Có hai lý do tôi biên tập số này. Một là tôi thấy bạn bè tôi thường kể về ba mẹ mang dáng vẻ triết gia. Tôi nghĩ người thời trước không phải là triết gia, họ chỉ sống một đời bình thường và thời cuộc làm cho đời sống đó thành câu chuyện.
Lý do thứ hai là tôi thấy mình biết về Hà Nội, về Paris nhiều hơn về Trà Kiệu. Tôi tìm đọc tiểu sử Shakespeare, tiểu sử Mahatma Gandhi nhưng chưa bao giờ hỏi ba ngày trước như thế nào?
Bài viết số này kể về những câu chuyện của thế hệ trước. Mỗi câu chuyện là một cuộc đời, tình cảm, kỷ niệm riêng, nhưng vẫn phảng phất thăng trầm của thời cuộc- những điều nếu không ghi lại, thì sau ni biết mô mà tìm.
-
Ông bà cố
Bà cố tôi tên Diễn, gốc Chiêm Sơn. Bà lấy ông Lê Phan ở Trà Kiệu, sinh được ba người con trai (về sau là nhánh của ông Vạn, bà Nga Tộc bây giờ). Hồi đó núi rừng còn thiêng, cha con ông Phan là thợ săn hổ. Một lần nấu cháo, bà Diễn bỏ nhầm thuốc diệt cọp vào nồi. Hậu quả là ông Phan và hai người con đầu chết. Sau khi chồng mất, bà Diễn vẫn ở nhà tộc Lê với người con út, tức nhà ông Vạn ở hiện nay.
Ông cố tôi người thôn Ba, thuộc tộc Nguyễn Phước, dòng họ vua Nguyễn ngày trước. Ông cố
con nhà giàu, thường cưỡi ngựa ra Trà Kiệu chơi vì Trà Kiệu khi đó bán buôn nhộn nhịp hơn các vùng khác. Run rủi sao ông gặp và yêu bà cố lúc này góa chồng. Dễ hiểu ông bà sơ tôi và dòng tộc Nguyễn Phước phản đối chuyện này gay gắt như thế nào. Một phần ông cố còn trẻ, chưa vợ, có địa vị, phần khác là không thể chấp nhận con cháu trong tộc lấy vợ Công giáo. Nhớ rằng ông bà cố tôi sống vào thời sau biến cố Trà Kiệu 1885 không lâu, thành thử quan hệ giữa lương và đạo còn nhiều thù hằn, định kiến. Bất chấp cấm cản, cố nhất quyết lấy bà cố. Kết quả ông bị ông bà sơ từ, bị dòng họ gạch tên khỏi gia phả. (Mãi đến thời ba tôi sau 1975, tộc Nguyễn Phước mới nhận lại nhánh của ông). Về phần bà cố thì sau khi tái giá, bà không thể tiếp tục ở nhà tộc Lê. Hai ông bà cùng đường mới dắt nhau về Chiêm Sơn quê gốc của bà cố sống; sinh ra được bốn gái, hai trai. Cha của bác bốn Kính (cụt chân) gần nhà thờ Chiêm Sơn là thứ ba, còn ông nội tôi là út, tên Chinh.
Tôi thắc mắc sao ông nội ở Chiêm Sơn lại gặp được bà nội? Ba kể tiếp cho tôi nghe.
Bà nội con cháu Nguyễn Quang. Tộc Nguyễn Quang ngày xưa sống trong đồng lớn Trà Lý, khoảng mươi nóc nhà theo đạo, kiểu như Phú Nham bây giờ. Sau đó người Pháp mới cho dời hết ra ngoài Trà Kiệu, quây quần ở khu đất phía sau cái bè phái Đông. Thực ra, cái bè này trước kia là đám ruộng, sau tộc Nguyễn Quang ra múc đất đắp nền, dần dần mới trũng xuống thành cái bè như hiện nay. Trở lại gia đình bên phía bà nội, ông bà sơ tôi có tám người con. Ba của bà nội là con trưởng, thứ bảy là ông Thọ (ông ngoại của ông Giản, Phúc) và út là Cha Xuyên. Ông cố phía bà nội có hai đời vợ. Bà nội là con của đời trước nên sau khi cố lấy vợ khác, nội được chú là ông Thọ đem về nuôi.
