Trên Vấn Đề Hướng Nghiệp

Số 1.3: Tìm Hiểu Về Nguyễn Trường Tộ

I. Giới thiệu

Thế kỷ 19, Việt Nam có hai nhà tri thức lớn đó là Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Trường Tộ, cả hai đều là người Công giáo. Tôi sẽ đề cập sơ lược về Trương Vĩnh Ký ở một số khác, trong nội dung bài này tôi muốn giới thiệu về Nguyễn Trường Tộ.

Lần đầu tiên tôi biết có một nhân vật lịch sử “Nguyễn Trường Tộ” là năm tôi học lớp ba- thông qua sách giáo khoa lịch sử lúc đó. Kết hợp với thầy cô giảng và hóng chuyện từ người lớn, những gì tôi biết về Nguyễn Trường Tộ như sau:

  1. Ông là người Công giáo.
  2. Ông đưa ra những đường lối cải cách nhưng triều đình nhà Nguyễn không nghe theo.
  3. Câu chuyện nổi bật kể về ông là : ông tường thuật cho vua quan về bóng đèn điện. Các quan thời đó cho là ông phạm thượng, lừa gạt nhà vua vì làm gì có chuyện đèn không dầu, chốc ngược xuống mà vẫn sáng. Ông bị khép tội chết nhưng do nghĩ đến những công lao của ông nên triều đình tha cho tội chết và đuổi ông về quê.

I. Giới thiệu

II. Nguyễn Trường Tộ : Bài học về sự phối hợp giữa trí thức và nhà cầm quyền

III. Lý do Nhật đổi mới thành công còn VN thì không?

Về ý kiến lên án vua Tự Đức (1829 – 1883) là người thiển cận…

IV. Di thảo số 1

Sau này tìm hiểu thì tôi biết điều số ba là giai thoại bịa đặt lịch sử để hạ nhục nhà Nguyễn. Tuy nhiên đến trước năm thứ tư Đại học tôi vẫn ngây thơ tin đó là sự thật. Chính vì vậy trong suốt thời gian dài tôi đã không đánh giá cao Nguyễn Trường Tộ, bởi từ điều số ba ta có thể suy ra ông cũng kém cỏi, miêu tả cái bóng đèn có lẽ rất ngây ngô nên mới làm cho vua quan hiểu lầm. Thực ra, như tôi đã nhấn mạnh, đó chỉ là bịa đặt lịch sử.

 Sang năm thứ tư Đại học, tò mò đọc những bản điều trần Nguyễn Trường Tộ gửi cho triều    đình nhà Nguyễn, tôi hết sức bất ngờ trước sự uyên bác, am tường của ông về Đông Tây kim cổ. Một tầm nhìn đi trước thời đại và những viễn kiến mà rất nhiều trong đó vẫn còn đúng cho đến tận thời nay. Cùng với việc ông là người Công giáo, cũng giống như trường hợp Trương Vĩnh Ký, bi kịch của ông  đó là “chủ hòa” với Pháp. Dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất. Đó là mặt phải chúng ta nhìn về mình. Mặt trái của nó là dân mình quá hiếu chiến và máu ăn thua. Phong trào Đông Du của Phan Bội Châu tan rã, một phần là Pháp bắt tay với Nhật, một phần là do vụ Hà thành đầu độc. Phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng bị giải tán bởi nguyên nhân trực tiếp mà Pháp lấy làm cái cớ để đàn áp- đó là cuộc đấu tranh chống sưu thuế Trung Kỳ. Nói chung là người mình ít chịu nhẫn nhịn để suy nghĩ lẽ thiệt hơn mà lợi cho đại cuộc.  Chính vì thế, những ai chủ hòa, bất báo động ở thời kỳ này, dù là xả thân và có tầm nhìn thời cuộc, cũng đều bị dân tộc gắn nhãn là nhu nhược, hèn nhát và cầu vinh.

Cái hay tôi học được ở Nguyễn Trường Tộ là ông hết lòng với đất nước, đi đến cùng khát vọng canh tân của mình. Lúc Pháp mới chỉ xin thông thương, bất chấp những bi kịch có thể xảy đến vì ông là người Công giáo, ông vẫn gửi bản điều trần khuyên triều đình hòa hiếu với Pháp để học sự văn minh của họ, qua đó tránh được họa mất nước. Triều đình Huế không nghe theo dẫn đến việc mất các tỉnh Nam Kỳ. Nguyễn Trường Tộ không nản lòng, ông gửi cho triều đình Huế kế sách lấy lại các tỉnh Nam Kỳ như giả có sự can thiệp của người Anh để quân Pháp hoang mang, nhờ sự giúp đỡ của những người Pháp chống chủ nghĩa thực dân để vận động dư luận… Ngoài ra, ông còn bàn đến nhiều vấn đề cấp thiết khác như tự do tôn giáo, mở trường kỹ nghệ thực hành, mua tàu chiến, khai thác tài nguyên, cho người sang phương Tây du học… Rất tiếc là tất cả những điều này đều không được triều đình nghe theo, như ý số hai tôi đã nhắc đến ở trên. Tuy nhiên, tại sao triều đình nhà Nguyễn lại không thực hiện những đường lối cải cách mà phe canh tân và cách riêng là Nguyễn Trường Tộ đề nghị ? Lý do không đơn giản chỉ là vài nguyên nhân hời hợt như trong sách giáo khoa trình bày. Thực ra nó thuộc về tính tình của một dân tộc, và chính vì vậy bài học lịch sử của câu chuyện cách đây hơn một thế kỷ vẫn rất gần với kinh nghiệm của mỗi chúng ta qua từng thời kỳ.

Trong số này, tôi giới thiệu hai bài phỏng vấn về Nguyễn Trường Tộ: Một của RFI Việt ngữ với Giáo sư sử học Trịnh Văn Thảo thuộc Đại học Aix-Marseille (Cộng Hòa Pháp) và một của vietnamnet với Tiến sĩ sử học Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen. Thay cho lời kết, chúng ta sẽ đọc lại di thảo đầu tiên ông gửi cho triều đình Nguyễn- bản điều trần bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ, để có một cảm nhận riêng về ông.

Mục đích của bài viết nhằm sơ lược những nét chính về con người Nguyễn Trường Tộ và thời cuộc ông sống, qua đó hi vọng gợi cảm hứng cho các bạn trẻ tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời Nguyễn Trường Tộ cũng như lịch sử Việt Nam thời cận đại.

 

II. Nguyễn Trường Tộ : Bài học về sự phối hợp giữa trí thức và nhà cầm quyền

 

Lê Phước phỏng vấn Gs Trịnh Văn Thảo.

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam chủ yếu phải vất vả đối phó với tham vọng bá quyền của anh bạn láng giềng phương Bắc. Thế nhưng, đến giữa thế kỷ 19, một  “cú sốc giữa các nền văn minh” đã xảy đến giữa hai nền văn hóa Đông-Tây. Trí thức Việt Nam khi ấy là các nhà Nho đã ra sức tư duy tìm kiếm phương sách cứu quốc. Dù suy nghĩ của họ có đúng hay không, thì rõ ràng họ đã thể hiện được trách nhiệm xã hội của mình. Điển hình cho thế hệ trí thức này là Nguyễn Trường Tộ với trên 57 bản điều trần gửi cho triều đình Tự Đức. Tiếc rằng những bản điều trần đó không được nghe theo, tiếc rằng cuối cùng Việt Nam vẫn mất chủ quyền vào tay Pháp, và đó cũng là một bài học cho hậu thế về sự phối hợp giữa giới trí thức và nhà cầm quyền. 

Một trí thức “có tâm và có tầm”

Nguyễn Trường Tộ quê làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm sinh của ông hiện chưa đủ tài liệu để khẳng định rõ ràng, nhưng vào khoảng các năm 1828 hoặc 1830. Dù là người theo Công Giáo, một tôn giáo bị triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ ngăn cấm, nhưng cũng giống như hết thảy con em người Việt lúc bấy giờ, Nguyễn Trường Tộ từ nhỏ đã được giáo dục trong các lò Nho học. Ông nổi tiếng học giỏi từ nhỏ và được gọi là “Trạng Lộ”.

Tuy nhiên, ngoài Nho học, do là người Công giáo, Nguyễn Trường Tộ khi ở quê nhà đã được tiếp xúc với giám mục Gauthier (tên tiếng Việt là Ngô Gia Hậu) và được người này giúp đỡ cho học chữ Pháp và một số môn khoa học thực dụng phương Tây.

