BBT. Dịp dự lễ mở tay cha mới An-tôn Lâm Trọng Thi tại giáo xứ Thanh Đức lúc 05g00, 05/8/2015, xin mạn phép cha Giu-se Nguyễn Văn Thú, quản xứ Thanh Đức cho chúng con được chia sẻ lại cùng mọi người bài giảng lễ.
LINH MỤC ĐỜI ĐỜI – TRUNG TÍN ĐỜI ĐỜI.
Lễ mở tay cha Antôn Lâm Trọng Thi. Giáo xứ Thanh Đức (05/8/2015). (Ga 17, 6.14-19)
Kính thưa quý cha và cộng đoàn,
Tâm tình và cử hành của cộng đoàn phụng vụ hôm nay là tạ ơn Thiên Chúa vì như Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay, chính Ngài đã thương thánh hiến một người anh em, con cháu trong giáo xứ làm linh mục của Chúa. Ngày hôm qua (04/8/2015) tại nhà thờ Chính Tòa, cuộc thánh hiến của Thiên Chúa đã làm biến đổi con người anh em chúng ta đây thật lạ lùng, từ một thầy phó tế trở thành một linh mục.
1. Linh mục đời đời.
Đây không phải là việc thay đổi ghế ngồi hay thay đổi một nghề nghiệp, vì chức linh mục không phải là một nhãn mác gắn vào một con người, mà là một ơn gọi phát xuất từ Thiên Chúa, một biến đổi tự căn tính qua bí tích Truyền chức, là một tác động của Thiên Chúa làm cho con người được Ngài tuyển chọn nên giống Chúa Ki-tô Linh Mục cách vĩnh viễn, Công đồng Vatican II nói: “đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Ki-tô là Đầu mà hành động” (P.O,2). Căn tính linh mục này nằm trong cốt tủy, là bản chất của người được thánh hiến cho ơn gọi linh mục, vì thế, từ nay cha mới hành động và rao giảng trong tư cách một linh mục.
Cộng đoàn hãy tạ ơn Thiên Chúa nhiều hơn nữa vì sự biến đổi thánh thiện mang tính vĩnh viễn này và cầu nguyện cho cha mới mỗi ngày dành thì giờ để nhìn lại căn tính linh mục ngài lãnh nhận, có niềm vui trong căn tính đó, biết nuôi dưỡng và cảm tạ Thiên Chúa vì được làm linh mục. Thưa quý cha, một chứng nhân linh mục rất quen với chúng ta, những lời của ngài đáng chúng ta nhẩm đi nhẩm lại, đó là cha Maximilano Kolbe. Khi ngài đứng ra xin chết thế cho một người tù, viên chỉ huy gằn giọng hỏi: “Mày là ai?” Ngài khiêm tốn trả lời: “Tôi là linh mục Công giáo.” Đức Cha Timothy M.Dolan nhận xét rằng: cha Kolbe không trả lời ‘tôi là Kolbe’, cũng chẳng nói ‘tôi là một người Ba Lan’, nhưng lại nói dứt điểm trong thời điểm quyết liệt cuộc đời: ‘Tôi là linh mục Công giáo’, vì ngài ý thức trong tâm khảm rằng: ngài mãi mãi là linh mục của Thiên Chúa. Căn tính linh mục vĩnh viễn chứ không tạm thời, không bị phai mờ trong những thành công, cũng không bị tan biến bởi sự khắc nghiệt của nghịch cảnh. Nói cách khác, thưa quý cha, vì chúng ta là linh mục tận trong cốt tủy, nên giả như có một ngày nào đó chúng ta bị bại liệt hoàn toàn, không thể thi hành bất cứ điều gì bình thường của tác vụ linh mục, chúng ta vẫn là linh mục, theo lối nói của Đức Cha Dolan: linh mục từ đầu đến chân.
2. Trung tín đời đời
Chính vì chức linh mục là ơn gọi vĩnh viễn, nên khi được Thiên Chúa thánh hiến, linh mục được đòi hỏi vĩnh viễn trung thành với ơn gọi, thuộc về Thiên Chúa toàn thời gian, không một khoảnh khắc nào được thuộc về thế gian. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Khi một người thưa ‘xin vâng’ với chức linh mục, thì lời ‘xin vâng’ này là mãi mãi.” Thiên Chúa có quyền đòi hỏi linh mục trung thành như thế, bởi Ngài yêu thương linh mục mãi mãi. Và đúng như Mẹ Tê-rê-xa Calcutta đã nói: “Thiên Chúa không yêu cầu chúng ta thành công cho bằng yêu cầu chúng ta trung thành.”
Làm sao sống trung thành với ơn gọi linh mục? Chúng ta được Hội Thánh dạy cho nhiều điều phải thực hiện để sống ơn gọi, nhưng ở đây trong khuôn khổ thời gian này, chúng ta cần nhắc lại cho nhau một số điều sống còn.
