Trên Vấn Đề Hướng Nghiệp

Số 1.2: Hướng Nghiệp Bậc Đại Học

GIỚI THIỆU

Cuộc đời mỗi người giống như lịch sử Cứu độ, mà ở đó, lúc bước ra khỏi vườn Địa đàng là khi tôi rời mái trường phổ thông. Từ đấy, tôi và bạn bè tôi, ai cũng có những lúc bế tắc và tủi thân trong công việc. Về phần mình, những khi khó khăn muốn khóc, điều vực tôi dậy là Lời Chúa nói với Adam: “Từ nay các ngươi sẽ phải vất vả để có được miếng ăn”. Tôi hiểu rằng đó là định mệnh không thể lẫn tránh.

Phần lớn, chúng ta tập trung vào sự lựa chọn. Điều đó cần thiết nhưng thực tế thái độ lựa chọn là quan trọng hơn. Là người Công giáo, chúng ta nên có thái độ như thế nào đối với công việc của chúng ta, và rộng hơn là cuộc sống với những thăng trầm? Trước khi viết về nội dung hướng nghiệp, tôi sẽ khởi đi từ điểm này.

Tiếp theo, trong việc chọn lựa nghề nghiệp, tôi sẽ giới thiệu ba khối cơ bản ở bậc Đại học thông qua những ngành phổ biến nhất:

–          Sư Phạm: Toán

–          Kỹ thuật: Điện- Điện tử

–          Kinh Tế: Kế Toán.

Những ngành khác trong từng khối cũng mang một khung đào tạo tương tự. Do đó, hình dung được ba ngành trên cũng có nghĩa là các em đã hình dung được giáo dục ở bậc Đại học như thế nào. Hai ngành đầu được trình bày theo phương pháp liệt kê. Ngành Kế Toán, do tính xã hội của nó, sẽ được viết dưới dạng phỏng vấn.

Phần cuối của bài viết, dành cho những em chuẩn bị rời giảng đường Đại học, đang phân vân trước nhiều dự định. Tuy bài chia sẻ tôi chọn lựa được viết riêng cho ngành Toán nhưng đôi nét cũng bổ ích đối với các em về đường tham khảo.

Để khép lại chuyên mục này, có một bộ phim hài hước Ấn Độ tôi khuyến khích các em nên xem: “Ba chàng ngốc”. Nội dung phim kể về ba chàng sinh viên đang theo học ở một trường Đại học danh giá. Những lo lắng, đam mê và chọn lựa của họ cũng là điều chúng ta đang đối diện. Tuy phim hài hước, có nhiều tình huống phi thực nhưng thông điệp của bộ phim đáng để suy ngẫm. Tôi giới thiệu đến các em như thay cho lời kết.

Nội dung phần này gồm có:

GIỚI THIỆU

Thái Độ Chọn Lựa: ĐỘC HÀNH

NGÀNH TOÁN

NGÀNH ĐIỆN- ĐIỆN TỬ

GIỚI THIỆU CÁC CHUYÊN NGÀNH

CÁC VẤN ĐỀ KHÁC

NGÀNH KẾ TOÁN

CHỌN LỰA SAU ĐẠI HỌC

 

 

Thái Độ Chọn Lựa:                                    ĐỘC HÀNH

 

     Trích“Comme le fleuve qui coule”, Paulo Coelho

Cuộc sống giống như cuộc đua xe đạp vĩ đại. Nơi đây, chúng ta sẽ viết lên tác phẩm về đời mình, điều mà, theo những nhà giả kim cổ xưa, là sứ mệnh thật sự của loài người trên mặt đất.

Tất cả chúng ta đều khởi hành cùng nhau, cùng chia sẻ tình bằng hữu và niềm háo hức; nhưng khi cuộc đua diễn ra, niềm vui ban đầu đó sẽ dần thay thế bởi những thách thức thật sự: mệt mỏi, chán chường, và cả những ngờ vực về khả năng của mình. Chúng ta ngó xung quanh và nhận ra rằng, một vài người thực tế đã bỏ cuộc. Họ vẫn đạp đấy, nhưng chỉ bởi vì họ không thể dừng giữa đường. Ngày càng có nhiều người như thế, đạp với sự hỗ trợ của động cơ- rồi như một thói thường, chỉ nói chuyện giữa họ với nhau, thực hiện như nghĩa vụ, nhưng quên mất vẻ đẹp và thách đố trên đường đi.

Chúng ta cuối cùng cũng đã để họ lại sau lưng, và giờ đây mỗi người sẽ phải đối mặt với sự lạc lõng, những khúc cua chưa quen và những vấn đề hỏng hóc liên quan đến xe đạp. Sẽ có lúc ở  khúc chặng  nào đấy, sau nỗi đau của vài lần ngã xuống mà không có ai gần bên đưa tay ra giúp, chúng ta bắt đâu hỏi chính mình rằng liệu có đáng không để mà nỗ lực.

Có! Quan trọng là mình có bỏ cuộc hay không. Cha Alan Jones chia sẻ rằng để vượt qua những trở ngại, chúng ta cần đến bốn nguồn lực vô hình: Tình yêu, Cái chết, Năng lực và Thời gian.

Chúng ta phải yêu bởi vì mỗi chúng ta đều được Chúa yêu.

Chúng ta phải có một nhận thức về cái chết để có thể hiểu được trọn vẹn cuộc sống.

Tranh đấu để thăng tiến là cần thiết, tuy nhiên đừng ảo tưởng rằng năng lực sẽ đến cùng sự thăng tiến, bởi vì, năng lực kiểu như vậy chỉ là giả tạo.

