Hôm nay, thứ Tư – 11/02/2015 Giáo Hội mừng kính lễ Đức Mẹ Lộ Đức, đồng thời cử hành ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 23. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã thiết lập ngày này hôm 13/5/1992, tức là 1 năm sau khi ngài được các bác sĩ cho biết là bị bệnh Parkinson. Ngày Thế giới các bệnh nhân được ấn định vào ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức vì có nhiều tín hữu hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ cho biết đã được khỏi bệnh nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria. Năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc nhở các tín hữu cử hành Ngày Thế Giới các bệnh nhân và ngài chúc lành cho các sáng kiến để cử hành ngày này.
Năm 2015 này, Ngày Thế giới các bệnh nhân có chủ đề là một câu trích từ sách Ông Gióp: “Tôi đã là đôi mắt cho người mù, đôi chân cho người què” (G 29,15). Để giúp các tín hữu suy tư và chuẩn bị cử hành ngày nay, ĐTC Phanxicô cũng nối tiếp truyền thống của các vị tiền nhiệm và cho công bố một sứ điệp, qua đó ngài mời gọi các tín hữu cởi mở đối với những đau khổ của bệnh nhân, phục vụ, tháp tùng, ra khỏi mình để đến với anh chị em bệnh nhân đau khổ. Nội dung của sứ điệp mà ngài muốn đề cập đến, đó là Sự Khôn Ngoan Của Tâm Hồn.
– Sự khôn ngoan này không phải là một kiến thức lý thuyết trừu tượng, kết quả của những lý luận. Đúng hơn, như thánh Giacôbê đã mô tả trong Thư của ngài, sự khôn ngoan ấy ”tinh tuyền, an bình, dịu dàng, bao dung, đầy lòng từ bi và những hoa trái tốt lành, không thiên vị và thành thật” (3,17)
– Sự khôn ngoan của tâm hồn là phục vụ anh chị em. Trong diễn văn của Ông Gióp, – có chứa đựng những lời này: ”Tôi đã là đôi mắt cho người mù, đôi chân cho người què” (G 29,15) – ta thấy nổi bật chiều kích phục vụ những người túng thiếu từ phía ông Gióp người công chính, ông có uy tín và có một chỗ đứng được kính nể nơi các kỳ lão trong thành. Uy tín tinh thần của ông được biểu lộ trong việc phục vụ người nghèo xin ông giúp đỡ, cũng như săn sóc kẻ mồ côi và người góa bụa.
– Sự khôn ngoan của tâm hồn là ở với người anh em. Thời gian trải qua cạnh người bệnh là một thời gian thánh. Là chúc tụng Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta được đồng hình dạng với Con của Ngài, Đấng đã không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình để cứu chuộc nhiều người” (Mt 20,28). Chính Chúa Giêsu đã nói: ”Thầy ở giữa các con như người phục vụ” (Lc 22,27).
– Sự khôn ngoan của tâm hồn là ra khỏi chính mình để đi tới người anh em. Thế giới chúng ta nhiều khi quên giá trị đặc biệt của thời gian ở bên giường người bệnh, bởi lẽ người ta bị vây bủa vì sự vội vã, miệt mài làm việc, sản xuất, mà quên đi chiều kích nhưng không, chăm sóc tha nhân. Xét cho cùng, đàng sau thái độ ấy thường có một đức tin nguội lạnh, quên mất lời Chúa nói: ”Các con đã làm điều ấy cho Ta” (Mt 25,40).
– Sự khôn ngoan của tâm hồn là liên đới với người anh em mà không xét đoán họ. Đức bác ái cần thời gian. Thời gian để chăm sóc người bệnh và thời gian để viếng thăm họ. Thời gian để ở cạnh họ như các bạn hữu của Ông Gióp: ”Rồi họ ngồi cạnh ông trên đất, trong 7 ngày 7 đêm. Không ai nói gì với ông, vì họ thấy nỗi đau khổ của ông rất lớn” (G 2,13). Nhưng các bạn Ông Gióp giấu kín trong mình một phán đoán tiêu cực về ông: họ nghĩ rằng bất hạnh của ông là hình phạt của Thiên Chúa đối với một tội của ông. Trái lại đức bác ái đích thực là chia sẻ mà không xét đoán, không chủ trương hoán cải người khác; đức bác ái không có sự khiêm nhường giả tạo, ngấm ngầm tình kiếm sự ủng hộ và hài lòng vì điều thiện đã làm.”
Hòa với tâm tình chung của Giáo Hội Hoàn Vũ, hôm nay cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Trà Kiệu cũng đã cử hành Thánh lễ Đức Mẹ Lộ Đức – Ngày Quốc tế bệnh nhân, là ngày mà giới lão Bà chọn làm bổn mạng của giới mình. Thánh lễ bắt đầu lúc 09h30, nhưng từ hơn 7h sáng, các bà đã quây quần với nhau trước tiền đường rồi. Dường như các bà tranh thủ gặp gỡ, trò chuyện với nhau, vì hiếm khi có thể gặp nhau đông đủ thế này. Nhưng quan trọng hơn hết là các bà đến sớm, ngoài việc gặp gỡ, trò chuyện, mà còn để dọn mình, chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ bổn mạng hôm nay bằng việc xét mình và xưng tội.
Đúng 9h30, Thánh lễ được cử hành trong tâm tình sâu lắng của từng người, dù già hay trẻ, dù ốm đau hay vẫn còn khỏe mạnh. Ai ai cũng sốt mến hiệp dâng Thánh lễ cùng với cha chủ tế Gioan Nguyễn Văn Hoàng, cha quản xứ Trà Kiệu. Đầu lễ, cha Gioan sơ lược đôi nét về lễ Đức Mẹ Lộ Đức, cũng như gợi nhắc một vài tâm tình liên quan đến ngày Quốc tế bệnh nhân. Trong phần chia sẻ Lời Chúa ngài cũng đã nhấn mạnh đến nỗi đau thể xác mà các cụ ông, cụ bà, các bệnh nhân phải chịu, cũng là cơ hội để các bệnh nhân có thể thánh hóa nó và hòa vào nỗi đau khổ mà Chúa Giê-su đã chịu thay cho nhân loại, hầu có thể hy sinh, thánh hóa đời sống mình để cầu thay, nguyện giúp cho chính bản thân, cũng như cho Giáo Hội.
Sau phần chia sẻ Lời Chúa, cha Gioan và cha Phaolô Hồ Quang Phúc – phó xứ, đã đi đến từng quý ông bà để xức dầu cho họ. Dù biết rằng, đó là trách nhiệm của các cha, nhưng cử chỉ này thật là ấm áp tình người, tình Chúa biết bao. Thật đúng như chủ đề Ngày Thế giới các bệnh nhân: “Tôi đã là đôi mắt cho người mù, đôi chân cho người què”. Không chỉ các cha, mà cả cộng đoàn dân Chúa, những người thân trong gia đình các cụ ông, cụ bà phải để tâm và thực hành điều này.
Trước khi kết thúc Thánh lễ, vị đại diện lão Bà đã có lời chia sẻ về sự thành lập giới lão Bà từ thời cha Phêrô Lê Như Hảo, cho đến thời cha Phaolô Mai Văn Tôn và đến thời điểm hiện nay. Dù trãi qua bao nhiêu thăng trầm, nhưng giới lão Bà vẫn cộng tác với giáo xứ, cách âm thầm, hay trực tiếp. Điều này thật đáng quý biết bao. Bà cũng đã thay mặt giới của mình để cảm ơn sự quan tâm của quý cha, quý sơ, hội đồng mục vụ giáo xứ và cộng đoàn dân Chúa và đặc biệt là sự đồng hành của Sr. Duyên dòng Mến Thánh Giá trong những buổi sinh hoạt, chia sẻ Lời Chúa với giới lão Bà.
Kết thúc Thánh lễ, cha quản xứ thiết đãi quý bà, quý ông và cộng đoàn dân Chúa bằng những tô phở nóng hổi như thể hiện tấm lòng ấm áp của vị mục tử dành cho đoàn chiên của mình. Sau đó, hội đồng mục vụ giáo xứ cũng tổ chức văn nghệ để ông bà tìm lại những giây phút thưở nào của thời trai trẻ, cũng như tổ chức xổ lô tô để phát những phần quà may mắn cho quý ông bà.
Để kết thúc bài viết, xin khép lại bằng một trích đoạn trong sách Huấn ca để mọi người, đặc biệt là những người trẻ cùng suy tư về nghĩa vụ đối với cha mẹ, ông bà:
“Hỡi các con, hãy nghe cha đây,
Và làm thế nào để các con được cứu độ.
Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái,
Cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con.
Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm,
Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu.
Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái,
Khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.
Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ,
Ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.
Người đó phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân.
Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm,
Để nhờ người mà con được chúc phúc.
Vì phúc lành của người cha
Làm cho cửa nhà con cái bền vững,
Lời nguyền rủa của người mẹ
Làm cho trốc rễ bật nền.
Chớ vênh vang khi cha con phải tủi nhục,
Vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con.
Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang
Lúc cha mình được tôn kính;
Và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê.
Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già;
Bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi.
Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông,
Chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.
Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng,
Và sẽ đền bù tội lỗi cho con.
Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó,
Và các tội con sẽ biến tan
Như sương muối biến tan lúc đẹp trời.
Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn,
Ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa”.
E.H
Trà Kiệu, 11/02/2015
(bài viết có tham khảo thông tin từ trang vietcatholic.org: Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày thế giới bệnh nhân lần thứ 23 của linh mục Trần Đức Anh, OP)
Xin mời xem hình đầy đủ tại đây: