* Vatican. Đạo đức sinh học: Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi phải thận trọng khi đẩy nhanh tiến độ phát triển khoa học. Thứ Năm 27-01, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Uỷ ban Đạo đức Sinh học Italia được thành lập cách nay hơn 25 năm. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha bày tỏ mối lo ngại trước đà phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ sinh học và y học. Ngài cũng cảnh báo nguy cơ chỉ biết nhắm đến tính thực dụng và lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh hiện nay đang chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tương đối và hoài nghi đối với những khả năng của lý trí con người.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tôn trọng sự toàn vẹn và sức khỏe con người từ lúc thụ thai đến khi chết tự nhiên là một nguyên tắc đạo đức căn bản chi phối cả những ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y học. Những ứng dụng này không bao giờ được xâm phạm phẩm giá con người, cũng như chỉ nhắm đến mục tiêu kỹ nghệ và thương mại”. Đức Thánh Cha nêu lên một số trong những thách thức hiện nay là việc coi phôi thai người chỉ như một thứ vật liệu có thể loại bỏ, và trường hợp những người đau ốm và già nua sắp chết.
Đức Thánh Cha bày tỏ mong ước về sự hài hòa các chuẩn mực và quy tắc áp dụng vào các hoạt động sinh học và y học. Đây là một nhiệm vụ “tuy phức tạp nhưng có thể thực hiện được”. “Chứng từ chân lý sẽ góp phần vào sự phát triển lương tâm dân sự”.
Đó chính là nội dung đã được ĐTC minh định ngay trong phần mở đầu huấn từ: “như mọi người đều biết Giáo hội nhạy cảm với những vấn đề đạo đức, nhưng có lẽ tất cả đều không hiểu được rằng GH không đòi bất cứ không gian riêng biệt nào cho mình trong lĩnh vực này. Trái lại, GH vui mừng khi lương tâm dân sự, ở những mức độ khác nhau, có thể suy nghĩ, xem xét và hành động trên cơ sở lập luận tự do và cởi mở, cũng như trên cơ sở những giá trị hình thành nhân vị và xã hội”. (hdgmvietnam.org)
* Canada. Sáu giáo phận Canada được chuyển giao cho thẩm quyền của Bộ Giám mục. Chấp thuận yêu cầu của Hội đồng Giám mục Canada (CCCB), Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định rằng sáu giáo phận truyền giáo ở khu vực Bắc Canada, cho đến nay vẫn thuộc quyền cai quản của Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc (Bộ Truyền giáo), sẽ chuyển sang thuộc thẩm quyền của Bộ Giám mục và ở dưới quyền tài phán của luật chung của Giáo hội. Việc chuyển giao này bắt đầu từ ngày 25 tháng Giêng 2016, Lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại. Hoan nghênh quyết định của Tòa Thánh, Đức giám mục Douglas Crosby, O.M.I., giám mục giáo phận Hamilton và là Chủ tịch của CCCB, nói rằng “với việc chuyển giao các giáo phận còn lại ở miền Bắc cho luật chung của Giáo hội, sáu giám mục của các các giáo phận này, cùng với sự giúp đỡ của tất cả các giám mục và các tín hữu Công giáo Canada, giờ đây có trách nhiệm hoàn toàn về đời sống mục vụ của giáo phận mình”.
Giáo hội Việt Nam, từ hai giáo phận Tông Toà (giáo phận Đàng Trong và giáo phận Đàng Ngoài) được thiết lập năm 1659, nay đã phát triển thành 26 giáo phận. Hàng Giáo phẩm Việt Nam cũng được thành lập cách nay 56 năm; nhưng tất cả các giáo phận Việt Nam cho đến nay đều thuộc thẩm quyền Bộ Truyền giáo. Năm ngoái, Đức hồng y Bộ trưởng Bộ Truyền giáo Fernando Filoni đã đến thăm Giáo hội Việt Nam từ ngày 19 đến 25 tháng Giêng. (hdgmvietnam.org)
* Việt Nam. Kết thúc Tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2016: Gặp gỡ đại kết và Suy tôn Lời Chúa tại Tổng giáo phận Tp.HCM. Nhân Tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất (18-25/1/2016), nhằm xây dựng tình huynh đệ Kitô giáo và cùng nhau ca ngợi Đức Chúa Trời, Buổi Suy Tôn Lời Chúa với chủ đề “Được mời gọi để loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (1Pr 2,9), do Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn Tổng Giáo phận Tp.HCM tổ chức, đã diễn ra lúc 15g thứ Hai, ngày 25 tháng 1 năm 2016 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận.
Đến tham dự có quý Mục sư thuộc Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm, Hội Thánh Tin Lành Liên Hiệp Truyền Giáo, Hội Thánh Tin Lành Agapê, Giáo hội Trưởng Lão Liên hiệp Việt Nam, cùng với quý linh mục, tu sĩ và Anh Chị Em đại diện giáo lý viên, hội viên Legio Mariae, phong trào Focolare đến từ nhiều giáo xứ trong Tổng giáo phận. Sự tham dự của những người con cái Chúa thuộc nhiều thành phần vừa bày tỏ tình liên đới Kitô giáo vừa góp phần làm chứng cho Đấng Cứu Thế, như Chúa đã dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận ra các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau”. (hdgmvietnam.org)