TRÀ KIỆU qua “BẢN THÔNG TIN”

Đại Hội Thánh Mẫu Trà Kiệu 1971

X Đại Hội Thánh Mẫu Trà Kiệu 1971 (do HOÀNG XUÂN NGHIÊM và LÊ QUANG HIỀN ghi)

1. Lý do tổ chức Đại Hội

Trà Kiệu, một địa sở mà 14 năm về trước, khi được Toà Thánh trao phó trọng trách trông coi Địa Phận Quy Nhơn và nhất là trong tám năm gần đây làm Giám Mục tiên khởi Đà Nẵng, Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Cha vẫn hằng quan tâm để ý không ngừng. Bởi Trà Kiệu từ non một thế kỷ từng nổi danh linh địa, nơi Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đã đoán chọn làm chốn biểu dương quyền uy và lòng từ mẫu “phù hộ các giáo hữu”, những giáo hữu chiến sĩ tiên phong vì Đức Tin công giáo và nhiệt huyết muốn mở rộng cơ đồ đất Việt, đã can đảm hăng say vào đây lập nghiệp dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Trân, năm 1684. Lòng yêu mến đặc biệt đối với mẹ Trà Kiệu đã được Đức Cha thể hiện bằng nhiều cách như : cổ động và khuyến khích công cuộc tra cứu các sử liệu, chọn Trà Kiệu làm Trung Tâm Thánh Mẫu Địa Phận, tổ chức Đại Hội lần I vào năm 1959 và mới đây sau khi tham khảo ý kiến các Linh Mục qua ba buổi họp cuối năm 1970 cũng như đầu năm 1971, Ngài đã ra thư chung quyết định tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu tại Trà Kiệu trong 3 ngày 29,30 và 31 tháng 5 năm 1971.

Cũng ngày hôm ấy (11/2/1971) Đức Cha lại công bố văn thư thành lập Uỷ Ban Tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu, uỷ Cha Tổng Đại Diện Nguyễn Quang Xuyên trực tiếp điều hành và xúc tiến công cuộc trọng đại này.

2. Uỷ ban tổ chức và các Tiểu ban bắt đầu hoạt động

Thế là mọi nguồn nhân lực trong Địa Phận đều được huy động chuẩn bị cho Đại Hội, và ngay từ phút đầu các Tiểu Ban đã tích cực bắt tay vào việc. Tiếp theo các thư kêu gọi của Cha Tổng Đại Diện Chủ Tịch Uỷ Ban Tổ Chức, Cha Giám Đốc Công Giáo Tiến Hành cũng phổ biến một tâm thư cổ động mọi người tích cực hành hương tham dự Đại Hội, Ban Thông Tin Báo Chí cho xuất bản cuối “Đức Trinh Nữ Đồi Bửu Châu” trình bày lịch sử linh địa Trà Kiệu, ấn hành các Đặc San và tổ chức nhiều buổi phát thanh về Đại Hội trên Đài Đà Nẵng. Tiểu Ban Giáo Lý cũng vất vả không ít trong việc soạn thảo tài liệu và hướng dẫn các buổi học hỏi, hội thảo về Đức Mẹ, cho các giới cả hàng tháng trước. Song song với các hoạt động kể trên, Uỷ Ban Phụng Vụ và Khánh Tiết gồm nhiều văn phòng chuyên biệt như Thánh nhạc, trang trí v.v… đã phân công phối hợp nhau phụ trách công tác tô điểm Trung Tâm Thánh Mẫu và chuẩn bị cho nếp sống đạo của 3 ngày Đại Hội. Cha Đặc trách trang trí địa điểm hành hương với sự góp ý của Ban Phụng Vụ và sự yểm trợ của các cơ quan thân hữu đã thực hiện một lễ đài thật trang nghiêm và mỹ thuật mang nhiều sắc thái Đông Phương, cộng với các khải hoàn môn rác từ trạm Nam Phước vào Trung Tâm, tạo cho vùng Trà Kiệu một quang cảnh tưng bừng phấn khởi lạ thường. Gần đến ngày khai mạc, các Tiểu Ban khác như Tiếp Tân, Xã Hội, An Ninh và Chuyển Vận mới có thể thật sự bắt tay vào việc song phải khổ nhọc rất nhiều vì số khách hành hương chắc sẽ vượt xa số dự tính của Ban Tổ Chức.

 

3. Ngày Tổng chuẩn bị

Từ tinh sương sáng 28/5 trên con đường nhựa xinh xắn từ Nam Phước đến Trà Kiệu đã thấp thoáng bóng một vài đoàn lữ khách nhanh chân về Đất Mẹ. Tận ngoài xa người ta có thể nhìn thấy mái đền Đức Mẹ Đồi Bửu Châu đỏ thắm nổi bật trên cánh đồng xanh mát của Duy Xuyên. Những ngọ môn uy hùng và biểu ngữ tươi đẹp thay nhau hướng dẫn và chuẩn bị tâm tình khách bốn phương về tận Trung Tâm Thánh Mẫu. Nơi đây quang cảnh sáng lên sặc sở trong màu áo mới với muôn sắc cờ, cánh hoa tung bay, toả hương thơm ngát. Qua bao cơn khói lửa, Trung Tâm ngày nay đã được tái thiết đầy đủ tráng lệ với những cổng chào tân kỳ, những đền đài uy nghi. Một chiếc cầu cong, nhẹ nhàng bắc qua bể cá lớn, dẫn lối vào các địa điểm hành lễ. Qua cánh phải là nhà thuỷ tạ màu cam nhạt như một bông hoa lạ nổi trên mặt hồ sen xanh mướt tạo cho lữ khách những cảm giác thanh thoát cao siêu. Lên trên phía trái người ta có thể viếng Hang đá “Đền Triều Thiên nhỏ” kính Đức Mẹ. Từ đó trên 150 cấp thang nâng bước khách hành hương lên Đền Bửu Châu. Chính nơi đỉnh đồi bé nhỏ này từ non thế kỷ nay biết bao lần Mẹ Maria đã xuất hiện bênh đỡ cứu giúp đoàn con thân yêu củ Người. Đền “Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu” xây cấp theo đồ án tân kỳ của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ tuy đã rất đẹp song hiện vẫn còn hàng chục thước cao nữa mới hoàn thành. đó là công trình dang dỡ của muôn ngàn đứa con yêu trong Địa Phận dâng kính Mẹ và với bao công lao tài lực các Cha Chánh, Phó cũng như giáo dân Trà Kiệu đã gắng sức thực hiện từ bao tháng qua.

Sáng nay mặt trời thánh Hạ như tỏ ý tôn kính Mẹ và chiều lòng các đoàn giáo lữ, ngại ngùng không toả sức nóng xuống vùng linh địa. Gió Đông Nam nhè nhẹ thổi. Đi sâu vào hướng Tây, lữ khách sẽ gặp đồi Kim Sơn hùng vĩ che bóng cho ngôi Thánh Đường Trà Kiệu nguy nga soi mình trên dòng suối nhỏ. Đây là một trong những ngôi Thánh Đường kỳ cựu nhất của Địa Phận và rất thời danh trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Chắc hẳn không ai quên : ngay trên nóc nhà thờ này, ngày 8/9/1885 (chính xác là ngày 10&11/9/1885 – Trakieu.net ghi chú), một “Bà Đẹp” đã hiện ra che chở giáo dân thoát nạn Văn Thân từ đồi Kim Sơn xối xả bắn xuống. Rồi từ lúc ấy mỗi khi có biến loạn là tất cả con cái Mẹ liền tức tốc chạy đến kêu xin náu ẩn dưới cánh tay quyền phép mẹ. Khu vực Thánh Đường thật rộng có thể làm chốn nương thân cho cả chục ngàn người như dịp Mậu Thân năm nào. Nhờ Thờ cũ được Cha Chánh xứ thay thế bằng một ngôi nhà hai từng đồ sộ và mỹ lệ dung hoà nghệ thuật kiến trúc cổ, kim. Chỉ giữ lại hai ngọn tháp cao như những chứng tích kiêu hùng nhắc nhở cho hậu thế địa điểm linh thiêng Mẹ các giáo hữu.

Càng về trưa số tín hữu hành hương càng đông đảo nêm chật các hàng quán thưa thớt của Trà Kiệu. Dù Cha xứ đã nhiều lần yêu cầu, giáo dân Trà Kiệu vẫn e ngại không dám tổ chức hàng quán sợ rằng có thể vì đó bê trễ việc thiêng liêng quý báu trong 3 ngày Đại Hội. Chính thế mà khách thập phương trẩy hội lần này phải nhiều phen lúng túng; tuy nhiên những “quán nước tự do” của đoàn Lão Bà đã luôn luôn cung ứng kịp thời và đầy đủ cho mọi người. Đa số khách hành hương đã nhận rằng đó quả là một sáng kiến rất hay và tinh tế, nên mong Trà Kiệu lần sau sẽ giữ mãi như thế.

Giáo dân Trà Kiệu thật hiếu khách, nhà nhà đều vui vẻ mở rộng cửa đón tiếp khách thập phương và lo lắng cho khách những gì cần thiết. Dẫu thế vẫn không thể đáp ứng nổi số người đông như kến cỏ của 3 ngày Đại Hội. Nguyên chiều ngày Tổng chuẩn bị hôm nay, người ta ước lượng 10.000 tín hữu về viếng Mẹ.

 

4. Cung nghinh tượng Đức Mẹ lên lễ đài (chiều ngày 28/5/1971).

Đúng 19 giờ, đoàn rước tượng Đức Mẹ khởi hành từ nhà thờ Trà Kiệu tiến về lễ đài dưới chân đồi Bửu Châu dài hàng cây số trông thật ngoạn mục, trang nghiêm và hết sức cảm động. Cuộc rước chấm dứt bằng một thánh lễ đồng tế do Cha Tổng Đại Diện chủ sự để dọn lòng giáo dân tham dự 3 ngà Đại Hội tích cực và sốt sắng.

Với một giọng nói đượm nhuần cảm kích, Ngài đã kêu mời cộng đồng dân Chúa thiết tha cầu xin Đức Mẹ ban cho 3 ngày Đại Hội vạn phần kết quả. Ngài dâng lên Mẹ những công lao khó nhọc của mọi người trong việc tổ chức Đại Hội và trùng tu đồi Bửu Châu để xứng đáng làm nơi dâng kính Mẹ. Nhân danh Chủ Tịch Uỷ Ban Tổ Chức ngài thành khẩn dâng Mẹ những ý nguyện của Đại Hội: cầu nguyện cho Hoà Bình Việt Nam, cho Đại Kết dân tộc, cho giới trẻ và cho người nghèo khổ, nạn nhân chiến cuộc. Đồng thời ngài cũng thay lời cho muôn nghìn người tham dự Đại Hội dâng hiến non sông Việt Nam đau khổ này trong gần 30 năm máu lửa, xin Mẹ cho sớm tới ngày an lạc.

Cuốn phim do Ban Thông Tin trình chiếu cũng góp phần nào việc cảm kích lòng yêu mến Mẹ nơi mỗi người tham dự. Từ những giọng ca thánh thót “Lạy Đức Mẹ Trà Kiệu” đến cung trầm bổng của bài Ave Maria càng gây cho tình con thảo thêm phấn khởi dạt dào như chưa từng có trong lịch sử đất Mẹ, kể cả dịp Đại Hội năm 1959.

Tham dự cuộc cung nghinh Đức Mẹ và thánh lễ đồng tế chuẩn bị tối nay, muôn người như một, ai ai cũng rưng rưng ngấn lệ vui mừng khi gặp lại nhau, những người anh em con cái Chúa rải rác trên khắp miền đất nước, từ Cà Mâu đến Bến Hải, từ thôn dã đến thị thành. Có những người con tâm tư vẫn chưa vơi cạn những nỗi sầu muộn tức tửi vì gia đình phân ly cửa nhà đổ nát. Có những trí lòng còn chịu nặng khắc khoải ưu tư vì công ăn việc làm thất bại, cơ nghiệp tan tành. Có những thân xác rã rời, mang đầy vết thù hận của chiến tranh tàn khốc. Những đau khổ oan trái ấy mỗi người đều chân thành bộc lộ trước ngai toà Mẹ suốt đêm nay với trọn niềm tin sâu xa mãnh liệt vào quyền uy và lòng từ của Mẹ.

 

5. Lễ khai mạc (29/51971).

Lễ khai mạc ngày Đại Hội nhằm đúng ngày Áp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Trời hôm nay thật đẹp và êm dịu. Ngay sáng sớm trên quốc lộ I từ Đà Nẵng vào, từ Quảng Ngãi ra, các đoàn xe lớn nhỏ từ những miền xa xôi hẻo lánh nhất: Hà Tân, An Sơn, Ái Nghĩa, Gia Chiểu, Thu Lộ, đã tấp nập nối đuôi nhau đưa hàng vạn khách thập thương về đúng ngày khai mạc Đại Hội. Người ta ghi nhận có đến trên 30.000 người tham dự các thánh lễ đồng tế hôm nay gồm đủ mọi đoàn thể thuộc các xứ trong Địa Phận nhà, các phái đoàn trong quý Địa Phận bạn như Huế, Quy Nhơn, Sài Gòn, còn có cả các phái đoàn quân nhân các cấp thuộc rất nhiều đơn vị khắp các Quân Khu và đặc biệt hơn hết là phái đoàn đại diện các tôn giáo bạn như Bahai, Cao Đài, Phật Giáo Nguyên Thuỷ Theravada, Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Tin Lành. Thêm vào đó còn có một số đông phóng viên báo chí, đại diện các hãng tin, như Xây dựng, Hoà Bình, Tùng Uyên, Tin Việt, Thời Mới, Trái Kim Đức Mẹ, UPI, Đài Phát Thanh Đà Nẵng, Đài Vô Tuyến Truyền Hình… Sự hiện diện đông đủ và quý hoá ấy đã nói lên trọn vẹn ý nghĩa cao đẹp: cầu nguyện cho Hoà đồng Tôn Giáo và Đại kết Dân tộc của ngày Khai mạc.

Đúng 9 giờ 30 Đức Cha Địa Phận, Đức Cha Nha Trang Nguyễn Văn Thuận và chừng 20 linh mục đồng tế đã từ phòng tiếp tân tiến lên lễ đài trong tiếp hát thành kính và cảm động của muôn vạn tâm hồn dâng lên Chúa. Mở đầu thánh lễ Đại Trào, Cha Bề trên Nguyễn Quang Xuyên đã tuyên đọc Điện văn của Đức Thánh Cha gởi cho Đại Hội Thánh mẫu Trà Kiệu:

Vatican, ngày 26/5/1971

Kính gửi Đức Cha Phạm Ngọc Chi, giám Mục Đà Nẵng.

Nhân dịp Đại Hội Thánh Mẫu Trà Kiệu, Đức Thánh Cha dâng lên Thiên Chúa những lời khẩn nguyện thiết tha nhất để cầu Hoà Bình cho Việt Nam. Đồng thời Ngài nhiệt liệt khuyến khích lòng tôn sùng và niềm cậy trông Đức Trinh Nữ Maria: sau hết Ngài gửi cho mọi người tham dự Đại Hội Phép Lành Toà Thánh.

Hồng Y Villot

Đức Cha Địa Phận đã công bố ăn thư Đức Phaolô VI gửi quý vị Giám Quản các Thánh Đường Đức Mẹ. Tiếp theo phần suy tôn Lời Chúa, với một cung giọng hùng hồn lôi cuốn, Đức Cha Nguyễn Văn Thuận đã giảng thuyết khai mạc Đại Hội. Sau khi lướt qua vài nét đặc sắc về lịch sử linh địa Trà Kiệu, ngài đã nêu lên ý nghĩa mùa Đại Hội, ngài nói: “Trà Kiệu hẳn phải mang một sứ điệp, sứ điệp của Mẹ trong niềm Tin và hành động. Sứ điệp Mẹ Trà Kiệu lưu lại cho chúng ta ngày nay là: Hy sinh, Nhẫn nại, Chiến đấu bằng Cầu nguyện và cầu nguyện không ngơi trong đức tin kiên dũng ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc sống Vui, Thương hay Mừng”. Để kết luận ngài nhắc lại lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Á Châu đang thiết tha cầu mong mọi người nhất là giới trẻ hãy hăng hái dấn thân sống đúng tinh thần Phúc Âm và tin tưởng hoàn toàn vào sự hướng dẫn của Mẹ; chắc chắn sẽ thắng, thắng trong cuộc chiến đấu của người con Chúa ! Đức Cha Địa Phận nhà đã tiếp tục chủ sự thánh lễ trong lời ca trầm ấm của ca đoàn Chủng Viện Thánh Gioan Đà Nẵng xen lẫn tiếng cầu kinh sốt sắng của hàng nghìn người con yêu của Đức Mẹ không phân biệt lương giáo, giả trẻ, bắc nam đứng người chật cả công trường Thánh Mẫu.

6. Công bố văn kiện về Quy chế Hội đồng giáo xứ và Giáo hữu chỉ nam.

Nhân ngày đáng ghi nhớ này, cuối lễ, Cha Tổng Đại Diện đã long trọng đọc 2 văn thư công bố Quy chế Hội Đồng Giáo Xứ và cuốn Chỉ Nam dành cho giáo dân Đà nẵng. Hai cuốn này sẽ được áp dụng trong 3 năm kể từ ngày có hiệu lực 01/9/71.

 

7. Thánh Lễ cho Quân Nhân – Cắt băng khánh thành phòng triển lãm.

Vào lúc 11 giờ 30, Đức Cha Lê Văn Ấn đặc trách Quân Nhân Công Giáo cùng với các Cha Tuyên Uý Quân Khu I đã cử hành một thánh lễ trọng thể dành cho 3,4 ngàn sĩ quan, binh sĩ thuộc các quân binh chủng Quân Đoàn I.

Sau lễ dành cho quân nhân, nhiều người về nơi tạm nghỉ. Một số đông chen nhau lên đền Bửu Châu tâm sự riêng với Đức Mẹ, chuẩn bị tâm hồn rước kiệu tối nay. Lúc này dù đã quá trưa song chẳng ai cảm thấy cái oi bức của mùa hạ nóng bỏng miền Trung. Bầu trời im mát và gió lâng lâng dìu dịu thổi. Đâu đâu cũng thấy người là người. Rộn rịp nhất là các hàng nước các quán cơm và khu nhà xứ. Trên hai đường chính chạy quanh làng, người đi qua lại la liệt đủ các màu sắc áo. Ai nấy đều vui vẻ hỏi thăm trao đổi nhau từng ly nước tấm bánh trông thật tương thân tương ái: “mọi người là anh em”, câu nói đầy cảm kích của Đức Phaolô VI đã được thể hiện rõ rệt qua 3 ngày Đại Hội ở đây. Nhìn khung cảnh đầm ấm yên vui này, có người bâng quơ tự hỏi: phải chăng ngày non nước thanh bình hẳn cũng là như thế ?

Vào khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, hai Đức Cha Đà Nẵng và Nha Trang cùng các quý vị quanh khách đã đến cắt băng khai mạc phòng triển lãm của Đại Hội, nơi trình bày tiến trình sinh hoạt của các đoàn thể, xứ đạo, trong Địa Phận, nơi ghi lại những hình ảnh đặc biệt của Trung Tâm Thánh Mẫu. Và nhất là người ta sẽ được chiêm ngắm tận mắt đầu tượng Đức Mẹ chiếu sáng trong bụi tre ở Xã Xuyên Trường giữa năm 1949, khi Việt Minh kéo về định thanh toán Trà Kiệu và phá phách Đền Bửu Châu.

 

8. Lễ chiều và cuộc kiệu vĩ đại ban đêm.

Sau đó Đức Cha Nha Trang đã chủ sự lễ, ngài cầu mong Chúa Thánh Linh đổ muôn hồng ân cho Đại Hội và cho những người thông công hiệp ý tham gia Đại Hội. Ca đoàn giáo xứ Trà Kiệu với giọng ca măng non, tươi trẻ, đã hướng d64n 10.000 người hiện diện trong thánh lễ chiều nay sốt sắng cùng dâng lễ với vị chủ tế.

Cuộc rước kiệu Đức Mẹ cuối thánh hoa bắt đầu lúc 19 giờ tối khởi hành từ lễ đài theo đường xuống nhà thờ Trà Kiệu vòng ra lối chợ đi quanh đồi Bửu Châu và trở lại lễ đài. Đoàn kiệu thật vĩ đại: cả một đoàn người đông đúc dài như vô tận. Đèn nến lung linh chiếu rọi cả một bầu trời huyền diệu. Làn sóng người rực rỡ nhịp nhàng tiến lên trong tiếng kèn tiếng trống oai hùng của ban quân nhạc khởi đầu. Ngôi tượng Đức Mẹ Trà Kiệu cổ kính nhất được đặt trên một xe hoa lộng lẫy do anh em quân nhân Công Giáo Hội An thực hiện dâng kính Mẹ. Quang cảnh ngoạn mục và uy phong này đã gợi lại trong lòng nhiều giáo hữ Trà Kiệu nhiều hình ảnh Mẹ Thiên Chúa cùng với cơ binh Thiên đàng đêm nào năm xưa đã xuất hiện bênh đỡ con cái Người khiến địch quân một phen khiếp đảm kinh hồn. Trước lúc chủ sự Phép lành Mình Thánh Chúa, Cha Tổng Đại Diện đã kêu mời mọi người luôn tôn kính, mến yêu và tin tưởng nơi Mẹ bằng cách thực hành chu đáo 3 mệnh lệnh Fatima và với những tiếng thỏ thẻ nhỏ to van nài kêu xin Mẹ luôn ban ơn phúc và cứu giúp con dân Việt Nam trong hiện tình đen tối của đất nước.

Thế là ngày Đại Hội thứ I đã trôi qua trong niềm hoan lạc của mọi tâm hồn.

 

9. Ngày Đại Hội thứ 2 (30/5/1971): ngày lịch sử.

Đêm về khuya, khí trời mát lạnh. Khắp nơi, đầu thôn cuối ngõ người người miên man trong giấc mộng yên bình. Bổng “ình, ình, ình”, 3 tiếng nổ chát chúa vang dội inh tai. Khách hành hương nhớn nhác lo sợ. Có tiếng nhắc khẽ “pháo kích đó” ! Chưa đầy 4 giờ sáng. Những tiếng đại bác vẫn ầm ầm nổ, xen kẻ tách tách từng loạt súng nhỏ. vài phút sau loa phóng thanh Đại Hội cho biết đó là tiếng đại bác đồn Hòn Bằng bắn đi yểm trợ các cuộc hành quân và kêu cầu đồng bào cứ ngủ yên. Nhưng rồi tiếng súng lớn nhỏ thi nhau nổ rền. Không ai bảo ai, cả nghìn người đều thức dậy và hiểu ngay có điều chẳng lành. Tuy nhiên giữa tiếng đạn bay veo véo người ta cứ thúc nhau đi lễ.

Sáng nay, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Cha Địa Phận, Cha Tổng Đại Diện, Cha Chánh xứ tiếp nhau dâng lễ tại nhà thờ Xứ. Ba lễ mà người vẫn chật như nêm. Trong phần suy niệm Lời Chúa các vị chủ tế đã nhắc lại khung cảnh ngày Chúa Thánh Linh ngự xuống trên Đức Mẹ và các Tông đồ lúc ấy đang phập phồng lo lắng vì sợ hãi người Do Thái tìm giết. Các ngài nguyện Chúa Thánh Linh hôm nay tái hiện và ban các ơn phong phú trên những người con yêu đang quây quần quanh ngai toà Mẹ Thiên Chúa trong tình cảnh qua phân ly loạn của đất nước.

Lễ xong có tin cho hay cộng quân đã chiếm giữ ấp Tân Lân thuộc xã Xuyên Trường ngăn Xuyên Kiệu một con suối nhỏ và chỉ cách nhà thờ Trà Kiệu cũng như lễ đài chưa đầy 300 thước đường chim bay ! Nhiều đoàn xe bị chận lại vì những cuộc giao tranh giữa Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà và lính chính quy Bắc Việt xảy ra tại những yếu điểm rải rác trên trục lộ Nam Phước – Trà Kiệu, như: Trạm Nam Phước, quận lỵ Duy Xuyên, Cầu Chìm, trụ sở xã Xuyên Trà…

