Kính thưa quí chức, quí ông bà và anh chị em,
Cha Marcello, cha sở của ACE gọi cho tôi hôm 20-10-2017: “9 giờ Chúa Nhật 19-11-2017 mình tổ chức mừng lễ Các Thánh TĐVN, mừng bổn mạng Hội Đồng Giáo Xứ, ra mắt ngày thành lập thêm một giáo họ mới và mừng ngân khánh linh mục của mình. Mời bác đến và bác giảng trong lễ đó nhé. Mình sẽ gửi thiệp mời sau”.
(hình: internet)
Là chỗ quen thân, bạn bè cùng lớp…tôi nhận lời để đứng đây với cộng đoàn hôm nay. Trước khi nói chuyện về ngài và với ngài, tôi xin bắt đầu bài giảng, bốn trong một, theo lộ trình:
I. Các thánh tử đạo, niềm vinh dự của HT tại VN
Là hậu duệ các ngài, đặc biệt ACE Hội An, mỗi năm vào dịp này, chúng ta ôn lại lịch sử GH với tâm tình trân trọng quá khứ, tri ân hiện tại và vững bước hướng đến tương lai.
II. Đời linh mục vì ai và cho ai?
***
Thưa ACE, sau 37 năm kể từ đợt phong chân phước cuối cùng cho các vị tử đạo VN (1951), và sau những lùm xùm tranh cãi, cuối cùng, ngày 19-06-1988, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã tuyên phong 117 Chân phước tử đạo tại VN lên bậc hiển thánh. Sau đó, Hội Đồng Giám mục VN xin Tòa thánh cho mừng vào ngày 24-11 hằng năm để kỷ niệm cột mốc đầy ý nghĩa: hàng giáo sĩ VN chính thức được thành lập, 24-11-1960, bởi Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII.
I. 1. Sống ở đời ai không sợ chết. Dẫu có nhủ mình “chí làm trai dặm nghìn da ngựa, gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao” nhưng rồi lắm khi sợ chết đến toát mồ hôi. Chúa Giêsu đổ mồ hôi máu trong vườn Ghiết-sê-ma-ni cũng vì cái chết đáng sợ ấy. Năm 1912, cả ngàn người chết theo con tàu Titanic, khi trục vớt các thi thể, người ta phát hiện có những người đang tuổi thanh xuân mà đầu tóc hóa bạc trắng vì quá sợ hãi khi nhìn con tàu chìm dần vào đáy đại dương, còn bản thân đành bó tay không thể làm gì được.
I.2. Nói như thế để chúng ta thấy rõ chất anh hùng nơi các thánh tử đạo VN. Loài người vốn là loài “tham sanh húy tử” nhưng các vị tử đạo đã vượt qua làn ranh bình thường đó; và đó cũng là lý do để ta tôn kính các ngài. Chúng ta đặt ra một câu hỏi: “các vị ấy là anh hùng tạo thời thế hay thời thế tạo anh hùng?” Tôi nghĩ có cả hai. Các vị là anh hùng vì đã dệt nên trang sử oanh liệt cho Hội Thánh tại VN trong giai đoạn hình thành, đặt nền móng cho sự phát triển của ngày hôm nay; đồng thời thế sự đã tạo nên những anh hùng trong đức tin và làm nên những tấm gương sáng ngời cho chúng ta noi theo. Không có bách hại của nhà cầm quyền lúc bấy giờ sẽ không có kiểu tử đạo như thế! Nhưng trước hết và trên hết, tử đạo là do ý Chúa muốn: “tôi tớ không trọng hơn thầy”. Họ bắt bớ, đánh đập, giết Thầy, họ cũng sẽ làm như vậy với anh em.
I.3. Chất anh hùng đó các ngài kín múc từ đâu? – từ nền giáo dục gia đình CG thuở nhỏ – từ việc đọc kinh xem lễ, học giáo lý – từ việc đọc các sách nhà đạo, đặc biệt là Hạnh Các Thánh – từ nền giáo dục Kitô-giáo – từ những chú giúp lễ – từ các mẹ các chị quét dọn nhà thờ…Lớn lên tham gia làm ông câu, ông biện, ông trùm, chức việc giáo xóm, giáo họ, giáo xứ. Có người bỏ lại cả tuổi thanh xuân và gia đình theo chân các nhà truyền giáo đi truyền đạo. Các vị là người như chúng ta, “đầu đen máu đỏ”, làm những việc thường ngày trong gia đình, xứ đạo, xã hội như mỗi chúng ta hôm nay. Các ngài không sống theo châm ngôn “gặp thời thế, thế thời phải thế”, không cuốn theo chiều gió, nhưng sống theo Lời dạy của Chúa: “ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày mà theo”. Các vị đâu chỉ là giám mục, linh mục, tu sĩ. Trong số 117 vị có 44 vị là giáo dân như anh chị em chúng ta ở đây!