Trước hết, linh mục phải là con người cầu nguyện. Chúa Giê-su đã nói: “Không có Thầy, các con chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Căn tính linh mục đòi hỏi linh mục phải tiếp xúc với Thiên Chúa cách mật thiết trong sâu thẳm nhất của con người mình. Sự sa sút của linh mục bắt đầu khi linh mục thường nại vào sự bề bộn công việc mục vụ để dễ dàng chấp nhận sống đời thánh thiện “hạng hai” thôi, thiếu triệt để và toàn diện như các đời sống của các tu sĩ. Mọi “thảm họa” của đời linh mục xảy ra từ sự thiếu gắn bó với Chúa, thiếu cầu nguyện, không trung thành trong việc đọc kinh Thần Vụ, trong việc nguyện ngắm, trong kinh nguyện, nhất là trong Thánh Lễ.
Thử hỏi có giây phút nào Chúa Giê-su Linh Mục bày tỏ lòng trung thành với Chúa Cha cho bằng khi Ngài cử hành Hy Tế Thập Giá? Trên Thánh Giá, Chúa Giê-su đã bày tỏ lòng trung thành tuyệt đối với Chúa Cha, đến mức lấy thân xác và linh hồn của Ngài làm Hy Lễ chứng minh cho sự trung thành và đã thanh thản thưa với Chúa Cha: “Mọi sự đã hoàn tất.” Ngày nay trong Thánh Lễ, linh mục bày tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa bằng cách nên một với Chúa Giê-su với tư cách là linh mục vừa là một hy lễ. Người ta không thể hiểu được lòng trung thành của Chúa Giê-su nếu đời của Ngài không là Hy Lễ; cũng vậy, người ta không thể nhận ra một linh mục trung thành mà đời của ngài không phải là của lễ hiến tế, của lễ hy sinh. Như Chúa Giê-su, linh mục phải hiến tế đời mình đến để bày tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa mà mỗi khi cử hành Thánh lễ các linh mục được sống sự trung thành này và được nhắc nhớ điều này.
Nhờ cầu nguyện và Thánh lễ, linh mục gắn kết với Chúa Giê-su, một sự gắn kết được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II mô tả cách văn vẻ như cuộc hôn nhân của linh mục. Cũng như một người chồng, khi có một phụ nữ gạ gẫm, đã trả lời: anh đã có người rồi, vì anh ý thức và quyết tâm sống trung thành với vợ; linh mục cũng đã có người rồi, người đó là Chúa Giê-su Ki-tô và linh mục tự nguyện ràng buộc vào Ngài và Thân Mình của Ngài là Giáo Hội, nên linh mục không hề nghĩ đến chuyện ly dị khỏi Chúa Ki-tô và Giáo Hội. Quả đúng như Đức Benedicto đã nói: lòng trung thành vượt thời gian là tên gọi của tình yêu đích thực và sâu xa của linh mục dành cho Chúa Ki-tô Linh Mục.
Tuy nhiên, thưa anh chị em, dù các linh mục, cách riêng tân linh mục hôm nay, có niềm vui lớn lao vì được chọn gọi nên giống Thầy của mình, Chúa Ki-tô Linh Mục – Hy Lễ, thì ơn gọi linh mục cũng là trách nhiệm đáng sợ: đáng sợ vì niềm vui sướng xúc động của Thánh lễ mở tay sẽ qua đi, mà sự hiến dâng đời mình như hy lễ sống động (Rm 12,1) thì không, phải kéo dài trong suốt cuộc đời của linh mục. Đáng sợ hơn nữa, vì linh mục mang lấy kho tàng chức linh mục trong chiếc bình sành dễ vỡ là con người yếu đuối của mình. Chính vì thế, linh mục khiêm tốn dâng hiến đời mình cho Chúa và trao phó cuộc đời mình cho Ngài, Đấng đã bảo đảm cho các linh mục: “Trong thế gian, các con sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).
Thưa quý ông bà, anh chị em,
Việc khẩn cầu ấy không chỉ của linh mục mà còn của mọi tín hữu nữa. Qua lời tiên tri Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa đã hứa cho dân Chúa những Linh Mục: “Ta sẽ cho các ngươi những mục tử đẹp lòng Ta” (Gr 3,15). Nhưng để anh chị em có những mục tử như lòng Chúa mong ước như thế, Chúa dạy cho anh chị em phương án tốt nhất để có là: “Các con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ gặt lúa về” (Mt 9,39). Cầu nguyện cho có linh mục tốt lành chứ không phải cau có, miệt thị, khinh dể hay loại trừ linh mục. Cuộc đời truyền giáo của Chúa Giê-su và các tông đồ đã được nhiều giáo dân giúp đỡ, ước gì các linh mục ngày nay cũng được niềm vui đó nơi anh chị em khi anh chị em tham dự Thánh lễ, cầu nguyện, cảm thông và nâng đỡ.
Cuối cùng, chúng ta đừng quên cầu nguyện cho thanh thiếu niên trong các giáo xứ, cách riêng giáo xứ này được Chúa thương và sẵn sàng cho Chúa thánh hiến cuộc đời mình để phục vụ Thánh ý Chúa.
Để kết thúc, chúng ta cùng thưa với Chúa: Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ Chúa đã ban cho thế giới hôm nay những linh mục thánh thiện. Xin sai đến với chúng con những linh mục mang trái tim bừng cháy tình yêu Chúa và ban cho các ngài ơn trung thành phục vụ.
Chép lại bởi Ephrem Huy
Thanh Đức, 05/8/2015
Xin mời xem hình với dung lượng lớn tại đây: