinh sau, nhưng chững chạc và “già” hơn nhiều.

Đến thời cha Phaolô Mai Văn Tôn về quản xứ, nó được tuyển vào Ban giúp lễ, lúc đó nó mới có cơ hội giáp mặt “Tử Đạo” mỗi Thánh lễ nhất sáng Chúa nhật. Nó phải công nhận “sinh” sau, nhưng “Tử Đạo” già thật, bởi không chỉ riêng nó, mà cả giáo xứ đều gọi “Tử Đạo” là… già. Nó thấy “Tử Đạo” hát hay, nhưng nó cũng không quan tâm lắm, bởi “sinh” sau nó, mà già quá, nó không chơi được. Nó lo phần nó: chu toàn việc giúp lễ ở mỗi phiên, còn “Tử Đạo” chuyên lo tập hát, hát lễ…

Đời nó kém may mắn bởi phải chịu cảnh mồ côi cha khi lên 6 và “Tử Đạo” dường như cũng trãi qua cảnh chia ly tương tự, khi có “người sáng lập” phải đi xa để mưu sinh. Nó và “Tử Đạo” dẫu có những sự chia ly, nhưng vẫn cứ thế tồn tại bước tiếp. Nó kém may mắn nhưng không phải là bất hạnh, bởi nó vẫn được mẹ nó lo lắng và cho nó có được cơ hội sống trong nhà các soeur Saint Paul. Ở đây, nó được soeur Ane Tuyết Mai phát hiện cái khiếu âm nhạc trong những lần phá đàn khi soeur vắng nhà đi chợ. Thế là nó được soeur dạy học đàn organ, nó lại được soeur cho đánh đàn cho ca đoàn Cecilia mà soeur phụ trách. Nó thật hãnh diện biết bao, bởi ở lứa tuổi đó, chẳng có ai trong xứ lại có được may mắn như nó. “Tử Đạo” cũng có những nét tương đồng với nó như vậy, bởi trong bối cảnh chia ly ở trên, “Tử Đạo” lại được cha Giuse Thông và soeur Anna Điệp dìu dắt, nâng đỡ. Trong bối cảnh của giáo phận lúc đó, cũng không có giáo xứ nào có “ai” như “Tử Đạo”: được nhiều người trong và ngoài xứ biết đến và yêu quý. Nó và “Tử Đạo” dường như có những những nét giống nhau, phải chăng vì thế mà nó có cái duyên với “Tử Đạo” sau này?!

Sau thời gian học cấp 3, nó được may mắn đi học Đại học ở Đà Nẵng. Ở nơi giáo xứ mà nó sống sinh hoạt cùng với gia đình người cậu, nó lại có dịp được tham gia với ca đoàn chính của giáo xứ N.Q với vai trò nhạc công. Trong thời gian sống cùng “các chú” ở N.Q, nó cũng là nhạc công trong ca đoàn “các chú”. Sau này, tốt nghiệp Đại học xong…, nó quay trở về quê để mưu sinh. Mặc dầu, đi làm xa, nhưng cuối tuần vẫn về quê, nên nó có cơ hội tham gia vào Ban Giáo lý xứ nhà. Dù giúp giáo xứ dạy giáo lý, nhưng tay đàn vẫn “ngứa”, thế nên có những lúc ca đoàn không có người đàn, các soeur nhờ đánh đàn thay, thế là nó hết cơ hội… “ngứa” tay.

Nó xa quê đi học, “Tử Đạo” có người xa quê mưu sinh. Nó về quê lập gia đình sinh sống, “Tử Đạo” chào đón “người sáng lập” trở về. Thế đó, có những cái nó tương đồng là vậy. Và rồi, như:

Còn duyên may lại còn người

Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa”.

Một ngày nọ, nó được “ông đầu bạc” – cách gọi của con nó, mời giúp đánh đàn cho “Tử Đạo”, vì lúc đó nhạc công của ca đoàn sang phục vụ cho hội đoàn khác. Lúc đó, nó gật đầu cái rụp vì nó biết những gì nó có được đều bởi Ơn Trên phù giúp. Mặc dù sẽ vất vả hơn, vì cả tuần nó phải đi làm cho “NGỐ”[1], cuối tuần mới về, vừa dạy giáo lý, vừa phải dây sớm đi lễ, đánh đàn, nhưng những “nén bạc” nó nhận được phải sinh lợi, “lời nguyền xưa” không thành giờ phải trả, cho dù là chút ít. Thời gian này nó xin phép chỉ đi đánh đàn lễ sáng Chúa nhật thôi, còn tập hát cùng “Tử Đạo” thì không, vì đi cả tuần rồi, nó phải dành thời gian cho vợ con nó nữa. Nói thì phục vụ, nhưng nó cũng tính toán thiệt hơn vậy đó: 

“Phải duyên thì gắn như keo.

Trái duyên đểnh đoảng như kèo đục vênh.”

Nhưng rồi, mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Nó lại được có cái may mắn không phải ai cũng có: nó được Tổ chức mà nó làm việc cho phép home-based: làm ở nhà. Thật là:

 “Có cây, có đá sẵn sàng,

Có hiên Lãm thúy, nét vàng chưa phai.

