TRÀ KIỆU qua “BẢN THÔNG TIN”

Đại Hội bế mạc Năm Thánh Mẫu tại Trà Kiệu 1959

@ Đại Hội bế mạc Năm Thánh Mẫu tại Trà Kiệu

Năm Thánh Mẫu 1958-1959, Địa Phận đã tổ chức hai Đại hội rất long trong: Đại hội thứ nhất tại Đà Nẵng ngày 1/6/1958; Đại hội thứ hai tại Trà Kiệu ngày 2/2/1959; mỗi nơi một vẻ, mỗi vẻ một ưa. Về Đại hội Đà Nẵng, chúng tôi đã tường thuật trong Bản Thông tin số 5, tháng 5 và 6 /1958.

Còn Trà Kiệu có một lịch sử hiển hách về sự phù trợ của Đức Mẹ, năm 1885, trước sự tàn sát của Văn Thân. Sự kiện đó còn ghi rõ ràng trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Trà Kiệu còn có một quang cảnh thanh tú hùng vĩ, có thể sánh cùng cảnh trí thành Lộ Đức: đền thờ cổ kính được cất trên hòn Bửu Châu rậm rập, bên một dòng sông trong vắt. Ai đã xem hòn non đó trước kia mà nay đến dự Đại Hội, đều phải thán phục công trình sửa sang, xây đắp của ban Tổ Chức do Cha Nguyễn Quang Xuyên trưởng ban và giáo hữu địa phương, đã thực hiện nơi đây. Sườn núi giốc giác đã được bới xuống, thành nhiều cấp sân rộng rãi, các bụi rậm đã được đốn quang, hồ ao đã lấp phẳng, chân núi đã dọn thành đường vòng quanh. Tất cả đều khang trang, quảng khoát đủ chỗ cho 100.000 người đứng dự lễ, không ai che khuất ai.

Một bàn thờ vĩ đại đã được dựng lên giữa sườn núi, trước đền Đức Mẹ. Một tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm, cao chừng 6 mét đứng trên một tháp vuông chót vót, làm bối cảnh cho bàn thờ. Người ta có cảm tưởng như Đức Mẹ là Bà Nữ Tướng đương đứng trên, bảo vệ cho thành trì Giáo Hội. Suốt dọc quốc lộ, trên mấy chục cây số, các khải hoàn môn, theo kiểu đông phương mọc lên la liệt. Nhất là con đường vòng núi, con đường vòng làng Trà Kiệu, cổng chào, đèn ấu, cờ xí la liệt, biến cảnh đồng quê thành một hội hoa đăng, đắm chìm trong lời kinh tiếng hát, và trong một bầu không khí đạo vị không tài nào nói lên được ! Đêm đến, quang cảnh hòn Bửu Châu càng trở nên huyền ảo, thần tiên hơn nữa. Không biết, người ta đưa từ đâu về, bao nhiêu là máy phát điện để biến hòn Non Trọc thành một cù lao ánh sáng huy hoàng !

Đại hội Trà Kiệu kéo dài ba ngày: 31/1/1959 và 2/2/1959. Sáng ngày 1/2, từ Toà Giám Mục Quy Nhơn, Đức Cha đem tượng Đức Mẹ Lộ Đức do Đức Giáo Hoàng Piô XII đã làm phép và Cha Đỗ Minh Lý đã đưa từ Sài Gòn ra mấy ngày hôm trước. Đúng 5 giờ chiều, các đoàn thể đã chực sẵn, cung nghinh Đức Mẹ trên một xe kiệu trưng dọn mỹ thuật, về nghênh đài trên Hòn Trọc. Suốt đêm đó, người ta thay phiên nhau chầu Đức Mẹ không ngớt.

Ngày mồng 2 là ngày Đại hội. Các nghi lễ đều được tổ chức về buổi chiều cho thuận tiện. Bốn giờ, các đoàn thể được dàn hàng trước nghênh đài và cuộc kiệu vô cùng long trọng bắt đầu. Người ta đi hàng bốn, mầu sắc nào vào mầu sắc đó, kéo dài gần 2 cây số, trên con đường vuông vây làng Trà Kiệu, con đường đó không phải gì khác là con mặt thành Kinh Đô Chiêm Thành thời xưa còn xót lại. Còn gì đẹp mắt, thoả lòng, bằng thấy đoàn áo đủ mầu sắc thấp thoáng ẩn hiện, dưới ánh hoàng hôn, qua cánh đồng lúa xanh non, sau những khóm tre mềm dẻo ! Tiếng đọc, tiếng hát như làm sống lại cảnh phồn thịnh của người Hời xưa đã mất. Phải chăng, cũng theo luỹ thành này mà trên 70 năm trước đây Đức Mẹ đã sai các Thiên Thần xuống đánh giúp đoàn con Công Giáo ? Nhưng ánh mặt trời vừa tắt là lúc từng ngàn vạn ngôi sao xanh, đỏ, trắng, tím, vàng mọc lên lung linh khắp ngả đường; và một bình minh khác, bình minh êm dịu, nhưng huy hoàng của Thánh Mẫu Maria lại mọc lên trên Hòn Trọc, trên hòn núi oai hùng lịch sử. Dưới kia con rồng khổng lồ, mình đầy ánh sáng, nhẹ nhàng cuộn khúc qua các cánh đồng, để hoan hỷ tìm về phủ phục dưới chân Đức Trinh Nữ Maria. Xem ra đoàn con Đức Mẹ muốn kéo dài bất tận cuộc biểu tình hiếu thảo vĩ đại nầy. Con đường 4 cây số mà phải đi 4 tiếng đồng hồ mới hết. Đúng 8 giờ, dòng sông ánh sáng quy tụ thành biển lửa bên chân Đức Mẹ, một cách rất ngoan nguỳ thứ tự, không một tiếng ồn ào, không một sự xô lấn…

Đại lễ được cử hành do Cha Nguyễn Đình Tịch chủ tế và Đức Cha dự lễ theo nghi thức Giám Mục chầu toà (assistant au trône). Cuộc lễ vô cùng trọng đại, chưa từng thấy nơi đây. Giữa lễ, Cha Nguyễn Du giảng thuyết cách hùng hồn về sự tích lịch sử Đức Mẹ Trà Kiệu. Đại chủng viện Quy Nhơn giúp lễ và hội hát Đà Nẵng giữ thánh nhạc cách rất là hoàn hảo. Trước khi ban phép lành, Đức Cha ngõ lời cậy trông Đức Mẹ và tưởng lệ ban tổ chức cuộc lễ.

Số người đến dự lễ, có cả lương lẫn giáo, ước lượng 50.000. Trong số các quan khách, chúng tôi nhận thấy ông Tỉnh trưởng và các nhân viên cao cấp tỉnh Quảng Nam. Một cây bông phun vàng nhả ngọc đã chấm dứt cuộc Đại hội tưng bừng.

Ngoài cái cảm tưởng tốt đẹp, quan khách còn được một tập Kỷ niệm, đầy sử, thơ, nhạc, ảnh ấn loát rất mỹ thuật do Địa Sở Trà Kiệu tặng để đánh dấu ngày tưng bừng lịch sử này. Người ta hy vọng rằng, rồi đây, một đền thờ xứng đáng hơn sẽ được kiến thiết nơi đây, và nơi đây hằng năm sẽ có những cuộc lễ kính Đức Mẹ như La Vang, La Mã vậy.

Btt đp QN & ĐN số 9 tr. 24-26, 1959

Leave a Reply