Nhà ông Thọ lúc đó giàu, có nhiều ruộng đất. Mỗi lần tới mùa là ông thuê đội thợ về gặt. Ba giải thích ngày xưa người ta trọng sức là chủ yếu, thành thử anh nào mạnh là rất dễ cưới được vợ. Ông nội Chinh tôi thuộc nhóm thợ Chiêm Sơn gặt thuê cho ông Thọ. Thấy ông nội cao to, chăm chỉ, lại có đạo, nên ông Thọ làm mai cháu mình là bà nội cho ông nội. Hai ông bà lấy nhau, bà nội theo ông nội về Chiêm Sơn sống.
Tôi trầm ngâm nghĩ về ông cố nội tôi. Ông nội đi làm thuê thì chắc lúc đó nhà ông bà cố nội cũng nghèo. Không biết với địa vị một thời của mình, nhìn con cái không ăn học, lam lũ, ông cố nội tôi có nghĩ ngợi gì không? Tôi đoán chắc ông buồn nhiều. Thật sự, tôi không hiểu được tại sao ông bỏ tất cả chỉ để lấy bà cố, người dù muốn dù không cũng chịu tiếng ngộ sát và đã qua một đời chồng? Sự nghiệp không quan trọng với ông sao? Gia đình không quan trọng với ông sao? Tôi không phải người lý tưởng hóa tình yêu nên trong thâm tâm tôi cũng khó mà bênh ông được. Tuy nhiên, tôi cũng không biết nói gì về điều này, bởi lẽ nhờ đó mới có tôi; và rằng tôi được sinh ra từ chính những chọn lựa mình gay gắt phản đối. Sự mâu thuẫn này mang đến cho tôi một bài học: rằng luôn có những điều nằm ngoài kinh nghiệm và sự suy lý của mình.
Sau khi bà nội lấy ông nội về sống ở Chiêm Sơn, nội sinh ra con trai đầu, đặt tên Tuấn, nhưng chưa đầy tháng thì đứa trẻ mất. Nội sinh tiếp hai bé trai nữa, cũng lấy tên Tuấn, cả hai đều mất khi lọt lòng mẹ. Biết cháu mình bị bệnh, vợ ông Thọ dẫn bà nội xuống Hội An chữa. Nhờ vậy nội khỏi và thời gian sau sinh được ba, cũng đặt tên Tuấn. Nội sinh tiếp thêm chú ba Đặng thì ông nội mất. Ba nghe người lớn kể lại là ông bác và ông nội, hai anh em muốn hốt cốt bà cố Diễn để chôn gần ông cố. Lúc đào mã lên thì thấy cốt bị kết (tức chôn mấy năm rồi mà xác không phân hủy). Thường dân gian rất kỵ cốt kết, nếu dời mộ mà đào lên thấy cốt kết người ta sẽ lấp lại, cứ để phần mộ yên vị ở đấy. Ông bác và ông nội phần ỷ sức khỏe, phần khác thương mẹ, nên quyết định vẫn hốt cốt để ba mẹ được gần nhau. Không biết có phải do chuyện này không mà sau đó ông bác bị phổi, nằm thời gian rồi mất. Ông nội tôi túc trực chăm anh, nhiễm bệnh lúc nào không hay. Sau khi anh mất thì ông nội cũng phát bệnh phổi và qua đời. Lúc đó ba tôi chừng ba tuổi, còn chú ba thì chưa biết đi…
Ngồi nghe ba kể chuyện cố, chuyện nội, thoáng thấy thời gian như nước chảy qua cầu.
