Chia Sẻ Tài Liệu

Tâm bút cùng Trà Kiệu

Tâm bút cùng Trà Kiệu của Trần Trung Đạo

Làng Phật Giáo Mã Châu, nơi tôi sinh ra, cách làng Công Giáo Trà Kiệu, nơi Th., bạn tôi, sinh ra, khoảng mười cây số và một con sông. Trong làng tôi, ngoài trừ gia đình người chú họ, sau khi đi làm ăn xa trở về làng cũ, trong hành trang của chú còn có thêm một cây Thánh Giá và bức hình Đức Mẹ, tất cả bà con còn lại đều là Phật Tử.

Đoạn đường từ trạm Nam Phước lên đến quận Duy Xuyên chỉ dài hơn năm cây số nhưng đã có đến bốn ngôi chùa. Các ngôi chùa làng rất nhỏ, mái ngói cong, thường xây cạnh những cây đa già. Tuổi thơ tôi lớn lên trong một môi trường Phật Giáo và dưới bóng mát của hồn quê hương đơn sơ chất phác đó.

Phần lớn bạn học các lớp trung học đệ nhất cấp ở trường quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, trong đó có cả Th., và Diệp đều là người Trà Kiệu. Ba của Diệp lái xe Lam ba bánh. Cuối tuần tôi thường ra Chợ Quận đứng chờ xe của bác đi ngang là tôi đi theo lên Trà Kiệu chơi với đám bạn. Từ Mã Châu đi Trà Kiệu không xa nhưng phải qua Cầu Chìm, một chiếc cầu nhỏ bắc ngang một trong những nhánh sông Thu Bồn chảy ra hướng Cửa Đại. Vì được xây quá gần với mặt nước nên mỗi khi trời mưa lớn là xảy ra cảnh nước chảy qua cầu. Đám học sinh bên kia sông buổi sáng đi bộ đến trường nhưng buổi chiều nhiều khi phải đi đò về nhà. Bên chân cầu là một chiếc lô-cốt bằng xi-măng, tàng tích của chế độ Thực Dân còn để lại và cũng là một nhắc nhở của vết thương hằn sâu trên da thịt quê hương tôi, làm nhức nhối bao nhiêu thế hệ đã qua và còn mưng mủ cho đến bây giờ.

Trà Kiệu, với diện tích khoảng một cây số vuông, đẹp một cách hùng vĩ và linh thiêng. Phía Tây Trà Kiệu là rặng núi Kim Sơn chạy dài, hút sâu vào dải Trường Sơn trùng điệp. Phía Nam là di tích thành lũy và hoàng cung của một thời vàng son trong lịch sử Chiêm Thành. Theo sử sách ghi lại, đồng bào Công Giáo Trà Kiệu phần lớn từ miền Bắc di cư vào miền Trung, bắt đầu là người ở Kẻ Chợ Hà Đông vào khoảng năm 1684. Họ sống tập trung nhau để dễ bề giữ đạo và giúp đỡ cho nhau. Trong tôi vẫn còn in lại hình ảnh những bậc tam cấp bằng đá của nhà thờ Trà Kiệu, nơi chúng tôi đã ngồi trong những buổi chiều vàng nhìn xuống xóm nhà của các bạn tôi, được dựng bên những thửa ruộng xanh bao vòng quanh chân núi.

Thế nhưng, không phải ai ở quê tôi cũng đối xử với nhau một cách vô tư, hồn nhiên và hòa đồng như tôi và đám bạn Trà Kiệu của tôi. Không ít người dân Quảng, vốn rất tự hào về truyền thống cách mạng, chống Thực Dân Pháp, Địa Linh Nhân Kiệt, Ngũ Phụng Tề Phi, thường nghĩ về Trà Kiệu như là một làng Công Giáo biệt lập. Càng tự hào với truyền thống chống Thực Dân bao nhiêu thì họ lại càng dễ có thái độ khắt khe, xa cách với đồng bào Trà Kiệu bấy nhiêu. Với những người mang nặng định kiến, hẹp hòi và bảo thủ, đồng bào Trà Kiệu, dù sống trên cùng một quê hương nhưng không cùng chung nhau trọn vẹn một chiều dài lịch sử. Sự xa cách đó không phải tự nhiên mà có, cũng không phải chỉ đơn giản là sự cách biệt lương giáo chung chung mà thôi, nhưng những chia rẽ giữa những người đã chôn khúc nhau trên cùng mảnh đất, bắt đầu bằng máu, đổ xuống trong đêm 1 tháng 9 năm 1885 và chảy dài suốt thời kỳ thực dân đầy thù hận, khổ đau, tang tóc.

Đêm đó nghĩa quân thuộc phong trào Văn Thân tỉnh Quảng Nam với khẩu hiệu Bình Tây Sát Tả đã mở liên tục các cuộc tấn công vào làng Công Giáo Trà Kiệu lúc bấy giờ đặt dưới sự lãnh đạo tinh thần của Linh Mục Bruyere, được gọi bằng tiếng Việt là Cố Nhơn, thuộc Hội Thừa Sai Pháp. Trong làng thời đó chỉ có khoảng 370 thanh niên có thể chiến đấu với vỏn vẹn 5 khẩu súng. Họ phải tự rèn gươm giáo, đúc súng đạn, dành dụm từng chút lương khô trong cuộc chiến tranh tự vệ khó khăn và quyết liệt. Sau lưng là núi, trước mặt là con đường độc nhất dẫn ra tỉnh đã bị bao vây. Họ không có đường lui và cũng không còn đường tiến. Cuộc chiến đấu của họ mang trọn vẹn ý nghĩa của “tự do tôn giáo hay là chết”.

Sau 21 ngày tấn công và chống đỡ đẫm máu giữa người Quảng và người Quảng, giữa người Việt và người Việt, giữa những tín đồ Thiên Chúa Giáo và các đơn vị Văn Thân Bình Tây Sát Tả, đã gây ra rất nhiều thiệt hại, mất mát cho cả hai bên. Máu người dân Quảng đã chảy trên đồi Bửu Châu thiêng liêng, xương người dân Quảng đã phơi trên cố đô Chiêm Thành huyền bí.

Cuối tháng 9 năm 1885, sau gần một tháng tấn công không thành công, các đơn vị Văn Thân rút lui. Đồng bào Công Giáo Trà Kiệu tin rằng Đức Mẹ đã hiện ra trong những đêm 10 và 11 tháng 9 năm 1885 để che chở cho con cái của Mẹ và giúp đẩy lui quân đội của cả một phong trào Văn Thân rộng lớn của tỉnh Quảng Nam đông gấp trăm lần. Từ đó, hằng năm vào ngày 31 tháng 5, ngày cuối của tháng Hoa, người dân Công Giáo Trà Kiệu tổ chức lễ cung nghinh Đức Mẹ để ghi ơn Mẹ đã cứu giúp Trà Kiệu thoát khỏi bị tận diệt. Năm nay, dù trong điều kiện khó khăn, hơn 16 ngàn tín đồ Công Giáo khắp nơi đã hành hương về Trà Kiệu để vinh danh Đức Mẹ Trà Kiệu.

Trong cái nhìn của riêng tôi, đồng bào Trà Kiệu thời bấy giờ không có một chọn lựa nào khác. Họ đã phải chiến đấu trong một hoàn cảnh tự vệ, không những để bảo vệ niềm tin Thiên Chúa mà còn vì mạng sống của chính họ và gia đình họ. Nhiều trong số họ đã ngã xuống cho niềm tin mà họ tôn thờ. Nếu họ thua, có thể làng Công Giáo Trà Kiệu không còn hiện diện trên bản đồ như ngày nay nữa. Niềm tin đã giúp Trà Kiệu đứng vững. Ngày 31 tháng 5, trong bình diện tôn giáo, vì thế, phải được hiểu như là ngày của Niềm Tin hơn là một chiến thắng quân sự chống lại Văn Thân. Niềm tin tôn giáo đó vô cùng cao cả và trong sáng. Đồng bào xứ Quảng thời đó đã sống có niềm tin và đã chết vì niềm tin. Những hy sinh của họ xứng đáng được kính trọng và phải được nhìn từ khía cạnh thuần túy tâm linh.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc ít may mắn. Rất hiếm hoi trong mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc ta có được một thời bình yên và ổn định đủ dài để xây dựng đất nước hay ít ra đủ kết hợp một tiềm năng, như trường hợp Nhật Bản, đủ sức chống chỏi với các áp lực từ bên ngoài. Sau suốt cả ngàn năm Bắc thuộc là Trịnh Nguyễn phân tranh. Khi cuộc nội chiến vừa yên thì các chiến hạm Pháp cũng vừa thả neo dòm ngó ngoài cửa biển. Nói ra có vẻ cải lương nhưng quả thật dân tộc Việt Nam đúng là một dân tộc đã trưởng thành trong khói lửa.

Tôn giáo tại Việt Nam đã chia xẻ trọn vẹn những bất hạnh chung của dân tộc. Phần lớn các tôn giáo lớn được truyền vào Việt Nam cùng lúc với những biến động lịch sử lớn của đất nước. Theo các quy luật kinh tế đã được các nhà kinh tế thuộc mọi trường phái thừa nhận, chủ nghĩa thực dân là một bệnh chứng tất yếu trong quá trình tiến hóa của nhân loại. Với hệ thống giáo dục lỗi thời và chính sách đối ngoại vô cùng thiếu ngôn ngoan của triều đình nhà Nguyễn cộng với các kỹ thuật chiến tranh cách biệt quá xa về kỹ thuật giữa tây phương và của các quốc gia khu vực Nam Á thời bấy giờ, dù có hay không có sự xuất hiện của Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam trong giai đoạn đó thì nước ta vẫn mất, nhà ta vẫn tan.

Chỉ tiếc là chúng ta không có những ông vua sáng suốt như Minh Trị Thiên Hoàng (1852-1912) biết nhìn xa hiểu rộng, kịp thời canh tân đất nước. Chúng ta cũng không có được những ông vua như Rama IV (1851-1868) của Thái đủ khôn ngoan để thấy được xu thế chính trị kinh tế của thời đại, ngõ hầu dung hóa các ngoại lực. Thay vào đó, các vua nhà Nguyễn đã theo đuổi chính sách bế môn tỏa cảng để rồi cuối cùng dẫn đến mất nước. Tiếng súng của Đô Đốc Perry đã đánh thức nước Nhật nhưng tiếng đại bác của viên sĩ quan Pháp, Le Lieur, bắn vào Đà Nẵng năm 1856 không lay tỉnh một triều đại ngủ quên trong cái học từ chương, thi phú cung đình. Những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Nguyễn Điều … chỉ là vài giọt nước tan loãng vào biển hủ nho phong kiến. Tương tự, những lời can gián cương trực của hai danh sĩ Quảng Nam, Phó Sứ Phạm Phú Thứ và Binh Bộ Thượng Thư Lê Đĩnh, chẳng đủ công hiệu để giết hết được loại vi trùng định kiến, hoài nghi, bảo thủ, lo sợ mất quyền, mất nước truyền trong máu từ bao đời trước.

Thế nhưng, nói như thế, cũng không có nghĩa, tôi đang trách tổ tiên ông bà chúng ta trong phong trào Văn Thân, Cần Vương kháng Pháp. Thảm cảnh, trong đó hàng vạn người Việt Nam được trang bị bằng dao mác, tầm vông, đã gục xuống như rơm rạ trước nòng đại bác thực dân, đã làm sục sôi máu hờn căm của những người dân Việt đang đau vì vận nước. Ông bà chúng ta thời đó, ngoài giặc Pháp, chẳng còn một nơi nào hay một ai để trút lòng phẩn uất, lửa căm thù của họ, khác hơn là các giáo sĩ tây phương và những người theo đạo từ tây phương truyền đến. Và để nghĩ cho cùng, chúng ta cũng không thể trách các vua nhà Nguyễn đã bế quan trong bốn bức tường thành. Làm sao các vị đó hiểu được những gì đang xảy ra trên thế giới và cho vận nước, khi cả đời vùi mài trong tứ thư ngũ kinh. Làm sao các vị đó có được chọn lựa sáng suốt hơn khi mang trong người dòng máu sợ người ngoài như sợ thú dữ, truyền lại từ suốt ngàn năm lệ thuộc Bắc phương.

Trở lại với Trà Kiệu, đồng bào Công Giáo Trà Kiệu thời bấy giờ đã dù bị bạc đãi, dù chịu đựng trấn áp nhưng đã không vì thế mà bỏ rơi đất nước. Các tín đồ Thiên Chúa Giáo Quảng Nam đã không nghe lời Giám Mục Pellerin làm nội gián cho quân của tướng Rigault De Genouilly khi viên tướng nầy đem quân đánh Đà Nẵng vào ngày 1 tháng 9 năm 1857. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Phạm Văn Sơn: “Viên Trung Tướng nầy [Rigault De Genouilly] còn thất vọng thêm ở chỗ không thấy có giáo dân nổi lên hưởng ứng nên đã kỳ kèo giám mục Pellerin vì trước đây giám mục đã đoan quyết như vậy. Lúc nầy giám mục cũng theo quân đội (Pháp) và có mặt trên chiếc tàu Némésic. Giám mục vừa xấu hổ vừa tức giận nên bỏ về ở nhà tu Pinang tại Mã Lai”.

Hẳn nhiên không phải ở đâu cũng có những người Việt Nam như thế, không phải nơi nào dân tộc ta cũng may mắn có được nhừng người con biết làm ngơ trước vinh hoa để bảo vệ sự sống còn lâu dài của dân tộc như thế. Trong suốt 40 năm chiến đấu trong gian nan tuyệt vọng để ngăn chận bước chân của thực dân Pháp (1847-1887), bao nhiêu mẫu chuyện đầy bẽ bàng chua xót, bao nhiêu việc làm đáng trách của một số người Việt còn ghi lại trong sử sách.

