Sắp bước vào Mùa Vọng- nghĩa là chuẩn bị đón chờ Chúa Giáng sinh, vậy câu hỏi đặt ra là Chúa Giêsu xuống thế làm người mang đến cho nhân loại điều gì?
Nếu không được phép trả lời “đó là vấn đề đức tin”, thì phần đông chúng ta không biết phải nói gì. Sự thiếu vắng câu trả lời ở đây làm xuất hiện một câu hỏi trong câu hỏi: chúng ta muốn hình ảnh đấng cứu thế như thế nào?
Câu hỏi này dễ trả lời hơn vì thuộc về con người. Đấng cứu thế mà thế gian mong đợi, ở mỗi thời mỗi khác: là bánh cho giai cấp vô sản, là đấu tranh chính trị giành chính quyền, là xuất hiện một nhân vật siêu anh hùng như các bộ phim của điện ảnh Hollywood. Đây chẳng phải là những đề nghị của tên cám dỗ trong hoang địa đó sao? Tuy rất thuyết phục và lôi cuốn, kinh nghiệm lịch sử lại nói cho chúng ta rằng, những phương cách trên chỉ dẫn đến sự giả trá và thất bại, vì thế gian vẫn là thế gian. Chúng ta không thể lấy mình làm trung tâm để “cho điểm” Đấng Cứu độ. Ngược lại, câu hỏi “Chúa Giêsu mang đến điều gì?” phải là trung tâm, không phụ tùy vào hình ảnh đấng cứu thế con người đặt tiêu chuẩn.
Nội dung: |
Tất nhiên, Ngôi Hai xuống thế làm người luôn là một mầu nhiệm. Nhưng chừng nào ta chưa cảm nhận được tính “hợp lý” của mầu nhiệm, khi đặt trong thân phận của con người, thì chừng đó đức tin và thực tế chúng ta sống vẫn còn là hai bờ xa lạ. Để trả lời câu hỏi “Chúa Giêsu mang đến điều gì?”, để lột tả sự mơn trớn của xu thời, của đám đông, của hứa hẹn, trong số này tôi muốn giới thiệu chú giải của Joseph Ratzinger (ĐGH Bênêdictô XVI) về trình thuật Chúa Giêsu bị cám dỗ- trình thuật phác họa tương quan giữa con người và Thiên Chúa.
Chúa Giêsu bị Cám Dỗ
(Mt 4, 1-11)
Sau khi chịu phép rửa, 1 Ðức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. 2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. 3 Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!” 4 Nhưng Người đáp: “Ðã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.”
5 Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, 6 rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” 7 Ðức Giêsu đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9 và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” 10 Ðức Giêsu liền nói: “Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Ðức Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
11 Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và kìa các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.
III. Chú giải của Joseph Ratzinger (ĐGH Bênêđictô XVI)
Trích Chương 2, Phần I, Đức Giêsu Thành Nazareth; bản dịch của Lm Aug Nguyễn Văn Trinh.
(…) Thánh Matthêu và thánh Luca trình thuật ba cơn cám dỗ của Đức Giêsu, trong đó cho thấy cuộc phấn đấu nội tâm của Đức Giêsu cho sứ vụ của mình, nhưng đồng thời cũng xuất hiện vấn nạn, cuộc sống của con người xoay quanh điều gì. Cội rễ của mọi cơn cám dỗ nổi bật ở đây- là việc đẩy Thiên Chúa ra khỏi những gì xuất hiện trong đời sống mà chúng ta xem là quan trọng; Thiên Chúa bị xem là như tùy phụ, nếu không dư thừa thì cũng gây rối. Thế giới tự sắp xếp cho chính mình, không cần đến Thiên Chúa; thế giới chỉ chấp nhận những thực tại chính trị và vật chất, và Thiên Chúa bị xem là ảo tưởng, là một cơn cám dỗ, hăm dọa chúng ta dưới nhiều hình thức.
Bản chất của cơn cám dỗ được hiểu như một thái độ luân lý: nó không mời chúng ta trực tiếp đến điều xấu, như thế thì quá vụng về. Nó giúp chúng ta thấy điều tốt: loại bỏ các ảo tưởng và sử dụng các sức lực của chúng ta thật hiệu quả để hoàn thiện vũ trụ. Nó xuất hiện dưới những đòi hỏi thực tiễn: điều thực tại là điều tiên quyết- quyền lực và lương thực. So sánh với những điều này, những gì thuộc Thiên Chúa xem ra không thực, như một thế giới tùy phụ, không cần đến.
Cám dỗ xoay quanh Thiên Chúa: Người có thực không? Hay không có? Người là sự thiện, hay chính chúng ta phải chế tác ra sự thiện? Vấn nạn về Thiên Chúa là vấn nạn căn bản đặt chúng ta vào giao điểm những con đường của hiện hữu nhân sinh. Đấng cứu độ trần gian phải làm gì hay không cần phải làm? Đó là câu hỏi được đặt ra trong các cơn cám dỗ của Đức Giêsu. Cả ba cơn cám dỗ trong Phúc Âm thánh Matthêu và thánh Luca giống nhau, nhưng trình tự lại khác nhau. Chúng ta theo cách trình bày của thánh Matthêu vì mức độ tiệm tiến trong kết cấu câu chuyện.
