Trà Kiệu Bốn Phương

‘Về quê’ với Mẹ Trà Kiệu

joomplu:1955

‘Về quê’ với Mẹ Trà Kiệu

“Có hay về quê không?”

Câu hỏi của sự quan tâm chân tình tôi hay gặp trong những tháng năm mưu sinh ở Sài Gòn.

Lần này không phải về quê theo cách vật lý như thường hiểu tôi vẫn gặp được quê hương ngay tại đất Sài Gòn.

Cùng quê với tôi có người xa quê hơn nữa thế kỷ, vài chục năm, có người chỉ vài năm, một năm… nhưng trong ngày (12/5/2013) gặp gỡ “con cái Mẹ Trà Kiệu tại miền Nam” đều có điểm chung ‘về quê’.

‘Bữa tiệc’ giọng Quảng

Khi không còn ở giữa quê hương tôi nhận ra mình rất thích nghe giọng Quảng. Và tôi đã được ‘bữa tiệc’ giọng no nê như đang sống giữa làng, giữa giáo xứ ngoài quê trong ngày gặp gỡ. Rất ít người tôi đã biết, đa phần chỉ lần đầu, nhưng qua nét Quảng tôi nhận được tất cả như cùng làng, cũng xã.

Đặt chân vào khuôn viên nhà thờ Phú Trung tôi tự hỏi lòng, “hôm nay liệu có gặp ai ở giáo xứ mình không đây?”. Và con mắt của tôi đi tìm. Dường như Mẹ không phụ lòng mong đợi và đã cho tôi được gặp bà Huy.

Ở quê tôi gặp bà trong những lần đi lễ và chào kính trọng của một chàng trai trẻ với một bà lão trên 70 tuổi. Hôm nay được gặp bà tại nhà thờ Phú Trung (Sài Gòn) tôi thấy như bà nội mình vừa vào đây. Bà hỏi tôi về công việc, vợ con, nhà cửa… không khác một người cháu – ít ra tôi cảm nhận vậy.

Con cái Mẹ Trà Kiệu dù sinh ra ở Quảng Nam hay Đà Nẵng, tôi gọi chung ‘người Quảng’. Đã là người Quảng có ai không mê những món dân dã, đậm đà không chỉ ở khẩu vị, mà còn đậm chất quê hương như mì Quảng, cá nục hấp quấn bánh tráng, rau trộn mít non… Ngoài giọng nói khó lẫn vào đâu được, người Quảng rất dễ nhận nhau qua sở thích món ăn. Muốn tìm đồng hương cứ vào nơi bán món xứ Quảng, tìm người cùng Đức tin xem người ta tuyên xưng trước lúc ăn.

‘Hạt giống tốt’

Không có những chuyến di dân lớn như nhiều Giáo phận ngoài sông Bến Hải trong năm 1954, nhưng con cái Mẹ Trà Kiệu cộng lại cũng sẽ một cuộc đại ra đi ‘gieo giống’.

Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng thông tin trong Thánh lễ gặp gỡ con cái Mẹ Trà Kiệu tại miền Nam: Sau những năm 1970, Giáo phận Đà Nẵng có trên 100 nghìn giáo dân, nhưng đến năm 1983 chỉ còn hơn 30 nghìn người.

Con số nghe qua thật đáng buồn cho Giáo hội với bản chất truyền giáo. Vậy khoảng 2/3 trong số 100 nghìn giáo dân Công giáo của Giáo phận đã đi đâu?

Sau biến cố lịch sử sau ngày 30/4/1975 nhiều giáo dân của Đà Nẵng đã chọn cách lên Tây Nguyên, vào Đông Nam Bộ… có người tìm đường ra hải ngoại. Người viết dòng tâm sự này có niềm tin đa phần những người phải rời bỏ Giáo phận mẹ ra đi đã trở thành hạt giống rơi vào “chỗ đất tốt”. Làm cho Đức Tin của mình gấp năm, gấp bảy… gấp trăm lần qua đó thêm nhiều người nhận biết Chúa.

Không thể tránh khỏi trăn trở vì nhiều hoàn cảnh khác nhau một số con cái Mẹ Trà Kiệu như hạt giống “rơi bên vệ đường”, “vào bụi gai” và mất Đức tin. Nhưng tôi có niềm tin khi người Công giáo sống chứng nhân tốt; Giáo phận mẹ thương yêu, tổ chức ngày gặp gỡ tâm tình, đức tin, xây dựng niềm tin sẽ mang được những ‘đứa con đi xa’ trở về trong vòng tay Mẹ.

Hy vọng

Tôi thích câu hỏi đặt ra, “nên tổ chức gặp mặt con cái Mẹ Trà Kiệu tại miền Nam 5 năm, hai năm, hay mỗi năm một lần?”. Và tôi ấn tượng với sự chia sẻ, “không phải là bao nhiêu năm, mà thuộc vào nhu cầu con cái Mẹ Trà Kiệu xa quê” của Đức giám mục Giáo phận.

Khi nhu cầu của con cái Mẹ ở xa muốn có mỗi năm một lần Đức cha đã không nỡ từ chối. Con cái Mẹ Trà Kiệu xa quê dù ngày 31/5 không được về quê thăm Mẹ, nhưng hằng năm từ nay về sau sẽ được gần gũi, chiêm ngắm dung nhan rạng ngời của Mẹ trong tháng 5.

Tôi tin lo lắng của bác khoảng 70 tuổi chưa kịp nhớ tên … về kinh phí, nhân sự, tổ chức không phải việc không giải quyết được. Tôi đặt niềm tin, lo lắng trong tay Mẹ Trà Kiệu. Mẹ sẽ thúc đẩy mong ước chúng con người góp trí tuệ, người góp sức, người góp tài chính… theo khả năng của mình vào việc nâng đỡ Đức Tin.

Tôi thấy được sự thiếu vắng một môi trường nâng đỡ đức tin cho các sinh viên, trí thức, công nhân… con cái mẹ Trà Kiệu tại miền Nam qua việc chia sẻ cho đấng bản quyền. Con tin ngài sẽ không làm mất niềm tin khi các bạn trẻ đã đặt hy vọng.

Sau ngày gặp gỡ tôi suy nghĩ nhiều về sinh viên, trí thức trẻ của Giáo phận tại Sài Gòn. Nên tổ chức cho các bạn sinh hoạt thường xuyên, hay khuyến khích nên gắn với các nhóm, hội, đoàn khác trong Giáo hội đã có quy cũ phù hợp với môi trường của mình? Và các bạn chỉ cần hằng tháng gặp nhau một lần đã đủ?

Lạy Mẹ Trà Kiệu, mọi sự mới khởi đầu tuy chưa hoàn hảo, nhưng con thấy và tin đã tốt đẹp. Mẹ ơi! Mỗi năm con muốn những người xa quê như con mỗi năm quây quần về bên Mẹ một lần không là việc khó phải không Mẹ!

Đồng hành với những mong đợi của con Mẹ Trà Kiệu nhé!

Anrê Võ Ngọc Ánh

(Người con của Giáo xứ Tam Thành, Giáo phận Đà Nẵng đang sinh sống tại Sài Gòn)

 

Nguồn: giaophandanang.org

Leave a Reply