Nhắc lại những điều đáng ca ngợi hay nêu lên đôi điều đáng trách đó, tôi không có ý định đào sâu những vết thương đã một thời lở lói trong lòng dân tộc. Nhưng để chúng ta cùng nhìn về quá khứ một cách khách quan, chân thành, bao dung và trân trọng, để từ đó biết tránh xa những ổ gà, những hầm hố, những vết xe đổ, trên đường đi tới một tương lai tươi sáng cho đời sau. Không ai muốn giết nhau. Không ai muốn tàn sát nhau. Định mệnh lịch sử đã bẫy dân tộc ta vào một căn hầm không lối thoát, trong đó, các thành phần dân tộc vừa là nạn nhân, vừa là nhân chứng, vừa là đồng lõa và nhiều khi cũng vừa là tội phạm. Đọc lại lịch sử Việt Nam các thế kỷ 17, 18 để thấy ông bà chúng ta đáng thương và tội nghiệp biết bao nhiêu. Cả dân tộc, thời bấy giờ, như một bầy cừu non, không hề chuẩn bị, trước nanh vuốt của Thực Dân Pháp.

Tôi chỉ mong có một ngày những người dân Quảng sẽ cùng về lại Trà Kiệu, cùng nhau lau sạch những bậc đá trên đồi Bữu Châu như lau đi những vết thương hằn sâu nhiều thế kỷ. Tôi vẫn mơ có một ngày cùng nhau xây lại đình làng Ngũ Xã Hoàng Châu và các làng mạc chung quanh Trà Kiệu, nơi đã từng là bãi chiến trường, là biên giới của phân ly, hoài nghi, xa cách. Trà Kiệu, Mã Châu, Thi Lai, Hà Mật, Kỳ Lam, Giao Thủy, Đà Nẵng, Hội An….là những phần thân thể đáng yêu và bất khả phân ly của xứ Quảng. Tôi yêu Trà Kiệu như yêu chính ngôi làng Mã Châu nhỏ bé của tôi.

Chiều hôm qua, đọc bài viết công phu của linh mục Trần Quý Thiện về nhà thơ Công Giáo Hàn Mặc Tử, tôi xúc động và hãnh diện khi biết rằng mẹ của nhà thơ Hàn Mặc Tử, cụ bà Nguyễn Thị Duy, sinh năm 1881, là người Trà Kiệu. Thân phụ của tác giả Đây Thôn Vỹ Dạ nổi tiếng, cụ Vinh Sơn Phaolô Phạm Toản (1882-1926) vì chống Pháp phải thay đổi họ từ Phạm sang họ Nguyễn. Giọt sữa mẹ và hùng khí quê ngoại Quảng Nam đã góp phần tạo nên Hàn Mặc Tử, nhà thơ lớn của Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Chúng ta không thể sửa lại quá khứ, chúng ta không thể làm lại lịch sử, chúng ta không thể xoay ngược bánh xe thời gian, chúng ta cũng không thể nào quên đi quá khứ. Nhưng xin hứa với nhau, chúng ta sẽ không sống bằng quá khứ. Chúng ta sẽ học những bài học đắng cay của cha ông chúng ta một cách nghiêm túc, chân thành và trân trọng. Nhưng không phải học để rồi khóc than thương tiếc, mà để từ đó xây dựng một Việt Nam thương yêu, đoàn kết trong tương lai, kính Chúa nếu là con cái Chúa, kính Phật nếu là đệ tử Phật, tương kính đạo của nhau giữa những người khác đạo, và biết vượt qua mọi khó khăn để gìn giữ căn nhà chung của mẹ Việt Nam. Các tôn giáo sẽ mãi mãi là những giòng suối của tình thương, những giòng sông của bác ái, hòa vào mạch sống chung của dân tộc, đem lại dòng sinh khí cho quê hương vốn đã bao năm chìm đắm trong hận thù tang tóc. Các vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo trong Việt Nam tương lai sẽ là những cột kèo, mái vách gìn giữ cho căn nhà đạo đức Việt Nam mỗi ngày một thêm bền vững. Các ngài sẽ là những bậc thầy đáng kính dạy dỗ cho các thế hệ Việt Nam mai sau được lớn lên trong tình đồng bào ruột thịt, biết yêu thương nhau và che chở cho nhau.

Khoảng cách không phải một sớm một chiều mà xóa hết nhưng vẫn còn đó trong mỗi chúng ta chung một niềm hy vọng. Xin cầu nguyện.

Trần Trung Đạo

Được đăng bởi Co Gai Viet vào lúc 3:04 PM

Leave a Reply