I. Giới thiệu
Những bài viết trong phần 3 sẽ tập trung vào chủ đề Đức tin và Khoa học. Lần lượt qua mỗi số chúng ta sẽ tìm hiểu về thuyết tương đối, thuyết tiến hóa, đạo đức trong y học và tư tưởng của Giáo hội.
Trước khi đi vào từng chủ đề chuyên môn, chúng ta tạm quên đi những thiên kiến về Đức tin và Khoa học để suy nghĩ lại câu hỏi: Đức tin là gì và Khoa học là gì? Điều này không có ý giải thích hay thuyết phục người đọc thay đổi quan điểm, nhưng nó cần thiết để mở ra góc nhìn mới mà đôi khi mình chưa ở bờ bên kia nhìn lại.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ theo dõi cuộc nói chuyện giữa hai người làm khoa học nói về đức tin và thời đại khoa học bây giờ. Do câu chuyện lấy từ thực tế, nên có những phần, nội dung có thể gây hoang mang cho người đọc. Vì vậy lưu ý của người viết dành cho độc giả quan tâm là nên đọc toàn bộ bài viết.
II. Cuộc nói chuyện về Đức tin và Khoa học
Bối cảnh của câu chuyện là nội dung bài báo đăng trên Independent.co.uk, trang mạng truyền thông nổi tiếng của Anh, đưa tin về bài phát biểu năm 2015 của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Giáo hoàng hàn lâm học viện về Đức tin và Khoa học. Dưới đây là tiêu đề và nội dung bài báo được dịch từ nguyên bản tiếng Anh. Để tránh những diễn giải có tính báo chí, độc giả quan tâm nên đọc toàn bộ bài phát biểu được ghi ở phần III. Phụ lục.
Đức Giáo hoàng Phanxicô phát biểu thuyết tiến hóa và Big Bang là đúng và “Thiên Chúa không phải là nhà ảo thuật với cây đũa thần”
Thuyết tiến hóa và Big Bang là thật, Thiên Chúa không phải là “nhà ảo thuật với cây đũa thần”, Đức Giáo hoàng Phanxicô phát biểu.
Trong bài nói chuyện tại Giáo hoàng hàn lâm học viện, những bình luận của Đức Thánh Cha được các chuyên gia nhận xét là đặt dấu chấm hết cho những “cách nghĩ sai lầm” về tạo dựng và thiết kế thông minh (intelligent design) mà một trong số đó được ủng hộ bởi vị giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Bênêđictô XVI.
Đức Giáo hoàng Phanxicô giải thích rằng hai học thuyết khoa học này không mâu thuẫn với sự tồn tại của Thiên Chúa- mà trái lại nó cần phải “dựa vào Đấng Tạo Hóa”.
“Khi chúng ta đọc công cuộc tạo dựng trong Sáng Thế ký, chúng ta dễ có nguy cơ hình dung Thiên Chúa là một là nhà ảo thuật với cây đũa thần có thể làm mọi sự. Nhưng điều đó không phải như vậy”, Đức Thánh Cha nói.
“Thuyết Big Bang, mà ngày hôm nay chúng ta cho rằng là khởi điểm của vũ trụ, không mâu thuẫn với sự can thiệp của Thiên Chúa nhưng, thay vào đó, phải cần có Thiên Chúa.”
“Thuyết tiến hóa trong tự nhiên cũng không đối lập với những những ý niệm về Đấng Tạo Dựng, bởi vì sự tiến hóa phải dựa trên những sinh thể mà từ đó sự phát triển hình thành.”
Hội Thánh Công giáo thường được cho là chống lại khoa học. Câu chuyện lịch sử được biết nhiều nhất là trường hợp Galileo, trước sức ép của tòa án dị giáo, đã buộc phải chối bỏ học thuyết “lạc giáo” của mình về việc trái đất quay xung quanh mặt trời.