Cuối cùng, chúng ta phải chấp nhận rằng mặc dầu linh hồn là vĩnh cửu nhưng trong hiện tại này nó bị giam hãm trong một chuỗi thời gian, với tất cả cơ hội và giới hạn của nó.

Chính vì vậy, trên hành trình đơn độc của mình, chúng ta hãy cư xử như thể thời gian đã trôi qua và làm tất cả những gì có thể để mỗi phút giây trở nên giá trị, để nghỉ ngơi khi cần thiết, nhưng phải tiếp tục tiến bước về phía ánh sáng của Thiên Chúa và không bị trì hoãn bởi những âu lo nào.

Bốn nguồn lực này không thể bị xem như những vấn đề cần được giải quyết, bởi chúng vượt lên trên sự hiểu biết của chúng ta. Ta phải chấp nhận chúng, và để chúng dạy cho ta biết điều mình cần phải.

 Chúng ta đang sống trong một thế giới đủ rộng để chứa tất cả nhân loại, và đồng thời cũng đủ nhỏ để vừa vặn đặt bên trong trái tim của mỗi người. Nơi linh hồn của mỗi con người có thể tìm gặp linh hồn của nhân loại, sự im lặng của khôn ngoan. Khi chúng ta đạp tiến về cùng đích, chúng ta phải tự nhủ với bản thân rằng: “Có gì đẹp hôm nay?” Mặt trời có thể chiếu tỏa, nhưng nếu trời đổ mưa thì hãy luôn luôn nhớ rằng điều này có nghĩa là mây đen rồi sẽ sớm tan đi. Và kìa, đám mây đã tan đi, nhưng mặt trời thì vẫn ở đấy- chưa bao giờ biến mất. Trong những giây phút cô đơn, thật quan trọng để nghĩ về điều này.

Khi mọi chuyện trở nên khó khăn, chúng ta đừng quên rằng- không phụ thuộc vào chủng tộc, màu da, địa vị xã hội, niềm tin hay văn hóa- tất cả mọi người đều chung một trải nghiệm nhân sinh. Lời nguyện nhỏ được viết bởi vị thầy Hồi giáo mật tông Dhu ‘l-Nun có thể tóm gọn thái độ chúng ta nên có mỗi khi đứng trước khủng hoảng:

Lạy Đấng Tối Cao, khi con lắng nghe tiếng kêu của muôn thú, âm thanh của cây ngàn, tiếng róc rách của con suối, tiếng hót của chim, cho đến tiếng rít của gió hay những tiếng rền vang của sấm chớp, con đều thấy nơi đó những dấu chứng về sự độc nhất của Ngài. Con cảm thấy rằng Ngài chính là Đấng toàn năng, là cùng đích của tri thức, cùng đích của sự khôn ngoan và là đấng công chính vô cùng.

Lạy Đấng Tối Cao, con cũng khám phá ra Ngài trong những khó khăn con đang đối diện.  Lạy Đấng Yêu Thương! Hãy để cho cho niềm vui của Ngài là niềm vui của con, và hãy để cho niềm vui của con cũng là niềm vui của Ngài, niềm vui mà một Người Cha nhận được từ đứa con thơ của mình. Và cuối cùng, xin cho con luôn nhớ về Ngài với sự bình an và xác tín, ngay cả nhưng lúc rất khó để con có thể thưa lên rằng: Con yêu Ngài biết bao.

  

NGÀNH TOÁN

                                                                                                                         Nguyễn Thế Cang

     Các em đừng lo lắng khi thấy mình chưa thích một điều gì đó thật sự để chọn lựa, thích- cần có thời gian; cũng đừng tự tạo áp lực khi nghĩ rằng quyết định này là “sống còn”, không chấp nhận sai sót, thực ra sống điều mình chọn mới là quan trọng. Hồi vừa tốt nghiệp phổ thông, sở dĩ tôi chọn Đại học Quy Nhơn vì rằng học Đà Nẵng hay Huế thì gần nhà, học Sài Gòn thì chắc chắn tôi phải ở với chị. Vậy đó, nói chung dù lúc đấy tôi che giấu bằng nhiều lý do có vẻ rất quyết đoán khác nhưng thật sự nguyện nhân chính là tính con nít của tôi.

 

           Về ngành Toán thì có ba hướng để các em chọn:

3.1. Nghiên Cứu:

Nếu em thấy em có năng lực (ít nhất là trong đội tuyển HSG Toán trở lên) và xác định ngay từ đầu là sẽ đi nghiên cứu thì tôi khuyên em nên theo học trường Đại học KTTN TP.HCM khoa Toán và nếu được thì cố gắng thi vào lớp cử nhân tài năng. Khi đã xác định ngay từ đầu thì gần 80% là các em sẽ tiếp tục du học, làm nghiên cứu sinh ở Châu Âu, Mỹ hoặc các nước châu Á phát triển như Hàn Quốc, Nhật, Singapore. Quan trọng là trường có truyền thống, quan hệ và môi trường tốt để các em giao lưu, học ngoại ngữ, tự tin và nuôi dưỡng đam mê Toán của mình. Tóm lại, nếu định hướng trước là nghiên cứu thì không nên chọn con đường học Sư Phạm Toán mà tốt nhất là theo học các trường KTTN Quốc gia. Điểm chuẩn (2014): 19-22.

