Trên Vấn Đề Hướng Nghiệp

Số 2.4: Lương Và Đạo (Phần II)

I. Giới thiệu:

Yếu tố lịch sử, văn hóa giữa lương và đạo đã được khái quát ở số trước. Trong số này, chúng ta suy nghĩ về câu hỏi mình nên sống như thế nào giữa những láng giềng, bạn bè, đồng nghiệp khác tín ngưỡng.

Để kết thúc, chúng ta sẽ dõi theo hành trình của một đời người để rút ra điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Dù rằng các bài viết được chọn gần với nếp sống phương Tây, nhưng có lẽ đó cũng là viễn cảnh của thế hệ chúng ta sau này.

II. Giữa lương dân:

Lễ phục sinh ở Cam-phu-chia

(trích hồi ký)

Dẫn nhập: Những trang hồi ký này, nguyên bằng tiếng Anh, là của Cha T., một linh mục thừa sai người Philippines, phục vụ tại Cam-pu-chia vào thập niên 1980.

Trong một giảng khóa thần học Đối Thoại Tôn Giáo tại UST, Manila, Giám mục Teodore Bacani đã trao cho các sinh viên bản ‘copy,’ đề nghị rút ra và nhận định tầm nhìn của Cha T. về đối thoại tôn giáo, về hội nhập văn hóa, và về sứ mạng Kitô giáo nói chung.

Xin giới thiệu bản tiếng Việt đến bạn đọc, để những ai quan tâm có thể cùng tham gia nhận định và trao đổi.

Lm. Lê Công Đức

Đó là buổi chiều Chủ Nhật Phục Sinh tại làng Chomnaon. Cuối cùng, các cử hành Tuần Thánh đã trôi qua. Trời rất ẩm ướt. Tôi tự buộc mình ngả lưng trên chiếu và nghỉ một chút trước khi lái xe trở về Battambang. Bác Kiel, trưởng ban mục vụ giáo xứ, khẽ đánh thức tôi dậy:

– Thưa Cha, ông Lo đang hấp hối. Bà Lo muốn Cha ghé lại chút xíu ạ.

Tôi bật dậy, lau mặt, lấy vội áo alba, dây stola và sách nguyện. Tôi thầm cảm thấy vui, vì trong giờ phút hệ trọng này đôi vợ chồng Phật tử ấy lại muốn mời một linh mục Công Giáo đến nâng đỡ tinh thần.

Ông Lo 65 tuổi, không con cái. Bà Lo có được 5 người con từ đời chồng trước; tất cả đều đã có gia đình riêng, và tất cả đều quá nghèo túng nên không giúp được gì cho bố dượng và mẹ mình.

Ông bà Lo nghèo tận cùng. Túp chòi lá của hai vợ chồng chỉ rộng có 7,5 mét vuông; sàn kết bằng nẹp tre, yếu đến nỗi oằn xuống khi có người bước lên. Bạn phải khéo léo đặt chân đúng vào những chỗ có đà chống đỡ bên dưới. Mái lá thủng lỗ chỗ, nên mặt trời chiếu xuyên qua khắp nơi. Hai ông bà không có mùng ngủ, không có hòm đựng quần áo, không một tấm chiếu sạch để mời khách ngồi. Cũng chẳng có xoong nồi hay bát đĩa, ly tách gì cả. Cứ tới mỗi bữa ăn, ông bà nhận được phần ăn từ một trong những người con; và ăn xong, chén đĩa lại được giao trả.

Còn nhớ hồi tháng trước, Janty, một giảng viên giáo lý của chúng tôi, đã mời tôi đến thăm ông Lo. Khi gặp ông lần đầu, tôi hầu như không thể ngồi bên cạnh ông. Ông bốc một mùi hôi thối rất khó chịu. Khối hoại tử dưới bụng ông đã lan rộng và khoét sâu. Và đã ngót 6 tháng ông không thể ăn gì, chỉ uống một thứ nước chè mà Bà Lo nấu bằng vỏ và lá cây.

