Tin Tức Trà Kiệu Bốn Phương

Mừng Lễ Thánh Monica, Quan Thầy Giới Hiền Mẫu Lệ Sơn Và Trà Kiệu

MỪNG LỄ THÁNH MONICA, QUAN THẦY GIỚI HIỀN MẪU LỆ SƠN VÀ TRÀ KIỆU

                                                                                        Duy Trà

    Chiều ngày 27 tháng 8 vừa qua, giới Hiền Mẫu Lệ Sơn đã tổ chức lễ mừng thánh quan thầy Monica, tại nhà thờ giáo họ Hà Thanh thuộc giáo xứ Lệ Sơn.

Trên đường hành hương Đức Mẹ Sao Biển, đoàn Hiền Mẫu giáo xứ Trà Kiệu, được Cha quản xứ Lệ Sơn, Phêrô Maria Nguyễn Ngọc Phi, mời ghé Hà Thanh để giao lưu cùng dự lễ với quí mẹ hiền Lệ Sơn.

Đúng 16 giờ đoàn Hiền Mẫu Trà Kiệu, khoảng 50 mẹ, đã đến Hà Thanh trước sự chào đón rất nhiệt tình của cha quản xứ và giới Hiền Mẫu Lệ Sơn. Cha quản xứ đã chân thành bộc bạch là giới Hiền Mẫu Trà Kiệu đến đây đã làm cho ngôi thánh đường Hà Thanh hôm nay rực sáng lên, đông vui và ấm cúng hơn. Chúc quí Hiền Mẫu có một buổi giao lưu, chia sẻ và tham dự thánh lễ sốt sắng. Tiếp đó Cha giới thiệu anh Giuse Maria Phạm Cảnh Đáng, lên chia sẻ với quí mẹ hiền về đề tài : “Những giọt nước mắt của Mẹ, từ Việt Nam, Lệ Sơn Trà Kiệu, đến Bắc Phi, Algerie” (xem nội dung bài chia sẻ phía dưới)

Sau 30 phút chia sẻ, Cha quản xứ tiếp tục trình chiếu cho quí mẹ một đoạn phim về vai trò của người vợ trong gia đình. Phim mang tính hài hước nên làm cho quí mẹ cười thật thỏa thuê. Sau đó Cha quản xứ cử hành thánh lễ Chúa nhật với ý hướng nhớ đến mẹ Monica.

Kết thúc thánh lễ, chị Hà, đại diên giới Hiền Mẫu Lệ Sơn lên phát biểu lời cám ơn Cha quản xứ, anh Giuse Maria Phạm Cảnh Đáng, giới Hiền Mẫu Trà Kiệu cùng quí Chức việc, đoàn thể… đã mang đến cho ngày lễ mừng quan thầy Monica nhiều sắc màu đầy cảm xúc. Chị Hà kính mời Cha quản xứ, anh Đáng, quí mẹ hiền Trà Kiệu cùng tất cả mọi người ở lại dùng bửa tiệc mừng với giới Hiền Mẫu Lệ Sơn. Tuy nhiên vì đường sá xa xôi, trời lại đỗ mưa, nên quí mẹ hiền Trà Kiệu xin phép ra về, mặc dù cha quản xứ và chị trưởng Hiền Mẫu Lệ Sơn tha thiết mời ở lại.

Một buổi lễ mừng quan thầy của giới Hiền Mẫu tuy đơn sơ, không cờ xí rợp trời, không kèn trống vang dội, nhưng đã đem lại cho quí mẹ hiền những cảm nhận rất xúc động, và đã nhận ra sự linh diệu của “những giọt nước mắt của mẹ” Monica, đã chửa lành cho ông chồng ngoại giáo, cho bà mẹ chồng khó tính và nhất là đã chữa lành cho đứa con Augustino, hư hỏng sa đọa, đã trở thành một vị Giám mục thánh thiện, lỗi lạc. Một Thánh Giáo phụ, một Tiến sĩ Hội thánh.

 

Bài chia sẻ của anh Giuse Maria Phạm Cảnh Đáng.

 NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT CỦA MẸ: TỪ LỆ SƠN và TRÀ KIỆU, VIỆT NAM, ĐẾN ALGERIE, BẮC PHI

     Xin thân ái kính chào quí mẹ hiền, quí Hiền Mẫu giáo xứ Lệ Sơn, Trà Kiệu, trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Để cho những tâm tình chia sẻ của tôi cũng như những cảm nhận của quí mẹ được đẹp lòng Thiên Chúa, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống giữa chúng ta trong buổi chia sẻ này. (Cầu xin Chúa Thánh Thần…)

Thưa quí mẹ hiền.

Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Monica, bổn mạng của người mẹ Công giáo, bổn mạng của giới Hiền mẫu Lệ Sơn, Trà Kiệu, tôi xin chia sẻ với quí mẹ về : “Những giọt nước mắt của mẹ, từ (Lệ Sơn, Trà Kiệu) Việt Nam đến Algerie, Bắc Phi”.

Ở đây có người mẹ nào chưa khóc không? Chắc là ai cũng đã khóc, khóc vì sầu khổ, khóc vì hạnh phúc, khóc vì oan ức, khóc vì con hư, khóc vì chồng hỏng, người nghèo đã khóc, người giàu cũng khóc.Thậm chí có những cái khóc ngược, khóc mà không có nước mắt, hay đúng hơn là nuốt lệ vào lòng. Ở Lệ Sơn này, chắc là khóc nhiều lắm, nên nước mắt, của người miền sơn dã này đã chảy thành sông An Trạch, theo như Cha Lê Như Hảo thường hay kể.

Trước hết tôi sẽ giới thiệu những giọt nước mắt của người mẹ VN nói chung, trong đó chắc cũng có những Hiền mẫu Lệ Sơn, Trà Kiệu nói riêng, qua kho tàng văn chương bình dân Việt Nam. Sau đó chúng ta sẽ đến với những giọt nước mắt của người mẹ ở Bắc Phi (Algerie), Mẹ Monica.

Tại sao các mẹ hiền Việt Nam (Lệ Sơn, Trà Kiệu) lại khóc?

Xin thưa, có rất nhiều lý do phải khóc.

Ngày lên xe hoa, tuy vui mừng, nhưng cũng có nhiều cô dâu phải sụt sùi nhỏ lệ, mà người ta thường bảo đó là những “giọt nước mắt vu qui”; vì họ đang cảm nhận được cái thân phận của mình, thân phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ. Họ chưa biết số phận sẽ ra sao vì “con gái 12 bên nước, trong nhờ đục chịu”.

Thân em như tấm lụa đào,

                              Phất phơ trước gió biết vào tay ai ?”

Có chị lại ví von phận gái của mình một cách rất hình tượng :

Thân em như cái quả xoài trên cây,

                             Gió đông, gió tây, gió nam, gió bắc

                              Nó đánh lúc la, lúc lắc trên cành,

                            Một mai vô tình rụng xuống biết vào tay ai ?”

   (Xoài xanh này mà vào tay bợm nhậu thì quá đả)

Có chị quá ấm ức nên quyết lên hỏi Ngọc Hoàng :

                                    “Bắt thang lên hỏi Trời già,

                             Phải chăng phận gái,(như) hạt mưa sa giữa trời

                                       May ra gặp được giếng khơi

                              Vừa trong vừa mát, lại nơi thanh nhàn.

                                      Chẳng may số phận gian nan

                               Lầm than đành chịu, biết phàn nàn cùng ai.”

Phận làm vợ.

Sự lo lắng của quí chị thật là chính đáng, vì theo tinh thần người Á Đông của chúng ta, thì bổn phận người con gái thì phải theo chồng, “Xuất giá tùng phu”:

                                  “Có chồng thì phải theo chồng.

                             Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo”

                                   Có chồng thì phải theo chồng

                             Đắng cay phải chịu, ngọt bùi cũng theo”

                                    Lên non thiếp cũng lên theo,

                             Tay vịn, chân trèo, hái trái nuôi nhau.

Nhưng nếu gặp phải những ông chồng cờ bạc, bê tha, hung hản, thì khóc là cái chắc :

Chồng em nó chẳng ra gì,

              Tổ tôm, xóc đĩa nó thì chơi hoang

                   Nói ra xấu thiếp, hổ chàng

               Nó giận, nó phá toang hoang cửa nhà,

                    Nói đây có chị em nhà

               Còn năm thúng thóc, với vài cân bông

                    Em bán đi trả nợ cho chồng

               Còn ăn hết nhịn, cho hả lòng chồng con

                    Đắng cay ngậm quả bồ hòn

               Cửa nhà gia thế, chồng con kém người

                     Nói ra sợ chị em cười

               Con nhà gia giáo lấy phải người đần ngu.”

