TTTM Trà Kiệu

Hội Thảo “Giáo xứ với việc Tân Phúc Âm hóa” Dịp Đại Hội Đức Mẹ Trà Kiệu 30/5/2015

Song hành với những việc đạo đức đang được thực hiện ở nhà thờ Núi, thì tại nhà thờ trên cũng có những hoạt động đạo đức khác được thực hiện. Những “con chiên” chưa ngoan hiền cũng đang khe khẽ đến thưa với “chủ đàn chiên” những lời thống hối, để rồi sau những lời yêu thương, tha thứ… “chiên con” hớn hở trở về với sự an bình trong mỗi tâm hồn và quyết từ nay không ương bướng, quấy phá, lạc lối nữa.

Một sự kiện cần phải nhắc đến trong sáng nay, ở tại sân nhà thờ Chính, đó là hội thảo về chủ đề: “Giáo xứ với việc Tân Phúc Âm hóa” với thành phần tham dự là thành viên Hội đồng Mục vụ các giáo xứ, giáo họ trong Giáo phận, Tu sĩ, Chủng sinh, Ban Chấp hành các Đoàn thể, Ban Ngành cấp Giáo phận và cấp giáo xứ, giáo họ, Giáo lý viên… Hội thảo bắt đầu lúc 09h30 và được điều hành, dẫn dắt bởi Đức Cha Giuse – Giám mục Giáo phận nhà, Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long – Giám mục phụ tá Giáo phận Hưng Hóa, cũng là vị chủ chăn thân thuộc của giáo phận, cũng như của giáo xứ Trà Kiệu và phần chia sẻ của vị tông đồ giáo dân Gioan Lê Quang Vinh, người con viễn xứ của giáo phận nhà.

Mở đầu hội thảo, Đức Cha giáo phận cùng cộng đoàn dân Chúa chào đón Đức Cha phụ tá giáo phận Hưng Hóa bằng tràng pháo tay nồng nhiệt và bằng những lời nói thấm đẵm tinh thần huynh đệ. Sau đó ngài mời gọi mọi người cùng chiêm ngắm lại cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên như được mô tả trong sách Công vụ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42)  và chia sẻ một vài nội dung chính yếu trong bức thư mục vụ của Hội đồng Giám Mục Việt Nam gởi cho cộng đoàn dân Chúa trong năm Tân Phúc Âm hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến, đó là:

  • Giáo xứ phải là cộng đoàn “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”, nghĩa là tham dự Thánh Lễ và cử hành phụng vụ.
  • Giáo xứ phải là cộng đoàn “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy”. 
  • Giáo xứ còn là cộng đoàn “luôn luôn hiệp thông với nhau”, giữa linh mục và giáo dân cũng như giữa giáo dân với nhau. Sự hiệp thông trong cộng đoàn được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ.

Trong vai trò Chủ tịch ủy ban loan báo Tin Mừng của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long đã chia sẻ với cộng đoàn tham dự những thao thức của ngài trong công cuộc truyền giáo hiện nay tại Giáo hội Việt Nam. Lược qua số liệu thống kê thu thập được, ngài đưa ra các nhận định:

  • Tỷ lệ người công giáo so với dân số cả nước xem ra không tăng mà lại suy giảm
  • Số người theo đạo không tương xứng với số nhân sự lo việc truyền giáo. Nếu cộng số linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên trong cả nước hay trong một giáo phận, ta sẽ thấy kết quả này là khá nhỏ bé. Nhiều giáo phận có số người theo đạo rất thấp. Vậy ai là người loan báo Tin Mừng? Các linh mục, tu sĩ có bao giờ suy nghĩ về hiệu quả truyền giáo và thay đổi cách thức truyền giáo không ? Giáo dân có tích cực tham gia vào công cuộc này không ?
  • Nhìn vào Giáo Hội Tin Lành ở Việt Nam, hay nhìn sang Giáo Hội Hàn quốc, ta phải ngạc nhiên đến thán phục sự tăng trưởng của họ. Cùng trong một đất nước, hay trong một khu vực, có những điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, nếp sống, nhất là niềm tin kitô, vậy mà ta với họ khác nhau một trời một vực.

Với những nhận định này, không phải để mọi người ngã lòng hay bi quan, nhưng là để chấn chỉnh và thăng tiến. Giáo hội phải “hoán cải mục vụ”, duyệt xét lại điều gì chưa đúng, và đổi mới cách nghĩ cách làm. Sau đó, ngài gợi ý một số điểm mà Giáo hội và mỗi người cần xem xét lại và định hướng cho đúng:

