BÀI III
PHÚC ÂM HÓA TRONG VIỆC GIẢNG LỄ – SỨ VỤ NGÔN SỨ
(GIẢNG TĨNH TÂM NĂM CHO LINH MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG 2014
10 – 14/03/2014 tại Trung Tâm Mục Vụ GP
Phaolô Đoàn Quang Dân – Lm. Quản Xứ Trà Kiệu)
Một bài giảng có giá trị
Giáo huấn của Đức giáo hoàng Phanxicô về bài giảng.
Tông huấn đầu tiên của Đức giáo hoàng Phanxicô, Evangelii gaudium (Niềm vui Phúc Âm), được Đức giáo hoàng Phanxicô ký vào ngày 24-11, ngày lễ Chúa Kitô Vua, ngày bế mạc Năm Đức Tin, và được công bố vào ngày 26-11-2013. Tông huấn gồm 5 chương và 288 số. Đức giáo hoàng đã trình bày Tông huấn bằng một giọng văn đơn sơ, dễ hiểu, và đôi khi dí dỏm. Ngài cho thấy rằng Tin Mừng của Đức Giêsu là một Tin Mừng về tình yêu, Tin Mừng này rất dễ hiểu.
Ngài đã dành hẳn một chương (chương III, từ số 111 đền số 173) để nói về việc “loan báo Tin Mừng”; và trong chương này, ngài dành một phần dài để nói về “việc rao giảng trong phụng vụ”, nghĩa là “bài giảng và việc chuẩn bị”, bởi vì “có rất nhiều người than phiền vềtác vụ quan trọng này” (135). Chúng ta có thể đọc từ số 135 đến số 159 (hoặc đến tận số 175) để đón nhận giáo huấn của Đức giáo hoàng về bài giảng.
Đối với Đức Phanxicô, “bài giảng có một giá trị đặc biệt vì phát sinh từ bối cảnh Thánh Thể,là điều làm cho bài giảng vượt trên mọi hình thức dạy giáo lý bởi vì đây là một cuộc đối thoại tuyệt vời nhất giữa Thiên Chúa và dân Ngài, trước khi hiệp thông Bí Tích” (137).
Do tầm quan trọng của bài giảng, Đức giáo hoàng phác ra cả một lộ trình cho việc dọn bài giảng (145-159). Ngài khuyên các mục tử “dành nhiều thì giờ để học hỏi, cầu nguyện, suyniệm và sáng tạo mục vụ”: “mỗi tuần dành riêng một phần thì giờ cá nhân và cộng đồng đủ dài cho công tác này” (145). Ngài không chấp nhận bất cứ lý do nào, kể cả bận quá nhiều công việc, để không dọn bài giảng cho kỹ; trái lại, phải bớt một số công việc, cho dù quan trọng, để chuẩn bị bài giảng. Ngài nhấn mạnh rằng một mục tử mà không dọn bài giảng cho kỹ thì không “thuộc linh”, không làm việc dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, và “thiếu trách nhiệm đối với những hồng ân mà mình đã nhận được” (145). Ngài dạy: “Ai muốn giảng dạy, trước tiên phải sẵn sàng để cho Lời chạm đến mình và làm cho Lời nhập thể trong cuộc sống cụ thể của mình” (150; x. 153).
Đức giáo hoàng khuyến cáo là các bài giảng phải ngắn gọn, vì đây không phải là “một bài diễn văn hoặc một bài thuyết trình”, hay là một bài học chú giải về Kinh Thánh (138, 142), càng không phải là một công việc “quảng cáo”: các bài giảng phải “đốt cháy lòng người”, và không được giới hạn vào việc khuyên răn luân lý (142).
Ngài nói thêm: “Bài giảng không thể là một hình thức trình diễn để giải trí, như được trình bày trên các phương tiện truyền thông, nhưng phải đem lại sự nhiệt thành và ý nghĩa chobuổi lễ”, rồi ngài xác định rằng lời của nhà giảng thuyết “không được chiếm một chỗ quá đáng, để Chúa tỏa sáng hơn nhà giảng thuyết” (138). Đây là lãnh vực của Chúa Thánh Thần, nên cần cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, lắng nghe Chúa Thánh Thần là Thầy dạy sự thật, và để Người dẫn dắt (151).
Khi đó, “một bài giảng hay phải có một ý tưởng, một tâm tình và một hình ảnh” (157), bài giảng luôn luôn có tính tích cực, đem lại hy vọng, chứ không giam hãm các tín hữu trong “những điều tiêu cực” (159). “Bài giảng có thể thực sự là một kinh nghiệm mãnh liệt và hạnh phúc về Chúa Thánh Thần, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với Lời Chúa, một nguồnmạch không ngừng đưa đến việc canh tân và tăng trưởng” (135; x. 151).
Bài giảng cũng phải diễn tả “tình thần mẫu tử và tinh thần Hội Thánh”: đây là điều khiến chúng ta ngỡ ngàng đến độ xúc động khi nghe Đức giáo hoàng diễn tả người rao giảng như người mẹ chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Người giảng phải sống tình mẫu tử, đặc biệt bằng “thái độ gần gũi, giọng nói ấm áp, cách nói dịu dàng, các cử chỉ diễn tả niềm vui”(140), bởi vì “bài giảng tiếp tục cuộc đối thoại đã được mở ra giữa Thiên Chúa và dân Ngài”(137).
Nhưng muốn “đón nhận kho báu cao siêu của Lời được mặc khải”, cần “phải mở cánh cửahọc hỏi Kinh Thánh ra cho tất cả các tín hữu”. Đức giáo hoàng đã dạy như vậy, rồi ngài kêu gọi “các giáo phận, các giáo xứ và các nhóm Công giáo đề ra một chương trình học hỏiKinh Thánh nghiêm túc và kiên trì” (175).
UB Kinh Thánh
trực thuộc HĐGMVN
LINH MỤC GIẢNG LỄ[1]
Viết lại theo Rev.Stephen Vincent DeLeers[2]
***
LỜI VÀ BÍ TÍCH
Tin mừng Thánh Luca chương 9,1-6 và 10,1-16 phác hóa một đường hướng cho sứ vụ của CGS. Ngài công bố TM cứu độ cho dân, gọi họ đến để trở thành môn đệ. Ngài thiết lập nền tảng cho Dân Israen mới. Đến giờ Ngài phải lên Yêrusalem. Đây chính là giờ của Ngài, nên Ngài quan tâm đến việc thành lập nhón 12 và các môn đệ để tiếp tục công cuộc rao giảng TM, Lc 9,1-2: “Đức GS tập họp nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa lành bệnh nhân.”
Nay Người cũng gọi chúng ta qua BT Truyền Chức, Người chia sẻ quyền để chúng ta rao giảng Nước TC / chữa lành những vết thương của nhân loại. Rao giảng là thực thi cái trách nhiệm của mình đối với thính giả để loan truyền sứ điệp tình thương của TC. Giảng là “mang Lời TC” đến cho người khác (Carrier of God’s Word). Mang Lời Chúa đến cho con người là công việc hàng đầu caủa giám mục và linh mục khi thi hành sứ vụ mục tử.
Chúng ta giảng Lời cách đặc biệt trong các ngày CN/lễ kính/lễ trọng. GH mong mỏi/thúc giục chúng ta phải soạn bài giảng ngắn gọn trong các thánh lễ hằng ngày. Bí tích nào nay cũng đều có đọc Lời Chúa, GH muốn chúng ta giảng sao cho Lời liên kết với hành vi bí tích ta cử hành…Chúng ta giảng khi dạy giáo lý/khi công bố TM/khi khuyên bảo giáo dân cũng như trong các cử hành PV đồng thời liên hệ Lời Chúa với công bằng xã hội.
Làm như vậy là chúng ta nuôi dưỡng sự thánh thiện và quyền năng của LỜI trong đời sống GH và của mỗi chúng ta: “CGS hiện diện trong Lời của Ngài, cũng chính Ngài nói khi Lời Thánh Kinh được tuyên đọc giữa lòng Hội Thánh” (HCPV, số 7).
