BÀI II
PHÚC ÂM HÓA TRONG TƯƠNG GIAO VỚI NGƯỜI TÍN HỮU
SỨ VỤ MỤC TỬ
(GIẢNG TĨNH TÂM NĂM CHO LINH MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG 2014
10 – 14/03/2014 tại Trung Tâm Mục Vụ GP
Phaolô Đoàn Quang Dân – Lm. Quản Xứ Trà Kiệu)
Một trong những vấn đề gây phiền hà cho Giáo Hội hôm nay là tương quan giữa giáo dân và giáo sĩ, những người được lãnh nhận bí tích truyền chức và những người chỉ lãnh nhận bí tích rửa tội (chức linh mục tín hữu). Vấn đề này phát xuất từ nhiều nguyên nhân: sự gia tăng con số tín hữu và sự giảm sút ơn gọi linh mục ở nhiều nước Âu Mỹ; người giáo dân cũng có học vị cao; tính bình đẳng giới được đề cập nhiều hơn so với sự phân biệt giữa nam và nữ như các thế hệ trước đây.
Tuy nhiên chúng ta cần trở về nguồn, nhất là với Công Đồng Vatican II. Nhưng trước đó phải kể đến Tông Thư của Đức Piô XII, Mediator Dei, nhấn mạnh đến vai trò của người giáo dân trong các cử hành bí tích: “Người giáo dân tham dự vào Cử Hành Thánh Thể không theo kiểu của các linh mục.”[1] Nghĩa là mỗi bậc đều tham gia cách khác nhau, còn Vatican II thì nói rằng “cơ bản là khác nhau và không chỉ khác ở mức độ mà thôi.”[2]
Cả văn kiện của Vatican II lẫn văn hiện Hậu-Vatican đều nhấn mạnh chức linh mục thừa tác và chức linh mục tín hữu “đều được sắp xếp theo cách thích hợp để thông chia chức linh mục của Chúa Kitô.”[3] Song gần đây hơn, trong một tài liệu được Toà Thánh công bố dưới tiêu đề Một Số Thắc Mắc Liên Quan Đến Sự Cộng Tác Giữa Người Giáo Dân Không Được Truyền Chức Linh Mục Với Các Linh Mục Thừa Tác, ấn hành ngày 13 tháng 10 năm 1997, đã cố công làm cho sự khác biệt này thêm minh bạch hơn:
“Sự khác biệt này nằm ở cách thế tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô, cơ bản là
“trong khi chức linh mục của người tín hữu được thực thi nhờ ân sủng của phép rửa tội – đời sống tin, cậy mến, sống theo ơn Chúa Thánh Thần – thì chức linh mục thừa tác là để phục vụ cho chức linh mục của người tín hữu…để rồi tất cả các Kitô hữu (giáo dân, linh mục) đều chung chia ân sủng của phép rửa tội.” Vì lẽ đó chức linh mục thừa tác “cơ bản khác với chức linh mục tín hữu vì chức linh mục thừa tác ban một quyền lực thánh để phục vụ người tín hữu.”[4]
Nói là nói vậy chứ thực ra không dễ gì làm cho chúng ta hiểu hết được sự khác biệt xét về “chủng loại” cũng như “mức độ” của hai chức linh mục này. Có người quá nhấn mạnh đến chức linh mục thừa tác mà giảm nhẹ chức linh mục tín hữu, lại có người quá coi trọng chức linh mục tín hữu khiến họ đâm ra có thái độ dị ứng với hàng giáo sĩ…Thiếu một trong hai sẽ làm cho cả Giáo Hội đau khổ. Hơn nữa gần đây trong các tuyên bố của Giáo Hội vẫn còn e ngại về việc nếu nhấn mạnh đến chức linh mục tín hữu thì sẽ có nguy cơ giảm nhẹ vai trò của linh mục thừa tác.
Để có một tiếp cận khác về sự liên hệ giữa hai chức linh mục này, xin trình bày sau đây một số quan điểm. Việc này không nhằm tách rời hai chức linh mục cũng như không có ý cho rằng chức linh mục thừa tác cao cả hơn chức linh mục tín hữu.
Nền tảng hữu thể luận[5]
Đức Gioan Phaolô II trong hai tông huấn Christifideles laici và Pastores dabo vobis viết rằng tất cả dân tư tế đều “chia sẻ thực sự – xét về khía cạnh hữu thể học – chức linh mục đời đời (của Chúa Kitô)”[6] bởi vì tất cả chúng ta “được chịu phép rửa để trở thành linh mục” (câu chữ của Cha Aidan Kavanaugh). Chúng ta thường có xu hướng quan niệm rằng chỉ linh mục thừa tác mới thực thụ là linh mục vì các vị được lãnh bí tích truyền chức. Thực ra mọi tín hữu đều được đóng ấn bí tích rửa tội đều có chung một nền tảng hữu thể học, chỉ khác nhau ở cách thế hành xử vai trò này mà thôi, cả hai đều là phần tử của cùng một hữu thể Kitô.
Một chức linh mục – Hai cách thế tham dự
Sứ vụ của người chịu chức thánh (giám mục, linh mục, phó tế) và của người giáo dân không phải là hai giòng chảy độc lập mang nước tưới cho cánh đồng của Giáo Hội mà là một phần của giòng chảy mang nước hằng sống đến cho cánh đồng ấy. Nhờ phép rửa tội, các Kitôhữu được tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô để trở thành ngôn sứ và là vua. Đó chính là quà tặng của Chúa Thánh Thần như Thomas O’Meara đã viết: “Sứ vụ của Kitôhữu là sứ vụ công khai của người được rửa tội theo chân Chúa Giêsu Kitô, được Chúa Thánh Thần ban ân sủng và hành xử cách cá nhân nhân danh cộng đoàn Kitôhữu trong việc làm chứng tá, phục vụ và đạt tới Nước Chúa.”[7]
Nói cách khác chỉ có một giòng sông là chức linh mục toả ra hai nhánh là chức linh mục thừa tác và chức linh mục tín hữu. Hai chức này cùng có chung một cội nguồn đó là các bí tích khai tâm Kitôgiáo (Rửa tội, Thêm Sức, Hoà Giải, Thánh Thể) và bình đẳng với nhau tuy có phân biệt. Đó là quà tặng của Chúa Kitô ban cho Giáo Hội và cho thế gian. Hai chức linh mục này cần có nhau và bổ sung cho nhau. Nếu chức linh mục thừa tác làm cho người lãnh nhận trở thành người lãnh đạo và làm chứng tá chính thức của Chúa Giêsu trong lòng Giáo Hội thì Ngài cũng cần tới những người đón nhận chứng từ đức tin ấy, những người biết dâng của lễ hy sinh lên Thiên Chúa qua cử hành phụng vụ và cần những người mang chứng từ đến cho thế gian. Coffey đã nói như sau:
“Linh mục thay mặt Chúa Kitô một cách bí tích vì ngài hành động một cách hữu hình và hữu hiệu để mang lại hiệu quả vô hình trong Giáo Hội, mà Chúa Kitô là đầu. Việc thay mặt này không có nghĩa là ngài làm cho Chúa Kitô trở nên hữu hình thực sự nhưng chỉ góp phần thể hiện vai trò đứng đầu, tông đồ hay lãnh đạo cho một bộ phận tín hữu hầu xây dựng thành một Giáo Hội theo nghĩa đầy đủ nhất. Không có sự hiện diện và tác vụ linh mục, các tín hữu chỉ là một nhóm người tin mà không thể tự mình đại diện cho Giáo Hội được.”[8]
Một Giáo Hội thực thụ là một tổng hợp của ân sủng và sứ vụ mà trong đó giáo dân cũng như linh mục cần có nhau và hỗ trợ cho nhau để cùng nhau thực thi ơn gọi cao quí của mình.
Chức và Quyền
Khi đề cập tới chức linh mục của hàng giáo sĩ người ta thường hay nghĩ ngay tới quyền thánh chức. Quyền này được trao ban qua bí tích truyền chức phát xuất từ Chúa Giêsu, linh mục tối cao. Một giám mục đã nói về vai trò của linh mục trong Giáo Hội như thế này: “Vấn đề quyền bính mang một ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó vừa có khả năng cơ bản để làm biến đổi, vừa có sức ngăn không cho điều này điều nọ xảy ra.”[9] Cả chức linh mục thừa tác lẫn chức linh mục tín hữu đều sở hữu thứ quyền này: quyền đem ơn cứu độ cho thế gian và biến đổi thế gian từ tội lỗi trở nên thánh thiện. Về điều này, Tân Ước đề cập đến rất nhiều. Thư Rôma 1,16: nói đến quyền năng cứu độ của Thiên Chúa: “Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do Thái, sau là người Hy Lạp.” Còn trong Tin Mừng Thánh Mátcô 10, 41-45, Chúa Giêsu cho thấy rõ người môn đệ của Thiên Chúa sử dụng quyền bính không phải vì mình mà cho người khác. Người ấy không được tìm quyền lực và danh lợi của thế gian, như hai con ông Zêbêđê, nhưng là thứ quyền của người tôi tớ theo gương Chúa Giêsu: “Con người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45).
Trong cuốn “Sức Mạnh của Tình Yêu,” tác giả Donald Goergen cho rằng khi nói về tình yêu của Thiên Chúa chúng ta phải nói về quyền năng của Ngài. Quyền năng ấy không phải là sự thống trị vốn đồng nghĩa với quyền lực của tội lỗi, nhưng là sức mạnh của tình yêu giải phóng và đưa ta đến cuộc sống tốt đẹp. Điều này cũng giải thích được tại sao Chúa Thánh Thần chính là tình yêu và sức mạnh. Nó như hai mặt của đồng xu:
“Chúa Thánh Thần là sức mạnh. Thật vậy, Ngài cho ta thấy điều thật và sức mạnh thật. Theo nghĩa này, Thiên Chúa chính là mẫu sức mạnh tối thượng. Và tội lỗi chỉ là sức mạnh giả tạo mà thôi…Tình yêu mới là sức mạnh đáng nể hơn bất cứ một sức mạnh thống trị nào. Chẳng hề có sức mạnh nào đem lại tự do mà chỉ có sức mạnh của tình thương mới đủ sức giúp ta tự chủ, làm cho tha nhân là chính họ đồng thời tạo được sự hiệp nhất.”[10]
Đây là vấn đề hệ trọng, vì dù chức hay quyền, linh mục hay giáo dân cũng phải để cho tình yêu chi phối. Mọi hoạt động và tổ chức của Giáo Hội phải làm sao xoay quanh tâm điểm này là lấy tình thương làm sức mạnh cho mình.
Quyền xét như là Sự Liên Đới và Liên Tiến
Liên Đới (Relationship)
Quyền bính trong Giáo Hội không như ở ngoài đời. “Quyền bính không phải là thứ để cho người lãnh đạo thao túng; đó là một tiến trình xảy đến bên trong một nhóm người.”[11]Nó phải được xem như là mối tương quan giữa người với người hơn là một sự chiếm hữu có tính cá nhân. Nó có khả năng làm cho cộng đoàn tiến bộ hay cũng có thể làm cho cộng đoàn ấy bị phiền toái và không phát triển nổi. Nó có thể gắn kết người với người hay có thể làm hỏng kế hoạch phát triển của cộng đoàn.
Khi nghĩ về quyền của linh mục dưới ánh sáng của quyền bính tôi thường nhớ lại lời của Đức Yoan Phaolô II trong Tông Huấn Pastores dabo vobis. Ngài cho thấy cả căn tính của Giáo Hội và của linh mục đều đặt căn bản trên mối tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi.[12] Giáo Hội là bí tích hiệp thông của Chúa Ba Ngôi giữa Cha, Con, và Thánh Thần. Linh mục là người “đước Chúa Cha gởi đến qua trung gian Chúa Giêsu Kitô…để sống và hoạt động nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần hầu phục vụ Giáo Hội và cứu rỗi nhân loại.”[13] Do vậy, quyền lãnh đạo của linh mục phải được đặt trong tương quan với các quyền bính khác và phải khơi lên được năng lực sáng tạo trong cộng đoàn Giáo Hội. Đây mới thực sự là mối hiệp thông “giàu tình liên đới.” [14]
Liên Tiến (Process)
Ông Bà Whiteheads chỉ cho thấy hình ảnh quyền bính xét như là sự liên đới có tương quan mật thiết đến một hình ảnh quyền bính khác đang đóng một vai trò quan trọng trong các khoa học xã hội đó là quyền bính xét như là một tiến trình xã hội. Nó là một “giòng chảy liên tục giữa sự cộng tác, phản biện và tranh cãi nhờ đó người trong một nhóm giao lưu với nhau.”[15] Như vậy chính quyền bính xã hội xác định những mối tương giao làm cho các phần tử của cộng đoàn gặp được nhau và giúp nhau đạt tới mục đích và thực hiện những gì mình hy vọng, biết sử dụng sức mạnh và khả năng vốn có sao cho phù hợp với ơn gọi đáng quí của mình. Về phần Giáo Hội vấn đề là phải làm thế nào để kết nối sự hiện diện và quyền năng của Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong cộng đoàn dức tin, biết biện phân quyền bính của Chúa Thánh Thần khác với các hình thức quyền bính khác đang huỷ diệt cộng đoàn.
Chức Linh Mục và Phẩm Trật
Các ân ban, thừa tác vụ và ơn gọi trong Giáo Hội đều có một tiến trình hình thành cũng giống như tiến trình xã hội hóa. Đời hay đạo cũng đều cần có những cơ cấu vận hành và tương tác lẫn nhau. Điều quan trọng là ý thức được các cấu trúc này mang tính lịch sử và tác động qua lại như thế, nghĩa là chúng liên hệ với văn hoá, chính trị và bối cảnh của Giáo Hội mà từ đó các cấu trúc này được thiết lập. Cũng cần phải biết rằng các cấu trúc của thừa tác vụ trong Giáo Hội được hình thành là nhờ ordo – một từ có nguồn gốc La-Hy – tạm dịch là phẩm trật, và từ đó ta gọi là chức linh mục.[16]
Osborne biện luận rằng nền chính trị và các tổ chức trong xã hội La-Hy đều xác định vị trí của quyền bính và các ảnh hưởng của nó. Và Giáo Hội đã đem áp dụng những nguyên tắc ấy mà tạo nên cơ cấu tổ chức của mình. Cấp “giáo sĩ” là những người lãnh đạo Giáo Hội; người giáo dân không có phẩm trật cho nên họ không được lãnh đạo. Từ sau thế kỷ thứ ba của kỷ nguyên Kitôgiáo, những vị lãnh đạo phần đời và phần đạo đều là những người cách này hay cách khác chi phối quyền lực cai trị người dân (tín hữu). Theo Osborne đây là sự thay đổi về nhận thức sứ vụ từ Tân Ước qua những thế kỷ đầu của Kitôgiáo. Từ ordo được Giáo Hội sử dụng thành một ordered theo mô hình của xã hội La-Hy. Cấu trúc chính trị và xã hội được bản thể hoá (ontologized) và thần học hoá (theologized) mà không có chiều ngược lại.
Chúng ta cần phải trở lại – theo Osborne – với thần học tin mừng về vai trò làm môn đệ của Chúa Giêsu mà thuở đó không hề có sự phân biệt giáo dân/giáo sĩ, ngay cả dưới danh nghĩa sứ vụ và quyền lãnh đạo nữa. Xác nhận điểm phát xuất thực thụ này làm nên ý nghĩa cho tính sứ vụ trong Giáo Hội. Phân tích Tin Mừng của Thánh Mátcô cho thấy Mátcô là một thành viên của cộng đoàn theo Chúa Giêsu chứ ngài không phải là người lãnh đạo của một nhóm. Môn đệ chỉ là người theo Chúa Giêsu chứ không nhất thiết phải là người tốt, giáo sĩ hay giáo dân. Cũng không thể suy diễn từ Tin Mừng của Thánh Luca mà đưa ra hai con đường theo Chúa Giêsu: một cho nhóm người không xác định danh tính và một cho những người lãnh đạo theo nghĩa “hẹp.” Trong sách Công Vụ Tông Đồ, Thánh Luca không hề cho thấy có một nhóm lãnh đạo nào trong Kitôgiáo thuở ban sơ, và cũng chẳng có chỉ dẫn rõ ràng nào về quyền lãnh đạo và cách thiết lập quyền này một cách có cơ cấu. Với Tin Mừng của Thánh Matthêu, Osborne cho rằng ngay việc nhấn mạnh một cách đặc biệt về quyền lãnh đạo trong cộng đoàn theo Chúa Giêsu và vai trò độc hữu của Thánh Phêrô, thì cũng không hề có sự phân biệt môn đệ nào hơn môn đệ nào. Trong Tin Mừng của Thánh Gioan có hai tiêu chuẩn cho sứ vụ của người môn đệ đó là đức tin và tình yêu; ngoài ra không có tiêu chuẩn nào khác kể cả địa vị, hoàn cảnh, chức quyền hay giới tính. Trong Tin Mừng của Thánh Gioan manh nha có những cơ cấu về quyền lãnh đạo song không đề cập cách thể hiện làm sao.
Osborne tìm trong các văn kiện của Công Đồng Vatican II một khởi đầu cho nền thần học về quyền lãnh đạo, là quyền thông thường và bình đẳng cho mọi phần tử trong Giáo Hội, được đặt ra trước khi đề cập đến sự phân biệt giữa giáo sĩ và giáo dân. Dân Thiên Chúa thuộc về tất cả mọi người không phân biệt họ là ai (Lumen Gentium 9). Vì thế tác giả quả quyết rằng các giám mục của Vatican II đã làm tốt vai trò lãnh đạo theo Tin Mừng. Tuy nhiên tác giả nói rằng: “khi đề cập đến vấn đề linh mục thừa tác thì Công đồng lại không có chú thích nào để làm sáng tỏ vai trò lãnh đạo của người tôi tớ trong Giáo Hội.” Tóm lại, theo thiển ý, quyền bính thực thụ trước hết và trên hết phát xuất từ sự phục vụ chứ không phải từ phẩm trật.
Quyền bính trong Giáo Hội
Phải luôn luôn nhớ rằng các cơ cấu của thừa tác vụ và quyền lãnh đạo trong Giáo Hội đều liên hệ tới mục tiêu rộng lớn hơn trong cộng đoàn Giáo Hội mà Lumen Gentium gọi là “một thứ bí tích”. Nói như Whiteheads “các bí tích chính là cơ cấu nền tảng của cộng đoàn Kitôhữu.” Do vậy các cử hành, sự hoà giải, và sự công bằng đều loan báo sự hiện diện của Chúa Kitô trong thế giới một cách mạnh mẽ vô song.