Đến cuối năm 1858, Nguyễn Trường Tộ theo cha Hậu vào Đà Nẳng, và sau đó đi chu du nhiều nơi hải ngoại như Hồng Kong (tức Hương Cảng), Malaysia, Singapore, Pháp, Roma…Ông được tiếp kiến giáo hoàng lúc bấy giờ và được giáo hoàng tặng nhiều sách về khoa học phương Tây. Đầu năm 1861, Nguyễn Trường Tộ về nước và được mời làm phiên dịch cho Pháp. Tuy nhiên, ông làm phiên dịch cho Tây trong mục đích là góp phần cho cuộc hòa đàm giữa triều đình Huế với Pháp. Đến cuối năm 1861, nhận thấy Pháp đã quyết tâm đánh chiếm Việt Nam, nên Nguyễn Trường Tộ xin thôi việc và lui về quê nhà.

Ông không ra làm quan chính thức, dù có đôi lần nhận lời giúp triều đình Huế trong một số việc công cán, nhưng Nguyễn Trường Tộ lúc nào cũng thể hiện đúng tinh thần xã hội của một chân nho là “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Từ những kinh nghiệm bản thân góp nhặt được trong các chuyến chu du, từ kiến thức Hán học sâu rộng của mình, Nguyễn Trường Tộ đã liên tiếp gửi đến triều đình Huế của vua Tự Đức những đề xuất canh tân đất nước.

Chỉ trong 10 năm từ 1861 đến 1871, Nguyễn Trường Tộ đã gửi đến triều Tự Đức khoảng trên 57 bản kiến nghị canh tân gọi là  “Điều trần”. Các bản điều trần kêu gọi triều đình chấn hưng đất nước bằng cách phát triển khoa học hiện đại như các nước phương Tây, thoát khỏi những giáo điều quá ư hủ lậu của Nho Giáo, kêu gọi mở rộng ngoại giao với nhiều nước khác nhằm tạo thế đa cực trong các mối quan hệ quốc tế…Bên cạnh đó, các bản điều trần cũng vẽ nên một thực trạng xã hội Việt Nam khi ấy với bộ máy hành chính cồng kềnh, nạn quan liêu hoành hành, quốc khố trống rỗng, kinh tế èo ọt, học thuật suy yếu…

Những đề xuất của Nguyễn Trường Tộ đã không được triều Tự Đức quan tâm bởi quan lại lúc bấy giờ vị nào cũng đứng trên lập trường Nho Giáo xa xưa mà lý luận về hiện trạng đất nước. Bởi vị chức sắc triều đình nào hễ bàn việc nước đều trích dẫn kinh điển Nho Giáo ra làm bằng, lấy Tống Nho làm chỗ dựa, lấy chuyện đời Chu đời Đường làm khuôn vàng thước ngọc. Ngay cả vua Tự Đức, dù được cho là một ông vua sáng suốt, nhưng đối với những đề xuất canh tân của Nguyễn Trường Tộ, có khi vua Tự Đức còn tự hào cho rằng triều đình đã có đủ phương tiện để chấn hưng đất nước và rằng Nguyễn Trường Tộ quá tự tin vào sở học của mình.

Dù không được triều đình phúc đáp, nhưng người trí thức Nguyễn Trường Tộ vẫn không nản lòng, vẫn kiên trì gửi kiến nghị lên cho triều đình. Và cứ thế, ông cứ mãi bận lòng vì việc nước. Đến cuối năm 1871, ông mất tại quê nhà.

Nguyễn Trường Tộ, tấm gương trí thức sáng ngời

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà trí thức Nguyễn Trường Tộ với trên 57 bản điều trần thật sự quá đồ sộ để có thể tóm lược trong vài dòng cho được. Để bao quát những tinh hoa của ông để từ đó rút ra bài học cho hậu thế, RFI Việt Ngữ đã tìm đến Giáo Sư Sử Học Trịnh Văn Thảo thuộc Đại học Aix-Marseille (Cộng Hòa Pháp), người có nhiều công trình khảo cứu có giá trị đã được xuất bản tại Pháp về trí thức Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Lê Phước : Thưa Giáo Sư, đầu tiên xin Giáo Sư tóm lược đôi điều về nhà trí thức Nguyễn Trường Tộ.

Giáo Sư Trịnh Văn Thảo :

Về ông Nguyễn Trường Tộ, người ta thường nhắc đến tên ông mỗi khi vận nước gặp khó khăn, thời đại nào cũng vậy. Vậy ta có thể nhấn mạnh về khía cạnh di sản của ông. Nguyễn Trường Tộ là một nhân vật lịch sử thế kỷ 19 được các nhà sử học Việt Nam và ngoại quốc nghiên cứu rất nhiều nên không thể tóm tắt dễ dàng. Riêng tôi chỉ xin đề cập đến con người và sự nghiệp Nguyễn Trường Tộ dưới ba khía cạnh :

1. Thứ nhất :

Nguyễn Trường Tộ là một nhân vật lịch sử cận đại có tư thế đặc biệt trong thời đại giao thoa giữa hai nền văn hóa Tây phương và Đông phương, nhất là một lối giao thoa rất phức tạp và đối kháng. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Trường Tộ nổi lên là một nhân vật lịch sử then chốt vì ba lý do : 1) Ông xuất thân trong một gia đình Nho Giáo nhưng bản thân ông lại theo Thiên Chúa Giáo ; 2) Ông vừa thâm sâu về Hán học và Tây học ; 3) Con người của ông rất phong phú. Nguyễn Trường Tộ là một nhà trí thức dấn thân tiêu biểu của giai đoạn lịch sử đó. Ông nắm được hai lợi khí là ngôn ngữ (thạo tiếng Hán và tiếng Pháp) và hiểu rõ sự khác biệt giữa hai nền tôn giáo lớn của thế giới lúc bấy giờ là Nho Giáo và Thiên Chúa Giáo. Ông không có thái độ mặc cảm gì cả. Ông xem vấn đề theo đạo Thiên Chúa là một vấn đề cá nhân. Nhưng đứng về mặt tư tưởng thì ông luôn là một nhà Nho có tư tưởng Đông phương rất sâu sắc.

2. Thứ hai :

Nguyễn Trường Tộ tiêu biểu cho nhà trí thức dấn thân của thời đó. Ông lên tiếng cảnh báo và cảnh tỉnh nhà cầm quyền Việt Nam về hiểm họa mất nước nếu không tiến hành một công cuộc cải lương toàn diện và sâu sắc. Tôi nghĩ rằng, hơn 57 bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ gửi cho vua Tự Đức không phải là một lời gào thét, kêu gọi thấm thiết, mà là một phân tích rất sâu sắc và khách quan về sự cách biệt giữa Đông và Tây. Tôi nghĩ rằng, đó là một thái độ rất tiêu biểu của một người trí thức dấn thân, vừa cận với chính quyền mà không tham dự vào chính quyền, mà cũng không xa với chính quyền để giúp đỡ chính quyền.

3. Thứ ba :

Có thể xem Nguyễn Trường Tộ là một nhân vật có nhiều ảnh hưởng đối với lịch sử của xứ mình. Công trình nghiên cứu của tôi về ba thế hệ trí thức Việt Nam thời đại đó có nhấn mạnh đến ảnh hưởng của Nguyễn Trường Tộ thứ nhất là đối với Nguyễn Lộ Trạch, ngoài ra còn có những nhân vật khá quan trọng trong phong trào cải lương của triều đình Huế thời đó như Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ…

Ảnh hưởng của Nguyễn Trường Tộ là tuyệt đối đối với thế hệ nhà Nho duy tân 1907. Tiêu biểu qua trường hợp của hai cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu có thể thấy được ảnh hưởng của Nguyễn Trường Tộ đối với Nho sĩ yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ 20 như thế nào.

Đối với thế hệ Tây học về sau, tôi nghĩ rằng, sử gia Việt Nam và ngoại quốc chưa đánh giá đúng và đầy đủ vai trò của tư tưởng cải lương Nho Giáo Nguyễn Trường Tộ. Đứng về mặt tư tưởng, Nguyễn Trường Tộ là một người Nho Giáo vì ông đứng trên lập trường Nho Giáo để phân tích và đánh giá tình hình. Theo tôi, Nguyễn Trường Tộ ít nhất cũng có ảnh hưởng đến Hồ Chí Minh, Phan Văn Trường hay Gibert Trần Chánh Chiếu. Ở đây, tôi chỉ nói những nhân vật mà tôi cho là quan trọng nhất, tiêu biểu nhất của thời đại đó. Nhưng tôi chắc chắn, nếu có nghiên cứu sâu rộng thì sẽ thấy rằng vai trò và tính thời sự của tư tưởng và tác phong của Nguyễn Trường Tộ là rất mạnh mẽ, cần đáng được ghi chép lại.

Tóm lại, tôi xem Nguyễn Trường Tộ là một tấm gương sáng không chỉ của hôm qua mà còn của cả ngày nay nữa.

