Trên Vấn Đề Hướng Nghiệp

Số 2.2 Ơn Gọi

Số 2.2. 

Dành Cho Các Em Tìm Hiểu Ơn Gọi

I. Giới Thiệu :

Mong muốn của phần này là chia sẻ với các em đang tìm hiểu ơn gọi những vấn đề cần thiết, nhưng vì tế nhị nên ít được đề cập. Đầu tiên là bài viết giúp các em tham khảo đối với câu hỏi có nên học Đại học (Cao Đẳng) hay không?  Tiếp đến là chia sẻ những ngày tháng khó khăn trong năm đầu tiên tu xuất. Và cuối cùng là hình ảnh một linh mục qua bút ký của Amai H’Blan.

II. Định hướng :

Đại Học hay Không Đại Học?

Bài chia sẻ năm 2013, Nguyễn Thế Cang.

Năm nay Ban Ơn Gọi Giáo phận bắt đầu tuyển sinh khóa đào tạo Dự tu đầu tiên không qua Đại học (Cao Đẳng). Trong tâm tình một người con của Giáo xứ, anh xin gửi đến các em muốn dấn thân trên con đường ơn gọi vài chia sẻ, như một suy nghĩ riêng với hi vọng có thể giúp ích được các em trong việc tham khảo để có thể đi đến chọn lựa cho riêng mình.

Có lẽ điều khó nhất trong việc lựa chọn là sự đụng chạm giữa hai giá trị: lý trí và lý tưởng. Anh nghĩ có lẽ phần lớn các em cũng có những giằng co nhất định giữa hai giá trị này. Điều này tự nhiên thôi, các em cứ cởi mở với sự phân vân của mình. Thực ra ai cũng hiểu khó có thể nói chọn lựa nào là đúng, nên ngoài mục đích giáo dục ra, anh nghĩ các Cha cũng cảm thông với lựa chọn của từng em. Cho nên điều đầu tiên anh muốn nói là: người lớn (các anh chị đi trước, các Cha, các Soeur…) ai cũng hiểu và muốn chia sẻ với các em, không có ai đánh giá hay xầm xì cách các em chọn, vì rằng chỉ riêng việc nghĩ đến sự chọn lựa này thôi đã là một bước tiến và là một cái gì đó  mà làm người lớn (như anh) cũng phải mến trọng và phản tỉnh. Cảm thấy bị chú ý hoặc hướng đến sự đề cao là cỏ lùng ma quỷ gieo vào để phá vỡ kế hoạch của Thiên Chúa nơi tâm hồn của các em.

***

Trước khi đặt trường hợp nếu anh là từng em thì anh sẽ chọn con đường nào, anh chia sẻ thêm suy nghĩ của anh về một số quan điểm chính nổi trội lên trong quá trình cân nhắc chọn lựa.

  1. Lỡ đi tu không được thì sao?

Khi nói đến điều này thường mọi người sẽ nghĩ đến khó khăn từ công việc, lập gia đình, cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên, anh cũng là tu xuất nên anh hiểu, thực ra cái khó nhất là vượt qua cái tôi của bản thân, trở ngại này không đòi hỏi về bằng cấp hay tri thức mà phải thông qua lời cầu nguyện. Nó vừa là một thách đố vừa là cơ hội, nếu các em không vượt qua thì có khi đời này và đời sau đều hỏng, trong trường hợp mình biết đón nhận (như gẫm thứ 3 trong năm sự Thương “xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng”) thì anh tin chắc cuộc đời của các em triển nở.

Ở trên là anh chia sẻ trong tâm tình một người tín hữu. Về mặt “đời”, khác với trường hợp các anh em tu xuất Chủng viện thường là gần 30 trở lên, nếu các em cảm thấy không hợp ở giai đoạn đào tạo này thì tối đa các em ở độ 22  khi chuyển sang ơn gọi khác. Cái lợi thế của tuổi trẻ là các em chọn điều gì cũng đúng và có thời gian để làm lại, ví dụ ghi danh học lại Cao Đẳng, Đại học cũng không phải là trễ. Anh nghĩ một người thành công hay không thì tính cách đóng vai trò hơn 80%. Do đó, sự đảm bảo không phải đến từ đời tu hay đời thường mà từ thiêng liêng và nhân bản của các em.

  1. Thời đại này giáo dân rất giỏi, không đi học có bằng cấp thì khó nói người khác!

Điều này đúng ở tuổi của các em nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu như giữ nó mãi vì hạt giống của các em “không thối đi”. Cha Võ Tá Khánh có chia sẻ một bí mật anh thấy rất đúng: khiêm nhường đồng dạng với khôn ngoan. Các em có thể hiểu như sau: Người tri thức nhìn sự vật cách sáng suốt, còn tu sĩ thì hơn một bậc- cách trong suốt. Nếu không khiêm nhường thì các em không thể đi đến sự trong suốt được vì cái thực ra các em đang nhắm là được tiếng “sáng suốt”, mà đi theo hướng này, có thể dùng hình ảnh- các em đang chạy trên con đường vô nghĩa.

