Lịch Sử Trà Kiệu

Tản mạn linh địa Trà Kiệu

Lời  phi  lộ

Tôi được vinh dự sinh ra và lớn lên trên đất thiêng Trà Kiệu, ngoài tình quê hương ra trong lòng tôi luôn dạt dào một mối tình, mối tình mà không chỉ tôi là người đã sinh ra và lớn lên tại đây mới có, nhưng cả những khách tứ phương cũng hằng ưu ái dành cho Trà Kiệu; đó chính là mối tình dành cho Mẹ Trà Kiệu. Từ khi còn nhỏ tôi không hiểu tại sao người ta cứ tuôn đổ về Trà Kiệu, đặc biệt vào dịp Đại Hội Cung Nghinh Đức Mẹ 31 tháng 5 hằng năm. Lớn lên, tôi ao ước được biết vì sao người người bất kể lương hay giáo cũng đến với Mẹ Trà Kiệu, hướng về Mẹ Trà Kiệu trong tâm tình yêu mến, tri ân, cảm tạ, cầu xin Mẹ…

Vì muốn được xác tín hơn những gì Mẹ Trà Kiệu đã thương tuôn đổ xuống cho con cái Mẹ khắp nơi từ đất Mẹ Trà Kiệu nhỏ bé và muốn được luôn yêu mến, tin tưởng, cậy trông chạy đến cùng Mẹ Trà Kiệu, luôn tri ân, cảm tạ muôn ơn lành hồn xác mà Mẹ Trà Kiệu đã thương ban, cầu bầu cùng Chúa cho con cái Mẹ, với suy nghĩ đó, tôi đã cố gắng tìm hiểu về Mẹ Trà Kiệu và tôi xin ghi chép những gì mình tìm hiểu được mang tính sử liệu hẳn hoi ra đây để chúng ta hết thảy mọi người cùng suy nghĩ, cảm nghiệm hầu tôn vinh ngợi khen Mẹ Trà Kiệu mỗi ngày một hơn để “nhờ Mẹ Trà Kiệu chúng ta đến với Chúa“, qua đó càng sống nên chứng nhân Tin Mừng cho Thiên Chúa hơn.

Vì vậy, những gì được sưu tầm góp nhặt ở đây chỉ mang tính biên soạn chứ không phải là một tập sách về đất Trà Kiệu và Mẹ Trà Kiệu linh thiêng.

Cuối cùng vì Mẹ Trà Kiệu tôi xin các sư huynh tiền bối lượng thứ cho tôi vì đã sử dụng tài liệu của quý vị mà không xin phép.

Một người con

Đà Nẵng 1999

 

1. Ngược dòng thời gian

Cây có cội, suối có nguồn”, Trà Kiệu cũng có “cội nguồn” của nó. Nói về Trà Kiệu, không gì bằng ta hãy ngược dòng thời gian đến tận cuối thế kỷ thứ II, khi Trà Kiệu lúc bấy giờ được biết đến như một vùng đất thuộc nước Lin Yi (Lâm Ấp).

Quả thật, theo sử liệu thì đến cuối thế kỉ II nước Lâm Ấp mới được thiết lập trải dài từ Đèo Hải Vân đến Đèo Cù Mông, và Sri Mara (Khu Liên hay Kiu Liên) là vị vua đầu tiên của nước Lin Yi. Còn trước đó vùng đất này do Trung Quốc cai quản và nó cũng chưa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ngày nay người ta biết đến khu vực này thường là qua cái tên Champa. Thế mà đến thế kỉ VI thì tên Champa (Chiêm Thành) mới xuất hiện trên các bia đá của vương quốc này. Champa có nghĩa là hoa đại và là tên của một miền đất ở Ấn độ do vua Indravarman II dưới triều Đồng Dượng đặt. Lúc này vương quốc Champa phân chia làm hai vương quốc nhỏ.

Dưới thời vua Bhadravarman I thuộc triều đại Gangaraja (VI-VIII) nước Champa có kinh đô là Sinhapura[1], đây chính là Trà Kiệu ngày nay.

2. Danh xưng “Trà Kiệu”

Không biết danh xưng “Trà Kiệu” có từ khi nào. Theo như Cha Phạm Châu Diên cho là tổ tiên ta gọi người Chiêm Thành là Chùm Chà[2]. Chữ Chà sau đọc trại ra Trà, Cha đưa ra bằng chứng là tại Trung Việt có nhiều vùng có tên bắt đầu là Trà như Trà Câu, Trà Khê, Trà Bàn, Trà Khúc. Còn chữ Kiệu có lẽ do chữ Kiều đọc trại đi, vì Kiều có nghĩa là người ở xa, tức là Đàng Ngoài, di cư lập nghiệp tại đây. Nếu vậy thì danh xưng “Trà Kiệu” có từ những năm đầu của thời kì định cư. Ngoài ra còn có giả thuyết khác về danh xưng “Trà Kiệu”.

3. Trà Kiệu đất kinh thành

Trà Kiệu là vùng đất từng được chọn làm kinh đô của người Chiêm Thành. Điều này có lịch sử chứng minh và qua các cuộc khảo cổ đã kiểm chứng. Kinh thành Sinhapura được Lịch Đạo Nguyên người Bắc nguỵ mô tả trong Thuỷ Kinh Chú như sau: “… Về phía Tây Nam giáp núi, phía Đông Bắc trông ra sông. Nhiều lớp hào bao quanh chân thành, và bên ngoài các hào về phía Đông Nam sông chảy men bờ thành. Bề Đông Tây của thành thì dài, bề Nam Bắc thì hẹp. Phía Bắc, sông uốn khúc chảy từ Đông Tây vào thành. Chu vi thành 8 lý 120 bộ. Thành xây gạch, cao hai trượng, trên thành có tường gạch cao 1 trượng, trổ lỗ vuông, trên dựng ván, trên ván có gác cất lên, trên gác có mái, trên mái có lầu; lầu cao thì sáu, bảy trượng; lầu thấp thì bốn, năm trượng… Cách kiến trúc mạnh nhưng vụng… Trong thành lại có thành nhỏ chu vi 230 bộ. Nhà họp và điện ngồi đều không  trổ cửa về phương nam…”[3]. Về địa dư quả hợp với sử cũ thời Gia Long chép về Trà Kiệu:

Nam khoá Tào Sơn

(Nam trùm núi Hòn Tàu).

Bắc cự Sài Thuỷ

(Bắc đạp sông Chợ Củi – Câu Lâu).

Đông Lâm Quế Hạt

(Đông giáp khu Đông  Quế Sơn).

Tây chấm Tùng Sơn

(Tây gối núi Dương Thông).

Và ngày nay những nét vẻ đó vẫn còn như vậy. Mặc dầu con sông phía Bắc không còn như xưa nữa. Đến nay chỉ là một con suối, mùa nắng thì khô cạn, mùa mưa thì ngập nước, có khi nước dâng rất cao.

Về cách mô tả thành Sinhapura của Lịch Đạo Nguyên đã được kiểm chứng là hoàn toàn phù hợp qua cuộc khảo cổ năm 1927-1928 dưới sự chỉ đạo của nhà khảo cổ học J. Y Claeys, thuộc Học Viện Viễn Đông Pháp ở Hà nội.

Đến giữa thế kỉ VIII (749) người Champa không sử dụng kinh thành Sinhapura nữa mà dời vào Panduranga (Ninh Thuận-Ninh Bình). Không hiểu sao đến cuối thế kỉ VIII đầu thế kỉ IX kinh đô lại được dời đến Amaravati (Quảng Nam ngày nay), cách Sinhapura (Trà Kiệu) chừng 15km, với tên là Indrapura (kinh thành Thần Sấm), Đồng Dương ngày nay. Do chiến tranh, năm 1000 họ đưa kinh đô vào Vijaya (Chà Bàn-Bình Định) và từ đó về sau họ không bao giờ trở lại Amaravati. Điều này không có nghĩa là Trà Kiệu từ đó đã là nơi định cư của người Việt rồi.

4. Cuộc Nam tiến – Trà Kiệu có chủ mới

Vào cuối thế kỉ XIV đã có người từ Thanh-Nghệ-Tĩnh vào Quảng Nam lập nghiệp. Nhưng đến thế kỷ XV Quảng Nam mới thực sự thuộc về người Việt.

Dưới thời nhà Hồ (1400-1407), khi tướng nhà Hồ là Đỗ Mãn đem quân sang đánh Chiêm Thành, thì vua Chiêm Thành dâng đất Chiêm Động (Phủ Thăng Bình-Tỉnh Quảng Nam) để xin bãi binh. Sau khi được cả Cổ Luỹ (Quảng Ngãi) thì vua nhà Hồ lệnh cho dân giàu có ở Nghệ An, Thuận Hoá vào định cư ở Chiêm Động và Cổ Luỹ. Từ đó người Chiêm Thành cũng dần dần bỏ hẳn đất này mà đi.

Năm 1471 (đời Hồng Đức thứ 2) Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam ra đời. Danh xưng “Quảng Nam” cũng có từ đây. Lúc này (1471) ta có; Hi Giang huyện–Thăng Hoa phủ–Thừa Tuyên Quảng Nam đạo. Hi Giang chính là huyện Duy Xuyên ngày này. Vậy tất nhiên trong đó bao gồm có Trà Kiệu, tức là;

Trà Kiệu xã–Hy Giang huyện–Thăng Hoa phủ–Thừa Tuyên Quảng Nam đạo–Đại Việt quốc.

Năm 1578 đời Lê Thế Tông niên hiệu Quang Hưng, Trà Kiệu được mở rộng thành một vùng rộng lớn, nên có tục truyền rằng: nhứt Trà Kiệu, nhì La Qua, thứ ba Tú Tràng. Đến đời Thành Thái (1905) năm thứ hai, cương giới Trà Kiệu thu hẹp lại trong ngũ xã: Trà Kiệu Trung, Trà Kiệu Đông, Trà Kiệu Tây, Trà Kiệu Nam và Trà Kiệu Thượng.

Trà Kiệu Thượng chính là Giáo Xứ Trà Kiệu ngày nay thuộc Xã Duy Sơn (có thời Trà Kiệu Thượng được đổi thành xã Xuyên Kiệu), còn các xã kia theo thời gian và thế cuộc đã thay đổi tên mới.

5. Trà Kiệu làng Công giáo

Trong các cuộc Nam tiến của người Việt đến Hi Giang (Duy Xuyên) có lẽ toàn là đồng bào lương dân, họ e dè không dám ở trong khu vực thành trì của người Chiêm Thành.

Đến năm 1628, hai tộc Lê Văn và Nguyễn Viết tòng Công Giáo, không tin kiêng gì thấy đất tốt cảnh đẹp thì ngang nhiên lập làng ở đó. Có thể nói mà không sợ lầm rằng làng Công Giáo Trà Kiệu được thành lập phải từ mốc thời gian này trở về sau.

Nếu như tính về trước, khi đất Trà Kiệu còn là của người Chăm, thì Trà Kiệu chưa phải là làng Công Giáo được. Mặc dù lịch sử có đề cập đến việc đã có nhà truyền giáo Phương Tây đến rao giảng Tin Mừng ở Amaravati nói chung. Song chúng ta biết dân Chiêm Thành vốn có Phật giáo làm quốc giáo đồng thời chịu ảnh hưởng sâu sắc của Bà la môn (Brahman) thờ thần Shiva (năng lực sáng tạo)… Kèm với việc bất đồng ngôn ngữ cũng như trước một tôn giáo quá xa lạ, “ngược đời” như Công Giáo thì việc có được kết quả ở đây quả là không có được, và lịch sử cũng nhìn nhận như vậy. Vậy thì từ khi người Việt vào định cư đến 1628 thì sao ? Lịch sử cho hay năm 1580 hai Cha Đaminh là Grégoire de la Motte (Pháp) và Luis de Fonséca (Bồ Đào Nha) đến giảng đạo cho dân Chiêm và dân Việt ở Quảng Nam nhưng không có kết quả gì mấy. Ngoài ra còn có nhiều nhà truyền giáo khác đặt chân lên xứ Nam trước 18–1–1615 (đây là mốc thời gian được chính sử nhìn nhận là có nhà truyền giáo đầu tiên đến giảng đạo tại Việt nam, ít ra là ở Đàng Trong), nhưng không có gì chắc chắn để khẳng định là đã có làng Công Giáo được thiết lập và Trà Kiệu cũng thế thôi.

6. Tin Mừng phát triển trên đất Trà Kiệu

Từ khi hai Cha Francesco Buzomi (Ý), Diego Carvallo (Bồ) và hai thầy trợ sĩ José, Paolo (Nhật) đến truyền giáo tại cửa Hàn (Hải Phố) vào ngày 18–1–1615 thì hạt giống Tin Mừng bắt đầu trổ sinh từ đây trên nước Nam. Để rồi khoảng năm 1628 đời Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ có người Công Giáo đến lập nghiệp tậu làng tại Trà Kiệu.

Ngày 2–4–1722 Cha Felipe de la Conepción từ Manila đến Trà Kiệu. Cùng năm (1722) Cha Felipe đã dựng một ngôi Thánh đường, lấy Thánh hiệu là Philliphê, có người cho rằng đây là ngôi Thánh đường đầu tiên trên đất Trà Kiệu. Nếu vậy thì ngôi Thánh đường này phải nằm trên đất vườn của ông trùm Long. Vì có tài liệu ghi lại việc này và qua tiếp xúc với các cụ tiền bối tại Trà Kiệu, các cụ cũng nhìn nhận cổ truyền như vậy.

Trong thời gian này Giáo Xứ Trà Kiệu do các Cha dòng Phansinh coi quản.

Năm 1749 Cha Fedro García được phân chia đến Trà Kiệu.

Sang năm 1863 Cha Lê Văn Triết được đổi đến Trà Kiệu và hai năm sau (1865) Cha di chuyển Thánh đường đến địa điểm như hiện nay.

Theo Cha Galibert mô tả thì trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX nơi đây (Trà Kiệu) có Nhà Thờ đẹp đẽ và công cuộc rao giảng cũng rất tốt đẹp. Nhưng kể từ khi Pháp tấn công Đà Nẵng (1-9-1858) thì trong mấy thập niên liên tiếp không có nhà truyền giáo Châu Âu nào đến Trà Kiệu được cả. Đến năm 1869 khi tình hình lắng dịu thì Giám Mục Charbonnier đến thăm Trà Kiệu, nhưng bị đón bắt và buộc phải rời khỏi Quảng Nam.

Năm 1870 Cha Louis Marie Galibert được phân công đến Trà Kiệu trong điều kiện rất hạn chế. Năm 1872 Cha Galibert xây cất một Nhà Thờ, tổn phí hết 75 Francs.

Trong một bức thư viết tại Quảng Nam gởi về gia đình ở Pháp đề ngày 1–3–1870, Cha Galibert ước tính diện tích Trà Kiệu lúc đó gần 9.000 ha và có khoảng 700 giáo dân hết thảy. Cha Galibert làm quản xứ Trà Kiệu từ 1870 đến 1877.

Cha Jean Bruyère (Cố Nhơn) sinh ngày 24–6–1852 tại Bloye nước Pháp. Đến Việt Nam ngày 29–1–1877, sau 6 tháng học tiếng Việt tại Quảng Ngãi, Cha Jean Bruyère được cử đến Trà Kiệu thay Cha Galibert Lợi, để rồi trải sự can qua ở đây.

 

7. Biến cố Văn Thân Trà Kiệu trở thành linh địa từ đây

  Biến cố Văn Thân

“Cho tới năm 1888 Địa Phận Đông (nhấn mạnh của người trích)phải chứng kiến những cuộc bách hại dữ dội nhất của Văn Thân: 8 thừa sai Pháp, 5 linh mục Việt, 60 thầy giảng, 270 nữ tu, trên 25.000 giáo dân bị giết, 225 Thánh đường, 17 cô nhi viện, 10 tu viện bị thiêu huỷ. Số giáo dân 41.000 người năm 1884, chỉ còn 15.000 năm 1886”[4]. “Bình Tây” đâu chưa thấy (chỉ có 8 thừa sai Pháp bị giết) còn “sát Tả” thì quả là cực kì triệt để “máu con nhà đạo” chảy ra quá lai láng. Điều này hoàn toàn phú hợp với lời bình của Yoshiharu Tsuboð về “Hịch Văn Thân”: “Như bài hịch trên đã nói, những người nổi dậy chỉ có một mục tiêu: tiêu diệt giáo dân”[5]. Và chủ trương này đã được thực hiện đúng không sai một ly. Vậy hãy lấy khẩu hiệu “Sát Tả” đúng hơn. Qua đây, một cách nào đó chúng ta thấy được tình hình chung mà trong đó Trà Kiệu cùng cam một số phận; bị bách hại và chịu gian khổ. Có lẽ chúng ta cần bình tâm đôi chút khi bàn về sự kiện này. Công tội cần phải để cho lịch sử trả lại như nó là công tội. Chúng ta cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận sự kiện lịch sử này không phải vì nó là lịch sử, nhưng nó là một bài học cho hiện tại và tương lai trong nỗ lực chung xây dựng xã hội công bằng và vì mưu cầu lợi ích chung.

Lời thưa: Để thực hiện phần này người soạn chủ yếu dựa vào tài liệu của Linh mục GEFFROY thuộc Hội thừa sai Paris, truyền giáo tại Việt Nam, đã trực tiếp đến Trà Kiệu và ghi lại rất tỉ mỉ đăng trên tuần báo “Missions Cathothiques” ở Paris vào các ngày 3, 10, và 17 tháng 9 năm 1886 (bản tiếng Việt). Tài liệu này rất phù hợp với nguồn tài liệu của H. Ravier. Sử ký Hội thánh. (Historiae Ecclesiasticae). Q. III và E. Teysseyre. Monseigner Galibert, mà Trần Thạnh Đàm[6] công nhận là đúng nhưng thần thánh các cuộc chiến, duy tâm. Và Nguyễn Sinh Duy dựa theo khi soạn phần; trận Trà Kiệu[7] theo tinh thần lịch sử. Và trong bộ “Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam” của Một Giáo Sư Sử Học cũng dựa vào đây để viết về công cuộc tự vệ của Trà Kiệu. (Chúng tôi cũng còn đối chiếu với bài viết của Cha Phạm Châu Diên nữa).

  Tình hình Giáo Xứ Trà Kiệu

Địa lý: Trà Kiệu mặt Đông có Non Trọc (Bửu Châu) cao 60m, mặt Tây bên kia suối có đồi Kim Sơn (Hòn Bằng) thấp hơn đồi Bửu Châu, cách đồi Bửu Châu chừng 1km, cách Nhà Thờ xứ chừng 120m. Về phía Nam cách cánh đồng khoảng hơn nửa cây số là dãy thành luỹ Chàm, (hiện nay có người ở trên thành này và được gọi là xóm Thành). Còn mạng Bắc có bãi cát rộng giáp ranh với tuyến phòng thủ của Giáo Xứ.

Nhân lực: Lúc bấy giờ, Trà Kiệu có khoảng 370 nam nhân có thể cầm vũ khí được, tuổi từ 16 đến 60 được chia làm 7 đội, và độ 500 phụ nữ được xếp vào đội dự bị (đội 8).

Khí giới:  Chỉ có 4 khẩu nạp hậu, mỗi cây có 10 viên đạn, cộng với 5 khẩu bắn đá và 1 khẩu súng hoả mai cùng một số vũ khí tự đúc được.

@ Nhìn chung Trà Kiệu không hề chuẩn bị phòng vệ, một phần vì chủ quan, một phần cũng vì Cha Bruyère tin vào lời hứa của đại uý Ducres là sẽ lập tức tiếp cứu nếu như Trà Kiệu bị bao vây.

Với tình hình bất lợi mọi mặt như vậy, khi Trà Kiệu bị tấn công Cha Bruyère (Cố Nhơn) chỉ còn biết “hoàn toàn phó thác và trông cậy vào Chúa và Mẹ”. Cha đặt một bàn thờ Đức Mẹ giữa nhà và thắp nến hai bên, quyết cùng Mẹ chiến đấu. Thật thế, chúng ta hãy theo dõi cuộc chiến thì sẽ rõ.

  Trà kiệu – Ất Dậu kí sự

Sau khi tàn sát, bách hại khắp nơi, xế trưa ngày 1–9–1885 quân Văn Thân ùn ùn kéo đến bao vây Giáo Xứ Trà Kiệu. Ban đầu họ lo củng cố vị trí chiến đấu, phần giáo dân cũng lập tức kéo lên giữ đồi Kim Sơn. Nhưng mới chỉ sang ngày thứ hai (2-9) giáo dân quá sợ đến độ bỏ đồi Kim Sơn, trong khi rút lui bị té chết mất 4 người. Và không khí ảm đảm bởi thất đởm bao trùm toàn Giáo Xứ. Đã vậy khi Cố Nhơn (Bruyère) cho người đi báo cho đội hai hãy lui về để dễ phòng thủ thì người báo tin lại bảo rằng Cha lệnh tập trung về Nhà Thờ để lãnh nhận các bí tích sau hết và chờ chết. May thay đội trưởng đội hai không tin, cùng lúc đó quân Văn Thân đến tấn công. Thay vì rút lui thì đội hai lại chống trả và đã dành chiến thắng, thu được một khẩu đại bác. Nhưng không vì vậy mà tinh thần giáo dân trở nên hăng hái lên được.

Đêm về giáo dân lại phải cứ 5 phút là nghe hô: “Ớ các đội, các vệ, phải canh giữ cho nghiêm ngặt, đừng cho đứa nào thoát nghe”. Về sau đêm nào cũng vậy khiến giáo dân càng khiếp đảm hơn. Cố Nhơn buồn khôn tả, Cha đặt mọi nương tựa nơi Mẹ Maria. Nhờ vậy, Cha lấy lại được tinh thần, ngay đêm đó Cha gọi các vị chỉ huy đến và khẳng định với họ là phải chiến đấu tự vệ. Và giáo dân quyết tâm chiến đấu đến cùng. Ngày 3-9 giáo dân đã anh dũng chiến đấu từ sáng sớm đến chiều tối.

Tuy chiến thắng, nhưng quân Văn Thân vẫn còn đó quá đông nên giáo dân lại đâm ra chán nản, có viên chức đưa ra ý kiến “đầu hàng”. Quá bi đát và tuyệt vọng nhưng nhờ có ông Trương Phổ[8] gan dạ đầy chí khí đã khơi dậy được tinh thần của giáo dân. Đồng thời cũng nhờ thầy Phận khi nghe lời mỉa mai của quân Văn Thân: “Cố Thiên (Maillard) đến cứu bay đó” thì thầy Phận đã hô hào phải đánh để mở đường cho Cố Thiên ở Phú Thượng đem binh đến giải vây. Lời nói hùng hồn của hai người đã làm bừng lên lửa chiến đấu tự vệ trong lòng giáo dân. Và họ đã quyết chiến đấu trong niềm tin tưởng phó thác cho Chúa và Mẹ Maria.

Phần Cha Bruyère, Cha rất buồn, mất ăn mất ngủ, phải cạo râu và cải trang để tránh bị phát hiện, vì quân Văn Thân đóng quá gần. Từ hai ngọn đồi họ bắn xuống, đặc biệt khi thấy “Tây dương đạo trưởng” (Cha Bruyère). Cha Bruyère bảo với Cha Geffroy[9] rằng trong những đêm dài vô tận đó, Cha khóc rất nhiều, nhưng thường khóc vì vui mừng trước sự chở che của Đức Mẹ.

Nhờ tinh thần đã lên nên sang ngày 4-9 giáo dân đẩy lui được hai đợt tấn công của quân Văn Thân, một vào buổi sáng, một vào buổi chiều. Cứ mỗi lần ra trận họ hô: “Hè, hè, Giêsu, Maria, Giuse, xin thương chúng con, xin chở che chúng con”.Và liền sau khi chiến thắng họ lại đến quỳ trước ảnh Mẹ cầu nguyện tạ ơn. Có lúc còn đang cầu nguyện họ lại phải ra trận. Và cứ vậy giáo dân không bao giờ quên trở lại cảm tạ Đức Mẹ.

Ngày 5 và 6 tháng 9 quân Văn Thân quyết định làm luỹ vây chặt Giáo Xứ; “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Ngày 7 tháng 9 giáo dân đến xin Đức Mẹ cầu bầu, chở che đồng thời được Cha xứ khích lệ, họ đã ra trận cách dũng mãnh và phá được luỹ vây của quân Văn Thân. Đội dự bị nữ (đội 8) được nổi tiếng trong ngày chiến thắng vẻ vang này.

Cuộc chiến diễn ra phía Bắc của Giáo Xứ. Quân Văn Thân trong trận này do Ông Ích Thiện, con trai của tiểu phủ sứ Ông Ích Khiêm, chỉ huy.

Sang ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ (8 tháng 9) là một ngày khủng khiếp. Thánh lễ vừa xong là giáo dân phải ra trận ngay và liên tục bị đẩy lui đến Phước Viện, vì quân Văn Thân quá đông lại được đạn từ hai đồi Bửu Châu và Kim Sơn bắn xối xả xuống yểm trợ. Cuối cùng đội nữ dự bị phải ra trận, họ đã chiến đấu rất dũng mãnh, nhờ vậy giáo dân Trà Kiệu lại dành được chiến thắng.

Vì quyết tâm tấn công “sào huyệt” của Giáo Xứ nên ngày 9–9 quân Văn Thân kéo thần công đến đặt trên đồi Kim Sơn và Bửu Châu.

Thật tàn khốc! bước sang ngày 10–9 quân Văn Thân nã thần công rất khủng khiếp, vang dội cả tỉnh, đến độ cách cảng Đà Nẵng 25km về phía Nam các sĩ quan Pháp trên một tàu chiến đã nghe và đếm được khoảng 500 quả đại bác bắn vào Giáo Xứ Trà Kiệu chỉ trong một ngày (Nécrologe du P. Bruyère p. 455, 1.37-39). Ở Phú Thượng, cách Trà Kiệu khoảng 40km, giáo dân nghe súng nổ phát kinh hoàng, chính Cố Thiên (Maillard) cũng xao xuyến lo cho số phận của Trà Kiệu cũng như số phận của Cha Bruyère.

Quân Văn Thân cứ nhắm bắn Nhà Thờ và nhà Cha Bruyère vì Cha là linh hồn của Giáo Xứ, và nếu Thánh đường đổ thì giáo dân Trà Kiệu sẽ mất hết tinh thần. Vậy mà lạ thay, Nhà Thờ không hề hấn gì ngoại trừ trúng một quả ở phía sau. Còn nhà Cha xứ bị trúng 5 phát. Nhưng Cha Bruyère vẫn bình an vô sự.

Xin cũng nói thêm rằng trong các loại súng được dùng trong cuộc tấn công Trà Kiệu của quân Văn Thân, thì có một khẩu rất lớn được đặt cách Nhà Thờ khoảng 100m và do một cựu võ quan thiện xạ sử dụng, nhưng chỉ bắn trúng Thánh đường mỗi có 1 quả và nhà xứ 5 quả, há không phải chuyện lạ lắm ru !

Quân Văn Thân ra giá từ 20 đến 50 nén bạc (khoảng 1.800 đến 2.000 quan Pháp) thưởng cho ai bắt được Cha. Có ba lần Văn Thân lọt được vào làng, song cả 3 lần nhờ ơn Đức Mẹ, Cha thoát được khỏi sự nguy hiểm.

Suốt ngày 10–9 và ngày 11–9, quân Văn Thân không ngừng kêu lên: “Thật lạ lùng, có một người ĐÀN BÀ rất đẹp luôn đứng trên nóc Nhà Thờ mà chúng ta không sao bắn trúng”. Phần mình, giáo dân Trà Kiệu, cả Cha xứ nữa, khi nghe như vậy cố nhìn lên nóc Nhà Thờ nhưng không ai được thấy. Rồi còn có cả 1 “đạo quân trẻ em” nữa. Trong một số trận đánh nhất định quân Văn Thân kêu lên họ không chỉ đánh với giáo dân mà còn có “đạo quân trẻ em” từ trời xuống tiếp ứng. Có vậy họ mới không thể bình địa được làng Trà Kiệu.

Đây quả là “dấu chỉ lòng xót thương của Thiên Chúa đối với họ (giáo dân Trà Kiệu). Và chính Mẹ Maria bằng cách này hay cách khác, cũng thể hiện lòng từ ái chở che của Mẹ”.

Ngày 11–9 lại còn khủng khiếp hơn vì giáo dân Trà Kiệu phải giao chiến với hoả lực đại pháo bắn trực xạ vào Giáo Xứ. Trong trận này các Sœur Phước Viện đã dũng cảm tham chiến và cùng với toàn Giáo Xứ dành chiến thắng. Và có một Sœur bị tử thương.

Cha Bruyère thấy quân Văn Thân trên đồi Kim Sơn quá nguy hiểm. Cha quyết định bằng mọi cách lấy lại đồi này. Và mọi người nhất tâm rạng sáng sớm ngày 12–9 sẽ cử một đội cảm tử lên lấy đồi Kim Sơn.

Tâm hồn Cha nặng trĩu âu lo cho giờ đã định. Khi trời sáng Cha Bruyère ra chỗ trống nhằm gây sự chú ý của quân Văn Thân để cho các cảm tử quân hành quân động. Trong khi quân Văn Thân vừa mới ngủ dậy đang búi tóc và nhìn Cha Bruyère thì đội quân cảm tử tiến gần đến đỉnh đồi. Cùng lúc quân Văn Thân phát hiện có giáo dân đột kích cũng là lúc đội cảm tử lên đến đỉnh đồi và họ lập tức hô xung phong tấn công. Quân Văn Thân hoảng sợ bỏ chạy. Đội cảm tử hoàn toàn chiếm lại được đồi Kim Sơn. Họ thu được 9 khẩu súng các loại. Sau đó đốt doanh trại của Văn Thân.

Thấy không chiến thắng bằng vũ lực được, quân Văn Thân, một mặt mời cựu Đô Đốc Chưởng Thuỷ Tý đến để quyết hạ Trà Kiệu, một mặt siết chặt vòng vây nhằm làm cho giáo dân chết vì tuyệt lương. Có vậy thì ít ra họ cũng sẽ chiến thắng. Quả vậy, không chuẩn bị nên trong Giáo Xứ bắt đầu cạn nguồn lương thực.

Sang 14 tháng 9 là một ngày đầy căng thẳng, ở mạng Nam quân Văn Thân đông vô kể đã chiếm thành Chiêm và áp sát Giáo Xứ. Trong ngày 14 này quân Văn Thân còn có cả voi chiến nữa. Nguy tử đến nơi, nên ngay từ đầu đội dự bị nữ (đội 8) được triển khai chuẩn bị chiến đấu. Lạ thay, giáo dân vừa mới ra trận chưa đánh thì quân Văn Thân đã tháo lui bỏ chạy, mặc cho Chưởng Thuỷ Tý ngăn cản hô hào tiến lên. Cuối cùng chính Đô Đốc Chưởng Thuỷ Tý cũng bỏ mạng trong trận này. Còn đối với voi trận, chỉ với bó đuối giáo dân làm cho chúng tan tác.

Không tưởng ra được. Qua đây một cách nào đó cho thấy ắt hẳn phải có bàn tay thiêng liêng từ trời cao can thiệp giúp giáo dân Trà Kiệu thắng trận.

Sang ngày 15–9 một mặt lo củng cố, một mặt quân Văn Thân cho bắn đạn ria xuống Giáo Xứ, mỗi phát có từ 80 đến 100 viên. Có lần chính Cố Nhơn hưởng trọn một quả như vậy khi đang núp sau bụi tre. Cha cứ nghĩ thế là xong đời mình, theo bản năng tự nhiên, Cha sờ khắp mình và không thể tin được là mình vẫn còn sống mà lại chẳng hề hấn gì.

Mười lăm ngày trôi qua, mỗi ngày cuộc chiến càng khốc liệt, với điều kiện chênh lệch giữa hai bên như vậy mà Giáo Xứ Trà Kiệu vẫn còn đó, “chắc chắn là họ được Đức Mẹ Đồng Trinh che chở cách riêng”. Chúng ta hãy xem rồi sẽ kết thúc ra sao ?

Trong ngày 16–9–1885 quân Văn Thân mở ba cuộc hoả công, hai ở phía Bắc, một ở mạn Đông Giáo Xứ. Ở mạn Đông lại gặp đội 1 là đội quân cột trụ của Giáo Xứ từng làm quân Văn Thân phải khiếp sợ, do ông Trương Phổ chỉ huy. Cuộc chiến không kéo dài, chỉ chốc lát là quân Văn Thân bỏ mọi sự lo chạy giữ lấy thân. Trà Kiệu lại có thêm một chiến thắng nữa.

Ngày 17–9 quân Văn Thân án binh.

Ngày 18–9 quân Văn Thân dùng sào dài với một đầu được bó đầy gai dùng để “bổ xuống tóc người Công giáo”. Nhưng rồi họ cũng thất bại.

Bại trận liên miên, quân Văn Thân mệt mỏi, mất tinh thần, có kẻ đào ngũ nên họ án binh bất động suốt hai ngày 19 và 20 tháng 9. Còn phía giáo dân, mặc dù chiến thắng nhưng quân Văn Thân vẫn còn đó, lương thực lại thiếu đã gây nên khủng hoảng hơn cả phía quân Văn Thân nữa. Vì vậy giáo dân Trà Kiệu quyết định tấn công đẩy quân thù ra thật xa. Để được vậy trước tiên phải lấy lại đồi Non Trọc (Bửu Châu) đã.

Ngày 21–9 trước khi khai màn trận chiến, giáo dân Trà Kiệu cầu xin sự trợ giúp và che chở của Mẹ Maria Đồng Trinh. Đây là cuộc tấn công có tính quyết định nên mọi việc triển khai rất chu đáo. Khi phát hiện giáo dân chủ động tấn công, quân Văn Thân thúc voi ra trận và kìa lạ chưa, voi chiến không những không tiến mà còn lùi nữa mặc cho những tay nài không ngừng thúc búa lên đầu chúng. Lúc đó, giáo dân Trà Kiệu nghe rất rõ tiếng quân Văn Thân kêu la: “Hãy nhìn kìa, đạo quân trẻ nhỏ xuống từ trên các luỹ tre, chạy là tốt nhất. Người Công Giáo đông quá”. Còn phía giáo dân thì chẳng thấy gì cả.

Sau phát súng hạ gục tên Văn Thân đầu tiên trên đỉnh đồi Bửu Châu thì quân Văn Thân một sức tháo chạy. Vì sợ người Công Giáo đuổi theo, quân Văn Thân chạy liên tục không nghỉ ra xa khỏi Trà Kiệu khoảng từ 15 đến 20km.

Chính ngày hôm nay 21-9 vòng vây bị phá tan. Toàn thể giáo dân Trà Kiệu kéo về tạ ơn Chúa, Đức Mẹ và các Thiên Thần.

Đến ngày 23–9–1885 quân Văn Thân trở lại tấn công Trà Kiệu nhưng khi còn cách Trà Kiệu chừng 5km thì họ chạy trốn. Vì lúc đến cầu Câu Lâu họ nghe một tiếng nổ khủng khiếp và biết rằng thủ phủ Quảng Nam đã bị Pháp chiếm cứ.

Lần cuối cùng quân Văn Thân đến bao vây Trà Kiệu là ngày 20–4–1886, nhưng sớm tan rã để rồi không bao giờ trở lại Trà Kiệu nữa.

@ Sau khi theo dõi 21 ngày đêm cuộc can qua, chắc chắn người đọc đã nhận ra rằng: Giáo dân Trà Kiệu hoàn toàn không tự mình thoát khỏi sự bách-diệt. Mà rõ ràng có nguồn trợ lực thiêng liêng nào đó; chính là Thiên Chúa và Mẹ Maria vậy.

Từ đó về sau, Trà Kiệu luôn hưởng được sự an bình cách lạ lùng, điều mà không riêng chi giáo hữu Trà Kiệu mà ngay cả bà con lương dân cũng như những người hiểu thời cuộc đều nhận thấy Trà Kiệu khó lòng mà có được sự bình an như vậy.

 

8. Ngàn đời tri ân Mẹ

“Đức Bà phù hộ các giáo hữu”, đây là tước hiệu của Đức Mẹ mà giáo dân Trà Kiệu khi xây ngôi Thánh đường trên đồi Bửu Châu lộng gió năm 1898 đã dâng kính Mẹ. Điều này nói lên tâm tình ngàn đời mãi tri ân Mẹ và nhắc nhở con cháu muôn thế hệ về sau nhớ đến Hồng Ân cao cả này của Mẹ. Ngôi Thánh đường này ban đầu được làm bằng gỗ, đến năm 1927 Cha Tardieu cho xây lại bằng gạch, mái lợp ngói đất nung.

Đến năm 1966, Cha Lê Như Hảo cho xây lại kiên cố nguy nga hơn dựa theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Và được tu bổ khang trang như ngày nay sau một trận lở là do Cha Nguyễn Trường Thăng.

Bên cạnh đó ngay năm 1889 giáo dân Trà Kiệu và Cha xứ đã trùng tu lại Nhà Thờ chính để bày tỏ lòng tri ân Thiên Chúa và Mẹ Maria. Đến năm 1970 Cha Lê Như Hảo cho xây ngôi Thánh đường hai tầng như hiện nay và đã được tu bổ, trang hoàng lại do Cha Phaolô Mai Văn Tôn.

 

9. Trà Kiệu, Trung Tâm Thánh Mẫu

Sau khi giáo phận Đà Nẵng được thành lập (18–1–1963), trong Thánh lễ bế mạc Đại Hội Thánh Mẫu tại Trà Kiệu ngày 31–5–1971, Đức cố Giám Mục P.M Phạm Ngọc Chi long trọng tuyên bố: Trà Kiệu là TRUNG TÂM THÁNH MẪU của Giáo Phận Đà Nẵng. Tuy nhiên trước đó Trà Kiệu đã là Trung Tâm Thánh Mẫu của giáo phận Quy Nhơn và vào năm 1959 đã có tổ chức trọng thể Đại Hội Thánh Mẫu tại đây.