Việc chuẩn bị – giảng Lời Chúa thách thức tâm-trí-con tim-óc sáng tạo của linh mục. Nó đòi hỏi thời giờ – sự sáng tạo và tính chân thực. Giảng là mở bức màn trước mặt khán thính giả để họ thấy Chúa và Lời Chúa có thể đến được với tâm hồn họ. Sự sáng tạo này phải đến từ chính bản thân linh mục. Lời Chúa kêu / nói / thấu đến tận cõi thâm sâu của con tim và tình cảm. Linh mục phải để cho Lời vào trong cung thánh của lòng mình.
CGS đã cho chúng ta một khuôn mẫu đích đáng về tác vụ giảng Lời Chúa. Sau khi chịu phép Rửa ở sông Giođan và chịu cám dỗ trong hoang địa, Ngài trở lại Nagiarét đầy ơn Chúa Thánh Thần, và một ngày Sabbát, Ngài vào hội đường. Người ta đưa cho Ngài một cuộn Thánh Kinh, mở ra, và đọc đoạn sách Isaia 61. Rồi Ngài nói với cử tọa ở đó rằng: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Thánh Kinh mà tai anh em vừa nghe” (Lc 4,21).
Ngài trở lại quê nhà thấm đẫm Lời Chúa. Từ nhỏ, Ngài được nuôi dưỡng về tinh thần và sự nhạy cảm bởi Lời Thánh Kinh Do Thái. Trải nghiệm sa mạc làm cho Ngài ngụp lặn trong Lời Chúa. Ngài giảng bằng chính kinh nghiệm sống Lời của mình.
Chúng ta không tiếp xúc với Lời chỉ để dọn bài giảng. Chúng ta tiếp xúc vì chính chúng ta đói khát Lời. Lời hóa thánh xác thịt nơi con người Chúa Giêsu Kitô, và Lời được Chúa Thánh Thần linh hứng. Chúng ta nặn óc để hiểu Lời vì tâm hồn chúng ta muốn đánh cuộc với LỜi / vì muốn mở lòng mình để cho Lời thâm nhập sâu hơn vào mọi ngõ ngách của tâm hồn. Lời kêu gọi ta sám hối trở về, và trở về làm chúng ta có sức mạnh thực sự để rao giảng Lời ấy.
Thánh Phaolo cho ta biết giá trị của Lời trong Thư Do Thái 4,12: “Lời TC là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.”
Ngày Chúa Nhật chẳng hạn, khi đứng trên bục giảng, chúng ta đọc Tin Mừng xong chúng ta giảng. Giáo dân đánh giá chúng ta không chỉ cách chúng ta soạn/sắp xếp ý tưởng /truyền đạt Lời Chúa mà còn cách chúng ta biểu lộ đức tin và nhân cách của mình. Cả hai không thể tách rời nhau. Chúng ta bị thương tổn khi chúng ta giảng. Chiếc đèn không thể bị che đậy (The ambo does not allow anonymity / từ của GM Reyan). Khi giảng Lời Chúa cho giáo dân chính là khi chúng ta trồng Lời Chúa/giảng cho mình trước tiên.
Có khi ta nắm bắt Lời cách chính xác và rõ ràng; có khi ta phải vật lộn với tâm trí mình thì mới ngộ ra / có lúc ta cảm thấy không an toàn vì chính mình cảm thấy bất xứng với Lời nọ, Lời kia. Ta sợ vì không trung thực và hoàn thành nhiệm vụ trước mặt Chúa và cộng đoàn như Thánh Phêrô: “Xin cách xa con, vì con là tội nhân.” Nhưng cũng đừng quá bối rối/căng thẳng vì Chúa cũng nói: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ trở thành ngư phủ lưới người Ta” Lc 5,8,10.
Trước tiên ta cầu nguyện với Lời ta sẽ giảng, tìm hiểu, học từ chính Lời ấy vì đó là Lời Chúa muốn nói riêng với mình.
Lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần, dùng đức tin để tin/suy phục những điều Chúa nói trước khi sọn bài giảng và giảng. Cầu nguyện và giảng dạy là chiếc neo cho đời sống thiêng liêng của linh mục.
Cầu nguyện & giảng dạy là chiếc nệm cho đời sống thiêng liêng của linh mục giáo phận. Việc chuẩn bị bài giảng /giảng cùng cử hành các bí tích giúp chúng ta kết hợp mật thiết và sâu xa với Chúa Kitô. Phụng vụ không phải là việc làm sau khi ta cầu nguyện, nhưng là ưu tiên số một cho đời sống cầu nguyện của linh mục. Hành động phụng vụ là trường học đạo tạo đời sống thiêng liêng, nuôi dưỡng linh đạo linh mục (giáo phận/diocesan priest).
Thưa ĐC và quí Cha, quí Thầy Phó tế,
Giảng dạy là sứ vụ hàng đầu của Giáo Hội và cũng là của các cộng sự viên của Giáo Hội là hàng giám mục và linh mục. Chúa Giêsu là nhà giảng thuyết đầu tiên mà Chúa Cha gởi đến trần gian. Qua sứ vụ rao giảng mà Giáo Hội qui tụ dân Thiên Chúa, cũng chính việc qui tụ này xây dựng nên Giáo Hội.
Một trong những hoạt động của sứ vụ giảng dạy đó là giảng lễ. Làm thế nào để linh mục giảng lễ đạt được kết quả sẽ được trình bày sau đây qua 5 tiêu chí mà bất cứ linh mục nào cũng cần lưu ý vì Công Đồng Vatican II đã khẳng định: “giảng lễ cần phải có một vị trí xứng đáng trong tác vụ Lời Chúa.”
1. Bài giảng phải có tính cá nhân (Personal)
Bài giảng là phần duy nhất trong cử hành phụng vụ mà linh mục được thể hiện bằng ngôn ngữ của riêng mình. Điều này đòi hỏi linh mục một sự khéo léo khi vận dụng đại từ ngôi thứ nhất “Tôi.” Bài giảng là bài được trình bày bởi một con người. Khi sử dụng đại từ “tôi” người linh mục nói bằng chính đức tin của mình và chịu trách nhiệm về những lời mình nói ra. Khi giảng Lời Chúa linh mục phải thấu cảm thính giả của mình và phải yêu thương họ. Linh mục nào càng cố công hiểu biết người giáo dân của mình bao nhiêu thì vị ấy sẽ giảng dạy hữu hiệu bấy nhiêu; nhưng nếu vị ấy yêu mến họ nữa thì sẽ đạt hiệu quả tối ưu. Yêu thương bằng giảng dạy là biết tôn trọng phẩm giá và tự do của người nghe, biểu hiện sự ân cần săn sóc giáo dân, việc truyền đạt được đón nhận và được giáo hữu kính trọng thực sự. Ý thức này sẽ giúp linh mục loại bỏ được việc dùng toà giảng để chưỡi bới, la lối cá nhân này, tập thể nọ trong giáo xứ của ngài. Các công đoạn và khả năng như: tính lợi khẩu, kỹ thuật tiếp cận thính giả, sự trung thực và trong sáng trong ngôn từ, điệu bộ, cách khéo vận dụng từ ngữ…là những điều mà từng linh mục phải học hỏi, thực tập trước (đứng trước gương, luyện phát âm mộ số từ chưa quen…)
2. Bài giảng phải mang tính phụng vụ (Liturgical)