Nhận định trên, phân tích càng dài thì càng đi xa điều anh muốn nói, nên anh chỉ dừng lại ở một ý chính như trên anh chia sẻ. Chuyển qua kinh nghiệm có lẽ gần gũi hơn. Có ba thực tế làm anh nghĩ nhận định 2 không đúng. Thứ nhất, tất nhiên sẽ có nhiều người không phục các em về bằng cấp nhưng dù các em có nhiều bằng cấp hơn đi nữa thì không thể trong một Giáo xứ các em vừa lòng tất cả mọi người. Thứ hai, thẳng thắn mà nói, hầu như tất cả mọi phàn nàn về tu sĩ anh nghe được đều tập trung vào tính cách của cá nhân không tốt, chứ không trọng tâm vào việc giỏi-dở. Và cuối cùng, những người tri thức anh quý, tuy họ có học thức cao nhưng vẫn ý thức được giới hạn của mình, tức đặt mình sau các tu sĩ một bậc về “logic” của đời sống.

  1. Môi trường giáo dục “Tiểu chủng viện” tốt:

Điều này anh nghĩ đúng. Tuy nhiên thường cái “tưởng chừng” của con người mình sẽ nghĩ ngay đến nếp sống mà mình thăng tiến cách tự nhiên, không cần cố gắng. Một “Tiểu chủng viện” tốt phải bắt nguồn từ hai phía: người huấn luyện và các em. Anh ít sợ chất lượng đào tạo từ phía Ban ơn gọi, vì tiềm lực anh tin chắc sẽ có nhiều người uy tín cộng tác, cái thiếu chăng là kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thì sau 4, 5 năm anh nghĩ là hoàn thiện được. Điều anh sợ là các em có chịu học “đàng hoàng” hay không? Nếu điều này thực tế đúng là một vấn đề nan giải thì lỗi không hoàn toàn ở các em.  Nó phản ánh một lối sống xã hội, mà các em biết, để thay đổi một suy nghĩ, một lối sống thuộc về xã hội, có khi phải mất hơn một thế hệ (20, 30 năm…).

Thêm hai điểm nữa có thể anh “bụng ta ra bụng người” nhưng cũng nên chia sẻ ở đây để các em tránh. Đó là tương quan giữa các em với Cha giám đốc và với nhau. Anh sẽ đề cập tương quan giữa các em với nhau trước. Một thời Ban ơn gọi giáo phận tuyển dự tu bắt buộc phải Đại học công lập trở đi, sau đó thì chấp nhận Cao đẳng và Đại học dân lập. Lúc này anh đã chuyển sang tìm hiểu Dòng Tên nên không biết chính xác đúng không nhưng nói chuyện với các anh em, anh cảm nhận có hai “group”: Đại học và phần còn lại. Anh nói ra như vậy không phải để lên án vì điều đó thuộc bản tính của con người rồi, nhưng nói ra để các em ý thức về điều đó. Một cách anh nghĩ là hiệu quả mà anh đã từng áp dụng khi còn tìm hiểu ơn gọi: đó là giờ ăn nào cũng ngồi cùng bàn với người mình ghét, họ nói gì mình cố gắng chăm chú lắng nghe (rất là cực hình- các em thử rồi sẽ biết).

Trong tương quan với Cha giám đốc, sở dĩ anh chia sẻ vì anh hiểu tâm lý của các dự tu Việt Nam. Như anh lúc còn đi tu, không phải mình không thật thà nhưng có một cái gì đó trong văn hóa làm cho anh sợ Bề trên: sợ các Cha chú ý, đánh giá “không cho đi tu nữa”. Thành ra khi nói chuyện anh có cảm giác mình không thật sự là mình, không phải về nội dung trao đổi nhưng về cách trao đổi: cảm tưởng mình nhỏ bé, đang diễn một sự ngoan ngoãn dễ vỡ vậy. Đối với các em, anh nghĩ một số cũng không phải là ngoại lệ. Việc các em không theo học Đại học, đôi khi làm cho nỗi sợ mang tính định đoạt hơn. Cái chước của ma quỷ trong tình huống này có thể gói lại trong hai từ “giấu diếm”, do đó cách hay nhất là các em xé toạc ra bằng cách nói nỗi sợ này của mình với người khác (anh em, Cha đồng hành).

  1. Giáo phận càng ngày càng ít ơn gọi, Giáo phận sẽ ra sao đây?

Câu trả lời của anh là: “Không sao cả!”. Đôi khi chúng ta đặt ra câu hỏi này với sự bi quan rồi đi tìm cách giải quyết. Anh cho rằng thà đừng làm gì thì tốt hơn. Vì một khi đã bi quan tức là thiếu sự tin tưởng vào Thiên Chúa, cho nên trong cách giải quyết của mình sẽ đặt nặng lý trí của con người làm kim chỉ nan, mà điều này là chệch hướng. Anh nghĩ mình là người Công giáo, trước mọi vấn đề liên quan đến sự thăng trầm của Giáo hội thì hãy luôn tin tưởng vào lời hứa của Chúa Jesus rằng: “quyền lực tử thần không thể phá nổi”. Mình có làm gì thì cũng phải dựa trên niềm tin đó. Hơn nữa, một Giáo hội thu nhỏ lại cũng là một điều hay (các em tìm đọc ý chia sẻ của ĐGH Benedicto XVI trong cuốn Thiên Chúa và Trần Thế). Có thể nhờ đó mà Giáo hội khám phá ra những đời sống mới: tinh lọc và khiêm nhường hơn.

