Trên Vấn Đề Hướng Nghiệp

Số 1.4: Nghĩ Về Giáo Dục

I. Giới thiệu:

Rất dễ đổ lỗi cho giáo dục trong mọi chuyện, nhưng thực ra giáo dục cũng chỉ là một phần và nạn nhân của tư tưởng xã hội- nơi mà mỗi người chúng ta đều có góp dấu ấn của mình vào đó.

Thực trạng trong nhà trường là phản chiếu của xã hội chúng ta sống. Khi thành thật với bản thân, mỗi người sẽ nhận ra giá trị đa số chúng ta đặt ưu tiên: đó là sự thành công. Giáo dục tuy cao cả nhưng thực tế nhà trường cũng nằm trong khung đồng bộ chung của mong muốn cộng đồng. Do đó, không khó hiểu khi suy nghĩ chi phối cách dạy của thầy cô là đặt nặng sự thành công (của bản thân và học trò). Hạn chế của giá trị này là nhà trường (xã hội) chỉ cho học sinh tìm hạnh phúc ở bên ngoài thay vì bên trong, dạy sự chinh phục thay vì thụ nhận.

Giáo dục của chúng ta hiện thiếu một tư tưởng bền vững. Trong văn hóa người Việt, dường  như người mình chỉ đề cao kinh nghiệm và xem tư tưởng là chuyện sách vở, không thực tế. Thực ra tư tưởng thay đổi thì xã hội sẽ thay đổi. Luận bàn về tư tưởng ở đây sẽ rất rộng và không cần thiết với chủ đề của số này. Chúng ta chỉ cần lưu ý cốt lõi sau: Điều khó nhất trong xã hội là thay đổi một tư tưởng, vì xã hội có quan hệ và nằm ngoài chủ ý của chúng ta. Cái duy nhất chúng ta có thể cải thiện được đó là bản thân chúng ta. Do đó, trước khi chờ đợi sự chuyển mình của giáo dục, mỗi người nên tự ý thức trước tư tưởng nền tảng mà cuộc sống của mình sẽ được trang bị trên đấy, vì rằng: “kho tàng ở đâu thì lòng trí sẽ ở đó”.

Nội dung Phần 4:

I. Giới thiệu

II. Truyện ngắn: TÔI ĐI HỌC

III. Bài diễn thuyết của Tagore: TRƯỜNG HỌC CỦA TÔI

IV. Tản văn: VIẾT CHO TÔI TÌNH MƯỜI NĂM

Vậy, tư tưởng giáo dục nào là bền vững giữa muôn vàn những tư tưởng xem chừng rất thuyết phục? Đối với câu hỏi như thế này, tôi thường tìm lời giải đáp nơi các thi sĩ, những người ở biên thùy giữa tri thức nhân loại và thần bí. Trọng tâm của số này, tôi giới thiệu bài thuyết trình của nhà thơ Rabindranath Tagore (1861-1941) về trường học. Dù rằng chúng ta không phải là Tagore nhưng chí ít chúng ta cũng nên đọc để giúp định hướng tâm hồn con cái mình theo đúng cái nguyên sơ của Tạo vật, từ đó ý thức và hạn chế những tác hại do cơ chế và bối cảnh xã hội tác động lên giáo dục hiện nay.

Bên cạnh việc chọn bài thuyết trình làm trọng tâm, tôi xen lẫn hai bài viết hồi ức về tuổi học trò: một của nhà văn Thanh Tịnh thuở mới cắp sách đến trường của một thời xa xưa lắm, và một là khung cảnh trường Sào Nam những năm 2000s- rất gần với chúng ta cả không gian và thời gian. Hai bài viết này nhằm thắp lên ánh sáng mà khi đứng trên bục giảng tôi có cơ hội nhận ra: Vẻ đẹp nơi tâm hồn học trò luôn lớn hơn thực tế của thời cuộc.

 

II. Truyện ngắn: TÔI ĐI HỌC

(Rút từ tập truyện ngắn QUÊ MẸ, 1941, Thanh Tịnh)

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.

Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa.

Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn.

Dọc đường tôi thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi, áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng chì ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước o sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.

Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi:

– Mẹ đưa bút thước cho con cầm.

Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm:

– Thôi để mẹ nắm cũng được.

Tôi có ngay cái ý kiến vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.

Ý nghĩ thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.

Trước sân trường làng Mỹ Lý đầy đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.

Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé trường một lần.

Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng gì khác là nhà trường cao ráo sạch sẽ hơn các nhà trong làng.

Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.

Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp.

Ông đốc trường Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới đứng lên trước lớp ba. Trường làng nhỏ nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ông đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đang đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng. Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói sẽ:

– Thế là các em đã vào lớp năm. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng em được sung sướng. Các em đã nghe chưa? (Các em đều nghe nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may đã có tiếng dạ rang của phụ huynh đáp lại).

Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động. Mấy cậu học trò lớp ba cũng đua nhau quay đầu nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong những phút giây này chúng tôi được người ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy đã lúng túng chúng tôi càng lúng túng hơn.

Ông đốc lấy cặp kính trắng xuống rồi nói:

– Thôi, các em đứng đây sắp hàng để vào lớp học.

Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước. Nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ. Không giữ được chéo áo hay cáng tay của người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lủng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi.

Ông đốc nhẫn nại chờ chúng tôi.

– Các em đừng khóc. Trưa này các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai các em lại được nghỉ cả ngày nữa.

Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi vào cửa lớp. Trong thời thơ ấu tôi chưa bao giờ xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ vì có nhũng hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết.

Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin là có thật. Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao.

Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi.

Nhưng những tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật. Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đọc:

          Bài tập viết: Tôi đi học!

 

III. Bài diễn thuyết của Tagore: TRƯỜNG HỌC CỦA TÔI

(BT: Bài được lấy trên báo Nam Phong, song ngữ Pháp-Việt, không thấy đề tên dịch giả. Cách hành văn cũ (1924) khác với văn phong ngày nay. Do đó vài chỗ khó hiểu nhưng vẫn diễn được ý chính của tác giả.)

Khi tôi lập cái trường-học của tôi ở Bengale thì tôi gần bốn mười tuổi. Không ai ngờ tôi làm một việc như thế, vì từ trước đến bấy giờ cả đời tôi chỉ làm thơ mà thôi. Cho nên người ta tất nhiên tưởng rằng sự kiến-thiết của tôi không có lẽ hoàn-toàn tốt đẹp được. Người ta ngờ là một sự cải-tân ngông-cuồng nào, do một anh chàng sốc nổi bất tự lượng bày đặt ra.

Thường có người hỏi tôi rằng tôi lập ra trường ấy là muốn thực-hành cái ý-tưởng gì? Câu hỏi ấy cũng khi đường-đột, vì tôi không muốn trả lời bằng những câu khẩu đầu vô-vị. Song tôi cũng không muốn lập-dị làm gì, xin cứ thực mà nói.

Trước hết tôi xin thú-thực rằng giá phải tiêu-biểu cái ý-tưởng làm gốc cho sự kiến-thiết của tôi thì tôi cũng khó mà nói cho rõ được, vì cái ý-tưởng ấy không giống như một cái nền móng vững-vàng để mà xây dựng lên trên vậy. Nó khác nào như một cái hạt giống không vẽ ra được, cũng không phân loại được, khác nào như một cái mầm mới bắt đầu mọc vậy.

Song tôi cũng biết bởi có gì mà tôi nghĩ lập ra cái trường của tôi: không phải là bởi một cái lý-thuyết về giáo-dục, chính là bởi sự ký-ức thủa nhỏ tôi đi học vậy.

Thủa nhỏ tôi đi học thật là khổ quá, mà sự khổ ấy không phải là toàn bởi cái tính tôi kỳ-quặc khác thường. Tôi cũng không thể trách riêng những trường học tôi đã học qua. Giá tôi không có cái tính đa-cảm thời có lẽ dần dần cũng quen cái phép tắc nghiệm-nhặt của nhà trường mà ở được trọn cái thời hạn để thi đỗ được bằng cấp. Dù thế nào mặc lòng, trường học chỉ có thế mà thôi, tốt hay xấu tùy cái lý-tưởng tuyệt-đích làm chuẩn cho các trường ấy.

Đứa sơ sinh ăn bằng sữa mẹ, thành ra vừa biết cái đồ ăn của mình mà nhận lại, vừa biết cả mẹ mình; đồ ăn thật là đồ ăn hoàn-toàn, vừa nuôi cả thân-thể, vừa nuôi cả linh-hồn; người ta lúc nhập-môn vào cõi đời cũng phải thế, nghĩa là lấy tình-thương làm gốc, chứ không thể lấy một cái luật nhân-quả được.

Nay một quyển sách, thiên khai-luận với thiên kết-luận có mấy cái tính cách giống nhau. Thiên trên cũng như thiên dưới, cả cái đầu đề bày ra hoàn-toàn, giản-dị, ở thiên đầu thời vì chửa phát triển ra, ở thiên cuối thời vì đã phát triển ra được đầy đủ rồi. Chính trong giữa quyển sách thời cái vấn đề mới phiền-phức ra, mới vụn vặt ra, mới xung-đột với những thuyết phản-đối khác, rồi đến sau kết thúc thời lại hồn-nhiên như lúc đầu.