Lê Phước : Thưa giáo sư, vì sao đề xuất của Nguyễn Trường Tộ lại không được áp dụng ?

Giáo Sư Trịnh Văn Thảo :

So sánh về những khó khăn của phong trào cải lương Nho Giáo ở bên Tàu cũng như ở ta thì thấy rằng thất bại của họ cũng là tương đối thôi. Bên Tàu, những phong trào của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu là những phong trào nổ lên một lúc rồi cũng bị dập tắt dưới sự đàn áp của các thành phần bảo thủ.

Thật ra, không phải tư tưởng Nho Giáo bản thân nó đóng chặt lại trước những ý kiến đề xuất thay đổi, nhưng mà những người dựa vào Nho Giáo để nắm quyền bính trong tay thì họ thấy rằng cải lương là một cái gì đó đi ngược lại lợi ích của họ, vì thế họ sẽ làm cho nó thất bại. Xứ Nhật có may mắn là có được thời đại Minh Trị, hoặc một xứ khác là Thái Lan có được những ông minh vương, biết cải cách đúng lúc để thoát khỏi gông cùm của đế quốc.

Tôi nghĩ rằng, một phần là do tính chất bảo thủ của nhà cầm quyền. Tôi không cho cái bảo thủ đó là bao trùm cả bảo thủ của tư tưởng Nho Giáo, bởi vì trong lịch sử nội bộ của Nho Giáo, ta thấy có nhiều phong trào cải lương rất quan trọng, chứ không phải là chỉ có ở cuối thời Nhà Thanh mà thôi.

Lê Phước : Thưa Giáo Sư, có người cho rằng đề xuất của Nguyễn Trường Tộ đã vượt quá xa thời đại của ông nên đã thất bại ?

Giáo Sư Trịnh Văn Thảo :

Nếu so với phòng trào Duy Tân bên Trung Quốc hay phong trào Minh Trị bên Nhật, thì rõ ràng là nó không xa đâu. Một số sử gia, như ông Tsuboi của Nhật Bản, họ chứng minh rằng, ngược lại so với Trung Quốc, vua chúa Việt Nam mình thông minh hơn nhiều, thấy rõ vấn đề hơn nhiều. Nhưng tại sao họ lại bó mình trong chính sách bế quan tỏa cảng? Tôi nghĩ rằng, phần lớn lý do mang tính địa lý lịch sử. Việt Nam mình không thoát ly khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc, bởi vậy khi thiên triều Trung Quốc không sửa đổi, thì thiên triều của ta cũng không dám thay đổi. Đó là lý do căn bản.

Lê Phước: Thưa Giáo Sư, trường hợp của nhà trí thức Nguyễn Trường Tộ để lại bài học gì cho trí thức Việt Nam ngày nay ?

Giáo Sư Trịnh Văn Thảo :

Tôi hy vọng rằng, người Việt ngày nay thấy rõ tác phong mẫu mực của Nguyễn Trường Tộ để rút kinh nghiệm. Sự thất bại của Nguyễn Trường Tộ là thất bại của cả giới sĩ phu Việt Nam khi ấy. Phải làm thế nào để sĩ phu chúng ta xưa cũng như nay sáng suốt, mở mắt để đáp ứng được tình thế.

Lê Phước : Giữa nhà cầm quyền và trí thức dấn thân cần có sự phối hợp ?

Giáo Sư Trịnh Văn Thảo :

Đúng. Nếu nhà cầm quyền tự thức tỉnh thì sướng quá rồi. Trí thức thức tỉnh mà đi trước nhà cầm quyền thì không thể nào thành công được vì họ không có quyền bính trong tay. Vấn đề là làm sao phối hợp nguyện vọng và sự sáng suốt của người trí thức (nếu họ có sáng suốt) với tư thế minh chủ của nhà vua. Nếu hai yếu tố đó phối hợp thì sẽ thành công, nếu hai yếu tố đó mâu thuẫn thì ta sẽ bị đặt vào một tình thế rất khó xử.

Ta thấy rằng, trong vô vàn nguyên nhân được nêu ra cho sự thất bại của các điều trần của Nguyễn Trường Tộ, thì nguyên nhân triều đình Tự Đức bảo thủ luôn được nhấn mạnh hàng đầu. Nói cách khác, nhà cầm quyền Việt Nam khi ấy cứ khư khư bám vào ngôi nhà sắp đổ là Nho Giáo để bảo vệ lợi ích bản thân và dòng tộc mà không thiết tha với mọi cải cách canh tân.

Nói đúng ra, không phải cứ trí thức đề xuất thì là đúng, là sáng suốt. Nhưng vấn đề là, nếu đề xuất của trí thức quả thật là đúng, là sáng suốt thì sự được thua lại nằm ở thái độ của nhà cầm quyền. Đối với trường hợp của Nguyễn Trường Tộ, thời gian đã chứng minh tinh thần canh tân của ông là đúng đắn, và thế hệ sau của ông đã liên tục kế thừa và phát huy. Trong một xã hội Nho Giáo như vậy, hành động của Nguyễn Trường Tộ là hành động của một trí thức dũng cảm, mang tính tiên phong. Thế nhưng, nhà cầm quyền khi ấy là triều đình Huế đã không tận dụng được sự sáng suốt của giới tinh hoa trong xã hội là tầng lớp trí thức để sau đó đất nước tiếp tục suy yếu và mất chủ quyền.

Nói cách khác, trong trường hợp Nguyễn Trường Tộ thì giữa nhà cầm quyền và giới trí thức đã thiếu sự phối hợp. Bài học về sự phối hợp này giữa trí thức và nhà cầm quyền đến hiện tại vẫn còn nguyên giá trị không chỉ trong xã hội Việt Nam mà là ở bất kỳ xã hội hiện đại nào trên thế giới.

Trích : Tạp Chí Văn Hóa, RFI Việt ngữ.

 

III. Lý do Nhật đổi mới thành công còn VN thì không?

 

Duy Chiến phỏng vấn Ts Bùi Trân Phượng

 

LTS: Nhằm góp phần làm sáng tỏ thêm nhân vật Nguyễn Trường Tộ cũng như lý giải vì sao cùng thời đại ông, nước Nhật canh tân thành công còn VN lại thất bại, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với TS. Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen TP.HCM. TS. Phượng từng bảo vệ luận văn cao học về Nguyễn Trường Tộ và tiến sĩ lịch sử tại Pháp.

 

Con người của hành động

 

Thưa TS Phượng, từ những nghiên cứu của mình, bà đánh giá đâu là đặc điểm nổi bật ở Nguyễn Trường Tộ, khiến ông khác biệt và tiến bộ hơn những nhà Nho cùng thời?

Nguyễn Trường Tộ là nhà Nho thực tế nhất mà tôi từng biết, ông không chỉ là người nêu ý tưởng mà còn là con người hành động. Ông đã dành phần lớn cuộc đời mình, dù ngắn ngủi, để thực hiện các ý tưởng của mình. Ông hành động liên tục, mạnh mẽ, không được việc này thì làm việc khác, gần như không ngừng nghỉ.

Ví dụ, ngay từ thời chiến tranh Việt – Pháp chưa xảy ra, ông đã nghiên cứu tình hình thế giới, đã thấy trước VN trong cái thế có thể bị xâm lược như nhiều dân tộc khác đã bị trước đó bởi sự phát triển của Tây Âu. Nguyễn Trường Tộ đã đặt vấn đề với triều đình: “Tại sao một nhúm nhỏ các quốc gia có thể đi khắp cùng thế giới, đi tới đâu cũng thắng người ta, nó chiếm đất, cai trị người ta?”.

Để trả lời cho được câu hỏi, Nguyễn Trường Tộ đã đọc rất nhiều sách, đi rất nhiều nơi, gặp nhiều người, nghiên cứu cách đương đầu (nhưng đều thất bại) của từng nước là nạn nhân của phương Tây. Ông tìm ra, sớm hơn những người cùng thời vài chục năm, căn nguyên nằm ở sức mạnh KHKT của phương Tây. Vì thế, muốn đương đầu với họ, chúng ta cũng phải có được sức mạnh đó.

Không chỉ am tường nhiều lĩnh vực, Nguyễn Trường Tộ còn biết làm nhiều công việc, trong nhiều lĩnh vực và làm đến nơi đến chốn.

Ông vẽ thiết kế và chỉ huy thi công chủng viện lớn ở Sài Gòn, tham gia thiết kế xây dựng, sửa chữa nhiều nhà cửa, cầu cống ở quê hương Nghệ An.

Ông lặn lội ra nước ngoài thuê mướn người về đi khai mỏ. Nếu lúc đó các chương trình khai thác thành công thì chúng ta đã đi trước cuộc khai thác, vơ vét nguồn lợi của người Pháp rất lâu.

Bản thân Nguyễn Trường Tộ lúc ấy thuộc thành phần bị tình nghi, bị loại ra ngoài vòng pháp luật. Ông là người Công giáo, đã đi nước ngoài nhiều lần, được các linh mục người Pháp tin dùng. Với “lý lịch” như vậy, ông vẫn dám viết điều trần, gặp các quan đầu triều đình như Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Trần Tiễn Thành… Làm chính trị như Nguyễn Trường Tộ đâu phải ai cũng làm được?

Còn mục đích canh tân của ông thì rõ ràng là để cứu nước, giữ chủ quyền quốc gia. Ông hoàn toàn vì đất nước, dân tộc chứ không hề vụ lợi gì cho mình.

Những nhà canh tân như Nguyễn Trường Tộ đã sớm nhận ra những hạn chế, tác hại của Nho giáo với công cuộc đổi mới. Nhưng theo bà tại sao Nho giáo lại “ăn sâu bám rễ” đến vậy ở những quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc?

Từ sau thời Tần Thủy Hoàng trở đi, các triều Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều lấy tư tưởng của Khổng Tử làm chính thống. Bởi tư tưởng của Khổng Tử quá có lợi cho kẻ cầm quyền.

Xã hội yên trị ai mà chẳng muốn. Nhưng muốn yên trị thì dưới phải phục tùng trên, từ trong gia đình cho đến xã hội đều phải có tôn ti trật tự, vợ phục tùng chồng, con phục tùng cha, trẻ phụ tùng già. Ngoài xã hội cấp dưới phải phục tùng cấp trên. Cao nhất là vua: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung…”. Kẻ cầm quyền nào mà không bám vào đấy để cai trị cho dễ.

Giờ đã là thế kỷ 21 mà một nước như Trung Quốc đã làm Cách mạnh rồi vẫn khôi phục Viện Khổng Tử là vì thế. Thực ra bản thân Khổng Tử dù đề cao tôn ti trật tự trên dưới nhưng ông cũng nhấn mạnh, trên phải xứng đáng nằm trên để dưới toàn tâm toàn ý nằm dưới. Ông đã cẩn thận có ràng buộc như vậy.

Mặt khác, lý tưởng hòa bình của Khổng Tử có cái vĩ đại ở chỗ, thời loạn cần lấy nhân đức để cai trị. Nhưng vế sau này thường bị người cầm quyền lờ đi. Hậu duệ của Khổng Tử, tức là giới Tống Nho đã “hóa thạch” quan hệ trên – dưới và ai ngoi lên bị xem là “làm loạn”, chẳng cho phép thay đổi khiến nó trở nên tai hại.

Cái vĩ đại của Nguyễn Trường Tộ là ai cũng bằng lòng với nhận thức lấy xưa làm mẫu mực, lý tưởng thì ông nhận ra sự vô lý đó!

Thế lực bảo thủ, hủ lậu luôn là lực cản

Thưa bà, cùng thời với Nguyễn Trường Tộ, nước Nhật Bản có nhà canh tân Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch Dụ Cát 1835 – 1901). Câu hỏi nhiều người đặt ra là tại sao Nhật Bản, một đất nước khi ấy còn nghèo hơn cả VN, cải cách thành công mà ta lại thất bại?

Thời ấy, vua Tự Đức đã cử các đoàn đi Pháp công tác. Một điều đáng chú ý là những người được chọn đều phải là những người hiểu văn minh phương Tây, thuận với việc giao thiệp với phương Tây.

Trong khi đó, lực lượng bảo thủ thì đông hơn số chấp nhận canh tân, chấp nhận giao thương với phương Tây. Thế lực của họ cũng mạnh hơn, kể cả khi những người canh tân ở vị trí rất cao như ông Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành.

Bởi vậy nên ông Phan Thanh Giản đi sứ về, kể lại những điều mắt thấy tai nghe, sau đó làm bài Tự than rất nổi tiếng, “Từ ngày đi sứ tới Tây kinh; Thấy việc Âu châu phải giật mình; Hết lời năn nỉ chẳng ai tin…” Đây là hậu quả của việc đi sứ mở mang chỉ có người canh tân mới được đi, còn người bảo thủ ở nhà.

Còn Nhật Bản thì khác. Họ cử đoàn đi gồm cả những người canh tân và những người bảo thủ. Ẩn ý sâu sắc của người Nhật cải cách là cho những người bảo thủ tận mắt chứng kiến và nghe thấy, không để họ ở nhà chẳng biết gì rồi cứ phê phán bừa và ngáng trở cải cách.

Hơn nữa, dù suy nghĩ trái ngược, 2 phe vẫn làm việc với nhau được bởi vì họ giống nhau ở lòng trung thành với Nhật Hoàng. Nhật hoàng lúc ấy còn trẻ nhưng nói một tiếng thì canh tân, bảo thủ đều làm theo.

Còn người Việt miệng thì nói trung quân nhưng trong lòng chỉ chờ chực cơ hội để dấy loạn. Phái canh tân không nổi loạn vì lo cải tổ, cải cách vực dậy kinh tế, còn bên bảo thủ có nhiều phe nổi loạn tứ tung, triều đình yếu ớt không có hậu thuẫn.

Một số ý kiến cho rằng, do Nhật Bản tiến hành cải cách từ dưới lên nên thắng lợi, còn ta thì ngược lại, cải cách từ trên xuống nên thất bại? Bà đánh giá thế nào?

Tôi không tán thành nhận định này! Nếu Nhật Bản không có Minh Trị Thiên Hoàng thì làm sao có cuộc cải cách thành công? Minh Trị Thiên Hoàng thực ra là một đứa trẻ, nghĩa là triều đình Nhật phải có một lực lượng nào đó đủ sức mạnh để đưa Nhật Hoàng lên, nhân danh Nhật Hoàng điều hành cải cách, canh tân đất nước chứ không phải đơn độc để đến nỗi phải tự sát như Phan Thanh Giản hay bị giết như đại thần Trần Tiễn Thành ở Việt Nam.

Thời Minh Trị Thiên Hoàng tạo ra môi trường, không khí cởi mở, hoặc ít nhất là để yên, thì các nhà trí thức mới tiến hành các hoạt động cải cách được chứ.

Không chỉ mở trường dạy kiến thức mới, các nhà cải cách Nhật còn dịch sách, phát hành tài liệu, phổ biến tri thức phương Tây rộng rãi cho dân chúng. Thử hỏi dưới chế độ quân chủ tập trung, một vài cá nhân đơn độc có làm nổi những việc đó nếu Nhà nước không đồng ý?

Lịch sử cho thấy, tư tưởng cải cách, hay nói theo ngôn ngữ thời trước là canh tân, không phải là thế mạnh của VN như các nước phương Tây? Thậm chí, ngược lại tư tưởng bảo thủ có vẻ mạnh hơn?

Đúng vậy! Canh tân hay đổi mới ban đầu luôn là thiểu số, còn bảo thủ là số đông. Các nước phương Tây có nhiều tư tưởng canh tân bởi họ đã trải qua cuộc Cách mạnh công nghiệp. Tôi đã nghiên cứu sâu lịch sử nước Pháp và thấy rằng, trước Cách mạng công nghiệp họ cũng chẳng khác gì ta.

Sự sáng suốt “vượt lên chính mình” của Nguyễn Trường Tộ cũng như sự cầu thị của vua Tự Đức và các đại thần trong Cơ mật viện là điều kiện cần nhưng chưa đủ để Việt Nam bước vào canh tân như Nhật Bản. Thế lực bảo thủ, hủ lậu luôn là lực cản, nhân danh những thứ rất dễ lừa mị người dân. Một phần do nhận thức, một phần do đặc lợi. Đó là bài học kinh nghiệm đắt giá mà chúng ta luôn phải ghi nhớ.

Xin cảm ơn bà vì buổi trò chuyện hôm nay!

 

Về ý kiến lên án vua Tự Đức (1829 – 1883) là người thiển cận, bảo thủ khiến 58 Điều trần của Nguyễn Trường Tộ không được áp dụng, TS Bùi Trân Phượng cho rằng: Tôi đã đọc được thủ bút của Tự Đức trên bản Điều trần của Nguyễn Trường Tộ. Nhà vua rất trân trọng, lắng nghe những điều mới lạ.

Vua nhà Nguyễn hồi ấy tiến bộ hơn ta nghĩ và sách sử chính thống viết. Thử tưởng tượng, vua Tự Đức được nuôi dạy trong môi trường Nho giáo từ trong trứng nước, làm gì cũng hay sợ phạm Nho phong.

Nhưng bằng tố chất thông minh, Tự Đức đã vượt ra khỏi cái bóng Nho phong đè nặng. Ông trực tiếp đọc kỹ tất cả các bản Điều trần của Nguyễn Trường Tộ, nghiêm túc đánh dấu và ghi chú vào đó. Cái gì quá mới lạ, Tự Đức gọi cận thần lên hỏi rõ. Xong nhà vua đưa ra Cơ mật viện để bàn bạc, thảo luận và căn dặn: “Những gì Tộ gửi từ trước đến nay phải đóng thành tập để không lạc mất”. Thử hỏi liệu có nhiều nguyên thủ đứng đầu làm được như vậy?

Xin nói thêm là những điều trần phân tích của Nguyễn Trường Tộ rất “nghịch nhĩ” với Nho giáo, tức là cũng rất trái tai nhà vua

Chưa hết, Tự Đức không chỉ lắng nghe mà còn cử một đoàn đi công tác gồm có Nguyễn Trường Tộ và giám mục Gouchie người Pháp, nhận nhiệm vụ của nhà vua qua Pháp thăm dò về ngoại giao tìm cách lấy lại đất Nam kỳ và mua một số máy móc cơ khí, tuyển người về đào kênh, khai mỏ để về xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế. Đồng thời Nguyễn Trường Tộ được giao mua thiết bị, mời thầy giáo về mở trường dạy nghề tại Huế.

Phái đoàn lênh đênh trên biển mấy tháng trời qua Pháp và trở về. Hay tin tàu vừa cập bến, chở theo nhiều máy móc thiết bị, vua Tự Đức đã hối hả xuống tận nơi xem và lệnh bố trí vào kho cất giữ cẩn thận.

Cái không may của dân tộc là máy móc thiết bị mở trường đã mua về thì vào năm đó, năm 1867 thực dân Pháp chà đạp hiệp ước đã ký, dùng mưu mô cưỡng chiếm tỉnh thành Vĩnh Long và 2 tỉnh thành còn lại, bức tử Phan Thanh Giản (chứ không phải Phan Thanh Giản mở cửa dâng thành cho Pháp lịch sử ghi).

Mất thêm 3 tỉnh miền Tây, quan đại thần Phan Thanh Giản tự sát, thì làm sao mở trường thực hành tại Huế được? Mặt mũi nào, danh dự ở đâu mà có thể mở trường Tây tại Kinh đô được? Không làm là điều dễ hiểu. Tiếc thay, nếu mở được trường thực hành tại Huế vào năm 1867 thì đó sẽ là bước canh tân tương đối sớm cho đất nước…

 

Trích : Tuần Việt Nam, vietnamnet.vn

 

IV. Di thảo số 1: Thiên Hạ Đại Thế Luận

(Tháng 2-3 năm Tự Đức 16 tức tháng 3-4 năm 1863)

Tôi là Nguyễn Trường Tộ, bề tôi nước Đại Nam đã từng trốn ra nước ngoài xin đem những điều mà tôi đã biết và thấy một cách chính xác về sự thế trong thiên hạ, mạo tội kính bẩm.

Trộm nghĩ việc trong thiên hạ chỉ có “thế” mà thôi. Chữ “thế” là nói bao gồm cả thiên thời nhân sự. Cho nên người biết rõ “thế” thì không trái trời, không mất thời, không hại người, không hỏng việc.

Hãy nói về thiên đạo trước. Khí đất là từ Bắc đến Nam, vận trời từ Tây sang Đông, theo Hà Đồ (1) thì thủy ở về phương Bắc, hỏa ở về phương Nam, kim ở phương Tây, mộc ở về phương Đông. Thuỷ thì diệt hỏa, kim diệt mộc, ấy là kẻ tự nhiên của trời đất luôn luôn như vậy.

Ngày nay các nước phương Tây, đã bao chiếm suốt từ Tây Nam cho đến Đông Bắc, toàn lãnh thổ châu Phi cho tới Thiên Phương, Thiên Trúc, Miến Điện, Xiêm La, Tô Môn Đáp Lạp, Trảo Oa, Lữ Tống, Cao Ly, Nhật Bản, Trung Quốc và các đảo ở ngoài biển, kể cả Tây châu, không đâu là không bị họ chẹn họng bám lưng. Nước Nga thì từ Tây Bắc đến Đông Nam gồm tất cả các nước Đại Uyển, Cốt Lợi Cán, Mông Cổ và các xứ ở phía Bắc Mãn Châu, không đâu là không chiếm đất và nô dịch dân những nơi đó. Ở trên lục địa, tất cả những chỗ nào có xe thuyền đi đến, con người đi qua, mặt trời mặt trăng soi chiếu, sương mù thấm đọng thì người Âu đều đặt chân tới, như tằm ăn cá nuốt, ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa; ai hòa với họ thì được yên, ai cự lại thì dùng binh lực giao tranh; trong thiên hạ không ai dám kháng cự lại họ. Như thế, nếu đó không phải là ý trời định, địa thế xoay vần, thì sao không lấy số đông của bốn đại châu mà kháng cự lại người Tây phương? Huống hồ nước Việt ta là một nước bé nhỏ, tại sao lại muốn trái đạo trời mà làm những việc thiên hạ khó làm được?

Đến như địa thế Trung Hoa chiếm 1 phần 3 Đông phương (2) nhân số đến 360 triệu, uy thế lẫy lừng, ai cũng phải thần phục họ cả, thế mà từ thời Minh về sau, người Tây phương vượt biển sang Đông, hai bên đánh nhau, thây chất thành đống, sau phải giảng hòa không biết bao nhiêu lần. Còn như ta là một xứ nóng, gần kề Quế Hải (3), là trạm nghỉ chân của người Tây phương trên đường sang Đông. Con giao long khi thấy đầm vực thì nghĩ cách đầm mình chứ không thể chịu bỏ mà đi.

Mới đây, người Pháp thừa thế đánh xong tỉnh Quảng Đông, đã đưa quân tinh nhuệ xuống phía Nam, làm Đà Nẵng thất thủ. Khi ấy giả sử ta có 10 vạn quân, cũng không đánh nhau được với họ. Phàm việc binh cốt ở thần tốc, họ đã biết rõ ràng quân ta mới nghe thanh thế họ đã phách lạc hồn xiêu rồi, hơn nữa cảng Đà Nẵng cách các doanh trại (4) ta chẳng bao xa thế tại sao họ không thừa thế chẻ tre, xua quân tinh nhuệ tiến tới mà lại thôi? Sao cứ thong dong nhàn hạ không cần lợi dụng thế tốc chiến? Hay vì họ nghĩ rằng ta phòng bị chưa kiên cố. Bởi lẽ ta càng phòng bị kiên cố chừng nào thì càng tỏ rõ được cái năng lực công phá của họ chừng ấy. Họ không cần thừa chỗ sơ hở mà đánh xuất kỳ bất ý như đối với nước địch có thế lực ngang ngửa với họ. Hơn nữa, người Pháp đến đây, một là hỏi ta vì sao giết hại giáo sĩ, hai là hỏi vì sao không chịu giao thiệp, ba là xin ta cắt cho một vài chỗ để làm đường giao thương như các nước thường làm. Lúc đầu họ không có ý định cướp nước người. Nếu những yêu sách của họ được thỏa mãn, họ sẽ chấm dứt những hành động gây hấn như đã ước định chứ đâu đến nỗi dây dưa lan rộng ra như thế. Cũng ví như nước lụt, người hiểu biết thì thuận theo thế nước mà cho chảy xuôi, để nước chảy về sông về biển thì hết, nếu ngăn đọng lại thì úng núi ngập gò, tắc lại thì trôi nhà trôi cửa. Cho nên người khéo trị lụt, thì việc làm hết sức đơn giản.

Hiện nay quân Pháp đã chỉnh cư thành Gia Định và các phủ huyện thuộc hạt, họ đào kinh đắp luỹ trù kế lâu dài để tỏ ra không chịu đi, như hổ đã về rừng, rồng đã xuống biển. Bây giờ như ta muốn cố thủ thành trì đợi cho họ tê liệt thì thật chẳng khác nào muốn quét sạch lá rừng, tát cạn nước biển. Không hòa mà chiến, khác nào cứu lửa đổ thêm dầu, không những không cứu được mà còn cháy nhanh hơn nữa.