Kể từ đó, hằng năm cứ đến Đại Hội Thánh Mẫu 31–5 thì con cái của Mẹ không chỉ trong Giáo Phận Đà Nẵng mà trên toàn quốc lại tụ họp quây quần bên Mẹ để cung nghinh, cảm tạ, khấn xin Mẹ.

Và trên đất Mẹ Trà Kiệu, từ biến cố Ất Dậu (1885) năm ấy ơn Mẹ không ngừng tuân đổ trên con cái Mẹ. Vì Mẹ là Đấng “PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU”.

10. Đôi nét về Trà Kiệu ngày nay[10]

Ngày nay Trà Kiệu là một làng toàn tòng Công Giáo thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Cách Thành phố Đà Nẵng về hướng Tay Nam khoảng 40km, Trà Kiệu không chỉ là Trung Tâm Thánh Mẫu thu hút khách hành hương từ khắp nơi nhưng cũng còn là nơi cố đô của Champa nên có nhiều khách du lịch đến tham quan. Hành khách theo Quốc Lộ 1A đến ngã ba Nam Phước rẽ vào tỉnh lộ 610 đi thêm chừng 7km là đặt ngay chân lên Linh Địa Trà Kiệu.

Trà Kiệu là một trong các Giáo Xứ cổ xưa nhất giữa lòng lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Cho đến nay (1999) Giáo Xứ Trà Kiệu đã trải qua 23 đời Cha sở và 17 Cha phó.

Ngày 21-1-1988 Trà Kiệu được vinh hạnh là nơi yên nghỉ ngàn thu của Đức Giám Mục P.M Phạm Ngọc Chi, là Giám Mục tiên khởi của Giáo Phận Đà Nẵng. Ngôi mộ của Đức Cha nằm sát bên hông Nhà Thờ chính của Giáo Xứ và được chăm sóc cẩn thận. Ngoài ra mộ phần của Cha Tổng đại diện đầu tiên của Giáo Phận Đà Nẵng, Cha Gioan Nguyễn Quang Xuyên cũng nằm cạnh đó.

Hiện nay Giáo Xứ Trà Kiệu có 4 giáo khóm; khóm Đông, khóm Tây, khóm Bắc và khóm Nam, có 8 giáo họ; Hoà Lâm-bổn mạng Đức Mẹ lên trời, Phú Nham-Đức Mẹ Lộ Đức, La Tháp-Thánh Tâm Chúa, Lộc Động-Thánh Gia, Cẩm Thành-Antôn, Chiêm Sơn Lộc-Giuse, Chà Là-Phanxicô Xaviê, Phú Nhuận-Đức Mẹ Fatima. Số giáo dân là 3907 người trong 817 hộ gia đình.

Bên cạnh Cha Sở Giáo Xứ Trà Kiệu còn được sự giúp đỡ tận tình của hai cộng đoàn; một là Mến Thánh Giá Quy Nhơn đến Trà Kiệu xây dựng cơ sở từ năm 1865, hai là Phaolô Thành Chartres Đà Nẵng có mặt tại Trà Kiệu ngày 15 tháng 8 năm 1975.

11. Kết

Lạy Mẹ Trà Kiệu, theo dòng lịch sử chúng con nhận ra được rằng Mẹ luôn yêu thương chúng con. Qua Mẹ, Thiên Chúa tuôn đổ muôn vàn hồng ân xuống cho chúng con. Mẹ không ngừng gian rộng đôi tay trên chúng con, ban ơn, che chở, phù hộ, cầu bầu cho chúng con trên từng bước gian trần chúng con đi. Lạy Mẹ Trà Kiệu, Mẹ là Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ chúng con, chúng con xin đặt tin tưởng nơi Mẹ. Với Mẹ con đến với trần gian hôm nay như một chứng tá của Phúc Âm. Vì “Có Mẹ con đâu còn sợ chi”.

Đến đây người biên soạn xin khắp lại bằng mấy câu thơ:

Đất Trà vọng mãi tiếng linh thiêng

Kinh đô một thuở, thêm Mẹ hiền.

Muôn ơn Mẹ đổ triền miên

Qua bao thế hệ, khắp miền muôn phương.

Bất luận là giáo hay là lương

Tình Mẹ thương vẫn mãi miên trường.

Sáng ngời danh Chúa tình thương

Đây đoàn con cái nương nhờ mãi liên

Giáo nạn Trà Kiệu, Mẹ linh thiêng

Rành rành lịch sử đã ghi liền

Xin soạn lại, chút hàn huyên

Để ai tâm thẳng thấy liền ơn Thiên.

Giáo ư: Tin – Cậy – Mến thêm kiên

Lương: nhận ra Thiên Chúa nhãn tiền

Đôi lời tâm ước xin nguyền:

Đêm chút việc hèn loan truyền Thiên ân.

 

12. Phụ lục

 Đất Mẹ – một vài sử liệu đáng nhớ

Thế kỷ II Nước Lin Yi được thành lập, vua đầu tiên là Sri Mara
Thế kỷ VI-VII Kinh đô là Sinhapura, Trà Kiệu ngày nay
1402 Nhà Hồ bắt đầu mở đất vào Quảng Nam, Quảng Ngãi
1471 Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam chính thức ra đời, đời Hồng Đức thứ II
1533 Nhà truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam là Inikhu tại làng Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ, Nam Định, Bắc Việt (Dã Sử mà thôi)
1580 Hai thừa sai Louis de Fonséca (Bồ Đào Nha) và Grégoire de la Motte (Pháp) thuộc dòng Đa Minh truyền giáo tại Quảng Nam
18-1-1615 François Buzomi (Ý) và Diego Carvalho (Bồ Đào Nha) cùng 2 thầy giảng (Nhật) đến Hội An, Quảng Nam
Khoảng 1628 Đời Lê Thánh Tông có người Công Giáo đến lập nghiệp tậu làng tại Trà Kiệu
2-4-1722 Cha Felipe de la Concepción đến Trà Kiệu và cùng năm Cha đã xây dựng ngôi Thánh đường đầu tiên
1749 Cha Fedro García đến Trà Kiệu
1865 Dòng Mến Thánh Giá đến đặt cơ sở tại Trà Kiệu
1870 Cha Louis Marie Galibert được bổ nhiệm đến Trà Kiệu và hai năm sau (1872) Cha cho xây cất một Nhà Thờ hết 75 Francs, lúc này diện tích Giáo Xứ Trà Kệu khoảng 9.000ha
29-1-1877 Cha Jean Bruyère đến Trà Kiệu thay Cha Galibert
1868-1888 Văn Thân bách hại
01-9-1885 Văn Thân bao vây Trà Kiệu
10-9-1885 Đức Mẹ hiện ra trên nóc Nhà Thờ
11-9-1885 Đức Mẹ tiếp tục nhãn tiền hiện ra trên nóc Nhà Thờ
21-9-1885 Trà Kiệu nhờ ơn Mẹ được giải vây
1898 Xây dựng ngôi Thánh đường trên đồi Bửu Châu để dâng kính Mẹ cách riêng với tước hiệu: “ĐỨC MẸ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU
15-8-1975 Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres đến đặt cơ sở tại Trà Kiệu
1966 Cha Lê Như Hảo cho xây lại ngôi Thánh đường kiên cố, nguy nga trên đồi Bửu Châu như hiện nay
1970 Ngôi Thánh đường hai tầng hiện nay được xây dựng do Cha Lê Như Hảo
31-5-1971 Đức Giám Mục P.M. Phạm Ngọc Chi đã tuyên bố: Trà Kệu là TRUNG TÂM THÁNH MẪU. Kể từ đó hằng năm đều có Đại Hội Cung Nghinh Đức Mẹ vào ngày 31 tháng 5