Ấy người ta vào cuộc đời cũng thế: cứ lấy cái hình-thức giản-đơn mà nói, bước chân vào cõi đời tức là bước chân vào nơi cứu-cánh của đời mình. Đứa con trẻ sinh vào một cõi đời đương sinh-hoạt mạnh-mẽ, được kẻ thân-yêu phù-trì chăm-chút. Lớn lên mới biết rằng cái thân mình cũng chẳng là hệ-trọng gì; thấy mình như chìm-đắm trong sự-vật phổn-tạp, muốn biệt-lập ra ngoài cái hoàn-cảnh mình, cũng có khi vì ngang-trái mà muốn đứng xa ra. Nhưng mà sự chia rẽ nhân-thân với hoàn cảnh, sự phá-hoại cái bản-thể hồn-nhiên ấy, không thể kết-cục đến phân-lìa mãi mãi được. Muốn cho tới cái chỗ kết-thúc của cuộc đời thì sau những sự hoài-nghi li-cách đó, người ta phải trở lại cái cõi thuần-túy chân-thật, là sự hòa-hợp với mọi người bằng cái dây liên-lạc ái-tình vậy.

Cho nên thủa nhỏ ta phải đằm-thắm vào trong cõi sinh-hoạt, vì ta khao-khát sự sinh hoạt. Thần-trí ta lúc trai-trẻ phải tiêm-nhiễm lấy cái lý-tưởng rằng cái hoàn-cảnh ta là hòa-hợp với cả vũ-trụ chung quanh. Nhà trường vẫn làm cái bộ nghiêm-khắc cao-kỳ, mà điều đó là nhà trường thường không biết đến. Nhà trường cưỡng bắt đứa trẻ con mà đem nó ra ngoài cái thế-giới đầy những sự mầu-nhiệm của hóa công là chỗ cái gì nó cũng có thể trực-giác mà cảm biết được. Nhà trường chẳng qua là một cái máy kỷ-luật, không biết đến cá-nhân là gì, chẳng qua là một cái xưởng để chế đồ thành mớ vậy. Muốn đào con sông giáo-dục, cứ theo một cái đường thẳng hão-huyền, cho thế là lấy trung-bình. Nhưng mà cái đường sinh-hoạt không phải là đường thẳng; đường sinh-hoạt lại hay khuất-khúc, khi thiên bên này, khi lệch bên kia, cho nên ở nhà trường cái sức sinh-hoạt chỉ bị đè-nén. Vì theo nhà trường thì sự sống phải như sự chết, có thể đem phân-phẫu ra, đem cắt vụn ra từng mảnh một, thế là gọi là sống hoàn-toàn.

Ấy là cái nguyên-nhân sự khổ của tôi khi tôi phải theo học nhà trường là thế. Tôi trông thấy vũ-trụ như biến mất cả quanh mình tôi, mà chỉ thấy những dãy ghế gỗ, những bức tường vôi nó nhìn tôi như con mắt trắng bệch của người mù vậy. Tôi quyết không phải là một tên trò cho thầy gõ đầu; khi người ta sinh tôi ra đời, chắc là không có hỏi ý-kiến của bộ Học. Nhưng mà vì ông tạo-vật tôi lầm có, lẽ lại báo-thù vào tôi hay sao?

Theo truyện truyền-kỳ thì không có thể vừa được nếm quả cây trí-thức, lại vừa được sống trên cõi thiên-đường. Dễ vì thế nên trẻ con phải trục-xuất ra ngoài cõi thiên-đường, đem đẩy vào một nơi tử-địa, nhất-nhất có qui-thức như một cửa hàng thợ may đo áo vậy. Bấy giờ trí tôi phải khuôn vào cái chuồng nhà học, cũng chật-hẹp như chiếc giầy của người đàn-bà Tàu, hễ hồ động-đậy là đau-đớn đến cả người. May sao tôi thoát ra được, trước khi thành ra si-ngốc tê-mê.

Tuy tôi không phải chịu hoàn-toàn cái tội mà những người vào hạng tôi phải chịu để bước vào cõi đời, nhưng tôi cũng không tránh được hẳn, cũng là một sự hay. Nhờ đó mà tôi hiểu cái hại cho bọn trẻ con thế nào.

Hại ấy là ngăn-trở cái ý của Tạo-vật thuộc về đường lối trẻ con phải theo để thu-hoạch lấy sự tri-thức. Giá là sự quản-lý công việc của ta, thì ta có quyền muốn định đặt thế nào mặc lòng. Ta muốn mở cửa hàng của ta ở đâu tùy-ý. Nhưng mà những cách sắp-đặt trong buồng giấy như thế không hợp với cái công sáng-tạo của Tạo-vật. Mà con trẻ thật là một cái công-trình đích-thực của Tạo-vật.

Ta ở đời này là để thuận nhận lấy sự đời, chứ không phải để tri-giác nó mà thôi. Người ta có thể chiếm quyền-thế bằng sự học, nhưng muốn tới được cõi sinh-hoạt hoàn-toàn thì phải có cảm-tình mới được. Sự giáo-dục tốt nhất không những là dạy cho ta biết mà lại khiến cho ta hòa-hợp với vạn-vật. Nhưng mà cách giáo-dục bằng cảm-tình đó, các nhà trường cố-ý không biết đến; lại cực-lực phản-đối nữa. Cái thói quen nó bắt ngay từ thủa nhỏ, mà sự học ở nhà trường chỉ là làm cho ta xa-cách với vạn-vật; thành ra từ thủa sơ-sinh thân-trí ta với thế-giới, hai bên đã tương-phản nhau rồi.

Như thế thì phần giáo-dục quan hệ nhất cho đứa trẻ con bị nhãng-bỏ, làm cho nó cách-biệt với thế-giới mà đem một mớ học-thức chi-li để thế vào. Ta không cho trẻ biết đất là gì, mà ta dạy nó học địa-dư, ta không cho nó tập nói mà ta dạy nó học mẹo. Nó ham những truyện anh-hùng hào-kiệt, ta dạy nó sử-ký những việc vặt cùng những ngày tháng. Nó sinh ra ở một thế giới loài người, ta đẩy nó vào một thế-giới những máy lưu thanh. Dễ thường để cho nó chuộc lại cái tội nguyên-thủy của nó là tội ngu-tối chăng. Tâm tính đứa con trẻ hết sức chống lại những sự tai-hại đó, đem hết cái sức chịu khổ mà đối lại, nhưng mà đến cùng cũng phải chịu, vì hình-phạt lắm mà phải ngồi yên.

Ta đều biết rằng con trẻ hay thích những chỗ lấm bụi. Thân-thể nó, tinh-thần nó, khao-khát không-khí, khao-khát ánh sáng, như cái hoa phải cần đến khí trời ánh sáng mới mọc được. Cả vũ-trụ như muốn cảm các giác-quan nó mà thông-đồng với nó, nó không hề bao giờ muốn từ chối sự thỉnh-cầu của vũ-trụ bao giờ.

Nhưng không may cho nó, cha mẹ chúng nó lại sinh-trưởng trong một thế-giới những thói quen, những lề lối như trong một nhà trường, vì chức-nghiệp bắt phải như thế. Kể thì cũng không thể không thế được. Vì người ta cần phải theo về chuyên-môn, vì tình-thế phải thế, vì cái phép nhất-luật của xã-hội bắt phải thế. Nhưng mà tuổi nhỏ là tuổi ta phải được tự-do hơn, vì chưa phải chức-nghiệp, chưa phải xã-hội bó buộc phải chuyên-môn.

Tôi còn nhớ có một thầy giáo, người lịch-luyện và có tiếng về kỷ-luật nghiêm, trông thấy một đứa trẻ chúng tôi leo lên cây ngồi giữa chỗ chạnh hai cành cây mà học, lấy làm lạ-lùng và khó chịu. Tôi nói thầy biết rằng người ta ở đời văn-minh này, duy có một tuổi nhỏ là có thể leo lên cành cây làm ghế ngồi được. Tôi đây không thể làm thế được, lẽ nào tôi lại cấm đứa con nhỏ cho nó mất cái đặc-quyền ấy? Lại lạ nữa, là chính ông giáo ấy thấy tên trò ấy học về thực-vật-học, ông cho là phải. Học về cây mà không biết đến cây, thế thì ông bằng lòng, vì thế là khoa-học; còn học một cách thân-mật với cái cây thì ông không cho vào đâu. Mà tất phải học bằng cách thân-mật ấy thì mới dưỡng dục được cái bản-năng của người ta, tức là sự kết-quả của phép giáo-dục thiên-nhiên. Những con trẻ trong trường tôi nó trực-tiếp mà biết hình một cái cây; như một cái thân cây gồ-ghề, nó mó vào biết được ngay chỗ nào nên để chân. Nó biết rằng nó ngồi trên cành cây phải thế nào, phải đặt mình làm sao cho chia cái sức nặng trên những cành nhỏ. Những trẻ con của tôi là nó sành cái cách lợi-dụng cây, hoặc để hái quả, hoặc để nghỉ mát, hoặc để ẩn mình khi bị đuổi bắt. Như tôi thời sinh-trưởng ở nơi văn-minh chỗ thị-thành, thật cả đời tôi như ở một cái thế-giới không có cây vậy.

Cho nên tôi thầm-tín rằng sự giáo dục cho trẻ con tôi cốt nhất là phải dạy cho nó biết rằng trong cái thế-giới này là thế-giới của nó, cây là những sự thực hiển-nhiên, không phải chỉ là những cơ-quan để sinh ra chất “lam-tố” hay là hấp lấy chất thán-khi mà thôi, thực là những cây có sống thật.

Lại cái bàn chân của người ta thời sinh ra là để đứng và để đi trên mặt đất. Từ khi ta bắt đầu dùng giầy dép, thì ta giảm mất công việc của cái bàn chân đi. Chân ta đã giảm mất trách-nhiệm đi, thế thì cũng quên mất cả cái danh-giá của mình đi, chịu để cho nhu-nhược đi, để cho bọc vào bít-tất, xỏ vào giầy dép đủ các kiểu-mẫu, đủ các giá-hạng. Tựa-hồ như trách ông Tạo-vật làm sao không làm cho chân người có móng như móng lừa, mà lại cho cái bàn chân mềm-mại dễ cảm như thế.

Không phải là tôi bàn người ta nên bỏ giầy dép mà không dùng, nhưng tôi dám quyết rằng cái bàn chân của trẻ con cần phải giáo-dục mà sự giáo-dục ấy đã có Tạo-vật làm không cho mình. Nội tứ-chi của ta cái chân là có tư-cách nhất để cảm-giác đất bằng sự tiếp-xúc. Mà mặt đất thì nó có cái hình-thế rất tinh-vi  để cho bàn chân kẻ thương-yêu vỗ-về mân-mó.

Tôi sinh ra đời vào một nơi tôn-trọng, từ thủa nhỏ bàn chân không phải tiếp-giáp với đất. Cho nên ngày nay nếu tôi muốn bắt-chước lũ trẻ mà đi chân không thì tôi thấy chân tôi dốt quá, không biết đất là cái gì. Chọn ngay những chỗ chông-gai mà bước vào, mà bước khéo đến trúng ngay vào chính cái gai. Chân tôi không có cái sức “bản-năng” đủ làm cho biết những chỗ nhẹ-nhàng mà bước. Vì mặt đất dẫu phẳng thế nào mặc lòng, cũng có những chỗ lồi chỗ lõm rất nhỏ, cái chân nào khéo giáo-dục thì dễ nhận được ngay. Tôi thường lấy làm lạ trông thấy những đường chạy qua những đồng ruộng rất phẳng mà vẫn khúc khuỷu cong queo. Lại lạ nữa là mỗi cái đường ấy không phải chân một người bước quẩy mà thành ra. Thực đã qua nhiều người đi lại mới thành ra khúc khuỷu như thế, tựa-hồ như người nào cũng bước quấy-quả như vậy cả. Cái nguyên-nhân nó là ở sự cảm-dỗ tự dưới đất lên mà cái chân ta tự nhiên hưởng-ứng vậy. Những người biết hiểu sự cảm-thông đó thời liền uốn thịt mình cho thích-ứng, mau chóng nhẹ-nhàng lắm. Như thế thì bước giữa chỗ gai-góc mà cũng tự tránh được chông gai, đi chân không trên con đường sỏi mà không thấy khó chịu tí nào.

Tôi vẫn biết rằng cứ thực thì ai cũng đi giầy, đường thì đánh phẳng lì sơn hắc-ín, mà đi đâu đã có xe; nhưng mà trong cái thời-kỳ giáo-dục, há lại không nên dạy cho con trẻ biết rằng thế-giới không phải là một cái sa-lông, quanh mình còn có vạn-vật, mà chân tay người ta phải tập thế nào cho đối-phó được với vạn-vật ư?

Có nhiều người cho rằng cứ cái cách sinh-hoạt giản-dị ở trường tôi thì là tôi chủ-trương cái lý-tưởng về sự nghèo, như về đời Trung-cổ ở Âu-châu. Nay tôi không thể bàn khắp được cái vấn-đề về sự nghèo, nhưng chỉ xét về phương-diện giáo-dục, há lại không nên thừa-nhận rằng sự nghèo chính là cái trường học cho người ta bắt-đầu học và tập sự đời được hay hơn chỗ khác dư? Con nhà triệu-phú khi mới lọt lòng ra cũng là nghèo trọi, mà cũng phải bắt đầu học sự đời từ lúc đầu. Tuy có cái cách không phải cần dùng đến hai ống chân, thế mà cũng phải học đi như một đứa con nhà bình-dân. Duy có cái nghèo nó mới khiến cho ta được hoàn-toàn tiếp-xúc với sự đời. Sống ở trong phong-lưu, ấy là sống nhờ sống mượn, nghĩa là sống một cách giảm-thiểu, cách sống như thế có thể làm đẹp cái lòng tự-cao hay là cái lòng lười-biếng của ta, nhưng không làm thỏa-mãn được sự cần-dùng của cách giáo-dục ta. Sự phong-phú ví như một cái lồng bằng vàng, con nhà giàu sinh-trưởng trong đó theo một cách không tự-nhiên làm cho năng-lực yếu-nhụt đi. Bời thế cho nên trong trường tôi không có bày đồ-đặc gì, để trơ-trọi cả, đó cũng là một cách dạy-dỗ, không phải thế là cái cảnh nghèo đâu, nhưng thế đủ giục cho con trẻ tự thí-nghiệm về sự nghèo, dù có người ưa sự phí-phạm lấy thế làm không bằng lòng cũng mặc lòng.

Theo ý tôi, người ta ở đời phải đề dành ra một phần đời để sống theo như người cổ-sơ.

Đứa trẻ con còn ở trong bào-thai, nào ai là kẻ văn-minh được tự-tiện can-thiệp vào. Trong bụng mẹ, đứa con trẻ được tự-do làm trọn cái thời-kỳ thứ nhất của cái công sinh-trưởng của mình. Thế mà đến khi lọt lòng ra, sẵn có cái bản-năng để qua sang thời-kỳ sau, thời xã-hội ở đâu sấn-sổ vào, cố lôi nó ra ngoài cái công dưỡng-dục của đất-nước, của trời xanh, của ánh sáng, của khí mát. Trước nó còn giằng-co, nó còn kêu-hò, chưa chịu; nhưng dần-dần nó cũng quên cái trường-sở tự-nhiên của nó là cái thế-giới hữu-hình này; nó đóng cửa, nó kéo màn lại, nó đem mình bỏ vào trong cái mớ sự-vật phồn-tạp, càng ngày càng tích-lũy thêm mãi lên, lấy thế làm tự-cao, không biết rằng làm thế dẫu không thiệt mất linh-hồn của mình, cũng là thiệt mất cả một thế-giới.

Giữa cuộc đời người mới là cái phần để cho những lề-thói văn-minh, chứ không phải là lúc đầu, cũng không phải là lúc cuối. Những lề-thói ấy phiền-toái phức-tạp, có lẽ cũng có ích thật; nhưng nếu cho là nhất-định, nếu ngoài những cái cảnh phồn-hoa dộn-dịp, ngào-ngạt om-sòm của văn-minh, không còn một nơi nào là còn sót lại một cái thú lâm-toàn, thời con trẻ phải cực-khổ, thanh-niên đến chán sự đời, mà người lớn cũng quên mất cái thuật làm già một cách trang nghiệm yên-ổn, thành ra một lũ trẻ cỗi, lấy già yếu làm xấu-hổ và đeo lấy những giẻ rách tồi-tàn vào mình.

Những trẻ con sắp sinh-hạ trên cõi đất ta, thật nó không có chọn chi cái thế-giới đầy những lề-luật rào chắn này. Ví nó biết rằng nó mở mắt ra ánh sáng mặt trời là tiện-thị gieo mình vào trong tay bộ Học để cho mất cái thần-trí tỉnh-táo, mất cái cảm-giác tinh-nhuệ đi, thời nó bước chân vào cái cõi đời ấy cũng phải trù-trừ ngần-ngại vậy.

Tạo-vật an-bài không có bao giờ sắp đặt một cách rời-rạc hay là một cách mơ-hồ. Sự sắp-đặt của tạo-vật bao giờ cũng điều-hòa liên-tiếp với toàn-thể sự-vật; trong khi tôi ở nhà trường tôi phải chịu khổ, là chính bởi nhà trường không phải là một cái thế-giới, mà là một nơi đặt riêng ra để dạy học mà thôi. Người lớn tuổi có thể chịu được như thế, vì người lớn tuổi cần phải thế và sẵn lòng biệt-lập ra ngoài sự đời để uốn mình theo về cách đó. Nhưng con trẻ đương ham sự sống; sự sống là cái ái-tình thứ nhất của chúng nó. Ta làm ngăn cái khuynh-hướng đó, ta đã chắc là phải chưa? Con trẻ không phải là đã có cái bản-tính khổ-hạnh, nhẫn-nhục chịu theo cái kỷ-luật nhà tu cho được tới cõi tri-thức. Trước hết phải thu-hoạch lấy sự tri-thức bằng lòng ham-mến sự sống; rồi sau mới có thể hạn-chế sự sinh-hoạt để tăng gia sự tri-thức; sau hết, tuổi càng khôn lớn bấy giờ mới trở lại cõi sinh-hoạt hoàn-toàn.