Đức Giêsu “sau khi ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, Người thấy đói” (Mt 4,2). Vào thời Đức Giêsu, con số 40 có một nội dung biểu trưng phong phú đối với Israel: trước tiên chúng gợi nhớ 40 năm dân Israel lang thang trong sa mạc, đó là thời gian thử thách nhưng cũng là thời gian gần gũi cách đặc biệt với Thiên Chúa. Tiếp đến, chúng giúp chúng ta liên tưởng đến 40 ngày ông Môisen ở trên núi trước khi được lãnh nhận Lời Chúa, các bản giao ước thánh. Chúng cũng gợi lên trình thuật Thánh Kinh nói về việc ông Abraham trèo lên núi Horeb để sát tế con mình, 40 đêm ngày không ăn không uống và chỉ được nhìn thấy thiên thần đồng hành và nghe ngài nói.
Các giáo phụ đã triển khai tính biểu trưng của các con số, và cho rằng con số 40 như con số của vũ trụ, như dấu chỉ bằng số về vũ trụ: 4 phương hướng chính bao trùm tất cả, và con số 10 là số giới răn. Con số vũ trụ được nhân lên với con số giới răn trở thành cách diễn tả biểu trung cho lịch sử thế giới này. Đức Giêsu một lần nữa phải vượt qua cuộc xuất hành của Israel, phải kinh qua những sai lạc và khủng hoảng của lịch sử; 40 ngày ăn chay bao trùm bi kịch lịch sử mà Đức Giêsu đón nhận vào trong mình và mang lấy nó đến cùng tận.
“Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi” (Mt 4,3)- cơn cám dỗ đầu tiên được khởi sướng như thế. “Nếu ông là Con Thiên Chúa”– chúng ta sẽ lại được nghe những lời này một lần nữa từ những kẻ chế nhạo dưới chân thập giá: “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt 27,40). Sách Khôn Ngoan đã thấy trước hoàn cảnh này: “Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù” (Kn 2,18). Chế nhạo và cám dỗ hòa lẫn với nhau nơi đây: Đức Kitô phải minh chứng cho những đòi hỏi của mình, để có thể tin được. Việc yêu cầu bằng chứng sẽ đi kèm suốt cuộc đời Đức Giêsu, vì người ta luôn trách cứ là Người đã không tự minh chứng đủ: đáng lý Người phải làm những phép lạ vĩ đại, để loại bỏ nghi ngờ, chống đối và cho mọi người thấy thật minh bạch, Người là ai, là gì và không phải là gì.
Chính chúng ta cũng đưa ra đòi hỏi với Thiên Chúa, với Đức Giêsu và với Hội Thánh của Người trong suốt lịch sử: Lạy Thiên Chúa, nếu Ngài hiện hữu, xin tỏ cho chúng con thấy Ngài! Vậy xin Ngài vén đám mây phủ kín Ngài và cho chúng con thấy rõ ràng, đó là điều chúng con có quyền đòi hỏi. Lạy Đức Kitô, nếu Chúa thật sự là Con Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là một người hiển đạt như luôn thấy xuất hiện trong lịch sử, thì xin cho thấy rõ ràng điều Ngài thực hiện. Và nếu Hội Thánh là Hội thánh của Ngài, thì xin ban cho Hội Thánh một chuẩn mực khác để thấy được thực chất của Hội Thánh.
Chúng ta sẽ trở lại điểm này vào cơn cám dỗ thứ hai, vì đó là trung tâm. Việc minh chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa, mà kẻ cám dỗ đề nghị trong cám dỗ thứ nhất, nằm ở chỗ biến những hòn đá trong sa mạc trở thành bánh. Trước tiên, điều này nhằm vào cơn đói của Đức Giêsu- như thánh Luca đã thấy: “Hãy truyền cho hòn đá này hóa bánh đi” (Lc 4,3). Nhưng thánh Matthêu chú giải cơn cám dỗ này rộng lớn hơn, như sẽ xuất hiện cho Đức Giêsu trong suốt cuộc đời tại thế của Người, và sẽ luôn đáo lại trong tất cả lịch sử.
Có điều gì bi đát và chống lại niềm tin Thiên Chúa tốt lành và niềm tin vào một Đấng cứu độ loài người cho bằng cơn đói của nhân loại? Tiêu chuẩn đầu tiên để minh chứng Đấng cứu độ trước trần gian và cho trần gian, không phải nằm trong việc Người ban bánh và qua đó chấm dứt mọi cơn đói của nhân loại hay sao? Khi dân Israel lang thang trong sa mạc, Thiên Chúa đã nuôi dân bằng bánh từ trời, bằng Manna. Qua đó người ta có thể nhận ra một hình ảnh về thời Messias: Đấng cứu độ trần gian có phải minh chứng căn tính của mình bằng cách cho mọi người ăn hay không? Vấn đề đói trong thế giới và nói cách chung, những vấn đề xã hội phải chăng là tiêu chuẩn đầu tiên và chính thức để đo lường sự cứu độ? Có ai tự cho mình là Đấng cứu độ mà không thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn này không? Chủ thuyết Mác-xít đã xác định lý tưởng này là cốt lõi của lời hứa cứu độ: Đấng ấy sẽ lo lắng để mọi cơn đói được chấm dứt và “sa mạc sẽ trở thành bánh”.