Hiến chế phụcng vụ của Công Đồng Vatican II, số 2 dạy rằng bài giảng lễ là một thành tố của chính cử hành phụng vụ (thánh lễ). Trong cử hành này linh mục giảng lễ cần ý thức một số điều sau đây: 1. Ngài phải đắm mình trong phụng vụ, trong tâm tình thờ phượng để trở nên một diễn giả hữu hiệu. 2. Ngài phải hiểu biết và tôn trọng các nghi thức và các bài đọc trong khi cử hành. 3. Điểm nhấn của bài giảng trong phụng vụ là căn tính của cộng đoàn, là một Giáo Hội thực thụ. 4. Linh mục giảng lễ phải hoà nhập với cộng đoàn và nói nhân danh họ. Ở điểm này, đại từ ngôi thứ hai số nhiểu “Chúng ta” được sử dụng nhiều hơn. Khi dùng đại từ này lời giảng sẽ giúp hướng đến căn tính của cộng đoàn là tất cả cùng chịu một phép Rửa của Chúa Kitô để trở nên anh chị em với nhau, trở thành “Chúng ta.” 5. Linh mục giảng lễ cần phải biết nối kết từ ngữ, nghi thức đang cử hành với cộng đoàn đang qui tụ. Điều này tránh được những lời nói lạc lỏng, cử chỉ “lạ” mắt khiến cộng đoàn ở dưới ngỡ ngàng, không biết cha sở, chủ tế hôm nay “dỡ trò” gì! Sự kết hợp giữa lời và bí tích mà bài giảng đề cập đến được hình ảnh hoá cách sống động nơi bản thân của linh mục là người giảng dạy và là chủ tế của buổi cử hành Thánh Thể.
3. Bài giảng phải mang tính hội nhập (Inculturated)
Như chúng ta đã biết việc loan báo Lời Chúa của Giáo Hội là một hành động mang tích giải thích, thì bài giảng cũng không là ngoại lệ. Phải giảng làm sao để vừa cắt nghĩa được Thánh Kinh vừa nối kết Thánh Kinh với cuộc sống con người. Một linh mục giảng lễ biết hội nhập văn hoá đòi hỏi ngài phải am hiểu ngôn ngữ, dấu hiệu, phong tục, và những biến cố xảy ra lúc ngài đang sống với cộng đoàn mà mình giảng dạy. Lời Chúa chỉ sinh ích lợi cho người nghe khi trong bài giảng linh mục biết gói ghém ngôn ngữ và hình ảnh có trong văn hoá của cộng đoàn. Ngài phải biết nói sao cho dễ hiểu, sử dụng những cử điệu gần gũi với họ, như vậy mới có tính thuyết phục. Một linh mục không đọc sách báo, xem truyền hình và phim ảnh, nhất là những phim và chương trình truyền hình có tiếng thì rất khó để làm cho bài giảng của mình có tính hội nhập cao. Linh mục “là những môn đệ của Chúa Kitô cùng với tín hữu…là anh em giữa những anh em của cùng một Thân Thể Chúa Kitô…Các ngài giảng Lời Chúa không chỉ theo một cách chung chung và trừu tượng mà phải biết áp dụng sự thật vĩnh hằng của Tin Mừng vào những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống.”[3]
4. Bài giảng phải sáng sủa (Clarifying)
Bài giảng phải sáng sủa, rõ ràng góp phần làm cho sứ mệnh rao giảng của Giáo Hội trở nên hữu hiệu hơn. Linh mục phải làm thế nào để lời giảng của mình rõ ràng, nắm bắt được truyền thống của Giáo Hội (Thánh Truyền). Để làm được như vậy, mỗi bài giảng nên tập trung vào một điểm nhất định, điểm nhấn này phải có tính thần học và mục vụ. Bài giảng không nên có chỗ cho những chuyện “bên lề”, chuyện “hai ý”, chuyện không nên kể ở toà giảng, dù có thể làm cộng đoàn cười nức nẻ![4] Bài giảng lễ chừng 10 phút thì những chuyện không đâu như thế sẽ không có chỗ đứng. Nếu bài giảng ôm đồm nhiều điểm quá sẽ khó lột tả cách đầy đủ trọng điểm mà linh mục muốn gửi đến cho cộng đoàn ngày hôm ấy. Biết kết nối bài giảng với truyền thống Giáo Hội, linh mục vừa hiểu biết truyền thống hơn vừa làm cho truyền thống Giáo Hội ngày một phong phú. Ngài cần vận dụng khoa chú giải Thánh Kinh và suy tư thần học để nối kết và triển khai những gì mà mình đã nhận được thời học trong Đại Chủng Viện.