Ta phải nói làm sao về quyền bính nếu nó không được hành xử trong Giáo Hội theo đúng ý Chúa? Đâu là tiêu chí để đánh giá quyền bính Giáo Hội? Có thể nào quyền bính trong Giáo Hội lại bị ai đó hướng dẫn? Nếu quyền bính được coi như là khả năng để làm điều nọ điều kia và đạt kết quả thì quyền bính thuộc về mọi thành phần và mọi thừa tác vụ của Giáo Hội.
“Chúng ta không thể không
Sử dụng quyền hành,
Không thể thoát khỏi
Xung lực gây đau khổ cho thế giới,
Chính vì vậy chúng ta hãy thận trọng trong cách ăn nói,
Và mạnh bạo trong cách phản chứng,
Là hãy yêu thương cách mãnh liệt.”[17]
Đây chính là sứ vụ đích thực trong Giáo Hội: “yêu cách mãnh liệt.” “Thiên Chúa là Đấng quyền năng,” và “Chúa Giêsu không ngần ngại nói về quyền năng của Thiên Chúa.” Tuy nhiên khi nói về quyền và sứ vụ của Giáo Hội là chúng ta đang nói đến “quyền năng Thiên Chúa” chứ không phải của chúng ta.[18] Quyền được trao ban như là món quà, chúng ta là kẻ tiếp nhận và làm sao cho đúng ý Chúa. Thiên Chúa muốn ban sức mạnh cho ta như Ngài đã làm cho Chúa Giêsu để thắng vượt cám dỗ và giúp con người tháo bỏ những mặc nạ giả dối đang làm khuynh đảo thế giới và Giáo Hội.
Theo Nouwen có một loại “thần học về sự yếu đuối, nghĩa là một thần học được trao ban bởi thần linh…, cho cả đàn ông lẫn đàn bà, ban cho chính họ sức mạnh tình yêu để giải thoát họ khỏi sợ hãi và làm cho họ nên ánh sáng đặt trên giá đèn, giúp họ thực hiện công việc của Nước Chúa.”[19] Được thanh tẩy trong sự yếu đuối và theo Chúa trên con đường Tám Mối họ trở nên những người nghèo hèn, hiền lành, sầu khổ, đói khát công lý, nhân từ, trong sạch, xây dựng hoà bình và bị bách hại. Cả khi hoảng sợ và bất an họ vẫn không ngại liều mình để làm sao loan báo Tin Mừng và phục vụ anh chị em.
Như vậy sẽ có xung đột giữa quyền lực trần thế và quyền lực của Tin Mừng. Loại thứ nhất tương xứng với khả năng thống trị, loại thứ hai thì trái ngược: càng biết từ bỏ nhu cầu và dục vọng bao nhiêu ta càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Quyền lực Tin Mừng là thứ đem lại sự hiệp nhất thay vì gây chia rẽ, làm cho cộng đoàn lớn mạnh thay vì làm tê liệt cộng đoàn.
Cùng đích của Quyền Linh Mục
Quyền linh mục cho ai? Chúng ta hãy nhìn tới cùng đích của chức ấy. Jon Sobrino[20] chỉ cho thấy chức linh mục không chỉ hiện hữu do từ thực tế lịch sử và địa dư mà thôi, nhưng còn phát xuất do cùng đích của chức ấy, khởi đi từ những vấn nạn của thần học cơ bản và của Kitôhọc hầu “khôi phục lại cách toàn diện trận đồ đầy tranh cãi của chức ấy.”[21] Dù phát xuất từ Chúa Giêsu hay từ chúng ta, dù là linh mục thừa tác hay linh mục tín hữu, cùng đích của nó là sự cứu rỗi. Nhân loại cần được cứu và hy vọng ấy sẽ thành hiện thực. Chức linh mục được coi như một thứ trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại cần được cứu rỗi đó.
Toàn bộ vấn đề về ơn cứu rỗi và về vai trò trung gian đã và đang đạt tới một cách thế hiện hữu mới trong đời sống làm Kitôhữu. Chúa Giêsu đã thay đổi chính cách suy nghĩ của chúng ta về vấn đề này như được trình bày trong Thư Gởi Tín Hữu Do Thái. Chức linh mục trong Cựu Ước giống với các tôn giáo phi Thánh Kinh nhằm đáp ứng nhu cầu cần được liên lạc giữa con người tội lỗi với Thượng Đế . Vấn đề của các tín đồ của các tôn giáo này là làm sao đến càng gần Thượng Đế của mình càng tốt qua các nghi lễ, những hy sinh, những tế vật và sự thanh tẩy. Các linh mục – là nam hay nữ trong một số các tôn giáo – chỉ là trung gian mà thôi.
Trong Tân Ước, chức linh mục trong vai trò tế tự không còn được đề cao nữa bởi vì không cần thiết. Ơn cứu độ không còn được suy luận theo nhãn quan cũ vì Thiên Chúa cứu độ con người trong Ngài và tự Ngài. Thiên Chúa ngày càng đến gần con người hơn, mạc khải cho họ sự gần gũi, một khoảng cách thần linh. Thánh Phaolô nhấn mạnh ơn cứu độ không cần phải đạt được qua các việc làm của linh mục nhưng do ân ban một cách tự do của Thiên Chúa. “Một ân ban vô điều kiện, bất khả tiếp cận (của Thiên Chúa), không lệ thuộc ý muốn của con người.”[22]
Như vậy chỉ có một trung gian duy nhất là trung gian của Chúa Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài kết nối Thiên Chúa đang-đến-với-nhân-loại và nhân loại nhận ra và đáp lại sự xuất hiện của Ngài. Một Thiên Chúa đang đến cứu nhân độ thế và một nhân loại đang cần ơn cứu độ và tin vào. Ngài cứu cả nhân loại phải được hiểu là Ngài đang cứu từng phần chứ không có cách nào khác hơn.[23]
Vậy hiện tại, đâu là chỗ đứng của chức linh mục? Thưa đó là chỗ đứng của Chúa Giêsu, và nơi Chúa Giêsu “tất cả đều là linh mục.”[24]
Hai cách thế hiện hữu của chức linh mục
Là linh mục hay giáo dân cả hai đều là những người đi theo Chúa Giêsu Kitô và thực thi giới luật yêu thương. Mỗi người đều phải trở nên người Samaritanô nhân hậu, người cha của đứa con phung phá, là Chúa Giêsu trên thập giá thật lòng yêu mến con người cho đến đỉnh điểm của hy sinh, hầu diễn đạt lòng yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa. Cả hai đều có liên hệ với thế giới và với nhau. Có khác chăng là ở trong Giáo Hội người này (linh mục) hiện hữu cho người kia, người này nhân danh người kia (giáo dân) mà vẫn làm thành thân thể của Giáo Hội của Chúa Giêsu là Đầu.
Peter Fink, S.J. cho rằng “chức linh mục thừa tác là chức linh mục cho người nhận lãnh phép Rửa tội và chức linh mục của người được rửa tội là chức linh mục cho người lãnh nhận bí tích truyền chức.”[25] Có sự khác nhau trong tương quan của hai chức này kiểu như sự khác nhau cơ bản giữa chồng và vợ trong mối giây hôn nhân: “Chồng là chồng của vợ; và vợ là vợ của chồng.” Không khác biệt trên bình diện nhân phẩm và sự thánh thiện, nhưng bổ trợ cho nhau.
Các giám mục và linh mục thực thi sứ vụ và quyền bính của mình bên trong Giáo Hội theo đặc sủng và theo vai trò lãnh đạo cộng đoàn. Các ngài triệu tập và hướng dẫn cộng đoàn để cầu nguyện và cử hành các bí tích nhân danh Chúa Kitô. Các ngài làm sáng tỏ vai trò và sự hiện diện của mình qua những hoài bão cũng như các cơ hội để chứng tỏ ơn gọi của các ngài là hiến dâng đời mình cho những giá trị siêu việt của Tin Mừng.
Về phần giáo dân, họ thực thi chức vụ của mình không chỉ bằng việc tham dự các cử hành phụng vụ và xây dựng cộng đoàn Kitôhữu, nhưng còn phải làm sao để đời sống Kitô của mình hiện diện trong thế giới, trong gia đình và cộng đoàn qua việc họ hy sinh làm chứng cho đức tin, đức cậy và đức ái được hướng dẫn, khích lệ và dưỡng nuôi bằng Lời Chúa. Trong gia đình họ hy sinh và yêu mến con cái trong vai trò cha mẹ; trong cộng đồng xã hội như người thân cận; trong đất nước họ là công dân; cho thế giới hoà bình và công lý họ là những con người. Hạt nhân của chức linh mục tín hữu là bắt chước Chúa Kitô, vì lẽ đó mà họ được lãnh nhận phép rửa tội.
“Khác nhau cơ bản của hai chức linh mục hệ tại mỗi chức đều được Chúa ban mà phải lệ thuộc lẫn nhau.”[26]
Thừa tác vụ linh mục: một sứ vụ đầy quyền uy
Chúng ta có thể nói như vậy bởi vì một khi được chọn gọi và trao ban thánh chức, linh mục cũng được ban cho đặc ân lãnh đạo cộng đoàn trong một Hội Thánh có phẩm trật. Ngài hành động như “kẻ có uy quyền” nhân danh Chúa Kitô. Kẻ có uy đó được trình bày dưới đây bằng một số hạn từ quen thuộc.
Là người chủ sự/ người điều phối (presider/coordinator)
Cách diễn tả hay nhất về linh mục đó là người điều phối và có trách nhiệm về đời sống bí tích của một cộng đoàn địa phương. Ngài cổ võ, khích lệ các hoạt động của giáo dân, giúp họ khám phá ra các đặc sủng mà họ chưa biết, thúc giục họ tin tưởng vào các đặc sủng ấy, hướng dẫn họ khi có nguy cơ đe doạ sự hiệp nhất trong cộng đoàn. Với vai trò này các linh mục là đầu, là người lãnh đạo cộng đoàn liên kết với chức linh mục duy nhất và đời đời của Chúa Kitô.
Là chủ sự trong các cử hành phụng vụ, linh mục là biểu tượng trong và cho cộng đoàn. Theo truyền thống của Giáo Hội biểu tượng này minh thị Chúa Kitô là Đầu, là Đấng Thánh và là người lãnh đạo. Vai trò lãnh đạo thánh thiện này được Mary Ann Jordan, nhà tâm lý trị liệu tại Đại học Fordham diễn tả:
“Là con người, chúng ta phải cần đến một người chủ sự được truyền chức
– một linh mục – người có thể trở thành biểu tượng cho thiện ích chung
của niềm tin và các giá trị, cho kinh nghiệm về Thiên Chúa siêu việt trên các giới hạn của con người…Tắt một lời, chúng ta cần có một người có thể tiêu biểu cho một thực tại vượt thời gian và không gian.”[27]
Người làm nhớ lại (rememberer)
Khi cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, linh mục làm ta nhớ lại câu chuyện về Chúa Giêsu trong phần phụng vụ Lời Chúa, và tái diễn lại cái chết và sự sống lại của Ngài: “hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.” Mỗi thánh lễ nhắc nhở ta về những gì Chúa đã làm cho ta và những gì ta phải làm cho tha nhân. Bí tích truyền chức thánh còn được gọi dưới danh nghĩa là bí tích làm cho cộng đoàn Kitôhữu sống sứ vụ tưởng nhớ (ministry of memory). Chúa Giêsu lập chức linh mục để các vị trở nên những “người giữ lửa” cho cộng đoàn.
Khi linh mục dạy giáo lý cho trẻ em, cử hành các bí tích, gặp gỡ huấn đức cho người lớn, giảng tĩnh tâm, thăm viếng bệnh nhân, hoạt động cho hòa bình và công lý chính là lúc ngài nhắc lại cho con người – qua Thánh Kinh và Thánh Truyền – những gì mà Thiên Chúa đã và còn đang thực hiện cho họ. Các ngài làm sống lại những trải nghiệm đức tin mà Thiên Chúa đã ban cho dân Ngài khi cùng với giáo dân cử hành việc tưởng niệm chính con người, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Đây còn là một hình thức khác của quyền lãnh đạo.
Người nghệ sĩ (artist)
Khi nói chuyện với sinh viên tại Học Viện Thần Học Margaret Beaufort ở Cambridge về sự khủng hoảng của căn tính linh mục, nữ thần học gia Vicky Cosstick đến từ Luân Đôn đưa ra hình ảnh linh mục là một người nghệ sĩ. Bà nói: “linh mục cần phải là ‘một thi sĩ của dân Chúa,” một người nhìn thấy những điều kỳ diệu nơi con người và nơi vạn vật.” [28] Bà trích lời của linh mục John O’Donoghue, người Ái Nhĩ Lan như sau:
“Ý hướng tính của chức linh mục không phải làm đem đến cho con người điều mà họ thiếu hay điều mà chính ngài được ban cách đặc biệt; còn hơn thế nữa, linh mục cần nỗ lực khơi lên nơi con người để họ biết mình là ai. Chức linh mục được chờ đợi để khơi dậy cội rễ, sự hiện hữu, khả năng và khát vọng của cái tôi là ai .Là nghệ sĩ thực thụ không phải là người chế ra từ ngữ, vật liệu, màu sắc hay âm thanh nhưng là người được coi là có khả năng đem lại cho ơn gọi nghệ sĩ của mình những xung động. Ở đây sự tưởng thượng và thần tính (divinity) là những người chị của nghệ sĩ. Vì vậy, chức linh mục đích thực đòi buộc phải đánh thức trí tưởng tượng như là con đường đưa chức linh mục ấy đến tầm vóc đời đời. Một linh mục là một nghệ sĩ của sự vĩnh hằng.”[29]
Người mục tử chăn dắt dân Chúa (pastor of pastoring People)
Người mục tử, cụ thể là linh mục quản xứ, phó xứ là người đưa ra các sáng kiến để tổ chức và cổ võ những sinh hoạt trong cộng đoàn, xứ đạo. Không chỉ các ngài mà còn cùng với giáo dân làm cho những nén bạc Chúa giao sinh lợi trong cả giáo xứ. Các ngài phải tìm cách giúp giáo dân ý thức tầm quan trọng của việc chia sẻ niềm tin, chia sẻ những ơn huệ mà họ nhận lãnh hầu làm phong phú thêm chức linh mục tín hữu nơi họ. Là chủ sự, là đầu dẫn theo đoàn tín hữu liên kết và cộng tác với mình, các linh mục trở thành một hình ảnh mới trong Giáo Hội và thực hiện chức năng “là Giáo Hội” (being Church). Linh mục không quan tâm và điều hành các nhóm nhỏ trong giáo xứ, họ sẽ chết hay không thể vươn cao khỏi đất. Không có sự sống nơi cộng đoàn mọi sự rồi chẳng đi đến đâu.
Kết luận
Những suy tư trên dẫn ta đến kết cục này, là linh mục thừa tác tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô bằng một vị trí không thể thay thế được. Tuy nhiên điều này chỉ có thể khi ngài thực thi chức vụ ấy bằng việc phục vụ chức linh mục của người tín hữu vốn thuộc về cả hai trong tư cách là người môn đệ của Chúa Kitô. Ngài làm đầu để dễ dàng hướng dẫn thân mình, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Pastores dabo vobis: “Các linh mục có đó để phục vụ đức tin, niềm trông cậy và đời sống bác ái của người tín hữu.” Ngài thực thi sứ vụ qua việc loan báo Tin Mừng, cử hành các bí tích và xây dựng cộng đoàn. Ngài có đầy đủ sức mạnh của tình yêu và của Tin Mừng. Sức mạnh này được trao ban cho Giáo Hội và cũng được trao cho ngài. Khi linh mục làm tốt, người tín hữu sẽ khám phá được chính chức linh mục thánh thiện của họ và sức mạnh của Chúa Kitô trong họ.
+++
[1] Đức Piô XII, Mediator Dei 82.
[2] Lumen Gentium 10.
[3] Ibid.
[4] Những Nguyên Tắc Thần Học 1, Origins 27:24 (27 Tháng Mười, 1997) 400-1.
[5] Tự Điển Webster’s New World Dictionary 1994 định nghĩa Hữu Thể Luận là ngành học luận vể bản chất của cái “có,” của thực tại, cũng như yếu tính của cái đang hiện hữu.
[6] Đức Yoan Phaolô II, Pastores dabo vobis, chương II, số 13.
[7] Thomas O’Meara, Theology of Ministry (New York: Paulist Press, 1983), 142.
[8] David Coffey, “Common and Ordained Priesthood,” Theological Studies 58 (Tháng Sáu 1997) 233-4.
[9]Giám Mục Robert Morneau, “Roles of the Presbyteral Leader,” National Federation of Priests’ Councils, April 21-24,1997.
[10] Donald Goergen, The Power of Love: Christian Spirituality and Theology (Chicago: Thomas More Press,1979) 252-53.
[11] James and Evelyn Whitehead, The Emerging Laity: Returning Leadership to the Community of Faith (Garden City, NY.: Doubleday, 1988) 36.
[12] Pastores dabo vobis, số 12.
[13] Ibid.
[14] Ibid.
[15] James and Evelyn Whitehaed, Ibid., 39.
[16] Kenan Osborne, Ministry: Lay Ministry in the Roman Catholic Church, Its History and Theology (New York: Paulist Press, 1993) 594-595. Phần này trình bày theo các phân tích của sách đã dẫn.
[17] Rollo May, Power and Innocence: A Search for the Sources of Violence (New York: Norton, 1972) 242.
[18] Henri Nouwen, The Path of Power (New York: Crossroad, 1995) 34.
[19] Ibid., 36.
[20] Jon Sobrino, The Priciple of Mercy (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1994).
[21] Ibid., p.108.
[22] Ibid.
[23] Ibid., 114.
[24] Ibid., 115.
[25] In Robert J. Wister, ed., Priests: Identity and Ministry (Wilmington, Del.: Michael Glazier, 1990) 74.
[26] Ibid., 79.
[27] Mary Ann Jordan, “Liturgical Presidency: Symbol in Crisis,” Assembly 17:1 (November 1990) 503.
[28] Unpublished presentation given on May, 1998.
[29] John O’Donoghue, “The Priestliness of the Human Heart,” The Way, in the Supplement 83 (Summer 1995).