-
Hậu chiến và bao cấp
Khi cộng sản chiếm được Duy Xuyên (28-3-1975), chiến trường miền Nam vẫn chưa biết ngã ngũ như thế nào. Thiệu tuyên bố “tử thủ vĩ tuyến 12” (Nha Trang). Để ổn định tình hình, có chỉ thị miệng từ huyện mỗi xã bắn một người để thị uy. Suốt thời gian đó cho đến 30-4-1975, anh nào làm việc dưới chế độ cũ đều phải tập trung về cơ sở thôn mỗi tối để quản lí và học tập chính trị.
Cơ sở thôn ở Trà Kiệu khi đó là trạm xá bây giờ. Ngày đầu có lệnh tập trung, ở xã họ dặn sáu giờ tối, thì bốn giờ anh nào anh nấy lo ăn cơm, năm giờ đã có mặt đầy đủ. Bắt đầu buồi tập trung, ông trưởng công an thấy bầu khí nặng nề quá nên đề nghị một người lên hát. Không ai dám xung phong. Chặp lâu, có ông Cương chồng bà Bảy Cương (anh ông Vũ châm cứu) giơ tay xin hát. Mọi người đều hoảng, bởi lúc đó chẳng ai biết nhạc cách mạng như thế nào, sợ ông hát nhạc miền Nam phật ý cộng sản, Đ.M. họ có thể bắn chết hết tại chỗ. Tôi nhớ mãi tối đó ông hát bản Một mai giã từ vũ khí của Trịnh Lâm Ngân:
“Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn
Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi
Ngoài con tim héo em ơi !
Xin trả lại đây, bỏ lại đây
Thép gai giăng với lũy hào sâu
Lỗ châu mai với những địa lôi
Ðã bao phen máu anh tuôn, cho còn lại đến mãi bây giờ…”
Ông hát như Duy Khánh. Mấy trăm con người không một tiếng động, ngồi im phăng phắc nghe từng lời, từng lời. Ai cũng xúc động, bởi bài hát diễn tả đúng tâm trạng hậu chiến của mỗi người. Nhờ tiếng hát ông mà tâm lý mọi người được giải tỏa, giữa bên thắng và bên thua có sự cảm thông hơn. Không may là sau này, ông Cương bị trúng bom chết trong một lần đi lao động bắt buộc.
Sau tháng tư năm 75, khi đã hoàn toàn chiếm được miền Nam, huyện mới lập danh sách chính thức những người làm việc dưới chế độ cũ rồi gửi về xã. Anh nào tội nhẹ (công nhân viên chức) thì cho đi xây dựng nông thôn để “lấy công chuộc tội”. Tôi và nhiều người Trà Kiệu khác thuộc nhóm này. Sáng xách cơm lên Đập Vĩnh Trinh: dò mìn có, cắt cỏ có; họ bảo chi thì răm rắp làm theo. Tối được cho về nhà ngủ rồi ngày mai đi tiếp. Những ai trước kia đi lính thì bị giam tập trung ở Trà Lý từ một đến hai năm. Anh nào tội nặng hơn nữa, gọi là “có nợ máu với nhân dân”, thì bị bắt đi cải tạo ở An Điềm, Đại Lộc. Tôi nghe mấy đứa bạn đi cải tạo về kể mà rùng mình. Tiếng là “cải tạo” nhưng thực chất là tù không bản án. Có người một, hai năm về, có người cả chục năm ròng rã. Ăn uống thì thiếu thốn. Ông bạn Trà Kiệu tôi (không biết có thêm thắt gì không) một lần thèm thịt quá, ra ruộng chộp được con nhái, sau đó trộm hòn than nóng, lén lén vừa đi vừa thổi con nhái rồi bỏ vào miệng nuốt. Sống chết của tù nhân cải tạo nhiều lúc cũng ở trong tay cán bộ. Trong sách hồi ký của cô ruột (?) cha phó Giuse Cường, bà kể nhiều trường hợp cán bộ đưa tù nhân đến nơi khuất, sau đó bắn chết rồi báo cáo là do tù nhân có ý định trốn trại hoặc cướp súng.