“Nếu ông là Con Thiên Chúa” một lời thách thức! Người ta cũng nói câu này với Hội Thánh: nếu Hội thánh muốn là Hội Thánh của Thiên Chúa, thì trước hết phải lo lương thực cho nhân loại đi, rồi những gì còn lại sẽ đến sau. Thực khó để trả lời thách thức này, vì chính tiếng kêu than của những kẻ đói khát vang lên trong tai và tâm hồn chúng ta. Người ta không thể hiểu câu trả lời của Đức Giêsu từ trong câu chuyện cám dỗ này được. Chủ đề lương thực xuyên suốt toàn bộ Phúc Âm và phải thấy trương độ rộng lớn của nó.
Có hai câu chuyện về bánh trong đời của Đức Giêsu. Việc hóa bánh cho năm ngàn người ăn, là những người đi theo Đức Giêsu vào hoang mạc. Tại sao ở đây Đức Giêsu lại làm, điều mà trong cơn cám dỗ lại từ chối? Nhiều người đến để nghe Lời Chúa, đã bỏ tất cả lại đằng sau lưng. Tâm hồn những người này mở ra cho Thiên Chúa và cho anh em, nên họ có thể nhận được lương thực cách đúng đắn. Về phép lạ hóa bánh có ba điểm nổi bật: việc tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm lời Người, tìm kiếm định hướng đúng đắn cho cả cuộc đời. Bánh chỉ được van xin Thiên Chúa một cách âm thầm. Cuối cùng, sự sẵn sàng của hai bên trở thành yếu tố căn bản cho phép lạ. Việc lắng nghe lời Chúa trở thành cuộc sống với Thiên Chúa và hướng dẫn từ niềm tin đến việc khám phá tha nhân. Đức Giêsu không dửng dưng trước cái đói của con người, trước nhu cầu vật chất của họ, nhưng Người đặt chúng vào liên hệ đúng đắn và trật tự thích hợp.
Câu chuyện thứ hai về bánh hướng vào câu chuyện thứ ba và như để chuẩn bị cho chuyện này: bữa tiệc cuối cùng trở thành bí tích Thánh Thể cho Hội Thánh và trở thành phép lạ thường xuyên của Đức Giêsu về bánh. Đức Giêsu tự trở thành hạt giống phải chết đi, để đem lại nhiều hoa trái (Ga 12,24). Người trở thành Bánh cho chúng ta để việc hóa bánh được tràn đầy cho đến tận cùng thế gian. Như thế, bây giờ chúng ta mới hiểu được lời của Đức Giêsu, rút từ Cựu ước (Đnl 8,3), để xua đuổi tên cám dỗ: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Về vấn đề này, có một câu nói nổi tiếng của vị linh mục Dòng Tên người Đức Alfred Delp bị Quốc xã hành hình: “Bánh quan trọng, tự do quan trọng hơn, nhưng trọng nhất là lòng trung thành kiên vững và sự tôn thờ không phản bội.”
Nơi nào trật tự này của các điều thiện hảo không được tôn trọng, nhưng bị đảo ngược, nơi đó không có công bằng, người ta sẽ không còn chú tâm để chăm sóc những kẻ đau khổ, sẽ xuất hiện những đổ vỡ và phá tán trong lãnh vực những điều thiện hảo vật chất. Nơi nào Thiên Chúa bị xem như thứ yếu, có thể bỏ qua một thời đoạn hay hoàn toàn, để dành chỗ cho những điều quan trọng hơn, thì những điều được đánh giá là quan trọng này cũng thất bại. Kinh nghiệm Mác-xít đã chứng minh hướng đi rất tiêu cực này.
Những hỗ trợ của phương Tây cho việc phát triển chỉ dựa thuần túy trên nguyên tắc kỹ thuật và vật chất, không những loại bỏ Thiên Chúa, nhưng còn đẩy con người lìa xa khỏi Thiên Chúa do sự kiêu ngạo về sự hiểu biết của mình, đã làm cho những nước kém phát triển trở thành thế giới thứ ba theo nghĩa hôm nay. Việc hỗ trợ loại bỏ các cơ cấu tôn giáo, đạo đức, xã hội và đưa tầm kỹ thuật của họ vào sự trống rỗng. Phương Tây tin rằng họ có thể biến đá thành bánh, nhưng rồi họ đã đưa đá thay vì bánh. Ở đây nhằm vào thẩm quyền của Thiên Chúa, nhằm vào chân nhận Người như một thực tại, mà không có Người sẽ không có gì tốt đẹp cả. Lịch sử không thể được định hướng do những cơ cấu vật chất bên ngoài Thiên Chúa được. Nếu tâm hồn con người không tốt, thì không có gì tốt được. Tất cả những gì thiện hảo từ tâm hồn con người chỉ có thể đến từ Đấng là sự Thiện Hảo.
Đương nhiên người ta có thể đặt vấn đề, tại sao Thiên Chúa không tạo dựng một thế giới trong đó nói lên sự hiện diện của Người; tại sao Đức Kitô khong để lại một nét huy hoàng nào khác của sự hiện diện Người. Đó là mầu nhiệm của Thiên Chúa và của con người, mà chúng ta không thể thấu đáo được. Chúng ta sống trong một thế giới, trong đó Thiên Chúa không phải là một điều gì hiển nhiên dễ nhận ra, nhưng phải qua một cuộc khai mở tâm hồn, một cuộc “xuất hành” ra khỏi “Ai Cập” để có thể tìm tòi và gặp gỡ. Trong thế giới này, chúng ta phải chống lại gạt gẫm của những triết học dối trá và nhận ra, chúng ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng từ sự vâng phục Lời Thiên Chúa. Và chỉ nơi nào sự vâng phục được thể hiện, nơi đó ước nguyện tạo cơm bánh cho mọi người sẽ càng ngày càng lớn dậy.
***
Chúng ta đi vào cơn cám dỗ thứ hai của Đức Giêsu mà ý nghĩa biểu trưng thật khó hiểu. Cơn cám dỗ như một thị kiến, tổng hợp một thực tại, một thử thách đặc biệt cho con người và cho trách nhiệm của Đức Giêsu. Trước tiên là một lời gây hấn. Ma quỷ trích lời Thánh Kinh để đưa Đức Giêsu vào bẫy. Nó trích Thánh Vịnh 91,11-12 nói về sự che chở của Thiên Chúa đối với những kẻ trung tín. “Bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Những lời này còn có một giá trị quan trọng đặc biệt, vì được nói lên ngay trong Thành Thánh. Thật vậy, Thánh vịnh được trích dẫn liên kết với Đền Thờ; người cầu nguyện với Thánh vịnh này, chờ đợi sự che chở trong Đền Thánh, vì Nhà Chúa phải là nơi đặc biệt để có được sự che chở của Thiên Chúa. Có nơi nào con người tin Chúa thấy an tâm cho bằng trong khuôn viên thánh của Đền Thờ. (Trính Gnilka, Phúc âm thánh Matthêu, trang 88t). Ma quỷ cho thấy mình cũng là người hiểu biết Thánh Kinh, biết trích thánh vịnh cách chính xác. Cuộc đối thoại trong cám dỗ thứ hai mang hình thức tranh luận giữa hai nhà thông luật. Joachim Gnilka ghi chú: ma quỷ xuất hiện dưới hình dạng một nhà thần học.
Wladimir Solowjew ghi lại đề tài này trong tác phẩm Trình thuật ngắn về tên Phản Kitô: Tên Phản Kitô nhận được bằng tiến sĩ danh dự honoris causa về mặt thần học của đại học Tubingen; đó là một người am hiểu Thánh Kinh thật sâu sắc. Solowjew dùng cách trình bày này để nói lên sự nghi ngờ của mình đối với mẫu người thông thái về Thánh Kinh vào thời của ông. Đây không phải là việc phủ nhận khoa Kinh Thánh, nhưng là một lời cảnh cáo cần thiết trước những sai lệch có thể xảy ra. Việc giải thích Thánh Kinh có thể trở thành công cụ cho tên Phản Kitô. Điều này không phải chỉ đến thời Solowiew mới có, nhưng đã xuất hiện trong câu chuyện cám dỗ. Từ những thành quả xem ra có vẻ thành công của môn chú giải Thánh Kinh, đã xuất hiện những tác phẩm xấu xa phá vỡ hình ảnh Đức Giêsu, làm giảm sút đức tin.
Ngày nay, Tháng Kinh phải lệ thuộc vào tiêu chuẩn hình ảnh của thế giới hiện đại mà tín điều căn bản của nó là: Thiên Chúa không thể hành động trong lịch sử- đến độ tất cả những gì dính dáng đến Thiên Chúa, đều bị đưa vào bình diên chủ quan. Như thế, Thánh Kinh không còn nói về Thiên Chúa nữa, về Thiên Chúa sống động, nhưng chỉ có chúng ta nói và xác định điều Thiên Chúa có thể làm những gì chúng ta muốn làm và phải làm. Tên Phản Kitô xuất hiện như một nhà khoa học thông thái nói với chúng ta rằng, khoa chú giải Thánh Kinh trong niềm tin vào Thiên Chúa hằng sống và chú tâm về Người, thực ra chỉ là một thái độ biện giải (Fundamentalismus); chỉ có môn chú giải của mình, thuần túy theo khoa học, mới thực sự ở cao độ trong thời đại hôm nay, trong đó Thiên Chúa không nói gì và không có gì để nói.
Cuộc tranh luận thần học giữa Đức Giêsu và ma quỷ sẽ là cuộc tranh luận trong mọi thời đại xoay quanh việc chú giải đúng đắn Kinh Thánh, mà vấn đề nền tảng chú giải là vấn đề về hình ảnh Thiên Chúa. Cuộc tranh luận về chú giải cuối cùng là tranh luận về Thiên Chúa là ai. Việc đấu tranh về hình ảnh của Thiên Chúa, xoay quanh việc chú giải chính xác, chỉ tìm được cách diễn đạt đúng đắn trong hình ảnh của Đức Kitô: Có phải Người, Đấng không dính dáng gì đến quyền lực trần thế, thực sự là Con Thiên Chúa hằng sống hay không?