  • Trước hết, vẫn là quyết tâm không ngừng thực thi sứ mệnh Chúa giao: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Vững tin rằng trong sứ vụ truyền giáo, Chúa luôn hiện diện, đồng hành và nâng đỡ Giáo Hội.
  • Thứ hai, đáp ứng lệnh lên đường của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài lặp lại nhiều lần rằng Giáo Hội phải đứng dậy, mở cửa, ra đi, đến với mọi người mọi nơi.
  • Thứ ba, chúng ta còn loay hoay dồn nhiều công sức vào việc xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức những cuộc lễ hoành tráng, tốn phí nhiều, trong khi việc xây dựng và củng cố các đền thờ tâm hồn vẫn còn bị lơ là. Nhân lực, vật lực dành cho việc xây cất và tổ chức lễ lạc thì nhiều, mà dành cho việc loan báo Tin Mừng thì quá ít.
  • Thứ bốn, người giáo dân Việt Nam vẫn còn thụ động, lo giữ đạo phần mình, mà không mạnh dạn dấn thân cho việc loan báo Tin Mừng như anh em Tin Lành và Công giáo Hàn quốc đang làm. Truyền giáo là bổn phận của mọi tín hữu, chứ không phải của riêng ai. Chúng ta cần học hỏi sự hăng say nhiệt tình, tận dụng mọi cơ hội để rao giảng Đức Kitô, dù bị chống đối, khước từ. Bản chất của Tin Mừng là phải được loan báo. Một người có niềm vui thì khó mà giữ kín, thế nào cũng phải nói ra, chia sẻ cho người khác biết. Vậy, nhận biết Tin Mừng mà giữ riêng cho mình là ích kỷ, thiếu trách nhiệm.
  • Thứ năm, ta dễ trương khẩu hiệu “Hãy đi loan báo Tin Mừng”, rồi chẳng làm gì hết ! Phải có kế hoạch thực tiễn cho việc truyền giáo. Giáo Hội Hàn quốc, chẳng hạn, đề ra phương cách : Mỗi tín hữu kết thân với một người ngoài công giáo ; mỗi gia đình có đạo kết nghĩa với một gia đình lương dân, để qua sự tiếp xúc thân tình, chia sẻ vui buồn, giới thiệu Chúa cho họ. Nhờ vậy mà Giáo Hội Hàn quốc tăng trưởng mạnh.
  • Thứ sáu, hiểu biết phải đi đôi với việc làm. Để loan báo Tin Mừng, người tín hữu cần hiểu biết và xác tín vào Tin Mừng, mới có thể giới thiệu cho người khác. Một điều hiển nhiên là nhiều người công giáo chẳng biết Tin Mừng, hoặc biết sơ sài, thậm chí hiểu sai, thì làm sao mà loan báo được. Nhiều gia đình cái gì cũng có, mà cuốn Tin Mừng thì lại không. 
  • Thứ bảy, Hội đồng Giám Mục Việt Nam trong Thư Mục Vụ 2015 nhắc nhở rằng việc tân-phúc-âm hóa đi đôi với việc học hỏi giáo lý. Nhiều nơi đã có những cố gắng trong việc trang bị kiến thức đạo cho thanh thiếu niên. Tuy nhiên, số người không nắm vững giáo lý còn nhiều lắm.
  • Thứ tám, người loan báo Tin mừng phải vui tươi. Một kitô hữu mà lúc nào cũng buồn phiền, sống đạo mà như một gánh nặng, miễn cưỡng tham dự thánh lễ Chúa nhật, thì làm sao thuyết phục người khác rằng mình đang dạt dào niềm vui sống đạo.
  • Thứ chín, không biết năm Phúc-Âm hóa đời sống gia đình vừa qua có còn âm hưởng gì nơi các gia đình công giáo chăng ? Đúng là trước khi đem chuông đi đánh cho người khác nghe, thì đánh cho người trong nhà nghe đã ! Nói thế là bởi vì có gia đình mà cha mẹ giữ đạo còn con cái thì không, hoặc cha bỏ, mẹ giữ, và con cái thì mặc kệ, chẳng ai thúc giục bảo ban nhau, chẳng ai lấy làm điều tiếng gì ! Đạo không phải là chuyện của cá nhân, mà còn của mọi phần tử trong gia đình, những người sống chung một mái nhà, chung mọi sự mà niềm tin thì lại riêng rẽ.

Nội dung cuối của buổi hội thảo là phần chia sẻ của thầy Gioan Lê Quang Vinh. Với những hiểu biết phong phú của mình, thầy chia sẻ những khái niệm liên quan đến truyền giáo (truyền giáo là sự say mê Đức Giêsu, say mê dân Thánh của Ngài; truyền giáo là chia sẻ niềm hy vọng với người khác; truyền giáo phải xuất phát từ Chúa Giêsu; niềm hy vọng lớn lao là chiếm hữu được Chúa Giêsu…) và những câu chuyện đời thường, dí dỏm, hóm hỉnh…  liên quan đến việc thực thi sứ mệnh truyền giáo.

Hội thảo kết thúc sau 2 giờ đồng hồ và rõ ràng còn biết bao nhiêu điều cần phải suy nghĩ, thao thức và thực hiện. Nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chỉ bảo để mỗi người chúng con với những “nén bạc” được giao phó, chúng con biết sử dụng và đem lại những lợi ích thiêng liêng cho chính bản thân, cho Giáo hội dù cho ‘con đây sẽ phải thiệt thân’, bởi chúng con tin tưởng: chiếm hữu được Chúa là chiếm hữu được thiên đàng, “Có Chúa là có tất cả”.

 

Leave a Reply