* Vatican. Đức Thánh Cha gửi Sứ điệp cho Hội nghị những người đoạt giải Nobel Hoà bình. Từ ngày 12 đến 14 tháng Mười Hai 2014, Hội nghị thượng đỉnh Thế giới lần thứ 14 những người đoạt giải Nobel Hoà bình được tổ chức tại Rôma. Nhân dịp này, Đức hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin đã nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp cho các tham dự viên Hội nghị. Sứ điệp được Đức hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình, tuyên đọc như sau:
“Đức Thánh Cha Phanxicô rất vui khi được biết Hội nghị thượng đỉnh Thế giới lần thứ 14 những người đoạt giải Nobel Hoà bình được tổ chức tại Rôma từ ngày 12 đến ngày 14-12-2014 và ngài gởi lời chào thân ái đến tất cả các tham dự viên Hội nghị.
Trong tâm hồn mọi người, nam cũng như nữ, ai cũng mong muốn có một cuộc sống phong phú, trong đó có nỗi khao khát khôn nguôi về tình huynh đệ, dẫn đưa chúng ta kết tình bằng hữu với tha nhân và giúp chúng ta nhìn họ không phải là kẻ thù hay đối thủ mà là anh chị em cần được đón nhận và yêu thương” (Sứ điệp ngày Hoà bình thế giới 2014). Đức Thánh Cha biết ơn sâu xa khi các tham dự viên Hội nghị dấn thân thăng tiến hoà bình và tình huynh đệ giữa các dân tộc, và nỗ lực tìm cách giải quyết những xung đột trong thời đại chúng ta. Vì hội nghị này dành để tưởng niệm và vinh danh ngài Nelson Mandela mà di sản bất-bạo động và hoà giải của ông vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho tất cả các tham dư viên luôn biết canh tân và được khích lệ trong công việc cấp bách của họ, và xin cho những nỗ lực của họ đem lại kết quả dồi dào cho nền hoà bình thế giới. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Đức Giáo Hoàng được đông đảo dân chúng mến mộ. Triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu vào ngày 13 tháng Ba năm 2013. Sau gần hai năm ở ngôi Giáo Hoàng, đông đảo dân chúng trên toàn thế giới đã tỏ ra nồng nhiệt mộ mến ngài đặc biệt là ở các quốc gia Công Giáo. Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết như trên.
Nghiên cứu của Pew cho thấy bình quân 60% người được hỏi bày tỏ lòng mộ mến ngài cách đặc biệt trong 43 quốc gia được nghiên cứu. Chỉ có 11% có quan điểm bất lợi với Đức Giáo Hoàng; và 29% không đưa ra một đánh giá nào. 84% người Châu Âu và 72% dân chúng châu Mỹ Latinh đánh giá rất cao Đức Giáo Hoàng. Con số này là 44% ở Châu Phi và 41% ở châu Á. Tỷ lệ này thấp hơn ở châu Âu và châu Mỹ Latinh chủ yếu là do tỷ lệ đông đảo những người không có ý kiến: 40% ở châu Phi và 45% ở châu Á. Tại Trung Đông, 25% những người được hỏi đánh giá tích cực về Đức Giáo Hoàng. 25% đánh giá tiêu cực và 41% không có ý kiến. (vietcatholic.org)
* Vatican. Đức Thánh Cha tiếp kiến Ủy ban Thần học Quốc tế. áng 5-12-2014, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến Ủy ban thần học quốc tế vừa kết thúc khóa họp toàn thể tại Vatican. Ngài nêu bật những đặc tính mà nhà thần học Công Giáo phải có.
30 thần học gia quốc tế nhóm khóa họp đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm, dưới quyền chủ tọa của ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, cũng là chủ tịch của Ủy ban.
Lên tiếng trong dịp này, ĐTC khẳng định rằng: ”Nhà thần học trước tiên là một tín hữu lắng nghe Lời Chúa hằng sống và đón nhận Người trong tâm trí. Nhưng nhà thần học cũng phải khiêm tốn lắng nghe ”điều mà Chúa Thánh Linh nói với các Giáo Đoàn” (Kh 2,7), qua những biểu thị khác nhau của đức tin được sống thực nơi dân Chúa.
Trong số các thành viên Ủy ban thần học quốc tế hiện nay có 5 phụ nữ, tức là gấp 5 lần so với trước đây. ĐTC nhận xét rằng: ”Sự hiện diện này trở thành một lời mời gọi suy tư về vai trò mà phụ nữ có thể và phải giữ trong lãnh vực thần học. Thực vậy, ”Giáo Hội nhìn nhận đóng góp không thể thiếu được của phụ nữ trong xã hội, với một sự nhạy cảm, một trực giác, và một số khả năng đặc thù thường là những đặc tính riêng của phụ nữ hơn là của nam giới.. Tôi hài lòng vì thấy có nhiều phụ nữ cống hiến những đóng góp mới cho suy tư thần học” (Evan. gaudium, 103). Như thế, do thiên tài nữ giới, để mưu ích cho tất cả mọi người, các nữ thần học gia có thể nêu bật một số khía cạnh chưa được khai phá trong mầu nhiệm khôn lường của Chúa Kitô trong đó có giấu ẩn tất cả những kho tàng khôn ngoan và tri thức” (vietcatholic.org)
* Mông Cổ. Mông Cổ có phó tế bản xứ đầu tiên. Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar ở Mông Cổ chuẩn bị nhận phó tế bản địa đầu tiên trong lễ truyền chức tuần này tại Hàn Quốc.
Đức Giám mục Wenceslao Padilla của phủ doãn cho biết lễ truyền chức của thầy Enkh Baatar, 23 tuổi, là điều ngài đã mong muốn từ lâu và trùng với lễ kỷ niệm 20 năm Giáo hội Công giáo Mông Cổ hiện hữu.
Theo luật pháp của nước Cộng hòa Mông Cổ, chỉ có công dân Mông Cổ mới có thể sở hữu đất đai hoặc điều hành một tổ chức tôn giáo.
Đức Giám mục Padilla nói rằng một đạo luật năm 2009 yêu cầu các tổ chức nước ngoài hoạt động tại Mông Cổ phải thuê nhân viên địa phương theo hạn ngạch đã tạo ra hạn chế về tài chính lên Giáo hội mà bây giờ sẽ được giảm nhẹ. “Theo tiêu chuẩn này, Giáo hội Công giáo sẽ được thuê thêm 60 người, nhưng chúng tôi không có tiền trả lương họ,” ngài nói.
Ngài nói thêm rằng 13 nhà truyền giáo sẽ phải rời khỏi đất nước nếu pháp luật được thi hành nghiêm túc.
Các Kitô hữu của tất cả các giáo phái chỉ chiếm hơn 2 phần trăm dân số ở Mông Cổ, nơi mà hầu hết mọi người thực hành Phật giáo Tây Tạng trộn lẫn với niền tin vào các pháp sư. (ucanews.com)