 

13. Thi sĩ Xuân Diệu đến Linh Địa Trà Kiệu kính viếng Đức Mẹ tháng 5/1988 và lưu lại mấy vần thơ sau:

Trưa hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ,

Giữa đáy trưa trong lòng Mẹ vô cùng.

Con là sáo, Mẹ là ngàn vạn gió,

Mẹ là trời, con là hạt sương rung.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhà Thờ Chính Giáo Xứ Trà Kiệu

  1. 14. Sách tham khảo:
    1. Một giáo sư sử học, Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, nhà in Chân lý Calgary-Canada, 1998.
    2. Nguyễn Q. Thắng, Quảng Nam đất nước và con người, nxb Văn Hoá, 1995.
    3. Hữu Ngọc (chủ biên), Từ điển văn hoá cổ truyền Việt Nam, nxb Thế Giới, 1995.
    4. Yoshiharu Tsuboð, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Nguyễn Đình Đầu dịch, nxb Trẻ, 1999.
    5. Nguyễn Sinh Duy, Phong trào nghĩa hội Quảng Nam, nxb Đà Nẵng, 1998.
    6. Helen West (chủ biên), Insight Guides: Vietnam, Singapore, 1991.
    7. Nguyen Khac Vien, Viet Nam along history, nxb Thế Giới, 1993.
    8. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, nxb Tân Việt, 1964.
    9. Trương Văn Tâm, Quảng Nam Đà Nẵng, nxb Đà Nẵng, 1994.
    10. Tạp chí Đất Quảng số 3 tháng 5-1998
    11. Lm. Geffroy, Đức Mẹ Trà Kiệu, 1886 (bản dịch).
    12. Lịch Công Giáo 1993 Giáo Phận Đà Nẵng.
    13. Đức Bà phù hộ các giáo hữu, 1997.

14.  Lm. Giuse Maria Phạm Châu Diên, Chuyện kể về Đức Mẹ: Lộ Đức-La Vang-La Mã-Trà Kiệu, Tủ sách Ra Khơi, 1958.

 

mục lục

Lời  phi  lộ

Ngược dòng thời gian

Danh xưng “Trà Kiệu”

Trà Kiệu đất kinh thành

Cuộc Nam tiến – Trà Kiệu có chủ mới

Trà Kiệu làng Công giáo

Tin Mừng phát triển trên đất Trà Kiệu

Biến cố Văn Thân Trà Kiệu trở thành linh địa từ đây

Biến cố Văn Thân

Tình hình Giáo Xứ Trà Kiệu

Trà kiệu – Ất Dậu kí sự

Đôi nét về Trà Kiệu ngày nay

Kết

PHỤ LỤC

Đất Mẹ – một vài sử liệu đáng nhớ

Sách tham khảo


[1]Sinhapura: Sinha: sư tử, pura: đô thành. Sinhapura là Phạn ngữ Sanskrit có nghĩa là đô thành sư tử. Sử Trung hoa âm là Tăng ha bồ la. (theo Nguyễn Sinh Duy, Phong trào nghĩa hội Quảng Nam, Nxb Đà Nẵng, 1998, ghi chú (2) tr. 189.)

[2] Có lẽ chữ Chùm Chà do đọc chữ Champa mà ra, mà cũng có thể chính xác hơn chữ Trà do đọc trại ra từ chữ JAYA là một trong bốn dòng họ chính của người Chiêm Thành (Ôn, Ma, Trà, Chế).

[3] Trương Văn Tâm, Quảng Nam Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng, tr. 51.

[4] Một giáo sư sử học, Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, Nhà in Chân Lý Calgary-Canada, 1998, tr. 518.

[5] Yoshiharu Tsuboð, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, nxb Trẻ, 1999, tr. 278.

[6] Tài liệu Lịch sử (những giai đoạn chiến tranh tôn giáo toàn quốc khốc liệt nhất ở Việt Nam, Trần Thạnh Đàm, Hà Nội, 1977.

[7] Nguyễn Sinh Duy, sđd, tr. 187–196.

[8] Ông Trương Phổ tên thật là Trương Văn Phiến sinh năm 1811 con thứ 4 của Bà Lê Thị Trừng. Bà Trừng thuộc dòng tộc Lê (là một trong những tộc kỳ cựu nhất đến Trà Kiệu) đã lấy chồng tộc Trương sinh ra hết thảy năm người con. Ông Trương Văn Phiến (tự Phổ) sinh hạ được 4 người con, hai gái hai trai. Ông mất năm 1910, mộ phần của ông hiện nay nằm trong khu nghĩa trang tộc Trương tại Cửa Hẩn, cách Trà Kiệu chừng 4 km.

Ngày nay hỏi thử có mấy người biết được mộ phần của ông Phổ ở đâu và sẽ không ngờ mộ phần của ông, một con người cứ công bằng mà nói thì ông hẳn phải là người đáng cho người làng Trà Kiệu ghi nhớ bằng tấm lòng mến mộ ưu ái và tự hào, lại quá đơn sơ bình dị.

[9] Xin nhắc Cha Geffroy là tác giả của tài liệu mà người soạn lấy làm tài liệu chính để lượt thuật.

[10] Ở mục này các dữ liệu đã khá cũ rồi, nhưng vì điều kiện không cho phép nên người biên soạn không thể cập nhật được, đành chịu vậy !

Leave a Reply