Tôi đề nghị đưa ông về Battambang, nơi chúng tôi có một Mái Ấm tiếp nhận những người bệnh. Tôi cũng dàn xếp để một số tình nguyện viên sẽ đưa ông Lo đi bệnh viện và được khám bệnh. Khi tôi gửi một tài xế đánh xe tới, không ai trong xóm chịu giúp một tay đỡ ông Lo lên xe. Anh Phannit, đặc trách giới trẻ của chúng tôi, đã phải một mình bế xốc ông già tội nghiệp. Những người hàng xóm chỉ đứng nhìn một cách hờ hững.

– Con cảm thấy rất hạnh phúc ở đây! Ông Lo thốt lên khi tôi đến ngồi bên ông tại Mái Ấm – Cha và bà con ở đây thật tốt với con. Các nhà sư của chúng con không bao giờ săn sóc con như thế này. Còn ở đây thì con được chùi rửa vết thương, lại được nuôi ăn hàng ngày nữa. Ông Lo vừa nói vừa đưa tay quệt mồ hôi rịn trên trán.

Tôi vỗ vai ông:

– Ồ không, ông đừng bao giờ nói rằng các nhà sư Phật giáo không quan tâm. Này, đất nước đang còn trong thời gian hồi phục sau chiến tranh, và chính phủ không đủ sức để đáp ứng các nhu cầu của tất cả mọi người.

– Nhưng Cha thì khác. Thưa Cha, con muốn trở thành một người Công Giáo.

– Haha! Tôi cười vang – Không đâu. Ông là Phật tử, đạo Phật rất tốt đẹp. Ông phải là một Phật tử tốt. Nếu ông thật sự muốn trở thành một Kitô hữu, chúng ta sẽ nói chuyện về điều đó sau. Hơn nữa, nếu ông nghĩ rằng ông phải theo tôn giáo của tôi chỉ bởi vì tôi đang giúp đỡ ông, thì tôi sẽ không đồng ý. Điều duy nhất tôi muốn ông làm bây giờ là nghỉ ngơi để hồi phục. Chúng tôi sẽ đưa ông đi bệnh viện để gặp bác sĩ.

Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện rằng khối hoại tử của ông Lo đã biến thành ung thư và không còn hy vọng chữa trị. Rất buồn trước kết quả chẩn đoán này, tôi giữ ông Lo ở nán lại thêm ít ngày tại Mái Ấm. Tôi tự nhủ mình sẽ ghé thăm ông và pha trò cho ông được vui.

Rồi đến một hôm, ông Lo quyết định trở về nhà. Ông nói:

– Thưa Cha, giá mà ở đây có nước chè, con sẽ ở lại đây mãi mãi. Con rất vui được ở đây, nhưng con cần phải trở về nhà vì con nhớ món nước chè lắm.

Tuần sau đó, tôi ghé thăm ông Lo tại nhà ông.

– Thưa Cha – ông nói – Con rất sung sướng được Cha đến thăm. Cha đã quan tâm giúp đỡ con quá mức con dám mơ. Con không mong hơn gì nữa. Cha ạ.

Trước khi giã từ ông, tôi dúi vào tay bà Lo 2,5 đô la và nói:

– Bà hãy mua thêm lá để vá những chỗ thủng trên mái nhà. Tôi thấy ông ấy nhìn lên các chỗ thủng và rất ưu tư. Có lẽ ông lo mùa mưa sắp đến…

Chuyện là như thế. Giờ đây, sau khi lấy sách nguyện và dây các phép, tôi phóng nhanh đến nhà ông Lo.

– Ông ấy mất rồi! Một bà cụ thốt lên khi tôi vừa đến nơi.