***

Bây giờ, phần cuối của bài chia sẻ, anh sẽ nêu chọn lựa của anh nếu ở trong tình huống của các em. Như anh đã nói trước ở phần trên, mục đích của bài viết này là nêu một suy nghĩ để  các em có một cái gì đó để tham khảo hơn là không dựa trên một chia sẻ nào cả.

Anh sẽ nêu chọn lựa của anh tùy theo khả năng của từng người anh đặt mình vào vị trí.

a. Nếu các em không giỏi về sách vở:

Phần đông các em có cảm quan về cuộc sống nên dễ hiểu người khác hơn. Đặc biệt một số em sẽ có tài lãnh đạo và giao tiếp. Điều này cũng ẩn chứa một nguy cơ đó là sự “thích nghi” và “nhiễm” đời sống dễ nhập nhòa. Một cái gì đó đã là tính cách của mình thì nó sẽ luôn có đó, lúc nào cần các em cũng đều có thể sử dụng được. Còn việc đào luyện thì phụ thuộc nhiều vào lứa tuổi nhất định. Anh nghĩ các em nên theo học chương trình đào tạo của Giáo phận vì trước hết về mặt ích lợi nó tạo ra sức “đề kháng” giúp các em không bị “nhiễm” trong giai đoạn bước ngoặc này, tiếp đến, những môn học trong chương trình bổ trợ cho cái tài của các em hơn là so với nếu học một chuyện ngành quá chung chung như Quản Trị Doanh Nghiệp hay Cao đẳng Văn Hóa gì đấy. Các em cũng đừng sợ chuyện không đi tu được thì sao đây, vì cộng thêm những điều học được từ đời tu anh nghĩ phần đông các em thả đâu cũng có thể sống được.

b. Nếu các em có học lực tốt:

Các em có kỷ luật tốt đối với bản thân nên nguy cơ “nhiễm” đời ít hơn. Tuy nhiên thường ở các em có hai điểm yếu: thiếu cảm quan về cuộc sống và sợ bị đánh giá. Anh nghĩ các em nên học Đại học ngoại trú thay vì theo chương trình huấn luyện của Giáo phận. Điều này giúp các em va chạm với đời nhiều hơn (va chạm với đời nó khác với va chạm anh em đồng tu, va chạm với anh em trước sau gì cũng biết còn va chạm với đời đôi khi không sống thì cũng khó hiểu) và giúp các em có thêm thời gian để cứng cáp hơn đối với nỗi sợ của mình. Hơn nữa, đi kèm với nỗi sợ là một toà tháp Babel các em tự xây cho mình nên nếu chọn không học Đại học anh sợ các em dễ “bức sô” rồi vì không dám đập đổ hình tượng về mình nên ở lại như một sự kéo lê- rất uổng. Thú thật, người như các em nhút nhát trong dấn thân và suy nghĩ sáng suốt quá nên rất khó đào tạo và cũng ít người đi đến nơi. Đối với các em thì phải từ từ, kiên nhẫn nhưng nếu đã bền đỗ rồi thì sinh được rất là nhiều hoa trái cho Giáo hội.

 

III. Chia Sẻ Tu Xuất:

Những Ngày Tháng Khôn Nguôi hay Bước Chuyển của Cuộc Đời Tôi

Ngày… tháng…năm…

Lí Tưởng Là Con Dao Hai Lưỡi.

Lúc trước, tôi nói nhiều- một số cũng có ý tưởng hay nhưng có lẽ tựa đề trên mới thực sự là chiêm nghiệm đầu đời của tôi, một bài học mà tôi phải trả học phí quá đắt.

Hôm nay (và kể từ khi tôi không đi tu nữa), quá nhiều thứ như ùa vào nhận thức của tôi : tốt có- xấu có, tiêu cực có và  tích cực có. Tôi trở nên nhạy cảm với mọi câu chuyện liên quan đến mình. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì trên thực tế có hai hạng người rất nhạy cảm : hạng hay nghĩ và hạng bị tổn thưởng, bây giờ tôi đang thuộc cả hai.

Cái sai của tôi trong việc đi tu là ít nhiều tôi đã cố ý và muốn xây dựng cho mình hình tượng, trở thành một huyền thoại. Bây giờ tôi phải trả giá cho điều đó khi không đi tu nữa. Một là gồng mình để giả cụ vì đã lỡ làm cụ, hai là chấp nhận và tự tay đập đổ hình tượng về mình trong lòng người khác. Tôi chọn cách hai, muốn ra sao thì ra (và tất nhiên, đừng có quá đà đập luôn “nhân bản”).

Nơi tâm trạng của tôi : nửa hối tiếc và nửa không hối tiếc. Dù thật sự sâu xa trong thâm tâm tôi không hối tiếc nhưng cũng thật sự trong thâm tâm tôi muốn hét lên rằng tôi đang hối tiếc. Một điều nữa, sở dĩ tôi nói với mọi người rằng tôi không hối tiếc là ít nhiều cũng bởi sự kiêu ngạo ngăn tôi nói với mọi người rằng : “Tôi đang hối tiếc !”.

 

Ngày… tháng…năm…

Khóc.

