Điểm Tin Cuối Tuần

Điểm Tin Cuối Tuần: Chúa Nhật XV Thường Niên – Năm A 13/7/2014

* Vatican. Đức Thánh cha trực tiếp xin lỗi các nạn nhân bị lạm dụng. Đức Thánh cha Phanxicô xin các nạn nhân bị lạm dụng tha thứ và nói với họ rằng “những hành động kinh tởm” do giáo sĩ gây ra đã bị giấu nhẹm trong một thời gian quá dài và bị che phủ trong sự đồng lõa mà không thể giải thích được”.

“Trong mục vụ của Giáo hội không có chỗ cho những ai phạm những tội lạm dụng này, và tôi cam kết không dung thứ sự tổn thương gây ra cho một trẻ vị thành niên bởi một cá nhân nào, bất kể là giáo sĩ hay không”, và tất cả các giám mục phải chịu trách nhiệm bảo vệ người trẻ – Đức Giáo hoàng nói hôm thứ Hai trong thánh lễ sáng đặc biệt cho sáu nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng. Thánh lễ và các cuộc tiếp xúc riêng tư sau đó với từng người diễn ra tại Nhà nguyện Thánh Matta, nơi Đức Giáo hoàng cư ngụ và là nhà khách của Tòa Thánh mà các nạn nhân cũng ở đó. Ngài xin họ tha thứ “vì tội bỏ qua của một số lãnh đạo Giáo hội, những người đã không phản ứng thích đáng trước các báo cáo về tội lạm dụng của giáo sĩ”. Ngài nói thêm rằng sự thờ ơ không những khiến các nạn nhân đau đớn hơn mà còn “gây hại cho những trẻ em khác đang có nguy cơ”. (ucanews.com)

* Vatican. Sứ điệp cho Ngày Quốc Tế Du Lịch 27 tháng 9. Hôm qua (11-7) Tòa Thánh đã công bố sứ điệp cho Ngày Quốc Tế Du Lịch 27 tháng 9, và khẳng định rằng ngành du lịch phải mưu ích cho các cộng đoàn địa phương trên bình diện kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần.

Sứ điệp mang chữ hý của Đức Hồng Y Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hồi Đồng Tòa Thánh cho người di cư và lưu động, nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành du lịch trong thế giới toàn cầu hiện nay. Giáo Hội muốn đồng hành với các sinh hoạt này trong giới hạn của mình, vì đây cũng là dịp tốt để rao truyền Tin Mừng. Trong Bộ luật luân lý đạo đức quốc tế, tổ chức Du lịch quốc tế nhấn mạnh rằng du lịch phải là một sinh hoạt đem lại lợi ích cho các cộng đoàn đia phương, với sự tham dự tích cực của các dân tộc vào các thiện ích kinh tế, xã hội và văn hóa một cách công bằng cũng như tạo công ăn việc làm cho dân. Điều này có nghĩa là phải có tương quan hai chiều làm giầu cho nhau. Ý niệm phát triển cộng đoàn cũng là phần của giáo huấn xã hội của Hội Thánh liên quan tới sự phát triển con người toàn diện. Trong Thông diệp “Phát triển các dân tôc” Đức Phaolô VI minh xác rằng “sự phát triển đích thật phải toàn diện, nghĩa là nhắm tới việc thămg tiến con người và toàn con người” (radiovaticana.va)

* Vatican. Sáng kiến “Tạm dừng vì Hoà bình” trong trận chung kết Cúp Bóng đá thế giới. Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá đã đưa ra một sáng kiến nhằm liên kết thế giới trong việc kêu gọi hoà bình tại các nước đang có chiến tranh bằng cách cử hành một khoảnh khắc thinh lặng trong trận chung kết Cúp Bóng đá thế giới.

Phát biểu trong ngày phát động chiến dịch này, thứ Năm 10-07, Đức ông Melchor Sanchez, Phụ tá thư ký của Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá và là Trưởng ban văn hoá thể thao, nói: “Thể thao được khai sinh cùng với các lễ hội tôn giáo. Các sự kiện thể thao là những khoảnh khắc hoà bình khi chiến tranh chấm dứt, chẳng hạn thỏa thuận ngừng bắn khi diễn ra Thế vận hội”.

Đức ông Sanchez đã nhắc lại truyền thống Hy Lạp cổ đại “ekecheiria”, hay “thỏa thuận ngừng bắn”, đã từng được áp dụng trong thời chiến nhằm cho phép các công dân đi lại an toàn để tham dự Thế vận hội.

Sáng kiến trên đây được giới thiệu tại trang web và trang Facebook của Hội đồng Toà Thánh, chỉ đơn giản là “một lời kêu gọi hoà bình”, ông Richard Rouse, một thành viên của Hội đồng cho biết.

Ông Rouse cho biết vì có rất đông người trên thế giới theo dõi trận chung kết nên “chúng tôi cho rằng sẽ là một cơ hội tốt nếu dừng lại 30 giây hay một phút để nhớ đến tất cả những ai đang đau khổ trong những cuộc chiến tranh quanh chúng ta”.

Khoảnh khắc tạm dừng đó “có thể ở đầu hay giữa trận đấu, hoặc bất cứ lúc nào”.

“Chúng tôi nhường quyền quyết định cho Ban tổ chức dành một khoảnh khắc kêu gọi hoà bình giữa rất nhiều xung đột”. (hdgmvietnam.org)

* Colombia. Công giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo ký tuyên bố chung vì hoà bình ở Colombia. Các đại diện của Công giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo ở Colombia đã ký một bản tuyên bố chung lịch sử vì hoà bình trong một buổi lễ diễn ra ngày 01 tháng Bảy vừa qua tại Toà Tổng Giám mục Bogota, Colombia.

Buổi lễ do Đức hồng y Ruben Salazar Gomez, Rabbi Alfredo Goldschmidt và Sheik Ahmad Tayel đồng chủ sự, gồm có cầu nguyện, hát và trao đổi kỷ niệm chương. Kết thúc buổi lễ ba vị đại diện đã ký một tuyên bố chung liên tôn vì hoà bình.

“Noi theo cử chỉ này, chúng tôi họp lại với nhau để cầu nguyện cho hoà bình trên toàn thế giới, nhưng đặc biệt là cho hoà bình ở Colombia”.

Về phần mình, Rabbi Alfredo Goldschmidt nói rằng cầu nguyện cho hoà bình là một cơ hội để khép lại cánh cửa hận thù và bạo lực đã kích động cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ của Colombia.

Chúng tôi thật đau khổ khi có một nhóm người phá vỡ cuộc sống trong hoà bình của cả đất nước. Điều đang xảy ra ở Colombia cũng diễn ra ở Trung Đông và ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Phó Tổng thống Colombia Argelino Garzon cũng tham dự buổi lễ và nói đó là một dấu hiệu thúc đẩy mọi người dân Colombia nỗ lực đoàn kết hơn nữa.

Cha Pedro Mercado Cepeda, phụ tá thư ký Hội đồng Giám mục Colombia, cho biết từ nhiều tháng nay các đại diện của ba cộng đồng tôn giáo đã cùng soạn thảo bản tuyên bố kêu gọi dấn thân hơn nữa để thúc đẩy hoà bình và hoà giải.

Cha Mercado nói: “Chúng tôi đang ở trên con đường của sự đa dạng –mỗi người với niềm tin khác nhau, nhìn nhận và tôn trọng niềm tin của nhau–, nhưng với những mục tiêu chung, như mục tiêu hoà bình”. (hdgmvietnam.org)

Leave a Reply