Đàn ông vũ phu, đánh vợ hằng ngày, làm cho mấy người hàng xóm cũng chịu không nỗi, nên mới có lời răn đe :

                            “Cái cò là cái cò quăn,

                    Mầy hay đánh vợ, mầy nằm với ai.

                          Có đánh thì đánh sớm mai,

                     Chớ đánh chặp tối, chẳng ai cho nằm.”

Trước đây còn kín cổng cao tường, nam nữ thọ thọ bất thân, nên cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, có khi vì môn đăng hộ đối, vì nợ nần phải trả, cho nên mới xãy ra tệ nạn ép duyên, bán gả, tạo nên những bi kịch gia đình:

                 “Mẹ em tham thúng xôi dền,

           Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng,

                  Tôi đã bảo mẹ rằng: đừng,

           Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.

                  Bây giờ kẻ thấp người cao,

          Như đôi đũa lệch, so sao cho bằng.

Phận làm dâu.

Rồi khi vừa mới bước chân về nhà chồng, thì lập tức nghe chồng căn dặn đủ điều:

Mẹ già dữ lắm em ơi!

                        Nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn lời mẹ cha.

                           …

                              Đi chợ thì chớ ăn quà

                        Chợ về thì chớ rề rà quá trưa

                               Dù ai bảo đợi, bảo chờ,

                          Thời em nói dối, con thơ, em về.”

Có anh chồng khác lại bảo :

Còn chút mẹ già em nuôi lấy thay anh

                           Để anh buôn bán thông hành đường xa

                                   Liệu mà thờ mẹ kính cha

                         Đừng tiếng nặng nhẹ, người ta chê cười

                                       Dù no, dù đói cho tươi

                            Khoan ăn, bớt ngủ, liệu bề lo toan.”

Người vợ VN cũng rất mực lo cho mẹ chồng, cho con thơ

Anh đi em ở lại nhà

                            Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ”

Và người vợ cũng đã xác định được cái vai trò làm dâu, làm mẹ của mình

Có con phải khổ vì con,

                Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.

Ấy thế mà gặp phải bà mẹ chồng hắc ám, thích hành dâu để trả món nợ đời, thì lại càng oan ức, làm sao mà không khóc, không than thân trách phận.

                        Trách cha trách mẹ nhà chồng

                       Cầm cân chẳng biết là vàng hay thau

                       Thật vàng chẳng phải thau đâu

                       Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng.

Phận làm mẹ

Nhưng đặc biệt nhất là tình mẫu tử của người mẹ, Mẹ thương con biển hồ lai láng.

Vì thế, tuy bận rộn với đồng áng, nông tang, công việc, nhưng vẫn dành nhiều thời giờ chăm sóc cho con, cố ru cho con ngủ để còn quán xuyến biết bao công việc :

                              Ru con con ngủ cho lâu,

                      Để mẹ đi cấy ruộng sâu lâu về.

                              Ru con con ngủ cho mê.

                     Mẹ còn lo chuyện lê thê kéo cày.

                             Ru con con ngủ cho say,

                      Mẹ còn vất vả chân tay ngoài đồng.

                                Ru con con ngủ cho nồng

                       Mẹ còn nhổ mạ trả công cho người.

Đến khi con lớn lên một chút thì mẹ lại lo toan trăm bề :

Miệng ru, mắt nhỏ đôi hàng,

                          Nuôi con càng lớn mẹ càng thêm lo.

Khi con cắp sách đến trường thì mẹ cũng là người dẫn đưa, dỗ dành, chăm sóc :

                                    Ví dầu cầu ván đóng đinh,

                              Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.

                                      Khó đi mẹ dắt con đi

                             Con đi trường học, mẹ đi trường đời.

Người ta bảo, giai đoạn cực khổ nhất của người mẹ, là từ lúc sinh con, cho đến khi “con biết nói, thì mẹ sói đầu”.

Ngày đêm mẹ ẵm, mẹ bồng

                             Bên ướt mẹ nằm, bên ráo cho con

Hoặc :

Gió thu mẹ ru con ngủ,

                                Năm canh dài, thức đủ cả năm

 

Nhưng người mẹ luôn kiên định và chấp nhận :

                                “Có con phải khổ vì con,

                        Có chồng phải ngậm bồ hòn đắng cay”

Sự hy sinh của người mẹ thật vô bờ bến, hy sinh tất cả, kể cả sức khỏe, tinh thần, vật chất cho con, không tiếc gì với con dù xác thân phải hao mòn:

                                Nuôi con cho được vuông tròn,

                          Mẹ hằng dầu dãi xương mòn gối long.

Hay :

                                   Cũng vì con, chính vì con,

                             Mỗi ngày mẹ một gầy mòn tấm thân.

Tâm thức của người mẹ bao giờ cũng chỉ vì con, lo cho con khôn lớn, lo cho con khỏe mạnh, lo cho con học hành tử tế để thành người hữu ích.

Mẹ nuôi con bấy lâu rồi,

                         Nuôi con khôn lớn, thành người mới nghe.

Người mẹ là người thầy đầu tiên dạy dỗ cho con cái mình :

                                 Con ơi muốn nên thân người,

                           Lắng tai nghe lấy những lời mẹ khuyên.

 

                                      Con ơi mẹ bảo con này:

                                Học buôn học bán cho tày người ta.

 

Nhưng thật bất hạnh, thật đau đớn, khi con cái hư đốn, chơi bời lêu lổng, ngổ nghịch,  không biết vâng lời cha mẹ…

Thưa quí mẹ hiền.

Chúng ta còn có thể kể ra biết bao nhiêu điều, do chồng,  do con, do mẹ chồng, đã làm cho người mẹ phải âm thầm chịu đựng, âm thầm nhỏ lệ, nhưng chúng ta hãy dành thời giờ để đến với xứ sở Algerie ở Bắc Phi, để thăm một người mẹ, cũng đã từng khóc như những bà mẹ VN chúng ta, đó là Mẹ Monica.

Tại làng Tagasta, thuộc nước Algerie, vùng Bắc Phi Châu, vào năm 332, cô bé Monica chào đời. Gia đình Monica là gia đình Công giáo, nên ngay từ thuở nhỏ, Monica đã được giáo dục rất  chu đáo.

Khi Monica đến tuổi kết hôn, cha mẹ lo tìm mai mối để lo cho con có một tấm chồng. Thời đó Algerie cũng như ở VN, còn phong kiến, kín cổng cao tường, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. (chứ không phải như bây giờ…)

Người ta đã tìm cho cô một người chồng, tên là Patricius, con một gia đình giàu có, nhưng lại là người không tin Chúa, người ngoại đạo, tính tình thô bạo, nhiều khi bất tín bất trung với vợ.  Ngày Patricius 20 tuổi thì Monica mới chào đời. Tức là anh chồng giàu có, ngoại đạo kia lại lớn hơn Monica đến 20 tuổi. (VN có câu: Có duyên lấy đặng chồng già, ăn xôi bỏ cháy, ăn gà bỏ xương).

Nhưng Monica luôn vâng phục cha mẹ, chấp nhận số phận, và quyết tâm  cam chịu, tuyệt đối tránh cãi vã với chồng. Thay vào đó Monica luôn cầu nguyện xin Chúa thương xót chồng mình, làm sao cho người chồng của mình nhận biết và tin vào Chúa. Sống tốt lành hơn.

Chính vì thế  mà Monica luôn chịu đựng mọi lời mắng nhiếc của chồng đến nỗi không hề mở miệng cải vã. Monica chỉ biết dâng những hy sinh đó lên cho Chúa và cầu xin Chúa thương xót chồng mình. Dù âm thầm hy sinh, chịu đựng, tuy nhiên đôi lúc Monica cũng bị chồng nổi cơn thịnh nộ đánh đập, nhưng Monica không cự cải.

Người VN chúng ta cũng có câu :

                                         “Chồng nóng thì vợ bớt lời

                                    Cơm sôi bớt lửa, mấy đời cơm khê ”

hoặc

                                           Chồng giận thì vợ làm lành

                               Miệng cười chúm chím, thưa anh giận gì?

                                              Thưa anh, anh giận em chi

                                        Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho.

(Nghe thế là mấy ổng sợ rồi đâu dám giận nữa)

Monica đến nhà thờ mỗi ngày để cầu nguyện cho chồng, cho con, và học biết cách sống trong nhẫn nhục, hy sinh, chịu đựng.

Cuối cùng thì Chúa đã nhận lời cầu xin của bà, đã cho người chồng của bà là Patricius xin học đạo và chịu phép rửa tội. Một năm sau khi trở lại đạo, thì chồng bà qua đời.

Thân phận làm dâu con

Bên cạnh sự hành hạ của chồng, Monica còn hứng chịu những nỗi khó khăn nghi kỵ vô cớ của mẹ chồng, khi bà này hiểu lầm Monica, do những tiếng thị phi của đám gia nhân xu nịnh. Nhờ đức khiêm tốn, nhỏ nhẹ và nhẫn nại, chịu đựng, mà Monica đã cảm hóa được bà mẹ chồng, khiến bà đã đuổi những người gia nhân đặt điều nói xấu Monica. Cuối cùng mẹ chồng nàng dâu, sống với nhau đầm ấm, thuận hòa.

Thân phận làm mẹ

Tuy đã khổ với chồng, khổ với mẹ chồng, nhưng nổi đau khổ lớn nhất của Monica là khổ vì con.  Monica và Patricius có 3 người con, hai trai một gái. Người anh cả là Navigius và chị gái Perpetua, cả hai biết vâng lời mẹ, sống đàng hoàng mẫu mực. Còn người con út là Augustino thì gây cho Monica rất nhiều đau khổ và hết nước mắt. Augustino rất thông minh, nhưng lười biếng không chịu học hành, mãi đến năm 12 tuổi cậu mới chịu đi học. Đến năm 16 tuổi, nghe theo bạn bè xấu, Augustino sa vào con đường tội lỗi. Monica hết lời năn nỉ Augustino hãy kìm chế tính đam mê xấu xa của mình, song những lời của Monica đối với Augustino như “nước đổ lá môn”. Năm Augustino 17 tuổi, cũng là năm người cha Patricius trở lại đạo, thì Augustino được nhận vào trường hùng biện nổi tiếng tại thành phố cảrthage. Nơi đây cậu chứng tỏ là một sinh viên xuất sắc, chiếm vị trí đầu lớp. Dù thành công trong việc học hành, nhưng Augustino lại luống sâu vào con đường tình ái tội lỗi. Và mối tình bất chính đó đã  đem lại một kết quả đáng buồn, tuy chưa được 20 tuổi mà cậu đã có một đứa con với người tình bất chính đó. Cậu đăt tên nó là Thiên Ân (con Trời ban). Augustino còn theo tà giáo Maniko chống lại Công giáo. Mẹ Monica vô cùng đau khổ và khóc hết nước mắt vì con, nhất là khi nghe Augustino nói : “Mẹ hãy chối bỏ đức tin của mẹ đi, thì giữa mẹ và tôi chẵng có điều gì rắc rối nữa”.

Năm 29 tuổi Augustino quyết định đi Roma để dạy khoa hùng biện. Bà Monica sợ con ở chốn phồn hoa đô thị lại thêm sa đọa trụy lạc, nên bà cùng con trai Nagivius tức tốc lên đường theo con, và đến sống ở Milano Ý. Ở đây Monica gặp Đức Giám mục nổi tiếng là Ambrosio và nhờ Ngài cầu nguyện cũng như khuyên can giúp đỡ cho con mình.

Ban đầu Augustino không quan tâm lắm, nhưng khi nghe GM Ambrosio là một nhà hùng biện nổi danh ở Ý, nên cũng đến nghe thử. Sau đó Augustino thấy sự uyên bác, thánh thiện của Ngài, nên Augustino cũng thường đến để trao đổi về tài hùng biện, triết học và tôn giáo. Dần dần Augustino có những biến chuyển tâm linh rất tốt, nên mẹ Monica đã thuyết phục Augustino cắt đứt mối quan hệ bất chính với người tình không hôn thú, và đưa người thiếu phụ ấy trở về Bắc Phi, còn đứa con trai Thiên Ân, được 9 tuổi thì ở với bà nội. Nhưng sau khi cắt đứt được với người tình thứ nhất, thì Augustino lại sa vào vòng tay của người tình thứ hai. Cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa đạo đức và tội lỗi, giữa đúng và sai, trong lòng Augustino đang diễn ra quyết liệt, và đã làm cho Augustino quá mệt mõi. Trong cơn tuyệt vọng đó, ông đã được ơn trên thôi thúc nên cầm lấy quyển Thánh kinh và giở ra đọc, gặp đoạn thư của Thánh Phaolô :“Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rỏ, đó là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẻ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Ga 5.19-21). Rồi Augustino đọc tiếp : “Còn hoa quả của Thần khí là : bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế, Những ai thuộc về Đức Giêsu Kitô thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê» (Ga 5:22-24).

Bổng dưng Augustino cảm thấy lòng mình nhẹ nhỏm, bình an, như đã tìm ra chân lý, nên chạy đi tìm mẹ và thuật lại mọi sự. Bà Monica quá đỗi sung sướng ôm chầm lấy con, nước mắt ràn rụa vì hạnh phúc. Monica không ngớt lời cám tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho bà, cho con bà. Thứ bảy tuần thánh năm 387, Augustino cùng cậu con trai Thiên Ân đã xin nhận bí tích rửa tội từ tay ĐGM Ambrosio. Sau đó một thời  gian ngắn Monica thanh thản ra đi trong ơn nghĩa của Chúa, thọ 56 tuổi.

Chừng 1 năm sau đó,  Augustino cùng cậu con trai quay về Bắc Phi, và cậu Thiên Ân con trai Augustino lên được 17 tuổi thì lâm bịnh mà qua đời.

Đến năm 36 tuổi, Augustino quyết tâm dâng mình cho Chúa và làm linh mục. Năm 41 tuổi linh mục Áugustino được tiến cử làm GM thành Hippo. GM Augustino đã trở thành một GM có thế giá trong giáo hội, và đã trở thành Thánh Giáo phụ, Thánh Tiến sĩ Hội thánh vĩ đại bên cạnh Thánh Giáo phụ, Tiến sĩ Hội thánh Ambrosio, mà lễ kính Ngài vào ngày mai, 28-8

Phần kết

Thưa quí mẹ hiền

Khi còn nhỏ tôi thường thấy mấy ông bán thuốc dạo, gọi là “mãi võ Sơn đông”, họ thường đi quảng cáo để bán các loại thuốc cao đơn hoàn tán, thuốc dán nhị thiên đường. Tôi nghe các ổng quảng cáo một loại dầu rất linh nghiệm :

Hôm nay chúng tôi đến đây để quảng cáo cho quí ông anh bà chị một thứ dầu cù là rất linh nghiệm:

…“ Ai có chồng, chồng bỏ chồng chê

                             Xức vô một tí, chồng mê cả đời

                              Ai có chồng, chồng bỏ đi tây

                              Xức vô một tí, chồng quay trở về”

Nhưng thưa quí mẹ hiền, làm gì mà có thứ dầu linh nghiệm đó. Hôm nay tôi xin giới thiệu cho quí mẹ hiền một loại thuốc rất linh nghiệm đó là “ Nước mắt của người mẹ” mà ai cũng có sẳn.  Nếu quí mẹ biết chịu khó pha chế, biết biến hóa những giọt nước mắt vì chồng, vì con đó, đúng với công thức là thêm một chút hy sinh, tín thác, nhẫn nại và nhất là tha thiết cầu nguyện, (cầu nguyện mọi nơi mọi lúc, chứ không nhất thiết là phải đến nhà thờ), thì chắc chắn những giọt nước mắt đó sẽ biến thành một loại thuốc rất linh nghiệm, chữa lành mọi bệnh tật của chồng con, mà chính thánh Monica đã truyền lại cái bí quyết đó cho chúng ta.

Kính chúc quí mẹ hiền, quí nội tướng, tạo được cho mình một mái ấm gia đình. an vui, và hạnh phúc.

                                      Hà Thanh, Lệ Sơn ngày 27 tháng 8 năm 2017

Giuse Maria Phạm Cảnh Đáng

Leave a Reply