Sáng sớm hôm nay – Chúa nhật XXXIII mùa thường niên, đoàn chiên xứ Trà cùng quây quần bên vị mục tử đáng kính của mình để hiệp dâng Thánh lễ kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam và cũng là bổn mạng của ca đoàn Tử đạo (hay còn gọi là ca đoàn già).
Mở đầu Thánh lễ, Cha Simon gợi mở: ‘Ngày nay, trước những thách đố của chủ nghĩa duy vật vô thần, duy tương đối, não trạng hưởng thụ ích kỷ, lối sống gian dối và lừa lọc…., muốn trung thành với Tin Mừng, mỗi người phải liên lỉ lựa chọn, từ bỏ trong đau đớn không kém gì những khổ hình. Sống Tin Mừng trong thời đại này đúng là một cuộc tử đạo liên tục. Hiệp dâng Thánh lễ mừng kính các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam hôm nay, xin Chư Thánh Tử Đạo cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta, đặc biệt, cho các thành viên trong ca đoàn Tử Đạo, biết noi gương các ngài, nêu cao tinh thần phục vụ trong khiêm tốn và trung thành bền đỗ theo Chúa đến cùng.’
Sau khi công bố Tin Mừng (Lc 9,23-26), Cha Simon đã nêu lên một thực trạng mà Giáo hội gặp phải đó là: ‘có một chủ trương gieo rắc sự giả dối, sai lạc trong lịch sử với mục đích tạo ác cảm, gây chia rẽ trong xã hội. Đó là có nhiều người, kể cả những người được cho là có trình độ, có vị thế, có uy tín khi nói về đạo Công Giáo, họ nói rằng: Thực dân Pháp đem đạo Công Giáo vào Việt Nam; người Công Giáo hợp tác với Pháp để xâm lược Việt Nam … Mục đích của việc dối trá này làm cho nhiều người đồng hoá đạo Công Giáo với thực dân Pháp, gây ra sự thù hằn, nghi kỵ trong xã hội. Mặc dù lịch sử Giáo Hội và xã hội đều ghi nhận sự thật như thế, nhưng vẫn còn có nhiều người muốn đánh đồng giữa đạo Công Giáo và thực dân. Từ sự đánh đồng này, người ta cho rằng, các vị tử đạo Việt Nam là những người phản bội tổ quốc, cộng tác với Pháp nên bị kết án tử.’
Với những dữ liệu lịch sử được trích dẫn: ‘đạo Công Giáo đã có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ 16 (1533) dưới thời vua Lê Trang Tôn và được củng cố bởi các nhà thừa sai Dòng Tên Bồ Đào Nha và Ý vào đầu thế kỷ 17. Sau đó gần 300 năm, vào cuối thế kỷ 19 (1867), người Pháp mới đến xâm chiếm Việt Nam.’, cùng với các lý chứng: ‘Lịch sử đạo Công Giáo tại Việt Nam ước tính có hằng trăm ngàn các Kitô hữu đã chết vì đức tin, vì làm chứng cho Thiên Chúa, kể từ khi Tin Mừng vào Việt nam. Trong số đó có 117 vị đã được Giáo Hội tôn vinh hiển thánh và một vị được tôn vinh là chân phước. Nếu chỉ vì tìm kiếm sự giàu sang, bổng lộc của ngoại bang đem lại, chắc chắn các vị tử đạo đã không dám đánh đổi mạng sống mình, vì không ai liều chết vì sự giả dối, hoặc liều chết chỉ để được chút lợi lộc.’; Cha Simon đã mạnh mẽ xác quyết: chủ trương đánh đồng đạo Công giáo với thực dân Pháp, xem các vị tử đạo Việt Nam là những người phản bội tổ quốc, cộng tác với Pháp nên bị kết án tử… thật là một âm mưu độc hiểm đối với đạo Chúa. Và những cái chết của các vị Tử Đạo xưa là những cái chết vì sự thật, vì đức tin, vì Tin Mừng và vì Chúa Giêsu, là cái chết có chọn lựa giữa cái được và cái mất mà Chúa Giêsu nói đến: “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống vì Ta, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.
Nếu người đời xem cái chết của các Thánh tử đạo dường như là mất mát, thiệt thòi, thua lỗ, nhưng thực ra các ngài đã tìm được mối lợi to lớn là chính Chúa Giêsu, tìm được sự thật là Thiên Chúa và hạnh phúc Nước Trời, đó là niềm hy vọng và đích điểm cuộc đời của các ngài. Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, Cha Simon mời gọi cộng đoàn phụng vụ hãy noi gương cha ông và học tập nơi các ngài, để biết chọn Chúa Giêsu và Tin Mừng, chọn làm môn đệ, vác thập giá đời mình hằng ngày mà bước theo Chúa. Ngài cũng động viên cộng đoàn: ‘nói như thế thì khá đơn giản, nhưng để quyết tâm từ bỏ mình là một cuộc tử đạo rỉ máu mỗi ngày. Chấp nhận thua thiệt vì Tin Mừng, đón nhận những khó khăn, trở ngại, đau khổ, bệnh tật, chấp nhận hy sinh, vất vả và chu toàn những việc bổn phận hằng ngày trong niềm vui, với tình yêu dành cho Chúa và vì Chúa, đó là một cuộc tử đạo kéo dài trong suốt cuộc đời. Tin Chúa, sống và hành động theo sự thật, nói thật, sống thật vẫn luôn là một thách thức với nhiều người. Chúng ta sẽ không phải đổ máu tử đạo, không phải chết ngục tù như cha ông chúng ta ngày xưa, nhưng chúng ta được mời gọi sống tích cực, làm điều tốt mỗi ngày, sống và hành động theo sự thật. Người môn đệ của Chúa không thể vác thập giá hằng ngày với tâm trạng tiêu cực, than vãn, nhưng là đón nhận trong niềm vui và tin tưởng. Chúng ta sẽ không kéo lê thập giá đời mình, cũng không thụ động, buồn chán, nhưng tích cực làm nhiều điều tốt, làm việc bác ái, đem niềm vui và hạnh phúc đến cho anh chị em và đem niềm vui đến cho gia đình. Người môn đệ của Chúa không thể biến mình thành kẻ gian dối trong lời nói, suy nghĩ và hành động. Vác thập giá của mình mỗi ngày là mang lấy trách nhiệm trong gia đình và xã hội, là phải chịu đựng ông chồng bê tha, nghiện ngập, ăn vụng, lười biếng, là đón nhận bà vợ cờ bạc, lắm điều, nói nhiều, ngồi lê đôi mách; Thập giá hằng ngày còn là những đứa con ngỗ nghịch, là nhà hàng xóm khó tính, là người đồng nghiệp khó chịu và cả những khó khăn tai hoạ bất ngờ xảy đến. Xin cho chúng ta biết đón nhận thập giá ấy trong niềm tin vào Chúa, trung thành với Tin Mừng, với giới răn lề luật của Chúa và Giáo Hội. Xin cho chúng ta can đảm dám sống và hành động theo sự thật, bước theo Chúa Giêsu trong niềm vui và để Chúa đưa tay chia sẻ, nâng đỡ cho chúng ta. Kiên trì như thế, chúng ta cũng sẽ là những vị thánh tử đạo ngày hôm nay. Amen.’
Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Simon thay mặt cho tất cả ngỏ lời cảm ơn đến quý ca viên ca đoàn Tử đạo vì những công khó đã quảng đại cộng tác với giáo xứ trong việc dùng lời ca tiếng hát của mình phục vụ Chúa và giáo hội trong suốt 44 năm qua. Sự nhiệt thành cộng tác này trong suốt chặng đường dài, có thể nói là gần cả đời người, thật là một tấm gương cho cộng đoàn noi theo trong việc cộng tác phụng sự nhà Chúa. Cha Simon cầu chúc cho mỗi ca viên luôn khiêm tốn cháy bỏng sự nhiệt thành đó để phục vụ Chúa và giáo hội theo cách thế của mình luôn mãi. Cộng đoàn phụng vụ cũng đã dành tất cả những tâm tình của mình vào trong tràng pháo tay để chúc mừng toàn thể quý ca viên trong… ca đoàn già.
Với những suy tư đọng lại sau bài giảng của Cha Simon, cộng đoàn phụng vụ đã cùng với ca đoàn Tử Đạo hoà chung tâm tình trong bài ca kết lễ “Lòng trung nghĩa” để dâng lên Chúa và các Đấng quyết tâm của mình trong đời sống đạo giữa đời hôm nay: “ Muôn vàn đau đớn nay đã theo ngày tháng trôi. Hy sinh vì lòng tin son sắt giữ câu đoan nguyền. Hết tình trung tín lao khổ không hề dám phai. Giữ tấm lòng hiếu trung lời thề xưa lẽ nào quên.”
Trà Kiệu, 17/11/2024
Bài viết: Ephrem Huy – Hình ảnh: Photo Thông