huong_nghiep.JPG - 319.5 kb
Trên Vấn Đề Hướng Nghiệp

Số 1.1. Bối Rối Của Người Trẻ Giữa Các Giá Trị

GIỚI THIỆU

 huong_nghiep.JPG - 319.5 kb

Nội dung Phần I gồm có:

 Giới Thiệu

Quẳng Gánh Lo Đi Và Xem Truyền Hình Thực Tế

Con Lạc Đà Chui Qua Lỗ Kim

Người Nghệ Sĩ Dương Cầm

Thuở nhi đồng, mỗi sáng Chủ Nhật đến nhà thờ, suy nghĩ non nớt của tôi chỉ mong được như mấy anh chị lớn, không phải học Giáo lý trước giờ Thánh lễ. Lớn thêm, tôi tự hỏi liệu tôi có là người tín hữu nếu như không sinh ra trong một gia đình Công giáo? Lúc này, cách nghĩ Kitô giáo đã là phần cơ bản trong con người tôi, nên tôi trả lời mình rằng: “Đó là một hồng ân”. Tuy nhiên, nơi sâu xa, tôi không dám đối diện với tiếng vọng lại rằng: Tôi đã không được tự do khi chọn lấy giá trị sống cho mình ngay từ đầu.

Bây giờ, khi vào đời một chút, tôi hiểu ra, sự bổ túc cho câu trả lời ở trên thật đơn sơ. Có muôn vàn khía cạnh tuyệt đối cơ bản của cuộc sống không cho phép chúng ta chọn lựa: phái tính, cha mẹ, màu mắt, tính tình, tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Cho nên, việc được nuôi dưỡng trong một môi trường Kitô giáo không phải là một thiệt thòi, vì dù muốn dù không chúng ta cũng sẽ mang lấy một giá trị nào đó của môi trường xung quanh, cả tốt lẫn xấu, những điều mà chắc chắn không phải do chính chúng ta tự chọn ngay từ đầu. Vậy nên, thật tốt nếu đứa trẻ được định hướng bởi một nền tảng giá trị tốt lúc còn thơ.

Vấn đề đến đây đặt ra, xã hội ngày nay mở hơn, chúng ta cũng tiếp xúc (sinh hoạt) với nhiều “giá trị” hơn: cái hợp lý, cái hợp thời, cái na ná hoặc đối lập với văn hóa Kitô giáo… Thêm nữa, “tinh thần tự do” của thời đại dường như độc tài đòi buộc tất cả mọi người phải bao dung với mọi tư tưởng đó, phải thật sự thừa nhận rằng không có một giá trị đạo đức nào là cao nhất- tất cả đều ngang nhau. Những điều này kết hợp lại làm cho chúng ta cảm thấy bối rối: Điều gì đang diễn ra xung quanh? Đâu Kinh Thánh diễn tả thực tại cách chúng ta nghĩ? Đâu là điểm chính yếu trong nhân sinh Kitô giáo? Nội dung kỳ một, dưới cách nhìn cá nhân, tôi chọn lọc những bài viết hay để cố gắng đưa ra giải đáp cho những câu hỏi trên.

 


Cuộc sống đang diễn ra:

QUẲNG GÁNH LO ĐI VÀ XEM TRUYỀN HÌNH THỰC TẾ

 Đặng Hoàng Giang

 

Gần đây, báo chí đã ta thán khá nhiều về sự nhạt nhẽo và tình trạng bão hòa của các show truyền hình thực tế ở Việt Nam, và kêu gọi xã hội cần “tỉnh táo”. Điều mà nhà phê bình Neil Postman từng cảnh báo: “Khi dân chúng bị sao nhãng bởi những điều tầm phào, khi đời sống văn hóa được tái định nghĩa thành một cuộc giải trí vĩnh cửu, khi những hội thoại nghiêm túc trở thành cái bập bẹ của trẻ nhỏ”, đang thành một hiện thực đáng buồn.

Sau nhiều năm làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ, vị trí thống trị của phim tập Hàn Quốc đang bị lung lay. Thách thức tới từ truyền hình thực tế.

 

Vỏ vô hại, ruột tầm phào

Tuy đa dạng nhưng các chương trình này có một điểm chung cơ bản: thay vì cần tới diễn viên chuyên nghiệp và một kịch bản cầu kỳ, người ta để công chúng thi thố với nhau trong một chuyện gì đó. Chỉ trong vòng hai, ba năm qua, số lượng chương trình thuộc thể loại này đã bùng nổ.