 

3.2. Sư Phạm:

Để không phải có lỗi với các thể hệ sau, tôi nghĩ các em cần phải có học lực khá trở lên nếu quyết định theo sư phạm. Điểm chuẩn của các trường từ 19-25 điểm tùy theo từng trường. Các môn học phụ thuộc vào giáo trình của mỗi trường. Tuy nhiên có một khung đảm bảo chung như sau:

  1.  Giải tích:

–  Giải tích 1, 2, 3 (cổ điển):  học kĩ về giới hạn, dãy, hàm, chuỗi hàm, hàm nhiều biến, tích phân, vi phân, tích phân đường, tích phân mặt.

– Công cụ giải tích hiện đại: Topology và lý thuyết độ đo.

– Giải tích hàm: hàm tuyến tính và phi tuyến.

  1.  Đại số tuyến tính:

Ma trận, ánh xạ tuyến tính.

  1.  Đại số: học về cấu trúc và bản chất của đại số (số học, đa thức…)

– Nhóm, vành, trường, đa thức, lý thuyết Galois.

  1.  Hình học:

–  Hình học xạ ảnh: rất hay, có thể tạo được nhiều bài Toán hoàn toàn khác nhau từ một bài toán (nhiều lúc người ra đề giải không được dù rằng biết chắc nó đúng).

– Hình học vi phân: giới thiệu cơ bản về đa tạp.

   Ngoài ra còn những môn như xác suất, số học, hình học sơ cấp, đại số sơ cấp cũng rất thú vị và bổ ích.  Nếu các em học tốt ở trường sư phạm, được các thầy chú ý thì cũng có rất nhiều khả năng để có điều kiện học lên. Xu hướng bây giờ của các trường Đại học đều có chương trình đưa các cán bộ trẻ, sinh viên đi học tập ở nước ngoài. Ví dụ Đại học Quy Nhơn, như mình biết là có chương trình đào tạo thạc sĩ trực tiếp với Pháp, học một năm ở Việt Nam, một năm ở Pháp. Ngoài ra còn các chương trình gián tiếp khác như thông qua viện Toán, các mối quan hệ chung, chương trình PUF của Đại học KNTN …

 

   Về đầu ra cho ngành thì  tôi chưa có thống kê chính thức nhưng theo như lứa của tôi (K28-Đh Quy Nhơn) thì trên 70%  xin được việc đi dạy ổn định. Một điều lưu ý nữa cũng đáng quan tâm, đó là hệ Cử nhân trong các trường Sư phạm. Cử nhân theo đúng nghĩa đó là theo học để sau này là nguồn nghiên cứu Toán. Do đó, chương trình học nặng hơn nhiều so với lớp sư phạm. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng cho hệ cử nhân của các trường KHTN, còn gần như 100% lớp cử nhân ở các trường Sư phạm, theo một nghĩa nào đó, là một “sư phạm phẩy”- tức là học các môn Toán cũng tượng tự như khung giáo trình trên cộng thêm tín chỉ giảng dạy để được cấp phép đi dạy. Điều này lý giải tại sao điểm chuẩn của hệ Cử nhân ở các trướng Sư phạm thường ngang với điểm sàn, chất lượng học không cao và trên thực tế việc xin việc với tấm bằng cử nhân là rất khó.

 

3.3. Đi Làm:

    Một hướng tương đối mới có thể khả dĩ khi theo ngành Toán đó là ra đi làm việc giống như học kinh tế, bách khoa. Đó là hướng Toán ứng dụng. Hướng này tôi không biết nhiều nhưng phần nhiều sẽ đụng đến lập trình và xác suất thông kê. Hiện ở thành phố HCM nhu cầu của các công ty nước ngoài cho ngành này rất nhiều nhưng cũng khá kén chọn. Đa phần thường là học bách khoa, kinh tế sau đó học thêm Toán để có thể làm việc nhưng người tuyển dụng vẫn ưu tiên cho những ứng viên “gốc” Toán hơn. Tuy nhiên rất ít trường đạo tạo về ngành này. Hiện nay nếu muốn theo học, các em có thể đăng ký học ở khoa Toán-Tin trường KHTN.

Điểm chuẩn (2014): 19-22.                                                                                                    

 

NGÀNH ĐIỆN- ĐIỆN TỬ

                          Văn Phú Tuấn

Ngành Điện – Điện Tử là một trong những khối ngành kỹ thuật có tính ứng dụng cao và có phổ công việc tương đối rộng lớn. Bản thân các bạn – những sinh viên ngồi trên ghế nhà trường CHẮC CHẮN đều nhận thức được điều này. CÁC BẠN SẼ NHƯ THẾ NÀO nếu gặp phải trường hợp: bị cúp điện một ngày, nồi cơm điện ở nhà bỗng nhiên bị hỏng, mất chiếc điện thoại để liên lạc với bạn bè, cái laptop mới mua khởi động không lên hay đơn giản chỉ là mất mạng internet hay mất tín hiệu trận chung kết giải bóng đá ưa thích? … Tất cả những điều mình hỏi ở trên là một phần trong các vấn đề mà ngành Điện – Điện Tử cần giải quyết, và có lẽ các bạn cũng phần nào hình dung sơ bộ được mục đích của khối ngành này.