Nhưng mà xã hội đã tính cách để uốn-nắn thần-trí người ta theo cái mưu riêng của mình. Cách ấy đã sắp đặt thể nào cho khó lòng tìm được cái hé để cho vạn-vật lọt vào được. Kẻ nào bạo gan dám phạm vào một phần nào trong cách sắp-đặt đó- dù để cứu lấy linh-hồn mình mặc lòng, – thời đã có một mớ hình-phạt trừng-trị cho đến cùng. Cho nên trong khi có cái phong-trào của một cái chế-độ nó đi ngược lại với mình, thời mình hiểu cái lẽ phải với mình muốn đem nó ra mà thực-hành, hai đàng thật cách xa nhau vậy.

Khi tôi phải xét đến cái vấn-đề giáo-dục cho con tôi, thật tôi không biết giải-quyết thế nào. Trước tôi đem xa nó nơi tỉnh-thành, cho nó ở một cái làng nọ, để cho được tự-do sinh-hoạt như hồi cổ-sơ, không phải là hẳn được như xưa, nhưng hiện nay có thể tự-do được đến đâu thì cho đến đó. Có một con sông có tiếng là nguy-hiểm, để cho lội, cho chèo, không phải người lớn lo-sợ mà ngăn-trở. Cả ngày ở trong đồng-điền, trên bãi cát, không có vết lối đi. Bữa cơm về chậm cũng không sợ ai tra hỏi. Phàm những đồ-vật xa-xỉ mà người ta thường cho con trẻ vào hạng nó, nó không có một cái gì. Tôi chắc rằng có người phàn-nàn cho nó phải thiếu-thốn như thế, và thiên-hạ không khỏi trách cha mẹ nó, vì thiên-hạ cho xã-hội là trọng hơn vũ trụ. Nhưng tôi chắc rằng những đồ vật ấy là thừa và chỉ làm phiền cho con trẻ, vì nó thuộc về những thói quen không phải thói quen của con trẻ và nó chỉ chủ-ý làm đẹp cái lòng tự-cao của cha mẹ, làm tăng cái du-khoái của cha mẹ muốn nhân con mà mua-chuộc lấy cho mình.

Song tôi chỉ là một kẻ tư-nhân tài-lực có hạn mà thôi, nên tôi cũng không thể dành cho con tôi được mấy tí để theo đuổi cái cách giáo-dục riêng của tôi đó. Nó được tự-do cử-động: sự của-cải, sự lề-lối, không có can-thiệp vào để phân-cách vạn-vật với nó. Nó được hơn tôi, là thường có dịp trực tiếp với vạn-vật. Nhưng mà có một điều cốt-yếu nhất thời tôi vẫn còn phân-vân.

Mục-đích sự giáo dục là dạy cho người ta biết quan-cảm cái chân-lý thống-nhất hoàn toàn. Ngày xưa, hồi sự sinh-hoạt hãy còn giản-đơn, cách bộ-phận gây ra con người còn điều hòa với nhau. Rồi người ta phân-biệt những năng-lực thuộc về trí-tuệ với năng-lực thuộc về tinh-thần và thân-thể, và sự giáo-dục ở nhà trường chỉ chú-trọng về đường trí-thức và đường vật-chất mà thôi. Ngày nay, người ta chỉ chăm truyền-thụ cho con trẻ những sự tri-thức, thành ra sự sinh-hoạt về phần trí-tuệ và thân-thể với sự sinh-hoạt về phần tinh-thần, hai đàng lại càng cách-biệt nhau.

Mà tôi thì tôi tin rằng có một cái thế-giới thuộc về tinh-thần, không phải là cách với cõi đời này, nhưng là biểu cái ý nghĩa của cõi đời này. Mỗi một khi hô-hấp, ta phải cảm-giác rằng ta ở trong cõi tuyệt-đích. Ta sinh ra sống ở trong cái vũ-trụ lớn-lao này, đầy những cái vẻ vô-cùng thần-bí, ta không thể chịu rằng cuộc đời ta chỉ là một cái sản-vật nhất-thời của sự ngẫu-nhiên, lênh-đênh trôi dạt trên cái luồng sóng vật-chất. Ta không thể coi sự đời ta như giấc mộng của kẻ mơ-màng không bao giờ tỉnh thức dậy được. Ta có một cái nhân-cách của ta, đối với cái nhân-cách ấy thì vật-chất với sức mạnh phải liên-hiệp với một cái mối siêu-việt đặc-biệt mới có ý-nghĩa, mối ấy phát-hiện ra cho ta một phần bằng cái tình thương-yêu nhân-loại, bằng cái lòng chí-thiện ở đời, bằng sự tuẫn-tiết của kẻ anh-hùng, bằng vẻ mĩ-lệ của cảnh vạn-vật, không phải là những sự-thực thuộc về “hình nhi hạ”, tức là những biểu-hiệu của nhân-cách. Cái thế-giới siêu-hình đó, nếu từ thủa nhỏ ta đã quen cái thói không biết đến nó, thì ta không ngờ rằng nó có thực hay không, nay ta phải đem mình vào sinh-hoạt ở đấy mà cảm-giác lấy, chứ không cảm-giác bằng một cách học-vấn về khoa-thần-học được. Song phải làm thế nào? Vấn đề ấy hiện nay cũng khó giải, vì người ta ngày nay bận-bịu nhiều quá, không có rảnh mà xét rằng sự hoạt-động của mình chẳng qua là sự vận-động bề ngoài mà thôi, ít khi có cái lý-do chính-đáng, và cái linh-hồn của mình vẫn chửa tìm được nơi căn-cứ vậy.

Ở Ấn-độ chúng tôi thường trân-trọng mà hồi-tưởng đến những trường tu-luyện của các bậc cổ-hiền-triết chúng tôi ở trong rừng. Những nơi ấy không phải là trường học, không phải là nhà tu, theo như cái nghĩa mới của các tiếng ấy. Chính là chỗ ở của những người chủ-ý quan-sát cõi đời theo Đấng Tuyệt-đích, sống cái đời mình theo lẽ Tuyệt-đích, đem gia-quyến trụ-cư ở đó. Những bậc ấy dẫu là lánh xa xã-hội, mà đối với xã hội như mặt trời đối với hành-tinh, là cái nguồn sinh-hoạt, nguồn sáng-láng cho xã-hội. Những con trẻ sinh ra ở đấy dạy-dỗ theo cách trực-tiếp quan-cảm sự sinh-hoạt thiên-niên, học đến khi khôn-lớn lập thành gia-thất. Như thế thì ở Ấn-độ đời xưa, sinh hoạt ở đâu là trường ở đó. Người học-trò sinh-trưởng ở nhà trường không phải như ở một nơi học-viện khảo-cứu, cũng không phải như một chốn đạo-viện khổ-hạnh, nhưng khác nào như ở trong một cõi hi-vọng cao-xa như giữa đám không-khí hoạt-bát vậy. Đem trâu bò đi ăn cỏ, nhặt cành khô về làm củi, hái quả, dưỡng-dục cái bụng nhân-từ đối với muôn loài sinh-vật, khiến cho mỗi ngày trông cách tu-luyện của thầy mình mà tâm-thần đạo-đức được tăng-tiến thêm lên. Bấy giờ thế được, vì cái mục-đích cốt-yếu của những nơi đó không phải là để dạy học, mà để làm chỗ trú-ngụ cho những kẻ sống theo Tuyệt-tích.

Cái chứng-cứ rằng mối quan-hệ cũ của thầy trò đó không phải là một sự hão-huyền, là hiện nay chúng tôi hãy còn giữ di-tích của lối giáo-dục cổ đó, di-tích ấy vẫn giữ được nguyên trong mấy thế-kỷ, nhưng ngày nay bị quan-lại ngoại-quốc họ kiểm-sát có cái nguy tiêu-diệt mất. Di-tích ấy là những nơi gọi là Chatusphthis, (chữ phạn nghĩa là trường Đại-học). Những nơi ấy không có cái khí-vị nhà trường một chút nào. Học-trò ở ngay nhà thầy, như là con một nhà, ăn, ở, học, không phải trả tiền gì cả. Ông thầy ăn ở một cách giản-dị, vẫn làm công-việc riêng của mình, và việc giúp cho sự học của học-trò là một phần trong đời mình, chứ không phải là một chức-nghiệp riêng vậy.