Mừng thầm chốn ấy chữ bài,

Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây”

Từ đó, dù phải di chuyển, đi công tác nhiều, nhưng nó phải sắp xếp thời gian để tham gia tập hát cùng “Tử Đạo” mỗi khi ở quê. Nó và “Tử Đạo” từ đó khắng khít với nhau hơn. Cái duyên của nó và “Tử Đạo” là vậy. Thế thì nó còn phải ngại ngùng gì để không cùng góp chút ít sức mọn, để cùng “Tử Đạo” tiếp bước hành trình 35 năm phục vụ Chúa và phục vụ giáo xứ bằng lời ca, tiếng hát của mình nữa chứ!!!

Đời con bao nhiêu tuổi,

Chỉ là bóng mây thôi.

Còn gì mà tiếc nuối,

Dâng Ngài mãi không thôi.

Nó: Ephrem Huy

Viết trong chuyến công tác tại quận Sơn Trà – Đà Nẵng, 18/11/15.

 

 

 

 

DANH SÁCH CA VIÊN TỬ ĐẠO 2015

Stt

Tên thánh, họ và tên

Năm sinh

Năm gia nhập

1

Matthêu Lưu Văn Thiên

1950

1980

2

Ephrem Nguyễn Ngọc Huy

1979

2012

3

Anphongsô Lê Bá Cường

1956

1980

4

Giuse Đinh Quang Hiến

1959

1982

5

Phanxicô Xavie Nguyễn Thanh Luận

1956

1983

6

Phanxicô Xavie Lưu Văn Báu

1953

1984

7

Đôminicô Nguyễn Quang Tấn

1956

1990

8

Giuse Đoàn Công Thiện

1965

2004

9

Giuse Nguyễn Thường Vinh

1947

1980

10

Tôma Nguyên Xuân Phong

1949

1980

11

Antôn Lưu Văn Thiện

1950

1981

12

Giuse Quang Thành Khôi

1957

1981

13

Giuse Nguyễn Minh Tuấn

1957

1981

14

Gioan Baotixita Trần Phước

1956

1985

15

Simon Lưu Minh Hùng

1956

1984

16

Tôma Lê Quý Minh

1965

2010

17

Phanxicô Xavie Lưu Hoài Nở

1954

2010

18

Gioan Baotixita Lê Hoàng Thoải

1975

2011

19

Giacôbê Phan Thanh Vũ

1957

1992

20

Giuse Lê Văn Hùng (Vạn)

1956

1984

21

Simon Lê Vũ Long

1953

1981

22

Tôma Đặng Lâm Mỹ

1963

1989

23

Vincentê Nguyễn Trường Sơn

1971

2010

24

Phêrô Huỳnh Minh

1960

2010

25

Giuse Lê Tấn Hóa

1961

1988

26

Giacôbê Võ Quang

1950

1990

27

Tôma Đoàn Bình

1961

2011

28

Giuse Lê Văn Trực

1967

2011

29

Gioan Phạm Cảnh Lĩnh

1974

2010

30

Anphongsô Nguyễn Minh Huy

1967

2010

31

Giacôbê Đinh Văn Anh

1972

2010

Stt

Chức danh

Ngày bổn mạng

Giáo khóm/họ

Số điện thoại

1

Ca trưởng

21/9

Tây

0168.537.9606

2

Ca phó chuyên môn                   

09/6

Bắc

0905.888.559

3

Ca phó, tổ trưởng tổ 1

01/8

Tây

0168.826.2238

4

Ca viên tổ 1

19/3

Tây

0166.637.4081

5

Ca viên tổ 1

03/12

Tây

0946.903.226

6

Ca viên tổ 1

03/12

Tây

 

7

Ca viên tổ 1

08/8

Tây

0510.3726.754

8

Ca viên tổ 1

19/3

Tây

0988.337.558

9

Tổ trưởng tổ 2

19/3

Bắc

0163.976.7947

10

Thủ quỹ, ca viên tổ 2

03/7

Bắc

0121.664.9745

11

Ca viên tổ 2

13/6

Tây

0914.285.231

12

Ca viên tổ 2

19/3

Bắc

0165.266.4101

13

Ca viên tổ 2

19/3

Bắc

0905.266.506

14

Ca viên tổ 2

24/6

Bắc

0983.926.252

15

Ca viên tổ 2

28/10

Bắc

0906.733.048

16

Ca viên tổ 2

03/7

Bắc

0989.917.307

17

Ca viên tổ 2

03/12

Bắc

0904.450.692

18

Ca viên tổ 2

24/6

Bắc

0905.865.700

19

Tổ trưởng tổ 3

25/7

Bắc

0905.637.659

20

Ca viên tổ 3

19/3

Bắc

0121.569.8768

21

Ca viên tổ 3

28/10

Bắc

0972.444.804

22

Ca viên tổ 3

03/7

Bắc

0167.236.0578

23

Ca viên tổ 3

27/9

Bắc

0937.286.610

24

Ca viên tổ 3

29/6

Bắc

0168.992.9943

25

Tổ trưởng tổ 4

19/3

Đông

0982.200.433

26

Ca viên tổ 4

25/7

Đông

0977.592.419

27

Ca viên tổ 4

03/7

Đông

0510.6514.980

28

Ca viên tổ 4

19/3

Đông

0168.605.0256

29

Tổ trưởng tổ 5

24/6

P.Nham

0934.723.216

30

Ca viên tổ 5

01/8

P.Nham

0934.708.242

31

Ca viên tổ 5

25/7

Nam

0905.898.363

 

 

 

[1]NGO: Non Governmental Organization – Tổ chức phi chính phủ

Leave a Reply