Bởi hôm nay là ngày cầu nguyện cho giới trẻ và có thể nói là ngày chính của Đại Hội vì hai Đức Tổng Giám Sài Gòn và Huế cùng Phái đoàn chính quyền sẽ đến. Do đó tất cả các đoàn thể Thanh Thiếu Nhi Đạo Binh Đức Mẹ, Hiệp Hội Thánh Mẫu, Hùng Tâm Dũng Chí, Hướng Đạo, Thanh Sinh Công, Thiếu Nhi Thánh Thể, Thanh Niên Thánh Nghiệp… đều chen nhau góp mặt đông đủ. Nhiều đoàn xe hành hương từ xa như Huế, Sài Gòn và mãi tận Bặc Liêu cũng đua nhau trực chỉ Trà Kiệu. Nhưng vì tình hình an ninh không mấy bảo đảm nên nhiềm nhóm hành hương đã bị cầm chân lâu giờ, tuy thế hầu hết các xe đã vào tới Trung Tâm Thánh Mẫu. Tổng số người tham dự Đại Hội lên đến trên 60.000. người đông như thác lũ cuồn cuộn tuốn về khu vực lễ đài trong lúc súng đạn hai bên vẫn nổ dòn, vi vút. Hai chi đoàn thiết vận xa án ngữ ở cổng nhà thờ Trà Kiệu dọc theo đường sang ấp Tân Lân, các đơn vị địa phương quân, nghĩa quân phối hợp với cảnh sát đã chiến bọc thẳng con đường giáp giới song song với xã Xuyên Trường, duy trì trật tự an ninh cho buổi lễ. Từ trên đỉnh Bửu Châu người ta có thể trông rõ trận địa. Mỗi lượt phi cơ quan sát hay trực thăng bay ngang ấp nhỏ đó là tức khắc các ổ phòng không quạt lên liên hồi. Thỉnh thoảng phía ngoài bờ thành Trà Kiệu dội lên một vài tiếng nổ kinh hồn không rõ xuất phát từ đâu tới. Trên lễ đài ca đoàn nhà thờ Chính Toà Đà Nẵng đã hát kinh lần hạt. Lời kinh hát từ muôn cửa miệng đồng thanh vang lên thiết tha chất chứa nhiều mãnh lực trấn an tâm trí tất cả các người dự lễ. Dù chờ đợi lâu giờ giữa tiếng súng đạn rền trời, giữa trận giao tranh mỗi lúc một thêm ác lệt, muôn vạn tin hữu nam nữ trẻ già vẫn không mảy may nao núng, vẫn luôn bình tĩnh cầu nguyện trong niềm tin vững mạnh và sự phó thác toàn vẹn vào cánh tay thần thế của Mẹ Maria.

10. Lễ đại triều long trọng giữa tiếng bom đạn nổ rầm trời !

Quãng 11 giờ, hai Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn và Huế, với Phái đoàn đại diện Chính quyền trung ương đến. Trên khán đài danh dự người ta nhật thấy sự hiện của NS. Nguyễn Văn Huyền, Chủ Tịch Thượng Viện, một số Nghị sĩ Dân Biểu, Đại tá Thị Trưởng Đà Nẵng, quý vị Tỉnh trưởng cùng nhiều nhân vật sĩ quan cao cấp. Hai Đức Tổng Giám Mục cùng với Đức Cha Địa Phận được nghênh đón lên lễ đài với đoàn quân nhạc nhịp bước dẫn đầu. Tiếng kèn tiếng trống uy nghiêm hoà với giọng hát trầm hùng từ muôn ngàn cửa miệng, chen lẫn tiếng phi cơ vang rền, tiếng hoả tiển chát chúa, tiếng đại liên dòn dã tạo nên một âm thanh rộn ràng và kỳ lạ chưa từng thấy ! Ngay bên cạnh khu đồi tráng lệ huy hoàng với rừng cờ xí biểu ngữ muôn màu, với từng nghìn nét mặt hiền lành, từng vạn đôi tay thành tín chắp lại khấn nguyện cho hoà bình sớm vãn hồi trên đất nước…thì cả chục cột khói cao nghi ngút, cả trăm mái tranh sập xuống vì bàn tay độc ác của những người không thiết nghĩa dân tộc ! Trên khắp khung trời Việt Nam này có lẽ chưa bao giờ người ta có thể tìm gặp những hình ảnh trái nghịch, nửa rùng rợn nửa tưng bừng như ở Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu hôm nay. nét đặc biệt nhất của Đại Hội 1971 phải chăng là ở đó ? Bởi chính nhờ cảnh chinh chiến náo nhiệt và sôi động này, Đức Trinh Nữ Đồi Bửu Châu lại một lần nữa tỏ hiện quyền phép và lòng ưu ái cho gần 60 ngàn người chứng kiến !

Trong đại lễ đồng tế do Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn, Nguyễn Văn Bình chủ sự, Đức Cha Philiphê Nguyễn Kim Điền, Tổng Giám Mục Huế đã giảng về “Đức Mẹ với việc Truyền giáo”. Giữa lúc trận chiến đang chỗ ác liệt nhất, giữa tiếng bom đạn long trời lỡ đất, giọng nói Đức Tổng Giám Mục Huế vẫn rõ ràng, thanh thoát, đầy xác tín, hấp dẫn tâm trí những người hiện diện. Qua 30 phút ngài đã giải thích nhiệm vụ Tông Đồ Truyền Giáo đối với cộng đồng dân Chúa và trình bày cho người nghe say mê chiêm ngắm hồn tông đồ và truyền giáo của Mẹ Maria trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thánh lễ đã tiếp diễn hết sức trang nghiêm. Ca đoàn Cécilia Đà Nẵng đã dìu tâm trí cộng đồng dự lễ một cách sốt sắng. Trong lúc này mọi người ý thức hơn sức mạnh của tình yêu đối với Mẹ Trà Kiệu, và chẳng có ai bảo ai, tất cả đều biểu dương một tinh thần đạo đức sâu xa, một niềm tin sắt đá vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, vào lòng nhân ái của Mẹ Ngài. – Lúc gần cuối lễ một người đã nhặt được đạn rơi từ lễ đài, xuyên thủng vai phải áo chùng thâm của linh mục đặc trách Thánh nhạc Đinh Mạnh Phú đang điều khiển chỉ huy ca đoàn. Viên đạn chỉ sướt qua, xoáy rách một lỗ nhỏ trên áo, nên ngài vẫn không hay biết gì. Nhưng đáng ngạc nhiên nhất là trong gần 2 tiếng đồng hồ, cả 60 ngàn người chen nhau xem lễ chật khu vực rộng lớn sát ngay bờ rào của xã Xuyên Trường, và cuộc giao tranh chỉ cách lễ đài không đầy 300 thước, thế mà không ngà nào trong khu vực hành lễ bị thương ! Dù cứng tin đến đâu, ai nấy cũng phải nhận rằng đây quả là lạ !

Vì lo lắng cho tính mệnh của bao nhiêu lữ khách chưa quen tiếng súng đạn, cuối lễ theo lời bàn của nhiều giới hữu trách, Cha Tổng Đại Diện Nguyễn Quang Xuyên đã tuyên bố sau buổi trưa hôm nay khách hành hương nên trở về nhà.

 

11. Khách hành hương ra về giữa làn mưa bom đạn.

Sau bữa cơm trưa thân mật tại nhà xứ, hai Đức Tổng Giám Mục và quý vị quan khách rời Trà Kiệu. Tiếp đó các đoàn hành hương cũng theo nhau trở về địa sở mình đem theo nhiều xúc động !

Vì quá đông, không đủ xe về, một số đoàn thể đã rủ nhau đi bộ tới Nam Phước (7 cây số) đón xe. Nhìn từng đoàn người lũ lượt kéo nhau chạy lấp vấp giữa hàng loạt đạn veo véo bên tai, người ta dễ sống lại cảnh di cư quen thuộc của hàng triệu dân quê Việt Nam quang gánh lên đường mỗi mùa ly loạn, và sầu tủi cho vận mạng quê hương tang tóc !

Tuy có chừng mươi người bị thương vì đạn lạc trên đường về, nhưng kẻ ở người đi vẫn không ai bỏ xác lại Duy Xuyên ! Gần 5000 giáo dân Trà Kiệu đã quen cảnh bom đạn ở lại an tâm cầu nguyện cho khách thập phương thoát mọi hiểm nguy.

Lúc 4 giờ chiều tiếng súng vẫn đều đặn nổ, người ta rỉ tai nhau quân Quốc gia đang phong toả ấp Tân Lân và hiện bao vây chặn đường rút lui của cộng quân. Và liền ngay đó hàng loạt bom dội như sấm sét xé tan bầu khí vừa bắt đầu yên tĩnh, rồi tiếng đại bác liên tiếp nổ đến gần cả giờ mới dứt hẳn. Nhiều mảnh đạn nơi lốp đốp trên các mái nhà gần khu nhà xứ, văng vải tứ tung. Song thật may, ngoài em Nguyễn Vinh 8 tuổi con bà Nguyễn Thị Nhự nhà gần bệnh xá Xuyên Kiệu bị mảnh bom lạc chết, không ai trong làng bị thương tích gì cả !

Tình hình thật sự lắng dịu vào khoảng 6 giờ chiều đúng lúc tiếng chuông giáo đường ngân vang mời gọi hữu đi chầu Thánh Thể. Trước khi ban phép lành Mình Thánh Chúa, để uỷ lạo những người ở lại Cha Tổng Đại Diện đã vui vẻ nhắc cho giáo hữu: Như Đức Mẹ, sống trên thế gian, chúng ta cũng phải qua nhiều giai đoạn thăng trầm sướng khổ: hôm qua là ngày Vui trọn vẹn, hôm này là cả ột chuỗi biến cố tang thương, chắc mai đây sẽ là ngày mừng rỡ hân hoan. Đức Mẹ Trà Kiệu hầu như chỉ hiển hiện cứu giúp con dân của Người trong những lúc khốn cùng nguy ngập. Chúng ta đã sống qua một ngày khói lửa mù mịt nhưng được an bình, đó chính là nhờ bàn tay từ mẫu đầy quyền năng của Mẹ che chở…

Đêm nay chỉ còn nghe một vài tiếng súng nổ đì đẹt. Gió hiu hiu thổi, dân làng ngủ một giấc khá ngon lành !