5. Bài giảng mang tính hiện thực (Actualizing)
Tất cả 4 yếu tố trình bày trên đây sẽ giúp làm cho Thánh Kinh được rao giảng trở nên hữu ích, làm cho “chữ viết trở thành lời hằng sống.”[5] Linh mục phải làm sao dở bỏ dần dần những rào cản để công trình của Thiên Chúa và của Chúa Thánh Linh tác động mạnh mẽ nơi người tín hữu. Nói ý riêng của mình thay vì ý Chúa luôn là một trở ngại cho việc tiếp nhận và tiêu hoá Lời Chúa của giáo dân. Ngài phải liên hệ với cuộc-sống-thực chứ không phải chỉ theo sách vở; và chỉ giảng về luân lý không mà thôi thì đó được coi là một bài giảng nghèo nàn. Cũng được coi là phản bội với sứ mệnh giảng thuyết nếu linh mục sử dụng Lời-Thánh- Kinh-Cứu-Độ để phục vụ cho quyền lực của con người trong thế giới ngày nay.[6]
Trong mọi hoàn cảnh, Giáo Hội mong muốn và khẩn thiết kêu gọi các linh mục hãy đặt sứ vụ và đời sống linh mục của mình ưu tiên cho việc rao giảng Lời Chúa.
“Việc rao giảng Tin Mừng trước tiên là làm sao cho người rao giảng ngày càng yêu mến điều mình rao giảng. Thánh Tông Đồ Phaolô, nhà rao giảng mẫu mực đã viết những lời này cho tín hữu Thessalonica và trở thành chương trình hành động của chúng ta: “Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi” (1 Thess 2,8). Tình yêu này là gì? Nó còn hơn là tình yêu của người thầy, đó là tình yêu của người cha, và còn là tình yêu của người mẹ nữa. Đây chính là tình yêu mà Chúa Giêsu mong đợi ở từng người rao giảng Tin Mừng.”[7]
+++
[1] Stephen Vincent DeLeers, The Place of Preaching in the Ministry and Life of Priests, trong Donald J. Goergen, eds., The Theology of Priest (Manila: Claretian Publications, 2000), p.99-103. Linh mục ở đây dịch từ chữ “Priest” và theo tác giả bao gồm cả giám mục và linh mục. Trong tiếng La Tinh gồm 2 từ sacerdos và presbyter.
[2] Ngài là giáo sư trợ giảng của Chủng Viện Thánh Phanxicô và là giám đốc thường huấn cho hàng giáo sĩ của Tổng Giáo Phận Milwaukee, Hoa Kỳ.
[3] Tông Huấn Pastores Dabo Vobis, số 4 và 9.
[4] Ví dụ có một cha ở nước ngoài lâu năm, nói giọng Quảng Bình về ngồi toà giải tội cho một phụ nữ nói tiếng Quảng Nam ở nhà quê. Phụ nữ này xưng tội: Thưa cha con có ăn trộm ếch. Cha giải tội chưa hiểu từ này, ngài nói lại: con nói gì cha chẳng hiểu. Người phụ nữ thưa lại: con ăn trộm ếch chớ không phải chàng hiu. Chị ta hiểu từ “chẳng hiểu” là “chàng hiu!”
[5] Xem Việc Giải Thích Thánh Kinh trong Giáo Hội, phần IV A,B trang 117-124.
[6] Có thể hiểu điều này là việc dùng toà giảng để cổ động bầu cử, để đả phá một khuynh hướng chính trị, hay ủng hộ một thể chế làm lợi cho Giáo Hội…
[7] Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (Boston: Daughters of St.Paul, 1975), trang 79. Câu Thư Thánh Phaolô gởi cho tín hữu Thêsalônica trích từ bản dịch “Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước”, Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM, năm 1988.