Tôi thường nghiên cứu sự thế trong thiên hạ mà biết rằng hòa với Pháp là thượng sách. Hơn nữa ở Châu Âu việc võ bị chỉ có nước Pháp là đứng hạng nhất, hùng mạnh nhất không thua ai cả. Họ lại có tính khẳng khái, hiếu chiến, với uy phong của một quân đội có xe sắt. Tuy dụng binh nhưng cũng biết trọng nghĩa giữ lời, không như các nước chỉ chuyên thủ lợi. Khi kéo quân đi đánh thì khí thế hiên ngang, thái độ hân hoan. Khi lâm trận thì xông pha tới trước, không chịu tụt lùi. Khi thắng trận thì cả nước hoan hô, dù tổn thất nghìn muôn người cũng chẳng tiếc, chỉ sao cho uy danh hùng tráng, quốc thể được bảo toàn làm trọng. Các tướng thì gan dạ, nhiều mưu trí, thạo binh pháp, thuỷ chiến, lục chiến đều rất giỏi. Thật đúng như sách DOANH HOÀN CHÍ LƯỢC đã chép vậy.

Nếu như ngày kia Pháp đưa quân đến thì việc vượt biển cũng như đi trên đất bằng, trèo non như đi trên đường bộ. Nước ta tự núi kề biển, địa thế như một con rắn dài. Nếu họ dùng hỏa thuyền chia nhau đánh cắt các tỉnh dọc bờ biển, lại cho các tàu đậu ngoài cửa sông lớn để triệt sự vận tải đường biển của ta, lại cho một đạo quân đóng giữ ở Hoành Sơn để chặn đường tiếp tế bằng đường bộ và cắt đường qua lại của đội quân Cần Vương, rồi lại đổ bộ tiến đánh các chỗ xung yếu, gấp rút truyền hịch khắp Nam Bắc, chiêu mộ bọn giặc cướp ẩn náu dùng làm bọn dẫn đường, thì thuỷ binh của ta sẽ trở thành vô dụng. Bộ binh thì đại lộ không thông. Chỉ còn đường Vạn Tượng, Ai Lao, Trấn Ninh và đất Cao Miên thì lại hiểm trở khó đi mất nhiều ngày tháng đầu đuôi không liên lạc được với nhau. Nếu họ đánh một trận thì ta đã bị cái thế chia năm xẻ bảy (5). Dù cho có trí dũng cũng không kịp ra mưu. Đại thế đã mất, lòng quân sĩ đã lìa thì còn ai đánh giặc nữa? Địa lợi như thế thì không thể trông cậy vào đâu được.

Quân lính của ta lại chuyên dùng gươm dao gậy gộc, không thạo súng ống, dù phục binh cài bẫy, nhưng trận đồ như vậy chỉ hợp cho những tình thế không cấp bách, chỉ đánh được gần chứ không đánh được xa. Nếu họ dùng súng trường từ xa bắn suốt tới, thì quân ta chưa giáp trận mà gươm giáo đã tan tành. Khi họ đến gần thì dùng lưỡi lê xung phong một người đương được cả 100 người, xông lên như nước sông chảy xiết. Lúc ngừng lại thì như núi dựng, xông vào chẳng qua cũng như chuồn chuồn lay cột đá mà thôi.

Hơn nữa, họ đã lão luyện chiến trận những phương pháp của Đông phương như dụ địch, kiêu binh, địa lôi, hỏa công, sập hầm, thuốc độc họ đều biết cả, dù có người trí xảo đến mấy cũng không nhử được họ. Huống chi việc thắng bại lại do ở nhuệ khí. Họ từ xa đến, dấn thân vào chỗ chết với khí thế một ra đi là không trở về (6). Còn quân lính ta xưa nay vốn nhát gan, lại chưa quen đánh trận với nước khác, một ngày kia gặp phải quân địch mạnh mẽ, tuy có lòng dũng cảm nhưng khí thế đã suy, lại đánh đâu thua đó, vừa mới nghe bóng nghe gió đã mất hết hồn vía, tham sống sợ chết là lẽ thường tình. Chỉ trước khi ra trận mà có lòng quyết thắng địch thì mới khỏi chết. Nay đã biết họ có thể tất thắng, ta có cơ dễ thua, lại không biết phép ra quân của họ biến hóa như thế nào mà đem quân nhút nhát của mình ra đánh lại quân vô địch của họ thật chẳng khác nào như bắt muỗi đội núi, đem dê đấu hổ, rõ ràng là lối tấn công như vậy không dùng được nữa.

Theo binh pháp, muốn cố thủ phải có hai điều kiện: một là thành trì, hai là nhân tâm. Lúc địch mới đến thì phải gấp rút chặn những chỗ xung yếu mà đuổi nó đi. Nếu kẻ địch đã thọc sâu vào cứ điểm, thì phải có thành cao hào sâu để hãm kẻ địch mệt mỏi. Đó là thượng sách. Ngày nay quân Pháp có hoả thuyền để vận tải thì việc vượt muôn dặm cũng bằng chèo một mái chèo mà thôi. Nếu ta muốn ngăn bể để tuyệt lương của họ cũng không thể được. Họ muốn tăng thêm quân sang ta thì theo đường Biển Đỏ chỉ độ bốn năm tuần là đến nơi. Nếu cần lắm thì gởi giấy xin quân Anh đóng ở Ấn Độ, Tức Lực, Hương Cảng, Thượng Hải… thì sớm chiều là có thể đến nơi để giúp. Lại có quân của Y Pha Nho ở Lữ Tống, đến dồn sức tấn công.

Quân Pháp đánh thành không cần dùng những phương pháp bắc thang đường hầm, xe kiếm, bao đất (7), mà đại pháo bắn ra thì núi lở gò sập, thành đã vỡ, thì ta tuy có lương tiền nhiều, gươm giáo sắc và có phương pháp giữ thành cũng trở nên vô dụng. Hơn nữa, người Pháp đánh ta, trèo thành như lên đệm gối, sở dĩ lâu nay họ chưa dùng đến là vì cắt cổ gà cần gì phải dùng dao mổ trâu. Nếu gặp đối thủ thì như trận đánh ở Biển Đen năm trước, Tây Ba Sĩ Đa Bốc Lỗ là một thành kiên cố nhất thiên hạ, Nga là một nước cường địch bậc nhất trong thiên hạ có trăm vạn quân, đã giữ vững trong hai năm, thế mà rồi cũng bị hãm. Lấy ta so sánh với Nga cũng như lấy Đằng, Tiết mà so sánh với Tần, Sở (8). Nga như thế mà chống không được còn bị đánh tan tành, ta đâu có đủ sự hiểm yếu nào có thể mong cậy được!

Hiện nay tình hình trong nước rối loạn. Trời thì sanh tai biến để cảnh cáo, đất thì hạn hán tai ương, tiền của sức lực của dân đã kiệt quệ, việc cung ứng cho quân binh đã mệt mỏi, trong Triều đình quần thần chỉ làm trò hề cho vui lòng vua, che đậy những việc hư hỏng trong nước, ngăn chặn những bậc hiền tài, chia đảng lập phái khuynh loát nhau, những việc như vậy cũng đã nhiều; ngoài các tỉnh thì quan tham lại nhũng xưng hùng xưng bá tác phúc tác oai, áp bức tàn nhẫn kẻ cô thế, bòn rút mỡ dân, đục khoét tuỷ nước, việc đó đã xảy ra từ lâu rồi. Những kẻ hận đời ghét kẻ gian tà, những kẻ thất chí vong mạng, phần nhiều ẩn núp nơi thao dã, chính là lúc Thắng, Quảng (9) sẽ thừa cơ nổi dậy. Thế mà sao đối ngoại thì không có cách nào để động đến một mảy may lông của quân Pháp, cũng chẳng thuyết phục được ai để giải vây cho, lại đi tàn sát dân mình, giận cá chém thớt, khiến cho dân bị cái hại “cháy nhà vạ lây”. Thật đúng như câu nói: “đào ao đuổi cá”, “nối giáo cho giặc”. Cây cối trước hết tự nó hủ mục sau mới bị sâu đục; nước mình trước hết không biết tự giữ thể diện thì người ta mới khinh mình; dân loạn bên trong, rồi kẻ địch mới nhân đó mà vào. Như thế loạn không phải chỉ từ bên ngoài mà ở ngay trong nước vậy.

Than ôi! Dân chúng phụng sự quan trên, đóng thuế nạp tô, để mong được sống yên thân, thế mà bây giờ lại lấy những thứ nuôi sống người đó để làm hại người, nỡ khiến dân chúng vấp phải họa binh đao, nỡ tranh giành cái nhỏ mà bỏ cái lớn, cũng như muốn bảo tồn cành lá mà lại đem đẵn cả cội gốc. Cho nên mới nói: không sợ thế giặc ngang tàng mà sợ lòng người rời rạc. Lòng người đã rời rạc, đã muốn chóng mất, thì dù có thành trì bằng kim loại, có ao nước sôi cũng phải bỏ mà chạy, ai ở đó chịu chết mà giữ cho!

Sự thế hiện nay chỉ có hòa. Hòa thì trên không cưỡng lại ý trời, dưới có thể làm cho dân khỏi khổ, chấm dứt được sự dòm ngó của bọn gian nghịch, ngăn chặn được sự tranh giành của nước ngoài, thật là hay không thể kể xiết. Còn việc binh đao thì thật là tai họa nó là cho vợ goá con côi, tổn thương hòa khí của trời đất, sinh ra hạn hán lụt lội. Thánh nhân bất đắc dĩ mới phải dụng binh dẹp loạn. Nếu không đánh mà khuất phục được binh lính người mới là đánh giỏi. Nay có đánh họ cũng không đi, hòa họ cũng không đi. Họ chỉ xin mình miếng đất mà thôi, nếu cứ kiên quyết không cho, họ sẽ lập mưu cướp hết, từ khách quay lại làm chủ. Như thế là tiếc một hai mảnh đất mà đem cả nước trao cho họ. Nếu biết rõ, họ đã đến là không đi, họ ỷ thế vào những nước khác, thì đánh với họ tức là mất cái lớn không đáng mất mà còn tỏ ra mất đó là vì bất lực, không hợp tình, không kêu nài gì được; chi bằng hòa mà chịu mất cái nhỏ không thể không mất mà còn tỏ ra mình ngoại giao biết điều và là việc hợp tình hợp lý có hơn không? Nếu bảo quân ta mạnh, lúa gạo ta nhiều, chưa chi đã vội hòa sợ thiên hạ cười chê chăng? Nói như thế tức là không nhịn nhục việc nhỏ để làm việc lớn vậy (10). Không thấy một nước Trung Hoa to lớn là thế mà còn phải cắt đất cầu hòa. Lại nữa, như Thái vương bỏ đất Mân (11), Câu Tiễn thờ vua Ngô, việc hỏa thân của Hán (12), việc cống nạp của Tống (13), tất cả đều lấy việc không đánh là hơn, mà còn trọng sinh mệnh nữa. Luận việc này có ai cho là thất sách đâu?

Hoặc giả có người nói đất đai tổ tiên để lại không được đưa gang tấc nào cho kẻ khác. Như vậy là quá câu chấp mà để hỏng việc nước. Sao không xem xưa nay có ai là chủ giang sơn mãi đâu. Nhà Tấn bị Hồ (14) gây loạn, Tống mất vào tay Nguyên, Minh mất vào tay Thanh, họ này thay thế họ kia chẳng phải do số trời sắp đặt đó sao? (…) Từ xưa, các bậc đế vương, mỗi khi thay họ đổi ngôi thì con cháu không có đất cắm dùi, đều do tiếc cái ít để mất cái nhiều.

Hơn nữa, thiên hạ là của chung của thiên hạ, các bậc đế vương dĩ nhiên không thể đem thiên hạ mà cho ai, chỉ có điều là biết không thể cho được rồi sau mới có thể cho được. Nếu không tuỳ thời liệu đình, cho để mà giữ, chẳng may thế sự chuyển dần thì rõ ràng là phải đưa hết tất cả cho người ta. Thế nên, Câu Tiễn chịu nhẫn nhục để được còn nước Việt, vua Văn Hoàng mượn binh để lập cơ nghiệp, đều là muốn bảo toàn thiên hạ cả. Xưa nay, chưa có ai không ẩn nhẫn việc nhỏ mà làm nên việc lớn bao giờ.

Theo cách ngày nay thì nên để quân lính nghỉ ngơi, rồi làm theo chước Hán Cao Tổ cắt Quang Trung cho Hạng Võ ngay xưa để họ giữ bờ cõi cho mình, như có hổ báo trong rừng thì chồn cáo không dám bén mảng tới. Thế nhượng một tấc đất mà nhân dân lợi vô cùng. Như thế chẳng phải là làm việc chung cho thiên hạ đó sao? Người xưa cũng làm như thế thôi, không thể bỏ cách đó mà theo mưu khác được. Thế là xoay chuyển một cái mà kẻ sống người chết đều chịu ơn, thật là sáng rõ, rõ như ánh lửa rọi chẳng còn hình tích gì đáng nghị nữa cả. Dân đã yên sau sẽ khiến kẻ hiền tài vượt biển, sang các nước lớn học cách đánh trận giữ thành, học tập trí xảo của thiên hạ, giao thiệp với họ lâu dài, mới biết lường sức đo tài, biết hết tình trạng của họ. Học cho tinh vi mới sinh kỹ xảo, rất mực kỹ xảo mới mạnh, bấy giờ sẽ dưỡng uy súc nhuệ, đợi thời hành động, mất ở phía Đông thì lấy lại ở phía Tây, cũng chưa muộn gì. (15)

Vả lại, những điều mà nước Pháp xin, chẳng qua là để mở bến tàu; lập phố xá, thông cửa bể để buôn bán, lập nhà thờ để giảng đạo mà thôi. Lẽ thường những nơi có buôn bán, thế tất không thể mở thương trường, lập cơ xưởng. Như người Trung Hoa ở nước ta cũng vậy. Lấy có đổi không, khiến Nam Bắc hòa hợp, của cải hàng hóa lưu thông, tiêu dùng tiện lợi, cuộc sống đầy đủ đều nhờ ở đó cả. Xưa nay chưa có ai buôn bán mà âm mưu chiếm nước ngừơi ta bao giờ. Còn như giáo sĩ thì họ chỉ lấy việc mở rộng đạo giáo chống lại gian tà, làm trách nhiệm, chẳng liên quan gì đến những việc tranh thành tranh đất cả. Sở dĩ họ xin bỏ việc cấm đạo chẳng qua là để có sự truyền đạo được dễ dàng mà thôi. Nếu nói họ có âm mưu gì khác thì Đức Thế Tổ Cao hoàng đế (16) đã ở với giáo sĩ lâu ngày tưởng cũng đã biết ít nhiều hành động của họ. Nếu quả như người ta nói, tại sao không đề phòng ngăn cấm trước để chi đến nay mới cấm, khiến người Pháp mượn cứ trách ta? Nếu nói họ dụ dỗ giáo dân trước rồi mới gây hấn với ta, thì sao họ không thừa cơ khi ta mới bắt đầu dựng cơ nghiệp mà đem quân cả nước đánh lấy cả Nam Bắc phải đợi đến hàng chục năm dài về sau mới tính mưu? Phải chăng vì họ chưa được thông thương cho nên chưa lập mưu lấy nước ta, thế thì ngày nay họ đã thông thương được với nước ta đâu mà có thể thắng được ta? Nếu họ quyết ý chiến thắng thì dễ như lấy vật trong túi, đời nào lại chịu giảng hòa với ta. Những việc đó đã quá rõ, không đợi phải nói mới biết được. Còn ta nếu không chịu hòa, thì họ xưa nay vốn hiếu thắng, đời nào lại chịu thôi. Cho nên tôi nói hòa với họ là tiện lợi, là một việc rất tốt phù hợp với lẽ trời đất. Trời đất hòa mới có mưa móc tưới nhuần. Bốn mùa hoà vạn vật mới sinh nở. Hai nước hòa bờ cõi mới an ninh. Triều đình hòa trăm việc mới chỉnh đốn. Xưa nay chưa có khi nào bất hòa mà làm xong việc được.

Vậy kính xin đại nhân tâu lại đầy đủ (17). Cho họ một miếng đất thì chẳng những các sĩ phu trong thiên hạ muốn làm quan ở Triều đình mình, người buôn trong thiên hạ đua nhau đến buôn bán trong nước mình, mà nước nhà sẽ được vững như bàn thạch, là dân sẽ tránh được khổ lầm than, để giữ vững cơ nghiệp.

Tôi ở nước ngoài đã lâu biết rõ sức của họ, tinh tường tình hình của họ. Xưa Hàn Dũ có nói: “Biết mà không nói là bất nhân; nói mà không nói hết là bất nghĩa”. Vì vậy, tôi tuy thân giang hồ mà lòng vẫn ở nơi đế khuyết. Thật không nỡ lòng thấy đất nước bị chia cắt, trăm họ bị lìa tan, cho nên không nghĩ mình ở địa vị thấp hèn, dám cả gan nói ra. nếu như lời tôi nói là gian trá, hoặc có ai xui khiến tôi nói thì tôi xin nạp mình trước cửa đế đô, để làm chứng sau này. (18)

Tôi xin gởi kèm theo đây một bản đồ để chú giải rõ những điều nói trên đây.

Kính xin soi xét. Sau này nếu được yên, tôi xin đích thân đến để trình bày rõ nỗi lòng riêng bấy lâu ấp ủ của tôi.