Như thế câu hỏi về cơ cấu của cuộc trao đổi đáng kinh ngạc về Thánh Kinh giữa Đức Kitô và tên cám dỗ trực tiếp đi vào vấn nạn trọng tâm của nội dung. Vậy câu chuyện nhắm vào điều gì? Người ta thấy cảm dỗ này tập trung vào chủ đề “Bánh và trò chơi- panem et circenses”: sau khi đã có lương thực đầy đủ, bây giờ phải đến trò chơi kích động, việc no đầy về thể xác xem ra đối với con người vẫn chưa đủ; tên cám dỗ không muốn để cho Thiên Chua hiện diện trong trần gian và nơi con người, phải đem đến những giây phút căng thẳng để thay thế và trấn át những cảm nghiệm tôn giáo. Nhưng có lẽ điều đó không muốn gợi ở đây, vì trong cơn cám dỗ hình như không có khán giả.
Trọng điểm xuất hiện trong câu trả lời của Đức Giêsu rút từ sách Đệ Nhị Luật (6,16): “Anh em đừng thách thức Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em”. Lời này trong sách Đệ Nhị Luật ám chỉ câu chuyện Israel bị cơn khát hăm dọa trong sa mạc. Thế là dân nổi loạn chống ông Môisen, đó cũng là nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Thiên Chúa phải cho thấy Người là Thiên Chúa. Cuộc nổi loạn chống Thiên Chúa được diễn tả trong Thánh Kinh: “Con cái Israel đã gây sự và thử thách Đức Chúa mà rằng: ‘Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?’ ” (Xh 17,7). Như thế, ở đây nhằm vào điều đã được báo trước: Thiên Chúa phải đối mặt với thử thách. Người bị “khảo nghiệm”, như người ta xem xét các đối tượng mua bán. Người phải lệ thuộc vào những điều kiện do chúng ta đưa ra để kiểm chứng mức độ xác tín của chúng ta. Nếu như Người không thực hiện sự che chở được nói trong Thánh Vịnh 91, thì Người không phải là Thiên Chúa. Như thế Người sẽ dối trá trong ngay chính lời Người và với chính bản thân.
Vấn nạn lớn lao, làm thế nào con người có thể nhận ra Thiên Chúa và làm thế nào con người không thể nhận ra Người; làm thế nào con người có thể bắt liên lạc được với Thiên Chúa và làm thế nào con người có thể đánh mất Thiên Chúa? Sự kiêu ngạo, muốn biến Thiên Chúa thành một đối tượng và đặt cho Người những điều kiện khảo sát của phòng thí nghiệm, sẽ không thể nào tìm gặp được Người, vì giả thiết là phải phủ nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa, vì chúng ta đứng trên Người; vì chúng ta phủ nhận chiều kích trọn vẹn của tình yêu, của việc lắng nghe trong tâm hồn và chỉ nhận những gì có thể khảo sát được trong tầm tay của chúng ta là thực. Ai nghĩ như thế, sẽ biến mình trở thành Thiên Chúa và không những hạ thấp Thiên Chúa, nhưng còn hạ thấp cả vũ trụ và chính bản thân mình.
Cảnh trên đỉnh Đền Thờ giúp chúng ta có cái nhìn về thập tự. Đức Kitô đã không từ đỉnh cao Đền Thờ nhảy xuống, Người cũng không nhảy xuống vực sâu. Người đã không thử thách Thiên Chúa, nhưng đã bước xuống vực sâu của cái chết, trong đêm tối bị bỏ rơi, không có chút gì để tự vệ. Người đã dám thực hiện bước nhảy này như hành động yêu thương loài người của một Thiên Chúa. Vì thế, Người ý thức rằng khi nhảy xuống, Người hoàn toàn rơi vào bàn tay nhân ái của Thiên Chúa. Đây mới là ý nghĩa thực sự của Thánh vịnh 91, phần thưởng cho sự tin tưởng trọn vẹn nằm trong câu: ai tuân theo thánh ý Thiên Chúa, sẽ biết rằng trong mọi cơn khủng hoảng, mình sẽ không bao giờ mất sự che chở cuối cùng của Thiên Chúa. Người đó biết rằng, nền tảng của vũ trụ là tình thương và cho dù có gặp hoàn cảnh không ai có thể cứu giúp hay muốn cứu giúp, họ vẫn tin tưởng vào Đấng yêu thương mình. Một sự tin tưởng như thế- nhờ Thánh Kinh củng cố và Đấng Phục sinh mời gọi- hoàn toàn khác với sự thách thức Thiên Chúa, chỉ muốn biến Thiên Chúa trở thành nô lệ cho mình.
***
Chúng ta đến cơn cám dỗ thứ ba cũng là cơn cám dỗ cuối cùng, đỉnh cao của toàn câu chuyện. Trong ảo giác, ma quỷ đưa Chúa lên một ngọn núi cáo, chỉ cho Người mọi vương quốc trần gian cùng với tất cả vinh quang và mời Người đón nhận vương quyền thống trị thế giới này. Đấy không phải là sứ vụ của Đấng Messia sao? Người không phải là vua vũ trụ sao? Kết hợp thế giới vào vương quốc vĩ đại của bình an và hạnh phúc sao? Như cơn cám dỗ về bánh đưa đến hai phản ánh trong lịch sử Đức Giêsu, hóa bánh và Tiệc ly, thì đây cũng thế.
Chúa phục sinh quy tụ tất cả những người thuộc về mình “trên núi” (Mt 28,16). Và người nói “Thầy được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,16). Ở đây, chúng ta gặp hai phương diện thật mới và khác biệt: Chúa có quyền năng trên trời dưới đất. Và ai có toàn quyền như thế, cũng có quyền năng thực sự để cứu độ. Không có trời, quyền lực ở dưới đất sẽ hàm hồ và gãy đổ. Chỉ có quyền lực, chấp nhận tiêu chuẩn và sự thẩm phán của trời, tức là Thiên Chúa, mới có thể trở thành quyền lực được định hướng vào điều thiện hảo. Chỉ có thể phó thác vào quyền lực được Thiên Chúa chúc phúc mà thôi.
Còn có một phương diên khác nữa: Đức Giêsu là Đấng Phục Sinh mới có được quyền lực này; điều này có ý nghĩa là: quyền lực này giả thiết đã có thập tự, phải có cái chết đi trước. Nó giả thiết một ngọn núi khác- đó là Golgotha, nơi Người bị cười nhạo, bị những kẻ thân thuộc bỏ rơi, bị treo trên thập giá và chết. Vương quốc của Đức Kitô khác với vương quốc trần gian và vinh quang của chúng, như Satan đã cho thấy. Vinh quang này, như thuật ngữ Hy Lạp doxa phát biểu, là hình bóng, dễ tan vỡ. Vương quốc của Đức Kitô không có thứ vinh quang đó. Vương quốc này phát triển qua việc rao giảng thật khiêm tốn nơi những ai muốn trở thành môn đệ của Người, được thanh tẩy trong danh Chúa Ba Ngôi và tuân giữ giới răn của Người (Mt 28,19t).
Chúng ta trở lại cơn cám dỗ. Nội dung chính yếu của nó rất dễ nhận ra, dù xuất hiện dưới nhiều hình dạng trong suốt lịch sử. Đế quốc Kitô giáo tìm cách biến đức tin trở thành động lực chính trị cho sự thống nhất đế quốc. Vương quốc Đức Kitô bấy giờ mang hình dạng một vương quốc chính trị với vinh quang của nó. Quyền lực chính trị và quân sự đã xóa đi sự bất lực của đức tin, bất lực trần thế của Đức Giêsu Kitô. Qua bao nhiêu thế kỷ, biết bao hình thức của cám dỗ này xuất hiện, để đức tin được quyền lực bảo đảm, nhưng chính đức tin lại gặp nguy hiểm, phải chết ngạt trong vòng tay quyền lực. Cuộc chiến đấu cho Hội Thánh được tự do, cuộc chiến giúp cho vương quốc của Đức Giêsu không bị đồng hóa với bất cứ cơ cấu chính trị nào, phải diễn ra trong mọi thời đại. Vì cái giá phải trả cho việc trộn lẫn đức tin với quyền lực chính trị nằm ở chỗ: cuối cùng đức tin chỉ phục vụ cho quyền lực và phải cúi đầu theo tiêu chuẩn của chính trị.
Trong tường trình khổ nạn của Chúa, nổi bật nhất là việc phải chọn lựa một trong hai dưới dạng khiêu khích. Khi cuộc xét xử đạt đến đỉnh cao, Philato đưa Đức Giêsu và Baraba cho dân chúng chọn lựa. Một trong hai sẽ được thả tự do. Nhưng Baraba là ai? Chúng ta quá quen với cách nhìn của Phúc Âm thánh Gioan: “Mà Baraba là một tên cướp” (Ga 18,40). Nhưng thuật ngữ “tên cướp” có thể, trong hoàn cảnh chính trị ngày xưa trong xứ Palestina, mang một ý nghĩa đặc biệt. Thuật ngữ này có nghĩa như một “chiến sĩ cách mạng”. Baraba tham gia vào một cuộc nổi dậy (Mc 15,7) và bị tố là đã giết người (Lc 23,19.25). Thánh Matthêu nói, Baraba là “một người tù khét tiếng”, điều này cho thấy anh ta là một người nổi tiếng trong số các chiến sĩ và có lẽ là thủ lĩnh của cuộc nổi dậy này (27,16).
Nói cách khác: Baraba là một gương mặt Mêssias. Việc chọn lựa giữa Đức Giêsu và Baraba không phải là tình cờ; hai gương mặt Mêssias, hai hình thức của chủ thuyết Mêssias (Messianismus) đối diện nhau. Điều này càng nổi bật hơn nữa, nếu chúng ta suy nghĩ, “Bar-abbas” có nghĩ là “Con của Cha”. Đó là cách gọi đặc thù cho người được tôn trọng là Đấng Mêssias, một tước hiệu tôn giáo của người lãnh đạo nổi bật một trong trào Mêssias. Cuộc chiến mang tính Mêssias lớn láo của người Do Thái vào năm 132 scn do Bar-Kochba—“Con của ngôi sao”—lãnh đạo. Đó là một cách tạo danh tính; ý đồ này chúng ta đã thấy nơi Baraba.
