TTTM Trà Kiệu

Giáo Lý Dự Tòng Hành Hương Về Nguồn 11/01/2015: III. Giáo Xứ Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu

III. Giáo Xứ Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu

Khoảng cách từ Phú Thượng vào Trà Kiệu cũng khá xa, bên cạnh những trò chơi, nhưng thông tin bổ ích từ các anh chị hoạt náo viên, cả đoàn đã cùng nhau vừa ‘tập dợt’ mà cũng vừa với tâm tình sốt sắng cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi. Nhiều bạn đang theo học Tân Tòng, nên Kinh Kính Mừng, Sáng Danh… đọc còn chưa thuộc, nhưng phải ghi nhận một điều rằng cả xe đã cùng đọc rộn ràng và nghiêm trang. 

Khi đoàn đến Giáo Xứ Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu thì cũng đã gần trưa và lúc này cả 02 Cha Sở và Phó xứ đã đi làm lễ ở các chi họ lẻ. Các ngài đã chu đáo cử một vị trong HĐMV ở nhà đón tiếp đoàn và nhắn lại rằng: rất muốn có mặt để gặp gỡ đoàn hành hương, nhưng vì không nhờ được cha khách cử hành Thánh Lễ thay nên đành phải chịu lỡ hẹn. Cả đoàn hết sức tự nhiên thăm viếng Trà Kiệu.

Về đến Trà Kiệu rồi, nhất là được đứng vây quanh ngôi mộ của Đức Giám Mục tiên khởi của Giáo Phận Đà Nẵng, Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi trong bối cảnh của những ngày chuẩn bị kỷ niệm 400 năm truyền giáo tại Việt Nam và 50 năm thành lập Giáo Phận Đà Nẵng, mọi người quên hết cái mệt mỏi để nghe Cha TĐD giới thiệu về Giáo Xứ Trà Kiệu, Đức Cha Phêrô Maria, biến cố Đức Mẹ Trà Kiệu… trong dòng chảy của Giáo Hội Việt Nam nói chung và Giáo Phận Đà Nẵng nói riêng.

Dưới đây là một số thông tin vắn tắt.

Vương quốc Chàm và người Chàm được lịch sử bàn tới trong những lần khởi nghĩa chống sự đô hộ của Trung Quốc, từ năm 192 sau công nguyên. Vị vua đầu tiên người Chàm được ghi trong sách sử là Crimara.

Đất nước Chiêm Thành chạy dài từ dãy Hoành Sơn tới Bình Thuận:

Từ Hoành Sơn vào tới đèo Hải Vân có 5 châu:

Địa Lý – Ma Linh – Bố Chính – Ô – Ri.

Từ Hải Vân đến Ninh Thuận có 4 châu:

Amaravati (từ Hải Vân vào cuối Quãng Nghĩa và Trà Kiệu thuộc châu này)

Vijaya (Bình Định – Đại Lãnh)

Kauthara (Đá Bia – Tháp Bà)

Panduranga (Ninh Thuận – Bình Thuận)

Theo lịch sử và di tích để lại, Trà Kiệu là Nội thành (Kinh Đô) của người Chàm: phía Đông có đồi Bửu Châu, nguyên trước kia là đài cờ của Chiêm Thành; phía Tây có rặng đồi Kim Sơn; phía Nam có luỹ Chiêm Thành; phía Bắc xưa kia có dòng sông thuyền bè ngược xuôi tấp nập, nay chỉ còn là con suối, mùa hè cạn khô nhưng mùa mưa lại ngập nước.

Theo các nhà khảo cổ học thì Sinhapura, Sư Tử Thành là kinh đô đầu tiên của Chiêm Thành được phát triển dưới triều vua Bhadravarman cuối thế kỷ thứ tư. Các vua Chiêm không xử dụng thành Sư Tử này kể từ năm 749. Sau đó người Chàm xây dựng thành Đồ Bàn. Đến đời Vua Vijaya-Cri (998-1008) thì dời đô và lấy thành Indrapura làm thủ phủ.

Gần Trà Kiệu còn có Thánh Địa Mỹ Sơn là trung tâm văn hoá, tôn giáo của người Chàm với hàng trăm đền đài khác nhau được kiến trúc rất đồ sộ và nguy nga. Có lẽ hết triều vua Paramesvaravarman 1234 không còn vị vua Chiêm nào đến cúng tế tại Thánh Địa này.

1470-1479, Triều Vua Lê Thánh Tông, nên hiệu Hồng Đức, có 13 vị khai cơ tiền hiền từ Nghệ An – Thanh Hoá vào lập nghiệp lập thành:

Trà Kiệu Xã – Hy Giang Huyện – Thăng Ba Phủ – Quảng Năm Thừa Tuyên.

Năm 1578 đời Lê Thế Tông, niên hiệu Quang Hưng, Trà Kiệu được mở mang thành một vùng rộng lớn và danh tiếng. Dân gian thường nói:

Nhất Trà Kiệu – Nhì La Qua – Ba Tá Tràng.

Địa dư Trà Kiệu thời đó đã được ghi như sau:

Nam khoá Tào Sơn

Bắc cự Sài Thuỷ

Đông lâm Quế Hạt

Tây chấm Tùng Sơn.

Năm 1905 triều Vua Thành Thái năm thứ 11, Trà Kiệu được chia thành năm xã là:

Trà Kiệu Trung

Trà Kiệu Đông

Trà Kiệu Tây

Trà Kiệu Nam

Trà Kiệu Thượng.

Trà Kiệu Thượng nằm gọn trong Cổ Thành Chàm, gồm 4 khu vực Đông Tây Nam Bắc, dân cư hầu như toàn tòng là người Đạo Công Giáo – Trà Kiệu Thượng chính là giáo xứ Trà Kiệu còn giữ tên cũ cho tới ngày nay, còn 4 xã kia theo thời gian đã thay đổi tên mới. Và hiện nay (2015) thì chính quyền địa phương đã trả lại tên gọi như xưa.

 

Những Cuộc Nam Tiến Của Người Việt

– 1069: Vua Lý Thánh Tông đánh bắt được Vua Chiêm Thành là Chế Củ. Chế Củ dâng 3 châu: Địa Lý – Ma Linh – Bố Chính để chuộc tội.

– 1307: Vua Trần Anh Tông gả Huyền Trân Công Chúa cho Chế Mân để đổi lấy Châu Ô và Châu Ri.

– 1402: Nhà Hồ đánh bại Vua Chiêm Ba dịch Lại lấy đất Chiêm Động (Quảng Nam) – Cổ Luỹ (Quảng Nghĩa).

– 1471: Lê Thánh Tông thắng Vua Chiêm Trà Toàn. Lấy thành Đồ Bàn, mở biên cương nước Việt tới đèo Cả.

– 1658: Chúa Nguyễn Phúc Tần thắng Chiêm Chúa là Bà Thắm mở rộng biên giới tới sông Phan Rang.

– 1693: Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Tướng Nguyễn Hữu Kỉnh đi chinh phạt thắng Chiêm Chúa là Bà Tranh. Vương Quốc Chiêm Thành bị xoá xổ.

 

Trà Kiệu

Trà Kiệu là một trong những giáo xứ kỳ cựu nhất trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam, nằm cách Thành Phố Đà Nẵng chừng 40 cây số về hướng Tây Nam. Khách Hàng Hương đi theo Quốc Lộ 1A đến ngã ba thị trấn Nam Phước, rẽ vào tỉnh lộ 610 và đi theo chừng 7 km là tới Linh Địa Trà Kiệu.

Nay Trà Kiệu thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Trà Kiệu xuất xứ từ tiếng của người Chàm là Trà-Chiam, đã được Cha Rafael de Madre de Deus dòng Augustinô Bồ Đào Nha đến rao giảng Tin Mừng, từ năm 1596 tới năm 1602.

Năm 1602 Cha Rafael về Malacca để gọi thêm các bạn đồng nghiệp tăng cường nhân lực cho việc tông đồ. Trên đường đi Cha bị tàu Hoà Lan bắt và giam lỏng tại Johore Mã Lai. Tháng sáu năm 1603 Cha đã bị người Hồi ám sát.

Năm 1628 đời Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ, có 7 vị thượng hậu hiền của 7 tộc Lưu Văn, Nguyễn Thanh, Nguyễn Quang, Nguyễn Đinh, Đinh Công, Lê Văn, Nguyễn Viết lên ở thành Chiêm. Riêng lê Văn, Nguyễn Viết, tòng Thiên Chúa giáo biệt lập xây dựng thánh đường.

