Trên Vấn Đề Hướng Nghiệp

Số 3.2: Georges Lemaître – Khoa học và Tôn giáo

Số 3.2: Georges Lemaître – Khoa học và Tôn giáo[1]

Bài viết của George V. Coyne[2],

Người dịch: Thái Văn Hiến, Nguyễn Thế Cang

Giới Thiệu

Để hiểu những đóng góp của Georges Lemaître[3] đã làm trong mối quan hệ giữa tôn giáo và khoa học, chúng ta nên tìm hiểu sự thay đổi của Giáo hội Công giáo trải dài suốt ba thế kỷ, từ xung đột với khoa học đi đến đối thoại và hòa hợp. Với cách nhìn này, tôi muốn chỉ ra rằng khoa học tự nhiên đã đóng vai trò quan trọng giúp mở ra những cuộc đối thoại cần thiết mà nhờ đó làm phong phú thêm nhiều khía cạnh đa chiều của văn hóa con người. Tôi sẽ trình bày về bốn giai đoạn sau của lịch sử: (1) Sự phát triển của chủ nghĩa vô thần hiện đại trong thế kỷ mười bảy và mười tám; (2) phong trào chống lại những đặc quyền dành cho giáo hội và tu sĩ ở Châu Âu trong thế kỷ mười chín; (3) nhận thức về khoa học bên trong Giáo hội Công giáo trong sáu thập kỷ đầu của thế kỷ hai mươi; và (4) Quan điểm của Giáo hội ngày nay.

Chủ nghĩa duy lý và sự phát triển của thuyết vô thần hiện đại

Trong công trình nghiên cứu về nguồn gốc phát sinh thuyết vô thần hiện đại, Michael Buckley [4] (Buckley 1987)  đi đến kết luận ngạc nhiên rằng, chính nỗ lực muốn củng cố đức tin bằng lý trí dựa trên triết học và khoa học trong thế kỷ mười bảy, mười tám là căn nguyên làm đức tin trở nên tha hóa. Tôn giáo đã ngã theo cám dỗ tìm sự tồn tại của mình thông qua lý tính khoa học. Theo Buckley, những triết gia trước đó như Leonard Lessius[5] và Marin Mersenne[6] đã chủ trương dùng triết học để nói về sự hiện hữu của Chúa thay vì rút ra từ kinh nghiệm tôn giáo như thời trước. Sau đó, xu hướng này dần trở nên thịnh hành dưới ảnh hưởng của nền khoa học mới, với sự tham gia của những tên tuổi lớn như Issac Newton hay René Descartes. Không phải trường hợp của Galileo, như cách chúng ta gọi, là đỉnh điểm mở đầu cho sự đối nghịch giữa đức tin và khoa học, bởi trong giai đoạn phiên tòa năm 1633, khoa học chưa đáng để bàn. Chính việc lạm dụng logic khoa học trong chú giải (Kinh Thánh và thần học) dẫn đến thiết lập cách sai lạc các nền tảng đức tin, như trường hợp của Isaac Newton chẳng hạn, mới là căn nguyên sâu xa hình thành sự đối nghịch như chúng ta thấy ngày nay. Những căn nguyên này đã nhanh chóng đi đến cuộc phân ly giữa tôn giáo và khoa học dưới hình thức của chủ nghĩa vô thần hiện đại.

Như vậy, khoa học đã can dự vào việc làm sai lệch niềm tin tôn giáo. Tính đúng-sai trong phương pháp khoa học sinh ra ước muốn phải có được điều tương tự cho đức tin, tức là mong muốn nền tảng đức tin cần phải rõ ràng và xác thực. Ước muốn như thế căn bản đã đặt không đúng chỗ và đưa đến thời kỳ dai dẳng những ngộ nhận giữa hai bên.

Thời kỳ chống đối giáo hội và tu sĩ

Liên quan đến chuyển biến thứ hai trong sự lạc điệu giữa niềm tin tôn giáo và khoa học khởi đi từ chủ nghĩa duy lý của thế kỷ mười bảy và mười tám, chúng ta bước sang giai đoạn chống đối giáo hội Công giáo trong thế kỷ thứ mười chín. Vài chi tiết ghi trong sách lịch sử của Sabino Maffeo (Maffeo 1991) về Đài thiên văn Vatican, xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm thành lập, hé mở những sắc thái của phong trào chống đối giáo hội thời bấy giờ, cũng như ảnh hưởng của nó lên sự phát triển của mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo. Việc xây dựng đài quan sát năm 1891 bởi Giáo hoàng Lê-ô XII diễn ra trong bối cảnh sự chống đối giáo hội và tu sĩ lan rộng, do đó một trong những mục đích chính của Đức Lê-ô trong việc sáng lập đài thiên viên là nhằm phản ứng lại chủ nghĩa bài giáo sĩ này. Phát biểu của ngài nói lên sự hoài nghi đang rất phổ biến trong giới khoa học thời đó đối với Hội Thánh:

               Họ bày tỏ thái độ coi thường và phẫn nộ đối với Hiền Thê Đức Kitô, Đấng là ánh sáng thật. Những kẻ sinh ra từ bóng tối quen vu khống giáo hội là dân vô học và gọi giáo hội là bạn của chủ thuyết ngu dân, dung dưỡng sự dốt nát, kẻ thù của khoa học và sự tiến bộ… (Maffeo 1991, tr.205).

Sau đó ngài kết thúc Tự Sắc thiết lập Đài thiên văn bằng cách tuyên bố:

          … trong khi tiến hành công việc này, chúng tôi không chỉ lưu tâm đến việc xúc tiến một nền khoa học thực sự cao cả, hơn bất kỳ nguyên tắc nào của con người xuất phát từ tinh thần của loài thụ tạo đối với việc chiêm ngắm những sự trên trời, nhưng chúng tôi còn ưu tiên đặt ra cho chính mình kế hoạch… mà mọi người có thể thấy được rằng Hội Thánh và các Vị Chủ Chăn không chống đối khoa học đích thực và có nền tảng vững chắc, dẫu ở khía cạnh con người hay thần tính, nhưng luôn theo sát, khuyến khích và đẩy mạnh khoa học trong sự quan tâm cao nhất có thể. (Maffeo 1991, tr. 205).

Mặc dù các hoàn cảnh lịch sử không mang lại một bầu khí lành mạnh đối với cuộc đối thoại giữa tôn giáo và khoa học, nhưng việc thành lập Đài Thiên Văn Vatican, ngay cả khi được diễn đạt bằng những lời lẽ chiến thắng, vẫn cho thấy một đóng góp tích cực vào cuộc đối thoại, ngày từ lúc được sáng lập cho đến một trăm năm sau (Maffeo 1991, tr. 189-202).

Sự thức tỉnh đối với Khoa học: Vai trò của Georges Lemaître

Đến đây chúng ta chuyển sang thời kỳ khai sáng. Do mục đích của chương viết này và để thật vắn tắt, khi nói về sự thức tỉnh của Hội Thánh đối với khoa học trong sáu thập kỷ đầu của thế kỷ hai mươi, tôi thực sự muốn nói đến nhân vật quan trọng: Đức Thánh Cha Piô XII. Ngài là một người có học vấn uyên thâm và ngay từ hồi còn trẻ ngài đã rất am tường thiên văn học nhờ kết giao với Giuseppe Lais Oratorian, một nhà thiên văn học làm việc tại Đài Thiên Văn Vatican từ năm 1890 đến 1921 đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm chính cho chương trình quốc tế về lập bản đồ bầu trời (Internationl Sky Mapping Program) của Đài Thiên Văn Vatican (Maffeo 1991, tr. 35). Nhờ có sự hiểu biết chuyên môn, Đức Thánh Cha thường thảo luận về các nghiên cứu thiên văn học với Daniel O’Connell, Giám đốc Đài Thiên Văn Vatican lúc bấy giờ (Maffeo 1991, tr. 174, 184, 1850). Các bài diễn văn của Đức Piô XII về các chủ đề thiên văn học và vũ trụ học đều được McLaughlin tóm kết (McLaughlin 1957, tr. 183-206). Tuy nhiên, Đức Thánh Cha không phải là người miễn nhiễm khỏi xu hướng duy lý như đã bàn đến ở trên. Sự am hiểu của ngài lúc bấy giờ về những tranh luận khoa học liên quan đến nguồn gốc vũ trụ đã dẫn ngài đến cách tiếp cận xem những kết quả khoa học ấy như là sự xác nhận lý tính cho Kinh Thánh, và từ đó đưa ra diễn giải niềm tin về công cuộc tạo dựng. Tư tưởng này lần đầu tiên được thể hiện trong bài nói chuyện, Un’ Ora, tại Viện Hàn Lâm Khoa học Giáo Hoàng vào ngày 22/11/1951 (Discourses 1986, tr. 73-84), trong đó ngài cố gắng phân tích các kết quả khoa học củng cố bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa Đấng Tạo Thành. Ngay từ thời đó, bài diễn văn đã bị rất nhiều chỉ trích (Gamow 1952; Mascall 1956). Nhưng đó chỉ là khởi đầu của một giai đoạn hết sức khó khăn. Phải nhờ đến sự can thiệp mềm mỏng nhưng cương quyết của Georges Lemaître và Daniel O’Connell mới ngăn được giáo hoàng lặp lại sai lầm của quá khứ mà cái kết chắc chắn sẽ làm đổ bể quan hệ giữa giáo hội và giới khoa học (Turek 1989). Điểm chính yếu trong tư tưởng của Đức Giáo Hoàng đó là gắn tình trạng ban đầu của vũ trụ, hay còn gọi là Big Bang, vốn được biết đến thông qua cuốn The Primeval Atom (Nguyên Tử Ban Sơ) của Lemaître, với hành động tạo dựng của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha đã đưa ra những khẳng định, chẳng hạn như:

        … khoa học đương thời cùng với những thành tựu trước đó hàng thế kỷ đã thành công trong việc minh chứng về khoảng khắc Fiat Lux – Hãy Có Ánh Sáng. Vật chất, ánh sáng, các tia bức xạ đều từ không mà có … Như vậy, thông qua những bằng chứng cụ thể đặc trưng của ngành vật lý, khoa học đã xác nhận vũ trụ được sinh ra từ điều gì đó có trước, đồng thời khoa học cũng đã nhìn nhận diễn giải sáng thế về thời điểm thế giới được dựng lên từ bàn tay của Đấng Tạo Hóa (Piô 1952, pp. 41-42).

Quan điểm này của Đức Giáo Hoàng gây rắc rối đáng kể cho Lemaître. Tuy ông là một nhà thiên văn được trọng thị, nhưng vì là một linh mục Công giáo, đồng thời lúc đó chưa có những bằng chứng khoa học chắc chắn về thuyết Big Bang do ông đề ra, nên ông đã trở thành đối tượng của lời cáo buộc cho rằng lý thuyết của ông thực chất sinh ra từ sự đồng tình với niềm tin tôn giáo về công cuộc tạo dựng. Dù khó xử với đấng chủ chăn của của Hội Thánh, nhưng Lemaître luôn nhấn mạnh các giả thiết về Bing Bang và Nguyên Tử Ban Sơ cần phải được đánh giá riêng rẽ như những lý thuyết vật lý và rằng các xem xét thần học cần phải giữ cho hoàn toàn tách biệt (Lemaître 1958, p. 7). Hai quan điểm trái nghịch nhau giữa Đức Piô XII và Lemaître đẩy lên cao trào khi Đức Thánh Cha bắt đầu chuẩn bị cho bài phát biểu trước Hội Nghị lần thứ tám do Hiệp Hội Thiên Văn Quốc Tế tổ chức tại Rôma vào tháng 9 năm 1952. Trên đường đến một hội nghị khoa học tại Cape Town, Nam Phi, Lemaître dừng lại tại Rôma để hội ý cùng với Daniel O’Connell và ĐHY Ngoại Trưởng Vatican về bài phát biểu. Công việc dường như đã gặt hái thành công, bởi vì trong bài phát biểu của mình vào ngày 07 tháng 9 năm 1952 (Piô 1952, tr. 732), tuy có nêu lên nhiều điển hình đặc biệt về sự tiến bộ trong khoa thiên văn học vào nửa cuối thế kỷ, Đức Thánh Cha đã không đưa ra gợi ý đặc biệt nào về những thành quả khoa học từ khoa vũ trụ học hoặc hiện tượng Big Bang. Kể từ đó về sau Đức Piô XII không còn gán thêm bất cứ những dính líu triết học, siêu hình học hoặc tôn giáo nào cho thuyết Big Bang nữa.

Đôi lời Tóm kết

Để tóm kết, từ những gì được nói về ba giai đoạn lịch sử vừa đưa ra, tôi tin là chúng ta có thể kết luận như sau. Thứ nhất, như một kế thừa từ nguồn gốc của chủ thuyết vô thần hiện đại trong hai thế kỷ mười bảy và mười tám, bên trong Hội Thánh đã có một xu hướng muốn gắn kết nghiên cứu khoa học với chủ nghĩa vô thần. Chẳng hạn như trong những thập niên của năm 1970, tất cả những tổ chức đối thoại chính thức giữa Hội Thánh và thế giới khoa học đều được điều hành bởi Văn Phòng Vatican về Những Người Không Tín Ngưỡng (hiện nay được gọi là Hội Đồng Giáo Hoàng về Những Người Không Tín Ngưỡng). Mới đây nhất, việc đối thoại lại được tổ chức bởi Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, được thành lập vào năm 1982. Thứ hai, một kiểu tâm lý “o bế” nhằm đáp lại những trào lưu bài giáo sĩ vốn đã xác định tư duy của Hội Thánh vào thời thành lập Đài Thiên Văn Vatican. Thứ ba, khi vừa nhận thức được những tiến bộ tuyệt diệu trong nghiên cứu khoa học trong sáu thập niên đầu của thế kỷ hai mươi, Hội Thánh, qua con người Đức Piô XII, đã nôn nóng mong muốn chiếm hữu các thành quả khoa học cho những mục đích riêng của mình. Mới đây, tại Rôma đã có một quan điểm đặc biệt tương phản với từng giai đoạn lịch sử trước đó. Do sự can thiệp của Lemaître, như tôi vừa mô tả, đặt ra tiền đề cho những phát triển trong tương lai về đối thoại khoa học-tôn giáo từ phía giáo hoàng, tôi muốn trình bày và phân tích một cách vắn tắt về những phát triển ấy như một di sản của Lemaître.

Quan hệ Đối tác trong Đối thoại

Tuy có nhiều nguồn gốc khác nữa, nhưng nguồn gốc chính phát sinh ra quan điểm mới đây nhất của Rôma liên quan đến mối tương quan giữa khoa học và đức tin được tìm thấy trong sứ điệp của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, được viết nhân dịp kỷ niệm ba trăm năm Nguyên Lý Toán Học Newton và được công bố như một dẫn nhập vào những tiến trình gặp gỡ được tài trợ bởi Đài Thiên Văn Vatican nhằm kỷ niệm ba trăm năm ấy (Gioan Phaolô 1988). Điều mới mẻ trong những gì được Đức Gioan Phaolô II nói về tương quan nằm ở việc ngài đưa ra một lập trường đầy thuyết phục, khác với những lập trường chính thức trước đó của Hội Thánh. Giờ đây tôi muốn vắn tắt phân tích sứ điệp ấy dưới ánh sáng những gì tôi vừa khẳng định.

Đức Gioan Phaolô II tuyên bố rõ ràng rằng, khoa học không thể được sử dụng một cách quá đơn giản như một nền tảng hợp lý đối với niềm tin tôn giáo, cũng như không thể đánh giá theo bản chất vô thần của nó, trái với niềm tin vào Thiên Chúa.

… Kitô giáo sở hữu nguồn mạch biện minh của mình trong chính mình và không trông chờ khoa học để làm nên sự biện minh nguyên thủy của mình. Khoa học phải làm chứng cho giá trị của chính nó. Đồng thời cái này có thể và phải nâng đỡ cái kia như những chiều kích rõ ràng của một nét văn hóa nhân bản chung, chứ không được cho rằng mình hình thành nên một tiền đề cần thiết cho cái kia. Cơ hội vô tiền khoáng hậu mà chúng ta có được hôm nay là dành cho một tương quan tương tác chung mà trong đó, mỗi quy tắc đều giữ nguyên tính toàn vẹn của nó nhưng vẫn mở ra một cách hợp lý với những khám phá và những cái nhìn sáng suốt của quy tắc khác (Gioan Phaolô, tr. M 9).

Ngài còn khẳng định:

… khoa học phát triển tốt nhất khi những khái niệm và kết luận của nó được hòa nhập vào văn hóa con người rộng lớn hơn và những quan tâm của nó đối với giá trị và ý nghĩa tối hậu… Các nhà khoa học… có thể bắt đầu tự đánh giá những khám phá ấy không thể thay thế cho sự nhận biết về điều tối thượng đích thực. Khoa học có thể gột rửa cho tôn giáo khỏi sự sai lầm và mê tín; tôn giáo có thể gột rửa cho khoa học khỏi kiểu sùng bái ngẫu tượng và sự độc đoán giả tạo. Mỗi bên đều có thể kéo bên kia bước vào một thế giới rộng lớn hơn, một thế giới mà trong đó bên nào cũng triển nở (Gioan Phaolô 1988, tr. M 12).

Không gì có thể khác với thái độ của Đức Lêô XIII, vốn phát sinh từ chủ nghĩa bài giáo sĩ trong hai thế kỷ mười bảy và mười tám, hơn những lời sau đây của Đức Gioan Phaolô II :

Bằng cách cổ vũ sự cởi mở giữa Hội Thánh và các cộng đồng khoa học, chúng ta không định hình dung ra một sự thống nhất chặt chẽ giữa thần học và khoa học như đang tồn tại bên trong một lĩnh vực khoa học cụ thể hoặc khoa thần học đúng nghĩa. Vì việc đối thoại và sự tìm kiếm chung đang tiếp tục, nên sẽ có sự tăng tiến đến chỗ am hiểu lẫn nhau và dần dà mở ra những mối quan tâm chung mà sẽ mang lại nền tảng cho việc nghiên cứu và thảo luận xa hơn. (Gioan Phaolô 1988, tr. M 7).

Tôi sẽ cho rằng yếu tố mới nhất trong quan điểm mới mẻ từ Rôma là sự phân vân chưa biết cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin sẽ dẫn đến đâu. Trong khi sự thức tỉnh của Hội Thánh về khoa học hiện đại trong triều đại Giáo Hoàng Piô XII dẫn đến một cuộc chiếm đoạt quá dễ dàng những thành quả khoa học nhằm củng cố cho niềm tin tôn giáo, thì Đức Gioan Phaolô II lại bày tỏ sự thận trong cao độ của Hội Thánh trong việc xác định quan hệ đối tác của mình trong đối thoại :

… Chính xác thì việc đưa ra hình thức (đối thoại) như thế nào sẽ phải để cho tương lai quyết định (Gioan Phaollo 1988, tr. M 7).

Tôi đánh giá đây chính là thái độ mới mẻ nhất và quan trọng nhất mà Hội Thánh hiện đại đưa ra trong cách tiếp cận của mình với khoa học. Nó triệt để mới mẻ và hoàn toàn tương phản với lịch sử trước đó. Nó tuyệt đối ngược lại với những cáo buộc của chủ nghĩa vô thần, ngược lại với một thái độ phản kháng; nó được thức tỉnh nhưng đầy kỳ vọng.

Tôi muốn kết thúc bằng cách phát biểu câu hỏi được Đức Gioan Phaolô II nêu lên : “Khoa học cũng có thể hưởng lợi từ sự trao đổi ấy chăng ?” (Gioan Phaolô 1988, tr. M 7). Tôi nghĩ rằng phải rất quả cảm và cởi mở mới đưa ra đươc câu hỏi như thế. Tôi không tin có câu trả lời rõ ràng. Quả thực, thật khó mà nhìn thấy được đâu là những lợi ích đối với khoa học, có thể đó chỉ là một cách cụ thể để nhận biết. Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng gián tiếp báo cho biết cuộc đối thoại sẽ giúp các nhà khoa học đánh giá những khám phá khoa học không thể thay thế cho việc nhận biết về điều tối thượng đích thực (Gioan Phaolô 1988, tr. M 7). Tuy nhiên, những khám phá khoa học, cùng với triết học và thần học, góp phần như thế nào vào việc tìm kiếm điều tối thượng ấy ? Đây là một vấn đề hệ trọng và để ngỏ.

Rõ ràng là quan điểm mới từ Rôma không có được tất cả những câu trả lời, nhưng là một mời gọi đến với một tìm kiếm chung, một cuộc tìm kiếm mà phải mang ơn rất nhiều đối với tinh thần Georges Lemaître.

Tham Khảo:

Buckley, M. J. (1987).  At the origins of modern atheism. New Haven: Yale University Press.

Discourses. (1986).  Discourses of the Popes from Pius XI to John Paul II to the pontifical academy of sciences. Vatican City State:   Pontificia Academia Scientiarum.

Gamow, G. (1952). The role of turbulence in the evolution of the universe. In The Physical Review, 15 April 1952.

John Paul, II. (1988). Message to the director of the Vatican observatory. In R. J. Russell, W. R. Stoeger, & G. V. Coyne (Eds.), Physics, philosophy and theology, A common quest for understanding (pp. M3–M14). Notre Dame: University of Notre Dame Press.

Lemaître, G. (1958). The primeval atom hypothesis and the problem of clusters of galaxies. In La Structure et L’Evolution de 1’Univers. Bruxelles: XI Conseil de Physique Solvay.

Maffeo, S. (1991). In the service of nine Popes, One hundred years of the Vatican observatory. Vatican City State: Vatican Observatory Publications. Trans. by Coyne, G.V. from the original Italian: Cento Anni della Specola Vaticana, Nove Papi, Una Missione. Vatican City State: Vatican Observatory Publications, 1991. See especially pages 13-15 and 47-50.

Mascall, E. L. (1956). Christian theology and natural science. London: Longmans.

McLaughlin, P. J. (1957). The church and modern science. New York: Philosophical Library.

Pius, XII. (1952). Acta apostolicae sedis (Vol. 44). Vatican City State: Tipografia Poliglotta Vaticana.

Turek, J. (1989).  Georges Lemaître and the pontifical academy of sciences (Vol. 2, p. 167). Vatican City State: Vatican Observatory Publications.


[1] Trích từ kỷ yếu Georges Lemaître: Life, Science and Legacy. Những ghi chú trong bài được viết bởi người dịch.

[2] George V. Coyne (sinh 1933): Linh mục Dòng Tên, nhà thiên văn học, nguyên giám đốc điều hành Đài Thiên Văn Vatican,  chủ nhiệm đề tài nguyên cứu thiên văn của trường Đại học Arizona (Mỹ).

[3] Georges Lemaître (1894-1966): Linh mục Công giáo, đồng thời là nhà vật lý, thiên văn học nổi tiếng. Ông là người đầu tiên đưa ra thuyết Big Bang.

[4] Michael Buckley (sinh 1931): Linh mục Dòng Tên, giáo sư thần học, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng về thần học như chủ tịch hiệp hội thần học Công giáo Mỹ, giám đốc ban thần học quốc tế dòng tên…

[5] Leonard Lessius (1554-1623): Linh mục Dòng Tên, giáo sư thần học trường Công giáo Louvain.

[6] Marin Mersenne (1588-1648): Linh mục Dòng thánh Phanxicô Paola (Minims), hoạt động trong nhiều lĩnh vực: triết học, thần học, toán học, vật lý và âm nhạc. Marin Mersenne được xem là một trong những gương mặt xuất sắc nhất thời đại của mình.

Leave a Reply