 Sự giáo dục tuyệt-luân đó, khiến cho thầy-trò cùng nhau chung một lòng hi-vọng cao-xa, làm cho tôi để tâm nghĩ-ngợi. Tôi nghĩ đến cái tương-lai eo-hẹp của xứ Ấn-độ, nghĩ đến cái hậu-vận khốn-khó bần-cùng của nước tôi mà tôi phấn-phát muốn thử thực-hành cái mộng đó. Ở xứ khác kia, muốn theo đuổi mọi sự lợi-lộc ở đời, người ta được con đường trước mắt rộng-rãi vô-cùng, có thể khuynh-hướng sự giáo-dục theo về mặt lợi-lộc ấy được; cõi đời cũng đủ rộng cho người ta có chỗ mà phát-siển được hết các năng-lực của mình. Nhưng ta thì ta phải biết tự-trọng mình và phải biết tôn-trọng đấng Tạo-vật, ta chỉ có thể cho sự giáo-dục một cái mục-đích rất cao, là cái cứu-cánh tuyệt-đích của loài người, được phát-đạt hoàn-toàn, được linh-tính tự-do. Cứ con mắt ta thì lao-công lục-lực để cho được một chút của-cải trong tay, tưởng nó cũng nhỏ-nhen quá. Ta nên làm thế nào được tham-dự vào một cõi sống siêu-việt ra ngoài sự chết, cao-xa hơn cả mọi sự “đối-đích” ở đời; ta phải tìm lấy đấng Tuyệt-đích của ta; ta phải sống theo lẽ chân-thực nó giải-thoát cho ta khỏi những sự bó-buộc, nó làm cho ta thỏa-mãn không phải vì của-cải mà vì sự sáng-láng, không phải vì quyền-thế mà vì sự ái-tình. Sự giải-thoát linh hồn đó ta đã từng nghiệm thấy ở những người kia không có gì là cái học ở sách-vở, mà sống một cách rất khổ-hạnh. Ở Ấn-độ, chúng tôi được kế-thừa một cái kho báu khôn-ngoan về tinh thần. Mục-đích sự giáo-dục của chúng tôi là phải đem phô-trương cái kho báu ấy trước mắt, khiến cho có thể lợi-dụng được và có một ngày kia cống-hiến cho thế-giới để làm cái phần của chúng tôi giúp cho sự thịnh-vượng chung trong thiên hạ.

Tôi đương ham bận về việc văn-chương thì chợt cái ý-tưởng ấy nó kích-động vào thần-trí tôi một cách rất mãnh-liệt. Hốt-nhiên tôi thấy như người bị bóng đè nghẹn cổ. Không phải là một cái hồn tôi, chính là cái hồn cả nước tôi như trằn-trọc trong mình tôi để mà cố tỉnh thức dậy. Tôi hiểu rõ rằng chúng tôi bây giờ cần không phải là cần về đường vật-chất, muốn được giàu-có, muốn được sung-sướng, muốn được quyền-thế đâu, chính là cần cho linh-hồn được thảnh-thơi, được thảnh-thơi trong cõi tuyệt-đích, thảnh-thơi mà không có hiềm-thù gì những kẻ hiếu-chiến, không có cạnh-tranh gì những kẻ ham-giàu, thảnh-thơi cho được đặt mình ra ngoài những sự công-kích, ngoài những sự báng-bổ của người đời.

May thay, tôi sẵn có một nơi có thể thực-hành được. Cha tôi khi xưa đi du-lịch đã chọn nơi tịch-mịch ấy cho là hợp với cái cách sinh-hoạt cảm-thông cùng Tạo-vật. Cha tôi để tặng nơi ấy cho những người muốn ẩn mình cho tĩnh-mịch, để tâm-niệm và cầu-nguyện. Lại để của lại cho được giữ-gìn luôn-luôn. Tôi bèn cùng mươi kẻ thiếu-niên đến đấy khai-mạc một cuộc đời mới, thật cũng còn bỡ-ngỡ chưa biết gì.

Chung quanh nơi “tịnh xá” (ashram) đó, có một vùng không-khoáng rộng, cực-mục trơ trụi, có loáng thoáng mấy cây chà-và khẳng-khiu và mấy bụi gai đánh nhau với những tổ-kiến, còn thì lổn-nhổn những đống sỏi đỏ,  những đống cuội đủ các hình, đủ các sắc, bát-ngát cho đến tịt-mù, cách nhau bằng những rãnh nước mưa nhỏ. Về phía Nam, cách làng một ít, thấy lóng-lánh ở giữa rặng cây chà có một cái vũng nước xanh phẳng lì. Một con đường của người nhà quê đi chợ tỉnh chạy quanh-co ở trong đám đồng không, đất đỏ ối dưới ánh mặt trời, khách đi đường đi con đường ấy thời trông ở đằng xa trên một cài đồi thấy một cái mái đền và phần trên một tòa nhà chung-quanh những bụi rậm và dẫy cây lớn. Đó là nơi tịnh-xá (santiniketan).

Đấy, tôi có đặt một cái trường đã hơn mười-lăm năm nay, thay đi đổi lại đã nhiều và cũng đã từng qua lắm hồi nguy-kịch. Tôi mang tiếng là kẻ thi-nhân cho nên người đồng-bang của tôi ít tin, mà quan-lại đem bụng nghi-ngờ. Dần dần tôi cũng thắng được những sự khó-khăn ấy, là vì tôi không có mài-miệt lắm, tôi cứ tự-nhiên theo đuổi cái lý-tưởng của tôi, không đợi gì ai khen, không đợi gì ai giúp, cũng không đợi gì ai khuyên. Tài-sản tôi đã ít-ỏi, lại thêm mang nợ nhiều. Nhưng sự nghèo ấy lại giúp cho tôi có sức mà cầu lấy tự-do, chỉ trông cậy ở lẽ phải, không mong gì người ngoài giúp. Cái trường của tôi đó trưởng-thành chính là cái đời của tôi trưởng-thành, – chứ không một là chủ-nghĩa của tôi thực-hành mà thôi, – nên cái lý-tưởng của nó càng chín ra thì càng đổi đi, như cái quả kia lớn lên không phải là hình-thể to ra và màu sắc đậm ra mà thôi, nhưng đến cái thịt nó cũng biến-tính đi nữa.

Trước tôi còn nghĩ rằng cái mục-đích tôi là làm một việc từ-thiện. Tôi bèn hết sức chăm-chỉ, mà chẳng thấy được thỏa lòng chút nào, chỉ thấy tốn công của, mất thì giờ, mà không hề ngã lòng nản chí. Kết-quả chẳng được bao nhiêu. Tôi nghĩ cách này không xong, tôi lại phá đi mà đặt ra cách khác. Chỉ đủ bận thì giờ mà phần cốt-yếu trong công-cuộc mình vẫn trống-rỗng như không. Có một người học-trò già của cha tôi một ngày đến thăm tôi bảo tôi rằng: “Tôi trông đây như một cái buồng bày tiệc cưới; sửa-soạn không thiếu một tí gì, nhưng mà chú tân-lang thời vắng mặt.” Tôi lầm là tôi lấy cái mưu riêng của tôi thay vì chú tân-lang vậy.

Song dần dần, lòng tôi mới tìm nơi cốt-tử, không phải ở trong công cuộc, không phải ở trong mưu riêng, mà ở trong chân-lý vậy. Tôi ngồi trên gác sân nhà tu-xá, lấy con mắt cai-quát cả dãy cây lớn, tôi đem tấm lòng tôi ra ngoài những sự mưu-tính của nó mà lẳng-lặng nâng cao nó lên trong cõi hòa-bình và trước cái hình-ảnh phảng-phất trong không-khí. Dần dần quả tim tôi như đầy-đặn. Tôi bắt đầu nhìn cái thế-giới quanh mình bằng con mắt linh-hồn. Những cây cối tôi xem ra như những bài ca-tụng âm-thầm tự quả tim trái đất mà đưa lên. Tiếng kêu tiếng cười của con trẻ lai-láng trong trời buổi chiều, tôi coi như những cái cây vang-lừng tự trong tâm-căn của loài người mà cất tiếng lên. Tôi nhận thấy lời báo-cáo của mặt trời cho tâm-hồn tôi, và tôi cảm thấy trong không-khí một cái vẻ đầy-đặn như nó nói với tôi bằng mấy câu của những bậc cổ-triết chúng tôi rằng: “Nếu cái bầu trời kia không đầy những ái-tình, thời ai có thể vận-động, ai có thể sinh tồn được trong thế-giới này?” Bấy giờ tôi mới thôi không gia-công cho thành hiệu-quả, không tự-phụ muốn làm phúc cho kẻ khác nữa, mà phục lại cái sự yêu-cầu tất thâm-trầm cho hồn-tính tôi, cảm biết rằng sống đời mình cho hoàn-toàn chân-lý, thế là sống cái đời của thế-giới đó. Bấy giờ sự cạnh-tranh dộn-dịp ở ngoài tiêu-tán đi, và cái sức sáng-tạo tự-nhiên ở nơi trung-tâm vạn-vật mở được một con đường ở trong lòng tôi.

Hiện bây giờ cũng còn thế. Trong cái công-cuộc của chúng tôi, phàm cái gì là sự hành-động hão-huyền ở bề ngoài là bởi không biết tin ở linh-tính, bởi ta hay tự cho ta là hệ-trọng, bởi cái thói quen hay tìm cái nguyên-nhân thất-bại bên ngoài, bởi cái khuynh-hướng hay chữa lại sự trễ-nải của mình bằng cái then-chốt chặt-chẽ của sự tổ-chức. Tôi đã kinh-nghiệm rằng hễ muốn cố công dạy cho kẻ khác, nhất là dạy về đường sinh-hoạt, về tinh-thần, thời cái kết-quả chẳng được bao nhiêu và có pha sự giả-trá ở đó. Như trong sự tín-ngưỡng, sự thực-hành về tôn-giáo, thường có pha một phần giả-trá, là bởi cách truyền-giáo có ý thiết-tha quá. Trong sự tấn-tới về đường tôn-giáo, thu vào với phát ra cũng là một, tức như cái đèn, đốt cháy lên và truyền sáng ra cũng là một. Phàm người ta đã ra mặt muốn dạy Đấng Tuyệt-đích cho kẻ khác, thời chỉ làm cho vẩn bụi lên, chứ không vẽ được đường cho chân-lý. Sự tôn-giáo không có dạy bằng bài học được; hễ biết sống trong tôn-giáo là học tôn-giáo vậy. Cho nên cái lý-tưởng đặt những nhà tu-xá ở giữa rừng để nghiên-cứu Đấng Tuyệt-đích, làm cái trường tu-luyện cho tinh-thần, ngày nay cũng vẫn còn là cái lý-tưởng chân chính. Tôn-giáo không phải là một vật có thể đem cắt ra mảnh để chia ra từng ngày hay từng tuần được, như các môn học khác ở chương-trình nhà trường vậy. Tôn-giáo là cái chân-lý của toàn thể linh-tính, là cái quan-cảm về sự quan hệ của nhân-thân ta với vũ-trụ vô-cùng; nó là nơi trung-tâm-điểm của đời ta. Nơi trung-tâm ấy, ta có thể tới được từ thủa nhỏ, là hằng ngày phải sinh-trưởng ở một chỗ mà cái chân-tướng của thế-giới tinh-thần không bị những sự cần-dùng hão-huyền bề-bộn nó làm cho mờ-ám đi, mà sự sinh-hoạt được giản-dị, được thư-nhàn, được khoáng-đãng, như có cái không-khí trong sạch, được vạn-vật bình-tĩnh bao-bọc chung quanh, nói tóm lại là một chỗ mà người ta ở đấy có bụng chân-thành tín-ngưỡng ở cái cõi sống thiên-niên ở trước mặt.

  Hoặc có người hỏi tôi lập ra nhà trường như thế đã đạt được mục-đích của tôi chưa. Xin trả lời rằng phàm sự lý-tưởng của người ta thực-hành được hay chửa thực-hành được cũng khó lấy cái tiêu-chuẩn bề ngoài mà xét được. Không thể lấy cái công-hiệu ngay mà nghiệm được. Trong “tịnh xá” chúng tôi, chúng tôi hoàn-toàn thừa-nhận những sự sai-dị phức-tạp của loài người. Những người vào trong hội, mỗi người tính-tình giáo-dục một khác, chúng tôi không có gia công trừ-khử những sự sai-biệt ấy đi để cho bề ngoài được bình-đẳng nhất-luật cả. Có mấy người trong chúng tôi thuộc về phái Brahmo-Smaj; người khác lại thuộc về các phái Ấn-độ khác; lại có một vài người theo đạo Thiên-chúa. Vì chúng tôi không chuyên-chủ về sự tín-ngưỡng, về lẽ tôn-giáo, nên những sự tin-tưởng khác nhau ấy không có quan ngại gì cho chúng tôi cả. Tôi cũng biết rằng trong bấy nhiêu người ở trong “tịnh-xá” không phải là ai cũng tôn-trọng cái lý-tưởng và sự sinh-hoạt trong tịnh-xá như nhau cả. Lòng ta hoài-vọng một sự sinh-hoạt cao-thượng, nhiều khi cũng còn chưa thoát khỏi vòng danh-lợi ở đời. Tuy vậy mặc lòng, tôi dám chắc rằng,- hiện tôi có chứng-cớ hiển-nhiên,-cái lý-tưởng tu-dưỡng trong “tịnh-xá” chúng tôi mỗi ngày một tẩm-thấm vào tính-tình của mọi người. Có khi tự mình không để ý nhận, mà cuộc đời mình như cái dây đàn, cũng theo nhịp mà cao bổng lên. Dù chúng tôi đến đây, sơ-tâm thế nào mặc lòng, trong đám xôn-xao, vẫn văng-vẳng nghe thấy ba tiếng: Shamtan, Shivam, Advaitam (Đại Hòa-bình, Đại Từ-bi, Nhất-thể !)Trong không-khí như vang-lừng cái tiếng thiên-lai vô-cùng nó làm cho buổi sớm thanh-tĩnh, buổi chiều tịch-mịch, đều như có một cái ý-nghĩa thâm-trầm, và tựa-hồ như nó khiến cho trăm hoa đua nở để giục lòng người quên mình mà cảnh-ngưỡng sự tuyệt-đích.

Ngoài người Ấn-độ, tưởng người các nước cũng khó nhận được cái ý-tưởng lan-man nó bao-hàm trong chữ Ashram, là nơi tịnh-xá đặt trong giữa rừng; vì tiếng ấy phát-hiện ra ở đất Ấn-độ, như cái hoa sen của Ấn-độ kia nở ra ở dưới khoảng trời quan mây tạnh. Cái khí-hậu như nó mời chúng tôi ra chỗ lỗ-thiên không khoáng. Tiếng trường-giang như cuồn-cuộn trong câu hát của chúng tôi: đồng-điền bát-ngát bao-bọc chung quanh nhà ở, làm cho lặng-lẽ như cõi ngoại-trần; mặt trời mọc ở đám chân trời xanh ngắt như cái quà tặng của thần “bất-khả-kiến” đem cúng trên bàn thờ thần “bất-khả-tri”; buổi chiều lại lặn ở cõi Tây, như cái cuộc lễ rực-rỡ của cảnh-vật chào mừng đấng Tuyệt-đối.

Ở Ấn-độ bóng cây hay có tình mến khách, bụi đất cũng có bụng luyến người, mà không-khí thời như ôm-ấp lấy người ta cho ấm-áp. Những cái hoàn-cảnh ấy nó cảm-xúc đến thần-trí chúng tôi luôn; nó tuyên-truyền cho chúng tôi biết rằng cái thiên-chức của Ấn-độ là phải điều-hòa hồn người với vũ-trụ, để hòa-hợp hồn người với hồn tuyệt-đích. Chính ở các trường tu-luyện đặt ở giữa rừng đời xưa mà cái thiên-chức ấy đã tự-nhiên tiêu-biểu ra. Ngày nay cái thiên-chức ấy nó cũng vẫn khiến cho chúng tôi tìm cái tuyệt-đích ở trong các vật hữu-hình và trong sự giao-tế của người ta về tình thương, ở trong cái không khí chúng tôi hô-hấp, trong cái ánh sáng chiếu vào con mắt chúng tôi, trong nước chúng tôi tắm, trong cái đất kia là chỗ chúng tôi sống và chết ở đây. Bởi thế nên tôi tự thí-nghiệm mà biết rằng những thầy trò họp lại trong nhà tịnh-xá này, ngày ngày giải-thoát được tinh-thần mình mà trực-cảm được sự vô-cùng. Không phải bằng cách dạy học hay bằng kỷ-luật mà là bằng cái không-khí cảm-hứng nó bao-bọc chốn này, cũng bằng sự kỷ-niệm những người cao thượng khi xưa đã ở đây, từng cảm-thông với cõi thánh-thần.

Tôi tưởng tôi nói thế cũng đủ khiến cho hiểu cái sơ-tâm của tôi dịnh đặt trường học ở nơi tịnh-xá này, mỗi ngày một khoáng-trương ra đến hòa-hợp với cái cảm-hứng ở chốn này, nghĩa là cái tôn-chỉ của việc tôi làm tức là cái linh-hồn của nơi tịnh-xá vậy. Nhưng việc tôi làm cũng có một cái hình-thể, tức là cái hình-thể của nhà trường, tôi cũng phải theo một cái phương-pháp giáo-dục, chính cái phương-pháp giáo-dục ấy tôi gắng sức muốn thực-hành trong mấy năm theo sự kinh-lịch của tôi làm tâm-lý con trẻ.

Tôi tưởng rằng, -điều đó tôi đã nói qua, – trong tâm-lý đứa trẻ cái phần tiềm-thức xem ra mạnh hơn phần ý-thức. Nhiều những điều quan-hệ ta học được là học bằng cái phần tiềm-thức ấy cả. Cũng do cái phần tiềm-thức ấy mà sự kinh-lịch của vô-số các đời trước có thể sáp-nhập vào tâm-tính ta, không những không khó nhọc gì, mà lại làm cho ta được khoái-lạc nữa. Cái sức tiềm-thức ấy là nó liền với ta. Nó không thể ví như một cái đèn có thể lau và thắp ở ngoài được, mà ví như cái lân-tinh của con đom-đóm, nó sáng là bởi cái thiên-tính của nó như thế.

Tôi được cái hân-hạnh sinh ra ở một nhà ai ai cũng sẵn có cái thiên-tư về văn-chương, âm-nhạc và mĩ-thuật. anh em ruột, anh em họ tôi đều sinh-trưởng trong cõi tư-tưởng, nhiều người lại có tài-năng tự-nhiên. Tôi lớn lên ở trong cái hoàn-cảnh ấy, sớm đã biết tư-tưởng, biết mơ mộng, biết tìm cách diễn-đạt những tư-tưởng của mình ra. Còn về đường tôn-giáo, về đường xã-hội, thời nhà tôi đã từng đoạn-tuyệt quan-hệ với các sự tín-ngưỡng và lễ-tục cổ, hầu như bị xã-hội không thừa-nhận nữa, nên đối với các lề-sáo cũ vẫn được tự-do. Nhờ đó nên trong sự tự tưởng tự-do chúng tôi có thể học được và có thể thí-nghiệm trong khắp các bộ-phận sinh-hoạt. Vậy thì trong tuổi nhỏ tôi đã được hưởng một cách giáo-dục thảnh-thơi, được vui-vẻ mà thi-thố những cái năng-lực về tinh-thần và mĩ-thuật của tôi. Cách sinh-hoạt đầy-đủ như thế đã khiến cho tôi được sinh trưởng trong cái hoàn-cảnh thiên-nhiên của tôi mà tìm được đủ tư-liệu cho mình. Bởi thế nên cái học-chế nhà trường nó đè-nén người ta làm cho tôi khó chịu đến như thế.

Khi tôi xướng-lập ra cái trường của tôi, thì tôi mới có cái kinh-lịch riêng còn non-nơt đó để làm tiêu-chuẩn cho mình mà thôi. Tôi thầm-tín rằng sự cần nhất bây giờ là một cái không-khí văn-hóa, chứ không phải là một phương-pháp dạy học. May sao, tôi gặp được một thầy học-sinh có tài làm nên sau này, tên là Stish Chandra Roy,  bấy giờ đương tập để thi lấy bằng tú-tài, lấy cái trường tôi làm thích, muốn đem mình cống-hiến để thực hành cái ý-tưởng đó. Thầy mới có mười-chín tuổi, nhưng là một kẻ anh-tài, tâm-hồn như sinh-trưởng trong một cái thế-giới tư-tưởng, và phàm cái gì hay, cái gì đẹp trong trí người cùng trong vũ-trụ đều như có vang động đến mình cả. Ví còn sống thì chắc có thể liệt vào bậc những thi-nhân bất-hủ trong văn-chương thế-giới; nhưng hai-mươi tuổi chết, chỉ giúp cho trường chúng tôi được trong khoảng ngắn-ngủi một năm trời. Học-trò ngồi với thầy ta, tưởng như không phải ngồi trong bốn bức tường một lớp học, hình như được cảm thông với khắp mọi nơi. Mùa xuân khi hoa “san” đương nở, thường được theo thầy vào trong rừng, nghe ngâm những bài thơ sở thích của thầy mà lấy làm cảm-động lắm. Thầy lại đọc văn Shakespeare, văn Browning cho nghe,- thầy vốn thích văn Browning lắm, có cái tài diễn dịch ra tiếng bengali khéo lắm. Không bao giờ thầy nghi ngờ cái sức thông-hiểu của học-trò; thầy sở thích cái gì thì kể cho học-trò nghe, biết rằng học-trò không cần phải hiểu từng chữ từng nghĩa, từng tí từng li, mới thật là hiểu, nhưng cốt nhất là cần phải cho thần-trí nó khải-phát ra. Bao giờ thầy cũng biết gợi cho thần-trí con trẻ khải-phát ra. Thầy không giống như nhiều thầy học khác, khác nào như cái xe để chuyển những điều dạy trong các sách giáo-khoa. Sự dạy của thầy là có cái đặc-sắc của thầy; vì cái nguồn nó là ở tự thầy mà ra; nó là cái chất sống, có thể tiêu-hóa vào trong tâm-tính sinh-hoạt của người ta. Cái nguyên-nhân chân-chính của sự thành-công của thầy, là thầy có lòng ham-mến sự sinh-hoạt, sự tư-tưởng, ham-mến những đứa con trẻ nó giao-tiếp với mình. Cái cảm-hứng của thầy không phải là ở sách mà ra, nhưng ở cái trí đa-cảm của thầy tiếp-xúc với ngoại-giới vậy. Các mùa thay đổi cũng cảm vào thầy như cảm cái cây vậy. Hình như đến tận huyết-mạch của thầy cũng tiếp những cái ảnh-hưởng vô-hình nó phảng-phất trong cảnh-vật, nó động-đậy luôn luôn ở trong không-gian, nó lưu-thông ở trong rễ cỏ dưới đất vậy. Cái văn chương của thầy nghiên-cứu không có mùi mốc mùi bụi những nơi thư-viện. Thầy có cái tài coi những tư-tưởng cũng như người bạn, có hình-thể hẳn-hoi và có sinh-khí huyền-diệu.

Vậy thời học-trò chúng tôi được cái hân-hạnh có một ông thầy hẳn-hoi dạy, chứ không phải dạy bằng sách giáo-khoa. Sách cũng như những đồ khí-cụ cần-dùng kia, chẳng phải như cái phên nó rào chắn vũ-trụ với ta dư? Ta đã tập cái thói quen lấy giấy sách mà che lấp cả những cửa sổ của trí-tuệ ta; những câu sách nó đã dán vào cái da não-chất ta, làm cho ta không trực-tiếp được cái chân-lý. Sách chất lại thành một cái thành để cho ta ẩn mình ở đó và tuyệt giao-thông với Tạo-vật. Vẫn biết rằng sự đọc sách là có ích, không biết thế thì vô-lý quá. Nhưng mà cũng phải biết rằng sách cũng có hạn và quá thì có hại. Dù thế nào mặc lòng, trong cái buổi đầu vỡ lòng, con trẻ phải học bằng đường lối tự-nhiên, nghĩa là phải học bằng người ta và bằng sự-vật.

Tôi thầm-tín như thế, nên tôi gia-công hết sức gây lấy trong nhà tịnh-xá một cái không-khí bằng tư-tưởng. Chúng tôi đặt những thi-ca, không phải chỉ để cho vừa sức con trẻ mà thôi, nhưng thật là những bài thi-ca như một người làm thơ tự làm để khoái lấy một mình. Như phần nhiều những bài ca trong tập Gitanjali của tôi là làm ra từ đó. Những bài ca đó mới thảo xong thì học-trò kéo lũ lượt lại học và hát ngay. Rồi sau những lúc nhàn-hạ, khi đêm trăng, hay về tháng bảy trên trời đầy những mây đen sắp mưa, ngồi xúm nhau lại cùng đem ra hát. Mấy bài kịch mới đây của tôi cũng soạn ở đó, và lũ trẻ cũng dự vào cuộc diễn-kịch.

Lại đặt ta những bài ca-ngâm để cho chúng nó hát những ngày tết các mùa. Bao giờ chúng nó cũng được vào trong buồng tôi khi tôi đọc cho các thầy giáo nghe những thơ văn mới của tôi bất-cứ về chuyện gì, chúng nó được cái đặc-quyền ấy lấy làm thích lắm và dùng một cách rất tự-do, khi nào không cho vào thì lấy làm phiền. Trước khi tôi đi tôi có đọc cho chúng nghe bài kịch Laria của Browning, vừa đọc vừa dịch ra tiếng bengali. Phải hai buổi tối đọc mới hết mà buổi thứ nhì chúng lại đông hơn buổi thứ nhất. Ai đã xem bọn đó diễn-kịch, cũng phải lấy làm lạ chúng có cái tài làm tuồng như thế, có lẽ bởi chúng không học chuyên-môn về nghề đó bao giờ. Diễn bài gì thì như nhập-điệu ngay tinh-thần bài ấy mà những bài ấy không phải là làm cho học-trò và cần phải có thông-tuệ lắm mới thấy hiểu được. Phàm tay làm sách bao giờ cũng nơm-nớp sợ cho sách-vở mình, vậy mà mỗi lần lũ trẻ nó diễn những bài kịch của tôi, tôi không thấy thất-ý lần nào cả, và ít khi tôi để cho thầy giáo được can-thiệp vào cách chúng nó hình-dung các nhân-vật trong bài kịch. Lắm khi tự chúng đặt lấy bài kịch và mời chúng tôi đến xem diễn; chúng lại lập hội văn-chương để họp nhau, mở ba cái tạp-chí có vẽ hình, bài-vở do học-trò ba lớp soạn; tạp-chí hay nhất là của lớp đồng-ấu. Nhiều học trò tỏ có tài vẽ mà tài ấy không phải bởi cách luyện-tập phóng-chép đâu, chính là tự-do muốn vẽ gì thì vẽ. Có khi có những nhà mĩ-thuật đến chơi, cũng là một cách trợ-hứng cho chúng.

Hồi đầu mới lập trường, học-trò không thích về âm-nhạc. Bởi thế tôi không mượn thầy âm-nhạc và không bắt học-trò học âm-nhạc. Tôi chỉ xét anh nào có khiếu về âm-nhạc thời cho nó có dịp mà tập. Làm như thế thì cái thính-giác của chúng luyện dần, đến khi thấy dần dần có nhiều người khuynh-hướng về âm-nhạc, xem ra sẵn lòng muốn học tử-tế, bầy giờ tôi mới mượn thầy dạy.

Học trò chúng tôi sáng nào cũng dậy sớm, có khi trước mặt trời mọc. Tự “bơm” lấy nước để tắm rửa, dọn lấy giường, làm lấy các công-việc, cho quen cái tính tự-phụng lấy mình.

Tôi cho sự tâm-niệm là có ích, nên mỗi sớm buổi chiều tôi để mười-lăm phút cho học-trò ngồi tâm-niệm. Tôi bắt ai ai cũng phải theo lệ như thế, nhưng không muốn cho chúng giả-tảng làm ra cách tâm-niệm. Tôi chỉ bắt chúng đứng yên, để tự-tập lấy sự khắc-kỷ, dù không tâm-niệm gì về Thượng-đế và để  mắt nhìn con sóc nó leo cây chẳng hề gì.

