TTTM Trà Kiệu

THÁNG HOA 2012 HƯỚNG VỀ NGÀY ĐẠI HỘI ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU 31-05-2012

THÁNG HOA 2012

HƯỚNG VỀ NGÀY ĐẠI HỘI ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU 31-05-2012

***

            Kính trình Đức Cha,

Kính thưa Quí Cha, Quí Giáo xứ, Quí cộng đoàn tu sĩ nam nữ.

            Cũng như trước đây, để chuẩn bị cho những ngày dâng hoa kính Đức Mẹ trong Tháng Năm, năm nay con xin mạo muội gởi đến quí cha cùng quí giáo xứ, quí cộng đoàn một bản soạn cho việc dâng hoa. Chỉ mong góp phần vào việc cổ võ lòng đạo đức truyền thống này.

 

            Chủ đề cho tháng hoa năm nay: “ĐỨC MARIA, NGƯỜI PHỤ NỮ KHIÊM NHƯỜNG.” Câu Lời Chúa làm nền cho chủ đề: “PHẬN NỮ TỲ HÈN MỌN, NGƯỜI ĐOÁI THƯƠNG NHÌN TỚI” Lc 1,48. Như thế những gợi ý, suy niệm đạo đức sẽ được triển khai dựa trên nền tảng là Đức Khiêm Nhường (của Mẹ Maria). Có người bảo rằng khiêm nhường thì không cần phải lắm lời; nhưng lắm lời để mô tả, ca ngợi một bức “tượng vàng Maria” với những góc cạnh tinh tế trong đời Mẹ phải là việc của những đứa con hiếu thảo, là công việc của muôn đời !

            Vậy thế nào là khiêm nhường ? – “Khiêm nhường là nhân đức giúp con người đón nhận hồng ân của Thiên Chúa và nhìn nhận sự thật về mình.

Mọi sự con người “là” và “có” đều do bởi Thiên Chúa và sự trợ giúp của đồng loại. Nhìn nhận quá sự thật về mình kể cả cái tốt lẫn cái xấu đều trái nghịch với đức khiêm nhường.

Chúa Giêsu nhận mình là gương mẫu của sự khiêm nhường và mời gọi: “hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Bài ca Magnificat (Ngợi Khen) thể hiện sự khiêm nhường đặc biệt của Đức Mẹ. Khi nhận mình là “phận nữ tỳ hèn mọn”, Đức Mẹ được Thiên Chúa đoái thương, “Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” Lc 1,46-55).

Khiêm nhường là nền tảng của việc cầu nguyện (x. GLHTCG 2559).”[1]

 

I. THỨ BA, 01-05, ĐẦU THÁNG HOA (Có thể chuyển lên chiều thứ bảy, 28-04)

Khiêm nhường: chấp nhận ý Chúa dù chưa hiểu

“Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” Lc 1,34.

 

  1. Tin mừng theo Thánh Luca:

Khi ấy “sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao….

Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng.”

2. Lời dẫn:

Trong giờ khai mạc tháng hoa hôm nay, cộng đoàn chúng ta cùng suy niệm về khía cạnh đầu tiên của đức khiêm nhường. Khiêm nhường là “nhìn nhận sự thật về mình” giúp ta dễ dàng hơn trong việc “đón nhận hồng ân của Thiên Chúa.” Đức Maria nhìn nhận mình là “nữ tỳ hèn mọn,” đâu có gì để đòi hỏi cao sang. Bằng một quyết tâm sống ẩn dật từ lúc còn ấu thơ, Mẹ chỉ mơ ước sao cho mình biết làm theo ý Chúa mà thôi. Để có thể chấp nhận thánh ý Thiên Chúa qua việc cưu mang Đấng Cứu Thế – một tin động trời – Mẹ chỉ nhỏ nhẹ nói với Sứ Thần của Thiên Chúa: “Việc ấy sẽ xãy ra thế nào ?” Mẹ không hề có ý chất vấn, hạch hỏi cho ra lẽ, không hề đặt điều kiện… giống như chúng ta. Phải chăng Thiên Chúa đã “đoán” được lòng Mẹ nên trong giây phút đầu tiên của cuộc gặp gỡ, Sứ Thần chào Mẹ một cách trang trọng: “Kính chào Đức Maria đầy ơn phước !”

3. Suy niệm:

Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II triển khai ý tưởng này như sau: “Đức Maria làm chứng cho giá trị của một cuộc sống khiêm tốn, ẩn dật. Thường thì tất cả mọi người đòi hỏi và đôi khi còn yêu sách phải đánh giá cao bản ngã và những tài năng của mình. Ai ai cũng đều thích trọng vọng và danh giá. Phúc âm nhiều lần nói rằng các Tông đồ cũng mong mỏi được chiếm những chỗ cao trong Nước Chúa, họ tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất, và Chúa Giêsu đã phải dạy cho họ biết sự cần thiết của đức khiêm nhường và sự phục vụ. Ngược lại, Đức Maria không hề ao ước danh dự hay những đặc ân lợi lộc; Người luôn luôn đi tìm cách chu toàn ý Chúa và sống một đời tuân theo kế hoạch của Cha.”[2]

4. Dâng hoa:

Bài hát đề nghị:  * “Từ lúc Mẹ nói lời xin vâng”

                                                              * “Mẹ ơi, đời con dõi bước theo Mẹ…”

5. Cầu nguyện (sau khi dâng hoa):

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã để cho mình bị thôi miên bởi cặp mắt của Chúa Cha, Đấng thấu suốt lòng dạ Mẹ từ trong sâu thẳm.[3] Xin Mẹ dạy chúng con biết khiêm nhường trước một Thiên Chúa quyền uy cao cả. Chúng con dám thưa lên Mẹ điều này vì chúng con biết loài người ngày càng coi trọng bản ngã, “cái tôi” của mình quá mức đến độ khước từ mọi giá trị từ trên cao; nhất là những giá trị này không đáp ứng được những đòi hỏi vị kỷ của họ.  Phần chúng con, chúng con chẳng có gì, nếu có phần lớn cũng là nhờ ơn trên ban xuống. Xin Mẹ dạy mỗi người chúng con biết khiêm tốn đón nhận thánh ý Thiên Chúa, biết tôn trọng lẽ phải, biết tôn trọng ý kiến của người khác…Được như vậy thì đây là bông hoa đầu mùa đẹp nhất chúng con dâng lên Mẹ trong tháng hoa này.

 

 

 

 

II. THỨ BẢY, 05-05

Khiêm nhường: biết chia sẻ hạnh phúc

vì ý thức những gì mình có được là nhờ ơn trên ban xuống

 “Bà Maria vội vã lên đường…” Lc 1,39.

 1. Tin mừng theo Thánh Luca:

            “Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi…Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên…bà kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?”

2. Lời dẫn:

Trong ngày khai mạc tháng hoa chúng ta đã suy niệm về đức khiêm nhường của Mẹ Maria qua thái độ chấp nhận thánh ý Thiên Chúa dù Mẹ chưa hiểu biết hết về chương trình cứu độ của Ngài. Thứ bảy hôm nay là thứ bảy đầu tiên của tháng hoa, chúng ta chiêm ngắm một khía cạnh nữa của đức khiêm nhường nơi Mẹ Maria, đó là Mẹ biết chia sẻ hạnh phúc mà mình có được cho người khác (bà Êlisabét): hạnh phúc làm Mẹ Thiên Chúa. Một người khiêm tốn là một người biết đem điều mình nhận lãnh chia cho, ban phát cho người khác. Ở đây khiêm nhường còn có một tên gọi mới là quảng đại. Người ích kỷ, kiêu ngạo thường cho rằng những gì mình có là do tài năng mình làm ra, và bo bo giữ lại cho riêng mình; còn người khiêm tốn thì luôn ý thức những gì mình có được là từ trên ban xuống. Vì thế cần phải chia sẻ, rộng lượng với người khác, phải biết can đảm ban phát. Như thế mới đáng được Chúa tiếp tục ban ơn cho. Mẹ Maria là người như thế khi Mẹ đến với bà chị họ Êlisabét để báo tin, chia sẻ ơn Chúa đã đoái thương đến thân phận nữ tỳ của Mẹ mà chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế.

3. Suy niệm:

Đức cha Ancel đã viết rằng: “Nơi con người ngày nay, không phải cái gì cũng đáng khen ngợi. Chúng ta có thể vui mừng trước sự hăng say của họ muốn sống đời Kitôhữu của mình trong kinh nghiệm nội tâm và trở nên những tông đồ trong chân lý, thế nhưng có một nhược điểm trầm trọng có nguy cơ phá hỏng tất cả. Đó là tính kiêu ngạo. Sự tự mãn và tinh thần bất phục tùng của chúng ta tạo nên một mối nguy rất nghiêm trọng mà chúng ta không có quyền xem nhẹ, đối với việc đào tạo bản thân cũng như hoạt động tông đồ.

