* Vatican. Chủ đề Ngày Hoà bình Thế giới 2016: “Vượt thắng sự thờ ơ để có hoà bình”. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, sự thờ ơ của con người trước các vấn đề của thời đại chúng ta là một trong những mối đe dọa chính đối với hoà bình trên thế giới. Vì thế Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề cho Ngày Hoà bình Thế giới năm 2016 là “Vượt thắng sự thờ ơ để có hoà bình”.
Trong thông cáo giải thích lý do tại sao Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề này, Hội đồng Toà Thánh về Công lý và Hoà bình nhận định: “Ngày nay, sự thờ ơ thường gắn với chủ nghĩa cá nhân vốn gây ra sự cô lập, thiếu nhận thức, ích kỷ, và vì thế khiến người ta từ chối dấn thân. Có nhiều thông tin hơn không có nghĩa là quan tâm đến các vấn đề nhiều hơn. Cần phải cởi mở lương tâm để liên đới với nhau”. Vì thế lời kêu gọi này được gửi tới các gia đình, các nhà giáo dục, các người làm truyền thông, giới trí thức, nghệ sĩ, để thúc đẩy một chiến dịch nâng cao nhận thức và nhận trách nhiệm trước những thách đố nghiêm trọng có ảnh hưởng đến cả nhân loại”.
Thông cáo cũng nói đến “chủ nghĩa duy chính thống (fundamentalism) với các cuộc tàn sát, đàn áp tôn giáo và sắc tộc, các cuộc tấn công vào tự do và toàn bộ dân quyền, khai thác và nô lệ hoá con người, tham nhũng và tội phạm có tổ chức, các cuộc chiến tranh và bi kịch của những người tị nạn và buộc phải rời bỏ quê hương. Việc phát triển một nền văn hoá tôn trọng luật pháp và giáo dục tinh thần đối thoại và hợp tác là điều cấp bách. Hoà bình là điều có thể đạt được với điều kiện quyền lợi của tất cả mọi người đều được công nhận, tôn trọng, nhận biết và hiểu rõ, trong tự do và công lý hoàn toàn”.
Sứ điệp Hoà bình 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là một công cụ, một điểm xuất phát để tất cả mọi người thiện chí, đặc biệt là những người làm việc trong ngành giáo dục, văn hóa và truyền thông, hành động theo khả năng của riêng mình để cùng nhau xây dựng một thế giới có trách nhiệm hơn và có lòng thương xót hơn.
Ngày Hoà bình Thế giới do Đức Chân phước giáo hoàng Phaolô VI khởi xướng từ năm 1967 và được cử hành vào ngày 01 tháng Giêng, ngày lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Mỗi năm, Sứ điệp Hoà bình của Đức giáo hoàng sẽ được gửi đến các Bộ trưởng Ngoại giao của tất cả các quốc gia trên thế giới. Sứ điệp này cũng phác hoạ đường lối ngoại giao của Toà Thánh trong năm sắp đến. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Trước thềm Thượng Hội đồng Giám mục: những đề nghị giúp cho giáo lý và cuộc sống xích lại gần nhau. Các giám mục Thụy Sĩ, Pháp và Đức, đã từng gặp nhau trong một cuộc họp kín về gia đình hồi tháng Năm vừa qua tại Roma, đã quyết định công bố các đề nghị đã được nêu ra trong cuộc họp này.
Hồi cuối tháng Năm, các giám mục và các nhà thần học đã nhóm họp tại Roma để cùng suy tư về những tiến triển có thể có của giáo lý Giáo hội về gia đình. Một số ý kiến nêu ra đã được phổ biến, nhưng các bài phát biểu về thần học đã không được công bố. Nay, theo sáng kiến của Hội đồng Giám mục Đức –là nhà đồng tổ chức Hội thảo chuyên đề nói trên với các giám mục Pháp và Thụy Sĩ– các bài này sẽ được giới thiệu công khai.
Chia sẻ cùng một nhận định rằng giáo lý về hôn nhân và cuộc sống “có quá ít điểm chung”, các bài tham luận –được in bằng ba thứ tiếng và được phổ biến vào đầu tháng Tám– đưa ra các đề nghị táo bạo muốn thay đổi giáo huấn của Giáo hội về gia đình, trong đó đề cập nhiều đến tình trạng của những người ly dị tái hôn.
Linh mục dòng Tên Alain Thomasset, giáo sư thần học luân lý tại Trung tâm Sèvres ở Paris, cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không được loại bỏ việc quan tâm đến các chủ thể”. Mọi đánh giá một hành vi về mặt luân lý đều phải lưu tâm đến bối cảnh hành vi ấy được thực hiện. Cũng như một vụ giết người có thể được coi là tự vệ hợp pháp, là tai nạn, sát nhân hoặc giết người vì tình, phải phân biệt tương tự như thế đối với các hành vi tình dục mà Giáo hội coi là “xấu tự bản chất” hoặc đối với việc ngừa thai. Vì thế cha đề nghị xem các hành vi sau là “không có tội về mặt chủ quan”: ngừa thai mà không phá thai, các hành vi tình dục của một số người đã tái hôn, và những người đồng tính “sống chung với nhau cách bền vững và trung thành”.
Hội thảo nhất trí rằng: thế giới trở đang nên phức tạp hơn, các lằn ranh phân biệt trở nên mong manh hơn. Một hiện tượng mà từ nay Giáo hội phải lưu tâm hơn: “Những trở ngại xảy đến cho cuộc sống hôn nhân nhiều hơn những gì một nền thần học lý tưởng về hôn nhân ngày nay dễ dàng chấp nhận”, đó là nhận định của bà Anne-Marie Pelletier, người Pháp, giáo sư Kinh Thánh và môn chú giải tại Chủng viện Notre Dame ở Paris, người được trao giải Ratzinger năm 2014. (hdgmvietnam.org)