Chia Sẻ Tài Liệu

Từ Sự Tích Đức Mẹ Trà Kiệu, Phác Thảo Một Vài Nhân Tố Cho Thánh Mẫu Học Việt Nam

TraKieu.net: Vấn đề văn hoá và đức tin, nhất là vấn đề lòng sùng kính bình dân theo vùng miền dưới sự soi dẫn của thần học cần luôn được nghiên cứu và minh định. Cũng vậy, Đức Mẹ và Thánh Mẫu Học Việt Nam cũng cần được nghiên cứu dưới cái nhìn thần học để lòng tin trong thực hành đạo đức bình dân được đức tin chính thống nhìn nhận. 

Dưới đây là bản dịch của Lm Marcello Đoàn Minh, trích đoạn từ cuốn sách “In Our Own Tongues: Perspectives from Asia on Mission and Inculturation” của Lm Tiến sĩ Peter Phan Đình Cho, Giáo sư các Đại học Công Giáo tại Hoa Kỳ, nguyên Chủ tịch Hội Thần học Công giáo Hoa Kỳ. Lm Cho là người có rất nhiều tác phẩm về văn hoá và đức tin, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Á Châu.

Tuy trong bản Việt ngữ về phần Đức Mẹ Trà Kiệu có đôi chỗ cần được trao đổi thêm và cũng như các vấn đề suy tư cũng còn khá mới mẻ, nhưng vì tôn trọng tác giả và để rộng đường trao đổi, TraKieu.net xin đăng nguyên văn.

TỪ SỰ TÍCH ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU,

PHÁC THẢO MỘT VÀI NHÂN TỐ

CHO THÁNH MẪU HỌC VIỆT NAM[1]

Vào năm 1885, Giáo hội Công Giáo Việt Nam (CGVN) phải hứng chịu một đợt sóng bách hại khác. Sau khi vua Tự Đức băng hà (1883), vị vua trẻ Hàm Nghi lên ngôi vào năm 1884, khởi xướng phong trào Cần Vương (phò vương, bảo vệ nhà vua) nhằm mục đích chống lại thế lực của thực dân Pháp. Phong trào này, gồm hầu hết quan chức trong triều đình, theo đường lối giải phóng của vua Hàm Nghi, đã tàn lụi khi vua Hàm Nghi bị Pháp bắt vào năm 1888 và đày sang Algeria.

Một phong trào khác là ‘Văn Thân’ (phong trào của những người tri thức), trong đó có nhiều người đã gia nhập phong trào Cần Vương. Họ hô hào: “Bình Tây Sát Tả” (giết người Tây phương và người theo ‘tà đạo’; hai cụm từ dùng để gọi người Pháp và người CG. Làng Trà Kiệu bấy giờ có chừng 900 dân thuộc tỉnh Quảng Nam, phía nam của Huế, có một xứ đạo nhỏ.

Theo tường trình của M. Geffroy, vào ngày mồng 01 tháng 9 năm 1885, giáo xứ Trà Kiệu với cha xứ là cha Bruyère, bị quân Văn Thân bao vây. Tuy nhiên họ chỉ bao vây, hôm sau mới đánh. Những người CG thất thế, một đọ với ba, với một ít vũ khí. Cha Bruyère khuyên họ đặt niềm tin nơi Đức Mẹ Maria bằng cách bày tượng Đức Mẹ trên bàn, hai bên để đèn nến. Trong khi thanh niên trai tráng chiến đấu, thì những người già, phụ nữ, trẻ em lần chuỗi. Quân Văn Thân bị cầm giữ ngoài bãi mấy ngày. Thấy không làm chi được, họ liền lấy súng cà-nông bắn vào nhà thờ. Tuy nhiên quân Văn Thân hết sức lấy làm lạ vì các quả đạn cà-nông có mục tiêu quá dễ mà lại nhắm sai hoài. Về sau một quan chức thú nhận rằng ông thấy một bà áo trắng đứng trên nóc nhà thờ và ông cố nhắm bắn vào bà nhưng lúc nào cũng lệch. Quân lính nói rằng trong hai ngày, bà này đứng trên nóc nhà thờ và họ cố hết sức nhưng không bắn bà được.

Vào ngày 21 tháng 9, Văn Thân tấn công lần chót vào giáo xứ Trà Kiệu. Những người CG thấy chỉ còn cách tấn công thì mới bảo vệ được, cho dù họ ít oi và thiếu vũ khí. Họ xông vào quân Văn Thân đang chiếm giữ hai ngọn đồi. Văn Thân thúc voi xông vào người CG nhưng voi không chịu đi. Những nài voi nói rằng: voi sợ vì có hàng trăm trẻ em mặc đồ trắng và đỏ từ trong bụi trẻ đi ra và nhập đoàn với người CG tiến về phía họ. Bấy giờ, một giáo dân bắn gục vị tướng Văn Thân, làm cho hàng ngũ Văn Thân tán loạn. Giáo dân tin rằng chiến thắng có được là nhờ ơn Đức Mẹ phù hộ.

Cũng như trong truyện Đức Mẹ La Vang, không có cách nào để xác minh sự kiện Văn Thân thấy bà áo trắng hiện ra đứng trên nóc nhà thờ để bảo vệ nhà thờ hay việc họ thấy đoàn trẻ em bận áo trắng và đỏ từ trên bụi tre đi xuống hợp đoàn cùng quân của người Trà Kiệu. Tuy nhiên, giáo dân gán cho Đức Mẹ sự can thiệp lạ lùng giúp họ chiến thắng đội quân mà quân số và khí giới vượt trội họ.  Vào năm 1898 một nhà nguyện được xây dựng dâng kính Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu trên đồi Bửu Châu, và vào năm 1959 và 1971 các đoàn người hành hương đông đảo đổ xô về trung tâm Thánh Mẫu này.

HƯỚNG VỀ MỘT THÁNH MẪU HỌC VIỆT NAM

  • ĐỨC MARIA, MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Theo đường lối canh tân của Công đồng Vatican II, thánh mẫu học cũng như bất kỳ khảo luận thần học khác đều phải tái cấu trúc lại. Người ta đặt lại vấn đề về những cách tiếp cận cơ bản trong các môn học về Chúa Ki-tô, về Đức Chúa Thánh Thần, về giáo hội. Một số giáo thuyết về Đức Mẹ (chẳng hạn như sự đồng trinh của Đức Mẹ) thành tiêu điểm để rà xét. Thần học về nữ quyền tác động mạnh trong việc tái hình dung Đức Mẹ. Đối thoại liên tôn cũng góp phần như thế.  Mới đây, các tiến bộ trong thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi đặt Đức Maria liên kết mật thiết hơn với Thiên Chúa Ba Ngôi. Thêm vào đó, người ta thấy nhiều điểm sáng tích cực khi khảo sát các việc tôn sùng Đức Maria.

Tách biệt khỏi thế giới thần học ở miền bắc từ năm 1954 và ở miền nam từ năm 1975, VN không thể bắt nhịp với những chiều hướng mới đây trong thánh mẫu học. Mặc dù có những canh tân theo Vatican II, CGVN, cách riêng ở miền bắc, đã bình chân như vại trước các thay đổi và phát triển, do hoàn cảnh chính trị kinh tế bị o ép. Riêng về thánh mẫu học, thần học VN duy trì một “thánh mẫu học của những ân huệ” như ta thấy rõ trong các chiều hướng thần học.

Tuy nhiên, lịch sử và văn hóa VN cống hiến những nguồn lực hữu dụng để xây dựng thánh mẫu học có ý nghĩa không những với người VN mà còn hòa hợp với truyền thống thần học và Thánh kinh mà giới học giả hiện đại đang thảo luận và thẩm định. Ở đây tôi chỉ xin phác họa chân dung Đức Maria với những đường nét lớn. Tôi không nhằm làm một thánh mẫu học VN cho bằng đưa ra một trong những cách thế hình dung Đức Maria phù hợp với đặc tính văn hóa Việt Nam.

  • BÁCH HẠI

Theo truyền thuyết, cả ở La Vang lẫn Trà Kiệu, Đức Mẹ đều hiện ra trong bối cảnh bách hại đạo; đây là điều rất khác với các lần Đức Mẹ hiện ra ở các nơi khác, chẳng hạn ở Lộ Đức hay Fatima. Đức Mẹ hiện ra ở La Vang và ở Trà kiệu với tư cách một người mẹ bảo vệ che chở, đầy tình yêu thương và lòng thương xót đối với đoàn con đang gặp khốn khổ gian nan. Đức Mẹ không gửi sứ điệp đoán phạt ngày sau cùng nếu như người VN không sám hối; ngài cũng không đòi hỏi phải làm gì để đền đáp các ơn huệ của ngài. Trái lại Đức Mẹ, với lòng thương nhưng không, đã cứu thoát họ và hứa lắng nghe lời họ kêu xin. Nói khác đi, ngài đầy lòng thương xót và yêu thương. Ngài cùng cam chịu và bảo vệ người VN vì họ phải lâm cảnh khốn khổ.

Có lẻ hình tượng Đức Mẹ, hiện thân tấm lòng thương xót của Thiên Chúa, lôi cuốn rất mạnh mẽ người VN, có đạo hay không, đến với ngài. Đức Phật cũng được trình bày như là người có lòng thương xót vô bờ với chúng sinh đau khổ và ngài đã dạy con đường bát chính đạo cho họ thoát khổ và giác ngộ. Ba trong bốn đức tính Đức Phật nhấn mạnh để đạt Phật tính hay giác ngộ liên quan tới lòng thương xót và nhân từ:

1/ Từ (metta, đôi khi được dịch là ‘thân thiện’): là tình yêu vô vị lợi, phổ quát, rộng mở bao la;

2/ Hỉ (mudita): là niềm vui vì thành công và an hảo của người khác;

3/ Bi (karuna): là lòng thương xót dành cho mọi sinh linh đang khổ không coi mình hơn họ. Karuna không phải là mối thiện cảm thuần cảm xúc, một sự luyến ái hay sự rung cảm suông đối với người khác; nhưng đúng hơn, đó là lòng thương xót dẫn tới hành động tích cực, nhân danh bạn của những người bạn đang gặp khổ….

Ở VN cũng như ở Trung quốc, Nhật bản và Hàn quốc, vị Phật Bà Quan Âm Thị Kính rất được ưa chuộng không những bởi người Phật tử nhưng cả quần chúng nữa. Vị này như người mẹ, người chị, người bạn, nữ hoàng, luôn lắng nghe những lời kêu than xin cứu giúp (chữ “Quan Âm” có nghĩa là “quan tâm tới âm thanh”, tức là “tiếng nói của những người đau khổ”). Hễ gặp khổ, họ liền chạy đến bà và họ thờ kính bà với lòng biết ơn vì ơn mình đã nhận được. Tượng của bà được đặt ở trong các ngôi chùa cũng như đền miếu …

Chính trong bối cảnh này ta hiểu được tại sao người CGVN nhìn nhận: Đức Maria là hiện thân của lòng từ bi hay thương xót của Thiên Chúa, luôn sẵn sàng cứu giúp họ. Điều đó đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II diễn tả trong thông điệp “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót”. Ngài coi Đức Maria là Mẹ của lòng Chúa thương xót, là người hiểu biết lòng thương xót của Thiên Chúa. Mẹ thấu biết giá trị, biết lòng thương xót đó vĩ đại biết bao. Theo nghĩa này, ta gọi Đức Mẹ là Mẹ đầy lòng thương xót, Mẹ từ bi, Mẹ nhân lành.

Hơn thế nữa, thánh mẫu học này mang âm hưởng thần học nữ quyền coi Đức Maria là người phụ nữ Do Thái có lòng yêu thương cách riêng người nghèo, ưu tiên chọn lựa người nghèo và lời kinh Magnificat là một cương lĩnh cho cuộc giải phóng nhân loại khỏi mọi hình thức áp bức, chủ trương trọng nam khinh nữ, tệ nạn buôn người, lao động trẻ em … Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II xác nhận trong thông điệp “Mẹ Đấng Cứu Chuộc”, coi Đức Maria của lời kinh Magnificat là sự diễn tả tình yêu của Mẹ đối với người nghèo:

Tình yêu thương của Giáo hội dành cho người nghèo được diễn tả cách tuyệt vời trong kinh Magnificat của Đức Maria. Qua lời kinh này, lời kinh xuất phát từ con tim và chiều sâu đức tin của Mẹ, Giáo hội ý thức lại cách mạnh mẽ hơn chân lý của Thiên Chúa Đấng cứu độ, Đấng ban phát mọi quà tặng, không thể nào không bày tỏ tình yêu cho người nghèo, người khiêm nhường; tình yêu đó được cử hành trong kinh Magnificat và sau đó, được diễn tả trong lời nói và việc làm của Chúa Giê-su.  (số 37).

  • QUYỀN LỰC

Nhân tố thứ hai trong thánh mẫu học VN là yếu tố quyền lực. Sự tích hai nơi Đức Mẹ hiện ra, La Vang và Trà Kiệu, đều cho thấy sự can thiệp của Đức Mẹ đầy quyền thế và hữu hiệu. Những người CGVN bị bắt và bị giao nộp. Đức Maria tỏ ra là một người mẹ từ ái nhưng không hề mềm yếu. Lòng từ bi thương xót ở đây không phải là một tình cảm suông hay một mối đồng cảm (cùng động lòng, cùng đau khổ với). Đúng hơn, nó còn thúc đẩy người có lòng trắc ẩn đi tới chỗ hành động. Có lòng từ bi mà không có hành động có uy quyền cho người đau khổ thì trống rỗng và vô nghĩa. Trái lại, quyền lực mà không có lòng thương xót, tức là “một tình yêu từ bên trong mà Tân Ước gọi là agape“,[2] thì dễ đi tới chuyên chế.

Hình tượng người nữ quyền thế rất cần cho người VN và nó đã được diễn tả trong lịch sử và văn hóa VN… Nền luân lý Khổng giáo áp đặt vào VN trong ngàn năm người Tàu đô hộ, đề cao người cha và nam giới. Nữ giới bị ràng buộc bởi ‘‘tam tòng”: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Cư xử của người nữ qui định bởi “tứ đức” là CÔNG (chăm lo việc nhà); DUNG (ngoại hình tươm tất); NGÔN (ăn nói xứng hợp); HẠNH (ứng xử đúng đắn).

Tuy nhiên, đời sống hằng ngày và lịch sử VN lại trình bày một hình tượng khác. Lịch sử VN nói đến những người phụ nữ lãnh đạo về chính trị, quân sự. Trong số đó, nổi tiếng nhất là hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị, cầm đầu cuộc chiến chống quân Tàu vào năm 42 trước CN. Một vị khác là Triệu Ẩu, dẫn đầu cuộc chiến chống người Tàu năm 248. Thật ra, các sử gia cho rằng trong xã hội cổ thời của VN (thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 1 trước CN), phụ nữ có vai trò cao. Xét về luật pháp, phụ nữ VN, so sánh với phụ nữ Tàu, được vị trí ưu đãi, có nhiều quyền quan trọng hơn. Trong gia đình, vợ quyền hành hơn chồng, họ được gọi là ‘nội tướng’. Sự cống hiến của phụ nữ vào văn hóa trình độ cao ở VN đáng lưu ý, cách riêng về văn chương.

Không cần nói nhiều, trong xã hội theo phụ hệ và nam trị (do ảnh hưởng Nho giáo), phụ nữ vẫn có vai trò chủ chốt, hình ảnh Đức Maria là người nữ thần thế rất thích hợp với cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới và nhân quyền tròn đầy. Một thánh mẫu học đề cao vai trò quyền thế của Đức Maria như là người nữ quyền thế, có lòng nhân từ hay thương xót sẽ có sức hút đối với cả nam lẫn nữ giới tại Việt Nam.

  • ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN

Nhân tố thứ ba của thánh mẫu học VN là đối thoại liên tôn. Thật rất thú vị khi biết sự tích lòng sùng kính Đức Mẹ La Vang kể rằng: chính những người Phật tử theo lời Phật dạy, đã tự nguyện dâng chùa của họ cho người CG và người CG lại đổi thành ngôi đền Đức Mẹ. Tương quan giữa Phật tử và người CG thật đáng trân trọng.  Hơn thế nữa, bức tượng Phật ở đó, như chúng ta được biết, không bị đập vỡ nhưng được di chuyển sang một nơi khác. Thêm vào đó, theo sự tích Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ không được người CG xem thấy nhưng những người ‘bên lương’’bách hại họ trông thấy. Trong bài viết của M. Geffroy về biến cố Đức Mẹ Trà Kiệu, rõ ràng là người CG không trông thấy gì cả. Thật trớ trêu, chính dựa vào chứng từ của ‘những người không tin’ mà những ‘tín hữu’ biết rằng Đức Maria đã hiện ra để bảo vệ họ! Theo một nghĩa nào đó, người CGVN mắc nợ người bên lương về lòng sùng kính Đức Mẹ, ít là trong biến cố Trà Kiệu!

Người CGVN chỉ chiếm thiểu số, 6-8% trong dân số 75 triệu người VN. Đối thoại với người theo các niềm tin khác (đa số Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, và một số tôn giáo địa phương khác) không phải là việc xa xỉ nhưng là một sự cần thiết tuyệt đối với người CGVN. Thật ra, đây là một nhân tố thiết yếu trong việc truyền giáo tại VN, cùng với việc hội nhập văn hóa và giải phóng. Cuộc đối thoại tay ba này đã được FABC nhìn nhận là phương thức truyền giáo tại Á Châu.

Những nét chung giữa Phật Quan Âm và Đức Maria có thể làm nên một khởi điểm hiệu quả cho cuộc đối thoại liên tôn ở VN. Dĩ nhiên, cần phải loại bỏ sự đồng hóa dễ dàng giữa hai hình tượng. Nhưng rõ ràng cả hai vị cho ta hình ảnh một Thiên Chúa là Cha/Mẹ yêu thương, có lòng từ bi, hay thương xót, cứu thoát, bảo vệ, giải thoát cho mọi người VN, thuộc bất cứ truyền thống tôn giáo nào. Mọi người VN do đó được mời gọi để xây dựng một xã hội yêu thương, nhân từ, trắc ẩn, và tự do. Một thánh mẫu học VN chân chính không thể nào không cổ vũ cho cuộc đối thoại liên tôn này.

[1] Nguyên tác: Peter C. Phan, In Our Own Tongues, Perspectives from Asia on Mission and Inculturation (Maryknoll, New York: Orbis Books, 2003), p 101-108. Đoàn Minh chuyển ngữ.

[2] Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót, số 6.

Leave a Reply