            Người ta thúc giục hành động, khích lệ, cổ vũ, khen ngợi. Tốt, rất tốt. Người ta tránh đưa ra những lời khiển trách để không làm nản lòng kẻ không muốn thấy những gì sai lệch, mà chỉ muốn thắng những tiến triển tốt đẹp. Người ta có lý, rất có lý khi hành động như thế. Trong một thời đại khủng hoảng thì sự nhát đảm sẽ giết chết chúng ta và vả lại, nhát đảm không phải là khiêm hạ.”[4]

4. Dâng hoa:

Bài hát đề nghị: * “Chúa đã làm cho tôi muôn việc kỳ diệu” (Hoàng Kim)

                                       *  “Linh hồn tôi..” (Kim Long)

5. Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã “sống và biến tự do mình thành hành động bằng cách tự hiến chính mình cho Thiên Chúa và bằng cách đón nhận ân phúc Thiên Chúa cho mình.”[5] Được như vậy là nhờ Mẹ biết khiêm tốn, từ bỏ ý riêng mình, tự huỷ mình ra không trước mắt Thiên Chúa. Xin Mẹ dạy con biết tự hỏi: “Bởi đâu tôi được như vậy ngày hôm nay? Vì tôi đạo đức ư ? Vì tôi tài giỏi ư ?…Hay đó là nhờ ơn Chúa ban ?” Nhờ đó chúng con biết sống khiêm tốn hơn. Đừng để chúng con bị cám dỗ cho rằng khiêm nhường là yếu nhược, là dại dột, là thua người…trong một xã hội mà thứ văn hoá “mạnh được yếu thua” dường như thắng thế như xã hội chúng con đang sống. Làm được thế là chúng con góp thêm một cành hoa khiêm nhường nữa trong vườn hoa nhân đức muôn màu muôn sắc của Thiên Chúa theo gương Mẹ.

 

III. THỨ BẢY, 12-05

Khiêm nhường: không than thân trách phận,

nhưng biết bắt chước Mẹ đón nhận nghịch cảnh

“Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” Lc 2,35.

1. Tin Mừng theo Thánh Luca:

            “Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israen ngã xuống hay đứng lên…Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

2. Lời dẫn:

Lời “xin vâng” của Mẹ ngày nao giờ đây dần bao phủ lên những cụm mây đen: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, vì người ta sẽ làm phản nghịch cùng Con bà.” Từ khi rời đền thờ chắc Mẹ “suy đi nghĩ lại mãi” trong lòng lời tiên tri của Simêon. Suy nghĩ để tĩnh thức trước mỗi biến cố sẽ xảy đến cho Mẹ chứ không phải để “nổi loạn,” để than thân trách phận. Đức khiêm nhường không cho phép Mẹ làm điều đó. “Lưỡi gươm đau thương” có xé nát tâm hồn Mẹ thì cũng để Mẹ học bài học “hiền hậu và khiêm nhường” của Chúa Giêsu; và đến gần hơn với Đấng khiêm nhường và hiền hậu trong lòng. Sở dĩ con người than thân trách phận, nổi loạn, báng bổ Thượng đế vì không đủ khiêm tốn nhìn nhận thực tại mình đang có. Người khiêm tốn, trái lại, biết mình là ai và đang có những gì, đang cần những gì. Chúng ta hãy dâng cho Mẹ những cánh hoa của đức khiêm nhường đó là biết bằng lòng với những gì mình có được hôm nay.