Có thể nói, những bình luận của Đức giáo hoàng Phanxicô là tiếp nối tư tưởng tiến bộ của Đức Giáo hoàng Piô XII, một người có tinh thần cởi mở đối với thuyết tiến hóa và đồng thời cũng đón nhận học thuyết Big Bang cách tích cực. Năm 1996, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tiến thêm một bước xa hơn khi gợi ý rằng thuyết tiến hóa còn “hơn cả một giả thuyết” với “những bằng chứng xác thực.”
Dù vậy gần đây, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và những cố vấn thân cận đã ủng hộ khái niệm cho rằng thiết kế thông minh là nền tảng của thuyết tiến hóa, và sự chọn lọc tự nhiên tự nó không thể giải thích được sự đa dạng và phức tạp của thế giới. Năm 2005, trợ lý thân cận của Đức Bênêđictô đã viết một bài báo nói rằng “thuyết tiến hóa theo nghĩa có chung nguồn gốc có thể đúng, nhưng thuyết tiến hóa mà cho rằng không có một ý định, tiến trình nào cả như trường phái Darwin thì không đúng”.
Giovanni Bignami, giáo sư, viện trưởng viện Thiên Văn quốc gia Ý, nói với thông tấn xã Adnkronos của Ý: “Bài phát biểu của Đức Thánh Cha thật ý nghĩa. Chúng ta bước ra trực tiếp từ Big Bang, vụ nổ đã tạo nên vũ trụ. Thuyết tiến hóa khởi nguồn từ Đấng Tạo Dựng.”
Giulio Giorello, giáo sư triết về khoa học của trường Đại học Degli Studi tại Milan, nói với các phóng viên rằng ông tin Đức Phanxicô đang “cố gắng giảm thiểu những bất đồng hoặc chấp nhận những bất đồng” về khoa học.
Mặc dù có sự khác biệt lớn về quan điểm thần học với vị tiền nhiệm, Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn ca ngợi Đức Bênêđictô XVI trong dịp ngài khánh thành tượng bán thân bằng đồng của Đức Bênêđictô tại trụ sở chính của viện hàn lâm, bức tượng sau đó đã được đặt trong khu vườn Vatican.
“Học thuật và khoa học không làm cho bản thân ngài cùng tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân trở nên cằn cỗi,” Đức Giáo hoàng Phanxicô nói, theo tin từ truyền thông Công giáo.
“Trái lại, kiến thức, sự khôn ngoan và lời cầu nguyện đã làm cho con tim và tinh thần của ngài trở nên rộng mở. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì món quà Ngài đã dành tặng cho Giáo hội và thế giới thông qua sự hiện diện và nhiệm kỳ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô.”
(Dịch từ Independent.co.uk, Pope Francis declares evolution and Big Bang are real and God is not ‘a magician with a magic wand’)
Bình luận: Dưới đây là đoạn nói chuyện trên facebook giữa hai người làm khoa học nói về Đức tin và thời đại khoa học bây giờ.
Z: ” Mỗi linh hồn đều có Thượng đế tính trong tiềm thể.
Mục đích là biểu hiện Thượng đế tính tiềm tàng bên trong bằng cách chế ngự thiên nhiên, cả ngoại cảnh lẫn nội tâm.
Chúng ta hãy thực hiện mục đích đó bằng việc làm, hoặc bằng sùng bái, hoặc bằng điều khiển tinh thần hoặc bằng triết học – bằng một hoặc nhiều hơn, hoặc bằng tất cả con đường này – và hãy được tự do.
Toàn thể tôn giáo tựu trung chỉ là vậy. Giáo lý hoặc tín điều hoặc nghi lễ hoặc kinh sách hoặc giáo đường hoặc hình thức đều là chi tiết phụ thuộc.” (Vivekananda)
Nghĩ: Tai họa của một tôn giáo là muốn áp đặt hệ thống tín điều của mình lên mọi lĩnh vực của đời sống, và tệ hại nhất là muốn mon men thâm nhập, từ vuốt ve, gạ gẫm cho đến điều khiển, khống chế địa hạt khoa học. Ngược lại, cũng tai hại không kém, khi khoa học tham vọng mưu toan thế chỗ cho tôn giáo. Khi một khoa học manh nha muốn làm điều đó, dù cho bằng bất kỳ phương cách khoa học tinh vi nào, với những bộ óc thiên tài ngoại cỡ kiểu nào; dù mục đích được cho là cao đẹp cỡ nào đi nữa, thì chính nó đã tự thoái hóa thành một thứ tôn giáo hạ cấp.
Z: Trong thời buổi khoa học- kỹ thuật gần như là thống soái, tinh thần duy khoa học được đẩy đến mức bệnh hoạn, ngay cả trong giới bình dân, với họ, cuộc sống hàng ngày cũng chẳng khoa học khoa hiết gì [chỉ thấy vài thiết bị công nghệ tinh vi là lác mắt!], mở miệng ra cũng khoa học này nọ, hố đen hố đỏ, thì những phát ngôn của Giáo Hoàng là kiểu vuốt ve tán tỉnh khoa học, mà tự đi đánh mất cái tinh túy tôn giáo của mình. Chưa thấy ư? Khoa học-công nghệ bây giờ nằm trong tay bọn độc tài, với tâm hồn ác quỷ như Tập, Pu, Ủn,… là ẩn tàng thảm họa khủng khiếp cho nhân loại. “Khoa học mà không lương tâm thì chỉ còn là sự lụi tàn của tâm hồn” (Rabelais)
J: Dạ, em là J. Đọc chia sẻ của thầy, em cũng có một vài chia sẻ ạ. Dạ, thầy cũng biết em Công giáo nên những suy nghĩ của em có lẽ cũng thuần Công giáo ạ.
1.Đức tin và Khoa học:
Em không nghĩ những phát biểu của ĐGH là “‘vuốt ve, tán tỉnh”. Truyền thông thường dùng thủ thuật “nói một nửa” để hướng người đọc đến một cuộc chiến, thắng – thua và giấu đi những hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau giữa Đức tin và Khoa học.
Lấy ví dụ về thuyết Big Bang. Sau khi Einstein xây dựng thuyết tương đối hẹp (special relativity) vào năm 1905 và thuyết tương đối rộng (general relativty) vào năm 1915, thì người đầu tiên đưa ra thuyết Big Bang là nhà Thiên văn học, Gs Vật lý Georges Lemaître (năm 1927). Thật ngạc nhiên, Lemaitre là linh mục Công giáo.
Một ví dụ khác là Stephen Hawking người vừa mới mất. Hawking không tin vào sự tồn tại của Chúa (vô thần). Ông chủ trương vũ trụ được vận hành bởi các định luật khoa học. Dù vậy, ông vẫn đồng thời là thành viên lâu đời của Giáo Hoàng hàn lâm học viện. Đức Phaolô VI, khi bổ nhiệm Hawking, cho hay: “thành viên của Hàn Lâm Viện được chọn dựa trên các thành tích học thuật và chuyên môn nghề nghiệp, chứ không phải dựa trên các niềm tin tôn giáo của họ.” Đó cũng là lý do của việc trao Huy Chương Vàng Piô XI cho Hawking vào năm 1975.
Trên đây chỉ là hai ví dụ nhỏ để thấy rằng có cả một quá trình, thiện chí giữa hai bên, chứ không như những gì thường thấy trên mặt báo.
2. Lạm Khoa học:
Trong thư trả lời nhà Toán học Piergiorgio Odifreddi, người chủ trương tôn giáo hóa khoa học, ĐGH Bênêđictô XVI đã đặc biệt nhấn mạnh, trong tôn giáo Toán học đó, ba chủ đề căn bản của cuộc sống con người không được xét đến: tự do, tình yêu và sự dữ.
Lạm khoa học là hệ lụy, mới về hình thức, nhưng bản chất thì vẫn là cơn cám dỗ xuyên suốt lịch sử con người và mỗi người: để Thiên Chúa làm chủ con người mình hay mình làm chủ con người mình? Trong Cựu ước diễn tả bằng câu chuyện Adam-Eva, tháp Babel…, trong Tân Ước điển hình là lúc Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu (lo lắng trước khi chịu khổ nạn): “Lạy Cha, con không muốn uống chén đắng này, nhưng đừng theo ý con mà xin vâng theo ý Cha.” (Lc 22,42)
Em đọc cuốn Thiên Chúa và Trần Thế, một cuộc trao đổi dài giữa nhà báo Peter Seewald và Đức Hồng Y Joshep Ratzinger (tức ĐGH Bênêđictô XVI), thấy cái nhìn của ngài về thời đại tân kỳ và câu chuyện Babel trong Cựu Ước rất hay. Em gõ trích lại ở cuối chia sẻ ạ!
3. Giáo hội và Thời đại:
Hồi nhỏ, mỗi sáng Chúa Nhật đến nhà thờ, suy nghĩ non nớt của em chỉ mong được như mấy anh chị lớn, không phải học Giáo lý trước giờ Thánh lễ. Lớn thêm, em tự hỏi liệu em có là người tín hữu nếu như không sinh ra trong một gia đình Công giáo? Lúc này, cách nghĩ Kitô giáo đã là phần cơ bản trong con người em, nên em trả lời mình rằng: “Đó là một hồng ân”. Tuy nhiên, nơi sâu xa, em không dám đối diện với tiếng vọng lại rằng: Tôi đã không được tự do khi chọn lấy giá trị sống cho mình ngay từ đầu.
Bây giờ, khi vào đời một chút, em hiểu ra, sự bổ túc cho câu trả lời ở trên thật đơn sơ. Có muôn vàn khía cạnh tuyệt đối cơ bản của cuộc sống không cho phép chúng ta chọn lựa: phái tính, cha mẹ, màu mắt, tính tình, tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Cho nên, việc được nuôi dưỡng trong một môi trường Kitô giáo không phải là một thiệt thòi, vì dù muốn dù không mình cũng sẽ mang lấy một giá trị nào đó của môi trường xung quanh, cả tốt lẫn xấu, những điều mà chắc chắn không phải do chính mình tự chọn ngay từ đầu. Vậy nên, em thấy mình may mắn được định hướng bởi một nền tảng giá trị tốt (Kitô giáo) lúc còn thơ.
Em cũng đọc sách nên cũng biết nhiều về những bất toàn của Giáo hội, rồi càng lớn càng cảm nhận có sự chống đối giữa tinh thần thời đại và Giáo hội. Nhưng sống giữa thời đại này, thời đại mà có quá nhiều giá trị, mỗi người chỉ có một lựa chọn: hoặc là chọn chủ nghĩa tương đối để hợp lý hóa những mâu thuẫn nơi con người, hoặc là với tất cả tín thác mình ôm chặt lấy nguồn lực đã được thanh luyện, thử thách theo thời gian. Với em, nguồn lực đó là Giáo hội. Em có đọc một bài viết của linh mục Guardini, thấy một đoạn ngài viết đúng với kinh nghiệm của người tín hữu sống trong Giáo hội:
“Ai sống trong Giáo hội sẽ có cảm nghiệm trước hết là sốt ruột, bực mình, vì Giáo hội cứ bắt họ phải ngược lại với người khác. Khi họ tiếp xúc lâu với những vấn đề được lặp đi lặp lại trên mọi phương tiện, tiếp xúc với trào lưu chung của thời đại; và rồi khi họ cố gắng đặt cho những đảng phái, quốc gia hệ tiêu chuẩn của mình, tất yếu họ sẽ cảm thấy mình đang bị quy tội làm xã hội chậm tiến. Nhưng một khi miếng băng được gỡ ra khỏi mắt, họ sẽ nhận ra rằng Giáo hội luôn kéo con cái mình ra khỏi lối đi của quyền lực thời đại và sự đo lường những giá trị thế tục đã giữ họ lại với sự thật trường cửu. Thật lạ lùng, không ai có được thái độ hoài nghi và độc lập nội tâm trước “cái mọi người đều nói” hơn là người thật sự sống với Giáo hội. Và khi một người rời bỏ Giáo hội, họ cũng sẽ đồng thời buông xuôi theo những ảo tưởng của chính mình. Chắc chắn, sự chọn lựa giữa hai thái độ dẫn đến hai cách ứng xử hoàn toàn khác nhau trong đời sống. Giáo hội, thật ra, là con đường dẫn đến với tự do.”
Dạ em cảm ơn thầy đã đọc chia sẻ của em ạ!
4. Phụ lục: Cuộc trao đổi giữa Peter Seewald và ĐHY Joshep Ratzinger về thời đại tân kỳ qua câu chuyện tháp Babel.
(Trích Thiên Chúa và trần thế, Phạm Hồng Lam dịch)
” – PS: […] Phải chăng sứ điệp của các câu chuyện đó [Đại hồng thủy, Babylon, thành Sodom] quả là một kiến thức sống còn cho cả nhân loại?
– JR: Lạ thật, những câu chuyện đó có mặt khắp nơi trong lịch sử tôn giáo. Chúng hiển nhiên là tiếng còi báo động. Chuyện lũ lụt có mặt trong nhiều vùng địa lý hoàn toàn biệt lập, không liên hệ gì tới nhau. Một cách nào đó, chúng nói lên một kinh nghiệm và nhận thức chung của nhân loại, một hồi tưởng còn đọng lại nơi con người. Ta có thể khám phá ra nhiều sứ điệp ẩn tàng trong các câu chuyện đó. Chẳng hạn việc xây tháp Babylon, ở đây con người muốn dùng kỹ thuật để kiến tạo cho mình một nền văn minh chung. Họ muốn dùng sức mình và khả năng xây dựng của mình để thực hiện giấc mơ chính đáng về một thế giới, về một nhân loại. Và qua tháp cao chạm trời đó, họ muốn chứng tỏ quyền năng mình và muốn nhảy vào lãnh vực của Thiên Chúa. Trên căn bản, điều đó cũng giống như giấc mơ của nền kỹ thuật hiện nay: nắm được quyền năng Thiên Chúa và tìm ra được chốt khóa của thế giới. Như vậy, các hình ảnh trên đúng là những lời cảnh cáo vang lên từ nhận thức cội nguồn của ta.
– PS: Hãy bàn tiếp chuyện tháp Babylon. Ở đây, Kinh Thánh cho ta một thông tin lạ lùng “Chúa nói, xem kìa, chúng là một dân tộc, và chúng tất cả chỉ có một tiếng nói. Nhưng đó mới là khởi đầu công việc của chúng. Không có gì chúng muốn mà chúng không làm được. Thôi, Ta hãy xuống đó! Ta sẽ làm rối loạn ngôn ngữ của chúng, để chúng không thể nghe hiểu nhau nữa”. Nghe ra thật chuyên quyền.
– JR: Vâng, nghe như giọng ganh tị, cơ hồ Chúa không muốn để cho con người ngẩng cao đầu. Dĩ nhiên đây là một ngôn ngữ hình ảnh, rút ra từ kho văn hóa Do Thái xưa. Một số yếu tố ngoại giáo lúc đầu vẫn còn hiện diện trong đó, nhưng qua những đợt giải thích chúng dần dần được gột bỏ hết. Vấn đề ở đây không phải là Chúa sợ con người trở nên quá lớn rồi giành ngai Ngài, nhưng Ngài thấy được ước vọng sai trái và tiềm năng tự hủy của họ.
Có lẽ ta nên giải thích hình ảnh trên như thế này: Tháp Babel tượng trưng cho việc con người muốn chỉ dùng khả năng kỹ thuật để hợp nhất nhân loại và để vươn tới Chúa, trở thành như chính Ngài. Nhưng giờ đây Chúa nói cho ta biết, một hợp nhất trên căn bản như thế sẽ không vững, nó sẽ tạo ra hỗn loạn.
Bài học đó có thể áp dụng cho ngày nay. Một mặt, thế giới hôm nay có sự hợp nhất đó. Trọng điểm của mọi thành phố đều giống nhau, dù ở Nam Phi hay Nam Mỹ, ở Nhật hay Mỹ Châu, Âu châu. Đâu đâu con người cũng bận quần bò (jeans), hát một thứ nhạc, cùng theo dõi một chương trình truyền hình và cùng chiêm ngưỡng những ngôi sao màn ảnh. Như thế, có thể nói, nhân loại có một thứ văn minh chung, kể cả một thức ăn chung là McDonalds.
Thoạt nhìn, cảnh đồng phục đó là một thứ dung hòa khá hiệu nghiệm, cũng giống như cái ngôn ngữ chung khi xây Babel nhưng cùng lúc đó con người trở nên xa lạ nhau. Họ không tới gần nhau được nữa. Thay vào đó, ta thấy nổi lên các chủ trương độc lập vùng, các văn hóa chống đối nhau, ai cũng muốn mình chỉ là mình hoặc cảm thấy mình bị văn hóa khác đàn áp.
-PS: Có phải đó là một bản luận chứng chống lại nền văn minh chung không?
– JR: Đúng, bởi vì nó làm người ta mất nét riêng, mất nét đích thực của họ. Mất thông tin chiều sâu giữa người với người. Thông tin này không thể tạo ra được bằng những cách cư xử bề ngoài, phiến diện và bằng những máy móc kỹ thuật giống nhau. Nếu người ta chỉ hợp nhất trên bề mặt đó, thì cùng lúc thâm tâm họ sẽ chống lại sự đồng phục, vì họ nhận ra chính sự đồng phục đó làm cho họ nô lệ.
Có thể nói, dạng thống nhất và tư tưởng muốn làm chủ thế giới cũng như làm chủ sự sống theo kiểu Babel của con người cần phải xét lại. Đây chỉ là một thứ hợp nhất giả hiệu, một thứ giả nâng con người lên mà thôi. Thật ra nó cướp đi chiều cao và độ sâu của con người. Ngoài ra, nó biến con người thành nguy hiểm, vì một mặt con người có thể làm được rất nhiều chuyện, nhưng mặt khác khả năng đạo đức của họ không tương ứng được với khả năng kỹ thuật. Sức mạnh đạo đức không lớn kịp với khả năng hành động và đập phá, mà con người đã tạo ra. Đó là lý do, tại sao Chúa ra tay chống lại thứ hợp nhất kia và mở ra một loại hợp nhất hoàn toàn khác.
[…]
– PS: Lời cảnh báo của Babylon khiến ta phải nghĩ tới cuộc cách mạng điện tử hiện tại, một cuộc cách mạng làm thay đổi và đảo điên thế giới như chưa từng có. Xem ra chúng ta muốn tạo một vũ trụ hoàn toàn mới. […] Và thêm nữa: Ngày nay, đa phần dân Tây Phương mất nhiều thì giờ cho máy móc điện tử hơn là cho việc tiếp xúc với thực tế “thường nhật”, nghĩa là tiếp xúc với con người và thiên nhiên. Những thực tế ảo đang thay thế cho các thực tế thường nhật. Càng ngày chúng ta buộc phải bỏ thêm công sức ra để chống trả lại những hình ảnh thôi miên trong cái thế giới hợp nhất đó.
– JR: Ở đây, nhờ diễn tiến lịch sử, ta lại nhận ra được những trực giác của một hình ảnh, mà trước đây ta không thể nghĩ tới. Dĩ nhiên, đó không phải là nghĩa chữ của nội dung câu chuyện Babylon. Song, nếu ta đọc nó với ánh sáng kinh nghiệm, ta sẽ nhận ra cái trực giác chứa đựng trong đó, nó cụ thể hóa ra trước mắt ta ngày hôm nay. Nhờ đó, ta hiểu được ý nghĩa của những biến chuyển hiện tại, hiểu được tại sao việc tạo nên thứ thống nhất kia là một mối nguy hiểm.
Z: Cảm ơn J. Tôn trọng ý kiến sâu sắc của em – một người Công giáo thuần thành. Mình không viết thêm ý kiến gì ở đây, khi nào gặp sẽ nói chuyện nhiều hơn. Chúc em vui.
J: Dạ em cảm ơn thầy ạ! Em đọc và học được ở thầy nhiều thứ ạ. Em chúc thầy cùng gia đình sức khỏe và hạnh phúc ạ. Em: J.