 

GIỚI THIỆU CÁC CHUYÊN NGÀNH 

Ngành Điện- Điện Tử gồm có ba chuyên ngành chính và ở môt số trường đại học sẽ có một chút khác biệt về tên gọi cũng như có thể chia nhỏ thành nhiều ngành hơn. Ba chuyên ngành chính mà anh đề cập đó là: Điện hệ thống, Tự động hoá và Điện tử viễn thông 

4. 1. Chuyên Ngành Điện Hệ Thống:

 

Điện hệ thống là một mạng lưới kết nối các thiết bị điện, dùng để phát điện, truyền tải và sử dụng điện năng. Do đó, chuyên ngành này cung cấp lượng kiến thức chuyên về các nguồn năng lượng, hệ thống điện, thiết bị điện, vật liệu điện …

Cách rõ hơn, về nguồn năng lượng, chúng ta biết rằng có nhiều cách khác nhau để tạo ra năng lượng như dùng than đốt, dùng sức nước tại các đập thủy điện, các phản ứng hạt nhân… Học về nguồn năng lượng tức là học cách tạo ra điện cũng như sự vận hành của nó. Do đó, khi ra trường ta có thể làm việc trong các công ty trong và ngoài nước hoạt động liên quan đến sản xuất điện như công ty điện lực, công ty sản xuất nguồn pin.

Bên cạnh đó, người học về hệ thống điện còn có thể làm việc cho các công ty, doanh nghiệp tư nhân như: Thiết kế hệ thống điện trong các công trình, nhà máy, trang thiết bị …  hoặc làm kỹ thuật viên cho các công ty sản xuất (bất kỳ công ty liên quan sản xuất đều có đội ngũ giám sát, bảo trì, sữa chữa điện)

Một hướng công việc khác là sản xuất hoặc kinh doanh các dụng cụ điện như máy phát điện (DZIMA), động cơ điện, các tủ chuyển mạch, UPS – bộ lưu điện, các thiết bị dùng điện … Tùy vào khả năng và nguồn vốn mà bạn có thể xin làm nhân viên hoặc mở một cửa hàng kinh doanh điện dân dụng và chuyên dụng. Thế mạnh của bạn là có khả năng lắp ráp và tư vấn chính xác.

 

Nhận định về ngành : 

Độ khó: Vừa phải, cần khả năng tính toán.
Công việc: Vừa phải, không quá khó.
Xu hướng: Đối với các trường uy tín thì lượng sinh viên vào ngành này tương đương với hai ngành còn lại, nhưng ở các trường công thì lượng sinh viên vào ngành này chiếm tỷ lệ cao (khoảng 40% tổng số sinh viên của Điện-Điện Tử)

 

4.2. Chuyên Ngành Tự Động Hóa :

 

Tự động hóa là từ dùng để chỉ một công việc được thực hiện thông qua máy móc, mà không cần nhiều sự can thiệp trực tiếp của con người. Ví dụ : thang máy, máy giặt chỉ cần ấn nút là sẽ tự động lên-xuống, giặt quần áo; dây chuyền sản xuất bia sẽ tự động thực hiện lần lượt cho bia vào chai, đóng nắp chai …

Từ khái niệm trên ta có thể hình dung Tự động hóa liên quan đến kiến thức về các dây chuyền, thiết bị, các cơ chế giải thuật điều khiển tự động. Trong chuyên ngành này, người kỹ sư sẽ được học sâu bên thiết kế : kết hợp giữa cơ khí và điện tử (điều khiển tự động) để tạo ra sản phầm. Ví dụ : thang máy, các máy gia công tự động,  nói chung máy móc nào làm tự động cho con người thì kỹ sư tìm hiểu, kết hợp cơ cấu có sẵn hoặc đặt hàng, và thiết kế phần điện tử, lập trình các liên kết, bộ xử lý để nó hoạt động đúng mục đích.

Đối với chuyên ngành này thì bạn sẽ phụ trách kỹ thuật như điều khiển, quản lý hệ thống liên quan đến dây chuyền tự động trong công xưởng, nhà máy (tất cả các dây chuyền sản xuất, chế tạo tự động : Ôtô, linh kiện điện tử, bánh kẹo…), hoặc làm việc cho các công ty thiết kế hệ thống tự động (Thang máy, Máy giặt…). Như đã đề cập cách riêng trong chuyên ngành Hệ thống điện, tất cả các ngành kỹ thuật đều có thể làm kinh doanh, quan trọng là mình có khiếu kinh doanh hay không. Do đó ngoài phụ trách chuyên về kỹ thuật, ở ngành này bạn có thể làm việc cho các công ty kinh doanh thiết bị tự động như Siemens, ABB, Schneider, Mitsubishi… Thật vậy, nếu bạn có kiến thức thì đó là một lợi thế vô cùng, bởi tư vấn đấu thầu một dây chuyền luôn cần có cả kinh doanh và kỹ thuật.

 

Nhận định về ngành:

Độ khó: Khó, cần khả năng tính toán và lập trình tương đối vi điều khiển.
Công việc: Tương đối dễ kiếm.
Xu hướng: Đối với các trường uy tín thì lượng sinh viên vào ngành này tương đương với hai ngành còn lại, nhưng ở các trường công thì lượng sinh viên vào ngành này chiếm tỷ lệ cao (khoảng 35% tổng số sinh viên của Điện- Điện tử)

 

4.3. Chuyên Ngành Điện Tử- Viễn Thông: (xem phụ chú giải thích các thuật ngữ)

 

Ngành này thường được phân thành hai chuyên ngành nhỏ hơn là: Điện tử và Viễn Thông.

Chuyên ngành Điện tử tập trung vào mảng kiến thức chuyên các linh kiện điện tử, vi mạch; các kiến thức về thiết kế, thi công, lập trình cho vi điều khiển, và cao cấp hơn là các bộ vi xử lý. Đối với chuyên ngành này thì bạn có thể làm việc trong các công ty trong và ngoài nước hoạt động liên quan đến thiết kế các mạch điện tử, thiết kế vi mạch, hệ thống nhúng (Các nhà máy của Intel, Samsung, …).