12. Ngày bế mạc Đại Hội (31/5/1971).

Sáng nay mặt trời mọc sớm. Vài áng mây hồng lững lờ trôi, hứa hẹn một ngày chan hoà ánh sáng. Lễ Vương Quyền Mẹ ! Có tiếng chim non ríu rít trên các ngọn tre. Nhiều người gọi nhau đi lễ Cha xứ Lê Như Hảo với tài hùng biện sẵn có đã thao thao bất tuyệt ca ngợi vương quyền Đức Nữ Maria. Lật qua vài trang sử Trà Kiệu, ngài trình bày một cách quả quyết tin tưởng những lần Mẹ đã dùng quyền uy Thiên Chúa trao ban để cứu nguy Trà Kiệu và hôm nay chính ngày chúng ta kính mừng lễ Vương Quyền Mẹ, đã minh xác thêm một lần nữa vương quền đó trên mọi manh tâm, mọi lực lượng trần thế. Và sau cùng ngài kêu mời con chiên yêu quý dâng lời tán tụng Mẹ và cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Mẹ Người quyền phép cao cả như thế.

Lễ xong, người ta được tin một số nhỏ tàn quân cộng sản tìm cách rút lui khỏi Tân Lân đêm qua và dâng chúng bên đó hôm trước may mắn trốn thoát được sang Trà Kiệu có thể về nhìn lại nhà cửa của mình điêu tàn cháy rụi.

Lúc 11 giờ, Đức Cha nhà và Đức Cha Quy Nhơn Hoàng Văn Đoàn chủ sự ế mạc Đại Hội. Quảng 3000 giáo dân Trà Kiệu, với nhiều công chức sĩ quan cao cấp, quý Cha, quý Thầy, Mẹ Giám Tỉnh và trên 150 Nữ tu dòng Thánh Phaolô cùng một số giáo hữu Đà Nẵng tham dự. Đặc biệt nhất là sự góp mặt bất ngờ của phái đoàn Sài Gòn do Y sĩ Trung Uý Hiếu hướng dẫn.

Trước khi cử hành Thánh Lễ, bằng một giọng nói chân tình truyền cảm, Đức Cha nhà đã mời gọi các tín hữu hiện diện dâng lời tạ ơn Chúa và Mẹ Maria. Nếu không có Mẹ phù trợ, chúng ta đã không thoát được tai hoạ khốc liệt vông cùng ngày hôm qua ! Quả thật Đức Mẹ Trà Kiệu là “Mẹ phù hộ các giáo hữu” !

Hoà lời hợp ý tới hàng trăm giọng ca điêu luyện, du dương của các chị em nữ tu, mọi người đã đồng thanh dâng lên Chúa và Mẹ lòng tri ân sâu xa của đoàn con vừa được Mẹ cứu thoát khỏi một tai hoạ khủng khiếp.

Trong bài giảng huấn, Đức Cha Quy Nhơn chủ tế đã nhấn mạnh khía cạnh “Đức Mẹ với người nghèo khổ và với thương bệnh binh”. Lời ngài khoan thai nhưng mạnh mẽ sâu sắc: “Không ai trong chúng ta đã không từng kinh nghiệm về đau khổ và có lắm người rất bi quan than thở”.

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đâu đớn lòng.

Nhưng sau Chúa Giêsu, người đau khổ nhiều nhất trong nhân loại hẳn là Đức Mẹ. “Và từ đó Ngài đã dẫn chứng gương can đảm chấp nhận khổ đau của Mẹ Maria. Ngài cũng chứng minh mối cảm thông vô bờ và sự phù trợ mau mắn cuả Mẹ đối với con cái gian lao vất vả nơi dương thế. Ngài thiết tha kêu gọi mọi người hãy vững tin cậy trông nơi Mẹ. Qua phần kết luận, hướng về Mẹ t, Đức Cha Quy Nhơn biểu lộ cảm nghĩ thầm kín của Ngài: “Ngày mai Mẹ Trà Kiệu, sẽ rạng sáng và nơi đây sẽ là chốn con cái Mẹ trên toàn cõi Việt Nam quây quần bên Mẹ. Mẹ sẽ ban cho dân Việt vui hưởng hoà bình chân chính và trước hết hoà bình trong tâm hồn mỗi một người đến nơi linh địa này vì mãi mãi Mẹ Trà Kiệu luôn là Mẹ Phù hộc các giáo hữu”.

Thánh lễ chấm dứt, Đức Cha nhà, Cha Tổng Đại Diện Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức và Cha sở Trà Kiệu đã lần lượt lên tiếng ngợi khen lòng từ nhân của Thiên Chúa và Mẹ Trà Kiệu đã giữ gìn đoàn con Mẹ. Đồng thời các ngài cũng ghi ơn tất cả những người góp công góp của góp lời cầu nguyện cho Đại Hội kết quả, từ lòng ưu ái của Đức Thánh Cha đến cả ước nguyện thầm kín của một em bé ẩn danh nào đó !

Và thánh lễ đã kết thúc trong niềm hoan lạc cảm xúc.

phần phụ thêm

A. Sơ lược chiến cuộc tại Duy Xuyên ngày 30/5/71

Theo lời khai và tài liệu của các tù binh bắt được sáng 30,31/5 và 1/6/71 tại Duy Xuyên phù hợp với các giấy tờ tịch thu trong các cuộc hành quân tại Quảng Ngãi, Quảng Tín cũng như trong những trận đụng độ mới đây ở Đức Dục và Đại Lộc thì: các lực lượng võ trang chiến đấu tại toàn Quận Duy Xuyên hôm 29 và 30/5/71 đều thuộc Trung đoàn 38 chính quy Bắc Việt. Trung đòn này vốn là Trung đòn 90, song sau nhiều lần thất trận đã đổi tên là E 38 ngay khi được Tiểu đoàn 537 xâm nhập gồm thành phần binh sĩ rất trẻ quê Hải dương bổ sung quân số. Các đơn vị E 38 tham chiến tại Duy Xuyên hôm đó là 2 Tiểu đoàn Đ 18, Đ 19 và Tiểu đoàn 91 đặc công của Mặt trận 44 phối hợp với các Đại đội dẫn đường đã bổ sung, quân số Trung đoàn này cũng thiếu hụt, nhất là bị giảm sút rõ rệt trong các trận quyết tử tại Đức Dục và Đại Lộc vài tháng trước.

Nhằm rất nhiều lý do như một vài lý do đã nêu, theo chỉ thị của Trung ương, các đơn vị kể trên phát xuất từ căn cứ 112 phía Tây Đức Dục tiến vào địa giới Duy Xuyên tối 28/5/1971. Tiểu đoàn Đ 19 theo đường dây du kích 23 xuống ngã Chiêm Sơn trù chiếm Long Châu (Xuyên Hiệp) và Tan Lân (Xuyên Trường) đêm 29 rạng 30/5/71 để quấy phá Đại Hội Trà Kiệu. Tiểu đoàn Đ18 qua lối Quế Sơn, Mậu Hoà xuống đánh Cầu Chìm, Xuyên Trà cắt đường giao thông giữa Trà Kiệu và Duy Xuyên. Tiểu đoàn 91 đặc công cũng vòng theo các ngã ấy phục đánh Nam Phước và quận lỵ Duy Xuyên chặn đường tiếp việc của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Song song với kế hoạch đó, Tiểu đoàn V 25 cơ động tỉnh đã tấn công quận lỵ Hiếu Nhơn đêm 29 rạng 30/5 cầm chân các đơn vị tiếp viện của Tiểu khu Quảng Nam. Đồng thời Cộng quân pháo kích Đà Nẵng gây hoang mang trong dân chúng cũng như khêu khích Bộ chỉ huy Quân đoàn I hòng cô lập hoá Trà Kiệu.

Trang bị bằng những vũ khí tối tân như hoả tiễn 122 ly (đặt trên đồi 22), đại bác 75 ly, súng cối 81, 60 ly, thượng liên phòng không và cả một số lớn plastic mìn định hướng tự động v.v… Trung đoàn này dự tính vào giờ G, tức 10 giờ ngày 30/5/71 áp dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung ồ ạt khai hoả, xung phong cùng một lúc trên các trận tuyến, nhất là cố “làm cỏ” Trà Kiệu, tàn xát khách hành hương… Song bất thần bị các toán thám sát tình báo của ta phác giác, hàng ngũ Cộng quân tán loạn rối beng, tinh thần binh sĩ “xuống dốc” như bước vào tử địa, vì tức khắc các đơn vị Bắc việt bị Quân Lực Cộng Hoà bủa lưới vây chặt ép buộc phải quyết chiến. Với ưu thế hoả lực không quân pháo binh, thiết giáp Quân đội Quốc gia đã hoàn toàn nắm thế chủ động trên khắp các yếu điểm Nam Phước, Duy Xuyên cũng như Cầu Chìm.

Riêng ở Long Châu và Tân Lân trọn bộ chỉ huy tiền phương của trung đoàn và nguyên cả Tiểu Đoàn Đ 19 đã lọt hẳn vào vòng vây của các chi đoàn thiết quân vận M 113 và nằm ngay trước họng súng các ổ đại bác của đồn pháo binh Hòn Bằng (Kim Sơn). Dù đã đào hầm công sự chiến đấu rất kiên cố. Cộng quân chỉ hăng say chống cự mạnh mẽ ở các phút đầu của trận chiến rồi sau đó, không rõ vì lý do nào, như nản chí, tiếng súng cầm cự thật rời rạc.

Tuy nhiên vì sợ tổn hại đến sinh mạng, tài sản đồng bào, các chiến xa của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã không tràn vào càn quét hết địch quân trú ẩn trong ấp mà chỉ đợi cho đối phương rút ra mới tỉa dần. Chính thế mà trận giao tranh đã dai dẳng kéo dài suốt cả ngày 30/5/71.

Điều đau đớn nhất là đêm 29 rạng sáng 30, sau lúc đột nhập Tân Lân một số du kích địa phương đã họp mít tinh bắt đích danh cả chục đồng bào cả lương lẫn giáo bắn gục trước những cặp mắt ứa lệ, những bàn tay run rẩy van lơn của thân nhân. Một số khác châm lửa đốt nhà dân chúng vì không chịu nghe lời chúng trở về nguyên quán bất an ninh !

Qua các bản báo cáo chính xác và sự kiểm xét tận nơi thì xã Xuyên Trường có 245 nóc nhà thiệt hại 100% với 12 người chết, xã Xuyên Hiệp 46 nóc nhà và Xuyên Trà 147 nóc với 7 người chết. Sự tổn thất này một phần do du kích gây ra, phần khác do bom đạn tàn phá trong lúc hai bên giáp chiến. Dầu số người tử thương rất ít song sự tổn hại về tài sản khá nhiều.

Kết quả cuộc Duy Xuyên hôm ấy được ghi nhận:

– Các đơn vị thiết giáp, địa phương quân, nghĩa quân thuộc Quân Lực VNCH chỉ có 5 chiến sĩ hy sinh. Vũ khí bảo toàn đầy đủ.

– Phía Cộng quân: 225 cán binh tử thương, 4 bị bắt sống.

– Vũ khí bị tịch thu gồm: 1 đại bác không giật 75 ly, 4 súng cối 60 và 81 ly, 14 B 40 B 41, 6 thượng liên phòng không, 4 đại liên Trung cộng, 38 súng cá nhân, 4 máy truyền tin siêu tầng số ngoài ra còn một số lớn mìn, plastic, rất nhiều thủ pháo, đạn dược và tài liệu quan trọng.

Cũng xin nói thêm là ngay từ sáng 30/5, chính Đại Tá Tỉnh trưởng Quảng Nam, Lê Trí Tín, Đại Tá Luật cùng với Trung tá Tiểu khu phó, Thiếu tá Quận trưởng Duy Xuyên cũng như một số sĩ quan ưu tú khác đã đích thân chỉ huy cuộc phản công tiêu diệt địch cho đến lúc trận chiến kết liểu hoàn toàn sáng 31/5/1971.

B. Những sự kiện lạ trong biến cố 30/5/1971

Trước hết, chúng tôi trộm nghĩ rằng cùng quan sát một sự kiện xảy ra trước mắt, nhiều người sẽ cùng thấy nhiều khía cạnh khác nhau và do đó sẽ có nhiều thái độ, phản ứng khác nhau tuỳ theo quan niệm của mỗi cá nhân. Vì thế, những mẫu tin mà chúng tôi ghi lại dưới đây một cách hết sức trung thực nhữ đã nghe thấy tại chỗ trong tiêu đề “Những sự kiện lạ thường” chỉ hoàn toàn có tính cách thông tin mà thôi. Những mẫu tin ấy có phải là “những sự kiện phi thường, những phép lạ” hay không, xin nhường quyền phê phán cho độc giả.

1. Khi đầu đạn 60 ly nổ giữa nhà: Khoảng 7 giờ sáng 30/5/71, giữa lúc cho con ông Quyết đang ngồi ăn cơm thì một quả đạn 60 ly rớt xuống nhà ông Thọ bên cạnh làm vỡ mấy ảng nước. Nghe tiếng nổ đầu tiên, 6 cha con ông Quyết vội chui xuống hầm trước sân. Chậm chân hơn các con khi ông chưa tới miệng hầm thì trái thứ hai nổ tung văng mảnh vào chân, ông bị thương nhẹ. Quả đạn thứ hai này rơi thủng mái tranh nhà bà Phú xuyên qua mái nhà ông vào nổ ở đấy. Hai nhà này sát mái nhau và không cách nhà thờ lớn bao nhiêu. Bà Phú cho biết là trong năm thường ít đi lễ sáng, hôm ấy không hiểu sao cả nhà đi lễ sớm cả, nếu ở nhà chắc không thoát khỏi tai nạn và cho rằng đây là ơn lành Mẹ Trà Kiệu đã thương ban cho 3 gia đình tạm cư này.

2. Thời tiết và hướng gió: Một sự kiện hiển nhiên mà mọi người đều công nhận là trời hoàn toàn râm mát trong suốt ba ngày Đại Hội. Bế mạc xong (31/5) trời lại nắng gắt.

Điểm đáng lưu ý khác là theo như lời một sĩ quan chỉ huy cuộc hành quân tiết lộ cho chúng tôi: nếu hôm đó, 3/5 trời đổi từ gió Đông Nam sang hướng Tây Bắc thì đồng bào sẽ không chịu nổi hơi của lựu đạn cay. Cũng theo vị sĩ quan này thì hướng gió một chiều ấy đã làm cho Việt Cộng say men và đồng bào không phải chạy tán loạn và cay mắt !

3. Viên đạn xuyên qua vai Cha Đinh Mạnh Phú: Như đã kể trong phần lễ đại triều trưa 30/5/71. Thật sự nếu chẳng may viên đạn đại liên thiết giáp đó ghim vào vai phải của ngài thì chắc chắn sẽ rất xôn xao giữa lúc thánh lễ đang cử hành.

Một điều nên cải chính là do sự loan tin không đúng của báo chí, Cha Trần Văn Trường nhận được khá nhiều thư chia mừng thoát nạn: Thực ra, hôm ấy Cha Trường lo hệ thống âm thanh dưới bục lễ đài. Viên đạn nổi tiếng kia là do 1 chuyên viên phóng thanh nhặt trao cho ngài. Và khi ngài báo cho Cha Phú đứng trên bục, Cha Phú mới hay là mình vừa thoát chết !

4. Khen cho các xạ thủ thượng liên phòng không Bắc Việt: Lắm người vẫn chưa quên sáng 30/5 nhiều tràng thượng liên đã quạt liên miên lên các phi cơ trực thăng bay ngang ấp Tân Lân. Đa số các máy bay đó đã lãnh đạn nhưng không chiếc nào bị thiệt hại nặng và chẳng ai việc gì cả. Máy bay của tất cả những nhân vật quan trọng đều bị bắn. Chúng tôi được biết chiếc của cụ Huyền thủng bể thùng xăng, chiếc ghế trực thăng đại tá Luật thường ngồi cũng bị thủng 5 lỗ, thật may chả hiểu sao hôm đó đại tá lại ra ghế sau ! Tuy nhiên bị bắn hỏng máy, phi công phải cho đáp xuống Gò Dỗi, gần bến xe Đại Hội, và khi đưa ông đến dự lễ, trực thăng riêng của Trung tướng Lãm đã lãnh 16 viên AK, chiếc quần nhà binh của ông đã ăn đạn, song ông không mảy may thương tích. Tướng Lãm và phu nhân tin chắc đó là nhờ ơn lạ của Mẹ Trà Kiệu, nên dù không thể xuống dự Đại Hội được, hai ông bà đã tức tốc về hang đá Nhà thờ chính toà Đà Nẵng tạ ơn Mẹ ngay hôm ấy.