Bắt đầu với các show có bản quyền nước ngoài như Thần tượng âm nhạc, Giọng hát Việt (ca hát), hay Bước nhảy hoàn vũ, Thử thách cùng bước nhảy (nhảy múa), qua Vietnam’s Next Top Model, Project Runway (thời trang), rồi Ơn giời, cậu đây rồi! (hài), và Vietnam’s Got Talent (tổng hợp), các chương trình thuần Việt như Điều ước thứ 7, Hoa khôi áo dài, Vợ chồng mình hát, Solo cùng bolero… mọc lên như nấm sau mưa.

Năm qua, một loạt phiên bản cho thí sinh trẻ em ra đời, mở ra một hướng khai phá mới. Tới nay đã có tổng cộng gần 40 chương trình nội ngoại khác nhau, cạnh tranh khốc liệt các khung giờ vàng trong cả tuần. Chúng hút khách tới mức giá quảng cáo lên tới 350 triệu đồng cho 30 giây, doanh thu mỗi chương trình lên tới hàng trăm tỉ đồng, với chi phí sản xuất thấp hơn chi phí các chương trình truyền thống rất nhiều.

Vì sao những ngôi sao Hàn xinh đẹp lại có thể bị cạnh tranh bởi mấy cô cậu nghiệp dư nào đó ở một tỉnh lỵ xa xôi? Một trong những điểm tạo nên sức hút của truyền hình thực tế là nó đánh vào lòng hiếu kỳ của người xem.

Bằng các tiết mục dự thi kỳ dị như nuốt cá kèo sống hay xỏ rắn lục vào mũi rút ra từ miệng giống một gánh bán thuốc rong; bằng các xung đột, thị phi thật hay giả giữa các thí sinh và giữa thí sinh với giám khảo; bằng các màn trình diễn của các thí sinh bất tài bị đem ra cười nhạo công khai trước cả nước. Cộng lại, chúng thu hút người xem như một đám ẩu đả ngoài đường.

Helmut Thoma, giám đốc hãng truyền hình tư nhân RTL có tiếng là thương mại câu khách của Đức, nói thẳng toẹt: “Truyền hình thực tế là cái may mắn được chứng kiến một tai nạn”.

Không chỉ thỏa mãn lòng hiếu kỳ bằng cách thức trên, truyền hình thực tế còn xây dựng quyền lực của mình bằng các thủ thuật tinh vi khác. Dưới cái vỏ “giải trí” có vẻ vô hại, nó truyền tải những triết lý sống và thế giới quan gây ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội.

Một trong những kỹ thuật kinh điển của truyền hình thực tế là lấy cái nghèo và người nghèo ra để kích dục thương hại và để tầng lớp khán giả trung lưu khẳng định đặc quyền của mình. Trong “Sống khác”, với khẩu hiệu “Vượt qua thử thách”, một số thanh niên thành phố được giao cho những việc mưu sinh của người nghèo.

Một cậu ấm trắng trẻo phải đi kéo xe bò. Một hot girl được giao nhiệm vụ đi bán chó con (và phần lớn thời gian bận rộn chụp selfie với người hâm mộ qua lại). Hai nữ sinh phải ngủ qua đêm cùng một gia đình nghèo. Camera dùng kỹ xảo biến căn lều tồi tàn thành một căn nhà ma rùng rợn, cận cảnh các cô đang thút thít vì sợ. Hôm sau, các cô đóng vai hiệp sĩ, vượt qua “thử thách” là nấu cơm bằng bếp củi, đãi gia đình chủ nhà một bữa thịnh soạn.

Cái mà người xem muốn không phải là cái thực tại trần trụi ngoài kia, mà chỉ là một trò chơi “bắt chước” người nghèo, rồi tỏ vài cử chỉ giúp đỡ, để rồi cả nhà sản xuất, người tham gia cùng hài lòng là mình nhân văn.

Trẻ em là cái cần câu cơm khác của truyền hình thực tế. Một bé gái 6 tuổi hát các bài tình ca sướt mướt. Một cậu nhóc 11 tuổi hóa trang như ca sĩ da đen Mỹ thập niên 1970, đánh hông sau lưng một bé gái 7 tuổi. Một bé gái đang thay răng cửa mặc váy cứng đơ bó chặt nhảy disco trên sân khấu mù mịt khói.

Lũ trẻ biến thành những người lớn thu nhỏ, những sản phẩm giải trí, trong những khuôn mẫu nhân tạo. Một ni cô mồ côi 14 tuổi thì đã “thấu hiểu sự đời”, một cô bé 12 tuổi thì luôn ảo não “mưa rơi trong lòng làm mình cô đơn”. Chúng cư xử như những người máy tí hon.

Con biết con đường phía trước còn nhiều khó khăn” – một cậu bé 6 tuổi cương nghị nói, rồi chỉ ngón trỏ vào camera. Một bé gái 6 tuổi khác nói liền một mạch: “Nếu con thắng con sẽ đưa bố mẹ và anh hai con đi du lịch, bố mẹ và anh hai con chưa bao giờ được đi du lịch, và cả con cũng vậy”, đoạn đặt tay phải lên tim rồi nháy mắt với người xem.

Cô bé răng sún chưa bao giờ đi du lịch kia là một ví dụ điển hình cho một công thức khác hay được áp dụng: nhiều thí sinh được trình bày như những cứu tinh cho gia đình mình. Xuất thân lao động của chúng được nhấn mạnh qua những biệt hiệu như “cậu bé chăn dê” hay “cô bé bán kẹo kéo”.

Những hoàn cảnh éo le, làm mủi lòng vừa đem tới cho người xem một cảm giác mùi mẫn, vừa cho họ một ảo giác quyền lực rằng họ có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của người khác khi bỏ phiếu để một thí sinh đi tiếp.

Ảo giác này làm họ quên đi cảm giác bất lực trước những thể chế của xã hội, bất lực trước cuộc sống của bản thân mình. Theo giáo sư Beverley Skeggs, tầng lớp lao động Anh nhìn thành công của Susan Boyle, một phụ nữ trung niên nghèo và xấu trong Britain’s Got Talent, như một minh chứng rằng vẫn có một cơ hội cho những người mà dường như đã bị tất cả cánh cửa đóng sập trước mặt.

Những câu chuyện như thế nuôi dưỡng những tưởng tượng về một thế giới công bằng và có hậu. Theo một khảo sát ở Anh, sau khi xem show The X Factor (phiên bản tiếng Việt là Nhân tố bí ẩn), 39% cảm thấy trên đời này “mọi thứ đều có thể”.

 

Sự nghèo đi của văn hóa

Trong vũ trụ của truyền hình thực tế, các giám khảo, tư vấn, huấn luyện viên hiện ra thông thái và nghiêm khắc, thuộc về một đẳng cấp khác. Họ như những người canh cửa vào một thế giới hạnh phúc, mãn nguyện và đầy đủ.

Trong một buổi chung kết của Giọng hát Việt nhí, một giám khảo phấn khích tuyên bố: “Từ hôm nay các con đã trở thành nghệ sĩ, cuộc sống của các con sẽ tuyệt vơ..ơ ơ..ời!”. Câu này đúc kết một cách nhìn thế giới mới. Cuộc sống của các con sẽ tốt đẹp không phải vì các con được yêu thương, các con được học hành. Không, cuộc sống của các con sẽ tuyệt vời khi các con được showbiz chấp nhận.

Truyền hình thực tế tạo ra sự đói khát nổi tiếng. Điều quan trọng trong cuộc sống, nó dạy ta, đó là hào quang trên sân khấu và sự chú ý của đám đông. Theo một khảo sát ở Anh, cứ 10 thiếu niên thì có một người sẵn sàng bỏ học để xuất hiện trên tivi. 16% tin rằng rồi chúng sẽ nổi tiếng.

Quả thật, chứng kiến một cô gái cao lêu đêu lóng ngóng quê mùa, chỉ sau mấy tập của Vietnam Next Top Model đã treo mình bên ngoài vách kính của một cao ốc hiện đại làm người mẫu cho một bộ ảnh thời trang, người xem truyền hình khó tránh được cảm giác mình đang chứng kiến một cuộc hóa thân ngoạn mục, như câu chuyện cô gái bình dân may mắn gặp hoàng tử.

Truyền hình thực tế đã trở thành thuốc phiện mới của nhiều người. 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ bị nhấn chìm bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ư? Mỗi năm hàng nghìn hecta rừng ở Tây nguyên bị tàn phá và lấn chiếm ư?

Hãy để những chuyện đó sang một bên, đừng làm tớ mất tập trung, cuộc đua giữa “hoàng tử tóc xoăn” và “cô bé khiếm thị” đang gay cấn. “Quẳng gánh lo đi và xem truyền hình thực tế” là khẩu hiệu sống mới.

Khi dân chúng bị sao nhãng bởi những điều tầm phào, khi đời sống văn hóa được tái định nghĩa thành một cuộc giải trí vĩnh cửu, khi những hội thoại nghiêm túc trở thành cái bập bẹ của trẻ nhỏ” – nhà phê bình Neil Postman viết trong cuốn Tiêu khiển cho tới chết: “Diễn ngôn công trong thời đại showbiz của ông – “Tóm lại, khi người dân trở thành khán giả, những quan tâm của họ thành trò tạp kỹ, thì một dân tộc đang gặp hiểm nguy, cái chết về văn hóa là một khả năng rõ ràng”.

Gần đây, báo chí đã ta thán khá nhiều về sự nhạt nhẽo và tình trạng bão hòa của các show truyền hình thực tế ở Việt Nam, và kêu gọi xã hội cần “tỉnh táo”. Liệu chúng ta có thể hi vọng làn sóng truyền hình thực tế sẽ có điểm dừng?

Các tác giả Đức Georg Seeßlen và Markus Metz cho rằng không. Sự kệch cỡm, thô thiển của các chương trình này, các cố gắng gây sốc, gây sốt của chúng sẽ vẫn tiếp tục.

Hai tác giả gọi các ngành công nghiệp truyền thông, quảng cáo, showbiz, thời trang hiện đại là những cỗ máy làm người ta trở nên đần độn. Trong cuốn Những cỗ máy làm đần: Quá trình sản xuất ra sự ngớ ngẩn, họ cảnh báo quá trình đần độn hóa này sẽ luôn tiếp diễn.

“Một đặc điểm cơ bản của cỗ máy làm đần này là nó muốn tạo ra giải trí bằng mọi giá. Mục tiêu của nó là tăng trưởng vô độ, và do đó sự sản xuất ra những tiêu khiển liên miên một mặt tạo ra cảm giác thừa mứa, mặt khác tạo ra mong muốn có thêm những tiêu khiển nữa, mới hơn, đần độn hơn”.

Nói nôm na, giống như với bất cứ thói nghiện nào, càng ngày người ta càng cần những liều nặng đô hơn. Họ thèm khát cái khoái cảm chốc lát mà không biết là mình đang đi vào bần cùng, ở đây là bần cùng về tinh thần.

Với triết gia người Đức Norbert Boltz, sự khác nhau giữa trước kia và ngày nay là trước kia cái thô thiển và rẻ tiền phải bị giấu giếm đi, còn ngày nay chúng chiếm những vị trí quan trọng nhất, dương dương tự đắc, vì chúng đem lại nhiều tiền nhất.

Theo nhà nghiên cứu truyền thông Mỹ George Gerbner : ‘‘Người kể những câu chuyện văn hóa cũng là người chi phối các hành vi của con người. Trước kia, người kể chuyện là cha mẹ, trường học, tôn giáo, cộng đồng – ông chỉ ra thêm một thay đổi nữa trong xã hội – Ngày nay đó là một nhóm nhỏ các công ty, họ không có gì để kể nhưng lại có rất nhiều thứ để bán”

Nguồn : Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

 

 

Khuôn mặt của chúng ta trong Kinh Thánh :

CON LẠC ĐÀ CHUI QUA LỖ KIM

Chú giải của Noel Quesson

Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

Đây là một cảnh sống động. Một người đầy ham muốn: Người ấy chạy đến và sụp quỳ dưới chân Đức Giêsu, vừa thở hổn hển, người ấy vừa đặt câu hỏi.

Khi ta biết người này là ai (nhờ đoạn tiếp sau của trình thuật ta sẽ ngạc nhiên, vì đây là một người có đầy đủ mọi thứ để được hạnh phúc theo tiêu chuẩn thông thường: Anh ta giàu sang, có nhiều “của cải lớn”, hơn nữa, cuộc sống anh ta ngay thẳng, anh tuân giữ những giới răn từ thuở còn nhỏ. Trong mọi tương quan với người khác. Chắc hẳn anh ta được kính nể. Vậy anh ta còn thiếu điều gì? Anh ta còn cần gì nữa? Tại sao anh ta lại mong ước điều gì khác?

Đức Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa”.

Đó là câu trả lời sắc bén như dao. Con người giàu có này đã quen với những “tước vị”. Vì quá hâm mộ, anh ta nói thêm. Thường thường người ta chỉ gọi Đức Giêsu bằng “Thầy”, còn anh ta quen giao thiệp rộng nên đã thêm từ “nhân lành”. Đức Giêsu không thích những kiểu nói tâng bốc đó. Người thích sự đơn giản hơn, Người khước từ những tước vị mang tính khoe khoang. Hơn nữa, Đức Giêsu là Người luôn nói về Thiên Chúa. Người luôn hướng về Chúa. Ở đây chúng ta nghe người thốt lên một lời dễ gây ngạc nhiên: Dường như Đức Giêsu không biết Người là Thiên Chúa! Người khước từ chữ “nhân lành”. Đây không phải là trường hợp – duy nhất mà Đức Giêsu khiêm tốn tự cho mình là “thấp kém” hơn Chúa Cha, hơn Thiên Chúa: Một hôm khác người còn dám quả quyết, Người “không biết ngày chung thẩm, mà chỉ có mình Chúa Cha mới biết” (Mc 13,32).

Đức Giêsu nói chỉ có một mình Thiên Chúa mà thôi. Tôi cầu nguyện từ lời quả quyết triệt để này.

“Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ”.

Danh sách và thứ tự các giới răn làm cho ta ngạc nhiên. Trước tiên, Đức Giêsu không nêu những giới răn “đối với Thiên Chúa” như là giới răn đầu tiên. Hình như qua tình yêu tha nhân, ta chứng tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa. Thông thường, tự nhiên ta dễ nghĩ đến những “bổn phận” về tôn giáo hơn, để đạt đến sự sống đời đời. Một lần nữa, Đức Giêsu hướng chúng ta thiết thân gắn bó với những người anh em của mình, với những mối tương quan nhân bản.

Hơn nữa, Đức Giêsu đã thêm một điều răn mới rất ý nghĩa vào mười giới răn cố hữu: “Chớ làm thiệt hại ai” như thể điều răn này tóm tắt các điều khác. Chúng ta cũng nên để ý rằng, “bổn phận đối với cha mẹ” được kể cuối cùng. “Điều răn thứ bốn” được đời ra sau chót, như Đức Giêsu đã muốn đặt lên hàng đầu những cám dỗ đối với người có tiền của: Lấy của kẻ khác, làm thiệt hại kẻ khác, làm giàu cách bất chính…

Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”.

Quả thật đây là một người ngay thẳng, có hướng tâm.

Anh ta tuân giữ lề luật. Anh ta sống có kỷ cương. Đức Giêsu không phủ nhận sự thành thực của những lời anh ta nói. Người ta tưởng câu chuyện sẽ kết thúc ở đây. Đây là một người có quyền hưởng sự sống đời đời! Chúng ta hãy nghe đoạn sau.

Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến.

Đó là cái nhìn của Đức Giêsu. Tôi cố tưởng tượng lại: Một cái nhìn đầy thương yêu. Đức Giêsu tỏ vẻ trìu mến. Người đang yêu thương. Người cảm động.

Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo Tôi.”

Vậy sống lương thiện và tuân giữ mọi giới răn cũng chưa đủ sao?

Ta tưởng rằng con người này trung thành không có gì chê trách được, thế mà bây giờ lại gặp một đòi hỏi mới, sẽ rọi chiếu vào tận đáy lòng anh: Anh có tự do không hay chỉ là nô lệ? Thái độ của anh đứng trước tiền bạc của cải vật chất như thế nào?

Thật lạ lùng và đáng ngạc nhiên khi ta liên tục gặp thấy đòi hỏi trên đây của Đức Giêsu. Người không ngớt nhắc lại điều này. Đó là lời kêu gọi đầu tiên của Người: “Hãy theo Ta”, tức khắc họ bỏ lưới và cha của mình dưới thuyền… (Mc 1,18-19). Đó cũng là chỉ thị đầu tiên của Đức Giêsu đối với các môn đệ Người sai các ông đi thi hành sứ vụ,Người truyền cho họ không được đem gì đi đường, không bánh, không bị, không tiền trong thắt lưng! (Mc 6,8).

Đó còn là hệ luận đầu tiên phải rút ra từ lời loan báo cuộc thương khó của Chúa: “Kẻ nào muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình” (Mc 8,34). Đức Giêsu đã không bao giờ nói khác Người có những ý nghĩ theo nhau rõ ràng. Người yêu cầu một sự lựa chọn dứt khoát. Người đòi hỏi “trọn vẹn”. Muốn theo Người, phải bỏ tất cả. Đây là một đòi hỏi vô biên. Tin Mừng không phải là một cách giải quyết dễ dàng cho mọi vấn đề, mà là một cuộc phiêu lưu vĩ đại, đầy nguy cơ liều lĩnh tối đa. Thật là một tham vọng quá lớn.

Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải

Đây là một người cũng giống chúng ta thôi. Chúng ta chớ nên lên án anh ta. Chúng ta cũng không thường mong muốn nếp sống hoàn hảo và sự sống đời đời sao? Thế mà lại không nhất quyết trả giá cho những điều đó. Trình thuật về ơn gọi lúc này, nhắc chúng ta rằng chính chúng ta cũng đã từng khước từ những lời mời gọi của Thiên Chúa tới hưởng nguồn vui, mặc dầu bề ngoài chúng ta phải dứt bỏ nhiều thứ.

Sự “buồn bã” của người này rất có ý nghĩa: Anh ta có nhiều tiền, có nhiều của cải lớn, và với sự sung túc này anh ta vẫn không được hạnh phúc. Đó không phải là hình ảnh của phương Tây quá tràn đầy của cải vật chất sao? Nhưng chúng ta hãy đi xa hơn, và hãy can đảm nhìn nỗi đau buồn đang làm tối sắm khuôn mặt của anh. Đấy phải chăng là dấu hiệu hồng ân đầu tiên đã bắt đầu đến với anh sao? Cho đến lúc đó, anh không ý thức được điều cốt yếu mà anh còn thiếu. Anh vẫn tưởng rằng, của cải là đủ. Bây giờ anh mới biết, anh còn có một định mệnh khác.

Lạy Chúa xin biến những nỗi buồn của chúng con trở nên tích cực, có thể đánh thức chúng con ra khỏi không ảo ảnh và ngủ mê. Chúng con đã được tạo dựng cho Chúa. Tâm hồn chúng con, ước muốn của chúng con quá cao không thể chỉ thỏa mãn những của cải hữu hạn trần gian: “Lạy Chúa, xin hãy đến, vì chỉ có Chúa mới làm cho chúng con được no thỏa”.

Đức Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ

Một lần nữa, Thánh sử Máccô ghi nhận ánh mắt của Đức Giêsu. Chúa nhìn tôi. Chúa nhìn những người mà tôi thương yêu. Chúa nhìn thế giới của chúng ta. Chúa nhìn những đám đông ở những siêu thị. Chúa nhìn dân chúng trong những nước thuộc thế giới thứ ba. Và cái nhìn này không thể lãnh đạm. Người bắt đầu nói:

Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!

Một lần nữa Đức Giêsu tố cáo quyền lực ghê gớm của tiền tài. Đây là một sự cảnh giác thường xuyên trong suốt thời gian rao giảng của Đức Giêsu: “Các ngươi không thể phục vụ Thiên Chúa và Mammon cùng một lúc” (Lc 16, 13).

Người giàu trở nên điên rồ và phi lý. Người ấy tưởng mình không cần gì đến Thiên Chúa nữa (Lc 12,16-20). Người giàu từ từ đóng cửa con tim và không còn thấy người anh em của mình đang đau khổ bên cạnh mình (Lc 16,19-31). Sự giàu sang bóp nghẹt Lời Chúa (Mt 13,22).

Một lần nữa, chúng ta không nên lên án kẻ khác. Hãy nhận mình cũng là những người giàu: Số tiền trợ cấp thất nghiệp của một người Pháp là cả một sản nghiệp đối với một người châu Phi hay châu Á.

Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ.

Sự kinh ngạc của những môn đệ không phải là không có ý nghĩa. Tâm trạng người Do Thái đinh ninh rằng, sự giàu sang là một ân huệ của Thiên Chúa, ý định của Thiên Chúa sáng tạo không phải là để giao cho con người quyền sở hữu và thống trị thế gian này, nhằm xây dựng và làm cho thế gian thêm giá trị sao? (St 1,27-31). Nhưng phải thú nhận rằng, chính chúng ta cũng không chấp nhận lời này của Chúa Kitô. Thế kỷ 20 càng sẵn sàng hơn để đón nhận luân lý cách mạng sau đây:

– Phải chăng chúng ta làm việc để “kiếm tiền”, càng nhiều càng tốt.