Chuyên nghành Viễn thông tập trung vào mảng kiến thức về xử lý tín hiệu vô tuyến, hình ảnh; các cơ chế truyền thông, hệ thống truyền thông, các mạng thông tin …  Môi trường làm việc trong viễn thông là các nhà mạng vô tuyến, hữu tuyến (Mobi, Vietel, FPT, truyền hình cáp …)

 

Nhận định về ngành:

Độ khó: Khó, cần khả năng tính toán và lập trình nâng cao (C, C++, …).
Công việc: Cả Điện tử và Viễn thông đều có đặc thù là chương trình đào tạo có liên quan đến Công Nghệ Thông Tin (IT), vì vậy ngoài khả năng tìm việc như anh đề ra ở trên, có thể làm cả mảng IT.
Xu hướng: Hiện nay các nhà mạng vô tuyến đang bão hoà, mạng hữu tuyến vẫn đang phát triển. Lĩnh vực thiết kế hệ thống nhúng là một xu hướng mới hiện nước ta vẫn chưa phát triển nhưng đầy hứa hẹn trong tương lai. Lĩnh vực thiết kế vi mạch vẫn đang cần nhiều nhân lực.

 

CÁC VẤN ĐỀ KHÁC

Thời gian đào tạo: Từ 4.5 năm đến 5 năm (tuỳ thuộc một số trường)
Một số trường uy tín về đào tạo Điện – ĐIện Tử
– ĐH Quốc Gia HCM và HN
– Học Viện Bưu Chính Viễn Thông
– ĐH Giao thông Vận Tải HCM
– ĐH Bách khoa Đà Nẵng

 

     Phụ chú: Một số thuật ngữ trong chuyên ngành Điện tử- Viễn Thông

      Điện tử : Tất cả chữ “vi” trong các thuật ngữ sau đều có nghĩa là nhỏ.

i)              Vi mạch : Là mạch điện tử có chứa rất nhiều các linh kiện điện tử cơ bản (lên đến hàng nghìn thậm chí hàng triệu linh kiện) nhằm thực hiện các chức năng nào đó. Mặc dù chứa rất nhiều linh kiện nhưng kích thức rất nhỏ cỡ một bàn tay hoặc vài cm­2 hoặc nhỏ hơn (xem Hình 2). Ví dụ về vi mạch như: thẻ nhớ, mainboard máy tính, usb, các board mạch trong tủ lạnh, ti vi…

ii)             Vi điều khiển (con chip) : Là linh kiện điều khiển rất nhỏ, chứa nhiều vi mạch nhỏ bên trong kết hợp lại với nhau và đóng gói thành một gói, có các ngõ kết nối với các vi mạch khác để tạo thành hệ thống điều khiển. Nó có chứa bộ nhớ nhỏ bên trong để thực hiện các chức năng cần thiết (xem Hình 1).

iii)            Vi xử lý : Cũng na ná vi điều khiển, nhưng không có bộ nhớ và được thiết kế mạnh về khả năng xử lý thông tin. Ví dụ : các module thu FM, AM, xử lý hình ảnh trong điện thoại…

iv)           Hệ thống nhúng: Một hệ thống điều khiển hoặc thực hiện một chức năng độc lập nào đó và được nhúng vào trong một môi trường hay một hệ thống mẹ khác. Một hệ thống nhúng thường có khả năng tự động hoạt động độc lập và có thể nhúng vào nhiều môi trường, thiết bị khác nhau để tạo chức năng mới cho thiết bị đó. Ví dụ như bộ lọc nhiễu là một hệ thống nhúng. Nó có thể gắn vào camera, bộ thu hình hoặc điện thoại để giảm nhiễu…

 

                   

Hình 1 : Bo Mạch (tất cả các thiết bị điện tử đều có bo mạch). Vi điều khiển (con chíp) là cục màu đen trong hình, chứa các vi mạch được đóng gói.

Hình 2 : Vi mạch, bên trong con chip, được phóng to.

 

Viễn thông: là việc truyền dẫn thông tin giao tiếp qua một khoảng cách đáng kể về địa lý.

v)            Vô tuyến : Truyền thông tin không cần dây kết nối. Ví dụ như điện thoại di động, bluetooth , wifi…

vi)           Hữu tuyến : Truyền thông tin có dây. Ví dụ như điện thoại bàn, cáp quang, dây mạng internet…

 

 

Nguồn : Trích facebook group Ôi ! Nghề + trao đổi thêm với tác giả và Nguyễn Đức Thành Nhân.

 

NGÀNH KẾ TOÁN

 Phỏng vấn Nguyễn Thị Mỹ Linh

–          Trước hết, cảm ơn bạn đã dành thời gian cho những chia sẻ về ngành kế toán. Đầu tiên mình muốn hỏi kế toán là gì? Trong suy nghĩ của mình thì kế toán là ghi lại các thu chi của công ty. Điều này đúng không Linh?

 

   Kế toán không định nghĩa là ghi nhận thu chi, thu chi chỉ là 1 phần hành nhỏ của kế toán. Trong doanh nghiệp thương mại (tức mua đi bán lại kiếm lời) thì thu chi mới phát sinh nhiều nhất.

 

Kế toán nói chung là ghi nhận tất cả các nghiệp vụ phát sinh trong doanh nghiệp (kể cả những gì chưa xảy ra – cái này khó mô tả hết từng trường hợp) để phục vụ cho công tác quản lý và thuế theo quy định. Ví dụ, một công ty sẽ có nhiều phần hành kế toán như :

 

 – Kế toán vốn bằng tiền (tiền mặt, ngân hàng, vàng bạc…)

 – Kế toán phải thu, phải trả

 – Kế toán tiền lương và các khoản tính theo lương (bảo hiểm xác hội, y tế, thất nghiệp, kinh phí công đoàn….)

 – Kế toán thuế

 – Kế toán tài sản cố định (công cụ dụng cụ)

 – Kế toán hàng tồn kho

 – Kế toán doanh thu

 – Kế toán chi phí và giá thành

 – Kế toán nguồn vốn và các quỹ

 – Kế toán tổng hợp

 – ………………………….

 

Ở các công ty nhỏ thì kế toán (thường chỉ có một) sẽ đảm nhận tất cả các phần hành trên. Còn trong công ty lớn thì mỗi người đảm nhận một phần hành, người chịu trách nhiệm quản lý chung gọi là kế toán trưởng.

 

–          Để đảm nhận các phần hành như bạn kể ở trên thì người kế toán có cần dựa theo một quy định, tiêu chuẩn nào để làm việc hay không?

 

   Có chứ, kế toán phải dựa theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán. Nói nôm na là những quy định, nguyên tắc, hướng dẫn kế toán viên thực hiện công việc của mình như thế nào. Đây là quy định chung (cho từng mảng kinh doanh) để có sự thống nhất trong quản lý. Ở trường Đại học, sinh viên sẽ được học về chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán trong một chừng mực nào đấy.

 

Cũng cần nói thêm để hiểu rằng, đích đến cuối cùng của doanh nghiệp trong kế toán là cần xác định được thu nhập trước thuế (tức chênh lệch giữa tổng doanh thu và tổng chi phí) và thu nhập chịu thuế (phần thu nhập phải nộp thuế cho nhà nước).  Hai thu nhập này được tính khác nhau nên luôn có sự chênh lệch. Trong khi cái đầu tiên được xác định theo chế độ và chuẩn mực kế toán, thì cái thứ hai được tính theo quy định của chính sách thuế. Do đó, bên cạnh chuẩn mực và chế độ kế toán, kế toán viên cũng cần phải biết về chính sách thuế để có chứng từ, sổ sách hợp lý sau này làm báo cáo thuế. Hiện tại chính sách thuế và chuẩn mực/chế độ kế toán đang cố gắng tiến lại gần nhau để kế toán đỡ phức tạp.

–          Bạn vừa nhắc đến thuế. Trong định nghĩa bạn giải thích về kế toán, phục vụ công tác quản lý của công ty thì mình có thể hình dung được. Còn liên quan đến thuế thì qua đề cập một ít ở trên mình cũng chưa hình dung rõ. Bạn có thể nói cụ thể hơn về thuế đối kế toán?

   Thuế có rất nhiều loại. Trong đó, một loại thuế mà tất cả các doanh nghiệp đều quan tâm đó là thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là loại thuế trực thu (thu trực tiếp người kinh doanh, khác thuế gián thu: thu qua người tiêu dùng như thuế giá trị gia tăng VAT,…) đánh trên phần thu nhập sau khi trừ tất cả các chi phí HỢP LÝ theo quy định của thuế. Chi phí HỢP LÝ là gì ? Trong doanh nghiệp có rất nhiều chi phí nhưng không phải chi phí nào cũng đúng quy định để mình có thể liệt kê hết vào trong chi phí HỢP LÝ, có những khoản thuế cho, những khoản không cho, có khoản cho nhưng bị khống chế….rất nhiều trường hợp. Về nguyên tắc, kế toán vẫn ghi nhận tất cả những chi phí phát sinh nhưng khi làm báo cáo thuế có thể phải loại trừ một số ra khỏi tổng chi phí, chỉ đề còn lại phần chi phí HỢP LÝ.

 

 Đến đây, vấn đề về thuế đối với kế toán có thể hình dung như sau :

 

Thu Nhập Chịu Thuế = Tổng Doanh Thu – Chi Phí HỢP LÝ.

 

Vậy muốn bị đánh thuế ít thì cần phải tăng chi phí HỢP LÝ lên.  Trách nhiệm của kế toán cũng là hạn chế nộp thuế nên cần phải biết về chính sách thuế để đảm bảo có đủ chứng từ hợp lý nhằm tăng chi phí HỢP LÝ lên, muốn hợp lý nhiều khi cũng khó vì có cả mấy nghìn thông tư, công văn, nghị định… ra đời để khống chế điều này.

 

Thuế hầu hết quy định chung, có doanh nghiệp áp dụng nhiều, có doanh nghiệp áp dụng ít hơn do hình thức doanh nghiệp, quy mô lớn nhỏ, doanh nghiệp Việt Nam hay nước ngoài… Chỉ những ngành đặc thù như kinh doanh vàng bạc, đá quý hay ngân hàng, các tổ chức phi chính phủ, hành chính sự nghiệp ….thì có quy định riêng, nhưng cũng có những quy định chung với các tổ chức còn lại. 

 

Một doanh nghiệp sản xuất thì kế toán phức tạp rất nhiều so với doanh nghiệp thương mại, đặc biệt cách tính giá (vì để cấu thành nên sản phẩm cần có rất nhiều nguyên vật liệu, có nguyên vật liệu có thể tự sản xuất, mua trong nước hoặc mua nước ngoài…). Hiện tại hầu hết đều dùng phần mềm kế toán hỗ trợ chứ ngồi tính thì ko biết bao lâu mới lên được báo cáo. Dùng phần mềm mà sai thì việc kiểm tra cũng tốn thời gian. Công ty xây dựng thì cách tính giá lại khác vì đặc thù ngành khác. Hoặc có những quy định khác trong công tác kế toán giữa công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân……nói chung là vô công ty nào thì cố gắng tìm hiểu quy định của chuẩn mực kế toán và chính sách thuế về loại hình công ty đó.

 

Luật thuế thay đổi chóng mặt, không cập nhật thì nhiều khi tiêu đời, người ta nói sai con toán bán con trâu cũng đúng. Chỉ cần quên nộp tờ khai cho thuế một ngày là phải bỏ tiền túi mấy triệu ra, mất một tờ hóa đơn thì mất hơn chỉ vàng…..

 

–          Qua  chia sẻ của bạn, mình phần nào đã hiểu được tính chất công việc của ngành kế toán. Cũng gần mười năm kể từ khi ra trường, những kiến thức học được nơi giảng đường và kinh nghiệm thực tế trong quá trình làm việc khác nhau như thế nào? Bạn có thể cho một nhận xét chung về nghề kế toán như nhu cầu tuyển dụng, vị trí và tính chất công việc…?

 

   Trên trường học về căn bản, nguyên lí kế toán….tạo cái gốc để ra ngoài, trên lớp chủ yếu dạy theo chuẩn mực kế toán, khó mà dạy theo thuế được. Ví dụ cũng có học về kế toán xây dựng nhưng cũng chỉ là một môn học, học xong cũng không đọng lại bao nhiêu. Hiện tại không biết thế nào chứ trước đây toàn kiến thức chay, ví dụ như vay tiền về nhập quỹ thì hạch toán như thế nhưng đi làm rồi thì cái hạch toán đó nó thành đơn giản, làm thế nào để vay được tiền, hồ sơ gồm những gì, để vay được thì phải chuẩn bị hàng tá hồ sơ, phải làm chứng từ để hợp thức hóa…..kế toán phải làm hết.

 

Kế toán người ta bảo dễ xin việc vì công ty nào hầu như cũng cần kế toán nhưng đặc thù ngành này là lương thấp, ăn lương tháng là hầu hết. Ra trường mà tìm được chân đứng nhỏ nhỏ trong một công ty lớn thì cũng có cái hay nhưng cũng có cái dở, cái hay là môi trường chuyên nghiệp có nhiều thứ phát sinh nhưng dở là đảm nhận chỉ một phần hành thôi rồi làm miết vì nó phát sinh nhiều chứ không được bao quát hết, làm suốt cũng chỉ biết cái mình chịu trách nhiệm thôi. Hiện tại người ta giấu nghề lắm, phần mềm cũng chỉ coi được cái phần mình làm ra thôi chứ phần người khác thì không được. 

 

–          Một câu hỏi nữa mình thắc mắc. Cao đẳng và Đại học đều đào tạo kế toán, vậy phổ công việc cho hai hệ đào tạo này có giống nhau hay không ? Phù hợp với mục đích nào thì ta nên học Cao đẳng hoặc Đại học ?

 

   Mình chưa được đào tạo tại Cao đẳng nên mình không biết mức độ phổ cập kiến thức về kế toán có nhiều như tại Đại học hay không. Nhưng trên nguyên tắc thì đều phải tuân thủ theo những gì mình đã đề cập ở trên.

 

–          Câu hỏi cuối cùng, bạn có lời khuyên gì đối với các em sinh viên đang theo học ngành kế toán ? Cách riêng, với những em năm cuối, bạn nghĩ các em nên định hướng như thế nào khi mới ra trường (học lên Cao học hay kiếm việc để lấy kinh nghiệm…) ?

 

   Lời khuyên đối với các bạn đang theo học ngành kế toán thì các bạn nên nắm kĩ nguyên lý kế toán, phải nhớ được hệ thống tài khoản kế toán, đối ứng tài khoản để làm kiến thức nền tảng khi đi làm.

 

Còn những bạn sắp ra trường có nên học lên hay không thì mình nghĩ về lĩnh vực kế toán thì hơn nhau không phải ở chỗ học nhiều hay ít mà hơn nhau ở thực tế. Nếu như được trải nghiệm ở càng nhiều lĩnh vực thì càng tốt, sẽ có cái nhìn bao quát hơn. Mình nghĩ để ra đi làm kế toán dừng lại ở đại học là đủ, còn nếu muốn nghiên cứu giảng dạy thì các bạn có thể học lên nữa.

 

–          Cảm ơn Linh đã chia sẻ rất trọng tâm và tận tình.

 

 

CHỌN LỰA SAU ĐẠI HỌC

Ngành Sư Phạm Toán, Nguyễn Thế Cang

   Đến đây, tôi nghĩ các em đã đủ lớn để chọn lựa hướng đi cho mình.  Phần này tôi sẽ nêu nhận định của tôi về những câu hỏi chính giúp các em tham khảo. Người chọn là các em nên rất cầnthiết để các em tìm một ý kiến khác với chia sẻ của tôi để có một cách nhìn toàn diện và đủ thông tin giúp ích cho việc lựa chọn.

6.1. Tìm Việc Hay Học Lên Cao Học ?

Nếu các em đã xác định dạy ở trường Phổ thông thì tôi nghĩ các em nên ưu tiên tìm việc làm, sau này nếu có cơ hội hoặc nhà trường cử đi học Thạc sĩ thì lúc đó hãy học sau. Có ba lý do chính để tôi nghĩ như vậy.

Một là thực tế khi tôi so sánh bạn bè tôi, giữa một bên là tìm việc làm và một bên là học Cao học. Các bạn tìm việc làm trước thì tôi thấy ổn định hơn, công việc tốt hơn và “chỉ số hạnh phúc” với nghề cũng cao hơn.

Thứ hai, có những điều chúng ta chỉ có thể làm được (hoặc làm dễ hơn) khi ở trong một độ tuổi nhất định. Mới ra trường các em chưa bị ràng buộc nhiều bởi thói quen, tình yêu, trách nhiệm… chưa phải suy nghĩ nhiều và còn trẻ nên dễ thích nghi cùng ý chí tiến thủ cao. Hơn nữa, bạn bè cùng tuổi thời điểm đó hầu như ai cũng đang phải xin việc nên các em mặc nhiên thấy “chịu khổ” là chuyện bình thường và ít có tâm lý tự ti, so sánh. Ngược lại, học xong cao học, các em khó chấp nhận một xuất phát điểm thấp và thấy mình bị “lẻ” ra với bạn bè cũng như ít nhất quán trong việc chấp thuận cuộc sống.

     Lý do cuối cùng, Thạc sĩ là trạm chuyển tiếp để quyết định sẽ theo hướng nghiên cứu hay dừng lại. Trong xã hội nước mình thì là để hư danh hoặc dễ chạy việc (chức). Tất nhiên, có những lúc mình phải “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, nhưng các em thử trở lại bản chất để làm một sự thay đổi từ chọn lựa của bản thân đi cùng với ý nghĩa xem sao. Cần sự can đảm và tôi tin điều gì từ sự thật thì luôn sinh ra hoa trái tốt đẹp.

6.2. Học Cao Học Ở Đâu ?

   Học cao học ở đâu tùy thuộc nhiều vào ý định  các em chọn theo hướng nào, sẽ lập nghiệp ở đâu, năng lực học và thu nhập kinh tế. Đặc biệt lưu ý tránh học ở môi trường nhiều tiêu cực (quà cáp, đi tiền, chạy điểm…) và nếu được thì nên khác trường Đại học đã theo học để thay đổi không khí.

   Với các em muốn tìm cơ hội có thể du học thì thích hợp nhất là theo học các chương trình liên kết Thạc sĩ trong nước với nước ngoài. Theo như tôi biết thì có hai chương trình uy tín sau:

–          Chương trình Thạc sĩ Toán Việt-Pháp: https://sites.google.com/site/duongminhducmathematics/Home/resour/puf/puf-vietnam

–          Chương trình Thạc sĩ Viện Toán phối hợp với các trường quốc tế: http://vie.math.ac.vn/learning/images/stories/PosterCH322.jpg

Các em cũng có thể hỏi trực tiếp các thầy cô trường mình để xin tư vấn hoặc theo dõi thông     tin du học khác ở các trang web của các trường ĐHKHTN để đăng ký hồ sơ cần thiết. Một vài trường hay nhận sinh viên Việt Nam (theo dạng đăng ký tự do) như Đại học Padova (Ý), học bổng Lotus…

6.3.Một Hướng Đi Khác:

   Một hướng đi khác tôi nghĩ các em  nên suy nghĩ đến là gác lại tất cả, dành một năm để làm những công việc thiện nguyện. Điều này các bạn trẻ phương Tây thường chọn và tôi nghĩ các em có thể học tập hướng đi đó. Tôi hiểu các em sẽ nghĩ rằng ở Tây điều kiện sống cơ bản của họ rất tốt nên họ không lo chuyện cơm áo gạo tiền, thành ra có thể dễ sống theo một lý tưởng như vậy. Nhưng thực ra, điều kiện sống càng nhiều thì tình trạng bị lệ thuộc vào vật chất càng cao và hơn nữa sự thỏa mãn về vật chất là sự bất khả vì đời sống cao thì nhu cầu được xem là “cơ bản” cũng sẽ cao theo. Do đó không thể vịn vào sự chênh lệch mức sống mà phủ nhận sự can đảm, dấn thân (và tầm nhìn) của họ được. Bản thân tôi sau khi tốt nghiệp Đại học, không hẳn là tôi đi làm công việc thiện nguyện nhưng lúc đó tôi có định hướng đi tu (Công giáo) nên vào Saigon sống trong nhà Ứng Sinh và Nhà Tập hơn một năm. Sau đó tôi nghĩ có lẽ mình không hợp với ơn gọi nên xin ra lại. Thời gian một năm từ khi ra lại có lẽ là những ngày tháng khôn nguôi nhất của đời tôi. Sau đó thì mọi chuyện cũng qua. Đối với tôi, những năm tháng đó là thời gian quý báu nhất giúp tôi nhận ra sự yếu đuối, sự kiêu ngạo của mình. Từ đó tôi biết lắng nghe người khác hơn.

Các em được giáo dục trong môi trường Sư phạm nên có rất nhiều công việc thiện nguyện dài hạn để các em có thể chung tay. Tin tôi, phải chịu mất đi thì mới có thể tìm thấy được. Không nên đi tìm sự ổn định ở tuổi quá trẻ. Để kép lại, tôi xin trích một câu thơ của Trần Bích San nhằm nói lên kinh nghiệm này:

“Văn vô sơn thủy phi kỳ khí,

Nhân bất phong sương vị lão tài !”

Nghĩa là

“Văn không sông núi, không cao diệu,

Người chẳng phong sương, khó rạng tài !”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

     

Leave a Reply