Đại Hội Trà Kiệu 1971 quả đã gởi lại cho những vị ấy một kỷ niệm khó phai mờ.

5. Tại sao Cộng quân không bắn loạn xạ ?: Việt Nam ta có câu “đón ăn vụng túng làm liều” thế mà giữa lúc đang bị vây nằm chờ chết tại ấp Tân Lân, với đủ vũ khí hạng nặng trong tay Việt Cộng đã không bắn loạn xạ vào đoàn lữ khách đang đứng quanh lễ đài dự lễ đại triều hôm đó. Bởi theo dự định (do tập công điện Tiểu Khu Quảng Nam lấy được) thì vào giờ G (10 giờ sáng 30/5/71), Việt Cộng sẽ phóng hoả tiễn, pháo kích 75 ly, đặc công mặt thường phục sẽ tràn sang cố giết từ 2 đến 3 ngàn người rồi vu cho “ngụy Triều Tiên và SàiGòn” tàn sát. Tân Lân chỉ cách lễ đài có 360 m, súng đã quay đúng hướng, toạ độ sẵn trong tay thế những Việt Cộng đã không liều lĩnh, không thực hiện mưu toan của giờ G, giờ định mệnh. Đúng chăng, đã có sự can thiệp của Trời cao không muốn cho con cái đang tìm về với Mẹ phải thử thách đau thương ?

6. Chiếc xe hoa Đại Hội năm 71: Khách hành hương Trà Kiệu kỳ này hẳn còn nhớ như in chiếc xe hoa do anh em quân Công giáo dâng làm kiệu Đức Mẹ đêm 28 và 29/5. Đây là một chiếc xe dodge mang số 34746 thuộc đại hội chiến tranh chính trị Tiểu khu Quảng Nam. Khi xong Đại Hội chiếc xe trở về đơn vị. Sáng hôm sau 01/6/71, anh tài xế, Trần Lo lái chiếc xe này chở quan tài một binh sĩ lên Quế Sơn. Trên xe ngoài vợ và em trai của người quá cố còn có 1 người trong ban tẩm liệm đi theo. Chạy quá đồn Quân cảnh Mộc Bài và cách quán nước “bà già” quãng 300 m thì chiếc xe gặp nạn. Tiếng mìn nổ chát chúa kinh hồn. Chiếc xe lắc lư mạnh bà quả phụ đang ngồi bên trái lộn qua tay mặt. Nhưng không một ai “bất tỉnh” ! Chiếc xe bị bể thùng xăng, hư dè toác bánh sau và dừng lại bên đường. Lúc đó vào khoảng 11 giờ 15. Một điều đáng chú ý là xăng không bắt lửa. Nếu thùng xăng cháy, thế nào có người cũng không thoát chết. Hơn nữa quả mình gắn plastic hơn 4 ký song chỉ nổ có một nửa, còn nửa kia nằm yên. Bình thường chỉ cần một ký đã thừa sức phá tan chiếc xe, thế mà ở đây chiếc xe chỉ hư hại nhẹ. Cho nên anh em quân nhân và đồng bào khi nghe tin này đều cho đó là sự che chở đặc biệt của “Bà đã ngự ở trên” mấy ngày trước.

7. Ghi nhận sự kiện to lớn nhất: Phải, đây quả là một sự kiện lạ lùng nhất trong cuộc biến loạn ngày 30/5. Giữa lúc chiến trận đang hồi gay cấn xảy ra bên kia đương cách lễ đài vài ba trăm thước thì bên này, đoàn giáo hữu hành hương lại tụ tập chung quanh lễ đài lần hạt và chờ đợi thánh lễ đại triều dưới làn mưa đạn. Thánh lễ cử hành giữa tiếng đạn réo súng rền. Nhà chức trách quân sự cao cấp nhất vùng đã cho chúng tôi biết là đã có 8 hoả tiễn 122 ly bắn vào khu hành lễ, nhưng hoặc đã bắn trật hoặc không nổ ! Gần 60 ngàn người đứng ngập cả một quả đồi dự lễ hết hức sốt sắng mà chẳng một ai bị thương tích. Nếu không có ơn riêng bênh đỡ thì với một khối người tham gia đông đúc như thế, giữa một thế trận rộng lớn như kia chắc không tránh được cảnh chết chóc thương vong từng trăm từng ngàn !

Cũng chính vì nhận rõ bàn tay che chở đặc biệt của Mẹ “phù hộ các giáo hữu” nên ngay sau đó một tuần, chiều Chúa Nhật 06/6/71, Đức Giám Mục Địa Phận đã dâng lễ trọng thể tạ ơn Đức Mẹ tại công trường nhà thờ Chánh toà Đà Nẵng với sự hiện diện của Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Đại tá Nguyễn Ngọc Khôi, nhiều quan khách đạo đời và sự tham dự đông đảo của hơn 10.000 giáo hữu.

Hôm đó (30/5/71) chỉ trừ ông Giuse Nguyễn Thức (72 tuổi) bị tử thương ở quán mì gần chợ Trà Kiệu trước giờ lễ, ngoài ra cả đoàn giáo lữ đông đúc không một ai bị đạn trong khuôn viên Trung Tâm Thánh Mẫu đang giờ hành lễ, lúc tiếng súng nổ đón hơn hết.

  1. Trên đây chỉ là vài sự kiện chúng tôi đã được chính các đương sự kể lại và đã đến kiểm chứng tận nơi. Ngoài ra chúng tôi còn nghe rằng theo tù binh cho biết thì giữa lúc quân Bắc Việt xung phong định tiến chiếm Trà Kiệu, họ thấy “Một Bà Đẹp” dẫn vô số trẻ em ra ngăn cản và họ rã rời chân tay thoái lui. Nhưng tin này chúng tôi chưa có dịp điều tra lại nên chỉ xin loan đi như một dư luận đồn đãi mà thôi.

Riêng tin đồn vị Tiểu đoàn trưởng ở Tân Lân (Tiểu Đoàn Đ 19) đã mắc gió, mình mẩy bầm tím hộc máu chết tươi trước khi hạ lệnh, tấn công Trà Kiệu, chúng tôi cũng đã được nhiều đồng bào nói là mình biết rõ rằng chắc chắn kể lại cả một vài viên chức xã ấp cũng cả quyết như thế dầu sự kiện này chưa hội đủ yếu tố bảo đảm, nhưng “nhìn quả biết cây”, sự chiến đấu yếu ớt, hàng ngũ phân tán rời rạc của Cộng quân ngay sáng 30/5/71 đã để lộ tình trạng lủng củng trắc trở trong nội bộ đầu não của họ. Như thế có thể kết luận là do cái chết kỳ lại bí ẩn của sĩ quan cao cấp này ?

Chú ý: Những tin tức trên đây và nhiều mẫu chuyện khác liên quan đến Đại Hội Thánh Mẫu Trà Kiệu 1971, cũng như các dư luận trên báo chí trong ngoài nước, xin mời quý bạn đọc đón xem với đầy đủ chi tiết và hình ảnh trong tập Kỷ yếu về Đại Hội Trà Kiệu 1971 sắp xuất bản nay mai.

C. Công cuộc cứu trợ nạn nhân chiến cuộc 30/5/71

1). Ngay sau ngày biến cố xảy ra, Đức Cha Địa Phận, Cha Bề trên Chủ tịch Đại Hội đã kêu gọi và cho xúc tiến việc cứu trợ những đồng bảo nạn nhân, không phân biệt lương, giáo. Ngay tại Trà Kiệu, Cha Chánh xứ qua nhiều buổi lễ đã liên tiếp hô hào mọi người rộng tay giúp đỡ xóm giềng gặp nạn. Môi rách miệng cũng chả còn. Ý thức như thế, nên các giới trong địa sở đã hăng hái hưởng ứng lời ngài. sáng ngày 3/6 nhiều người đã đi quyên góp và cùng Cha sở mang tặng phẩm cũng như số tiền do cơ quan Caritas Địa Phận gởi vào, sang phân phát cho các gia đình, lâm nẹn tại ấp Tân Lân và xã Xuyên Hiệp.

Đồng thời, cũng sáng ngày ấy, tại Đà Nẵng, Đức Cha đã hướng dẫn phái đoàn gồm có các thày Đại Chủng Viện và các bà Nữ đoàn Bác Ái Đà Nẵng đến viếng thăm, uỷ lạo trao tặng phẩm cho các anh chị em nạn nhân của Trà Kiệu đang nằm điều trị tại Bệnh Viện Đà Nẵng và tàu Helgoland.

