Trên Vấn Đề Hướng Nghiệp

Số 1.6: Đôi Nét về Trương Vĩnh Ký

I. Giới thiệu:

Rất ít người trẻ biết về cụ Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898). Cụ là tinh hoa của nước Việt thế kỷ 19. Đương thời, cụ được giới học thuật Châu Âu liệt vào danh sách một trong mười tám nhà bác học lỗi lạc nhất thế giới thời đó.

Sau năm 75, có sự chủ ý xóa tên cụ khỏi lịch sử văn hóa dân tộc. Những cố gắng khôi phục lại di sản Trương Vĩnh Ký chỉ mới được phép khoảng hơn mười năm gần đây. Sở dĩ có sự chủ ý như vậy là vì cuộc đời cụ chạm đến những tế nhị của lịch sử Việt Nam: tín ngưỡng và chính trị. Cụ Trương Vĩnh Ký là người Công Giáo và một thời gian dài cụ làm việc trong chính quyền thuộc địa.

Đây cũng chính là khó khăn khi tôi muốn biên tập bài viết về cụ. Cuộc đời cụ có những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, theo nhận định của hầu hết những tri thức có uy tín như Cao Xuân Hạo, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Huệ Chi, Nguyên Ngọc…, cụ Trương Vĩnh Ký là một tấm gương đáng ngưỡng mộ.  Độc giả có thể tìm hiểu hơn về thân thế, sự nghiệp của cụ thông qua trang mạng Wikipedia hoặc chuyên mục về Trương Vĩnh Ký trên tạp chí văn hóa của ban Việt Ngữ RFI:

(1)   https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C6%B0%C6%A1ng_V%C4%A9nh_K%C3%BD

(2)   http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150320-truong-vinh-ky-chiec-cau-noi-dong-tay

(3)   http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150327-truong-vinh-ky-vn

Số này gồm có:

I. Giới thiệu

II. Lịch sử Việt Nam cận đại

III. Ghi chép của Richard Cortembert về cụ Trương

IV. Quan Điểm Sống của Trương Vĩnh Ký qua Di Thảo

Trong số này, tôi chỉ đi bên lề những đánh giá về cuộc đời và di sản của cụ với sự xem xét khách quan trong tác động của hai yếu tố sau.

Đầu tiên tôi sẽ bàn về lịch sử để hiểu hơn về điểm tế nhị “cộng tác với chính quyền thuộc địa” khi đánh giá các nhân vật lịch sử thời cận đại.  Đối với nhiều người, hành động này là một bản án không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, cơ sở mà chúng ta đánh giá là những suy luận không liên quan đến đạo đức mà chỉ dựa trên lựa chọn chính trị của các cụ. Chúng ta đã nhầm lẫn giữa đạo đứcđạo đức chính trị. Cần phải nhìn lịch sử như dòng chảy, hơn là chỉ xem xét ở phân khúc hiện tại, nơi mà chắc chắn nhìn nhận của mình bị ảnh hưởng nhiều do cách giáo dục trong nhà trường. Có như vậy, chúng ta mới tránh được những chủ quan cùng sự tranh luận cảm tính trên thân thế, sự nghiệp của cụ Trương nói riêng và các bậc tiền bối thời cận đại nói chung.

Yếu tố tiếp theo khi đánh giá các nhân vật lịch sử, theo tôi là chúng ta nên tìm hiểu những nhận xét của những người sống cùng thời với họ. Về mặt này, tôi tin cụ Trương là người đạo đức. Có ba cơ sở để tôi tin như vậy.

Thứ nhất, Phan Thanh Giản là người được kính trọng vì tính cương trực, hiếu nghĩa và thanh liêm. Trong phái đoàn của triều đình Huế cử sang Pháp thương nghị năm 1863, cụ làm chánh sứ và chàng thanh niên tên Trương Vĩnh Ký là thông ngôn cho đoàn. Giữa hai người có sự thân tình và cụ cũng chia sẻ với Trương Vĩnh Ký những trăn trở của mình về phận nước.

Thứ hai, đó là tình cảm của người dân dành cho cụ Trương như nhà văn Sơn Nam cho biết: “Ông Trương Vĩnh Ký từ khi đỗ đạt cho đến khi mất vẫn tỏ ra thân Pháp. Tuy nhiên, người ở miền Nam không bao giờ khinh rẻ ông. Ông không gia nhập Pháp tịch; trước khi mất, ông biết thân phận của người học giả sống trong thời kỳ khó khăn…Ông này khi sanh tiền tuy là nhà nước tin cậy mặc dầu chớ chẳng hề ỷ thế mà hại quê hương, chỉ vẽ cho các quan Lang sa biết phong tục lễ nghĩa của con nhà An Nam, cho khỏi chỗ mích lòng nhau, làm cho mẹ gà phải thương con vịt. Đêm ngày lo đặt sách này dịch sách kia cho kẻ hậu sinh dễ học. Thiệt là quan thầy của cả Nam Kỳ.” (Trích Cá tính Miền Nam tr.101- 102).

Cơ sở thứ ba là tôi dựa trên bài viết của Richard Cortembert, một người Pháp cụ Trương tình cờ quen tại Pháp. Bài viết tôi cảm nhận khách quan, một tình cảm cá nhân không mang màu sắc chính trị. Độc giả có thể đọc bài viết này ở mục ba bên dưới.

Cuối cùng, để giúp độc giả có những cảm nhận riêng về cụ Trương Vĩnh Ký, tôi chép lại ở mục cuối của số này những di thảo được trích trong thư từ cụ viết gửi thân hữu, qua đó phần nào nói lên con người và quan điểm sống của cụ.

 

 II. Lịch sử Việt Nam cận đại:

 

Những Trớ Trêu Lịch Sử

(Bài viết là diễn từ nhận giải nghiên cứu 2016 của GS Nguyễn Ngọc Lanh do Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh trao tặng. Tuy bài viết bàn về Phan Châu Trinh nhưng cũng đồng thời khái quát dòng chảy lịch sử Việt Nam từ năm 1858 đến nay.)

– Kính thưa…

1) May mắn được tặng giải, tôi xin tỏ lòng biết ơn các vị lãnh đạo Quỹ, các vị trong Hội Đồng bình chọn. Tôi cũng cảm ơn trang nghiencuulichsu.com đã đăng các bài tôi gửi tới. Đây quả là trang góp phần vãn hồi sự yêu thích môn Lịch Sử.

Vinh dự được giải, thật tình, tôi vẫn chưa rõ mảng bài nào được đưa ra bình chọn, vì cả 3 mảng đều chưa đăng tới bài cuối cùng. Hẳn là có sự châm chước, hoặc mạnh dạn về quan điểm. Ví dụ, mảng “Việt gian bán nước” đã có 9 bài, nhưng vẫn thiếu 2 bài về cụ Ngô Đình Diệm và cụ Hoàng Văn Hoan. Mảng nội chiến, thiếu bài về chiến tranh Bắc-Nam, Trịnh-Nguyễn… Còn mảng về vai trò các thế hệ trí thức yêu nước, mới đăng 13 bài, vẫn chưa gửi những bài cuối…

2) Nén nhang dâng lên nhân ngày giỗ. Hôm nay: ngày giỗ – hơn nữa, ngày giỗ thứ 90 – cụ Phan Châu Trinh. Nhớ tới tổ tiên, con cháu biết đâu kể đấy, mong tái hiện ngày càng đầy đủ về bậc tiền bối. Dịp này, tôi xin điểm lại vắn tắt đôi điều tôi thu nhận được – và tỉnh ngộ ra – trong quá trình tìm hiểu di sản của Cụ. Trong mảng bài về vai trò của trí thức yêu nước thời Pháp xâm lăng nước ta, tôi xếp cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Châu Trinh vào thế hệ 2, với hai cách đấu tranh trái ngược: Bạo lực và Ôn hòa. Mầm mống chia ly có ngay từ năm 1906, khi hai cụ Phan sang Nhật. Cụ Sào Nam chỉ thấy sức mạnh bạo lực của Nhật, còn cụ Tây Hồ nhìn ra dân trí nước này. Ôi! Biết bao trớ trêu lịch sử xảy ra từ khi đó.

3) Khi có giặc, phải dùng bạo lực chống lại. Điều này dễ hiểu. Và khi giặc đã chiếm được nước ta, để đuổi chúng, cũng chỉ có thể dùng bạo lực. Với giặc Hán – cùng trình độ văn minh với ta (cũng nông nghiệp, cũng phong kiến) – cách làm này là thích đáng. Nhưng với giặc Pháp thì khác. Chúng có sức mạnh của CNTB, với nền văn minh công nghiệp, đi trước ta nhiều thế kỷ; nếu cứ cố chấp, sẽ tốn xương, phí máu – như lịch sử cận đại đã cho thấy. Không riêng ta, mà cả châu Á đã chịu thua trước sự xâm lăng này; chỉ thoát được Nhật Bản (vẻn vẹn 30 triệu dân/600 triệu dân châu Á) – do kịp thời canh tân. Thực chất, đó là học theo, rồi làm cách mạng TBCN. Cách mạng tư sản ở Nhật đem lại 3 điều thần kỳ: 1) diễn ra ôn hòa; 2) Chỉ tốn 50 năm để lấp khoảng cách 3-4 thế kỷ với Âu-Mỹ; 3) Dân trí, dân khí được nâng cao; nhờ vậy, chính quyền cách mạng sau đó không thể bị tha hóa mà thành độc đoán – như ta thấy ở Nga sau năm 1917.

4) Với nước ta: Thời cơ canh tân hoặc đã bỏ lỡ; hoặc chưa hề xuất hiện. Đến thời cụ Nguyễn Trường Tộ, dù các cụ ta có làm gì cũng đều đã muộn. Do vậy thế hệ 1 trí thức nước ta cứ luẩn quẩn giữa hai biện pháp: Bạo lực hay Ôn hòa. Thế hệ 2 lớn lên, nước đã mất hẳn. Hết thời kỳ xâm lược, Pháp đã chuyển sang chế độ thực dân. Trớ trêu là chính thực dân Pháp đã canh tân Việt Nam với quy mô và tốc độ gấp 5, gấp 10 mơ ước của cụ Nguyễn Trường Tộ. Ví dụ, năm 1902 Pháp làm xong cầu Long Biên, bất chấp đang có khởi nghĩa bạo động ở Yên Thế. Cứ cho là cụ Hoàng Hoa Thám tha hồ đem toàn bộ 500 quân về Hà Nội, tha hồ phá cầu Long Biên suốt 3 ngày. Nhưng với súng điểu thương, giáo mác, búa tạ… liệu có phá nổi? Tương quan sức mạnh như vậy, mà cụ Phan Bội Châu vẫn chọn bạo lực. Dẫu sao, sau khi bị bắt (1925) đến cuối đời (1940), cụ đã khóc vì hối hận. Thời cụ, dũng cảm dân ta có thừa, nhưng các cuộc nổi dậy vẫn liên tiếp thất bại ở Yên Thế, Thái Nguyên, Yên Bái, Đô Lương, Nghệ Tĩnh, Bắc Sơn, Nam Kỳ… Còn cụ Phan Chu Trinh – do nhận ra kẻ thù thuộc một nền văn minh khác – đã chọn đấu tranh ôn hòa, theo cách “dựa Pháp, mong tiến bộ” (ỷ Pháp cầu tiến bộ). Thật kỳ lạ cho tầm viễn kiến. Tuy ngược nhau về biện pháp, nhưng sự thân ái, quý trọng nhau giữa hai cụ Phan quả là hiếm thấy. Điều trớ trêu tai hại là con cháu hai cụ, tuy đều yêu nước, nhưng kỳ thị nhau chỉ vì cách đấu tranh khác nhau, thậm chí phái này đối xử tàn bạo và tàn sát phái kia..