Tôi bước lên sàn tre, thận trọng từng bước một. Đầu tôi đụng phải xà nhà. Bà Lo ngồi bên cạnh chồng mình, đang được đắp trong tấm chăn của bệnh viện mà chúng tôi trao cho hôm ông trở về từ Battambang. Tôi chào bà theo cung cách người Cam-pu-chia và vỗ vai bà. Bà bắt đầu bật khóc.

– Thưa Cha, ông ấy vừa mới trút hơi tức thì đây thôi. Bà nói trong đầm đìa nước mắt.

Tôi sờ trán ông Lo, vẫn còn nghe chút hơi ấm còn sót lại. Tôi quay ra nói với mọi người:

– Thưa bà con cô bác, xin cho phép tôi dâng một lời nguyện Kitô giáo để cầu cho ông Lo, bởi vì ông ấy là bạn tôi.

– Cha cứ việc làm thế, thưa Cha. Họ trả lời.

Sau khi dâng lời cầu nguyện, tôi gọi bà Lo và các bà con thân quyến đến. Tôi rảy nước thánh chúc lành cho họ. Rồi tôi thắp 3 cây nhang cắm bên thi hài người quá cố.

– Thưa Cha, chúng tôi xin ký thác cho Cha và cộng đoàn Công Giáo việc ma chay đám này. Một ông già lên tiếng, với giọng van xin.

Mới ít lâu trước đó, tôi trông thấy chính người đàn ông này là thủ lĩnh trong một vụ xô xát tôn giáo ở vùng này. Giờ đây, khuôn mặt tái nhợt của ông biểu lộ sự bất lực hoàn toàn. Tôi cảm thấy sửng sốt. Tại sao những người này muốn bỏ truyền thống Khmer trong một biến cố quan trọng như vậy được nhỉ?

– Bà nghĩ sao đây bà Lo? Tôi hỏi.

– Thưa Cha, sao cũng được Cha ạ. Chúng con để Cha định liệu tất cả. Bà trả lời.

Và mọi người đều đồng thanh rằng tốt hơn nên để cho bên Công Giáo lo việc ma chay và hoả táng. Ông già khi nãy lên tiếng giải thích:

– Thưa Cha, vợ chồng ông Lo quá nghèo. Chúng tôi không có đủ khả năng để làm các nghi thức theo truyền thống chúng tôi.

Tôi nhận ra mối ưu tư của họ. Và tôi nói:

– Nếu bà con lo lắng về cỗ quan tài, thì chúng tôi có mấy tấm ván ở nhà thờ có thể đóng quan tài được. Tôi sẽ yêu cầu ban bác ái xã hội của chúng tôi cho mượn xoong nồi, bát đĩa của nhà thờ. Chúng tôi sẽ cho mượn dàn âm thanh để bà con có thể chơi nhạc đám ma đúng theo truyền thống. Và tôi cũng sẽ sắp xếp để ban bác ái xã hội giúp cho đám ma này 20 kí lô gạo. Tôi yêu cầu bà con tổ chức các nghi thức đám ma và hoả táng theo truyền thống Phật giáo. Hãy mời các nhà sư đến cầu kinh cho ông Lo. Tôi mong tất cả bà con hàng xóm hãy giúp đỡ tang gia. Đừng như bữa trước, khi chúng tôi đưa ông Lo đi Battambang, không ai trong các bạn buồn giúp một tay; mọi người khi ấy chỉ đứng xa mà nhìn!

– Chúng tôi sẽ cố gắng giúp, thưa Cha. Họ đáp.

Trong ánh mắt mọi người, tôi trông thấy sự đồng tình chấp nhận tất cả những gì tôi nói. Tôi gọi một chức sắc giáo dân của mình, trao cho chị 20.000 Riels (tương đương với 5,13 đô la) để phụ giúp về các chi phí. Chị kín đáo trao số tiền cho bà Lo.

Nhưng thật khó mà giữ bất cứ gì kín đáo trong làng này. Bà Lo chạy lại với tôi để bày tỏ lòng biết ơn. Nắm những tờ giấy bạc giữa hai bàn tay ấp vào ngực, bà cầu phúc cho tôi trước đám đông:

– Cầu chúc Cha tiếp tục công việc tốt lành của Cha. Cầu Trời Phật ban cho Cha mạnh khỏe và bình an.