Số tặng phẩm đáng kể lên tới triệu bạc phần lớn do cơ quan Asian Christian Service tài trợ. Sáng 1/7/71 Cha Bề trên Địa Phận, và Cha sở Trà Kiệu đã hướng dẫn anh chị em Sinh Viên Công Giáo đến cấp phát số tặng vật cho đồng bào bị nạn 4 xã Xuyên Trà, Xuyên Trường, Xuyên Hiệp và Xuyên Kiệu trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương.

Các phái đoàn cứu trợ Công giáo mang tặng phẩm đến cho đồng bào nạn nhân đã để lại trong tâm tưởng mọi người một cảm tình rất đẹp. Anh chị em nạn nhân khác tôn giáo đặc biệt xúc động trước nghĩa cử cao quý đó.

Ngày sau, 4/6, Cha sở cũng đã hướng dẫn một phái đoàn đến xã Xuyên Trà, trao phát một số tặng phẩm cũng như tiền mặt cho đồng bào như hôm qua tại Xuyên Trường và Xuyên Hiệp.

Những ngày kế tiếp, ngài vẫn thường xuyên mang đến cho đồng bào những tặng phẩm ngài nhận được.

2). 1/7 vừa qua, một phái đoàn Sinh Viên Công Giáo Sàigòn gồm 12 người do anh Chủ Tịch Huỳnh Phước Toàn hướng dẫn đã thực hiện công tác cứu trợ đồng bào nạn nhân các xã lân cận Trà Kiệu, dịp biến động 30/5 và ngày hôm sau phái đoàn lại lên Đại Lộc phát tặng vật cho các gia đình lâm nạn 2 tháng trước.

Xuyên qua các cuộc cứu trợ nói trên, chúng ta phải khách quan nhận định rằng đây quả là dịp cho người thấy rõ mối tình ruột thịt, nghĩa đồng bào được thể hiện cách cụ thể. Câu nói của người xưa “Lá lành đùm lá rách”, “Miếng khi đói, gói khi no” giờ đây đang được thực hiện rõ rệt giữa những người anh em cùng màu da tiếng nói. Và hơn đâu hết, Đại kết dân tộc lúc này đang hình thành nơi khối đồng bào lương giáo trong phần đất linh thiêng này.

D. Mẹ Trà Kiệu, nguồn hy vọng của hoà bình Việt Nam

Lưu vết thời gian

Trải qua dòng lịch sử, Trà Kiệu luôn luôn là nơi Đức Trinh Nữ Maria thể hiện tình thương đối với đoàn con cái của Người. Đức Mẹ Trà Kiệu quả là Mẹ phù hộ các giáo hữu. Chứng tích lịch sử hãy còn đó, và danh Mẹ Trà Kiệu ngày càng rạng sáng trên giải non sông kiêu hùng song lắm đau thương nầy.

Lần giờ giáo sử Việt Nam, người ta nhớ cách đây 78 năm quân đội Văn Thân và Triều Đình Huế đã 3 lần hùng hổ tiến vào toan làm cỏ họ đạo bé nhỏ Trà Kiệu dưới danh nghĩa “bình Tay, sát Tả”. Nhưng cả 3 lần họ đành hậm hực rút lui vì Đức Maria xuất hiện như “Bà Đẹp” đứng trên nóc nhà thờ che chở giáo dân thoát các lằn tên mũi đạn tới tấp bay vào làng.

Năm 1949, bộ đội Việt Minh đột nhập được vào nhà thờ Núi (hòn Bửu Châu) định san phẳng Trà Kiệu. Nhưng cuối cùng, không biết ai xui khiến, họ vội vã ra đi và dân Trà Kiệu vẫn bảo toàn lực lượng.

Khoảng 15 giờ 30 ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (11/5) năm 1967 đang lúc đoàn Hùng Dũng Xuân Thạnh sinh hoạt dưới chân đồi Đức Mẹ thì một tiếng sét kinh hồn nổ trên đỉnh đồi Bửu Châu và mây xanh trở lại. Hơn 200 em Hùng Dũng, không ai bảo ai đều quỳ gối chiêm ngưỡng Đức Maria “hiện ra” trong 45 phút qua đi như thoáng giây ân tình thần thánh. Hiện tượng này nhiều người lớn cũng thấy và hiện vẫn còn sống như ông Dzu, bà Bạc… (riêng bà Nguyễn Thị Thặng, 71 tuổi ở Hoàng Châu, người nói đã nhiều lần được “Đức Mẹ và hai chị” nữa vào nhà khuyên bảo từ năm 36 tuổi, chúng tôi đã trình rã trong tập Kỷ yếu).

Chưa hết, tháng 12 năm ấy (1967) Việt Cộng lại đột nhập Trà Kiệu thay vì “diệt bọn ác ôn”, họ lại quay ra bắn lẫn nhau. Mục tiêu bị lộ, họ rút vào Đống thành làm mồi cho phi cơ. Kết quả là họ đã gởi lại 200 xác quanh vùng Trà Kiệu.

Và rồi biến cố 30/5/71 mới đây lại không là một bằng chứng hùng hồn nói lên Mẹ Trà Kiệu là Mẹ “phù hộ các giáo hữu” đó sao ?

Những chứng tích kia còn nói gì ?

Lịch sử Trà Kiệu qua bao giai đoạn thăng trầm của đất nước hãy còn đó. Đức Mẹ Trà Kiệu là Mẹ luôn ở cạnh những đứa con yêu của Người trong lúc phải chiến đấu. Nếu Đức Maria đã không can thiệp trong các cơn biến loạn có lẽ tước hiệu “Mẹ Trà Kiệu” đã không tồn tại và rạng rỡ như ngày nay ! Linh địa Trà Kiệu cũng đã phai mờ theo năm tháng ! Nhưng suốt cả gần một thế kỷ lịch sử huyền nhiệm, Trà Kiệu luôn là bảo chứng tình thương của Đức Maria tuôn chảy trên con dân đất Việt không phân biệt tôn giáo.

Biến cố ngày 30/5/1971 vừa qua phải là biến cố đán glưu tâm nhất đối với mỗi người dân Việt. Ngay chiều hôm ấy nhiều người đã vấn nạn như báo Tùng Uyên: “Nếu mọi sự được tiến hành như Việt Cộng định liệu thì những gì sẽ xảy ra cho đất nước này ? Chắc chắn cục diện Miền Nam sẽ thay đổi và có thể ảnh hưởng trên cả chính trường quốc tế ! Nhưng ‘mưu sự tại nhân thành sự tại Thiên’, Đức Maria lại chẳng đang xoay trở cho vận mệnh đất nước Việt Nam sao ?” (Tùng Uyên, số 50, 9-16/6/71).

Đâu Mẹ có muốn thấy cảnh chém giết xảy ra giữa những người cùng chung một giòng máu, một tổ quốc anh hùng với hơn 4 nghìn năm lập nước ? Mẹ đang can thiệp cho Hoà Bình Việt Nam. mẹ đã ngăn cản được một cuộc tàn sát khủng khiếp cho đoàn giáo lữ hành hương Trà Kiệu năm 1971 thì chắc chắn Mẹ cũng sẽ phù trợ cho dân tộc này chóng thoát khỏi chiến tranh và sớm thấy ngày thanh bình trở lại.

Những sự kiện xảy ra minh chứng cho chúng ta thấy rõ rằng những ai cậy trông Mẹ sẽ không phải thất vọng và ai cầu khẩn Người sẽ chẳng về không !

Chúng ta tin tưởng vào lời Mẹ phán ở Fatima: cuối cùng nhất định Trái Tim Mẹ sẽ thắng. “Ngày đó, nước Nga sẽ trở lại và Hoà Bình thế giới sẽ ló dạng”. Việt Nam sẽ sống trong an lạc thanh bình. Ước mong ngày đó sẽ không còn xa !

Tuy nhiên có người tự hỏi: “Mẹ Trà Kiệu là Mẹ phù các giáo hữu tại sao lại để những biến cố hãi hùng như thế xảy ra nơi linh địa này ?” Câu trả lời có lẽ không khó lắm bởi những biến cố ấy xảy ra do ý muốn thong dong của loài người. Nhưng một khi xảy ra thì Mẹ đã tỏ uy quyền của Mẹ và đã cứu chữa phù hộ những ai tin cậy Người !

Mẹ Trà Kiệu là Mẹ Chiến Thắng. Xin Mẹ phù hộ cho chúng con !

Đà Nẵng, Lễ Thánh Tông đồ
Phêrô và Phaolô, 20/6/1971

Btt đp QN & ĐN số 14 Đặc Biệt về Đại Hội Thánh Mẫu Trà Kiệu Tr.16-39, 1971

Leave a Reply