III. Phụ lục
Bài diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô qua mạng truyền thông chính thức của Vatican:
“Khi chúng ta đọc trong sách Sáng Thế trình thuật về việc tạo dựng trời đất, ta có nguy cơ tưởng tượng Thiên Chúa như một pháp sư, với chiếc đũa thần, làm được mọi sự. Nhưng không phải như vậy. Thiên Chúa đã tạo dựng các sinh vật và để cho chúng phát triển theo các quy luật nội tại mà Chúa ban cho mỗi loại, để chúng phát triển, để đạt tới mức độ viên mãn. Chúa ban cho các sinh vật của vũ trụ sự tự trị đồng thời nơi chúng, Chúa cam kết sự hiện diện liên tục của Người, mang lại sự hiện hữu cho mỗi thực tại. Và như vậy, sự sáng tạo tiếp tục trong nhiều thế kỷ, trong nhiều thiên niên kỷ, cho đến khi nó trở thành như chúng ta biết ngày hôm nay, chính vì Thiên Chúa không phải là một vị thần chế tác hay có phép thần thông, nhưng Đấng Tạo Hóa ban cho muôn vật được hiện hữu. Sự khởi đầu của thế giới không phải là công việc của sự hỗn loạn có nguồn gốc từ nơi khác, nhưng xuất phát trực tiếp từ Đấng Khởi Nguyên Tối Cao tạo dựng từ tình yêu. Vụ nổ Big Bang, mà ngày nay được xem là nguồn gốc của thế giới, không mâu thuẫn với các hành động tạo dựng của Thiên Chúa, nhưng đúng hơn, nó cần có việc tạo dựng ấy. Sự tiến hóa trong tự nhiên không trái ngược với khái niệm Sáng thế, vì sự tiến hóa giả định trước sự sáng tạo sinh thể tiến hóa.”
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Thay vì như thế, đối với con người lại có sự thay đổi và cái gì đó mới mẻ. Theo trình thuật trong sách Sáng Thế, vào ngày thứ sáu, con người được dựng nên, Thiên Chúa ban cho con người quyền tự trị, sự tự trị khác với sự tự trị của tự nhiên, đó là sự tự do. Thiên Chúa bảo con người đặt tên cho tất cả mọi loài và tiến bước suốt dòng lịch sử. Điều này khiến cho con người có trách nhiệm với việc tạo dựng, để con người có thể cai quản và phát triển tạo vật cho đến tận thế. Vì vậy các nhà khoa học, trước hết là các nhà khoa học Kitô giáo, phải tiếp nhận cách tiếp cận đặt vấn đề liên quan đến tương lai của nhân loại và trái đất, được tự do và có trách nhiệm giúp chuẩn bị và giữ gìn tạo vật, loại bỏ các rủi ro đối với môi trường của cả thiên nhiên và con người. Nhưng, đồng thời trong cơ chế tiến hóa, các nhà khoa học cũng cần được thúc đẩy bởi niềm tin rằng thiên nhiên ẩn chứa các tiềm năng về trí thông minh, sự tự do khám phá và nhận biết để đạt được sự phát triển nằm trong kế hoạch của Đấng Tạo Hóa. Vì vậy, dù có giới hạn, các hành động của con người là một phần của quyền năng Thiên Chúa và có thể xây dựng một thế giới phù hợp với đời sống thể lý lẫn đời sống thiêng liêng; để xây dựng thế giới con người cho tất cả mọi người và không chỉ cho một nhóm hoặc một giai cấp gồm những người có đặc quyền. Niềm hy vọng và tin tưởng này vào Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa muôn loài, và trong khả năng tinh thần con người có thể cung cấp cho các nhà nghiên cứu năng lượng mới và sự bình thản sâu sắc.
Đức Thánh Cha kết luận: “Nhưng cũng đúng là khi tự do trở nên tự trị – không còn tự do mà là tự trị thì hành động của nhân loại sẽ phá hủy sự sáng tạo và con người thay chỗ Đấng Tạo Hóa. Đây là tội nặng chống lại Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa.” (Trích congiao.info)