– Sato, sato! Tôi trả lời và mỉm cười chào bà theo cung cách Khmer.

Mọi người xì xào:

– Ồ, ông Cha cũng biết nói ‘Sato, sato’!

Tôi trở về nhà thờ cùng với Phannit. Phannit nói: “Ở đây, ở làng này, Kitô hữu và Phật tử sống chung hài hoà. Chúng con làm việc với nhau và giúp đỡ nhau.”

Dù rất mệt mỏi sau Tuần Thánh và Tết Khmer, tôi vẫn cảm thấy dạt dào niềm vui. Chính trong cảnh nghèo của mình, ông Lo đã cho tôi món quà Phục Sinh tuyệt đẹp.

 

Hậu chú: Ít lâu sau những sự việc này, xe của Cha T. đã vướng phải mìn trên một hành trình sứ vụ, và ngài đã ra đi vĩnh viễn trên mảnh đất Cam-pu-chia đầy cạm bẫy nhưng cũng đầy niềm vui dấn thân ấy.

Tác giả: Lê Công Đức, Lm. (dịch từ Anh ngữ)

Nguồn: dunglac.info

 

III. Hoa trái đời người:

Manuel là một người quan trọng và hữu ích

(Trích Like The Flowing River, Paulo Coelho, Mạc Tường chuyển ngữ)

Manuel cần phải bận rộn. Nếu không, anh sẽ nghĩ rằng cuộc sống của anh chẳng có ý nghĩa gì sất, rằng anh ta đang lãng phí thời gian, rằng xã hội không còn cần sự hiện diện của anh nữa, rằng không ai yêu thương hay nhờ cậy vào anh.

Vì vậy, ngay khi tỉnh dậy, anh ta có một loạt các nhiệm vụ để thực hiện: xem tin tức trên truyền hình (dù có thể đó là những việc đã xảy ra vào đêm trước ), đọc báo (cũng có thể chỉ là những chuyện trong ngày hôm qua), căn dặn vợ đừng để cho các con trễ giờ học, đang khi ngồi trên xe hoặc đi taxi, xe buýt hay tàu điện ngầm, anh luôn nghĩ ngợi, nhìn chằm chằm vào khoảng không vô định, nhìn đồng hồ hoặc, nếu có thể, thực hiện một vài cuộc gọi trên điện thoại di động, và đảm bảo rằng mọi người có thể biết được thế nào là một người đàn ông quan trọng và hữu ích cho thế giới.

Manuel đến sở làm và lập tức ngồi xuống để giải quyết đống giấy tờ đang chờ anh. Nếu là nhân viên, anh ấy sẽ cố gắng hết sức để chắc chắn rằng ông chủ đã thấy anh đi làm rất đúng giờ. Và nếu là một ông chủ, anh ta sẽ bắt mọi người phải làm việc ngay lập tức. Nếu không có nhiệm vụ quan trọng nào để cấp dưới thực hiện, Manuel sẵn sàng phát minh ra chúng, tạo ra chúng, đề ra một kế hoạch mới, hoặc phát triển một chương trình hành động mới.

Manuel không bao giờ ăn bữa trưa một mình. Nếu là một ông chủ, anh sẽ chủ động ngồi xuống với những bạn bè cùng đẳng cấp của mình và thảo luận các chiến lược mới, đàm tiếu về đối thủ cạnh tranh của mình, và luôn luôn giữ một bí mật nào đó cho đến phần cuối, than phiền (một cách tự hào) rằng mình đã làm việc quá sức. Nếu Manuel là một nhân viên, anh ta cũng ngồi xuống với bạn bè của mình, phàn nàn về ông chủ, phàn nàn về số giờ làm thêm, trịnh trọng lo lắng (và tất nhiên với niềm tự hào) rằng nhiều thứ công việc trong công ty phụ thuộc hoàn toàn vào anh ta.

Dù là ông chủ hay người làm công, Manuel làm việc cả buổi chiều. Thỉnh thoảng, anh nhìn đồng hồ. Đã gần đến giờ về nhà, nhưng anh vẫn phải phân loại một chi tiết ở đây, ký một văn bản đằng kia. Anh ấy là một người đàn ông trung thực, luôn cố gắng hết sức để xứng đáng với đồng lương, để đáp lại những kỳ vọng của người khác, đáp lại mơ ước của ba mẹ anh- người đã vất vả cố gắng để anh hưởng một nền giáo dục tốt.

Cuối cùng, anh ta về nhà, tắm rửa, mặc quần áo thoải mái hơn và ăn tối với gia đình. Anh hỏi han con cái sau khi bọn trẻ làm xong bài tập về nhà của chúng và hỏi xem vợ anh đang làm gì. Đôi khi, anh nói về công việc của mình với mục đích chỉ để làm gương, bởi anh cố gắng không đem những rắc rối công việc của mình về nhà. Kết thúc bữa ăn tối, bọn trẻ – không đủ thời gian cho các bài mẫu, bài tập về nhà, hoặc những thứ khác – ngay lập tức rời khỏi bàn và đến ngồi xuống trước máy tính.  Đến lượt mình, Manuel bước tới và ngồi xuống trước cái máy từ thời thơ ấu của anh, cái được gọi là truyền hình. Anh lại xem tin tức (những bản tin chắc hẳn đã xảy ra vào buổi chiều).

Anh luôn đi ngủ cùng với một cuốn sách kỹ thuật nào đó trên chiếc bàn cạnh giường ngủ của anh – dù là ông chủ hay nhân viên, anh ấy biết rằng sự cạnh tranh rất dữ dội, và bất cứ ai chậm chân đều có nguy cơ mất việc và phải đối mặt với điều tồi tệ nhất của mọi tai họa, đó là: thất nghiệp.

Anh ta nói chuyện với vợ một lúc; Nhìn chung, anh ta đúng là một người đàn ông tốt bụng, chăm chỉ và yêu thương chăm sóc gia đình mình, và sẵn sàng bảo vệ nó trong mọi hoàn cảnh. Anh ta cần phải nạp thêm năng lượng vì anh ta biết rằng anh ta sẽ rất bận rộn vào ngày mai và thế rồi anh ta rơi dần vào giấc ngủ.

Đêm ấy, Manuel mơ gặp một thiên thần. Vị thiên thần hỏi anh: ‘Tại sao con lại sống như vậy?’ Anh trả lời rằng vì anh là một người đàn ông có trách nhiệm.

Thiên thần tiếp tục: “Con có thể bỏ ra ít nhất mười lăm phút trong ngày sống của con để dừng lại nhìn cuộc sống, nhìn lại chính mình, hoặc đơn giản là không làm gì cả hay không?” Manuel nói rằng anh cũng rất muốn như vậy, nhưng anh không có thời gian. “Con đang nói dối ta, vị thiên thần bảo. Mọi người đều có thời gian để làm điều đó, cái con thiếu, đó là lòng can đảm. Công việc là một phước lành khi nó giúp chúng ta hiểu được căn nguyên những gì mình đang làm. Nhưng công việc trở thành một tai họa khi lợi ích duy nhất của nó là triệt tiêu những suy tư về ý nghĩa cuộc sống.”

Manuel tỉnh dậy nửa đêm, người vã mồ hôi lạnh. Lòng can đảm? Một người đàn ông hy sinh bản thân mình cho gia đình lại không có can đảm để dừng lại mười lăm phút một ngày nghĩa là sao?

Tốt nhất là đi ngủ lại thôi. Đó chỉ là một giấc mơ; Những câu hỏi này sẽ chẳng đưa anh đến đâu cả; Và rồi sáng mai thức dậy, anh ấy cũng sẽ lại rất, rất tất bật như mọi ngày thôi.

 

Manuel là người đàn ông tự do

(Trích Like The Flowing River, Paulo Coelho, Mạc Tường chuyển ngữ)

Manuel đã làm việc không ngơi nghỉ trong suốt ba mươi năm. Anh nuôi dạy con cái, sống gương mẫu, và dành tất cả thời gian để làm việc mà không bao giờ tự hỏi: “Những thứ tôi đang làm có ý nghĩa gì?” Điều chiếm trọn tâm trí anh, đó là ý nghĩ rằng mình càng bận rộn thì càng trở nên quan trọng trong mắt người khác.

Rồi các con của anh cũng lớn lên và rời nhà ra riêng. Anh ấy thăng tiến trong công việc của mình. Một ngày nọ, anh nhận được một cái đồng hồ hoặc một cây bút máy, như một phần thưởng cho sự cống hiến miệt mài của anh trong những năm tháng dài dằng dặc. Và giây phút mong chờ ấy cũng đến: anh ta nghỉ hưu, tự do làm bất cứ điều gì mình muốn! Cũng có vài người bạn ngậm ngùi ngấn lệ.

Trong vài tháng đầu tiên, thỉnh thoảng anh thăm lại văn phòng nơi anh từng làm việc, nói chuyện với vài người bạn cũ của mình và dần thích nghi với việc mà anh hằng mơ ước: thức dậy muộn. Anh đi bộ dọc theo bãi biển hoặc lang thang qua thị trấn, anh có một ngôi nhà ở đồng quê được tạo ra từ mồ hôi nước mắt của mình, bất chợt anh nghĩ ra công việc làm vườn, và dần dần thấu hiểu những điều kỳ bí của cây, hoa, cỏ, lá.

Bây giờ, Manuel đã có thời gian, tất cả thời gian là của riêng anh. Anh ta có thể đi du lịch nước ngoài, đến nhưng nơi mình thích. Anh thăm viện bảo tàng và bỏ ra hai giờ đồng hồ để tìm hiểu về những ý tưởng mà các họa sỹ và điêu khắc gia từ nhiều thế kỷ khác nhau phát triển; Ít nhất anh cũng có cảm giác rằng anh đang mở rộng kiến văn của mình. Anh ta đã chụp hàng trăm nghìn bức ảnh và gửi chúng cho bạn bè của mình – tất cả bọn họ cần phải biết anh hạnh phúc đến mức nào.

Nhiều tháng trôi qua. Manuel biết được rằng khu vườn không tuân theo  những quy tắc chính xác như con người – những gì anh trồng xuống sẽ phải mất thời gian để lớn lên, và không thể có chuyện kiểm tra thường xuyên để xem liệu có cái chồi nào vừa nhú trên bụi hoa hồng kia không. Trong một giây phút tự vấn chân thật, anh phát hiện ra rằng tất cả những gì anh ta thấy trên hành trình du lịch của mình chỉ là cảnh quan bên ngoài của chiếc xe buýt mà thôi, và rồi những di tích cũng chỉ nằm trong các bức ảnh 6 x 9 khác nhau. Và sự thực là, anh chẳng cảm thấy chút hứng thú gì – cái anh quan tâm đến là việc kể cho bạn bè mình về điều đó hơn là thực tế trải nghiệm kỳ diệu ở nước ngoài.

Anh tiếp tục xem tin tức trên truyền hình và đọc báo nhiều hơn (vì anh có nhiều thời gian hơn), tự coi mình là một người rất uyên bác, có thể bàn luận về những điều mà trước đây anh không có thời gian để học.

Anh ấy tìm một ai đó để tán dóc, nhưng tất cả họ đều đang đắm mình trong dòng đời, công việc, hoặc đang làm gì đó, hoặc ghen tị với Manuel và tự do của anh, đồng thời  cho thấy họ có ích cho xã hội và đang “chiếm giữ ‘ cái gì đó rất quan trọng mà anh không có.

Manuel tìm vui nơi con cái. Đối với anh, chúng luôn tỏ ra hiếu thảo với tấm chân tình sâu sắc – anh là một người cha tuyệt vời, một gương mẫu của sự trung thực và sự cống hiến – tuy nhiên chúng cũng có những mối quan tâm riêng, dù thế chúng vẫn cho rằng chúng có nghĩa vụ dùng bữa trưa chung với gia đình trong mỗi ngày chủ nhật.

Manuel là một người đàn ông tự do, khá giả, hiểu rộng, với một quá khứ hoàn hảo. Nhưng bây giờ thì sao? Anh ấy nên làm gì với sự tự do khó khăn lắm mới có được này? Mọi người chào đón và ca ngợi anh, nhưng không ai có thời gian cho anh. Dần dần, Manuel bắt đầu cảm thấy buồn bã và vô dụng, mặc dù anh đã phục vụ thế giới và gia đình của mình trong ngần ấy tháng năm.

Rồi một đêm kia, Manuel gặp lại vị thiên thần trong giấc mơ: “Rốt cuộc, con có được gì trong cuộc đời mình? Chẳng phải con đã cố gắng sống theo đúng những ước mơ của con sao?”

Manue thức dậy đổ mồ hôi lạnh. Giấc mơ này có ý nghĩa gì ? Ước mơ của anh, đó không phải là học hành đỗ đạt, vợ đẹp, con ngoan, nuôi dạy chúng nên người, và rồi nghỉ hưu và du lịch đó đây sao? Tại sao thiên thần lại tiếp tục hỏi anh những câu hỏi chẳng nghĩa lý gì cả ?

Một ngày dài nữa lại bắt đầu. Báo chí. Tin tức truyền hình. Khu vườn. Bữa trưa. Một giấc ngủ ngắn. Manuel có thể làm bất cứ điều gì anh muốn, ngoại trừ một điều, ngay lúc này đây, anh phát hiện ra rằng, anh chẳng muốn làm bất cứ điều gì cả. Manuel là một người đàn ông tự do nhưng buồn bã, cận kề với chứng trầm cảm trong gang tấc, bởi vì anh luôn quá bận rộn để suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc đời mình, và đã để cho những năm tháng trân quý của anh tựa như dòng nước trôi xuôi dưới cây cầu. Ông nhớ những lời của một nhà thơ: “Anh đi qua suốt cuộc đời / nhưng anh không sống, chỉ trôi theo dòng.”

Tuy nhiên, vì đã quá muộn để chấp nhận tất cả điều này, tốt nhất là hãy nói sang chuyện khác. Sự tự do mà khó khăn lắm anh mới đạt được lại chỉ đơn thuần là một cuộc đày ải trá hình.

 

Manuel lên thiên đàng

(Trích Like The Flowing River, Paulo Coelho, Mạc Tường chuyển ngữ)

Trong một thời gian, Manuel thụ hưởng những ngày nghỉ hưu rất đỗi tự do, muốn thức dậy lúc nào tùy ý, và muốn làm gì lúc nào thì làm. Tuy nhiên, ông sớm rơi vào trạng thái trầm cảm. Ông ta cảm thấy mình trở nên vô dụng và bị loại ra khỏi guồng máy xã hội cái mà ông đã góp phần xây dựng nên nó, rồi bị chính những đứa con đã khôn lớn của mình bỏ rơi, chúng chẳng màng đến ý nghĩa của cuộc sống này và cũng chẳng bao giờ thèm trả lời câu hỏi cũ mèm của ông: “Ba đang làm gì ở đây?”

Vâng, cuối cùng rồi Manuel tận tâm, lương thiện và thân yêu của chúng ta cũng về với Chúa-  một cái gì đó sẽ xảy ra cho tất cả các Manuels, Paulos, Marias, và Mônicas của thế giới này. Và đến đây, tôi sẽ để cho Henry Drummond, trong cuốn sách xuất sắc của ông, The Greatest Thing in the World, mô tả những gì sẽ xảy ra tiếp theo:

Ngày nào đó, chúng ta sẽ tự hỏi mình câu hỏi mà tất cả mọi thế hệ đều đặt ra : Đâu là điều quan trọng nhất ở đời này?

Chúng ta luôn muốn sống mỗi giây phút trong đời mình cách tốt nhất có thể.  Sẽ không ai sống thay chúng ta được. Vậy nên chúng ta cần phải nhận biết nên hướng sự nỗ lực của mình vào đâu, và điều gì là mục tiêu cao quý nhất hằng mong đợi?

Chúng ta đã quen với việc được dạy rằng điều quan trọng nhất trong cuộc sống là Đức tin. Từ ngữ đơn sơ này đã là giáo lý chủ đạo của các tôn giáo phổ biến trong nhiều thế kỷ.

Phải chăng chúng ta đã dễ dàng nhìn nhận Đức tin như là điều vượt lên trên mọi sự? Vâng, chúng ta đã sai.

Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rinh-tô, chương XIII,  Thánh Phao-lô đã dẫn đưa chúng ta đến với nguồn mạch Cơ đốc giáo. Ở cuối thư, ngài nói :  “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”

Đó không phải là một sự sơ suất của Phao-lô, tác giả đoạn trích. Cũng phần cuối thư, phía trên một chút, ngài nói về Đức tin : “Nếu tôi có tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.”

Thánh Phao-lô không tránh né, mà ngược lại, ngài đã cố tình so sánh Đức tin và Đức mến ; và rồi ngài kết luận : “(…) cao trọng hơn cả là đức mến”.

Thánh sử Mathêu cũng đã cho chúng ta một mô tả điển hình về Cuộc Phán Xét cuối cùng : « Khi Con Người […] ngự trên ngai vinh hiển của Người […] và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. »

Lúc này, câu hỏi lớn cho mỗi người chúng ta không phải là :« Tôi đã tin như thế nào ? »

Mà là :  « Tôi đã yêu thương như thế nào ? »

Thử thách cuối cùng trên những dặm đường đi tìm Đấng Cứu Độ là Lòng Mến chứ không phải những điều chúng ta đã làm, niềm tin của chúng ta, hay thành công chúng ta có được.

Thiên Chúa sẽ không tính đến những thứ này, nhưng Ngài sẽ chỉ tính sổ với chúng ta bởi tình yêu mà chúng ta dành cho những người gần gũi mình.

Những lầm lỗi chúng ta đã phạm phải sẽ được Thiên Chúa bỏ qua, nhưng chúng ta sẽ bị phán xét bởi những việc thiện có thể thực hiện mà mình đã không làm. Bởi đóng kín Lòng Mến là đi ngược lại thần khí của Thiên Chúa, là chứng cứ chúng ta không biết Ngài, rằng Ngài đã yêu thương chúng ta cách vô ích, và Con Người đã chết trên thập giá cho chúng ta một cách không cần thiết.

Trong trường hợp này, Manuel của chúng ta đã được cứu rỗi ngay khi ông qua đời, bởi vì, mặc dù không bao giờ quan tâm làm cho cuộc đời mình có ý nghĩa, nhưng ông có nhân đức yêu thương, lo toan cho gia đình và làm việc một cách nghiêm túc. Ông đã từ giã cõi đời này trong niềm hạnh phúc, dù rằng có đôi chút muộn phiền và rắc rối trên đoạn cuối con đường gập ghềnh mà ông đã đi qua.

Để kết thúc, tôi muốn sử dụng cụm từ tôi đã nghe Shimon Peres nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos: “Người lạc quan và người bi quan cả hai cuối cùng đều chết, nhưng mỗi người lại kiến tạo nên cuộc sống theo một cách hoàn toàn khác nhau.”

Leave a Reply