Nay bái bẩm

Ngày  tháng  năm Tự Đức 16

Nguyễn Trường Tộ ký

 

Chú thích

 

(*) Nguyên văn chữ Hán: Hv 189/1 tờ 34-45; Hv 634/1 tờ 40-58; Hv 135 tờ 38-50; NAM PHONG, số 100 trang 47-58.

– Về nội dung, bản NAM PHONG, trong chi tiết, có những lời lẽ dài dòng và không chính xác bằng ba bản kia.

– Về ngày tháng năm, thì chỉ có Hv 189/1 là ghi “Tự Đức thập lục niên, nguyệt…. nhật….); còn ba bản kia thì không ghi ngày tháng. Từ Ngọc Nguyễn Lân, sđd, có trích nhiều đoạn của Thiên hạ đại thế và nói: “Không rõ ngày tháng”.

– Về đầu đề, thi NAM PHONG ghi: “Nguyễn Trường Tộ điều trần Thiên hạ đại thế nguyên tập (nguyên danh quốc tế thượng giao thông chi chính sách)”. Hv 634/1 ghi: “Điều trần thỉnh hứa đại Pháp quốc khai phụ thông thương”, còn Hv 189/1 và Hv 135 không có đầu thề. Chính Nguyễn Trường Tộ, trong Trần tình, nói: “Thiên hạ phân hợp đại thế luận” và trong các bài viết sau này, nhiều lần nói đến “Luận phân hợp”. Ông Nguyễn Lân nói: “Thiên hạ đại thế”; ông Đào Duy Anh nói, “Thiên hạ đại thế luận”.

Từ những dữ kiện nêu trên, chúng ta có thể tạm kết luận là Nguyễn Trường Tộ đã viết, để thuyết phục Triều đình Huế phải hoà với Pháp, vào hai thời điểm khác nhau:

a. Theo bài Trần tình, thì năm 1861, Nguyễn Trường Tộ đã có gởi cho Nguyễn Bá Nghi một bài Bàn về việc hòa (Hòa từ), và trong Trần tình có trích một đoạn của Hòa từ, lời lẽ hoàn toàn giống như trong bản NAM PHONG và các bản Hv. Bản văn đăng trong NAM PHONG có thể là bài Bàn về việc hòa của năm 1861. Bởi vì bản NAM PHONG so với các bản Hv, lời lẽ không chỉnh và không khúc chiết bằng. Hơn nữa bài Bàn về việc hòa hình như được viết để cho nhà vua đọc, nên tác giả nói: “Phục vọng chuẩn thần sở kiến”: kính mong các ý kiến của thần được chấp thuận, trong lúc các bản Hv nói: “đại nhân cụ đề chuyển tấu”: kính xin đại nhân tâu lại đầy đủ. Bản NAM PHONG lại có phụ đề: “Nguyên danh: Quốc tế thượng giao thông chi chính sách”.

b. Cũng theo bài Trần tình, thì năm 1863, Nguyễn Trường Tộ còn có bài Thiên hạ phân hợp đại thế luận. Để viết bài này, Nguyễn Trường Tộ chỉ lấy bài Hòa từ sửa chữa lại cho chỉnh và gọn gàng. Lúc đầu, hình như Nguyễn Trường Tộ định viết như một thư văn có mào đầu, có niên hiệu; nhưng sau có thể đã sửa chữa để gởi kèm theo bài Trần tình như một bài nghị luận, nên không có mào đề, không có niên hiệu. Đây là bản đã được sao chép lại trong Hv 135 và Hv 634/1 mà các tác giả như Nguyễn Lân, Đào Đăng Vĩ đều đã tham khảo và nói là “không rõ ngày tháng”. Bản được sao chép trong Hv 189/1 có lẽ là bản thảo ban đầu được sao chép lại gởi cho Phạm Phú Thứ. Ở đầu bài có ghi: “Giá tập ký dữ thần Phạm Phú Thứ (Bản này gởi thần Phạm Phú Thứ)”. Đây có thể là lời của Nội Các hay Viện Cơ Mật.

(1) Hà đồ: Thời ông Phục Hy làm vua thiên hạ, có con Long mã đội bức “đồ” (tức là bức vẽ) hiện ra ở sông Hà, ông Phục Hy theo cái văn bản ở trong bức đồ ấy vạch ra 8 quẻ ứng với 5 điều thuỷ, hỏa, kim, mộc và thổ là ở giữa bức đồ.

(2) NAM PHONG nói: 2/3 Á Đông, Nguyễn Lân sđd trang 129 cũng nói: “một phần ba Á Đông.

(3) Nam Hải.

(4) NAM PHONG nói: “Đà Nẵng đi kinh đô” (Đà Nẵng khứ Kinh). Nhưng nói như vậy là lúc Nguyễn Trường Tộ đánh giá chưa đúng lý do tại sao quân Pháp đầu năm 1858 không tiến đánh Huế mà lại hướng vào Nam bộ.

(5) Những chữ xiên không có trong NAM PHONG.

(6) Nguyên văn là Phá phủ trầm chu chi thế. Do tích: Ngày xưa Hạng Vũ đem quân đi đánh Tần, lúc đã đến gần chiến trường ông bắt đập vỡ hết cả nồi chảo nấu cơm, đánh đắm thuyền, chỉ mang lương thực vừa đủ ăn trong ba ngày, để tỏ ý cho quân sĩ biết rằng nhất định phải quyết chiến, nên ai nấy phải liều chết.

(7) Xe kiếm: Là một loại xe đằng trước có mũi nhọn bằng sắt để húc cho thủng thành, bao đất; dịch chữ “thổ nang” tức là bao đựng đất để sắp đống mà trèo thành.

(8) Đằng, Tiết là hai nước rất nhỏ. Tần, Sở là hai nước rất lớn thời Xuân Thu (Trung Quốc).

(9) Thắng, Quảng: Trần Thắng, Ngô Quảng đã từng tụ tập nông dân, chống lại Tần Thuỷ Hoàng.

(10) Ở đây bản NAM PHONG có một đoạn như sau: “Tôi trước đây ở Đại Thanh thấy nước Pháp ký hòa ước với Đại Thanh chỉ có 5 cửa biển mà thôi. Sau sự biến ở Quảng Đông, Pháp bèn cùng Anh chiếm Quảng Châu. Đại Thanh lại phải cho Pháp được tự ý từ Kinh Châu, Hán Khẩu xuống cửa sông Dương Tử chọn lấy một nơi tốt nhất. Đến năm Hàm Phong thứ 2, Tăng Vương huỷ bỏ hòa ước và gây sự, Pháp liền bỏ Đà Nẵng hợp cùng với Anh đánh Thiên Tân, Tăng Vương thua chạy lên phía Bắc, Pháp tiến lên Thông Châu đánh thẳng vào Hậu Uyển. Hàm Phong chạy sang Nhiệt Hà sai Cung Thân Vương giảng hòa, chịu bồi thường 800 vạn lạng bạc, lại phải nhượng thêm Thiên Tân, cửa sông Đại Cô và Lai Châu thuộc tỉnh Sơn Đông, Quỳnh Châu, Đài Loan thuộc tỉnh Quảng Đông. Chuyện Trung Quốc thật đúng như câu nói: “Giống lừa không chở nặng không chịu đi” thật là thất sách”.

(11) Mân: tên cũ của một nước ở Trung Quốc, địa vực hoạt động đầu tiên của thời Chu nay là giáp tỉnh Thiểm Tây.

(12) Hán hòa thân với Hung nô.

(13) Nạp tiền và hàng hóa cho nước Liêu và nước Kim.

(14) Loạn Ngũ Hồ.

(15) Ở đây bản NAM PHONG có một đoạn như sau: “Việc ấy hiện có căn cứ sự thật. Tôi đã xét qua nhân tài các nước phương Đông thấy ít nước nào hơn nước mình. Người Pháp cũng phục người Nam có nhiều trí xảo. Tôi đã từng ở các nước xa về phía Tây nghe họ đều nói các môn Thiên văn, Địa lý, Cách vật, trí xảo, hỏa xa, hỏa thuyền, đồng hồ… người Nam học rất thông minh lanh lợi. Nhưng cái bệnh của người mình là câu nệ thủ cựu, chuộng văn chương, không ra khỏi nước nên thấy, nghe chưa rộng, khiến họ chê cười. Nếu các danh nho cao sĩ của ta được qua lại giao thiệp với các nước thì không đầy 10 năm sẽ như Đỗ Mục nói:

Giang Đông còn làm người tài giỏi

Cuốn đất tràn về lại có phen!

(16) Vua Gia Long

(17) NAM PHONG nói: Xin chấp nhận cho ý kiến của thần. (Chuẩn thần sở kiến).

(18) Bản NAM PHONG chấm dứt ở đây.

Leave a Reply