Chẳng ai muốn bị bắt đi cải tạo cả, và nếu đã bị bắt đi thì chỉ ngày đêm mong sớm được thả về. Nào ngờ “bĩ cực thái lai”. Những năm 80 có chương trình Tái định cư nhân đạo do Mỹ và Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn hỗ trợ, người nào bị cải tạo ba năm trở lên thì cho qua Mỹ theo diện HO. Nhờ vậy Trà Kiệu bây giờ có nhiều Việt kiều như gia đình ông Thơm, ông Tám Thành, ông Sáu Sa, nhà bà Bảy Đến… Chương trình khép lại vào năm 1994.
Sau chiến tranh, ai có vàng cũng đều cất để chờ nghe ngóng. Năm 75-76, chính quyền chưa động tĩnh gì, vẫn cho phép tư hữu ruộng đất. Người nào có ruộng thì được tự do canh tác trên phần ruộng của mình. Thời gian đó có tin đồn là nhà nào không có ruộng sẽ đưa vào Trà Lý khai hoang. Nhiều người Trà Kiệu sợ, bỏ vàng ra mua của nhà nước hai, ba sào. Làm được hai năm thì chính quyền lệnh tịch thu hết ruộng tư đưa vào hợp tác xã, thành ra nhiều nhà mất vàng, mất ruộng- vô sản.
Thập niên 80s là thập niên của hợp tác xã (HTX). Ta quen gọi giai đoạn này là thời bao cấp với chính sách ngăn sông cấm chợ.
Ngăn sông có nghĩa là giữa các tỉnh thành, địa phương với nhau không được tự do thông thương, buôn bán. Ví dụ như tỉnh A gạo nhiều nhưng thiếu phân, tỉnh B sản xuất dư phân nhưng không đủ gạo. Nhà nước kiểm soát nghiêm ngặt, cấm tư nhân qua lại buôn bán phân-gạo giữa hai tỉnh. Trong khi đó việc phân phối do nhà nước quản lý lại máy móc, quan liêu nên cuối cùng dân hai tỉnh đều đói, phân và gạo để mốc trong kho.
Cấm chợ là cấm buôn bán các mặt hàng nhu dụng. Ngoài chợ chủ yếu bán rau củ, thịt cá. Các đồ dùng như muối, đường, dầu (lửa), quần áo, vải vóc … chỉ bán ở cửa hàng vật tư của thôn do HTX quản lý. Không như bây giờ ai muốn mua gì thì mua, mua bao nhiêu cũng được. Thời đó mỗi hộ gia đình, tùy vào số nhân khẩu, được cấp một quyển sổ lương thực gọi nôm na là Sổ gạo, trong đó ghi rõ mỗi tháng chỉ được phép mua gì, với số lượng bao nhiêu. Nếu mất sổ gạo thì cực trăm bề. Từ đấy thành ngữ “Mất sổ gạo” ra đời, diễn tả một người gặp phải hoàn cảnh không may, bi đát.
Tóm lại thời đó cấm tư thương. Ai cũng phải vào HTX làm. Mỗi ngày làm việc chấm theo công điểm. Cuối tháng HTX quy điểm ra lúa trả cho xã viên. Ở Duy Sơn thời bao cấp gánh một tạ phân được 4 điểm, cuốc hết sào ruộng được 40 điểm; 10 công điểm đổi được 3,5 kí lúa. Thường mỗi người làm một ngày được 7-10 điểm. Nếu một gia đình có hai vợ chồng làm chính thì mỗi tháng được 600 điểm, quy ra là 180 kí lúa. Mọi ăn uống, sinh hoạt, chi tiêu, thuốc men trong nhà đều trong 180 kí lúa này. Phải nói cụ thể như vậy để thế hệ bây giờ hiểu vì sao thời đó ăn cơm độn nhiều.
Các đội sản xuất chính ở Trà Kiệu bao gồm làm nông, làm mành trúc và làm gạch. Mành trúc là bức màn bằng trúc (sặc), treo ở cửa để cách biệt hai gian với nhau (xem Google). Cơ sở mành trúc Trà Kiệu là nhà thờ Thạnh Quan bây giờ, ông Ba-chít (anh bà Nga Tộc) và ông Ngọc bún làm quản lý chính. Xâu mành trúc không cần nhiều sức, nên các hộ thường nhận về nhà để tối phụ nữ và con nít ngồi xâu.
Ai có sức khỏe thì làm nông. Vì làm nông chấm công theo nhóm, nên mấy anh mạnh, siêng sẽ bắt cặp với nhau vô một nhóm, còn mấy anh yếu, chậm thì vô một nhóm. Lúc đó ở Trà Kiệu nhóm “chiến” nhất là nhóm của ông Ba Mừng, ông Giáo Đông.
Đội gạch thì cơ sở ở Phái Nam, chắc mọi người đã thấy lò gạch cũ ở phía sau nhà thầy Dũng dạy Tiếng Anh. Chịu trách nhiệm đội gạch là thầy Thiên. Thầy Thiên này có tài, làm việc nhanh nhẹn nên ai cũng nể, nhưng do tính thẳng nên không mấy được lòng cán bộ HTX. Có lần xã viên đem xe bò ra lấy gạch nhưng không có giấy xác nhận của HTX. Thầy Thiên hỏi: “Mấy anh có giấy không?”. “HTX bận chưa ký giấy nhưng ông Ban bảo cứ ra chở gạch” người ở xã phân trần. Ông Lưu Ban khi đó là chủ nhiệm HTX. “Ở đây tôi chịu trách nhiệm chính, Thầy Thiên nói, không có giấy là không được chở! Có ông Trời xuống bảo tôi cũng không cho chở!”. Vì những đụng chạm tương tự như vậy nên được một thời gian thì thầy Thiên không làm nữa.
Nếu chỉ chân phương làm công điểm thì không đủ ăn. Ai cũng phải tìm cách này, cách kia kiếm sống. “Túng thế tùng quyền”. Một số ít ở Trà Kiệu có quan hệ thì hối lộ cán bộ kho tuồn hàng ra (phân bón, dầu, vải…), sau đó đem bán kiếm lời. Số khác thì đi buôn lậu, như ông Ánh Sinh vào Quảng Ngãi mua gạo rồi nhảy tàu ra Huế bán, ông Chánh Tâm mua bò về bán lại cho HTX, Huy Dinh với Hùng Ninh thì đi buôn đường, vợ chồng Phước Phương thì buôn nghệ ở Thăng Bình… Đó là những người có vốn. Người nào không vốn thì trường kỳ đi củi, gánh qua Duy Trinh bán lại cho nhà ông Đương nấu rượu (cha ông Ngọc Minh Đương). Có thể nói đùa mà thật là ông Đương lúc đó nuôi toàn bộ thanh niên Trà Kiệu bấy giờ, bởi anh nào cũng đi củi về bán cho ông Đương cả. Đi củi, nhiều anh thanh niên thèm thuốc quá không có giấy hút, xé Thánh Kinh ra quấn, hết thời bao cấp, tính ra xé gần chục quyển.
Bây giờ mọi người đã nhìn nhận kinh tế bao cấp là sai lầm. Cán bộ kiếm chác phần cán bộ, xã viên làm qua loa, có mánh của xã viên. Tôi đã kể về những khổ cực, quan liêu của thời bao cấp ở trên. Tuy vậy, không nên đánh giá một giai đoạn đã qua theo cách “lúc được được quá cái đáng được, lúc mất lại mất quá cái đáng mất”. Tôi vẫn quý ông chủ nhiệm HTX Lưu Ban, một người chí công vô tư, không được học hành nhiều nhưng tư duy mở và quyết đoán. Ông có những chính sách thể hiện tầm nhìn xa, như việc di dời nghĩa trang sau trường Nguyễn Hiền vào Đồng Quảng, hay làm con đường từ Nhà Thờ Trên thẳng vào thôn Ba bây giờ.
