Như mọi khi, sáng nay Chúa nhật thứ 3 mùa Vọng, tôi thức dậy và lần giở trang sách ‘365 days with the Lord 2014’ – một món quà của người bạn thân tặng cho tôi với ý muốn: bạn hãy luôn dành thời gian trong ngày để suy niệm Lời Chúa, cũng như hãy ôn luyện thêm vốn tiếng Anh hầu giúp ích trong công việc… Những dòng chữ đầu tiên đập vào mắt tôi, khiến tôi bị đánh động rất nhiều: “He came for testimony, to testify to the light, so that all might believe through him. He was not the light, but came to testify to the light. – Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng” (Ga 1, 7 – 8). Và như chúng ta đã biết, Gioan không chỉ làm chứng bằng lời nói như tường thuật Lời Chúa hôm nay, mà bằng cả hành động của mình và cuối cùng bằng cả mạng sống. Thật vậy, làm chứng không phải là việc dễ làm, đặc biệt trong thời đại ngày nay. Vậy tôi phải làm gì trong ngày hôm nay đây, khi ý lực sống từ Lời Chúa đã rõ?! Trước mắt, phó dâng ngày mới cho Ngài đã và xin Ngài hướng dẫn con trong mọi việc của ngày hôm nay.
Thế là tôi bắt đầu công việc như mọi ngày ở một nơi xa nhà. Nếu vậy thì không có gì đáng nói. Thế nhưng có một điều tôi muốn chia sẻ, đó là tôi lại có cơ hội được thấy và nghe vị chủ chăn mà tôi quý mến quảng diễn Lời Chúa hôm nay, cũng như được hiệp dâng Thánh Lễ với cộng đoàn giáo xứ mà ngài mới vừa được sai đến chăm sóc.
Vẫn dáng đi từ tốn thân quen, vẫn giọng đọc rõ ràng, dứt khoát…, ngài công bố Lời Chúa và chia sẻ: “Kính thưa cộng đoàn, trong mỗi Thánh lễ khi anh chị em hát Alleluia, thì linh mục chủ sự đứng trước bàn thờ cuối đầu và đọc thầm: ‘Lạy Chúa, xin thánh tẩy tâm hồn và môi miệng con, để con xứng đáng và có đủ tư cách công bố Tin Mừng của Chúa’. Công bố Tin Mừng của Chúa thì không khó, bởi anh chị em đã, cũng như sẽ còn nghe công bố Tin Mừng trong mỗi Thánh Lễ. Thế nhưng để giảng Tin Mừng cho anh chị em quả thật là một điều không dễ chút nào. Chẳng hạn như gặp bài Tin Mừng hôm nay. Vậy thì xin được cùng anh chị em suy nghĩ về những gì chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, cũng như qua các bài đọc. Trước hết, chúng ta thấy bối cảnh mà Gioan Tẩy Giả xuất hiện, ông rất nổi tiếng, đến độ mà những người Do Thái đến tìm ngài, sai các vị tư tế, các thầy Lêvi đến để gặp Gioan hỏi ông có phải là Đấng Ki-tô không? Vậy Đấng Ki-tô là Đấng nào? Thưa Đấng Ki-tô là Đấng đã được xức dầu mà tiếng Do Thái gọi là Christus… Vậy thì Đấng được xức dầu đó là Đấng nào? Thưa, bài đọc thứ nhất trả lời: ‘Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Người đã sức dầu cho tôi. Sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó’, thì Đấng được xức dầu ấy có sứ mệnh đó. Sứ mệnh đó chính là sứ mệnh của Chúa Giê-su Ki-tô sau này. Cho nên khi người ta hỏi Gioan Tẩy Giả: ông có phải là Đấng Christus không, thì dĩ nhiên là ngài trả lời không, bởi vì tôi không được xức dầu, tôi cũng không được sai đi loan báo Tin Mừng. Rồi ông có phải là Êlia không? Êlia, chúng ta biết ngài là một ngôn sứ vĩ đại trong Cựu ước, cùng với Giêrêmia, Isaia và Daniel. Và Kinh Thánh diễn tả là ông không có chết, ông được rước lên trời bằng một chiếc xe lửa. Vì vậy người Do Thái tin rằng là có một ngày Êlia sẽ đến khôi phục lại đất nước Israel và người ta ngỡ Gioan Tẩy Giả là Êlia. Thì Gioan Tẩy Giả trả lời không, tôi không phải là Êlia. Vậy ông có phải là một vị tiên tri không? Thì Gioan nói: không, bởi vì tiên tri là nói Lời Chúa, tiên tri là tiên báo những việc sắp xảy ra, tôi nói những gì hiện tại: có một Đấng đang ở giữa các ông hôm nay đây, mà các ông không nhận ra Người, cho nên tôi không phải là tiên tri. Vậy ông là ai? Tôi chỉ là tiếng kêu ở trong hoang địa. Đây là một hình ảnh rất hay. Ví dụ chừ chúng ta ra đứng ngã ba giữa chợ, chúng ta hô lên thì người ta nói: thằng điên, mày có dẹp đi để chúng tao buôn bán. Nhưng mà nếu chúng ta lên trên nghĩa địa hô xuống, thì nhiều người đi ở đường 610 người ta sẽ dừng lại để nghe, bởi vì có một mình chúng ta ở trong cái bối cảnh đặc biệt và cái lời của chúng ta sẽ vang xa hơn. Thì Gioan Tẩy Giả ông làm cái chuyện đó để người ta biết sứ điệp của Chúa muốn ông phải làm, đó là hãy dọn cho Chúa một con đường. Dọn cho Chúa một con đường để Chúa đi và để Chúa đến với chúng ta. Con đường đó là con đường nào? Thưa là con đường sám hối. Người Do Thái ngày xưa bước xuống sông Gio-đan để Thánh Gioan làm phép rửa bằng nước cho. Ngày nay, người tín hữu chúng ta không bước đến dòng sông Gio-đan, mà chúng ta đứng bên giếng rửa tội để được Chúa qua thừa tác viên rửa tội cho chúng ta, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Không những phép rửa đó tha tội, đem lại cho chúng ta sự sám hối, mà phép rửa đó còn ban ân sủng cho chúng ta, để chúng ta có thể dám chấp nhận cái sự thiệt thòi khi sống theo chân lý và từ bỏ đường tà như Thánh Phao-lô nói trong thư gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca thời Thánh Phao-lô, tức là khoảng năm 51 sau khi Chúa Giê-su lên trời, họ chờ đợi hoài, cho nên họ cũng nóng lòng không biết Đức Giê-su có đến nữa để thưởng phạt, để cứu chúng tôi không, mà bắt chúng tôi phải giữ đạo, giữ luật này luật kia, thì Thánh Phao-lô mới nói rằng: ‘anh em hãy kiên vững, đừng có nao lòng, bởi vì Chúa sẽ đến. Và dĩ nhiên Chúa sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang mà trong Thánh lễ chúng ta tuyên xưng: ‘chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến’. Vậy thì Chúa đã đến với chúng ta rồi, chúng ta chỉ trông mong ngày Chúa đến lần thứ hai để thưởng công, phạt tội. Vậy thì ngày đó chúng ta được thưởng hay được phạt là tùy ở cái thái độ, cũng như hành vi của chúng ta làm hôm nay. Chúng ta có dám sửa đường để cho Chúa đi và đến với chúng ta hay không?! Đó là điều mà mỗi người chúng ta cần suy nghĩ, cầu nguyện và xin Chúa giúp chúng ta những con đường đó, có thể là con đường tối tăm, những con đường đó có thể là con đường quá quen thuộc, có nghĩa là những tính mê nết xấu, những thói quen trở thành một cố tật mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta không thể sửa được; hay là những con đường đó dẫn đến sự nguy hiểm, ví dụ như những quan hệ bất chính, những cuộc mặc có thể nguy hại đến quốc gia, làng xóm, hạnh phúc của gia đình… Mỗi chúng ta hãy tìm ra cái bóng tối nằm trong tâm hồn của chúng ta để chúng ta sửa đổi, hầu chúng ta xứng đáng với Chúa Giê-su – Đấng mà chúng ta sẽ mừng lễ trong những ngày sắp tới và nhất là xứng đáng với cái lần mà Ngài đến lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết …”
Bài giảng ngắn gọn, súc tích, chứa đựng ý lực sống rõ ràng cho mỗi người, như những bài giảng khi ngài còn quản xứ ở quê nhà. Nói đến đây, chắc hẳn các bạn đoán được vị chủ chăn này là ai rồi nhé! Xin cảm ơn Chúa đã cho con có được cơ hội làm việc ở vùng này, cũng như cho con cơ hội được hiệp dâng Thánh lễ cùng giáo dân ở đây. Xin cảm ơn cha đã chia sẻ Lời Chúa một cách ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu để thực hành, mặc dù điều đó không dễ như cha đã nói. Hẹn dịp khác con sẽ ghé thăm cha, vì lúc này cha phải bận họp mục vụ với giáo xứ.
Và từ sớm mai đến giờ phút này, tôi vẫn cảm thấy thích nhất câu Lời Chúa đã nói ở trên: “He came for testimony, to testify to the light, so that all might believe through him. He was not the light, but came to testify to the light. – Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng” (Ga 1, 7 – 8). Nếu thay đại từ nhân xưng Ông thành Tôi thì sao nhỉ? Chắc hẳn cũng sẽ là câu hỏi lớn để tự vấn đối với bạn, cho dù bạn ở đấng bậc nào, bạn nhỉ?!
E.H
Đà Nẵng, 14/12/2014