3. Suy niệm:

Cha Bonano, giáo sư thần học đã viết: “Khi dâng Chúa Giêsu vào đền thánh theo lề luật, chính Mẹ cũng hành động đúng như Lời Thiên Chúa nói với Chúa Giêsu: “Này con xin đến để thực thi ý Ngài !” Vì chính Mẹ cũng liên đới với Chúa Giêsu trong cùng một sứ vụ mà Mẹ đã thưa với sứ thần ngày trước: “xin cứ làm cho tôi theo lời sứ thần nói.” Đọc bản văn về ‘lưỡi gươm sẽ đâm thâu’ dưới ánh sáng của Chúa Giêsu là dấu chỉ của sự chống báng, người ta dễ nhận ra đau khổ chất thành núi trong đời Mẹ….mà tột đỉnh là trên đồi Calvariô, nơi ấy Mẹ lặng im nhưng đó mới thể hiện trọn vẹn đòi hỏi của Con Thiên Chúa và của Đấng Messia…Dấu chỉ chống báng đó sẽ đưa Mẹ đến chỗ gắn bó chặt chẽ với Chúa Giêsu hơn nữa.”…Dấn bước vào trong đêm tối của cuộc Thương khó và cái chết của Con mình, tim Mẹ bị nát tan từng mãnh vụn.”[6] Qua đau khổ Chúa Giêsu dầu là Con Thiên Chúa mới học được thế nào là vâng phục, là khiêm nhường, tự huỷ mình ra không; thì trong đau khổ Mẹ cũng học được thế nào là khiêm nhường vâng theo thánh ý Thiên Chúa.[7]

4. Dâng hoa:

Bài hát đề nghị: * “Vòng hoa dâng Mẹ”

                                            * “Phúc cho Mẹ” (Phương Anh)

5. Cầu nguyện:

            Lạy Mẹ Maria, khi sinh Chúa Giêsu là Đấng “hiền hậu và khiêm nhượng,” cung lòng Mẹ cũng đã ấp ủ sự khiêm tốn và hiền dịu ấy rồi. Mẹ đã giáo dục con Mẹ từ trong bào thai. Thật như lời người đời quen nói: mẹ nào con nấy. Tính kiêu ngạo đã đẩy thiên thần trở thành ác quỷ, còn lòng khiêm nhường thì đưa con người gắn kết với Đấng Tạo Hoá. Chúng con muốn theo gương Mẹ khiêm tốn chấp nhận điều Chúa muốn nơi chúng con, nhờ đó chúng con sẽ được liên kết với Chúa và với Mẹ nhiều hơn nữa trong cuộc sống hôm nay. Xin Mẹ hãy chia phần phúc Mẹ có được cho chúng con. Amen.

 IV. THỨ BẢY, 19-05

Khiêm nhường: bằng lòng với hoàn cảnh sống,

không đứng núi này trông núi nọ

“Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm” Lc 2,19.

 1. Tin Mừng theo Thánh Luca:

            “Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho biết…..Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.”

2. Lời dẫn:

            Việc Đức Mẹ ghi nhớ “mọi kỷ niệm ấy” cho đến lúc này đó là việc sứ thần truyền tin, thánh Yuse đón Mẹ về nhà, đi thăm bà Êlisabét và ở lại với bà ấy, lên đường về quê Yuse để khai hộ khẩu, bị từ chối không có chỗ trong quán trọ, sinh hạ Chúa Giêsu nơi hang đá, các người chăn chiên đến viếng và thờ lạy Hài Nhi Giêsu. Mẹ chấp nhận tất cả mà không nói nửa lời ! Từ đây ngày sống của Mẹ được hoà quyện với những ký ức, những kỷ niệm mà Mẹ đã trải qua. Rồi chính khi Mẹ biết “suy đi nghĩ lại trong lòng” Mẹ nhận ra con đường cứu thế mà Thiên Chúa muốn Đức Giêsu phải đi. Chính những kỷ niệm và nhờ biết nghĩ suy này giúp Mẹ bằng lòng với vai trò mà mình được kêu gọi đảm nhận. Mẹ bằng lòng với hoàn cảnh sống này, không mơ mộng, không đứng núi này trông núi nọ. Không ảo tưởng quá về mình, “nhìn nhận sự thật về mình” là một nét đẹp nữa của đức khiêm nhường nơi Mẹ Maria mà chúng ta học với Mẹ hôm (chiều) nay.

3. Suy niệm:

Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói với chúng ta suy tư của ngài về điều này: “Đứng trước những biến cố trọng đại này, thánh sử Luca nói cho chúng ta biết rằng Đức Maria “đã lưu giữ hết những điều này, suy niệm chúng trong tâm hồn.” Đang khi các mục đồng bước từ chỗ sợ hãi đến chỗ kinh ngạc và ngợi khen, thì Đức Trinh Nữ nhờ lòng tin của mình, đã duy trì cách sống động kỷ niệm về những biến cố liên quan đến Con của mình, và Người đào sâu chúng bằng cách đối chiếu trong “con tim” của mình, nghĩa là nơi thâm tâm sâu thẳm nhất của con người. Nhờ thế, Đức Maria đã gợi cho một bà mẹ khác, tức là Hội Thánh, hãy biết trân trọng hồng ân và bổn phận suy niệm và suy tư thần học, ngõ hầu có thể đón nhận mầu nhiệm cứu độ, hiểu biết mầu nhiệm sâu rộng hơn, và loan truyền mầu nhiệm với nhiệt tình mới mẻ cho mọi người thuộc mọi thời đại.”[8]

 4. Dâng hoa:

Bài hát đề nghị: * “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng” (Tâm Bảo)

                 * “Phúc cho Mẹ” (Phương Anh”

5. Cầu nguyện:

            Lạy Mẹ Maria, mặc dầu Mẹ không thể hiểu nỗi và hiểu hết những điều Thiên Chúa muốn thực hiện nơi Mẹ, nhưng Mẹ vẫn không sờn lòng nản chí bởi sự tự tin của Mẹ là dựa vào Thiên Chúa, khiêm hạ và phục tùng Người với tất cả lòng nhiệt thành. Có lúc Mẹ ngờ vực vào khả năng của chính mình, nhưng với lòng tín thác vào Thiên Chúa, Mẹ đã vượt qua tất cả để trở thành tông đồ đích thực trước khi dạy cho các môn đệ bài học tại tiệc cưới Cana: “Người bảo gì các anh hãy làm theo.”[9] Xin Mẹ dạy chúng con khiêm tốn nhìn nhận khả năng của mình – khả năng đó rất giới hạn – để chúng con không tự mãn nhưng biết tín thác vào Chúa, và biết làm cho khả năng đó sinh hoa kết quả nhờ khiêm tốn chấp nhận tuân theo sự an bài, hướng dẫn của Chúa.  

V. THỨ BẢY, 26-05

Đức Maria, con người cầu nguyện

Khiêm nhường: nền tảng của việc cầu nguyện

“Người bảo gì các anh hãy làm theo” Ga 2,5.

1. Tin Mừng theo Thánh Gioan:

            “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu…Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người” “Họ hết rượu rồi.” Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”

2. Lời dẫn:

            Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo số 2559 viết: “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa hay cầu xin Thiên Chúa ban cho những điều xứng hợp. Chúng ta cầu nguyện từ vị trí nào ? Từ chỗ cao của tính kiêu căng và ý riêng của chúng ta, hay “từ vực thẳm” (Tv 130,1) của một trái tim khiêm nhường và thống hối ?…Khiêm nhường là nền tảng của cầu nguyện…”[10] “Cầu nguyện là cầu xin Thiên Chúa ban cho những điều xứng hợp” thì việc hết rượu giữa chừng trong tiệc cưới quả là lúc xứng hợp để Mẹ xin với Chúa Giêsu. Thật ra Mẹ Maria không chỉ cầu xin Chúa vì nhu cầu của nhà đám, mà Mẹ là con người của cầu nguyện từ trong gia đình ông thánh Gioankim và bà thánh Anna. Bài Magnificat là kết tinh của biết bao lần Mẹ cầu nguyện trong gia đình, trong đền thờ. Lời cầu nguyện ấy phát xuất từ ý thức khiêm nhường của người cầu nguyện: ý thức “phận nữ tỳ hèn mọn” đã làm cho Thiên Chúa phải “đoái thương.” Hay như trường hợp của người thu thuế, “đứng đằng xa, không dám ngước mắt lên: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13); lời cầu xin của người trộm lành: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” (Lc 23,42)…Tất cả những trường hợp này đều được Chúa nhậm lời, vì cầu nguyện trong khiêm tốn sẽ lay động được “trái tim” của Thiên Chúa. Hôm nay (chiều nay), ngày thứ bảy cuối cùng của Tháng Hoa, chúng ta dâng lên Mẹ một loài hoa nữa: hoa cầu nguyện trong khiêm nhường. Hy vọng nhờ Mẹ cầu bầu, Chúa sẽ nhậm lời chúng con trong mọi hoàn cảnh vui, buồn, sướng, khổ của cuộc đời.

3. Suy niệm:

“Khiêm nhường là nhân đức giúp con người đón nhận hồng ân của Thiên Chúa,” là chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa. “Sự ‘lệ thuộc’ vào Chúa Giêsu của Mẹ Maria mà Công Đồng Vaticanô II (LG 62) nói đến là một sự lệ thuộc đầy tình yêu, không hề gây tổn hại cho sự thắm thiết và mức hoàn hảo của mối hiệp nhất giữa hai Đấng…Lời  cầu nguyện của Đức Maria có một thế lực vô song đối với Trái Tim Chúa Giêsu. Vì hiểu Con Mẹ và sứ mạng của lòng nhân từ mà Chúa Cha đã trao cho Ngài, Mẹ yêu cầu chúng ta hãy vâng phục với niềm tín thác: ‘Hãy làm những gì Ngài bảo’ (Ga 2,5).”[11]

4. Dâng hoa:

Bài hát đề nghị: * “Trong đời con xin Mẹ làm…”

                                                             * “Mẹ từ bi, ngày nay con đến nép…”

5. Cầu nguyện:

            Lạy Mẹ Maria, Mẹ hiểu rằng lời nói của mình với Chúa Giêsu: ‘Họ hết rượu rồi” không còn xuất phát từ mối liên hệ gia đình thân tộc nữa, mà phát xuất từ vai trò được chọn gọi để hoàn thành các lời của Chúa Giêsu. “Người bảo gì, các anh hãy làm theo” là yêu cầu của Mẹ cho những ai muốn trở nên người khiêm nhường, biết vâng phục,[12] và đã được Chúa nhận lời. Xin cho lời cầu nguyện của chúng con luôn phát xuất từ lòng khiêm tốn, và như thế sẽ được Chúa chúc lành. Lời cầu nguyện khiêm tốn vừa sinh hiệu quả, vừa làm cho Chúa có cơ hội biểu lộ vinh quang của Người nơi chúng con,[13] dù “giờ Ngài chưa đến !”

VI.  HÀNH HƯƠNG VỀ VỚI ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU, THỨ NĂM, 31-05

                                           LỄ ĐỨC BÀ ĐI VIẾNG

“Phần nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” Lc 1,48.

“Rạng ngày gió mát trời trong,

Thương người chị họ thầm mong ơn trời.

Tin vui nay đã có lời,

Vội vàng khăn gói tách rời nẻo quê.

……………

Hồn tôi tán tụng Chúa Trời,

Lòng tôi hoan hỉ dâng lời tạ ơn.

Tạ ơn Chúa chuộc khoan nhân,

Thương người tì nữ, thương thân phận hèn…”[14]

                                                                                                                           TK, Tuần Thánh 2012.



[1] Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin – Ban Từ Vựng Công Giáo, Từ Điển Công Giáo 500 Mục Từ, (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2011), tr.188.

[2] Gioan Phaolô II, Những Bài Huấn Giáo về Đức Maria, Bản dịch của Phan Tấn Thành, 1999, tr. 32.

[3] Theo ý của Jean Lafrance, In Prayer with Mary, Mother of Jesus, Bản dịch của Florestine Audette, R.J.M. (Manila: St Pauls, 1995), tr.5.

[4] Không ghi dịch giả, Lòng Tôn Sùng Đích Thực Đối Với Đức Trinh Nữ Maria của Đức Cha Alfned Ancel, Giám Mục Phụ tá Lyon, Bề trên Tổng quyền Hội Prado, tr. 28-29.

[5] Đức Gioan Phaolô II, Splendor Veritatis,  tr. 213.

[6] Salvatore J. Bonano, CMF., Mary’s Best Memory (Manila: Claretian Publications, 2006), tr. 63-64.

[7] Ibid. 64

[8] Gioan Phaolô II, ibid., tr. 143.

[9] Lòng Tôn Sùng Đích Thực…,tr. 32.

[10] Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Hà Nội: Nhà Xuất bản Tôn Giáo, 2010), tr. 709-710.

[11] Henri Holstein trong Tự Điển Đức Mẹ, Bản dịch Matthia M. Ngọc Đính, C.M.C, 1998, tr.402.

[12] José Cristo Rey Paredes, CMF., Mary and the Reign of God (Quezon City: Claretian Publications, 2006), p.127.

[13] Kathleen Coyle, Mary in the Christian Tradition (Quezon City: Claretian Publications, 2006), p.19.

[14] Lm. Ph.X. Nguyễn Xuân Văn, Sứ Điệp Tình Thương (CCS/LS/QN tại Hoa Kỳ, 1999), tr. 17-18.

Leave a Reply