Một cái trường như thế mà tả ra thì tất không sao đúng được, vì cái đặc sắc nó là ở cái không-khí một phần và một phần là ở sự tự-do, không có quyền trên ép-buộc con trẻ. Tôi hết sức dụ cho chúng hiểu rằng trường này là “thế-giới” của chúng, sự sinh-hoạt của chúng phải được thảnh-thơi mà phát-siển ra hoàn-toàn. Chúng được tham-dự vào việc quản-trị nhà trường, và khi nào phải trừng-phạt tôi cũng để cho tòa án của chúng xử lấy nhau.

Nay kết-luận, tôi xin các thính-giả đừng có thu lấy một cái hình-ảnh sai-suyễn hoặc quá-đáng về cái “tịnh-xá” này. Bày ra trong một bài diễn-thuyết như thế này thì cái ý nó tựa-hồ như giản-dị và đầy-đủ quá. Thực ra thì nó xuất-hiện bằng những cái động-lực sinh-hoạt và bác-tạp, chắc nó thay đổi luôn và không được rõ-ràng cho lắm. Thường gặp sự ngăn-trở ở trong tâm-tính người, ở trong cơ-hội ngoài. Trong chúng tôi cũng có người không tin ở cái cơ-thể linh-hoạt của con trẻ; có người phải cưỡng-bách mới làm được hay. Vả lại cái sức cảm-hóa của con trẻ cũng bất-nhất lắm, và nhiều khi công giáo-dục cũng đến phải thất-bại. Có khi những cái tội-trạng không ngờ nó ở đâu phát-xuất ra, làm cho chúng tôi phải hoài-nghi không biết cái lý-tưởng của chúng tôi có thật có hiệu-lực không. Thật đã qua có lúc phân-vân, có lúc thoái-bộ. Nhưng mà những sự mâu-thuẫn, sự do-dự đó là thuộc về cái trạng-thái của sự thực. Một cái lý-tưởng hoạt-động, không thể sắp đặt như cái máy đồng-hồ, chạy không sai một li một phút được. Người nào biết tin cái lý-tưởng của mình thì dù gặp sự khó-khăn ngang-trái nó ngăn-chắn giữa đường cũng phải cố thí-nghiệm cái chân-lý của mình cho được mới thôi. Về phần tôi thì tôi tin ở cái lẽ sinh-hoạt, tin ở linh-tính người ta hơn là ở những phương-pháp  bề ngoài. Tôi tin rằng sự tự-do tuy cũng có nguy-hiểm, có trách-nhiệm như sự sinh-hoạt, nhưng cái mục-đích của giáo-dục phải là sự tự-do cho thần-trí người ta, mà sự tự-do ấy phải dùng cách tự-do mới đạt tới được.  Tôi biết chắc một điều mà nhiều kẻ xem ra như đã quên mất, là biết chắc rằng con trẻ là giống sinh-hoạt, sinh-hoạt mạnh hơn người lớn, vì người lớn thường giam mình vào trong cái vỏ dầy những thói quen. Cho nên muốn cho con trẻ phát-đạt, không phải chỉ cần đến nhà trường để học bài, mà cốt là cần có một cái cõi đời lấy ái-tình làm chủ-động. Phải có một nơi “tịnh-xá” để họp người ta lại trong cái cảnh tạo-vật hòa-bình, mà sự sinh-hoạt không phải chỉ là sự quan-niệm mà thôi, lại ở sự hoạt-động nữa, khiến cho những kẻ thanh-niên ở đó không tưởng rằng cái lý-tưởng người ta dạy mình là cái lòng mê-tín sùng-bái một nước mình thôi, phải biết gia-công thực-hành lấy cái thế-giới loài người cũng như một cõi thiên-quốc, mà mình chính là người dân; khiến cho những cái cảnh như cảnh trời lặn lúc chiều tà, trăng sao sáng tỏ lúc canh khua, hay là quả hoa đua nở theo mùa, người ta hằng nhớ đến không quên và vui-vẻ đón rước, lại khiến cho già trẻ thầy-trò cũng nhau ngồi một mâm mà vừa ăn cái bánh nuôi thân hằng ngày, vừa ăn cái bánh sinh-tồn vĩnh-viễn.

(Trích Nam Phong tạp chí, phụ trương số 85)

 

IV. Tản văn: VIẾT CHO TÔI TÌNH MƯỜI NĂM

Nguyễn Thế Cang

 

Mới đó mà mười năm kể từ khi vào cấp 3!

Tình mười năm là chơi năm mười với trí nhớ. Năm … mười… mười lăm …hai mươi … Ánh mắt tôi dõi theo Trinh, Ly ngưỡng mộ những ngày đầu tiên. Là Tin đứng lên bầu Tân làm lớp trưởng. Là chưa chi Diệu Hiền đã bốp cháp khi mới hỏi vài câu. Trong suy nghĩ của tôi, ai ở cánh dưới mà vào Sào Nam thì đều “học như sấm”. Năm nay bắt đầu chia theo khu vực, không còn học chung như những năm trước. Lỡ phận lớp tôi sinh sau 10 năm, thì cũng đâu còn duyên để gặp nhau mà hẹn. (Có chăng là duyên bị thầy Tuấn thu tiền). Có lẽ tại vì … Năm … mười… mười lăm …hai mươi …

Tình mười năm là Nhân, Lại, tôi học đòi “nói thúi”: “mi nói tiếp đi, ta không trách mi đâu”, “đồ tạp nham”, “mi nói hay đó nhưng đừng nói thì hay hơn”. Nói thúi mà cũng viết thơm. Là những tạp bút khi lên đồng “hoài niệm giống như hoa cúc vàng chưng ngoài hiên gió rồi cũng sẽ phôi pha theo sắc nhạt hương nhòa” hay “mùa thu đến rồi đi, đi như chưa hề đến, để nỗi buồn là của tôi, nó đến và làm cho tôi không thể nào quên”.

Tình mười năm là Lý ngồi bên bẽn lẽn, ít nói. Ngày trước hỏi “Răng mi ít nói rứa Lý?”; hắn cười: “Ta cũng không biết nữa! Chắc tính ta hắn rứa!”; “Phải tập nói chứ, ra đời mà ít nói răng được”. Bây giờ gặp lại, Lý hỏi: “Mi hình như ít nói hơn trước?”; tôi trả lời: “Ta cũng không biết nữa! Nhiều người cũng nhận xét như mi! Chắc tính ta hắn rứa!”. Năm … mười… mười lăm …hai mươi …

Tình mười năm là Thanh ngồi bàn trên hai năm liền. Không rõ lúc đó tôi đã yêu Thanh chưa nhưng mỗi lần chỗ ngồi trống đi là cảm thấy thiếu vắng.

“Từ giã hoàng hôn trong mắt em

Tôi đi tìm những phố không đèn

Gió mùa thu sớm bao dư vị

Của chút hương thầm xưa mới quen”

(Thơ Đinh Hùng)

Mười năm là tình đã xa. Năm … mười… mười lăm …hai mươi …

Tình mười năm là hôm đó là buổi học cuối cùng mà tôi vô tư không biết. Tan học kéo nhau chụp ảnh cũng hí hứng chạy theo. Chụp xong buồn thiu giống như đánh mất điều gì. Mười năm là đêm chia tay, liên hoan “bài bản” quá nên bây giờ nhớ lại cảm thấy tiếc vì điều gì đó không trọn vẹn hơn là một điều trọn vẹn đã qua đi. Cuối cùng là tờ lưu bút trao tay còn giữ lại. Buồn lắm khi ngủ dậy hiểu ra mình không là học sinh nữa. Biết đó là sự thật nhưng lại không tin nó là sự thật mà phải mất một tháng sau mới chấp nhận được và tôi nghĩ rằng mình có quyền để tin như vậy.

Tình “mờ năm” (mười năm) là giờ còn “nằm mơ” để một mình viết lách. Mười năm thôi mà bao nhiêu thay đổi. Có số thay đổi là điều sẽ đến, số khác do bản thân dự phóng nhưng đa phần những đổi thay là cuộc sống dự liệu. Một điều tôi không cải thiện được đó là có những người bạn mặc dù trong thâm tâm tôi rất quý họ nhưng khi gặp nhau thì cảm giác nửa xa lạ.

Tình mười năm là chơi năm mười nơi trí nhớ. Ta nấp trong kí ức nhau và tìm kiếm nơi kí ức của mình. Tìm một sự thật vẫn chưa hiểu trong quá khứ. Trốn một quá khứ vẫn còn thật mà chưa thể nhẹ nhàng. Ai trốn? Ai tìm? Tình mười năm, chẳng ai dám chắc mười năm sau sẽ như thế nào vì không thể thấy ánh sáng ngay lập tức mà chỉ có thể thấy ánh sáng từ từ trên đường đi; quan trọng là còn bước tiếp, đừng bỏ cuộc bởi giống chơi năm mười vậy: mọi cái … không đứng gần chủ.Cách xa ba bước đi tìm đi kiếm. Năm … mười… mười lăm …hai mươi.

(Viết năm 2013)

 

 

Leave a Reply