4) Nắm bắt thời cơ. Một trớ trêu khác là năm 1945 phái bạo lực giành được chính quyền bằng bạo lực tối thiểu. Điều này xem ra… trái lý thuyết. Quả vậy, ta giành được chính quyền là nhờ nắm được thời cơ (Nhật diệt Pháp, rồi đầu hàng phe Đồng Minh) chứ không phải ta đã gây dựng được bạo lực đủ đè bẹp Pháp và Nhật. Dẫu sao, đây là lực lượng quá đủ xóa sổ chính phủ Trần Trọng Kim mà thôi. Nhưng từ đó, sử sách ta ca ngợi một chiều cách đấu tranh bạo lực; và hệ quả tất nhiên là lên án phái ôn hòa, với tội danh “cộng tác với kẻ thù”, thậm chí bị gọi là “việt gian”… Nguy cơ tiềm ẩn là sau này những ai trái ý cách mạng bạo lực sẽ bị đối xử bằng bạo lực. Cụ Phan Bội Châu được vinh danh tới tột đỉnh; các cụ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Quang Chiêu… bị thóa mạ, thủ tiêu. May, cụ Phan Châu Trinh được nương nhẹ. Có lý do. Bản án tử mà cụ bị phong kiến, thực dân tuyên từ 1908, nay cứu vãn thanh danh cụ.

5) Một trớ trêu có hậu: Cứ tưởng Cụ đã yên vị trong sử sách, với kết luận chắc nịch (“tuy” và “nhưng”): Nhân vật này tuy yêu nước, nhưng sa vào chủ nghĩa “cải lương” (sách Trần Văn Giàu) tới mức “xin kẻ thù rủ lòng thương” (nhận xét của cụ NAQ). Nhưng không. Diễn biến trăm năm…, đến nay hậu thế ngày càng nhận ra một viên ngọc tạm bị vùi lấp. Nếu giải văn hóa Phan Châu Trinh ngày càng có tiếng vang, ngày càng được tín nhiệm – như ta thấy – thì nguyên nhân sâu xa chính là vì nhân vật lịch sử mà giải mang tên… cứ ngày càng được hậu thế thấy rõ tầm vóc. Di sản cách ta trăm năm vẫn tươi rói, đầy sức sống vì vẫn phù hợp ở thế kỷ XXI. Chín chữ vàng của Cụ: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh vẫn là bảo bối trong trường trận đấu tranh mới – vì TỰ DO – của cả dân tộc…

6) Quan điểm Cụ Hồ: Giành độc lập là để dân có TỰ DO. Nền Độc Lập giành được năm 1945 được cụ Hồ tuyên cáo sớm nhất với thế giới. Ngay mở đầu văn bản, cụ đã nhắc tới “tự do” (Tạo hóa cho con người quyền được sống, quyền tự do…), đoạn giữa văn bản, lại nhắc lần nữa, trong đó “tự do” được đặt trước cả “độc lập” (một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ, gan góc chống phát xít; dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!). Trớ trêu, chỉ it năm sau chính Cụ lại phải than: “Nước độc lập mà dân chưa tự do, độc lập cũng chẳng ý nghĩa gì“… Điều này cần được lý giải, nhưng không phải ở đây. Xin vắn tắt: Sự đảo chiều là từ 1951, khi cụ Hồ từ vị thế chủ tịch đảng, bị đánh tụt xuống vị thế chủ tịch ban chấp hành trung ương.

Từ lời than của cụ Hồ, nhiều người giật mình tìm ra lời cảnh báo của cụ Phan từ cái thời Cụ còn bị giam ở Côn Đảo – khi đó, cụ Hồ vừa mới vào tuổi thành niên – rằng (ý): Một dân tộc mất nước, dẫu lấy lại được độc lập, nhưng dân trí chưa mở mang, dân khí chưa chấn hưng để xứng đáng thụ hưởng nền độc lập ấy… thì rốt cuộc vẫn có thể rơi vào tình cảnh mất tự do”.

7) Suy nghĩ, làm, phù hợp với giáo huấn của tổ tiên. Mác coi Lịch sử loài người từ xưa tới nay là lịch sử đấu tranh giai cấp. Do vậy, Sĩ, Nông, Công, Thương là 4 giai cấp. Là giai cấp, chúng phải đấu tranh. Theo Mác, hai giai cấp lao động cơ bắp (Công và Nông) phải liên minh để diệt Thương (tư sản) và cải tạo Sĩ. Nhưng trước Mác ít nhất hàng thế kỷ (có lẻ), cụ Lê Quý Đôn lại quan niệm Sĩ, Nông, Công, Thương là 4 nghề, đều cần cho xã hội. Chúng phải hợp tác để kiến tạo một xã hội hài hòa, yên bình và phát triển. Cụ dạy: Phi Nông bất ổn, phi Công bất phú, phi Thương bất hoạt, phi Sĩ bất hưng. Cụ Phan làm theo tổ tiên. Trong danh ngôn “chín chữ” của cụ có tới ba chữ Dân, nhưng tịnh không có chữ Dân nào hàm ý khái niệm “giai cấp”.

8) Thực tế, dân trí của Công, Nông là thấp nhất; do vậy Sĩ phải giác ngộ họ, đặng họ đủ dân trí, dân khí, để tiến bước dưới lá cờ của Thương tiến hành cuộc cách mạng tư sản – như đã diễn ra ở Nhật. Từ đó, kiến tạo nền văn minh công nghiệp, theo gót các nước Âu Mỹ đã đi trước. Lịch sử cho thấy loài người đã trải qua hai nền văn minh: Nông Nghiệp và Công Nghiệp. Nay, đang lấp ló một nền văn minh mới: văn minh trí tuệ. Đặc trưng của nó chẳng có gì tương đồng với đặc trưng của chế độ Cộng Sản mà các nhà cách mạng Macxit đưa ra. Đợi coi!

Điều trớ trêu là cái chủ trương “bỏ qua” để “tiến thẳng”. Tưởng nhanh, hóa chậm. Một số dân tộc muốn (và đã thực hiện) “bỏ qua” cách mạng tư sản, để “tiến thẳng” lên chủ nghĩa cộng sản… đều lâm vào bi kịch thời đại. Suy nghĩ, sẽ thấy: Chín chữ vàng của cụ Phan chỉ ra cách làm thích hợp nhất để tạo ra các điều kiện xã hội cho một cuộc cách mạng TBCN – ôn hòa, hợp thời đại – ở nước ta.

9) Đấu tranh ôn hòa: Xu thế thời đại. Những người Việt sống nhiều năm ở Pháp, tiếp thu giáo dục Pháp, nhận ra  sự ưu việt và sức mạnh của chế độ dân chủ, đều chủ trương đấu tranh ôn hòa để giành độc lập. Cách đấu tranh này chấp nhận sự khác biệt, đầy khoan dung. Ngược lại, yêu nước mà tiếp thu lý luận cách mạng bạo lực đều trở thành những chiến sĩ “sắt máu”. Dù kiên cường, hy sinh, nhưng họ rất cực đoan, thiếu khoan dung. Với họ, xâm lược và thực dân không khác gì nhau, đều phải diệt.

Riêng cụ Phan là người đi trước tất cả. Chẳng cần sang Pháp, ngay từ đầu, cụ đã chủ trương đấu tranh ôn hòa, và rất hiệu quả. Cứ so sánh “Minh Xã” (một phong trào rộng lớn, ôn hòa, do cụ gây dựng) so với “Ám Xã” (một hội kín, vẻn vẹn vài chục người của cụ Sào Nam) là đủ rõ.

10) Người đầu tiên phân biệt được “quân xâm lược” với “bọn thực dân. Cụ không coi thực dân là “giặc” mà là đám người muốn lập nghiệp lâu dài ở thuộc địa. Họ đại diện một nền văn minh cao hơn, lẽ ra ta cần nhiều thế kỷ mới được như họ. Tất nhiên, thực dân cũng có nhiều mặt xấu. Nhưng nếu chịu học, ta sẽ đỡ tốn thời gian dài bằng nhiều kiếp người. Chủ trương “Chi Bằng Học” của cụ Phan thể hiện một viễn kiến thật kỳ lạ, vượt trước đương thời.

Xin dừng ở đây để cảm ơn quý vị đã kiên nhẫn ngồi nghe.

(Nguồn quyphanchautrinh.org)

 

 III. Ghi chép của Richard Cortembert về cụ Trương:

 Trương Vĩnh Ký và Chuyến Âu Du 1863-1864

(Bài viết và bản dịch của Nguyễn Vy Khanh)

 

Sau khi ba tỉnh miền Đông mất vào tay người Pháp (Hiệp ước Bonard 5‐6‐1862, vua Tự  Đức ký 16‐4‐1863), vua Tự Đức đã gởi sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình xin chuộc lại các tỉnh đó. Phái đoàn do Phan Thanh Giản làm chánh sứ (‘Như Tây chánh sứ’), Phạm Phú Thứ  phó‐sứ  và Ngụy Khắc  Đản bồi‐sứ, tổng cộng 65 người. Phái  đoàn rời kinh thành Huế ngày 27‐6‐1863 trên chiếc tàu Echo và chính thức rời Sài‐Gòn ngày 4‐7 trên tàu chiến Européen (thuyền trưởng là Henri Rieunier), chuyếnhải‐hành  đi qua Tân‐ gia‐ba, Sumatra, Tích‐lan, Aden, Ai‐cập, Jérusalem, La‐mã,  đảo Corse. Khi  đến kinh Suez ngày 17‐8, lúc bấy giờ  kinh chưa đào, phái đoàn đổi sang đi xe lửa từ  Suez  đến Alexandrie,  được cựu phó vương Ismaïl‐Pacha tiếp đón, ở lại Ai‐cập đến cuối tháng 8‐1863  đổi sang tàu Labrador  để  đi Toulon. Ngày 13‐9‐1863, tàu  đến Paris sau khi ghé Toulon và Marseille. Sau gần hai tháng chờ  đợi, ngày 5‐11‐1863, phái  đoàn mới  được vào triều kiến Pháp hoàng Napoléon III ở điện Tuileries. Từ  10‐11  đến 22‐11‐1863 sứ  bộ  đến Tây‐ban‐nha thương thảo (Palanca đồng ký Hiệp ước 1862) rồi lên đường về, ghé Ý‐đại‐lợi. Ngày 2‐12‐1863, Trương Vĩnh Ký yết kiến Giáo hoàng Pio IX  ở  Roma. Ngày 18‐3‐1864 phái  đoàn về  tới Saigon và ngày 28‐3  đến kinh‐đô Huế. Chuyến đi được xem như thất bại vì vua Napoléon III và chính phủ Pháp đã không hứa hẹn gì về việc xét lại hiệp ước! Tháng Tư 1864, triều  đình Pháp muốn bỏ rơi Cochinchine, chính Henri Rieunier đứng đầu nhóm thuyết phục nhà vua giữ lại (ký bút hiệu H. Abel xuất bản 2 tập La Question de Cochinchine au Point de vue des intérêts français và Solution pratique de la Question de Cochinchine ou Fondation de la politique française dans lʹExtrême‐Orient).