Chuyện lâu quá rồi, tôi kể lại theo trí nhớ rời rạc, hi vọng thế hệ sau hiểu được phần nào Trà Kiệu của năm tháng chúng tôi qua.
-
Tặng cây trái vườn nhà và ngày hôm qua
Năm tôi học lớp 7, nhà tôi chặt cây cóc sát nhà vì sợ mùa mưa cây gãy đỗ. Tôi lặng lẽ, chết nửa người. Đến bây giờ cái cảm giác mất mát đó vẫn rõ trong tôi. Tôi không biết cây cóc đó mấy tuổi, chỉ biết từ khi tôi có trí nhớ thì nó đã cao to lắm rồi, có lẽ trong làng chỉ thua cây cóc nhà ông Nhãn gần nhà thờ trên (nhưng năm tôi học lớp 3 thì nó đã bị chặt). Tôi tự hào vì cây cóc nhà tôi cao nhất, từ ngoài đường có thể thấy tán của nó xòe rộng, vươn cao đầy ngạo nghễ. Mùa rụng lá, những trái cóc còn sót lại treo tùng teng sẽ là mục tiêu để tôi tập bắn ná. Hoặc sáng ra, tôi dậy sớm đi lượm cóc chín đem lên trường khoe- nói đúng hơn là nhứ, vì tôi chỉ đem một, hai trái thôi.
Rồi những cây vú sữa, cây mãng cầu, cây khế, cây nhãn trong vườn nhà tôi cũng dần bị chặt đi. Gần nhất là cây mít bị chặt cách đây hai năm. Cứ mỗi cây bị đón bỏ là lòng tôi lại cảm thấy mất đi một điều gì gắn bó lắm. Tôi xem chúng như những người bạn, nhưng đốn hay không thì chỉ có ba tôi mới có quyền quyết định. Bây giờ ra sau vườn, tôi cảm thấy những kỷ niệm về tuổi thơ của mình dần xóa vết. Nó như không có gì chứng minh tôi đã từng một thời lớn lên ở đây, như ai đó đang bứng tôi ra khỏi sự tồn tại của chính mình.
Chiều nay tôi đón cháu tôi về từ nhà trẻ của các soeur dòng Phaolo. Cháu tôi tên LV, hai tuổi. Hai chú cháu lững thững đi bộ về ngõ kiệt ông Trình. Đi đến hàng rào nhà ông Sáu, tôi với tay hái hai lá keo cho cháu tôi cầm chơi. Định chút nữa về nhà sẽ tước lá nhỏ đi, cột lại rồi chỉ nó cách chơi đá gà. Bất giác, lúc tay đang kéo cây keo xuống, tôi thấy lại tôi của những ngày xưa y hệt- như thời gian chưa từng đi qua. Điều đó làm tôi xúc động. Thời cấp I, tôi với bạn bè tôi vẫn đi học thêm về đường kiệt này. Chúng tôi hay thường hái lá keo xuống rồi tước lá nhỏ ra đem quấn với lá mồng gà (không phải cây hoa mào gà) ăn rất ngọt. Lúc đó đường đất chứ không phải bê tông như bây giờ. Xóm này gọi là xóm Gòn vì trước đây có cây gòn ra trái sai lắm, nhưng sau chặt đi vì chẳng còn ai thu mua bông gòn nữa nên mỗi khi tới mùa là tuyết gòn bay tứ tung, nếu gặp mưa thì bện lại với đất rất bẩn. Gần hai mươi năm rồi, chỉ còn mình tôi hái lá. Có lẽ cây keo cũng buồn vì thời buổi này lấy đâu ra lá mồng gà nữa để mà tương ngộ. Tôi đưa lá keo cho cháu tôi và nói: “Lá keo”. Nó xòe tay ra nhận rồi giương mắt nhìn tôi phát âm theo rõ to: “La..á..á.. Kkke..oo…”. Tôi cầm tay dẫn về. Hai chú cháu bước đi. Hình như, có bông gòn trắng bay đầy sau lưng chúng tôi.