I.4. Hằng năm, dịp mừng lễ các thánh tử đạo là cơ hội quí báu để hậu duệ chúng ta đọc lại những trang sử vàng viết bằng máu mà nuôi dưỡng lòng tin/cậy/mến. Đồng thời là dịp để ta suy gẫm về chính cuộc sống đức tin của mình. Tử đạo là can đảm vượt qua giới hạn thông thường của mọi chuẩn mục tưởng chừng như chắc chắn, không muốn dừng lại hoặc ngã theo lợi lộc trần gian kiểu như “gặp thời thế thế thời phải thế”!
II. Cha Marcello thân mến,
- Khi giảng lễ an táng cho bà cố của cha tại TK năm 2000 con có nói “thế nào thầy Minh cũng làm linh mục” vì bà cố lúc sinh thời, dù gia cảnh được coi là nghèo ở TK, vẫn cùng với các mẹ chị khác, tìm cách giúp đỡ các thầy cho có được những bó rau, con cá trong các bữa ăn đạm bạc trong thời kỳ bỏ bút cầm cuốc sau 1975. Chúa đã không phụ lòng bà, và thầy Minh đã là linh mục, 24-11-1992. Đến hôm nay còn 5 ngày nữa là tròn 25 năm! “Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại, ta thấy mình chan chứa một niềm vui” (Tv 125).
- Linh mục cho ai và vì ai?
Câu trả lời thông thường: làm linh mục vì Chúa và cho giáo hội. Câu trả lời này rất đúng nhưng cũng rất thông thường. Linh mục có được là nhờ ơn Chúa, “từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi con giữa muôn người”. Linh mục tồn tại trong giáo hội, vì giáo hội là môi sinh nuôi dưỡng và phát triển đời sống và sứ vụ mục tử. Tuy nhiên, câu trả lời không chỉ dừng lại ở 2 phạm trù này, thiết nghĩ cần thêm một phạm trù nữa, làm linh mục cho chính mình.
+ để có thể cho Chúa và giáo hội, chủng sinh phải ý thức luyện tập, trau dồi nhân đức, kiến thức đạo đời cho bản thân mình để mai ngày phục vụ giáo hội.
+ để đền đáp công ơn những con người góp phần hình thành ơn gọi của bản thân: cha mẹ, anh chị em, cha bảo trợ…
+ để thánh hóa bản thân, cho phần rỗi đời đời của chính mình trước khi có thể làm cho anh chị em mình được cứu rỗi.
+ trong thời gian gần đây ý nghĩ này thường xuất hiện trong tâm trí con: mình làm linh mục bao nhiêu năm, cử hành các bí tích nhiều đến nỗi không đếm xuể, giảng dạy nhủ khuyên bao nhiêu người…liệu khi qua đời chính bản thân có được rỗi linh hồn không? Tôi có ý thức làm linh mục cho chính mình trước hết hay không? Nói cách khác: tôi có biết tự thánh hóa tôi để người khác được thánh hóa chăng?
- Thay lời kết:
Thưa Cha và ACE, dù gì đi nữa, linh mục vẫn rất cần cho nhân loại. Nữ văn sĩ CG người Pháp, M. Delbrel, nói: “Vắng bóng một linh mục đích thực là một thảm họa ta không biết phải gọi bằng tên gì”. Còn cha Bourdaloue thì bảo: “Một linh mục thánh là hồng ân cao cả nhất Thiên Chúa làm cho trần gian”.
Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện để thế gian luôn có các linh mục, cho các linh mục biết nên thánh hầu đáp lại kỳ vọng của Chúa khi chọn gọi các ngài, và cho chúng ta, các tín hữu, được sống và sống dồi dào. Amen.
An Ngãi, 07-11-2017