   Về  chuyến Âu‐du này, chánh‐sứ  Phan Thanh Giản  đã có một số bài thơ trong tập Lương Khê Thi Thảo. Phó‐sứ Phạm Phú Thứ khi trở về đến kinh thành Huế đã dâng lên vua Tự Đức tập Như Tây Sứ  Trình Nhật Ký (còn  được ghi là Giá Viên Biệt Lục, Tây Hành Nhật Ký và Tây Phù Nhật Ký). Phạm Phú Thứ  viết tập Nhật Ký ghi chép việc từng ngày trong chuyến công du, Phan Thanh Giản và Ngụy Khắc Đản duyệt lại (1). Ông còn là tác‐giả tập thơ Tây Phù Thi Thảo liên hệ đến chuyến đi này. Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn cho sứ bộ Phan Thanh Giản theo lời yêu cầu của chánh‐sứ họ Phan (2) và có viết một bài về chuyến đi bằng tiếng Tây‐ban‐nha ‐  ʺAlguna reflexions de su viaje por Europaʺ, một bài tiếng Pháp đăng trên tạp chí Paris (Novembre 1863) và theo tương truyền ông còn viết Nhựt trình  đi sứ  Lang‐sa (1863). Khoảng thời gian đó, một số tạp chí bác học Âu‐châu đã đăng bài của ông như  Bulletin de la Société de géographie (1863) (3). Ông cũng  được cử làm hội viên của Hội chuyên khảo về Con Người (Société dʹethnographie de Paris), và Hội chuyên học á‐châu (Société asiatique). Năm 1873, Trương Vĩnh Ký đại diện cho Việt‐Nam và là thành viên ban tổ chức Hội nghị quốc tế đầu tiên về  Đông phương học (Congrès international des orientalistes) gồm 33 nước tham dự. Đến năm 1889, nhân Hội chợ quốc tế (Expo) tại Paris, Trương Vĩnh Ký lại đại diện Việt‐ Nam dự Hội nghị quốc tế về dân tộc học (Congrès international des sciences ethnographiques).

    Jean Bouchot trong Pétrus J.B.Trương Vĩnh Ký 1837‐1898 (Saigon : Paulus Cua, 1927) cho biết rằng chính Trương Vĩnh Ký đã dịch bài diễn văn của Phan Thanh Giản đọc ở điện Tuileries. Trong buổi nói chuyện ở  trú‐quán Việt‐Nam, Trương Vĩnh Ký  đã so sánh khá lý thú hai nền chính trị  Âu Á. Nhờ  thông thạo ngoại ngữ, khi ở Pháp, Trương Vĩnh Ký đã làm quen  được với giới trí thức bản xứ  như  Victor Hugo, Émile Littré, Duruy, BS Alexis Chavannes, Ernest Renan, Paul Bert,… Ngoài các viên chức triều đình và thành phố Paris, phái đoàn còn được gặp nhiều nhân vật tên tuổi thuộc nhiều giới, hai sứ thần Nhật‐bản và Úc‐đại‐lợi cũng như  hậu‐duệ  giám mục Bá‐Đa Lộc (Pigneaux de Béhaine) và gia đình những người Pháp: Ph. Vannier tên Việt là Nguyễn Văn Chân (vợ là bà Nguyễn Thị  Liên và hai con trai Nguyễn Văn Lễ, gái Marie, v.v.), J.B. Chaigneau (con trai tên Michel  Đức Chaigneau), v.v. (1). Riêng Henri Rieunier (thuyền trưởng Européen, sau lên đến chức bộ trưởng Hải quân) trở  thành tâm giao với Trương Vĩnh Ký vừa là bạn vừa cùng chung nghiên cứu về  ngôn ngữ  và văn hóa Việt‐Nam, sau nhiều năm  đồn trú  ở  Sài‐gòn,  đã trở  lại thăm Trương Vĩnh Ký và gia  đình nhiều lần, những năm 1876, 1877 rồi 1885.

***

Các vị tiền bối của chúng ta đã nhận xét về Âu Tây như thế nào? Đâu là những cảm nghĩ đích thực của những người Việt đầu tiên  đặt chân  đến Âu‐châu? Chúng tôi  đã tình cờ  khám phá  được một  ấn‐ phẩm viết bằng tiếng Pháp, tựa là Impressions dʹun japonais en France suivies des impressions des Annamites en Europe (recueillies par Richard Cortambert (1836‐1884). Paris : Achille Faure, 1864. 208 pages), do Richard Cortambert thu thập và nhà xuất bản Achille Faure ở Paris ấn hành năm 1864 ‐  tức ngay sau chuyến Âu‐du của sứ  bộ  Phan Thanh Giản. Phần viết về  Trương Vĩnh Ký từ trang 179 đến 205. Phần chính của tập sách ghi lại theo  đề‐mục những cảm tưởng của sứ thần người Nhật‐bản có mặt ở Paris cùng thời với sứ bộ Việt Nam.

   Trương Vĩnh Ký  đã ghi nhận như  sau về chuyến đi Âu châu:  ʺTôi trở về với tâm hồn sung sướng vô cùng. Thành phố Ba‐ lê, một đô thị uy nghi nhứt hoàn cầu mà tôi có dịp thăm viếng vào năm 1863, và tôi cũng đã gặp gỡ nhiều thân hữu danh tiếng và bác học, nhứt là văn học và khoa học. Khi xa rời những buổi học tập cao quý đó, tôi đã thu thập nhìều kinh nghiệm và nhiều kiến thứcʺ  (4). Như  vậy, Trương Vĩnh Ký muốn dựa vào kẻ  mạnh về  khoa học và giáo dục,  để  làm việc với ước mong dân tộc Việt‐Nam tiến bộ và hướng về phía trước! Và trong bản tường trình của Richard Cortambert mà chúng tôi giới thiệu  đây, khi  được hỏi  ʺnếu nước Pháp (Gallia), cứ địa của văn học, chẳng phải là đất nước của trí thức ông và như thế thì đó cũng là quê hương thật sự  của ôngʺ, Trương Vĩnh Ký  đã  đáp lại rằng  ʺcon người ta có hai quê hương, một của lý trí và một của con tim; người ta nâng niu quê này nhưng đồng thời tha thiết với quê kia, và có cả  hai, ông nhận chân rõ rằng trong tâm hồn ông rằng ông được sinh ra ở vùng Đông‐phương; rằng đó là quê hương đích thực của ôngʺ.

    Trương Vĩnh Ký  đã hội kiến Victor Hugo là người  đã dám chống lại guồng máy và chính trị  của Louis‐Napoléon Bonaparte và có vẻ đã tiếp thu quan điểm của nhà văn này về các thuộc địa. Sự tiếp xúc với văn minh Âu‐châu có thể đã cho Trương Vĩnh Ký những kỳ  vọng về  khả  năng canh tân và phát triển phong hóa và văn minh Việt Nam bằng cách tiếp nhận văn hóa và kỹ  thuật phương Tây, cùng lúc làm sống lại các thành tố văn hóa cố  hữu của Đông‐phương.   Sau này, vào năm 1880, Trương Vĩnh Ký từng nhắn gửi học trò trong  đó có Diệp Văn Cương (Chủ  bút tờ  Phan Yên Báo 1868) và Nguyễn Trọng Quản (tác‐giả  Thầy Lazarô Phiền, truyện  đầu tiên viết bằng chữ  quốc ngữ  năm 1887), khi Trương Minh Ký dẫn đoàn sinh viên sang Alger (Bắc Phi) du học; ông  đã tiễn dặn họ: ʺ Hãy đi đi và hãy trở về, như những con chim, biết tha những cọng cỏ khô làm tổ hạnh phúc cho dân tộc mìnhʺ. Trương Vĩnh Ký và các hậu sinh  đã thực sự tin tưởng  ở  quá trình tiếp thụ văn hóa Pháp sẽ giúp Việt Nam  đạt  được văn minh tiến bộ  và  độc lập.

   Khi chúng tôi giới thiệu văn bản đây về  Trương Vĩnh Ký thì các nhà nghiên cứu sử như Nguyễn Thị Chân Quỳnh và Vũ Ngự Chiêu cũng như trong nước chưa thấy nhắc  đến tài liệu này. Bản văn  đã được viết lại, thanh lọc, dĩ nhiên theo cảm quan và nhận thức của Richard Cortambert, người ghi lại các cuộc gặp gỡ và đối thoại, nhưng những gì đã xảy ra và các ý chính thế nào cũng vẫn được ghi nhận và diễn tả. Câu văn dài của thời  đó được chúng tôi tùy nghi thay  đổi lại. Người Pháp lúc bấy giờ  gọi người Việt là An‐ Nam, người Nam là Cochinchinois (Nam‐ kỳ), Pháp‐hóa tên La‐tinh Petrus ra là Pétrus, chúng tôi cũng tùy nghi dùng lại. Qua chương sách này, bạn  đọc sẽ  được thấy một Trương Vĩnh Ký thông thái như  một nhà bác học, ngây ngô nhưng đạo dức như một nhà tu, bình dị và thẳng ruột như  một người Nam‐kỳ. Nhưng trên hết, thái độ và lời nói và viết của Trương Vĩnh Ký chứng tỏ  niềm tự  hào là một người Việt Nam tiến bộ.

 

  Chúthích:

 

1 Bulletin des Amis du Vieux Huê đã đăng bản dịch tập Nhu Tây Sứ trình Nhật ký: “L’Ambassade de Phan Thanh Gian 18631864”; phần đầu do Ngô Đình Diệm, sinh viên trường Hậu Bổ, dịch (1919, tr. 161216), phần tiếp do Trần Xuân Toạn dịch (1921, tr. 147187 và 243281); cả hai dưới sự  kiểm duyệt của Nguyễn  Đình Hòe, tổng thư ký viện Cơ Mật.

2  Sử  sách chép là theo lời yêu cầu của chánhsứ  họ  Phan, nhưng dĩ  nhiên Trương Vĩnh Ký  đang là công chức của Pháp. Ngoài Trương Vĩnh Ký là thông ngôn chính, phái  đoàn còn có hai thông ngôn khác là Petrus Nguyễn Văn San và Nguyễn Văn Trường. Ông Nguyễn Văn Trường bị  bệnh chết ngày 881862 lúc  ở  cảng Aden (hai người khác trong  đoàn cũng chết trên  đường  đi trong tháng 8 đó).  Ở Pháp, Tôn Thọ Tường phụ   trách giúp công tác thông dịch với Trương Vĩnh Ký và Petrus San.

3  Trương Vĩnh Ký.  ʺNotice sur le royaume de Khmer ou de Kambodjeʺ.  Bulletin de la Société de géographie, novembre 1863, p. 326332. Bài đánh dấu sự  gia nhập của ViệtNam vào văn hóa thế giới.

4  Theo Nguyễn Văn Trấn. Trương Vĩnh Ký con người và sự thật. TpHCM: Ban khoa học xã hội thành  ủy Thành phố  HCM, 1993. Tr. 25. Nguyễn Vy Khanh 122008.

 

Cảm  tưởng  của  người  Việt  Nam  ở   Âu châu : nhà thôngngôn Pétrus   Trương Vĩnh Ký

(Impressions des Annamites en Europe : lʹinterprète Pétrus Truong‐Vinh‐Ky)

  Ông Henri Bineteau bạn tôi, một nhà du hành  Đông‐phương,  đã giới thiệu tôi với các  đại sứ  Việt‐Nam và  đặc biệt với nhà thông‐dịch bác‐học của phái  đoàn, ông Pétrus Trương Vĩnh Ký  ‐  ngay hôm sau khi họ  đặt chân  đến (Paris), tôi  đến thăm họ  ở  một khách sạn  đường Lord Byron, nơi khoảng sáu mươi người Đông‐ phương đáng thương đóng trại.

   Một người trẻ Nam‐kỳ tướng mạo có vẻ khả nghi, đôi mắt hấp háy, đưa tôi đi xuyên qua nhiều phòng nơi mà những người lao công năm ngũ  trong góc như  những con chó trong  ổ. Tôi leo lên cầu thang mà những tấm bậc cầu thang và hai bên tường chưa sạch dấu vết của người Xiêm‐la đã trú ngụ ở đó một năm trước.

   Sau vài phút  đi dạo, người hướng dẫn viên gõ một cửa phòng  được mở ra ngay liền đó; tôi nhận ra  trong đám khói mờ, ba bốn người Việt Nam  đang nằm nghỉ  trên giường, và kề  bên họ  là một người trẻ  đang cúi mình trên cái gọi là bàn học và chăm chú làm việc trong khi những người đồng trang lứa kia đang ngủ ngon. Diện mạo của người này tôi thấy khác những người  đồng hành kia; tuy nhiên nước da ông hơi xanh, sống mũi hơi tẹt, đôi môi dày và hai gò má rất nhô cao; nhưng vầng trán thì nét tuyệt diệu biểu lộ  những thiên hướng triết lý  đậm nét. Y phục ông ta thật giản dị, gồm một loại áo dài  đen gợi nhắc nhở loại áo của các linh mục. Một chiếc khăn  đóng màu xám tối bọc quanh  đầu và  để  lộ  vài khoảng tóc đen. Dưới chân là đôi giày hạ  lịch sự trông giống như những chiếc păn‐ túp của các bà  đầm. Người thanh niên này thấy tôi  đến gần liền đứng lên, đưa tay bắt một cách trìu mến và nói một câu tiếng Pháp rất chuẩn mực để chào đón tôi và đoan chắc với tôi rằng tôi không phải là người xa lạ với ông; ông cuốn một điếu thuốc dài dùng môi tẩm ướt vấn lại rồi mời tôi. Phần tôi, bất chấp ngại ngùng bình thường, tôi lại rất thích thú tận tình thưởng thức thuốc lá hòa đồng với hơi thuốc lá của người bạn mới này. Tôi rất nhanh chóng nhận thức được mức thông minh xuất sắc và những phẩm tính thanh cao của người thông dịch trẻ tuổi này, mà trước hết lời nói nhẹ nhàng và dễ mến  đã chinh phục tôi. Ông phát biểu tiếng Pháp rõ ràng, khúc chiết, gần như không pha giọng.

  Đôi mắt ông đen nháy lâu lâu lại nháy sáng tùy theo mạch câu chuyện. Tôi dễ nhận ra rằng thần‐học là món chuyên môn được ông rất ưa thích: ông ta bàn chuyện một cách khiêm tốn, nhưng liên tục lôi cuốn người nghe; ông ta đang ở trong một lãnh vực mà ông rất thích thú  ‐ một vùng đất mà ông đã rèn luyện khá lâu và hiểu biết tới nơi tới chốn : dù vậy, ông ta chỉ mới hai mươi lăm tuổi đầu!

Tôi hỏi ông ta :

‐  Ông là người Công giáo ?

Ông trả lời :

‐  Vâng, đúng vậy; các vị thừa sai ở  Poulo‐Pinang  đã giáo dục tôi trong  đức tin Công giáo; tôi cũng đã suýt trở thành tu‐sĩ  như  họ;  định mệnh  đã quyết  định khác đi, tôi đã lập gia đình và làm cha chủ  gia đình.

‐  Như vậy, tất cả giáo dục ông nhận được đều từ họ?

‐    Gần như  tất cả  những gì tôi học được; các vị thừa sai  đã dạy tôi chữ  La‐ tinh và Hy‐lạp khi tôi còn rất nhỏ; sau đó tôi học tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây‐ban‐nha với các vị  thừa sai của ba nước  đó, và tất nhiên tôi cũng  đã học thêm tiếng Hán, một ít tiếng Phạn (sanscrit) và vài thổ ngữ Việt Nam chúng tôi. Tôi nói:

‐   Như  vậy, ông tinh thông khoảng mười thứ tiếng?

‐   Khoảng đó; nhưng tôi hơi khó có thể đối thoại lâu dài bằng tiếng Hy‐lạp.

‐  Tất nhiên rồi! Tôi cũng chưa từng gặp được ở nước Pháp thông thái này ba vị có khả năng dễ dàng trả lời bằng tiếng Hy‐lạp một câu nghi vấn nào đó.  

Pétrus tiếp lời:

‐  Tôi chẳng tin đâu; nước Pháp này vốn nổi tiếng thông thái.  

‐  Trong thực tế  thì cũng thật bác học đấy, nhưng cũng nổi tiếng là dốt nát về ngôn ngữ. Ông đã gặp người Pháp nào tinh thông ngôn‐ngữ  Việt Nam (Annamite) của các ông chưa?  

‐  Ông làm tôi ngạc nhiên! Nhưng ít ra tất cả  người Pháp  đều rành tiếng La‐ tinh, vì các ông dùng tiếng La‐tinh để đọc kinh nguyện.

‐  Ồ, thưa ngài thức giả, ông khiến tôi rất ngạc nhiên về  sự  tin tưởng mù quáng về kiến thức của người chúng tôi. La‐tinh là một ngôn ngữ tuyệt vời mà học sinh phải mất mười năm cực khổ  rèn luyện, nhưng khi sắp nắm  được lõi cốt tinh túy của La‐tinh thì chúng  đã bỏ rơi rồi.

Chúng tôi ngưng chuyện ngôn‐ngữ  ở  đó, Pétrus trở  lại  đề  tài thần‐học, ông đưa cho tôi xem bản thảo viết tay dày cả  ngàn trang, được viết với nét bút cứng cỏi và thành thạo, ông nói với tôi với một khiêm cung tuyệt vời của một tác giả trẻ  mới vô nghề  ‐ một thứ khiêm tốn chừng mực điểm nhẹ tự trọng  ‐ rằng trong việc chuẩn bị  chuyến du hành  đến một quốc gia có học thuật cao và Công giáo như  nước Pháp, ông  đã dịch ra tiếng La‐tinh một tác phẩm  đã  được khởi  đầu bằng tiếng Việt. Ông nói thêm là cuốn sách của ông chuyên  đề  về  thiên‐chất của Chúa Giê‐su.

Ông nói với tôi:

‐  Ông có nghĩ là tôi sẽ dễ dàng tìm được một nhà xuất bản ?

Thú thật là tôi khá ngần ngại làm nản chí người tín hữu sùng  đạo Công‐ giáo này, người đã dám tưởng chừng một cách khá ngây thơ là một tác phẩm bằng tiếng La‐tinh Công‐giáo có thể thành công giữa chúng ta (người Pháp).

Tôi bèn trả  lời ông ta là có thể một số tạp chí chuyên môn có thể  đăng một vài phần của bản thảo. Trong  đầu tôi chợt nảy sinh một ý tưởng ngao ngán: cuộc  đời của Giê‐su được một đứa con Đông‐phương viết một cách sùng tín nhắc nhở tôi một tác phẩm khác mà tựa đề cũng giống hệt vừa được xuất bản. Người tín  đồ  trẻ  tuổi, con cái của một vùng  đất hãy còn ngoài  đạo, trình diện với người Âu‐châu một tập sách viết với thần‐cảm của một  đức tin thật thuần thành, và tất cả các nhà sách sẽ  từ  chối; trong khi đó thì những  ấn phẩm chĩa mũi dùi tấn công đức đã sáng lập ra đạo Thiên‐Chúa thì lại được các hiệu sách tranh giành nhau bán.

 Sau một tiếng  đồng hồ  trò chuyện thân mật thú vị về Đông‐phương, về văn học Ấn‐độ, về những hoang tàn của Cam‐ Bốt và những vấn đề trầm trọng ở Nam‐ kỳ  (Cochinchine), tôi muốn ra về,  để  người thông ngôn trẻ  nghỉ ngơi.

Pétrus liền nói:

‐    Xin ông hãy chờ, tôi muốn giớì thiệu người em trai của tôi với ông.  

Và ông thân mật đập lên vai một người to con tuổi chừng 22,  đang ngửa người trên chiếc ghế dài, người này chậm rãi  đứng dậy. Người em của Pétrus thân hình  đẫy  đà gần như  béo phì; hai con ngươi sẫm màu với màng mắt vàng lợt lạt chỉ  gợi hình  ảnh một người biếng nhác. Hai má và trán còn giữ dấu vết của bệnh đậu mùa. Nước trầu  đỏ trên môi, và khi đáp trả lại lời chào lịch sự của tôi, anh ta để  lộ  những chiếc răng khủng khiếp tôi chưa bao giờ  từng thấy, hai hàm  để  lộ  chân răng và  đen như  mực Tàu (răng nhuộm).

Tôi bắt tay Pétrus khi ông tiễn tôi xuống nhà và trên đường đã hỏi tôi nghĩ  sao về người em của ông. Tôi lúng túng vì câu hỏi bất ngờ :  

‐   Tình thực mà nói, tôi phải thú là tôi đã không chú ý kỹ lắm; do đó tôi chưa thể đánh giá được.

‐  Cậu em tôi đẹp người. Pétrus nói thêm pha chút tự hào.

Tôi đã chẳng chờ đợi ở điều vừa được tiết lộ  đó.

Nhưng người thông‐ngôn tiếp tục nói:

‐  Đúng vậy, cậu em tôi là một người rất được chuộng và rất được quí mến; cậu ta chỉ  được cái quá thành công với phái nữ; tôi rất ngại cho cậu những cạm bẫy của thành phố Paris.

Tôi phải cố gắng lắm mới giữ  được bình tĩnh. Anh chàng Nam‐kỳ  khủng khiếp này là một anh trai tình như  Céladon đây sao! Anh chàng bụng xệ này là một anh đẹp trai cỡ Adonis sao!

Tôi có cảm tưởng mọi luật thẩm mỹ dường như  bị phá bỏ hết! Hai hoặc ba ngày sau đó, tôi gặp lại Pétrus; ông  đến nhà thăm tôi; chúng tôi đã trải qua nhiều giờ  đàm đạo. Cách nói chuyện của ông lúc nào cũng vậy: rất có cảm tình, thanh lịch, nhẹ nhàng tự nhiên, nhưng diện mạo ông cho tôi cảm tưởng ông có nỗi buồn mà ông đã không thành công giấu diếm  được.

Bỗng nhiên ông nói:

‐  Có thể ông cũng đã nhận thấy, tôi rất lo lắng, những gì tôi dự  đoán cuối cùng cũng đã xảy ra.

‐  Ê! Ê! Cái gì vậy ông trí thức?

‐  Cậu em tôi bắt đầu ra đứng ở cửa sổ; có một cô gái khá xinh ở phía đối diện đã để ý cậu ta và tôi tin chắc chắn rằng cô ta đã phải lòng nó.

Người An‐Nam ngây thơ  đó nói tiếp:

‐    Tôi tin chắc là như  vậy, cô ta  đã viết cho cậu sáng nay; và vì cậu em tôi không rành tiếng Pháp, tôi đã đọc lá thư  và cũng đã trả lời.

‐  Ông đã trả lời thế nào?

Pétrus tuyệt vời đã đáp lại:

‐  Tôi đã cho cô ta một số lời khuyên bảo.

‐  Vậy ông còn giữ bản nháp lá thư  đó chứ?

‐   Vâng, tôi còn giữ tờ nháp với tôi đây.

‐  Tôi rất vui nếu ông có thể đọc cho tôi nghe.

‐  Sẵn sàng!

Pétrus trả lời một cách rất bình tĩnh. Ông lấy ra một tờ thư gấp làm bốn từ cái bóp nhỏ và đọc bức thư đại khái như sau:

ʺThưa cô, Cô không nên chiều theo phản  ứng đầu tiên của con tim; vì cô rất xinh đẹp, cô có một tâm hồn tốt lành, cô sẽ  dễ  dàng đem lại hạnh phúc cho người chồng của cô và cho một gia đình. Tôn giáo khuyên nhủ chúng ta tiết chế bớt những ngọn lửa khát khao quá mãnh liệt. Các tông đồ đều nói rằng Thiên  đàng chỉ  dành riêng cho những ai khắc phục  được dục vọng. Cô hãy mạnh dạn lên để kiềm chế bước đầu tình ái này. Vả lại, cậu em tôi không thể  phá bỏ đứctin vì cậu đã có gia đình;  và trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ  cùng chung lên  đường về  nước. Cô  ơi, cô sẽ  quên cậu em tôi, và cô sẽ không phải hối hận đã khuấy động sự yên ổn của một gia đình. Nếu người thanh niên mà cô yêu mến không bị ràng buộc bởi bí tích hôn phối Cônggiáo, có thể tôi đã phải xin cô làm vợ  cho cậu em và cô sẽ  tháp tùng chúng tôi về một nơi rất xa xôi; nhưng dù sao thì cô cũng phải nguôi bớt cơn bão tình ái của con tim cô. Người nô bộc xin kính cẩn, Pétrusʺ 

Bạn  đọc nghĩ  sao về  sự  ngây thơ  đáng phục của người thông‐ngôn tốt lành này? Lúc bấy giờ tôi có cảm tưởng là một ngây thơ đặc biệt khiến tôi không thể nín được đành cười một cách thực thà mà tôi nghĩ  bạn  đọc hiểu  được dễ  dàng hơn là người bạn đồng hành. Tôi phải cắt nghĩa cho ông biết cô gái đó chỉ là một gái điếm, và cái thật thà dễ  tin của ông dễ  bị  chế  nhạo; chúng tôi  đã cười vui về  việc  đó. Nhưng dù tôi có cố  gắng thuyết phục nghiêm trang  đến mấy, tôi vẫn không thành công lung lay tin tưởng đó của ông; ông bỏ đi, cứ tin là vẻ đẹp trai của cậu em đã mê‐hoặc cô gái ông tin có phong cách tốt và lối sống  đơn thuần. (Tôi hy vọng người bạn tốt của tôi tha thứ  cho tôi về  tiết lộ  này của tôi. Tôi không muốn bạn đọc thiếu mất chi tiết riêng tư  về  phong hóa này ‐ là điều đã vẽ lên cái cao nhã và ngây thơ  chân thành dễ thương của tâm hồn cao quí của Pétrus).

***

Vài ngày sau, chúng tôi thân mật khoác tay nhau dung dăng khắp những đại lộ và con đường chính của Paris; nào là cùng vào thăm một cơ sở tôn giáo, hay một dinh thự, xa hơn là một nhà máy, xa hơn nữa là một quán cà‐phê hoặc một nơi hòa nhạc. Tất cả  những gì  đã gợi cảm cho Pétrus nói chung ít diễn tả  bằng lời nói, nhưng tôi nhận thấy ngọn lửa sáng lên trong ánh mắt của ông chứng tỏ  ông không dửng dưng trước những diệu‐kỳ  của kỹ  thuật và những hoang phí của thiên tài Âu‐châu.

Ở  thư  viện hoàng‐gia, Pétrus rất thích thú khi xem xét những bộ sách nhắc nhớ ông về Đông‐phương; ông đặt những câu hỏi rất  đúng  đắn và những  đối  đáp của ông chứng tỏ một kiến thức thật sâu xa; ông lật xem những bản thảo chép tay và những cuốn sách quí khổ đôi một cách thỏa mãn khó tả  nên lời của một người yêu sách; một thứ thỏa mãn phải có mới hiểu được ở người khác. Một nhà ngữ học chuyên sâu về lịch sử Phật giáo trao  đổi vài câu chuyện với Pétrus, và chúng tôi chứng kiến cuộc đàm thoại, chúng tôi tin chắc rằng người thông‐ngôn trẻ tuổi An‐ Nam này có thể giảng nhiều bài học cho vị thầy chuyên gia lớn tuổi đó. Bạn  đọc có muốn một bằng chứng hiển nhiên về học thức uyên bác của ông bạn Pétrus  đó không, thì này  đây hãy nghe giai thoại sau đây: Được một vị  bộ  trưởng chúng ta triệu mời để hỏi về kiến thức, người An‐ Nam này (của chúng ta) đã đơn sơ trả lời rằng học‐thức của ông hạn chế  trong khoảng mười ngôn‐ngữ.

Vị  bộ  trưởng ngạc nhiên tột độ:

‐  Ngài đã học mười thứ tiếng! Ngài biết đến mười ngôn‐ngữ !

Pétrus đáp lời :

‐  Vâng, nhưng tôi không nói  được hết.

‐  Tôi khó lòng nhưng mà phải tin; nhưng ông nói được nhiều thứ tiếng chứ?

‐  Vâng, trong số có tiếng La‐tinh.

‐  Như  vậy ông có thể  đàm thoại bằng tiếng La‐tinh dễ dàng như tiếng của nước ông chứ?

‐  Vâng, thực thế, cũng dễ dàng như  vậy. Vị bộ‐trưởng vừa nói tiếp vừa ấn nút chuông :

‐  Tốt quá! Tôi sẽ giới thiệu ông tức thì với một chuyên gia La‐tinh hạng nhất; ông ấy vừa rời khỏi văn phòng tôi, tôi sẽ  nhắn lại, như vậy hai ông sẽ dễ đàm thoại với nhau bằng tiếng La‐tinh.

Một khoảng ngắn sau đó, một người đàn ông tuổi trạc 50, dáng người lạnh lùng, mang cà‐vạt trắng và băng vải  đỏ, tiến vào phòng tiếp tân; ông ta cúi  đầu kính cẩn chào người phụ  trách tiếp tân cùng các vị quan khách và sẵn sàng nhận mệnh lệnh của Ngài bộ trưởng.

Bộ trưởng nói với ông ta:

‐    Thưa Ngài, Ngài là nhà La‐tinh học hiếm quí của nước Pháp;  đó không phải là lời khen suông, mà đó chính là sự  thật. Ngài biện luận thông thái với ngôn‐ ngữ  của Cicéron còn hơn cả  rất nhiều người Pháp viết tiếng mẹ đẻ; tôi xin giới thiệu với Ngài một thông‐ngôn trẻ  tuổi người An‐Nam là người vừa cho biết ông phát biểu bằng tiếng La‐tinh rất thành thạo; tôi không biết người  đánh giá nào hơn được Ngài; vậy hai ông hãy bắt đầu đàm đạo nào.

Vị  giáo sư thông thái khai mào với một câu của tác giả Verrines mà tôi không thể  phủ  nhận là thích hợp. Câu văn hòa hợp nhẹ nhàng tròn trịa; các từ phối hợp tuyệt vời và ru êm lỗ tai. Pétrus  đáp lại với một câu văn rõ ràng, sáng sủa, lịch sự  có thể  nghi ngờ  nhưng dĩ  nhiên rất thích hợp. Người ta hỏi ông nếu nước Pháp (Gallia), cứ  địa của văn học, chẳng phải là  đất nước của trí thức ông và như thế thì đó cũng là quê hương thật sự  của ông. Pétrus  đáp lại rằng con người ta có hai quê hương, một của lý trí và một của con tim; người ta nâng niu quê này nhưng  đồng thời tha thiết với quê kia, và có cả hai, ông nhận chân rõ rằng trong tâm hồn ông rằng ông được sinh ra  ở vùng Đông‐phương; rằng đó là quê hương đích thực của ông.

    Nhà thông thái người Pháp tiếp tục đi sâu công trình cùng ý tưởng; ông khai triển ra nhưng hơi ngượng ngùng; ông ta thình lình thay  đổi  đề‐tài và bị  vấp vào cuối câu; ông tìm không ra chữ; rõ là trong  đầu ông gặp khó khăn phiên dịch tiếng Pháp ra La‐tinh; ông ta ngập ngừng lâu trước khi xong đoạn văn và có vẻ nói quanh co để tránh bị chết đắm.

       Viên thông ngôn An‐Nam thì ngược lại, lời nói càng trôi chảy hơn bao giờ; làm như từng phút từng phút, ông càng được thêm sức mạnh. Con  đường ông chọn hoàn toàn đối lập với người đối thoại: câu nói của ông trở  nên chính xác, rõ ràng, trong khi  đối thủ lạc lõng trong một cấu trúc câu văn mơ hồ  và không chính xác. Ngay cả có một lúc, vì tìm không ra chữ, chuyên gia ngôn‐ngữ Tây‐phương kia trả  lời thật thà bằng tiếng Pháp khi  được Pétrus hỏi bằng tiếng La‐tinh; người trẻ  An‐Nam đáp lại lần nữa bằng La‐tinh thì người kia vẫn lại trả lời bằng tiếng Pháp. Ngài chuyên gia bèn quay về  phía ngài bộ‐trưởng đang theo dõi cuộc tranh tài lý thú:

‐    Viên thông‐ngôn trẻ  tuổi này sử  dụng nhiều từ ngữ hiếm dùng, nhưng nói chung hiểu biết La‐tinh khá rành rõi.

Vị bộ trưởng tinh nghịch tiếp lời:

– Đúng vậy, tôi còn có cảm tưởng là ông ta hiểu biết tiếng La‐tinh hơn nhiều tay uyên bác người Pháp.

***

Tôi trở  lại với những  đàm  đạo của chúng tôi. Một ngày kia,  đi ngang trước một tiệm  ăn  ở  Palais‐Royal, chúng tôi thấy một cô dâu trẻ xuống khỏi một xe dạ  hội ngựa trắng mui gập, bước xuống một bậc thang rồi biến mất. Pétrus chóa mắt vì sự xuất hiện này, nói với chúng tôi:

‐  Có phải, có phải đây là một cô gái giang hồ? Một người bạn chúng tôi trả lời:

‐   Không phải,  đây là một thiếu nữ  chắc chắn là tử  tế, vừa mua một người chồng.

Pétrus không hiểu  đây là một câu nói dí dỏm, lại nghiêm trang hỏi :

‐  Ở Pháp, nếu đàn ông được đưa đi bán, thì trái ngược với  đất Nam‐kỳ;  đàn ông chúng tôi mua phụ nữ.

Tôi la loảng :

‐    Sao? Các người còn dã man như  vậy sao?

Với sự  bình tĩnh quen thuộc, viên thông‐ngôn nói tiếp:

‐    Đúng vậy, chúng tôi tặng người cha của cô gái chúng tôi thích một số tiền để  trao  đổi lấy hạnh phúc người  ấy nhường cho. Hợp lý thôi! Cả hai phương cách  ‐  của quí vị  chỉ  chấp nhận người thiếu nữ  có của hồi‐môn, và của chúng tôi, đòi hỏi người chồng một thứ chi phí, quả thực, tôi thích cách sau hơn. Các ông lấy người thiếu nữ  có của, làm  đàn ông nghèo hơn, các ông trở thành nô lệ vì lý do đó. Gia tài không thuộc về các ông, thì thế lực cũng không còn của các ông; vì hai việc này  đi  đôi với nhau. Thật vậy, các cuộc hôn nhân của chúng tôi bình thường hơn của các ông : chúng giống như trao đổi bình thường, thật công bằng; nhưng chúng không làm hao mòn hay biến chất cái  ưu‐thế  của  đàn ông chúng tôi, mà cũng không gây tổn hại uy quyền của đàn ông chúng tôi.

Tôi không biết phải trả  lời sao nữa trước cái lý luận khá hùng hồn của ông bạn Pétrus. Sợ phải tranh luận một đề tài ít ra là có chỗ không chắc lắm, tới phiên nói, tôi bèn lái qua việc khác cười cười hỏi ông bạn một người thiếu nữ  giá là bao nhiêu ở An‐Nam. Ông ngây thơ trả lời:

‐  Giá cả tùy mà thay đổi.

‐  Tôi cũng nghĩ như vậy.

‐  Một thiếu nữ đẹp có thể đáng 100 ngàn đồng trinh (sapèques).

‐  Một  đồng trinh tương  đương với một quan tiền (franc)?

‐  Không  đâu! Phải có khoảng 600 mới đổi được một quan franc.

‐  Vậy người đẹp An‐Nam đáng giá 300 quan franc?

‐  Đúng,  đó là giá bình thường, nhưng cũng có người giá thấp hơn nhiều. Thật vậy, nhiều người trong phái  đoàn chúng tôi  đã lập gia  đình và không bắt buộc phải tốn một số  tiền lớn như  vậy. Mấy anh khuân vác tạp dịch chỉ  mất khoảng chục (12) quan franc; nhưng các ông và tôi, chúng ta không thể  thích người bạn đời như thế được.

‐ Tôi hiểu, nhưng những người phụ  nữ thấp kém đó có là con nhà đàng hoàng tử tế không nữa chứ?

‐  Nhà lành hết. Nhưng còn tùy giám sát (của cha mẹ).

Nghe vậy có người phản đối:

‐  Tiền bạc ở đâu cũng có cái giá trị  quy  ước của nó, và người phụ  nữ  An‐ Nam  đáng tiền chục quan franc  đó  ở  Nam‐kỳ có thể có cái trọng lượng của phụ  nữ bạc ngàn ở Âu‐châu.

Pétrus đã khéo léo trả lời :

‐  Tôi sẽ cố không giả thiết như vậy, vì một trong số  đô  đốc hải quân của quí ông mướn dân tôi làm việc mà trả  có 3 quan franc mỗi ngày.  Dĩ  nhiên, ta  đã chẳng đưa ra bảng giá này mà không suy nghĩ kỹ chín chắn.

     Tôi nói thêm:

‐    Như  vậy, một anh Nam‐kỳ  lao động  đàng hoàng bốn ngày, ngày thứ  năm đã có tiền để lấy vợ?

Pétrus trả lời tôi:

‐  Sự thật là như vậy; thường hay xảy ra lắm, nhưng còn thường hơn nữa là anh lao  động  đó say sưa rượu chè hoặc mua khí giới.

***

Tôi hiếm khi thấy một người nào vô tư hơn Pétrus ở một vị thế khó khăn như  vậy. Giáo dục Âu‐châu và tình  đồng hội đồng thuyền với người Pháp khiến Pétrus dè dặt về  cái gọi là văn minh của nước An‐Nam; nhưng con tim ông ta làm sao có thể  chối bỏ  quê cha  đất tổ? Không.

  ‐  Pétrus cẩn thận  đi quanh hai khối  đá ngầm này: hạ  giá trị  Âu‐châu hay quê‐ hương của ông; ông thán phục nơi này và yêu nơi kia: đó cũng là con đường tốt đẹp nhất mà ông có thể theo đuổi. Dù rất khoan dung, tài trí của Pétrus sẵn sàng vui theo những phê phán vô thưởng vô phạt. Lý lẽ  ông không châm chọc, chỉ  cù cho vui, bởi vì lòng nhân từ  nhiều lần khiến ông quên đi những cái lợi lộc thân thiết nhất. 

   Tôi còn nhớ  Pétrus thích  đùa với tính cả  tin của người  đồng hương của ông, quá tin vào những kỹ  xảo của sân khấu Miếng Da Lừa (Peau‐dʹÂne), xem xong là cứ tin có những phù thủy lượn lờ trên phòng Galté. Pétrus cũng kể  cho tôi nghe mà môi cười chúm chím rằng tay ảo thuật Robin đã làm cho họ sợ thật sự, và đây là giai thoại đó: Lúc đó là những cảnh ma quái, nào bóng ma, ma hiện hình; Robin xuất hiện như  một vị  giáo chủ. Gần như  cả  phái đoàn sứ bộ đêm đó đi xem diễn ở một hí viện trên đường Temple; đám người An‐ Nam  đó bị  phần ma thuật  đầu thu hút, nhưng họ  tỏ  ra thật sự  sợ  hãi khi nhìn thấy những bóng ma như  sống thật, chỉ  cần một hơi thổi phà cũng đủ làm họ xỉu ngất. Sự lo sợ này biến thành sững sờ khi họ nhận ra bóng ma của một người đồng hương trên sân khấu. Bạn hãy nhận xét sự  kinh hoàng của họ! Họ  tìm quanh họ  người  đồng hương  đó; nhưng người  ấy đã biến mất; như vậy không còn là ảo giác nữa. Họ tin có ma rình rập và chuẩn bị bỏ  chạy ra  đường; dĩ  nhiên họ  như  bị  chết cứng vì cú bất ngờ  đó.

Hai phút sau  ‐  những phút dài như thế kỷ, họ nghe tiếng bước chân  đằng sau họ; cửa lô xem hát của họ mở ào ào; ‐ không còn nghi ngờ gì nữa, người ta tổ chức ám sát họ. Họ đồng loạt đứng lên, theo bản năng họ bóp chặt vũ khí trong tay, cùng lúc đó họ nhận ra người  đồng hành trong sứ  bộ  bước vào, nét mặt tươi cười, người đồng hương mà họ vừa ngỡ là đã biến mất luôn. Ô! Pétrus, con người cả  tin về  các đức hạnh nào  đó của các phụ  nữ  mà chúng tôi đã kể ở phần trên, cũng Pétrus đó  đã kể  lại cho chúng tôi nghe chương hồi này như một người có lý trí mạnh mẽ; ông thề với chúng tôi lúc đó ông không hề  có chút sợ hãi mảy may nào.

   Từ  những cuộc  đàm thoại với Pétrus, có thể nói rằng tôi có thể nghi ngờ  những  ấn tượng mà người An‐Nam cảm thấy, vì bề ngoài của họ không biểu lộ gì hết. Ai cũng biết rằng người  Đông‐ phương có vẻ  bất‐cảm, khó lay chuyển. Thật vậy khi họ  vừa  đặt chân lên  đất Pháp, họ  được tiếp  đón  đàng hoàng nhưng việc  đó không làm cho cái bình thản của họ  bị  bối rối. Sau  đây là vài sự  việc đã xảy ra: Khi phái đoàn Việt Nam vào đến hải cảng Toulon, phía Pháp đã cho bắn hàng chục  đạn pháo mục  đích  để  chào mừng xứng với danh dự  của họ; vị  đệ  nhất sứ  thần (Phan Thanh Giản) tỏ  ra rất bình tĩnh. Thật ra đó là một cuộc tiếp đón rực rỡ dành cho vương công, nhưng cũng khá dữ  dội, có thể  biến thành tang lễ. Vị  sứ  thần này phải nghe tiếng đạn pháo lễ hội, nét mặt đã phải ngạc nhiên như đang mơ.

Về  phần những người tạp dịch, họ  chạy trốn ở các góc tàu như những chú chó khi trời giông bão. Khi Pétrus lên  đường  đi Tây‐ban‐ nha, từ  nơi  đó ông sẽ  đi Alexandie (Ai‐ cập), ông  đã hứa với tôi, một lời hứa rất thích hợp với mong đợi của tôi, ông sẽ hỏi han cảm tưởng của các đồng hương trong sứ  bộ rồi sẽ  gởi cho tôi, như  là bản tóm lược tập nhật ký của chánh sứ. Bản tóm lược đó, tôi đang có trong tay; văn phong đơn giản, ít màu mè, ít tưởng tượng, dù rất  Đông‐phương. Tôi sẽ tường trình với bạn đọc như sau:

Pétrus trong bản tường trình cho biết: ʺNgoại trừ Paris và Madrid, người Việt Nam (trong phái bộ) không thích đi đâu khác; họ chỉ thăm viếng chính thức lịch sự các nhà chức trách địa phương theo lời mời và không hề  nhận lời mời nào khác. Vô tình họ  đã  để  mất dịp may nghiên cứu những nơi đã đi qua. Về phần tôi, tôi không hề  để mất dịp may và khi có thể để thăm viếng và tìm hiểu khắp mọi nẻo  đường mà chúng tôi  được  đến dù bất cứ  lý do nào.

ʺQua các thông tin có  được khi nói chuyện với các  đoàn viên khác, hoặc khi  đọc  các du hành nhật ký và tường trình, tôi xin trình bày với ông tóm lược về  những gì các đoàn viên  đã cảm thấy,  đã thán phục cũng như những gì họ muốn nhập về quê nhà để cải thiện  đời sống người dân. Sau  đó tôi sẽ vạch rõ những trở  ngại có thể  chận lại hoặc làm chậm lại sự tiến bộ văn minh mà vương‐quốc An‐Nam mong mỏi du nhập ngay từ bây giờ  với tất cả chân thật hơn bao giờ hếtʺ.

Tôi đã ghi mà không sửa lại lời của Pétrus, dù không kiểu cách, song diễn tả  rất  đứng  đắn,  ‐  tôi tiếp tục trung thành ghi lại đây khóa‐luận đầy lý thú của viên thông‐ngôn trẻ tuổi.

ʺTất cả những người trong sứ bộ chúng tôi  đều tin chắc rằng Âuchâu rất tiến bộ  về  văn minh; họ hiểu ưuthế của nước các ông về  nghệthuật tiện nghi và biết rằng các ông hơn họ  về  khoa học và kỹnghệ.

Họ  đã nhìn thấy chính trị và hành chánh ở xứ các ông ra làm sao. Họ  đã  được biết và  đánh giá cao những biện pháp mà các nhà cầm quyền ở đây lo cho công chúng. Nguyên tắc  đó có  ở  nước họ  nhưng cũng xin thú thật rằng chúng thường không  được áp dụng và thi hành  đúng  đắn. Họ  đều hiểu bìnhđẳng, tình huynh  đệ và tự  do, căn bản ba chân của  đời sống xã hội. Họ  cũng quan sát thấy tầm quan trọng về vũ khí trang bị và quân đội hùng mạnh, mà việc bảo trì dù không phải lúc nào cũng thiết yếu,  đã trở nên tối quan trọng ở một số thời điểm và đem đến hiệu quả tốt đem vinh quang cho dân tộc.

Ngày hôm nay, nhờ  quí ông mà họ  tin tưởng chắc về những ích lợi lớn lao của canh nông, cũng là đời sống của dân. ʺPhân tích  đúng  đắn những gì họ  đã thấy được ở Pháp và dùng ý niệm để áp dụng ở quê nhà của họ,  dù rất yêu quêhương, họ  vẫn thấy có một sai biệt lớn lao giữa ʹrấtÂu châuʹ  và  ʹrất  Đôngphươngʹ; họ  phải nhìn nhận  đất nước họ  đứng yên một chỗ  ở  giai đoạn phát triển, và rằng nước họ  rất chậm tiến nếu so với Âuchâu. Họ dĩ nhiên kỳ vọng ở  một cạnh tranh có thể,  để  người Việt có ngày ngang hàng với những nước văn minh nhất. ʺVề các công trình công cộng, về xây cất những công trình cao,  đẹp và chắc chắn, đường xá khắp nơi  được bảo trì tốt  đẹp, những  đường ray xe lửa tiện lợi cho giao thông, tổ chức hành chánh, những cơ sở giáo dục  đại chúng, những học viện mở  cửa cho thanh niên, những cơ sở tôn giáo, đó là những gì đã đánh động mạnh nhất người của sứ bộ, làm họ thán phục, những người chưa bao giờ  được thấy những phát triển như vậy.  Sau khi suy nghĩ kỹ, họ khen ngợi các phong tục, thói quen và phong hóa người Âuchâu. Nhà  ở  sạch sẽ  và  đẹp cũng làm họ  thán phục vô cùng.

ʺVề vài thói tục ngược với họ, một cách tự  nhiên là họ  không  ưa thích; tuy vậy, họ  nghĩ có thể người Âuchâu cũng có thể không thích như họ, nên họ không chê bai làm gì.  

ʺVề ba vị sứ giả, Ngài chánh sứ (PTG) là vị rất thông minh; phán đoán của Ngài rất thẳng thắn; Ngài  đánh giá mọi sự  ở  giá trị  thích đáng của chúng. Ngài luôn từng cho tôi biết Ngài  ước ao làm  điều tốt lành và cố  hết sức mình làm việc để cải thiện người dân An Nam. Dù vậy, khi Ngài thấy tóc mình trắng bạc phơ, Ngài thở  dài mong có thể  chuẩn bị  ngày tháng còn lại bình lặng của cuộc sống hưu trí thoải mái. Tôi  đã mạnh mẽ  khuyến nhủ Ngài đừng quá lo âu, và tôi hy vọng Ngài nghe theo lời xin của tôi, Ngài sẽ  làm tròn nghĩa vụ mà Ngài đã bắt đầu. ʺĐộng viên bởi lòng yêu tổ quốc và tha thiết muốn dùng những kiến thức thu thập trong chuyến du hành Âuchâu, Ngài chánh sứ đã có ý đưa về Namkỳ áp dụng những gì mà Ngài nghĩ là phải làm để văn minh tiến bộ  hơn. Ngài thường hỏi tôi rằng theo ý kiến cá nhân tôi thì đâu là phương tiện hữu hiệu nhất để  thắng những thành kiến và  để  cho dân chúng hiểu những lợi ích của canhnông và hoạt  động kỹ  nghệ. Theo ý tôi, phương tiện hữu hiệu nhất là làm sao cho dân chúng hết thờ ơ  với công việc, là khiến họ  có thói quen làm việc; rồi sau  đó tùy khả năng mà  đặt họ  vào những chuyên môn khác biệt. Tôi nghĩ  trên hết mọi sự thì bước đầu rất khó khăn.

ʺCác sứ thần  đã cùng nhau tham khảo về việc làm sao xây dựng những dinh thự cao lớn; các Ngài không thể nào biết là có thể  có những công trình  đồ sộ như vậy ở Âuchâu. Các Ngài nghiên cứu  để  biết chỗ  nào  ở  mặt đất có  đủ sức bền vững  để  chịu  đựng  được sức nặng của những tòa nhà lớn. Các Ngài cũng  đã vẽ họa  đồ những  địa  điểm thích hợp để xây dựng những thị trấn đông dân số. Các Ngài  đã tìm hiểu phương cách  để  khai thác những vùng  đất bỏ  hoang hoặc không trồng trọt  được nữa; phương cách  để  có  được một đội hải thuyền; phương cách phải sửdụng để  đất nước trong sạch hơn, v.v. ʺCác sứ  thần chúng tôi  đã hiểu rằng nguyên do chính của tiến bộ  ở  Âuchâu là nhucầu thiết yếu; thật vậy, mỗi cá nhân phải kiếm nhiều tiền. Tài sản tinh thần sáng giá của quí vị có thể ít do lý trí có điều kiện phát triển, hơn là do tài nguyên quí vị có. Bên nước AnNam chúng tôi,  đất  đai rất màu mỡ  nhưng lýtrí không hoạt  động vì không  được thúc  đẩy hay cần thiết phải làm. Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ giàu về trí thức hơn nếu đất đai chúng tôi không phong phú. ʺNói thế  không có nghĩa là các vị  lãnh đạo chúng tôi phải muốn biến  đổi nước Việt Nam  để  đạt mục  đích  ấy; thật sự  chỉ là phải phấn đấu chống lại thói lười biếng ù lì, không phải chỉ với quan điểm của vài đầu óc  là việc nhỏ nếu so với tư tưởng của cả một dân tộc, dễ bị coi thường không chịu theo. Có biết bao dị đoan mê tín cần phải hủy bỏ, bao hủ tục cần phải cải lương, bao thànhkiến cần phải triệt bỏ,  đủ  biết là việc canh tân này sẽ  khiến rất nhiều tựái bị thương tổn!   

ʺVề các chi tiêu phung phí!  Tôi bỏ qua để bàn  đến những nhận xét khác. Không còn ai khăng khăng cứng nhắc với nguyên tắc như  với các quan chức. Hơn nữa, họ sẽ chẳng bao giờ nhìn gặp và nghe các sứ thần của chúng tôi. Làm thế  nào  để  các Ngài có thể  đi vào trong ý tưởng của các quan chức  nhưng cứ  giả thử rằng cái Ngài tự thâm tâm hiểu được những lợi ích của văn minh Âuchâu, các vị  sẽ khảo sát, dò xét, cân đo các thiếtchế muốn đưa vào guồng máy, cuối cùng thì sẽ rất khó khăn  để  các thiếtchế  đó bén rễ. Các vị  ấy không nghĩ  đến  điều lợi cho dân dã, mà chỉ  nhắm làm vui lòng nhà vua: đó là sự thật; nhà vua sẽ bị những lời thầm thì nịnh hót của họ  ru ngủ.

ʺSự  kiện tôi vừa báo hiệu là một trong những lý do chính của phần lớn những  đau khổ người AnNam cam chịu. Các vị đại thần chỉ tâu lên vua những biến cố thuận lợi; họ  chỉ tâu bàn với nhà vua những gì có thể làm hài lòng nhà vua. Do đó, dù đã được qui định trong luật pháp, các vị  ấy vẫn giấu không trình với nhà vua những tai ương đã xảy ra, vẫn tránh tiết lộ những thất bại, những nạn đói khổ, mất mùa màng, và ngay cả  những bệnh dịch. Tất cả những điều đó không thể tìm thấy trong các báo cáo thường niên mà nhà vua đã ra lệnh phải làm để nhà vua có thể biết đến những việc quốc gia  đại sự. Các vị  đại thần tổng  đốc thường hay sợ bóng sợ vía,  đa nghi, chỉ biết tuân thủ các truyền thống thảm hại một cách nô lệ; do đó con muỗi thường bị  họ thanh lọc kỹ  càng, nhưng họ lại phải (cay đắng) nuốt trọn những con voi (!). ʺGiờ đây hãy bàn đến làm sao để có thể  phổ biến kiến thức (mới) với một chữ viết ký hiệu gồm rất nhiều từ và khóa thật khó (chữ  Hán, Nôm)? Tôi không chối là người ta có thể  viết về  khoa học với chữ  viết  đó. Nhưng có biết bao phiền phức! Khó khăn! 

Để  có thể thành công  đọc và viết  đến nơi  đến chốn những chữ ký hiệu này, một người ít nhất sẽ  phải dùi mài suốt tuổi hoa niên; người  ấy sẽ  không còn lại bao nhiêu thời gian để làm việc nghiên cứu khoa học. Nếu ông có thể hiểu rõ như tôi những phong tục và tập quán ở nước tôi, tôi  đã không cần phải nhấn mạnh nhiều lần về những trở ngại mà các khuynh hướng nỗ lực canh tân đất nước gặp phải. ʺNgười đồng hương của tôi là một dân tộc rất dễ  khiến, hay bắt chước, nhưng hoàn toàn ù lì; theo tôi nghĩ thì lỗi chính  ở  chính quyền, không chủ tâm làm cho dân sinh động lên, không  đánh thức người dân. Nếu  được thì tôi hy vọng ngay từ  bây giờ  dân Việt không còn chìm  đắm trong giấc ngủ  đêm dài bất động và đứng lên như thế giới cũ của Tây phương đã bước đi trên con đường tiến bộʺ.

Nhà triết học thông thái chấm dứt bức thư với một số câu văn có tính triết lý siêu hình và cấu trúc khó bí hiểm ‐ Tôi tin đã thành công nắm bắt được ý nghĩa, như  một nhà khảo cổ giải‐mã được những tín hiệu còn lại trên mảnh  đá …; nhưng văn dịch lại  ở  đây tôi có cảm tưởng không chắc chắn lắm ‐ do đó tôi cũng xin nói cho độc giả  hiểu.  Ước gì các chuyên viên  đồ  cổ cũng có cái cẩn trọng của tôi!

Bây giờ  thì Pétrus và các vị  đồng hành của sứ  bộ  đã về  lại Việt Nam. Nhưng trước khi rời Âu‐châu, họ  đã muốn thăm viếng nước Tây‐ban‐nha và triều kiến tỏ  bày lòng kính trọng với nữ  hoàng Isabelle. Một mặt, không ai xa lạ gì vai trò quan trọng của Tây‐ban‐nha trong biến cố Cochinchine (Nam‐kỳ lục‐tỉnh) và cũng dễ hiểu thôi, mặt khác vương quốc An‐Nam cần phải có liên hệ  tốt  đẹp với chủ nhân nước Phi‐luật‐tân. Như vậy thì đối với sứ  bộ  An‐Nam,  đây là một bổn phận ân cần và hữu ích phải hoàn thành trong vùng. Chuyến trở về Đông‐phương của sứ  bộ  không phải thực hiện không gặp khó khăn . Ở Địa‐trung‐hải, họ có lúc đã tưởng trở  thành  đối tượng quỷ  thần  đuổi theo bám chặt giữ  họ  lại  đó. Trong các vùng lãnh hải nước Pháp, Ý và Hy‐Lạp, phong ba bão táp liên tục dồn  đến. Mỗi khi rời hải cảng trốn bão, tàu của sứ bộ lại phải bất ngờ đương đầu với những cơn gió lốc dữ dội. Sau những kinh hoàng thật sự đó, tàu của họ  cập bến cảng Alexandrie (Ai‐ cập). Từ  đó trời quang mây tạnh  đưa họ  về tới bến quê nhà.

(Nguồn nghiencuulichsu.com)

 

IV. Quan Điểm Sống của Trương Vĩnh Ký qua Di Thảo:

 

(Văn bản của những thư từ dưới được trích trong Phụ Lục I, Trương Vĩnh Ký- Bi kịch muôn đời, Lại Hoàng Giang. Những chỗ để nhiều chấm là những chỗ trong bức thư bị mối rấm, chữ bị mất. Chú ý những đoạn văn này cố nhiên ai đọc bây giờ cũng phải cho là cổ lỗ. Nhưng cách đây gần hai thế kỷ thì văn không cổ sao được.)

 

  1.       Tại sao tôi không vào dân Tây?

“Kính thăm ông bình an sức khỏe. Tôi có được thơ ông hỏi tôi về việc vào dân Tây. Vậy tôi xin viết thơ lại ít chữ mà trả lời về điều ấy cho ông rõ ý tôi.

Nhà nước Phangsa có ý muốn cho dân phục cho mau càng tỏ ra ơn Nhà nước rộng rãi muốn hóa dân hoán tục. Ý nhà nước thì tốt thật, nhưng mà tôi tưởng vội quá đi, chưa phải thời, chưa nhằm thế. Xin kể sơ qua sự tiện cùng bất tiện, sự lợi hại trong việc ấy cho ông nghe thì ông hiểu tức thì vì làm sao tôi không chịu vào dân Tây:

a) Tôi lấy sự ấy làm trái lý tự nhiên không ăn thua vào đâu: cũng như là chuyện đời xưa bên Tây nói con kên-kên lượm lông con công giắt vào mình rồi nhẩy vào bầy công, xềnh-xang lấy làm vênh vang hãnh diện. Cách ít lâu, công khi đầu không dè, liền xúm lại cắn rút rức nhổ lông công đi, đánh cò bơ cò bất xơ xác đuổi kên kên đi. Túng kên kên mới lộn về với bầy cũ của mình. Bọn nó biết vì kiêu ngạo muốn đánh bầy với công là giống sang, giống trọng hơn mình, nên khi nó lỏn lẻn trở về thì phần nó ra xua đuổi cắn xé tơ-bơ tất bật… Chuyện thêm rằng: in tua telle propria quiesce, mày hãy ở yên trong cái da của mầy nghĩa là trời sinh ra mầy làm sao thì hãy cứ phận riêng mầy ở mà thôi.

Thật như vậy: không lý trời sinh ra tôi là con quạ, bây giờ một hai nói tôi là con cò làm sao đặng? Nên là điều trái sự tự nhiên hết sức.

b) Đặng một bên, mất một bên, lợi thì ít mà hại thì nhiều”.

(Trích bức thư gửi cho ông Đốc phủ Ca ở Hóc Môn).

  1.       Tại sao tôi không ra làm quan?

“Tôi có được thư ông nói sao tôi không làm chức chi… như phủ, huyện, đốc phủ với người ta lấy danh chơi? Nhân ông có hỏi tôi mới xin thưa đỡ lời ông.

Trước hết cám ơn ông có lòng tử tế nghĩa tình mà nhắc biểu. Song tôi trộm xét theo ý riêng tôi, tôi tưởng chẳng cần chi. Vì tôi nghĩ rằng: làm huyện, làm phủ mặc dầu, cũng ở dưới tay người ta, người ta sai cắt hành hạ, tánh tôi không chịu được. Lại dầu có làm thì nay phủ huyện tràn đồng ai nấy làm qua buổi mà mình có làm thì muốn phụng chức cho trọn theo chức phận thì chói che ông ấy, mình riêng một mình một thế cũng khó, mà làm buông xuôi theo mọi người thì hổ phận mình lãnh chức mà chẳng có làm theo chức phận. Chi bằng mình sẵn làm ông thầy dạy học, lại dạy là dạy Tây các quan. Sao sao cũng là ông thầy các quan. Không phải tùng phục ai… kỳ trung làm được ông thầy như tôi vậy là thiệt vinh hơn hết. ”

  1.       Tôi cam chịu thiếu của cải

“Các ông hỏi tôi ý làm sao không lo về phần của cải? Sao không mua đất sắm ruộng kiếm tiền bạc mà tiêu dùng? Tôi xin cám ơn vì các ông thật có lòng thương mà nhắc bảo, kẻo việc trời đất về sau nắng mưa thuận nghịch thể nào chưa biết mà lâm vấp rủi ro thì cực khổ.

Thật thì ai cũng phải lo về sau nhưng mà xét cho cùng mà coi thì cũng chẳng nên lo cho quá làm chi. Vì vạn sự bất do nhơn kế giảo, nhứt sinh đô thị mạng an bài. Chi bằng ý thực tùy duyên tự nhiên khoái lạc: có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít thì được vui vẻ, yên lòng, yên trí. Nhân vì vậy cho nên… Tri mạng chi nhơn kiến lợi bất động, lâm tử bất oán, là vì làm vậy.

Tuy rằng sự ấy thật là như vậy mà tôi cũng biết ai ai, phàm sống ở đời cũng phải lo, không ai khỏi…

Thật… sách tự nhiên trời phú cho như vậy, … vô tâm không có lòng ham tiền… Điều hay sắm của dùng của chơi cho thỏa ý mình không tiếc tiền, còn ruộng nương đất cát thì ít muốn mua, sợ thêm mối lo nhọc lòng nhọc xác. Cái chi cũng ra sức có với người ta một chút, một đỉnh cho có mà thôi.

Lại tôi xét ơn trên đã cho mình con cái cháu chắt nhiều, danh tiếng chức quờn (quyền) cũng phủ phê mọi bề mà vì nhơn vô thập toàn không có ai cho trọn vẹn cả mười phần hết, cho được thì mình phải có một cái thiếu là đàng tiền của. Phỏng như trời có được dễ dàng tiền của nữa thì tôi hư đi chẳng sai phải bỉ sắc tư phong mới được.

Vì vậy nên tôi không dám đem lòng ao ước cho được tiền của cho nhiều. Cao bay xa chạy cũng không qua khỏi trời: duyên phận chừng ấy thôi chẳng dám cương cầu. Trong bụng nghĩ sao nói ra ngay làm vậy cho các ông biết.”

  1.       Tôi không quen nịnh hót

“Tôi cũng biết có quen lớn thì đến dịp cũng được nhờ, vì ở đời người ta nhờ nhau, khi người này, khi người khác, ấy là thói thường trong đời. Ai cũng có bạn hữu tri âm, ai cũng có kẻ ganh gổ ghen ghét chẳng ai khỏi.

Tôi lại có tính trời sanh cũng dị là chứng ngay thẳng thật thà không ngoa-mị đãi-bua được, cứ mực thiết, trong lòng làm sao, ngoài miệng làm vậy, nên kẻ không biết ý thì có khi lấy làm người lù-khù, không được mau mắn, đãi-bua, làm rộn lăng xăng… Trời sinh tôi ra như vậy, cải đi làm ra khác không dễ được. Vì vậy tôi cứ lòng ngay tình thiệt mà ở như vậy, biết làm sao? Giả sử như các quan.. biết thiết nghĩa lâu nay, bây giờ lên chức quan lớn trong quận hạt thì … gặp thì chào hỏi vậy… thì tới nói chuyện… vì tôi ngại người ta có nói mình… hay là tới lui kè nhè xin sự này sự nọ chăng.

Cũng không… mời mọc người quờn (quyền)-quí cho lắm, cũng vì ý ấy. Ai thơm thảo tới thăm thì mừng cám ơn lắm mà thiết đãi, lấy lòng lấy bè thì không.

Tôi lại thấy mình không đoan trang việc giao du là vì bởi cái mạng mình là… nên hay mắc nghi nan mình nói lành ra dữ, làm phải ra quấy, người ta cũng cắt nghĩa trái cái việc mình làm phải, mà tuy chẳng can hệ gì cho lắm mặc lòng, cũng khó cho người ta thật lòng với mình. Cái mạng nó khiến nó bắt phải mắc, phải chịu lời ăn tiếng nói người mãi tin rồi lại không tin, yêu rồi lại lạt lòng yêu đi… ấy là thường hay mắc. Nên biết mạng mình như vậy thì chẳng dám làm quen, làm lớn cho lắm, sợ e hay nó… nhưng mà tôi hay giữ một lòng thủy chung như nhứt, dầu làm mất lòng mình đi, cũng cứ ở một… trở lòng ở chẳng phải với tôi… trước sao sau vậy mà ở phải… không đem lòng giận hờn oán trách… thói giao thiệp tôi với người ta thì như vậy.

Còn về sự tới lui với anh em đồng liêu hay là người hào phú chơi bời thì tôi cũng không hay làm, là vì tôi nghĩ cũng có người tử tế giao du được mà thà giữ mực thường thì hay hơn; vì hoặc quan trên có nghi có hỏi thăm cái cá nhân ông nầy ông kia, bà nọ, bà tê thế nào thì dễ trả lời rằng vì không hay lân cận tới lui cho nên không rõ việc tư các ông các bà được. Lại nghĩ thế thói đời nay thì nó bắt buồn: vì “nhơn tâm bất cổ”, ai lo phận nấy, ai cũng lo bươn chải kiếm đồng tiền đồng bạc (cái cần) là hơn cang thường luân lý cũng truy văn: sự thật tình thân thiết chẳng mấy người giữ, tinh nhưng qua mắt, qua buổi vậy thôi; tri âm thì ít, mà mị mộng thì nhiều… Vì vậy nên buồn, cứ phận mà ở, cứ việc mình mà làm … coi sách, coi vở học mót chút đỉnh… không muốn đua bơi tranh hùng… Đâu rầy rà tranh cạnh…”

  1.       Tại sao tôi đắc thời mà không ở lại làm quan triều?

“…ông đã có viết thơ mà hỏi tôi sao vùng vẫy đường danh lợi, từ đám công danh đi mà không chịu làm nữa… Giữa chỗ đám tiệc, tôi không dám nói cho hết tiếng mà đáp lại cho hết ý. Nên nay có thiếp các ông gởi mừng ngày lễ bổn mạng tôi, tôi xin tạm ít chữ trần tình cho các ông hay, kẻo các ông có lòng thương, muốn cho người đồng châu, đồng liêu được hiểu lấy tiếng quê hương đất nước là điều đáng cũng phải lẽ lắm.

Ở đời xử đám công danh là khó lắm, đua trường danh lợi là hiểm nghèo lắm: một là nên, hai là hư, mà hư thì thường thường nhiều hơn: hễ mê, hễ đắm ham hố quá thì làm sao cũng phải mắc chẳng sai. Vì vậy tôi bắt chước Trương Lương dụng trí minh triết bảo thân là lo xét coi vọi nhắm chừng cho biết đường tấn, thối mới rút mình ra khỏi bẫy được.

Tôi nguyện… toàn quyền Paul Bert ở bên Tây… rằng có biết chút chi… bởi nhờ có coi sách vở… nầy mà biết, nên rằng… nên theo mà giúp người trong mọi… An Nam tại vua cùng Triều đình nước Nam mà lo dọn đàng sẵn còn để cho người ta xử trí việc vua việc nước… nên tôi mới lãnh đi ra điều đình việc cả hai Nước. Ấy là cái phận cái chức khó thứ nhứt trong đời: vì làm việc như mai-dong đứng giữa gánh cả hai vai nặng nề hết sức. Vua nghe tiếng bàn cùng đính thần cho vời vào điện tấu. Từ ấy về sau vua biết cùng đem lòng trông cậy sẽ ra sức hoằng-tế lúc gian nan trong nước. Tâu xin lãnh ý, làm hết sức mà đỡ nghiêng chống xiêu, chu được lại quốc-thể nghi-thống, dần dần gỡ rối được. Ở Cơ Mật, sau có giây thép triệu ra rồi đi theo đạo-ngự hầu cận vua cho đến Quảng Bình… Tính đi tính lại hơn 6 tháng trời… về kinh rồi quan Toàn quyền ở Bắc vào… vua xuất chinh trừ bạo an dân về… Nam ít phán rằng phải khuất mặt… vua ban thưởng trọng hậu… Về cửa Hàn, quan Toàn quyền… luôn ra Bắc chơi thăm bà phu nhân người rồi hãy về theo tầu ấy. Về Nam chưa được bao lâu, giây thép đánh vô rằng quan Toàn quyền mất đi rồi, thì tôi nghĩ việc sẽ ra khó vì tân quân tân chế, việc mình làm sẽ ra khó lắm, nên tôi đánh giây thép ra rằng tôi không ra nữa…

Ấy thời thế trời đã đỗi đời, không dám chen vai vào đám chánh sự nữa, vì hiểm nghèo là một, sau nữa là có mình nữa thì cũng chẳng làm thêm được việc chi cho vua cùng triều đình nhờ, nên dứt đi một cái cho xong, tránh đường danh, nẻo lợi về xứ an phận tùy duyên cho khỏi lòng ràng buộc.”

  1.       Tại sao người ta nghi nan tôi?

“Tôi có được cái thư của ông, ông nhắc cho tôi nhớ cùng hỏi tôi làm gì cho người ta ganh ghét, nghi nan làm vậy?

Nào tôi có làm gì đâu? Tôi cứ an thường thủ phận, lo học hành, tìm sách vở, biên chép in ra cho con trẻ đời nay nó học cho mau cho tiện. Vậy đó thôi, chớ có làm gì đâu? Lo dạy bằng miệng, bằng sách, sợ phong hóa cang thường càng ngày càng kém đi vì đời nay trẻ nhỏ ít học… Tôi nghe ông nói, tôi xét mình tôi hoài; mà nhơn có danh một chút hay tìm hay học rông biết việc kia việc nọ… thì người ta có khi tưởng cùng nghĩ rằng người thạo đời hoặc có khai nhân mình từng biết mà sinh sự mống lòng chồm-ố công danh lợi, lộc, cướp đành danh, nẻo lợi người ta đi chăng, nên người ta sanh lòng nghi nan mà thôi… thấy mình nổi danh nổi tiếng thiên hạ đều biết, có khi mình có đức nữa thì người ta cũng phục nữa, nên sợ có biến tâm việc chi thì người ta tùng phục theo, sanh bè đảng lớn ra chăng. Chớ không dè tôi là người nhờ ăn học mà biết thức thời thức thế, coi đạo đời việc thường biến cái, đường nó đi như vậy rồi, là việc trời làm là việc đấng Tạo hóa đã sắp nó xây vần ra như thế, ai mà chống nổi trời, mà hòng nghi có bụng quấy quá, muốn khuấy đời làm chi: việc riêng mình lo không hết, ai công không đâu mà đi làm những việc phi phận sự làm chi.

Nói sơ một chút vậy thì ông hiểu được rồi. Còn lời ăn tiếng nói người ta thì có lo chi? Ai có hỏi mà lo? Hễ sự thiệt thì sẽ ra sự thiệt…”.

 

Leave a Reply