Năm 1714 Cha Godefroi quản xứ Bầu Nghè – An Ngãi biên thư cho Hội Truyền Giáo Ba Lê ngày 12/7/1714 có viết: “Địa sở Trà Kiệu mang tên Trà-Chiam được một Linh Mục dòng Phanxicô cai quản là Cha Gioan Baotixita Đệ Castelnovo từ Trung Quốc sang”.

Ngày 2/4/1722 Cha Filippe de la Conception tới Trà Kiệu, Ngài đã xây dựng một nhà thờ lấy Thánh hiệu: Philipphê.

Năm 1741 Ông Launay, tác giả cuốn lịch sử hội Thừa Sai có ghi: “Địa sở Trà Kiệu có 300 giáo dân thuộc quyền cai quản của một giáo sĩ dòng Phanxicô”.

Trong tờ trình đề ngày 8/5/1750 của Đức Cha Lefèbre gởi Hội Thừa Sai có đề cập đến Trà Kiệu đã là một địa sở có sinh hoạt tôn giáo rất đều đặn và sốt sắng.

Ngôi nhà thờ đầu tiên của giáo xứ Trà Kiệu toạ lạc tại vườn ông trùm Long ngày nay. Đến năm 1865 Cha Triết di chuyển đến địa điểm hiện tại.

Ngôi nhà thờ có hai tháp chuông đồ sộ là công trình của Cha Louis Marie Galibert Lợi xây cất năm 1872. Cha Galibert làm quản xứ Trà Kiệu từ năm 1870-1879.

 

Linh Địa Trà Kiệu Đức Mẹ Hiện Ra (1885)

Năm Ất Dậu (1885), sau khi vua Hàm Nghi bỏ Kinh thành chạy ra Quảng Trị, thì hịch Cần Vương của Tôn Thất Thuyết được ban bố. Phong trào Văn Thân nổi dậy tại hầu hết các Tỉnh miền Trung cũng như ngoài Bắc. Khẩu hiệu “Bình Tây sát Tả” được thi hành triệt để. Hơn hai thế kỷ, kể từ ngày Thầy Anrê Phú Yên bị trảm quyết 26/7/1644 tại Phủ Điện Bàn. Giáo Hội Việt Nam đã phải chịu bao sóng gió qua các thời kỳ cấm cố, nhưng không có năm nào “máu con nhà có đạo” lại chảy ra nhiều như năm Ất Dậu 1885. Người ta ước tính có trên 30.000 giáo dân bị sát hại.

Chung số phận chịu bắt bớ và gian khổ với giáo hữu Công giáo khắp nước, tại Quảng Nam cũng có 2 giáo xứ đang tập trung đông giáo hữu, bị quân Văn Thân bao vây tấn công, đó là Giáo xứ Phú Thượng và Trà Kiệu.

Sáng ngày 01/9/1885, quân Văn Thân kéo đến bao vây giáo xứ Trà Kiệu. Họ chiếm cứ hai đồi: Kim Sơn (Hòn Bằng) và Bửu Châu (Non Trượt) để khống chế toàn giáo xứ. Quân số Văn Thân khoảng 8.000 đến 10.000 người và được các vị tướng tài chỉ huy như tướng Chưởng Thuỷ Tý. Họ lại được trang bị vũ khí đầy đủ, tối tân nhất thời bấy giờ như đại bác thần công và voi chiến.

Về phía giáo dân chỉ có 350 nam nhân tuổi từ 16 đến 60 và mấy trăm phụ nữ với vũ khí thô sơ tự chế.

Ban đầu giáo dân Trà Kiệu khiếp sợ muốn đầu hàng. Họ chạy đến nhà xứ xin Cha sở, tức Cố Nhơn (Bruyère) giải tội lòng lành và chờ chết. Cha sở chỉ biết trông cậy Chúa và Mẹ Maria. Cha đã lập một bàn thờ Đức Mẹ ngay giữa nhà Cha để giáo dân cùng đọc kinh cầu nguyện.

Nhưng có ông Trương Phổ là người gan dạ, ông kêu gọi mọi người cầm khí giới ra chống lại đối phương và chính ông đã đi đầu để chống cự những đợt tấn công của quân Văn Thân. Bên Công giáo quân số tuy ít ỏi, vũ khí thô sơ nhưng lần nào giáp chiến cũng thắng quân Văn Thân.

Ngày 01/9/1885, Văn Thân bao vây giáo xứ, và cho đến ngày 21/9/1885, nắm bắt lợi thế – nhất là vì giáo xứ bắt đầu thiếu hụt lương thực, tình hình trở nên bức thiết. Bên Công giáo tấn công đồi Bửu Châu. Đồng loạt tấn công mặt trận phía Bắc “Thiên binh thần nhi tham chiến”. Voi chiến của bên Văn Thân bị sức mạnh vô hình trói chân, voi tiến lên không được mà chỉ lùi. Bên Văn Thân hoảng hốt tháo chạy, vất lại vô vàn vô số lương thực và khí giới. Giáo xứ thoát nạn, được giải vây hoàn toàn.

Văn Thân còn 2 lần tiến quân về Trà Kiệu là ngày 23/9/1885 và 20/4/1886 nhưng sớm tan rã.

Sự sống còn của một giáo xứ trước một đạo quân đông gấp bội, được trang bị hùng hậu với quyết tâm san bằng giáo xứ, đã minh chứng rằng: Nếu không có sự trợ lực linh thiêng của Thiên Chúa và Mẹ Maria thì làm sao Trà Kiệu thoát khỏi sự huỷ diệt ?

Đặc biệt những biến cố xảy ra trong những ngày 10 và 11 tháng 9…

Vì sau 10 ngày đánh chiếm Trà Kiệu không thành công, ngày 9/9/1885, quân Văn Thân quyết định về tỉnh đem thêm súng thần công lớn lên tăng cường. Các khẩu thần công này được đặt ở lưng chừng đồi Kim Sơn, cách nhà thờ, nhà xứ khoảng non 100 mét, và giao cho một cựu sĩ quan thiện xạ điều khiển.

Ngày 10/9/1885, họ bắt đầu bắn đại pháo ồ ạt xuống nhà thờ, nhà xứ. Những trận đại pháo khủng khiếp nổ vang cả tỉnh.

Sang ngày 11/9/1885, họ càng quyết tâm bắn phá dữ dội hơn.

Tại Phú Thượng, Cố Thiên và giáo dân khi nghe những tiếng nổ khủng khiếp liên tục, thì ai nấy đều nghĩ rằng: Trà Kiệu đã bị tàn phá bình địa.

Nhưng thật lạ lùng, sau những trận mưa pháo, nhà thờ, nhà xứ vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có một quả rơi trúng phòng áo, nơi hoa thị nhỏ và vài quả rơi nơi nhà xứ, nhưng không gây thiệt hại gì.

Suốt 2 ngày 10 và 11/9, giáo dân Trà Kiệu và cả Cha quản xứ đều nghe rất rõ ràng, là quân lính Văn Thân ở trên đồi Kim Sơn không ngừng bàn cãi với nhau: “Thật lạ lùng, có một BÀ rất đẹp, mặc áo trắng, luôn đứng trên nóc nhà thờ, nhắm bắn hoài mà không trúng”.

Chính quan xạ thủ là một cựu binh rất rành sử dụng súng thần công, cũng thú nhận: “Tôi muốn nhắm bắn một BÀ đẹp, mặc đồ trắng đứng trên nóc nhà thờ. Tất cả đều đi quá cao”.

Khi nghe họ nói với nhau như vậy, cha sở và giáo dân Trà Kiệu tin là Đức Mẹ đã hiện ra, đều cố nhìn lên nóc nhà thờ, nhưng không ai nhìn thấy Đức Mẹ. Dầu vậy mọi người đều tin tưởng mãnh liệt rằng: Chính Mẹ đã hiện ra và làm phép lạ tỏ tường để chở che cho giáo xứ Trà Kiệu.

Ngoài ra một vài lần giáo dân Trà Kiệu còn nghe Văn Thân kêu lên với nhau: “Có một Đạo quân Trẻ em, mặc áo trắng và đỏ từ trời cao xuống dọc theo các luỹ tre và tiến lên như một đạo quân đánh giúp cho người Công giáo. Do đó, trận nào cũng chỉ sau vài phút giao tranh là họ hoảng sợ bỏ chạy.

Cuộc bao vây tấn công kéo dài 21 ngày đêm.

Giáo hữu thu 3 khẩu đại bác, súng hiệp và giáo mác đủ trang bị thêm trong thời gian cố thủ, lấy nhiều kho đạn dược và một kho dự trữ gạo. Xác quân lính Văn Thân sau khi rút lui, nằm ngổn ngang đầy đồng xung quanh Trà Kiệu, được bổn đạo chôn cất tử tế.

Trong thư Cố Nhơn (Bruyère) đệ trình về Toà Giám Mục Qui Nhơn, Ngài đã thành thật quả quyết rằng: “Đối với con, thú thật là con không được thấy phép lạ, nhưng điều làm con tin chắc chắn đó là phép lạ và chỉ có phép lạ thôi, nhà thờ, nhà xứ đã thoát khỏi sự tàn phá ghê gớm của đại pháo, chỉ đặt cách đó vài chục mét và bắn trực xạ vào nhà thờ, nhà xứ” (Compte rendu, Octobre 1886).

Có hai người được diễm phúc thấy Đức Mẹ là bà Chỉnh và bà Nhã.

Bà Chỉnh làm dâu tộc Nguyễn Thanh, chồng là ông Nguyễn Thanh Chỉ, bố chồng là ông Nguyễn Thanh Đống. Ông bà Chỉnh có hai con là Chương và Quỳ.

Bà Nhã con ông Phạm Thơ, làm dâu tộc Lê Văn, chồng là ông Lê Văn Kiệm, bố chồng là ông Lê Văn Tả, anh chồng là ông Lê Văn Thể (tự Tiết).

Để bày tỏ lòng biết ơn cũng như để cho con cháu muôn đời về sau nhớ đến Hồng Ân cao cả này của Mẹ. Cha quản xứ và giáo dân Trà Kiệu đã trùng tu lại ngôi Thánh đường chính, nơi Đức Mẹ đã hiện ra.

Công trình bắt đầu thi công từ 1889, đến cuối 1892, Đức Cha Hân (Van Camelbecke) Giám mục địa phận Qui Nhơn ra chủ trì lễ Khánh thành. Một Thánh đường nguy nga đồ sộ với hai tháp có chuông hai bên thật kiên cố, cung thánh cũng được trang hoàng công phu rực rỡ.

Ngôi Thánh đường trên đỉnh đồi Bửu Châu (nơi mà giáo xứ đã giao chiến trận cuối cùng với Văn Thân và đã chiến thắng dứt điểm) dâng kính cách riêng cho Đức Mẹ với tước hiệu: “Đức Bà phù hộ các giáo hữu” (B.M. Auxilium Christianorum). Ngôi Thánh đường này (Nhà thờ núi) lúc đầu được làm bằng gỗ, đến năm 1927 Cố Phú (Tardieu) cho xây lại bằng gạch, mái lợp ngói  đất nung.

Ngày 8/8/1966 cha Lê Như Hảo đã cho xây lại một ngôi đền nguy nga, kiên cố hơn theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng, cha sở Trà Kiệu 1975-1989 và cha Phaolô Mai Văn Tôn 1989-2000 đã trùng tu khu Trung Tâm Thánh Mẫu khang trang hơn.

Ngày nay (2015), Giáo Xứ Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu có 3.567 giáo dân.

Sau đó, đoàn đã cùng nhau viếng nhà thờ, chụp hình chung và dùng nước giải khát trước khi tiến về Đền  Đức Mẹ trên Đồi Bửu Châu.

Từng bậc cấp cao, đã gần chính Ngọ, nhưng ai nấy cũng đều hớn hở leo dốc, có những người còn nhớ để đếm xem từ dưới lên đến đỉnh đồi có bao nhiêu bậc… 

Lên đến đỉnh, ai cũng thở dốc, nhưng trước vẻ đẹp hấp dẫn, sự bao la trùng điệp núi đồi vây quanh khi phóng mắt nhìn bốn phương tám hướng… dưới ánh nắng trời mùa đông vừa hừng lên xua đi vẻ âm u nặng nề bao phủ từ sáng đến giờ, mọi người lại tha hồ ngắm cảnh, chụp hình và hít thở bầu khí trong lành, sự trong lành của khí trời cũng như sự trong lành của tâm hồn khi được vui vầy quanh chân Mẹ.

Với sự nghỉ ngơi cả về thể xác lẫn tâm hồn, đoàn đi vào Thánh Lễ, là chóp đỉnh của hành trình hành hương. Trước khi Thánh Lễ bắt đầu, Cha Chủ Tế đã kêu gọi mọi người, những người đang sống trong Đức Tin và cả những người đang đi tìm Đức Tin cùng chuẩn bị tâm hồn, mở rộng cõi lòng để cho Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ. Trong Bài Giảng Lễ, Cha TĐD chia sẻ: Năm Phụng Vụ, mùa Thường Niên được bắt đầu bằng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa mà chúng ta mừng kính hôm nay, như một sự khởi đầu cho hành trình Đức Tin, một hành trình khám phá Đức Giêsu là ai để ta tin, ta sống… Vì Đức Giêsu là trung tâm của lịch sử loài người, lịch sử của Giáo Hội… Rồi ra, chính chúng ta sống xứng phận con người, xứng phận con cái Thiên Chúa.

Đến khi rước Mình Thánh Chúa, Cha Chủ Tế một lần nữa mời gọi các bạn Tân Tòng chưa thật sự rước Chúa qua hình bánh và rượu ngay lúc này, thì hãy để Chúa ngự vào lòng mình một cách thiêng liêng.

Kết thúc Thánh Lễ trong niềm hân hoan của tâm hồn và cũng là lúc mọi người đã cảm thấy thật sự đói về thể xác. Và với món Mỳ Quảng truyền thống của xứ Quảng, gia đình Thầy Giuse Nguyễn Thanh Tùng giúp chuẩn bị, đã làm cho cả đoàn được ‘nên viên mãn’ no thoả tràn trề…

Hành trình hãy còn dài ở phía trước, mọi người đã rất tranh thủ nhâm nhi ly café để tỉnh giấc đến với Đền Thánh Anrê Phú Yên tại Phước Kiều.

 

Xum vầy quanh ngôi mộ của Đức Giám Mục, cả đoàn được lắng nghe về hành trình đón nhận Đức Tin của tổ tiên xưa tại mảnh đất Trà Kiều, nhất là về biến cố Đức Mẹ Trà Kiệu

 

Chúng con hành hương về nguồn, về với vị cha chung tiên khởi của Giáo Phận, xin chúc lành và cầu nguyện cho Đức Tin đang manh nha, nhiều non yếu nơi chúng con. Amen

 

Ngôi Thánh Đường vừa được tu sửa tráng lệ đầy cổ kính, không thể bỏ qua một tấm hình chung được!

 

Từ nhà thờ Chính nhìn về Đền Đức Mẹ, nơi mà quân Văn Thân xưa đóng kết hợp với… 

 

… đồi Kim Sơn phía sau nhà thờ Chính để san bằng Giáo xứ Trà Kiệu. Nhưng không phải thế, với lòng tin tưởng phó thác, giáo dân Trà Kiệu đã thắng và Đức Mẹ Trà Kiệu có từ đó.

 

Dốc cao, mệt… nhưng chúng con vẫn hân hoan tiến lên…

 

Mệt mỏi ở đâu rồi? Ở đây nè, nơi những tấm hình vừa mới chụp xong… Khó nhọc chỉ làm cho niềm vui tăng thêm gấp bội!

 

“Các con chớ lo, này Mẹ con đây”. Chúng con xin ghi nhớ để hiến tế đời sống chúng con, một cách đặc biệt trong các Thánh Lễ.

 

Từ đồi cao, phóng một tầm nhìn xa xa với mây trắng hòa quyện cùng núi xanh qua lăng kính của Vương Miệng Thánh Giá… Nước Trời như ở đâu đây!

 

Xin mời xem hình đầy đủ và dung lượng lớn tại đây:

 

Còn tiếp… IV. Đền Thánh Anrê Phú Yên Phước Kiều

 

Xin mời xem hình của cả chuyến hành hương tại đây:

 

Bài và ảnh: Văn Thơm

BTT GX CT ĐN

 

Nguồn: giaoxuchinhtoadanang.org

Leave a Reply