– Phải chăng chúng ta mong cho con cái chúng ta làm một nghề “có nhiều tiền”.

– Phải chăng hàng ngày chúng ta thường bị sự quảng cáo tấn công, thúc đẩy chúng ta tiêu thụ ngày càng nhiều hơn và ám chỉ rằng, càng có nhiều, càng hạnh phúc.

Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”

Thay vì rút lại sự cứng rắn trong lời vừa nói, Đức Giêsu lại tăng cường một hình ảnh không thể quên được. Đức Giêsu nhà thuyết giảng nổi tiếng, đã có nghệ thuật dùng những kiểu nói gây ấn tượng mạnh và dễ nhớ: Chúng ta không nên làm nhẹ những câu nói này, nại cớ là chúng nghịch lý. Thực sự, chúng nói lên mạnh mẽ rằng, giữa giàu sang và sự cứu rỗi, luôn có tình trạng xung khắc nhau: Chúng ta phải chọn lựa giữa hai kho tàng này, kho tàng trần gian, kho tàng trên trời. Tiền của là cần thiết. Đức Giêsu không phủ nhận điều đó. Tiền của phục vụ chúng ta, Đức Giêsu đồng ý. Nhưng nếu tiền của thống trị chúng ta, và chúng ta trở nên nô lệ của nó, thì Đức Giêsu không thể chịu đựng nổi.

Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”

Lại một lần nữa, cái nhìn của Đức Giêsu, được ghi nhận lần thứ ba trong cùng một trang Tin Mừng. Ở đây Đức Giêsu trích một lời trong Thánh Kinh dành cho Abraham (St 15,14). Mặc dầu tuổi cao, không đủ điều kiện thể lý. Bà Xara sẽ sinh ra một con trai, vì tất cả đều có thể được đối với Thiên Chúa. Thiên Thần Gabriel cũng đã nói điều này với Mẹ Maria (Lc 1,37). Vậy sau khi lên án khắc khe thái độ chiếm hữu của chúng ta, Đức Giêsu đã mở ra cho chúng ta một niềm hy vọng.

Lạy Chúa, là Chúa tể càn khôn, Chúa đòi hỏi điều không thể làm được. Xin hãy đến giải thoát chúng con! Và tay chúng con sẽ mở ra trước Chúa, để đón nhận những gì còn thiếu trong tình thương của chúng con.

Nguồn : tinmung.net

 

Điều chính yếu trong nhân sinh Kitô giáo:

NGƯỜI NGHỆ SĨ DƯƠNG CẦM

                                                                                           Trích “Comme le fleuve qui coule”, Paulo Coelho

Trong một khu chợ, tôi lơ đễnh dạo chơi cùng một cô bạn nghệ sĩ vĩ cầm. Ursula, cô là người Hungari, một ngôi sao nổi tiếng hiện thời trong hai dàn nhạc giao hưởng quốc tế. Đột nhiên, cô nắm lấy tay tôi: “Nghe kìa!” Tôi lắng tai nghe. Tôi nghe giọng người lớn, tiếng trẻ con, âm thanh phát ra từ tivi trong những cửa hiệu điện tử, tiếng gót giày nện trên nền gạch, các thứ tạp âm quen tai này vang lên khắp nơi, ở bất kỳ trung tâm thương mại nào trên thế giới. “Thế nào, không tuyệt vời sao?” Tôi trả lời, chẳng nghe được điều gì tuyệt vời hay bất thường. “Tiếng dương cầm!”- Cô nói, nhìn tôi với vẻ thất vọng. “Thật tuyệt diệu! Người chơi dương cầm.” – Chắc là từ băng đĩa nhạc. – Đừng nói buồn cười thế! Nếu ta nghe chăm chú hơn, rõ ràng đây là tiếng nhạc được chơi trực tiếp. Lúc này người nghệ sĩ đang chơi một bản sonate của Chopin, và lập tức tôi lấy lại sự tập trung, những giai điệu dường như bao phủ tất cả sự ồn ào dội quanh chúng tôi.

Chúng tôi dạo dọc theo những hành lang đầy kín khách hàng, cửa hiệu, lao xao dạm hỏi mua bán, nhiều món hàng mà, theo lời quảng cáo, mọi người đều có- trừ anh hay tôi. Chúng tôi đến một khu dành cho ăn uống: người ta ăn và uống, trò chuyện, bàn luận, đọc báo; và đến một trong những điểm hút mà mọi trung tâm thương mại cố dâng cho khách hàng. Lần này là một cây đàn dương cầm và một nghệ sĩ.

Anh tiếp tục chơi hai bản sonate của Chopin, sau đó là Schubert, Mozart. Anh trạc tầm ba mươi tuổi. Tấm biển đặt gần một bục nhỏ giải thích, anh là nhạc sỹ nổi tiếng người Gruzia, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Anh đã cố tìm việc làm, nhưng các cánh cửa đã đóng đối với anh, anh đã hết hy vọng, anh từ bỏ, và giờ anh ở đây. Nhưng tôi không chắc chắn là anh đang thực sự ở nơi này: cặp mắt của anh đắm chìm vào thế giới diệu kỳ, ở đó kết nên những bản nhạc anh đang chơi; từ những ngón tay của anh, anh chia sẻ với mọi người tình yêu, tâm hồn, niềm hân hoan của mình, những gì tuyệt diệu nhất của chính anh, từ những năm học tập với sự tập trung cao độ và tinh thần kỷ luật. Duy nhất một điều dường như anh không hiểu: Không ai, tuyệt đối không một ai đến đây để nghe anh đàn; người ta đến để mua sắm, ăn uống, tìm thú vui hời hợt, nhìn ngắm những hàng hiệu trưng trong tủ kính, gặp gỡ tán gẫu bè bạn. Một đôi nam nữ dừng lại bên cạnh chúng tôi, nói chuyện to tiếng và đi ngay sau đó. Người nghệ sĩ không nhìn thấy gì- anh vẫn còn đang nói chuyện với những thiên thần của Mozart. Anh cũng chẳng nhìn thấy công chúng chỉ gồm hai người, và một trong hai vị là nữ nghệ sĩ vĩ cầm tài ba, đang lắng nghe anh đàn, trong khóe mắt ngấn nước.

Tôi nhớ lại một ngày, một sự tình cờ, tôi vào một nhà thờ nhỏ, và tại đó tôi thấy một thiếu nữ đang đánh đàn dâng lên Đấng tối cao; nhưng lúc đó tôi đang ở trong một nhà thờ, điều đó mang một ý nghĩa. Ở đây, không ai nghe, có thể-ngay cả Thượng đế cũng chẳng nghe. Dối trá. Thượng đế đang nghe. Thượng đế đang hiện diện trong tâm hồn và trong đôi tay người đàn ông này, bởi vì anh đang dâng tặng những gì huyền diệu nhất trong anh, không phụ thuộc vào sự biết ơn , hay tiền bạc mà anh đã nhận . Anh chơi đàn như anh đang ở Scala Milan hay nhà hát Opera Paris. Chơi đàn là định mệnh của anh, niềm vui của anh và lẽ sống của anh. Một tình cảm kính tín sâu thẳm dâng lên trong tôi.

Từ niềm kính trọng một người, vào lúc này, nhắc lại tôi một bài học quan trọng: Mỗi người có một sứ mệnh riêng tư phải thực hiện-cho đến giây phút cuối. Có xá gì nếu người khác ủng hộ, phê phán, không quan tâm đến, thông cảm hay không- anh làm điều đó bởi là vì nó là định mệnh của anh trên cõi Trần gian này, và là suối nguồn của tất cả niềm hoan lạc.

Người nghệ sĩ kết thúc một bản nhạc khác của Mozart, và lần đầu tiên anh chú ý đến sự hiện diện của hai chúng tôi. Anh nghiêng đầu chào chúng tôi một cách lịch sự và kín đáo, chúng tôi đáp lễ. Nhưng rất nhanh sau đó, anh trở lại thiên đường của mình, và có lẽ tốt hơn là để anh ở đó, không có gì chạm được vào anh trong cõi ấy, ngay cả sự vỗ tay tán thưởng rụt rè của chúng tôi.

Anh đã cho chúng tôi một bài học. Khi mà chúng ta ngờ rằng chẳng ai chú ý đến những gì chúng ta đang làm, hãy nghĩ đến người nghệ sĩ dương cầm này: Anh nói chuyện với Đấng tối cao qua công việc anh làm, và những gì còn lại, chẳng là quan trọng mấy.

Nguồn : facebook Huỳnh Văn Ngãi.

Leave a Reply