Điểm Tin Cuối Tuần

Điểm Tin Cuối Tuần: Chúa Nhật III Mùa Vọng – Năm C 13/12/2015

Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót. Năm Thánh Ngoại thường Lòng Thương Xót:“Bước qua Cửa Thánh có nghĩa là khám phá lại lòng thương xót vô biên của Chúa Cha, Đấng đón nhận tất cả mọi người và đích thân đến gặp từng người”. Năm Thánh Lòng Thương Xót đã chính thức khai mạc với nghi thức Mở Cửa Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày lễ Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội, 8 tháng Mười Hai 2015. Nghi thức diễn ra sau Thánh lễ cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô lúc 9g30 do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế cùng với 60 Hồng y, 100 Tổng giám mục và Giám mục, và gần 2.200 linh mục từ khắp nơi trên thế giới.

Mặc dù trời mưa, số người tham dự là hơn 50.000 người, trong đó có Tổng thống Sergio Mattarella và Thủ tướng Matteo Renzi của Italia; cựu Quốc vương Albert II cùng với Hoàng hậu Paola của Vương quốc Bỉ.

Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự nghi thức mở Cửa Thánh. Trước khi cử hành nghi thức, vị đương kim giáo hoàng đã gặp Đức giáo hoàng tiền nhiệm Bênêđictô XVI bên trong Đền thờ Thánh Phêrô và hai vị giáo hoàng đã ôm chào nhau. Bước qua Cửa Thánh đầu tiên  là Đức Thánh Cha Phanxicô, rồi đến Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô, và sau đó là các hồng y, giám mục và mọi người.

Chúa nhật 13-12 tới, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ mở Cửa Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô, và các Đức giám mục chính toà trên khắp thế giới cũng mở Cửa Thánh tại các Nhà thờ chính toà của các giáo phận. (hdgmvietnam.org)

Vatican. Toà Thánh mong muốn đào sâu thêm cuộc đối thoại với Do thái giáo. Hôm thứ Năm 10-12, Uỷ ban Liên lạc với Do Thái giáo thuộc Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất Kitô giáo đã giới thiệu bản “suy tư thần học” về một số vấn đề nhạy cảm.

Đây không phải là một tài liệu “huấn quyền” hay “giáo lý”, nhưng chỉ muốn làm phong phú và tăng cường chiều kích thần học của cuộc đối thoại giữa Do Thái giáo và Công giáo.

Bản suy tư được ấn hành trong khuôn khổ kỷ niệm năm mươi năm ban hành Tuyên ngôn Nostra Aetate.

“Kitô hữu và người Do Thái là nhất định phụ thuộc lẫn nhau”. “Cuộc đối thoại giữa hai bên không chỉ là một lựa chọn, nhưng là một bổn phận, đặc biệt về phương diện thần học”: năm mươi năm sau Công đồng Vatican II, Roma đã đưa ra một bản “suy tư thần học về mối quan hệ giữa người Công giáo và người Do Thái”.

Bản suy tư gồm khoảng 10 trang, được công bố hôm thứ Năm 10-12. Với nhan đề “Khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý (Rm 11,29)”, là kết quả của hai năm rưỡi làm việc miệt mài của Uỷ ban Liên lạc với Do Thái giáo, với sự hợp tác của Bộ Giáo lý đức tin. (hdgmvietnam.org)

Hàn Quốc. Giáo hội Hàn Quốc với sứ vụ ở Bình Nhưỡng. Bảy mươi năm kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia đôi, một phái đoàn khá đông các đại diện của Giáo hội Công giáo Hàn Quốc có thẩm quyền, lần đầu tiên đã vượt qua biên giới và khu phi quân sự qua ngả Trung Quốc và hiện đang ở thăm Bình Nhưỡng và các vùng khác của Bắc Triều Tiên, như một phần của chuyến viếng thăm chính thức có nhiều ý nghĩa, không chỉ đối với những người của Giáo hội.

Phái đoàn 17 thành viên gồm 4 giám mục, trong số này có Đức Tổng giám mục Hyginus Kim Hee-joong – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hàn Quốc, các linh mục và các đại diện của Uỷ ban hoà giải dân tộc Triều Tiên của Giáo hội Hàn Quốc trong tất cả các giáo phận. Đan viện phụ của dòng Bênêđictô là Blasio Park Hyun-dong, một dòng vốn có trụ sở ban đầu tại Bắc Triều Tiên, cũng có mặt trong phái đoàn.

Chuyến viếng thăm chính thức của phái đoàn diễn ra từ ngày 01 đến ngày 04 tháng 12. Có nhiệm vụ đối thoại chính thức với phái đoàn khách là các viên chức của Hiệp hội Công giáo Bắc Triều Tiên, một trong những cơ quan được chế độ Bắc Triều Tiên thành lập để nguỵ tạo thái độ “cởi mở” của mình trong lĩnh vực tự do tôn giáo. Nhưng theo dự đoán, các vị khách Hàn Quốc sẽ có thể có một số buổi gặp gỡ với các đại diện chính trị của Bắc Triều Tiên. Các giám mục và linh mục đến từ miền Nam cũng sẽ cố gắng cập nhật tình hình thực tế của các cộng đoàn Công giáo dường như vẫn còn hiện diện ở Bắc Triều Tiên. Các cộng đoàn này không còn linh mục để dâng lễ và giải tội trong nhiều chục năm qua. Giáo sư Byun Jin Heung cho biết, vào lúc Triều Tiên bị chia cắt, có ít nhất 55.000 người Công giáo ở Bắc Triều Tiên. Giáo sư Houng, người đã làm việc trong Uỷ ban hoà giải dân tộc Triều Tiên, nói thêm: “Nhìn vào những năm vừa qua, vào những người đã trốn thoát và các giai đoạn đàn áp, thực tế có thể nói rằng một vài ngàn người trong số họ có lẽ vẫn còn sống và đã âm thầm sống đức tin, như đã được chứng kiến ​​trong các giai đoạn khác của lịch sử Triều Tiên”. (hdgmvietnam.org)

Leave a Reply