BBT: Nhân dịp trang gpquinhon.org có đăng bài Án xin phong thánh cho Các Vị Tử Đạo Giáo Phận Qui Nhơn từ năm 1859-1862, trong đó ở mục III có nhắc đến: Giacôbê Tuyên, thầy chức nhỏ, thuộc xứ Trà Kiệu (Quảng Nam). Để thêm phần thông tin, chúng tôi xin trích đăng phần nói về thầy Giacôbê Tuyền từ Tập sách Đức Mẹ Trà Kiệu của các tác giả Jos. M. PCĐ và Matheo LVT.
Năm 1844 Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI ra sắc chỉ phân chia Giáo Hội Đà Trong làm thành 02 Giáo phận, đó là Giáo phận Quy Nhơn do Đức Giám mục Cuénot Thể và giáo phận Sài Gòn do Giám mục Lefèbvre quản nhiệm. Trong thời kỳ này vua Tự Đức đã ra nhiều chiếu chỉ cấm đạo, nhiều cơ sở tôn giáo bị phá hủy và hàng ngàn người (phần lớn là ở Giáo phận Quy Nhơn) đã bị giết. Đức Cha Cuénot Thể và thầy Giacôbê Tuyền cũng được diễm phúc tử đạo vào thời kỳ này.
Thầy Gacôbê Phạm Tuyền sinh vào khoảng năm 1837 tại Giáo xứ Trà Kiệu trong một gia đình đạo đức lâu đời.
Trong tập Mémorial Mission de Quy Nhon số 53 ngày 24/5/1909 nơi trang 86 có ghi như sau:
“Khi cậu Giacôbê Tuyền được 13 tuổi, thì Cha Triết (lúc đó còn là thầy sáu Triết) thấy cậu đạo đức, thông minh, lanh lợi và nhất là hiền hậu, nên đã đưa vào Tòa Giám mục Quy Nhơn để theo hầu Đức Cha ( Đức Cha Cuénot Thể). Ít lâu sau Đức Cha gởi cậu qua học ở Chủng viện Pinăng (Mã Lai). Sau 7 năm thì Đức Cha đòi về lại Quy Nhơn mà phong cho thầy 4 chức một lần (Acolytho) và thầy lại theo giúp Đức Cha, cho đến khi thầy bị bắt một lần với Đức Cha Thể tại Gò Bồi, Gò Thị“.
Hôm đó vào ngày Chúa Nhật 24/10/1861, quan quân bất thình lình kéo đến bao vây nhà bà Lựu ở Gò Bồi, Gò Thị, Bình Định. Đức Cha Thể, thầy Tuyền và một chủng sinh đã kịp trốn xuống hầm ẩn nấp, nhưng đồ lễ chưa kịp cất giấu còn để lại trong nhà, nên quan quân biết chắc rằng ở đây đang có “Tây dương đạo trưởng” ẩn núp, vì thế họ vừa quyết tâm vây giữ để bắt cho được Tây dương đạo trưởng, vừa khủng bố tra tấn người nhà rất khủng khiếp.
Đức Cha Thể và thầy Tuyền đã ở trong hầm được 02 ngày 1 đêm, nhưng phần vì quá khát nước (không ai tiếp nước được), phần vì thấy quan quân tra tấn người nhà quá tàn bạo, nhất là họ sẽ không chịu bỏ đi nếu chưa bắt được ngài, vì thế mà Đức Cha cũng như thầy Tuyền tự lên nộp mình cho quân lính.
Đức Cha bị nhốt riêng trong một cái củi và chuyển ngay về tỉnh đường (Bình Định) giam giữ. Phần vì đói khát, cực nhọc phần vì bị bệnh kiết lỵ nên ngài qua đời vào ngày 14/11/1861, thọ 61 tuổi, sau 34 năm ở Việt Nam. Ngài được Giáo hội phong Á Thánh vào năm 1900 và phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.
Riêng về thầy Tuyền cũng bị điệu về tỉnh đường Bình Định giam giữ cùng với chủng sinh Giuse Nghiêm, bà Madalena Lựu, ông Joachim Kim Quả. Trong những ngày giam giữ ở đây, thầy Tuyền cũng như các đồng đạo khác bị đánh đòn, tra tấn liên tục, nhưng tất cả đều cam chịu không ai bỏ đạo. Tra tấn gông cùm cũng không lay chuyển, các quan lại dùng chính sách mềm dẻo, dụ dỗ, dọa nạt để buộc phải xuất giáo, nhưng các ngài vẫn một mực trung kiên theo Chúa. Suốt ngày các ngài đọc kinh, lần chuỗi Mân Côi và gẫm đàng Thánh Giá để xin Chúa và Mẹ đỡ nâng, dầu cho quân lính có can ngăn, la mắng cũng chẳng ngại gì.
Sau một thời gian giam giữ để chờ án lệnh, thì đến khoảng tháng 12 năm 1861 triều đình Huế mới ban lệnh “trảm quyết”. Khi án lệnh về đến tỉnh đường Bình Định thì người ta chuẩn bị cuộc hành quyết các ngài.
Hôm đó là ngày 27 tháng 3 năm 1862 (tức là ngày 27/2 năm Nhâm Tuất nhằm năm Tự Đức thứ 15). Thầy Tuyền, bà Lựu, ông Quả, chú Nghiêm được quan quân điệu ra pháp trường. Hình ảnh bà Lựu vừa cho con bú vừa đi đến pháp trường đã khiến nhiều người thương tâm và thốt lên: thật là lạ lùng. Trước khi bị đao phủ chém đầu bà còn ôm hôn con trẻ rồi giao lại cho bà mẹ già. Thầy Tuyền cùng ông Quả, chú Nghiêm cũng đều bị chém đầu với bà Lựu tại Gò Chàm, Bình Định (décapités à Gò Chàm).
Đến năm 1904, tòa Giám mục Quy Nhơn đã làm thủ tục điều tra và lập hồ sơ xin phong chân phước (Á Thánh) cho thầy. Trong danh sách xin phong chân phước này gồm có 20 vị, trong đó có thầy Tuyền, chú Nghiêm, bà Lựu, ông Quả cùng 16 vị anh hùng tử đạo khác.
Mặc dù cho đến nay, hồ sơ xin phong Á Thánh của thầy và những vị đồng đạo chưa được Giáo Hội cứu xét, nhưng thực sự thầy đã anh dũng hy sinh chính sự sống đang xuân của mình để làm chứng cho Đức tin, để nói lên tinh thần trung kiên và tình yêu Chúa tuyệt vời.
Năm ngài hiến tế máu đào để làm chứng đức tin (1862) cũng là năm Giáo xứ Trà Kiệu chúng ta bắt đầu bước vào một giai đoạn ổn định để phát triển, giai đoạn được Chúa và Mẹ chăm sóc đặc biệt qua tay các thừa tác vụ của Ngài.