24 tuổi, tôi thấy mình là kẻ thất bại. Tôi tự hỏi cùng một lúc mất lí tưởng, sự nghiệp và tình yêu ; như thế đã đủ để gọi là mất tất cả hay chưa ? Đôi khi tôi cũng tự an ủi mình rằng : « Dù sao ta cũng đã sống hết mình, ta không hối tiếc ». Tuy nhiên, dẫu cho tôi có mạnh miệng bao nhiêu đi chăng nữa thì lòng tôi vẫn ngập ngừng : Có thật sự tôi không hối tiếc hay không ? Và tôi biết tôi khẳng khái nói như vậy, chẳng qua cũng chỉ để giữ chút thể diện.

Tôi là một kẻ cứng đầu và lì lợm, vậy mà tối nay tôi đã khóc. Lần đầu tiên kể từ khi ra lại đời, tôi đã khóc. Kệ ! Khóc được thì cứ khóc ! Chẳng phải trước đây tôi vẫn ước muốn rằng một ngày nào đó mình sẽ có gan « gạt bỏ » những bàn tán, đánh giá của người khác về mình để thản nhiên khóc được thì cứ khóc hay sao ? Nhưng có lẽ, tôi không lường trước được tâm trạng. Cái tâm trạng ảo ảnh trong « ước mơ » của tôi là khóc với một trái tim cao ngạo, còn bây giờ tâm trạng thực sự là nước mắt tôi chảy bằng một trái tim đau. Tôi khóc không phải vì sự tan vỡ mà vì cảm cho sự thất bại của mình.

Khi còn đi tu, tôi nghĩ ra lại cuộc sống thì sống sẽ đơn giản lắm. Chỉ cái gì bé bé, dung dị và bình thường thôi là cũng đủ lắm rồi. Nhưng thật khó để người ta không bị cuốn vào biết bao nhiêu thứ và thật khó để người ta giữ yên những điều bình thường mà không cho nó lớn lên. Thông thường, người ta ngụy cho « sự lớn lên » đó bằng những lý do hết sức chính đáng. Tôi cũng vậy ! Tôi nhận ra mặc dù có thời gian tôi đã đi tu nhưng khi ra lại đời tôi vẫn không khác mấy với người khác. Có khác chăng là tôi rượu mới nhưng bình cũ, và như thế thì thật tệ hại cho đời sống thiêng liêng cũng như cho kiếp sống trần thế.

 

Ngày… tháng … năm …

24 Tuổi.

Hôm nay thằng bạn thân nhắc mình đã 24 tuổi rồi, lớn lắm rồi ! Vậy mà chưa có gì trong tay cả- cứ trẻ con hoài. Nghĩ cũng buồn thật, nghe con số 24 làm mình giật mình.

Tôi cũng không hiểu mình nên làm thế nào mới đúng. Mọi thứ cứ dành giật và dằn vặt trong tâm trí liên hồi. Có lẽ sống thế nào và chọn cái gì thì cũng có một thách đố là đừng « đứng núi này trông núi nọ ». Trong tâm trí của tôi hiện giờ là muốn mình thôi cố gắng, thôi nỗ lực để tìm lấy sự ổn định bình thường- để thấy ra và yên tâm vì ít nhất mình cũng có một cái gì đó. Còn như bây giờ : Không danh phận, không quyền lợi, « vô sản » hoàn toàn- dễ làm người ta nản thêm.

Mà liệu khi tôi bỏ cuộc, tôi có cảm thấy bằng lòng với cái mình hiện có không, hay là sau cứ cắt dần, cắt dần những hoài bảo của mình rồi cuối cùng lại mất hút, không có giá trị, không có ý nghĩa và sợ nhất là không có mục đích.

Nhờ lúc trước còn đi tu, tôi nghĩ đơn giản, thôi không cố gắng, không nỗ lực nữa về lại đời thường để tìm cái ổn định, cái chắc chắn- những thứ mà tôi nghĩ mình dễ có được, dễ bằng lòng. Nhưng rốt cuộc, làm gì có cái gì « ổn định » trong thế giới « bất định » này. Làm gì có cái ổn định nào là dễ dàng.  « Tịnh không » và « ru ngủ- cơn cám dỗ của buông xuôi » dễ làm người ta nhầm lẫn. Không, không- tôi không bỏ cuộc ! Gần ngã ngũ rồi ! Bây giờ nếu tôi bỏ cuộc, buông xuôi thì rốt cuộc tôi cũng chỉ rơi vào trường hợp hệt như bây giờ- không cải thiện được gì thêm mà còn tệ hơn khi ở trong « cấp số lùi của lí tưởng ».

Tôi sẽ nỗ lực hết sức và cũng dám chịu trách nhiệm cho những gì mình quyết định. Quan trọng là nhận thức- không lý luận. Tin tưởng vào Chúa quan phòng.

 

Ngày … tháng … năm … 

Một Năm Nhìn Lại.

(Thư gửi Thầy M)

Ngày mai là tròn một năm tôi rời đời tu. Thời gian trôi qua nhanh thật. Nhớ ngày này năm trước tôi đã khóc nhiều, rồi sáng mai trong giờ lễ sớm tôi chia sẻ với anh em lần cuối cùng. Cuộc sống thật lạ, không gì người ta có thể định đoạt trước. Khi xách ba lô dứt áo ra đi lúc vừa tốt nghiệp, tôi đã quả quyết gì? cam đoan gì? và khăng khăng mình đi đúng đường, trung tín đến cùng. Tôi lại còn viết thư gửi cho mình 20 năm nữa. Tuổi trẻ, nhuệ khí hăng nồng làm cho con người ta mộng mơ.

Vậy mà tôi đã trở về.

Chiều hôm sau là một chiều mưa, mưa Sài gòn nặng hạt càng làm cho lòng tôi thêm buồn lắm. Đón xe ôm từ Nhà Tập Tam Hà (Thủ Đức) về Tân Bình, ngồi trên xe, tôi lỡ đễnh trả lời những câu hỏi xã giao của bác xe ôm. Lúc đó trong đầu tôi đủ thứ dự định, và dường như nhiều dự định quá càng chứng tỏ tôi mất phương hướng, không biết phải đi theo dự định nào cả. Nhiều cái phân vân, có lúc trên một quãng dài tôi hình dung nay mai mình sẽ đi tu lại – đĩnh đạc và trưởng thành, có lúc ở quãng khác tôi thấy mình đang trầm ngâm, lặng lẽ giữa đời thường. Cứ thế, tưởng nghĩ thay phiên nhau trong một tâm hồn đổ vỡ. Xe đến Tân Bình, tôi bảo bác xe ôm dừng lại cách nhà chị tôi hơn cây số. Và từ đó, tôi đội mưa lửng thửng bước đi. Thực ra, không hẳn khi ấy tôi chán nản hay vô hồn. Trái lại tôi thấy lòng xác tín nhẹ nhàng- có điều đó là cái “nhẹ nhàng” khi người ta đau. Tôi hát mà rưng nước mắt:

Chúa ơi hồn con

  xin phó thác trong tay Chúa…

  Mỗi khi vui buồn

  hoặc những lúc con yếu hèn…

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=npRxnuVutl  và

 

Ngài có đó

  khi con tưởng mình đang cô đơn…

  Ngài trong con

  thế mà con vẫn tìm…

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=G6Q5zW8cWc

Những giờ phút đầu tiên trong bước chuyển của cuộc đời tôi là thế đó.

TB: Cuộc sống luôn có những bước chuyển, chẳng bao giờ là hoàn tất vì mọi cái luôn bắt đầu và lại bắt đầu. Gửi mi chia sẻ này, không biết điều đó có giúp ích gì được cho mi không nhưng hi vọng nó góp phần nhỏ nào đấy để mi nhìn sự việc quân bình hơn, đồng thời nhẹ nhàng hơn những khó khăn hiện tại trong đời tu.

 

IV.  Vườn Hoa Tôi Trồng :

Sinh Ra Để Dành cho Người Jrai

      (Trích Chương 4, Nước Mắt của Rừng, Amai H’Blan*)

Từ nhà ami H’siu nhìn xéo qua phía bên kia đường là Trung tâm Truyền giáo Čeo Reo TơLuĭ. Gọi là Trung tâm vì từ đây, các cha sẽ tỏa đi coi sóc con chiên ở 13 giáo điểm trong vòng bán kính 45km dọc theo quốc lộ 25. Chữ “Trung tâm” dễ gợi lên cho người ta cảm giác về một nơi to lớn, đồ sộ. Điều đó có thể đúng ở những vùng giàu có. Nhưng ở đây, nhà thờ của trung tâm chỉ là bốn mái vòm ghép lại khiến người khác không khỏi nghĩ đến một bãi giữ xe ở Sài Gòn, bốn phía trống không, gió mưa tha hồ đùa giỡn. Bàn thờ dâng lễ trang trí rất đơn sơ, góc trái bàn thờ có đặt cột đâm trâu như một biểu tượng tế lễ. Xung quanh nhà thờ là hai khu nhà sàn nội trú cũ kỹ bị mối mọt dành cho các cha và các em đệ tử ở.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, trung tâm này là điểm truyền giáo đầu tiên của vùng Cheo Reo, nơi gắn liền với tên tuổi của một vị thừa sai người Pháp, người đã dành tình yêu cả đời mình cho những người Thượng. Giới trí thức biết đến ngài như một nhà Tây Nguyên học say mê nhất, một nhà dân tộc học, một nhà nhân chủng học, một nhà xã hội học, một nhà văn hóa học, một nhà bác học… Nhưng người Jrai không biết đến những khái niệm cao siêu đó, họ chỉ biết ngài là một vị linh mục nhiệt thành, một vị thừa sai đích thực, và họ vẫn gọi ngài bằng cái tên thân thương trìu mến, Cha Dournes.
Người ta có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin về cha Jacques Dournes trên mạng internet, nhưng người ta không thể nào biết được tình cảm yêu quý của những người Jrai nơi đây dành cho ngài. Tất cả những người Jrai tôi tiếp xúc, từ người già đến con nít, không ít thì nhiều, đều biết về cha Dournes, và hầu như ai cũng biết chuyện cái đuôi khố của cha khi gặp Đức Giám mục Paul Seitz. Trong cuốn sách “Hạt giống Kitô trong đất Jrai” cha Giuse Trần Sĩ Tín có kể lại: “Việc đóng khố không được Giám mục tán thành lắm. Nhưng khi không có Giám mục ở đó thì ngài vẫn đóng khố. Cho nên mới có một lần kia, đang thoải mái đóng khố, thì bỗng anh đồ đệ Ama Sim hớt hải chạy vào báo động: “Giám mục tới!”. Jacques Dournes vội xỏ quần, mặc áo ra đón Giám mục. Ngài đi trước mời Giám mục lên thang vào nhà. Báo hại Giám Mục đi đàng sau phát hiện ra cái đuôi khố của Jacques Dournes giật giật mà rằng: “Cái gì thế này?”. Kể ra chuyện này để thấy rằng cha Dournes đã hòa nhập với người dân triệt để như thế nào. Bây giờ người Jrai không còn mặc khố nên các vị thừa sai hiện tại dù có dấn thân hết mực thì cũng không cần phải đóng khố như xưa nữa.
Tôi đến trung tâm vào một buổi chiều khi giáo đường vắng bóng con chiên, ráng chiều hắt lên mái tôn ánh vàng rực rỡ. Khoảng sân trước nhà thờ trồng đầy dừa và cây bàng, cứ mỗi lần gió thổi qua, lá cây lại reo lên hí hửng. Đâu đó, chiếc chuông gió tre xôn xao như tiếng đàn tơrưng vọng lại. Không gian im ắng, thâm trầm. Ai bước vào trung tâm cũng thấy bên phải nhà thờ một ngôi nhà sàn không có cầu thang, vách lồ ô, mái lợp tranh, đứng tách biệt một mình, đó chính là ngôi nhà tưởng niệm cha Jacques Dournes đang được tu sửa nửa chừng… rồi dừng lại tới bây giờ. Trong ngôi nhà sàn, người ta còn giữ những vật dụng của cha Dournes, một ghè rượu sứt mẻ, vài cái chén sứ cũ, cái cuốc con con, cái gùi nho nhỏ, bức tượng gỗ mẹ bồng con chính tay cha khắc, cây thánh giá bằng tre và nhiều thứ linh tinh khác. Xà ngang nhà có khắc dòng chữ: 01.08.1955. Đó là ngày đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời thừa sai của ngài.
Hôm ấy là ngày 1 tháng 8 năm 1955, vào lúc 6 giờ chiều. Màu xám xịt của khung trời ngột ngạt gây nên cảnh não nề cho vùng Cheo Reo, khi chiếc xe của Đức Giám mục chở theo một vị thừa sai đến nhiệm sở mới. Ở đây không ai chờ đợi vị thừa sai này; thậm chí, không ai ưa ngài. Cho đến lúc này, tin mừng chưa hề được rao giảng cho cư dân vùng ấy, vì họ từ chối. Nhưng Giám mục lại muốn rao giảng tin mừng cho họ. Ngài để vị thừa sai cùng với rương hòm trên mảnh đất khô cằn ngay trước những ngôi nhà sàn đóng kín.”
Cụ bà của làng trung thành với truyền thống hiếu khách của dân tộc du canh du cư trước kia. Đêm đến, không nên để người lạ ở ngoài, vì như vậy là bỏ họ cho cọp đang rình rập.
– Thôi, cho ông ấy vào đây đêm nay.
……..
Và ở đây họ đã cho ngài ở tạm một đêm”
“Thực vậy, một nhà đã mở cửa cho tôi vào dù chỉ một đêm. Tôi leo lên thềm, còn họ thì mang hành lý cho tôi. Thế là tôi như một người bán khai giữa những người văn minh. Tôi không biết một từ Jrai nào, tôi không biết người nào và chẳng ai nói được tiếng của tôi!”
“Những người Jrai ấy sẽ biết về Chúa Giêsu chỉ qua những gì tôi nói với họ và qua tôi….Thử nghĩ xem trách nhiệm của vị thừa sai đầu tiên tới, mang đến cho dân tộc mới này hình ảnh về Thiên Chúa thật nặng nề kinh khủng làm sao? Đó là bức họa trên một bức phông còn mới mà người ta không thể sửa lại được. Giả như thái độ của tôi gây nên một sự mâu thuẫn hay một Kitô hữu nào đó để lại một gương mù gương xấu khi đi ngang qua, thì tác phẩm coi như hỏng, hết giá trị. Có thể đó là nỗi đau lớn nhất của vị thừa sai!
”[1]
Đây là những dòng tâm sự tả lại giây phút đầu tiên cha đặt chân đến vùng đất này. Trong số nhiều sách cha viết về người Thượng, thì đây là cuốn duy nhất cha đề cập đến những cảm giác riêng tư của cha, nhưng điều này cũng chỉ rải rác trong vài trang đầu. Những thắc mắc về đời sống nội tâm, thao thức của cha luôn là câu hỏi với bất cứ ai muốn tìm hiểu về cha. Và chính cha đã luôn là câu hỏi ngược lại cho tất cả những vị thừa sai phục vụ trên Tây Nguyên này: “Đã dấn thân đủ chưa?”
Tôi may mắn được ở nhà ami H’siu, và càng may mắn hơn nữa khi bố của ami H’siu là Ơi Hiam, (tức là ông của Hiam) là một trong ba người đầu tiên được cha Dournes rửa tội. Nhà ơi Hiam ở giữa nhà hai người con gái là ami H’hiam và ami H’siu. Năm nay cụ đã xấp xỉ 90 tuổi rồi, cái tuổi ít người Jrai sống tới. Hằng ngày, cụ vẫn có thể tự chăm sóc cho mình và thường ngồi ở trước cửa nhà nhìn qua trung tâm, nơi có nhà của cha Dournes. Khi tôi nói: “Ơi kể cho con nghe về cha Dournes đi” thì mặt cụ se lại như người vừa bị chạm vào vết thương. Cụ im lặng hồi lâu rồi cuối cùng nói ngắt quãng bằng một thứ tiếng Kinh lơ lớ: “Đêm qua, tôi mơ thấy Dournes. Nó đi cầu thang lên nhà (vừa nói cụ vừa đưa tay chỉ qua căn nhà cũ của cha Dournes), nó gọi tôi lên cùng, tôi leo mãi mà không lên được”. Cụ gọi cha Dournes là “nó” vì hai người xít xoát bằng tuổi nhau, và còn vì hai người thân thiết với nhau như anh em ruột thịt. Chắc hẳn, sự ra đi của cha Dournes đã để lại một nỗi trống trải vô tận trong lòng cụ để đến nỗi, sau bao nhiêu năm cụ vẫn còn gặp cha Dournes trong những giấc mơ. Và rồi, cụ bắt đầu kể cho tôi nghe về cha Dournes.
“Dournes cũng trồng ớt, trồng cà rồi đem ra chợ ngồi bán như người Jrai, nhưng không ai dám mua hết. Người ta nói ông cha sao lại đi bán cà như thế. Nếu đưa cho tôi đi bán dùm thì họ mua”.
“Dournes không cho chúng tôi ngồi thế này đâu (cụ gù lưng xuống). Nó bắt ngồi thế này nè (cụ ngồi thẳng lưng lên)”
“Mấy bà trong làng cài mấy thứ của người Kinh lên đầu đi lễ chúa nhật, nó đuổi về không cho lễ. Nó bảo vậy không phải là người Jrai”
“Dournes giỏi và siêng năng lắm. Nó làm việc suốt để thâu akhan của người Jrai”
Những mẩu chuyện rời rạc của Ơi Hiam càng làm sinh động thêm về một con người đã gắn bó với người Thượng như máu thịt của mình, để rồi khi trở về Pháp, cha nhớ người Thượng quay quắt đến khủng hoảng trầm trọng. Cha đã đến với người Jrai không trong tư thế của một người đi truyền giáo, tức là đến thay thế tôn giáo tự nhiên của người Jrai bằng Kitô giáo, mà đến với tư cách một chứng tá tình yêu để chỉ cho họ thấy rằng, có một Đấng Cao Trọng luôn yêu thương họ.
Nhưng người Jrai làm sao có thể chấp nhận một ông tây mũi lõ, tóc vàng, da trắng, nói một thứ tiếng khác về những điều khác lạ. Cha không thể làm chứng khi cha chưa là một người như họ. Vì thế, “nếu không có chỗ cho người ngoại quốc, thì tôi phải thôi làm người ngoại quốc. Là người ngoại quốc ở ngưỡng cửa nhà sàn người Jrai, là người Kitô hữu duy nhất trong bán kính cả trăm cây số, đơn độc trong hiu quạnh … Tôi chỉ còn một cách là dấn mình sâu hơn vào đường hầm, đi sâu vào bên trong nhà sàn, nói bập bẹ như một đứa bé bắt chước bố mẹ làm người lớn và nói chuyện với họ”[2]
Thật vậy, cha đã cởi bỏ tất cả những gì của người ngoại quốc để trở nên một người Jrai thực sự. (Tất nhiên mắt mũi miệng thì đành chịu). Cha ăn mặc như họ, làm lụng như họ, nói năng như họ, sống như họ để hiểu họ trước đã. Muốn làm gì trên mảnh đất này mà không hiểu về người bản địa thì thật là sai lầm, nhất là khi cha đến để làm chứng về tình yêu. Nhưng “nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu. Phải yêu cuộc sống gian khó và bình dị, phải yêu thiên nhiên trinh khôi và say mê vẻ đẹp của nó, phải yêu cái không khí đầm ấm của căn nhà sàn và hơi nóng tỏa ra từ bếp lửa của nó, phải yêu khu rừng ngô và đêm đầy trăng”[3]. Cũng từ tình yêu đó mà cha khám phá ra người Jrai đã được chuẩn bị để đón nhận Tin Mừng. Cha chỉ cho họ thấy Thiên Chúa trong cuộc sống của họ và dẫn họ đến với Thiên Chúa qua ngả đường văn hóa. Chính cha làm sáng tỏ điều mà gần nửa thế kỷ sau người ta gọi là rao giảng tin mừng có hội nhập văn hóa[4].
Đóng góp lớn nhất của cha Dournes chính là cha đã sưu tầm gần phần lớn các akhan, các biểu tượng, phương ngữ của người Jrai để đưa ra một cái nhìn toàn diện và chân xác nhất về sắc tộc này. Cha như tảng đá góc tường sẽ làm nền cho tất cả những viên đá khác để xây lên cộng đoàn Jrai. Ai nghiên cứu về Tây Nguyên mà không đi qua cửa ngõ Jacques Dournes thì mới đi lòng vòng mà thôi. Ngày nay, dấu ấn của cha vẫn còn thể hiện rõ nơi thánh lễ. Từ ngôn ngữ phụng vụ, đến lễ nghi, kể cả cách trang trí đều bàng bạc tinh thần Jacques Dournes. Lần đầu tiên dự lễ chúa nhật ở Ayunpa, tôi thật sự ngỡ ngàng về cách thức phụng vụ của người Jrai. Với họ, thánh lễ không chỉ là việc tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của chúa Giêsu, mà còn là lễ hội, là một cuộc trình diễn văn hóa. Giáo dân đi lễ mặc y phục truyền thống rực rỡ, điều ngày thường không có dịp mặc. Ca đoàn hát trên nền nhạc cồng chiêng thánh thót, trong khi đó một nhóm thiếu nữ nhún nhảy những điệu suang nhịp nhàng. Đặc biệt, tiếng trống nổi lên giục giã càng làm cho người ta hồ hởi. Thánh lễ ngập tràn niềm vui nhưng không vì thế mà mất đi sự trang nghiêm. Tham dự một thánh lễ như thế này, bạn không thể nào… buồn ngủ được.
Tôi đứng trước ngôi nhà sàn nhỏ bé và đơn sơ của cha, lẩm cẩm nghĩ về ngày xưa, khi cha mới tới đây. Ngày ấy không có nhà cửa xung quanh như bây giờ, vùng này khi ấy còn hoang vu, cọp beo còn rình rập quanh làng, nhà cửa thưa thớt, dân tình đói khổ, khí hậu khắc nghiệt. Cha đã bỏ quê hương, xứ sở, gia đình, cha mẹ, anh em, bạn bè, cuộc sống tiện nghi và những tình cảm riêng tư của mình để đến đây. Đến với những người không hề muốn chào đón cha. Đến với những người bán khai thuộc về một thế giới khác, một thời đại khác. Làm sao cha có thể chịu được cuộc sống nơi đây? Những khi cô đơn giày xéo, bất đồng ngôn ngữ, khác biệt món ăn, những lúc ốm đau bệnh tật, khi mọi cố gắng chẳng thấy chút kết quả nào, lại còn chiến tranh bom đạn và thiếu thốn trăm bề. Nhưng cha đã ở đây suốt 15 năm, điều mà chưa một người thừa sai nào trước đó làm được. Tôi cảm tưởng như cha Dournes được sinh ra để dành cho người Jrai, cho người Tây Nguyên. Có điều gì cuốn hút cha khiến cha say mê như vậy? Và nếu người Jrai có sức hấp dẫn mãnh liệt như thế chắc hẳn người Jrai phải có cái gì đó rất đặc biệt? Điều đặc biệt đó không thuộc về lĩnh vực vật chất vì làm sao nơi đây có thể vượt qua nước Pháp văn minh. Vậy thì là cái gì nếu không phải là tinh thần, là tâm linh, là thế giới siêu nhiên vô cùng sâu sắc và bí nhiệm, khiến cha mê đắm. Tôi ngồi dưới nhà sàn nghĩ ngợi miên man, lòng đầy xúc động. Gió lại nổi lên từng chập. Tiếng chuông gió hòa vào tiếng lá xôn xao. Hôm nay là rằm, khi còn ở đây, trăng rằm cha làm gì?
Tiếc rằng cha không còn ở đây để chứng kiến ngày đoàn chiên Jrai từ khắp nơi trở về. Đoàn chiên do cha chăm bẵm, nay đã đông đảo rộng khắp. Ở nước Pháp xa xôi, cha có biết tin này hay không? Nhưng có hề gì vì cha mãi trong tâm trí của người Jrai. Phía đằng hiên ngôi nhà của cha, người ta còn giữ lại một cái cột do chính tay cha làm, trên cây cột có khắc dòng chữ: “Vườn hoa tôi đã trồng”**. Đúng thế, vườn hoa đức tin cha trồng bằng tất cả lòng kính trọng và tình yêu nay đã nảy nở trong lòng người Jrai. Dòng chữ như lời mời gọi những thợ gặt hãy đến mà thu, hãy đến mà tiếp nối công cuộc thừa sai cha đã tạo dựng và hãy yêu thương người Jrai như cách cha đã yêu thương.

(Nguồn: http://thovanminhson.blogspot.fr)

(*) Amai H’Blan tên thật là Trần Thị Trung Thu, sinh năm 1988 tại Đồng Nai. Bút ký Nước Mắt của Rừng là một tác phẩm đáng nên đọc.

(**) « Phaolo trồng, A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. » (1 Cr 5,6)
[1] Jacques Dournes, Aubier, 1963. Dieu aime les paiens” (Thiên Chúa yêu thương muôn dân), tr.11-17.
[2] Jacques Dournes, sđd.
[3] Dam Bo (Jacques Dournes), France – Asie, 1950. Les Populations montagnardes du Sud-Indochinois (Miền đất huyền ảo), Nguyên Ngọc dịch. NXB hội nhà văn, 2003.
[4] Tuyên ngôn của Liên hiệp Hội đồng Giám mục Á Châu 1999 – 2000

Leave a Reply