Nhờ Origenes, chúng ta thấy được một chi tiết rất thú vị: trong nhiều bản Phúc Âm viết tay cho đến thế kỷ thứ III, người này lại có tên là “Jesus Baraba- Jesus Con của Cha”, một người như alter ego- con người khác của Đức Giêsu, cùng chung chí hướng, nhưng lại có hành động khác biệt. Việc chọn lựa giữa một Đấng Messias, lãnh đạo cuộc chiến, hứa đem lại sự tự do và một vương quốc thực thụ của mình, và một Đức Giêsu đầy bí nhiệm, Đấng tự hiến mình để tìm con đường dẫn đến sự sống. Có gì lạ, khi đám đông lại chọn Baraba không? (Vittirio Messori trình bày rõ ràng hơn trong quyển Gelitten unter Pontius Pilatus- chịu chết dưới thời quan Phonxiô Philatô bản tiếng Đức: Adamas, Koln 1997, trang 64-76).
Ngày hôm nay, chúng ta phải chọn lựa, hỏi rằng Đức Giêsu thành Nazareth, Con bà Maria, Con của Thiên Chúa, còn có một cơ may nào không? Chúng ta có thật sự biết Đức Giêsu không? Chúng ta có hiểu Người không? Chúng ta có thực sự cố gắng hôm qua như hôm nay để làm quen với Người không? Tên cám dỗ không quá thô lỗ để đề nghị trực tiếp chúng ta thờ lạy ma quỷ. Nó chỉ đề nghị chúng ta quyết định cho điều hợp lý, cho sự ưu tiên của một thế giới đã được tổ chức và quy hoạch, trong đó Thiên Chúa chỉ có một vị trí thật riêng tư, không có quyền xen vào các vấn đề chính yếu của chúng ta. Solowjew đã viết về tên Phản Kitô một quyển sách, Con đường mở rộng đến tự do và thịnh vượng của thế giới; cuốn sách này có thể nói đã trở thành quyển Thánh Kinh, có nội dung là thờ phượng sự thịnh vượng và quy hoạch hợp lý.
Cơn cám dỗ thứ ba của Đức Giêsu được xem như căn bản- đó là vấn nạn, Đấng cứu độ thế gian phải làm gì. Cơn cám dỗ này xuyên suốt cuộc đời Đức Giêsu nó xuất hiện một lần nữa vào khúc quanh quyết định cho con đường của Người. Thánh Phêrô đại diện cho các môn đệ tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Messias- Christus, Con Thiên Chúa hằng sống và như thế đã công thức hóa niềm tin; niềm tin này xây dựng Hội thánh và khai sinh một cộng đoàn đức tin đặt nền tảng trên Đức Kitô. Nhưng ngay trong giây phút quyết định đó, ngược với “ý kiến của người ta” để nói lên nhận thức quyết định về Đức Giêsu và cũng từ đó khởi đầu hình thành một gia đình mới của Người, thì tên cám dỗ cũng đã đứng đó- nguy hiểm, xoay ngược tất cả. Chúa lập tức giải thích để giúp hiểu ý niệm về Đấng Messias dựa theo toàn bộ sứ điệp ngôn sứ: ý niệm này không nói lên một quyền lực trần thế, nhưng là thập tự và một cộng đoàn hoàn toàn khác biệt xuất hiện nhờ thập tự.
Nhưng thánh Phêrô lại không hiểu: Ông liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nếu chúng ta nhìn lời này trong liên hệ với câu chuyện cám dỗ- như một cách gợi lại trong giây phút quyết định- chúng ta sẽ hiểu được câu trả lời thật nặng nề của Đức Giêsu: “Satan, lui ra đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 26,22-23).
Nhưng chúng ta nói gì về Đức Giêsu đây, sứ điệp của Người đưa đến việc chống lại các ý kiến thịnh hành, rồi sẽ đưa đến thất bại, đau khổ, và cả việc bách hại? Ngày nay, đế quốc Kitô giáo hay quyền lực trần thế của Đức Giáo Hoàng không còn là những cơn cám dỗ nữa; nhưng nếu coi Kitô giáo là biện pháp cho sự phát triển và sự thịnh vượng cho mọi người như mục đích của mọi tôn giáo và của cả Kitô giáo nữa, thì đó là dạng thức mới của chính cơn cám dỗ này. Ngày nay nó xuất hiện dưới hình thức câu hỏi: Đức Giêsu đã đem lại điều gì, nếu như Người không đem đến một thế giới tốt đẹp hơn? Đó không phải là nội dung của hy vọng Mêssias sao?
Trong Cựu Ước có hai hướng hy vọng đan xen nhau: sự mong chờ một thế giới được cứu độ, nơi đó sói dữ nằm cận kề chiên con (Is 11,6), nơi đó mọi dân nước sẽ tiến về núi Sion và sẽ thực hiện điều tiên tri: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái” (Is 2,2-4; Mi 4,1-3). Kề bên đó là cái nhìn về người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, một Đấng Messias, Đấng cứu độ khi đón nhận sự khinh dể và khổ đau. Trong suốt đường đời và trong những cuộc trao đổi sau phục sinh, Đức Giêsu phải chỉ cho các môn đệ thấy, ông Môisen và các ngôn sứ đã nói về Người, về con người bên ngoài không có chút quyền lực, về người đau khổ, bị đóng đinh và phục sinh; Người phải chỉ cho thấy, nhờ đó mà các lời hứa được thành tựu. Chúa nói với các môn đệ đi về làng Emmaus: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (Lc 24,25) và Người cũng phải luôn nói với chúng ta suốt bao thế kỷ, vì chúng ta luôn nghĩ rằng, đáng lý Người phải mang đến cho chúng ta một thời đại hoàng kim, nếu như Người là Đấng Messias.
Nhưng Đức Giêsu cũng phải nói với chúng ta điều Người đã chống lại Satan, điều Người nói với thánh Phêrô và điều Người đã giải thích cho các môn đệ làng Emmaus: không một vương quốc trần gian nào là vương quốc của Thiên Chúa, là tình trạng cứu độ của nhân loại. Vương quốc của con người vẫn luôn là vương quốc của con người, và ai cho rằng mình có thể thiết lập một thế giới cứu độ, người đó sẽ lặp lại câu giả trá của Satan và thao túng vũ trụ trong tay mình.
***
Như thế, vẫn còn câu hỏi quan trọng đi theo chúng ta suốt cả quyển sách: Đức Giêsu đã mang lại điều gì, nếu Người không đem lại được bình an cho thế giới, thịnh vượng, hạnh phúc cho mọi người, không đem một thế giới tốt đẹp hơn? Vậy thì Người đem lại điều gì?
Câu trả lời thật đơn sơ: Thiên Chúa. Người đem Thiên Chúa đến cho chúng ta. Người đem Thiên Chúa đến, mà gương mặt của Thiên Chúa này từ thời ông Abraham, sang ông Môisen và các ngôn sứ đến các sách Khôn Ngoan chỉ dần dần tỏ lộ- Thiên Chúa, Đấng chỉ tỏ hiện gương mặt thật của mình trong Israel và chỉ được tôn thờ dưới nhiều bóng dáng mờ ảo trong các dân tộc trên thế giới- Chính Đức Giêsu mang Thiên Chúa này, Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacop, Thiên Chúa chân thật đến cho muôn dân trên trái đất.
Người đã đem Thiên Chúa đến: từ đấy, chúng ta biết được gương mặt của Ngài, từ đấy, chúng ta có thể kêu khấn đến Ngài. Từ đấy, chúng ta biết được con đường mà chúng ta là con người phải đi trong trần thế. Đức Giêsu đã đem Thiên Chúa đến và cùng lúc đem chân lý về nguồn gốc và vận mệnh của chúng ta; Người cũng đem đức tin, hy vọng và tình yêu đến cho chúng ta. Vì sự cứng lòng mà chúng ta cho như thế là quá ít. Đương nhiên, quyền lực của Thiên Chúa trong vũ trụ thật nhẹ nhàng, nhưng đó mới thực là quyền lực đích thực và tồn tại. Câu chuyện về Thiên Chúa luôn nằm trong “khắc khoải”, nhưng luôn minh chứng điều tồn tại và cứu độ. Vương quốc trần gian mà ngày xưa Satan đã chỉ cho Chúa thấy, tất cả đều sụp đổ. Vinh quang của chúng, “Doxa” của chúng, chỉ là bọt bèo. Nhưng vinh quang của Chúa Kitô, vinh quang khiêm tốn và đầy khổ đau của tình yêu Người, đã không mất đi, nhưng tồn tại mãi mãi.
Đức Giêsu đã chiến thắng trong cuộc chiến với Satan: Người đã đưa thiên tính của Thiên Chúa để đối mặt với việc thần hóa cách dối trá về quyền lực và hạnh phúc, với lời hứa dối trá về một tương lai cho mọi người do quyền lực và kinh tế- Thiên Chúa mới đích thực là Đấng thiện hảo cho loài người. chúa đã đưa lời rút từ sách Đệ Nhị Luật để đối kháng lại lời mời tôn thờ quyền lực- Satan cũng trích dẫn từ quyển sách này- để chỉ dạy: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4,10; Đnl 6,13). Giới răn căn bản của Israel cũng là giới răn căn bản của các Kitô hữu: chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi. Chúng ta sẽ nhìn bài giảng trên núi để thấy trong đó nói lên sự tùng phục cho bia đá thứ hai- tôn trọng tha nhân, tình yêu đối với người thân cận. Như nơi thánh Marcô, thánh Metthêu cũng kết thúc câu chuyện cám dỗ với lời như sau: “Kìa các sứ thần đến hầu hạ Người” (Mt 4,11; Mc 1,13). Như thế ứng nghiệm lời Thánh vịnh 91,11: các thiên thần hầu hạ Người: Người minh chứng mình là Con Thiên Chúa vì thế mà trời đã mở ra trên Người; ông Giacop mới, vị tổ phụ của một Israel phổ quát (Ga 1,51; St 28,12).