Lịch Sử Trà Kiệu Tài Liệu

Trà Kiệu trong cơn bách hại ở Đàng Trong

TRÀ KIỆU TRONG CƠN BÁCH HẠI Ở ĐÀNG TRONG[1]

Bài viết của Cha GEFFROY[2], thuộc Hội Truyền giáo Paris (MEP), thừa sai tại Đông Đàng Trong[3].

Đang lúc phải chiến đấu, các thừa sai chỉ có thể chuyển về cho chúng tôi những tin tức vắn tắt: qua điện tín, chúng tôi biết được con số những người chết và nỗi tuyệt vọng của những người sống sót. Bạn đọc vẫn luôn đáp lại những lời kêu gọi này bằng một tinh thần bác ái rất đáng ngưỡng mộ.

Hôm nay, các thừa sai của chúng ta đang góp nhặt những hồi ức của mình và gửi đến cho các ân nhân câu chuyện về những bất hạnh của các ngài.

Đây là một trong những trang sử ghi lại cơn bách hại đầy bi thương ấy mà chúng tôi bắt đầu công bố. Không cần nói thêm nhưng ai cũng biết, tuy mối nguy hiểm không còn cận kề nữa, nhưng nhu cầu của những người anh em chúng ta ở phương Đông vẫn không hề giảm bớt đi và mọi người đều tin tưởng trông chờ vào đời sống đạo đức của người Công giáo châu Âu.

_________________________________

Quý vị cũng biết, tỉnh Quảng Nam được chia làm ba khu: khu Bắc, về phía Đà Nẵng, do Cha Maillard[4] phụ trách; khu trung tâm, phía dinh trấn Quảng Nam, do Cha Bruyère[5] chăm sóc, và khu Nam, được giao cho một linh mục bản xứ, là Cha Cân Du[6], đảm nhiệm.

Không hiểu do đâu mà cuộc nổi dậy của Văn Thân[7], bắt đầu tại Tư Ngãi, lan đến Bình Định và lan rất nhanh về phía Nam, nhưng lan đến Quảng Nam khá chậm. Phải chăng sự chậm trễ như thế là do vùng này giáp ranh với kinh đô Huế và sự có mặt của một đại đội thủy quân lục chiến và một chiến hạm của Pháp, chiếc le Chasseur ở Đà Nẵng? Tôi [tức là cha Geffroy-ND] không biết đích xác; thực tế thì, một tháng rưỡi sau khi xảy ra những cuộc tàn sát ở Tư Ngãi, các Kitô hữu đã có thể tự do đi lại khắp nơi trong tỉnh. Vào những ngày đầu tháng 8[8], một đoàn 200 Kitô hữu thuộc khu vực Cha Garin phụ trách, ở Tư Ngãi, đã có thể băng qua vùng đất phía Nam tỉnh Quảng Nam và đến Trà Kiệu[9], chỗ Cha Bruyère, mà không gặp trở ngại nào.

Trong khi đó, ngay từ cuối tháng 7, đã lan truyền những đồn đoán rất đáng lo ngại. Ngày 1 tháng 8, nghe tin Trà Kiệu bị Văn Thân bao vây, Cha Maillard đã xuống Đà Nẵng, nói với đại úy Ducrès, đồn trưởng, và thuyết phục ông này đưa quân đi theo để giải cứu Cha Bruyère. Khi đến nơi, mọi người không gặp một nghĩa quân Văn Thân nào; chỉ có những đồn đoán về cuộc tấn công giống như nhiều nơi khác, thế thôi.

Ngày 15 tháng 8, những lời đồn ấy lại càng rộ lên nhiều hơn nữa, đến nỗi Cha Du và quá nửa bổn đạo của ngài phải bỏ trốn, số thì lánh đến Trà Kiệu, số khác ra Đà Nẵng, số khác nữa lên Phú Thượng. Những người nghèo khổ nhất thì ở lại, thà chết dưới tay Văn Thân ngay tại nhà mình, hơn là đến Đà Nẵng hoặc một nơi nào khác để chết đói.

Từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 8, những lời đồn thổi gây lo ngại đã lắng xuống; thậm chí người ta còn nói quân Văn Thân ở Quảng Nam, sợ quân Pháp trả thù nên đã không dám hành động như quân Văn Thân ở Tư Ngãi và Bình Định. Nhiều Kitô hữu thuộc khu vực Cha Du, do tin mọi sự đã yên ổn nên ở lại nhà họ. Vị linh mục đã lánh đến Trà Kiệu, cũng chuẩn bị trở về, và đã cử các chức sắc đi trước ngài để lo mọi việc tại họ đạo[10]. Nhưng, bắt đầu từ ngày 26, những đồn đoán gây lo lắng kia lại bắt đầu rộ lên nhiều hơn. Quả thật Cha Du đã rời Trà Kiệu, nơi mà ngài cho là không được bảo vệ; nhưng, thay vì đi về hướng Nam là khu vực do ngài quản lý, ngài lại đi về hướng Bắc, đến Đà Nẵng. Ngài chỉ đủ thời gian để kịp đến nơi an toàn; các bổn đạo của ngài mà đã về lại nhà thì không được may mắn như ngài: khi muốn quay lui, họ nhận ra các ngả đường đã bị chặn. Họ bị tàn sát, cũng như tất cả các Kitô hữu Quảng Nam không muốn hoặc không thể lánh nạn đến Trà Kiệu, chỗ Cha Bruyère, hoặc Phú Thượng, chỗ Cha Maillard, hoặc nữa là Đà Nẵng. Số người bị tàn sát lên đến hơn một ngàn: 650 người thuộc khu vực Cha Du, 280 người thuộc khu vực Trà Kiệu và ngót 100 người thuộc khu vực Phú Thượng.

Ngày 31 tháng 8, quân Văn Thân chiếm thành[11]. Tại Quảng Nam, mọi việc xảy ra giống như tại Bình Định và những nơi khác: Mấy ngày trước khi những cuộc tàn sát diễn ra, quân Văn Thân cùng các cựu quan triều đình rảo khắp các họ đạo, đưa ra những lời hứa hẹn và những bảo đảm tốt đẹp nhất, phỉnh gạt các Kitô hữu đừng bỏ trốn, để đến đúng ngày đã định, quân nổi dậy có thể tàn sát được nhiều người nhất. Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu[12], bấy giờ đang cầm đầu quân nổi loạn tại Quảng Nam, đi khắp các khu vực ở trung tâm và phía Nam, dùng những lời hứa hẹn mà lừa được rất nhiều người. Một cựu quan triều đình ở làng Nại Hiên, gần Đà Nẵng, cũng muốn phỉnh phờ như vậy đối với các giáo dân trong khu vực Cha Maillard. Ông ta đến một làng ngoại giáo gần Phú Thượng, và ở đó ông ta cho người đến báo và yêu cầu được gặp vị thừa sai. Cha Maillard cho người hồi đáp rằng, nếu ngài đến chỗ ông ta thì chắc chắn sẽ bị bắt giữ. Về sau, chính viên quan ấy, vào ngày 18 tháng 10, chỉ huy một cuộc tấn công vào Phú Thượng, và bị đánh bại trong một trận đánh tại đèo Lộc Hòa. Các quan lớn trong thành cam kết với thiếu tá Gonec là hết lòng tận tụy với nước Pháp, và bảo đảm mạng sống cho các Kitô hữu, đồng thời củng cố lực lượng để chống lại quân Văn Thân và duy trì hòa bình. Nhưng thực ra, họ vẫn làm như đã làm ở tất cả những nơi khác: không hề có một chút kháng cự nào, họ đã mở cửa thành cho bất cứ chỉ huy Văn Thân nào xuất hiện. Thế là, vì đã nghe họ nói như vậy, chính các thừa sai lại bị cho là gây ra sự bất an khi các ngài tổ chức phòng vệ. Các ngài than phiền về chuyện đó và, thật buồn lòng khi phải nói ra, những lời than phiền ấy đã vọng đến Đà Nẵng, mặc dầu ở đó không phải người ta không biết chuyện gì đã và đang xảy ra tại các tỉnh phía Nam. Cách này hay cách khác, thế nào cũng không tránh khỏi bị khiển trách: những thừa sai thất trận, bị khiển trách vì không biết tổ chức kháng cự, còn những vị đã tổ chức và phòng vệ tốt, thì cũng bị khiển trách vì gây hỗn loạn trong vùng do việc các ngài chuẩn bị kháng cự.

Trà Kiệu bị bao vây vào ngày 01 tháng 9 năm 1885, tức là hôm sau ngày thành Quảng Nam bị quân Văn Thân chiếm giữ. Tất nhiên họ đạo hầu như không có chút phòng bị nào, bởi vì Cha Bruyère đã không đánh giá đúng mức độ dữ dội và quyết liệt của cuộc tấn công. Ngài tưởng nó sẽ không khủng khiếp hơn trận đánh diễn ra ở Trung Sơn, tại Tư Ngãi, nơi mà chỉ có khoảng tám chín trăm bổn đạo, kể cả người già và trẻ con, đã có thể chống lại quân Văn Thân trong hơn một tháng trời. Đối với vị thừa sai, chỉ cần trụ vững trong hai hoặc ba ngày là đủ để quân Pháp có thời gian đến ứng cứu ngài. Đại úy Ducrès đã hứa một cách dứt khoát là, ngay khi biết có cuộc tấn công, sẽ cấp tốc đến bảo vệ ngài, và lời hứa ấy cũng đã được viên sĩ quan nhắc lại trong một bức thư, vào trung tuần tháng 8. Thế là vị thừa sai cậy dựa vào sự tiếp cứu ấy, đồng thời ngài tín thác hơn nữa vào sự che chở của Đức Thánh Trinh Nữ, đấng duy nhất không bao giờ để ngài phải thất vọng; ngài tin rằng, thà phòng thủ tại Trà Kiệu hơn là lánh ra bãi cát ở Đà Nẵng, không có nơi ẩn núp và không có lương thực.

Về vũ khí, lực lượng phòng thủ của Cha Bruyère có bốn khẩu hỏa mai, mỗi khẩu mười viên đạn, năm khẩu súng kíp[13], do Cha Maillard để lại và một khẩu súng ngắn Le Faucheux[14]. Vào những ngày cuối tháng 8, vị thừa sai đốc thúc các bổn đạo ngày đêm rèn thêm giáo mác để trang bị cho hầu hết mọi người. Trong họ đạo của ngài có 370 nam nhân, tuổi từ 16 đến 60, có khả năng mang vũ khí, và được chia thành bảy đội. Phía phụ nữ, có khoảng 500 đến 600 người, được xếp thành đội dự bị. Sau khi đã chỉ định vị trí phòng thủ cho từng đội, Cha Bruyère chờ đợi với lòng đầy tín thác vào Chúa và Đức Thánh Trinh Nữ.

Địa thế Trà Kiệu rất bất lợi về mặt phòng thủ, trừ khi chiếm lĩnh được những điểm cao có thể chế ngự được toàn vùng; nhưng như vậy thì Cha Bruyère không thể có đủ người để bố trí. Về phía Tây, gò cao nằm cuối dãy núi Kim Sơn[15] chỉ cách nhà thờ có 120 mét, trong khi về phía Đông, cách dãy Kim Sơn một cây số, nổi lên ngọn đồi nhỏ Núi Trọc[16], hình chóp nón, cao 60 đến 70 mét. Họ đạo Trà Kiệu tọa lạc giữa hai ngọn đồi đó. Về hướng Nam, cách một vài ruộng lúa, là một đoạn lũy rộng bằng đất đắp cao, dấu tích công sự của một thành cổ người Chiêm thành. Nếu kẻ thù chiếm được những điểm cao đó, mọi người đều hiểu việc phòng thủ sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Duy chỉ ở phía Bắc là có một vùng đất cát hơi trũng, chạy dọc theo hàng rào phòng thủ của họ đạo, khô hạn vào mùa hè, ngập nước vào mùa đông.

Xế trưa ngày 01 tháng 9, người ta thấy quân Văn Thân đồng loạt từ bốn phía ùn ùn kéo đến. Chẳng mấy chốc một vòng tròn biển người vừa bao vây họ đạo vừa hung hăng hò hét; cuộc bao vây này sẽ kéo dài ròng rã suốt hai mươi mốt ngày đêm. Tối hôm ấy, kẻ thù không có ý định tấn công vào hàng rào phòng thủ của họ đạo, bọn họ chỉ án binh bất động và bắn vu vơ vài phát súng.

Các bổn đạo đang chiếm giữ đồi Kim Sơn rất muốn cố thủ tại vị trí đó cho đến cùng, nhưng ngày hôm sau, mồng 02 tháng 9, hoảng sợ trước quân số Văn Thân quá đông, họ không dám ở lại trên đó. Sau một lúc nghi binh thăm dò, họ vội vã rút xuống để lui về cố thủ bên trong hàng rào phòng thủ. Tuy hầu như không phải giao tranh với quân địch, phía các bổn đạo vẫn bị tổn thất mất 4 người[17]. Mặc dầu đó là thất bại duy nhất phải gánh chịu, nhưng đối với họ chừng đó cũng đã là rất tai hại. Các bổn đạo ai nấy đều rủn chí sờn lòng: họ từ chối chiến đấu, buông vũ khí và sớm cam chịu số phận đáng buồn của mình. Tất cả tập trung tại bãi đất trống phía trước nhà xứ để xin vị thừa sai ban Phép Giải tội lần cuối.

Chúng con phải chết – họ nói – mọi chống cự đều vô ích và chúng con muốn thà chết tại nhà thờ hơn là chết ở bất cứ nơi nào khác.”

Đó là một trong những thời khắc đau lòng nhất đối với Cha Bruyère; cho dù cố gắng đến thế nào đi nữa, ngài cũng không thể khơi gợi lại được lòng quả cảm của họ.

Đến chiều, khi hay tin quân Văn Thân tiếp cận từ hướng Đông, vị thừa sai cử một thanh niên đến ra lệnh cho người chỉ huy đội Hai rời bỏ mấy đám vườn nằm tách biệt và rất khó phòng thủ dưới chân Núi Trọc, để lui về phòng thủ trong một phạm vi hẹp và được bảo vệ tốt hơn bởi các rặng tre. Cậu thanh niên ấy không làm như lời dặn, mà tự ý nói cha xứ ra lệnh bỏ hết tất cả rồi tập trung tại nhà thờ để được giải tội lần cuối cùng và chờ chết. Thay vì truyền lệnh của vị thừa sai, cậu thanh niên lại truyền đạt nguyện vọng của tất cả các bổn đạo. May sao người chỉ huy không tin vào lời đó, và khi nhìn thấy quân Văn Thân áp sát rất gần, ông đã ra lệnh cho một người bắn vào bọn họ. Người này nấp sau một lùm tre, thong thả nhắm và bắn vào một toán địch đang kéo theo một khẩu đại bác. Một tên ngã xuống và số còn lại tháo chạy, vứt bỏ lại khẩu đại bác bị các bổn đạo đoạt lấy. Nhưng các bổn đạo quá chán nản đến độ thắng lợi ấy cũng không làm cho họ lên tinh thần. Ban đêm họ không chịu canh gác mà kéo nhau về nhà, than khóc vĩnh biệt nhau, hoặc đến nhà thờ, kiên quyết ở lì trong đó và chờ chết.

Nếu đêm hôm ấy quân Văn Thân đoán biết được tình trạng suy sụp của các bổn đạo và tìm cách thâm nhập, thì hẳn là bọn họ đã nhanh chóng tàn sát hết mọi người mà không hề gặp bất kỳ một sự kháng cự yếu ớt nào. May thay bọn họ không có kế hoạch tấn công vào ban đêm, vì sợ để lọt một vài bổn đạo thoát được ra ngoài. Trái lại bọn họ canh chừng rất nghiêm ngặt và không ngừng đánh trống gõ mõ. Cứ năm phút một lần, người chỉ huy của bọn họ lại bắc loa kêu to: “Ớ các đội, các vệ, phải canh giữ cho nghiêm nhặt, đừng cho đứa nào thoát nghe[18]”.

Tiếp theo là một tiếng iaaaa đáp lại rền vang khắp chung quanh họ đạo. Những tiếng rao đầy hăm dọa ấy, được lặp đi lặp nhiều lần suốt hai mươi đêm như thế, không chỉ khiến cho những người gan dạ nhất phải kinh hãi, mà còn thường vang đến tận tai Cha Bruyère, gợi lên trong lòng ngài những cảm giác đau buồn. Nhưng ngay lập tức tâm hồn ngài lại tràn dâng niềm cảm tạ tri ân đối với Mẹ Thiên Chúa rất thánh mà đã bao lần, trong cuộc vây hãm khủng khiếp này, ngài cảm nhận được sự che chở kỳ diệu của Mẹ. Mẹ là nơi nương tựa duy nhất của ngài trong những lúc đầy lo sợ kinh hoàng; bấy giờ ngài dâng lên Mẹ một lời cầu nguyện sốt sắng và lát sau ngài đã cảm thấy vững dạ an lòng. Chính nhờ sự che chở đầy quyền uy của Mẹ mà, cuối cùng, trong đêm mồng 02 rạng ngày mồng 03 tháng 9, vị thừa sai đã vực dậy tinh thần quả cảm nơi các bổn đạo của ngài.

Lúc nửa đêm, vị thừa sai cho gọi các chức việc đến nhà ngài và chứng tỏ cho họ thấy việc chiến đấu là cần thiết, đến mức ngài thuyết phục được tất cả họ. Tới lượt họ lôi kéo những người khác, và chẳng mấy chốc toàn thể mọi người trong họ đạo đều đồng tâm nhất trí hô to lên là phải chiến đấu, bởi vì đó là ý Chúa và ý của Đức Thánh Trinh Nữ.

Chúng ta hãy nghe lời cha – họ nói – và nếu phải chết, chúng ta sẽ chết với khí giới trong tay”.

Thế là người ta chuẩn bị để hôm sau chiến đấu một cách kiên cường. Mọi người nấu cơm từ rất sớm vì sợ trong ngày không có thời gian để nấu. Quả thật, ngày mồng 03 tháng 9 ấy thật gay go. Phải chiến đấu từ sáng đến tối. Năm lần địch bị đánh tan tác, chỉ riêng trận thứ năm thì suýt chút nữa thất bại do một suy sụp tinh thần đột ngột: Các bổn đạo đều kiệt sức và gần như mất hết cảm xúc, trong khi đó quân Văn Thân đông đến mức, bỏ chạy tán loạn ở chỗ này, thì ngay lập tức lại xuất hiện rất đông tại một điểm khác. Thấy vậy, các bổn đạo[19] cho rằng chắc chắn sẽ thua trận; họ tập trung trước nhà xứ, xin vị thừa sai cho phép họ buông vũ khí, lui vào trong nhà thờ và ở đấy chờ chết. Một số chức việc bày tỏ quan điểm cần phải đàm phán, báo cho quân địch biết là các bổn đạo sẽ hạ vũ khí với điều kiện mạng sống phải được bảo đảm. Nhà cửa, vườn tược, ruộng lúa, họ sẽ bỏ lại hết cho đối phương, và chỉ yêu cầu một điều là có thể rút lui an toàn về Đà Nẵng. Do không ai dám đích thân đến trại của quân Văn Thân, nên người ta nghĩ ra cách viết các điều kiện của bên mình bằng chữ to lên một tấm bạt hình vuông lớn, buộc lên đầu một cây tre như thường làm với cờ lệnh, rồi giăng ra trước mặt quân Văn Thân.

Trong lúc đó, nhà thờ chật kín người, không một ai chịu tiến về phía địch quân đang càng lúc càng xáp lại gần từ hướng Bắc. Cha Bruyère, dù có cố gắng thế nào, cũng không thể khơi dậy được lòng quả cảm nơi các con chiên của mình, họ quỳ gối trước mặt ngài, xin ngài ban Phép Giải tội lần cuối cho họ, rồi bỏ lại vũ khí tại chỗ và rút lui vào bên trong nhà thờ.

Quân Văn Thân, từ trên đồi Kim Sơn, nghe tiếng kêu van khóc lóc của các bổn đạo, liền chế nhạo và bảo họ hãy can đảm lên, Cha Maillard đang trên đường đến cứu họ.

Giữa lúc cực kỳ đau xót và nguy cấp như vậy, thì chính ông Phổ[20], chỉ huy đội Một, đã cứu được họ đạo. Lúc nào cũng đầy tinh thần quả cảm, ông cứ lặp đi lặp lại là phải nghe lời Cha Bruyère.

Khốn cho chúng ta, – ông nói – nếu chúng ta buông vũ khí, quân Văn Thân không đời nào để cho chúng ta rút lui về Đà Nẵng an toàn. Ai điều đình thì mặc kệ họ, còn chúng ta luôn giữ lấy vũ khí của mình và chiến đấu cho đến cùng.”

Bất chấp sự mệt mỏi của mọi người, ông tập trung quân và thuyết phục họ tiếp tục đánh lại quân thù đang tiến đến từ hướng Bắc. Cùng lúc ấy, thầy giảng Phận[21], nhân những lời khích báng của quân Văn Thân, trấn an các bổn đạo, đang lánh nạn trong nhà thờ, rằng Cha Maillard đang đến và phải đẩy lui bọn tấn công thì ngài mới có thể vào được. Tin lời thầy, họ liền cầm lấy vũ khí và bắt đầu đi theo toán quân của đội trưởng Phổ.

Đội trưởng Phổ ra đến cổng vừa lúc ông đội trưởng đội Hai đang bắt đầu đàm phán. Ông này đang định kêu gọi đầu hàng, thì ông đội Phổ ngăn ngay lại và hô lớn:

Không, không, chúng ta không bao giờ đầu hàng, chúng ta hoặc chiến thắng hoặc chết!

Mở tung cửa, ông dẫn đầu đội quân của mình lao vào đám Văn Thân một cách đầy dũng mãnh khiến bọn này hốt hoảng vắt giò lên cổ bỏ chạy. Chỉ đến khi ấy các bổn đạo đáng thương mới có thể thở phào được đôi chút.

Cần lưu ý rằng, tại bất cứ chỗ nào mà các bổn đạo chống trả, thì ngày thứ ba của cuộc tấn công chính là ngày kinh hoàng nhất đối với chỗ ấy. Lý do là vì ngày đầu tiên và ngày thứ hai, các bổn đạo chỉ phải đương đầu với quân ngoại giáo ở các làng chung quanh. Còn ngày hôm đó, họ càng chống trả thì quân số của những kẻ tấn công lại tăng lên gấp đôi, gấp ba.

Nói theo kiểu con người, thì người ta không hiểu tại sao, trong ngày thứ ba ấy, họ đạo lại không bị đè bẹp bởi sự chênh lệch quân số quá lớn giữa hai bên; bởi lẽ, Trà Kiệu nằm gần trung tâm tỉnh, và người ta có thể nói là toàn bộ lực lượng Văn Thân tỉnh Quảng Nam đều có mặt ở đấy. Thứ mà đã cứu được Trà Kiệu, chính là sự chia rẽ trong quân Văn Thân. Bọn họ thuộc về các chỉ huy khác nhau, và chỉ huy nào cũng muốn chỉ có quân của mình thắng được các bổn đạo. Trong khi một đơn vị quân Văn Thân giao chiến, thì những đơn vị khác đứng nhìn và hò reo, cầm nghiêng giáo mác trong tay như đang đẩy lui một cuộc tấn công. Bọn họ không hỗ trợ lẫn nhau và không bao giờ đánh chặn đường rút lui của các bổn đạo thường chạy rất xa để rượt theo bọn bỏ trốn. Không có sự thống nhất trong kế hoach chỉ huy của bọn họ; không một chỉ huy nào nhượng bộ chỉ huy nào, và giữa họ chỉ có sự ganh đua hơn là sự đồng lòng với nhau.

Quân văn Thân không tấn công vào ban đêm, mà chỉ canh chừng và bắn về phía các bổn đạo từ hai ngọn đồi có đặt mấy khẩu đại bác và súng trường nòng lớn[22]. Ban đêm họ bắn vào những chỗ có ánh sáng và có tiếng chó sủa, còn ban ngày thì bắn vào tất cả những ai mà họ thấy ló người ra. Đặc biệt Cha Bruyère là cái đích mà họ không ngừng nhắm đến. Từ sườn đồi Kim Sơn, họ không ngừng rình rập để tìm cách giết ngài. Tuy ngài đã cạo râu và thậm chí còn cải trang, nhưng chẳng ăn thua, ngài luôn bị phát hiện.

Tây dương đạo trưởng, Tây dương đạo trưởng! – bọn họ la lớn ngay khi nhìn thấy ngài – bắn, bắn đi”, và thế là một viên đạn rít lên ngay bên tai ngài.

Ôi, vị thừa sai tội nghiệp, thật là cả một khổ hình tàn bạo đối với ngài! Biết bao lo âu và thất vọng cay đắng mà ngài phải chịu trong cuộc vây hãm dai dẳng này! Ban ngày, ngài có mặt giữa giáo dân để chăm chú theo dõi những điểm canh phòng dễ bị tấn công nhất, ra lệnh cho những cuộc xuất kích, chạy đi chạy lại giữa các tuyến phòng thủ. Trong những lúc nghỉ ngơi, ngài chăm sóc người đau yếu bệnh tật; nhà xứ và nhà thờ chật ních người từ bảy, tám ngày nay; ngài không thể ăn uống, ngủ nghỉ. Nhất là ban đêm thì lại càng tệ hơn: tiếng súng, tiếng la hét kinh khủng của các lính canh khiến người ta phải rùng mình, cùng những mối lo âu không để cho ngài được nghỉ ngơi chút nào. Ban ngày, đôi lúc ngài ngủ thiếp đi rồi giật bắn mình tỉnh giấc. Ngài nói với tôi rằng ngài đã đổ không biết bao nhiêu là nước mắt trong những ngày đêm dài lê thê ấy, nhưng, rất thường là những giọt nước mắt vui sướng. Trước sự che chở rõ ràng của Đức Thánh Trinh Nữ, con tim ngài vỡ òa hạnh phúc, nước mắt ngài chảy xuống thật ngọt ngào, và ngài cảm thấy vững dạ an lòng.

Ngày thứ tư, các bổn đạo đã phải đẩy lùi hai cuộc tấn công: một vào buổi sáng, và một vào chiều tối. Khi quân Văn Thân định mở đầu một cuộc tấn công, bọn họ thường áp sát hàng rào phòng thủ bằng tre của họ đạo, bấy giờ các bổn đạo liền xông ra giao chiến. Hiếm khi các cuộc giao tranh kéo dài quá mười phút; những người ngoại giáo, tuy quân số rất đông, nhanh chóng bỏ cuộc, quay lưng bỏ chạy bán sống bán chết. Các bổn đạo, càng lúc càng dạn dày hơn, lao mình đuổi theo và, nếu không phải lúc nào cũng giết được nhiều kẻ thù, thì ít nữa cũng thu được của chúng những khẩu đại bác, súng trường nòng lớn mà chúng bỏ lại để tẩu thoát cho nhanh. Tuy nhiên, thỉnh thoảng họ cũng gặp phải một kháng cự mạnh mẽ; giáo mác hai bên giao nhau, nhưng không bên nào dám đâm trước vì sợ mình cũng sẽ bị đâm. Bấy giờ các bổn đạo dùng mưu, la lên:

Đó rồi, đó rồi, chúng chạy rồi, chúng chạy đằng sau kia kìa; nào anh em, can đảm lên! Giêsu, Maria!

Quân ngoại giáo vội ngoái lại xem thực hư ra sao và ngay lúc đó các bổn đạo dấn tới đâm chết đối phương. Cuộc bỏ chạy tán loạn diễn ra sau đó, và cứ thế mà quân địch mạnh ai nấy chạy.

Đội quân dự bị, gồm các phụ nữ, nhanh chóng xông ra trận địa; nhưng hiếm khi đội quân ấy kịp hành động. Trông thấy những phụ nữ hùng hổ lao vào[23], đám ngoại giáo liền nhanh chân chạy trốn trước khi các bà lao đến nơi. Quả thật, những người phụ nữ trông có vẻ rất hung tợn, tóc dài buông xõa sau lưng. Họ nhảy xổ vào, vừa vung dao kiếm lên vừa la lớn: “Giêsu, Maria, Giuse, xin thương xót chúng con, xin hãy che chở chúng con”. Rượt theo quân địch đến hụt cả hơi, các bà rất lấy làm tự hào khi giết được vài tên, và quay về tạ ơn Đức Mẹ.

Từ lúc bắt đầu cuộc vây hãm, Cha Bruyère đã đặt một bức tượng Đức Thánh Trinh Nữ trên chiếc bàn trong nhà xứ, hai bên bức tượng có thắp hai cây nến. Lần nào cũng vậy, hễ cứ ra ngoài để đẩy lùi một cuộc tấn công, người ta luôn thắp sáng hai cây nến ấy trước khi đi, còn người già và trẻ em, không thể tham gia chiến đấu, thì cùng nhau quì tại chỗ mà lần hạt. Sau khi quân địch bị đẩy lùi, các chiến binh lại quay về tạ ơn Mẹ Nhân Lành vì đã cho họ chiến thắng. Họ quì gối trước ảnh Mẹ, trong tay vẫn cầm giáo mác còn vấy máu, và cầu nguyện sốt sắng một hồi lâu rồi mới đứng lên. Đôi khi họ phải đột ngột rời đi để lao vào một trận đánh khác; nhưng không bao giờ họ quên quay lại cảm ơn Đấng Che Chở yêu dấu vừa cho họ chiến thắng một lần nữa. Lòng tin tưởng dần dà hồi sinh, người ta bắt đầu hy vọng, và không còn nhớ đến cái ngày thứ ba [ngày 03 tháng 9 năm 1885] tưởng chừng như vô vọng ấy nữa.

Ngày 05 và ngày 06, quân Văn Thân chỉ bao vây chứ không tấn công; họ không đến gần vòng đai phòng thủ của các bổn đạo để tránh mọi cuộc giao tranh. Nhưng họ vẫn không chịu ở yên: họ bố trí thêm dãy rào chắn ở phía Bắc, nằm phía bên kia bãi cát. Ý định của họ là gì? Tất nhiên là siết chặt vòng vây hơn để các bổn đạo không thể đánh lừa lính gác mà đào thoát vào ban đêm. Cũng có thể là họ làm vậy để buộc quân của họ phải chiến đấu quyết liệt hơn, bởi vì, khi bị chắn cả phía trước lẫn phía sau thì những người này không thể bỏ chạy được. Đã nhiều lần người ta nghe thấy những người chỉ huy quát nạt lính của họ chưa gì đã tan hàng ngay khi vừa đụng trận. Người ta có thể theo dõi những cuộc trò chuyện của họ, bởi vì chỗ họ dựng bản doanh trên ngọn đồi Kim Sơn là rất gần.

Làm xong rào chắn, quân Văn Thân dựng thêm phía đằng sau nó nhiều lán trại. Sự việc ấy không làm các bổn đạo lo lắng lắm, nhưng sự lo lắng của mọi người tăng lên khi nhìn thấy, vào buổi tối ngày thứ sáu, nhiều bó rơm rạ được mang đến chất trên bãi cát nằm giữa hai giậu chắn hai bên. Toàn bộ phía Bắc của họ đạo, từ đồi Kim Sơn đến đồi Non Trọc đều phủ kín rơm rạ, cho thấy ý định muốn đốt cháy hàng rào phòng thủ bằng tre bao quanh làng. Như vậy là có một mối nguy hiểm tiềm ẩn; nhất thiết phải phá hủy số rơm rạ đó và không để cho quân ngoại giáo mang rơm rạ lại quá gần hàng rào phòng thủ. Thế là một trận sống mái được quyết định tiến hành vào ngày hôm sau, ngày 07 tháng 9. Mọi người chuẩn bị sẵn sàng.

Từ sớm tinh mơ, sau khi đã khẩn nài sự cứu giúp của Đức Thánh Trinh Nữ, và được khích lệ bởi sự động viên của Cha Bruyère, các bổn đạo tập trung tại cửa Bắc, giáo mác trên tay, chờ lệnh chiến đấu. Khi cửa mở, họ lao vào quân địch bằng một sự dũng mãnh chưa từng có và thét lớn những tiếng hò reo xung trận. Phía quân Văn Thân chạy ào ra, đẩy những bó rơm tiến sát hàng rào tre. Họ được chỉ huy bởi Can Hoc[24], con trai tướng Ông Ích Khiêm, người đã phòng thủ Thuận An chống lại đô đốc Courbet. Hốt hoảng trước khí thế gan lì của các bổn đạo lúc này đã vượt qua rào chắn bằng rơm, Can Hoc quay lui băng qua giậu chắn do phía bọn họ dựng lên và bỏ chạy một cách nhục nhã. Sợ bị truy đuổi đến nỗi ông ta cho đóng rào chắn lại khiến nhiều người của ông ta, không thể tháo lui, bị các bổn đạo đâm chết tại chỗ. Các bổn đạo thừa thắng xốc tới, vượt qua rào chắn của quân Văn Thân và tịch thu tất cả mọi thứ có trong lán trại của địch quân. Phía các bổn đạo chỉ có một vài người bị thương. Trong ngày tuyệt diệu này, vai trò các phụ nữ nổi bật hẳn lên. Về phía quân Văn Thân thì không biết chính xác có bao nhiêu người chết và bị thương, bởi vì bọn họ đã làm hết sức có thể để mang đi tất cả những kẻ không còn chiến đấu được nữa. Dù gì thì ngày hôm đó, bọn họ cũng đã phải bỏ lại tại chỗ ba mươi sáu xác chết. Nhưng số người chết và bị thương được họ mang đi thì rất nhiều, đến nỗi một toán tiếp viện từ phía Bắc đến, trông thấy hàng loạt người chết và bị thương được khiêng bằng võng lưới hoặc bằng cáng đi qua trước mặt, đã quá sợ hãi liền lui về. Rào chắn, rơm rạ, lán trại, tất thảy đều bị làm mồi cho ngọn lửa và đám cháy lớn đến mức người ta bảo là cả làng Trà Kiệu bốc cháy. Quý vị hãy tưởng tượng xem niềm vui sướng của các bổn đạo và sự háo hức của họ muốn cảm tạ  Đức Thánh Trinh Nữ về chiến thắng tuyệt vời của họ đến thế nào.

Hôm sau, ngày 8 tháng 9, lễ Sinh nhật Đức Mẹ, lại cũng là một ngày khủng khiếp. Thánh lễ sáng vừa xong thì có tin quân Văn Thân tấn công vào hướng Nam. Bọn họ kéo đến rất đông, tràn ngập cả cánh đồng và đoạn lũy cũ của Chiêm thành, ngăn cách giữa hai bên. Về phía này cũng như ở phía Đông, Cha Bruyère đã buộc phải bỏ lại nhiều vườn tược của các bổn đạo, để khỏi phải phòng thủ một khu vực quá rộng lớn.

Không như hàng rào phòng thủ phía Bắc được hình thành bởi những rặng tre dày đặc, hàng rào phòng thủ phía này khá yếu, chỉ là một lớp rào mỏng rất dễ vượt qua. Tuy nhiên, quân Văn Thân lại ít tấn công mặt này hơn, bởi vì rất khó rút chạy. Ở phía Bắc, không có gì cản trở đường chạy của bọn họ, trong khi ở phía Nam, là những ruộng lúa sắp chín, không dễ gì băng nhanh qua được.

Cuộc tấn công ồ ạt đến mức các bổn đạo không thể chống trả ngay khi vừa chạm trán. Đơn vị chịu trách nhiệm phòng thủ phía Bắc phải rút lui khỏi hết đám vườn này đến đám vườn khác. Quân nổi dậy sắp đến được vòng rào của tu viện[25] và quân số của bọn họ đông vô kể. Cùng lúc đó, từ phía hai ngọn đồi, địch quân không ngừng bắn xuống; tiếng đạn réo không ngừng từ mọi hướng. Cha Bruyère trong tình thế tuyệt vọng chạy ngược chạy xuôi tìm thêm người tiếp viện. Cuối cùng, đội quân dự bị lừng danh xuất trận, tiến vào khu vực giữa tu viện và nhà mồ côi, ngay trước mặt quân địch; trong khi một đội khác tiến vào từ phía bên phải[26]. Quân Văn Thân chống trả mãnh liệt; nhưng bị tấn công vỗ mặt lẫn hai bên sườn, chẳng mấy chốc mà bọn họ nhanh chóng bỏ chạy tán loạn.

Những người gan dạ nhất lại là các phụ nữ, vì thế mà trong ngày hôm đó, các bà tự hào vì đã cứu được họ đạo.

Không có chúng tôi – các bà nói – mọi sự xong rồi, hết rồi, chỉ các ông thôi thì chắc chi đã trụ được.

Quân Văn Thân tổn thất một số lớn nhân mạng, nhiều hơn lúc đầu người ta tưởng, bởi vì một tháng sau, khi đi gặt lúa, các bổn đạo đã tìm thấy mười bốn cái xác trong mấy đám ruộng ngăn cách giữa đoạn lũy cổ của người Chiêm thành với họ đạo. Quân Văn Thân, điên tiết vì không thể đánh bại được các bổn đạo, chỉ biết đứng trên đồi Kim Sơn mà chửi bới lung tung hoặc tự nguyền rủa, buộc tội chê trách lẫn nhau vì đã không đủ dũng khí như mấy bà giáo dân.

Phần các bổn đạo cũng có nỗi bất hạnh riêng, đó là chưa thể nhìn thấy được sự kết thúc những khốn khó của mình. Họ đã làm những việc phi thường song chẳng thể nào tự giải vây được. Sau một trận đánh, khoảng trống mà họ gây ra trong hàng ngũ quân Văn Thân liền được lấp đầy ngay lập tức; vòng vây mà họ phá vỡ thì chỉ lát sau là lại được khép kín. Tuy nhiên, sự hăng máu của những người ngoại giáo bắt đầu suy giảm; các bổn đạo nhận ra điều đó và luôn giữ được lòng quả cảm. Họ nghe quân Văn Thân trên đồi chửi rủa nhau, chê trách các cấp chỉ huy, kêu khổ và dọa đào ngũ. Sự hỗn loạn của bọn này, trước hết, là do sự phân chia không đồng đều trong việc cung cấp lương thực. Do phải tuân lệnh nhiều cấp chỉ huy khác nhau, bọn họ kéo bè kết cánh trong mọi việc, đến mức thường thì một phe cánh nào đó, sau khi bắt được một con bò hay một con trâu, thì chè chén riêng, trong khi các phe nhóm khác bị bỏ mặc với sự ủ rũ thường ngày của họ; từ đó mà xảy ra ganh ghét, cãi vã, chửi rủa, v.v… Ngay đến nước uống bọn họ cũng thiếu và chưa bao giờ được cung cấp đủ. Hậu quả là bọn họ bất mãn nhau; không có gì có thể làm bọn họ hài lòng. Trong các trận đánh, thay vì chiến thắng, bọn họ lại trở thành những kẻ chiến bại; đại bác, súng trường nòng lớn không giúp gì nhiều cho bọn họ và, theo như bọn họ thấy, rất ít gây tổn thất cho đối phương. Với những khẩu đại thần công, thì hẳn là chiến sự đã kết thúc rất nhanh chóng. Nếu như, ngay từ đầu, người ta không cho chuyển mấy khẩu thần công đến, là vì xem ra vô ích khi bỏ ra bao công sức chỉ để đánh bại một nhúm các bổn đạo Công giáo. Giờ thì họ thấy hối tiếc và quyết định sẽ đi mang những khẩu đại thần công đến.

Ngày 09 tháng 9 là ngày chỉ để vận chuyển và bố trí mấy khẩu thần công trên hai ngọn đồi, và qua sáng ngày 10, bắt đầu một loạt thần công khủng khiếp nã xuống, rền vang khắp nơi trong toàn tỉnh. Ở Phú thượng, cách Trà Kiệu 40km, nghe thấy vậy, giáo dân ai nấy đều hết sức rụng rời. Chính Cha Maillard cũng nghĩ mọi sự đã an bài đối với số phận không may của người anh em đồng sự và các bổn đạo của người anh em ấy. Lòng đầy lo lắng đến chết đi được, ngài trèo lên dãy núi Phú Thượng, nơi mà ở đó có thể nhìn về phía Trà Kiệu, để xem liệu có đám cháy nào ở đó không. Ngài biết rằng số phận Phú Thượng cũng phụ thuộc số phận Trà Kiệu. Nếu Trà Kiệu có thể chống cự, thì Phú Thượng có cơ may kháng cự được, nhưng một khi Trà kiệu bị khuất phục, thì Phú thượng, buộc phải đơn thân độc mã chống lại sự hung hãn của quân Văn Thân, và như vậy, đến lượt mình, Phú Thượng cũng sẽ bị đánh bại. Từ trên dãy núi cao, ngài không thấy lửa và cũng không thấy khói, nhưng tiếng súng thần công thì rất khủng khiếp, đến nỗi ngài không thể nào tin được Trà kiệu có thể chống cự nổi.

Ngay tại Đà Nẵng, khi nghe loạt tiếng nổ kinh hoàng ấy, người ta cũng cảm thấy bất an.

Khắp nơi, người ta kháo nhau chắc chắn Trà Kiệu sẽ thất thủ. Thế nhưng, nhờ hồng ân Thiên Chúa, mọi sự không phải như vậy; Trà Kiệu vẫn đứng vững và bình tĩnh chống lại sự hung hăng của quân Văn Thân. Đại bác của bọn họ, đặt trên hai ngọn đồi, chủ yếu nhằm vào nhà thờ, nhưng khá thường thấy là những viên đạn được bắn đi từ đồi này lại lạc sang đồi kia làm chết chính quân Văn Thân. Bọn họ bắn đến nỗi nhà thờ bị lỗ chỗ nhiều vết đạn, và thật lạ lùng khi nhà thờ lại không bị sập, bởi lẽ từ đồi Kim Sơn người ta có tầm bắn rất gần. Sau nhà thờ, thì đến lượt nhà nguyện của tu viện và nhà xứ bị đưa vào tầm ngắm. Quân ngoại đạo biết rõ chỗ nào vị thừa sai thường hay ngồi, tức là trên một chiếc băng ghế dài đặt giữa nhà xứ. Nơi đó đã bị khoét thủng mấy chỗ bởi năm viên đại bác. Chiếc đèn trần treo trên bàn ăn của ngài đã bị vỡ tan; mấy bức tượng bằng thạch cao và ảnh chụp được treo trên vách ngăn đằng sau chỗ ngài ngồi đều đã bị thổi bay hoặc bị xé nát. Có lúc, từ trên đồi vọng xuống tiếng reo đắc thắng; quân địch gào lên:

Tây dương đạo trưởng chết rồi, Tây dương đạo trưởng bị giết rồi.”

Nghe vậy, vị thừa sai bước ra hiên nhà và nói với bọn họ:

Dễ gì mà giết được ta, các người cứ xuống đây thử sức rồi sẽ biết”.

Ngài vừa dứt lời thì một viên đạn bay đến găm ngay vào cây cột bên cạnh.

Biết rõ linh hồn cuộc kháng cự của bổn đạo là các vị thừa sai, quân Văn Thân tìm mọi cách, với bất cứ giá nào, phải giết cho được các ngài. Một phần thưởng rất lớn, từ 20 đến 30 nén bạc (tương đương 1.800 đến 2.000 quan Pháp) dành cho ai bắt sống hoặc giết được các ngài. Ba lần Cha Bruyère suýt bị giết, vào ban đêm, khi quân Văn Thân lợi dụng bóng tối đột nhập vào bên trong vòng rào, gần nơi ngài ở; trong một lần chạm trán bất ngờ, vị thừa sai sống sót được là do quân ngoại đạo chỉ tìm cách bắt sống ngài. Ngài có thể thoát được cũng chính là nhờ sự tận tụy hết lòng của các bổn đạo.

Tất cả những tình tiết cảm động ấy, giờ đây được Cha Bruyère thuật lại bằng một giọng kể đầy thú vị, nhưng, dĩ nhiên, lúc bấy giờ hẳn là ngài không muốn cười chút nào. Ngài buộc phải dời chỗ ở của ngài sang nơi khác cùng với các bệnh nhân của ngài. Phải tìm một nơi khác dành cho họ và cho tất cả những người bị thương đang nằm tại nhà thờ.

May sao, ngày hôm ấy, không có trận đánh nào diễn ra: quân Văn Thân chỉ quan sát hiệu quả do những loạt thần công gây ra. Họ điên tiết khi thấy mọi thứ vẫn chuyển động bình thường, và, bất chấp những nỗ lực của họ, tất cả vẫn đứng vững.

Trong số những khẩu thần công có một khẩu nòng rất lớn. Thế mà, khẩu đại thần công ấy, mặc dù được bố trí cách chưa đến một trăm mét, chỉ bắn trúng nhà thờ một lần duy nhất, trúng vào ô cửa sổ nhỏ bằng kính màu phía sau bàn thờ. Những phát đạn khác đều vọt lên quá cao. Tuy nhiên, như vậy không phải là do nhắm tồi, bởi vì xạ thủ là một cựu quan võ rất có tài bắn đại bác. Về sau ông này thú nhận rằng, vì muốn bắn trúng một quí bà rất đẹp bận đồ trắng đứng trên nóc nhà thờ, mà tất cả những phát ông ta bắn đều đi quá cao, chỉ trừ có một phát.

Suốt ngày hôm đó và cả ngày hôm sau, quân Văn Thân trên đồi Kim Sơn không ngừng kêu lên:

Thật lạ lùng, lúc nào cũng có một bà đứng trên nóc nhà thờ, chúng ta cứ nhắm bắn mãi mà không trúng”.

Phải chăng đó là một hiện ra kỳ diệu của Đức Thánh Trinh Nữ? Có phải Mẹ nhân lành đã đích thân che chở ngôi nhà thờ được cung hiến cho Trái tim Vô nhiễm của Mẹ? Tôi không đủ tư cách để công bố một sự việc hết sức trọng đại như thế. Có điều chắc chắn, đó là quân ngoại giáo không ngừng lặp đi lặp lại trong hai ngày hôm đó, rằng họ đã nhìn thấy một bà đứng trên nóc nhà thờ. Khi thì họ nói một cách trân trọng và gọi đó là quí Bà rất đẹp bận đồ trắng, khi thì họ nguyền rủa, bực tức vì không thể bắn trúng được Bà. Các bổn đạo, khi nghe quân ngoại giáo nói vậy, thì cũng nhìn lên nóc nhà thờ, ngay cả vị thừa sai cũng vậy, nhưng chẳng nhìn thấy gì[27].

Vả lại, đó không phải là sự kiện phi thường duy nhất xảy ra tại Trà Kiệu, và không chỉ ở Trà Kiệu mà trong hoàn cảnh như vậy, những sự kiện tương tự được quan sát thấy. Tôi muốn nói đến những đạo binh trẻ em mặc đồ trắng hoặc đỏ và tiến lên như một đạo binh mạnh mẽ chống lại quân Văn Thân. Tại Trà Kiệu, quân Văn Thân đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không chỉ chiến đấu chống lại các bổn đạo, nhưng còn chống lại hàng nghìn trẻ em đi theo các bổn đạo khi những người này ra ngoài để chiến đấu. Các trẻ em ấy đến từ trên cao và tuột xuống từ những cây tre khi các bổn đạo vào trận. Dĩ nhiên không phải lần vào trận nào cũng xảy đến những sự kiện phi thường như vậy. Tại Trà Kiệu, các bổn đạo chỉ nghe quân ngoại giáo nói có gặp thấy hai hay ba lần như thế mà thôi.

Bất luận những sự kiện ấy có kỳ diệu hay không, nhưng đối với những bất hạnh của chúng ta, thì không chỉ có những bằng chứng ấy mới cho thấy lòng thương xót của Chúa dành cho chúng ta. Lòng thương xót ấy xuất hiện nhiều lần trong những hoàn cảnh khác nữa, như để buộc chúng ta phải tin rằng, nếu Chúa cho phép những thử thách hết sức tàn bạo tấn công Giáo hội An-nam, thì Người cũng không để cho Giáo hội ấy bị phá hủy. Qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai, sau những giờ phút đau đớn, lo âu kéo dài lê thê, tôi hy vọng, giờ phút của niềm vui và an ủi cũng sẽ điểm. Nhưng mà lâu quá, Chúa ơi! Xin hãy mau đến cứu giúp chúng con! Domine, ad adjuvandum, festina!… Salva nos, perimus![28]

Ngày 11 tháng 9 là một ngày còn khủng khiếp hơn nữa, bởi vì phải chiến đấu dưới hỏa lực của kẻ thù bắn thẳng vào các bổn đạo ở tầm bắn rất gần. Quân Văn Thân đã châm được lửa vào hàng rào tre phòng thủ của tu viện, và một trận đánh diễn ra trong con suối ngăn giữa họ đạo và đồi Kim Sơn. Các bổn đạo lùi lại ngay khi vừa chạm trán, và hàng rào của tu viện sắp bị vượt qua. Các nữ tu đã làm được những việc kỳ diệu, vừa dập tắt được ngọn lửa vừa đẩy lùi được quân địch. Một người trong số các chị bị trúng đạn. Thời khắc thật nguy ngập. Cuối cùng Cha Bruyère đã đưa lực lượng tiếp viện đến, quở trách vài lời các bổn đạo đã thoái lui và khơi lại lòng quả cảm của họ. Tất cả họ lao xuống suối và quân địch hốt hoảng quay lưng tháo chạy. Chính trong trận đánh này mà một tên Văn Thân đã nhân danh ông Trời, ra lệnh cho các bổn đạo ngừng chiến đấu và đầu hàng.

Đó là ý Trời – gã ta nói – khốn cho bọn bây nếu bọn bây chống lại.”

Một bổn đạo lao vào, đâm gã khi gã đang leo lên bờ suối phía bên kia. Gã này bị giết cùng với bốn gã khác, cũng bị mắc lại trong các lùm tre, xác vướng lại tại chỗ, khiến cả một vùng phía ấy bốc mùi hôi thối cho đến ngày cuộc vây hãm kết thúc.

Tuy nhiên, điều khiến Cha Bruyère lo lắng nhất, đó chính là hỏa lực của mấy khẩu thần công. Nếu nhà thờ sụp đổ thì sẽ gây ra một tác động tinh thần tai hại ghê gớm; tình trạng chán nản ngã lòng sẽ quay lại giữa hàng ngũ các bổn đạo, và thế là hết, tất cả sẽ sụp đổ. Hơn nữa, khó mà bảo đảm nhà thờ không bị bắn sập. Bên trong nhà thờ được đỡ bởi tám chiếc cột bằng gạch, nếu một quả đạn bắn gãy một trong tám chiếc cột đó, nhà thờ sẽ lập tức bị sụp đổ hoàn toàn. Thế là vị thừa sai đưa ra quyết định dứt khoát: đánh chiếm đồi Kim Sơn và giữ nó cho bằng được.

Ngài tập hợp các chức việc và những người chỉ huy quân phòng thủ lại rồi trình bày kế hoạch của ngài. Lúc đó là gần ba giờ chiều, và phải lập tức tấn công ngay. Mấy người chỉ huy im lặng không nói gì, vì sợ khó thực hiện. Quả thật, tổng hành dinh của quân Văn Thân được đặt nằm trên đỉnh đồi và bên dưới thì được bao bọc bởi một giậu chắn kiên cố. Họ xin ngài đợi đến hôm sau, khi trời chưa sáng; lúc ấy quan Văn Thân canh gác chểnh mảng, và có nhiều cơ may thành công khi bất ngờ tấn công hơn là leo lên tấn công một cách lộ liễu. Vị thừa sai đồng ý với ý kiến của họ, và cuộc tấn công được quyết định vào lúc ba rưỡi sáng.

Suốt đêm hôm đó, Cha Bruyère, tập trung nghe ngóng tình hình, lòng ngập tràn lo âu, chờ đến giờ đã định. Và khoảng nửa đêm, từ phía bên kia con suối, có tiếng người nghèn nghẹt gọi các bổn đạo. Để xác định cho chắc hơn, ngài cùng với vài người tiến lại gần và đây là những gì ngài nghe thấy rõ ràng:

Này các bổn đạo, hãy qua bên này suối và lấy khẩu đại bác của bọn tôi đi, để bọn tôi không còn buộc phải trông giữ nó nữa. Bọn tôi mệt mỏi vì cuộc chiến này lắm rồi và chỉ muốn về nhà. Nếu mấy người không đến lấy, bọn tôi sẽ ném nó xuống suối”.

Một tiếng đồng hồ sau, người ta nghe như có vật gì nặng rơi xuống nước. Cái gì vậy? Không ai biết, nhưng khẩu đại bác ấy rồi cũng không thể tìm thấy, ở dưới suối cũng như ở chỗ nó bắn vào ngày hôm  trước.

Vào khoảng ba giờ sáng, Cha Bruyère đi đánh thức các chiến binh của ngài dậy và sẵn sàng tấn công. Khi họ đã băng qua con suối rồi, thì ngài quay lại nhà xứ và đến đứng vào một nơi có thể nhìn thấy rõ họ leo lên đồi. Màn đêm vẫn còn bao phủ ngọn đồi, ngài không thể nhìn rõ được gì. Ngài chờ đợi, và cuối cùng thì trời bắt đầu sáng dần. Ngài vẫn chưa nhìn thấy người của mình leo lên và ngài bắt đầu sốt ruột. Họ đang làm gì vậy? Ở đâu và tại sao họ dừng lại lâu đến thế? Sở dĩ như vậy là vì phải mất một lúc lâu để phá một lỗ ở hàng giậu chắn. Do không dám chặt mạnh vào cây bằng dao quắm, họ chỉ vạt từng chút một và nhẹ nhàng bóc ra, vì sợ lôi kéo sự chú ý. Khi họ làm xong thì trời đã sáng hẳn, và quân Văn Thân đã bắt đầu xuất hiện trên đỉnh đồi. Vừa cột búi tóc, bọn họ vừa nhìn Cha Bruyère đang đứng ngay chỗ lộ liễu nhất, nhằm lôi kéo sự chú ý của quân địch và đánh lạc hướng bọn họ khỏi phía ngài đang nhìn theo những người gan dạ của mình leo lên. Bỗng nhiên đám Văn Thân trên đỉnh đồi quay lưng lại, như thể có tiếng người gọi từ phía sườn đồi bên kia. Lúc bấy giờ các bổn đạo đã leo lên gần đỉnh đồi, vài giây sau họ lên đến nơi và, vừa la hét xung trận họ vừa đánh bật quân ngoại giáo lui xuống đồi, giết chết mấy tên và phóng hỏa đốt hết doanh trại của bọn chúng.

Các bổn đạo tịch thu được bốn khẩu đại pháo, năm khẩu pháo nhỏ và khoảng một chục súng trường.

    Thế là ngày 12 ấy đã trở thành một ngày tuyệt vời; niềm tin tưởng càng lúc càng gia tăng; nhưng vẫn chưa hết. Quân ngoại đạo, quả thật, đã rụng rời, đến nỗi trong ngày hôm đó và ngày kế tiếp, từ Núi Trọc, bọn họ không bắn một phát đại bác nào, nhưng vẫn giữ nguyên vòng vây, và nếu như không tìm cách chiếm lại Kim Sơn đã bị mất vào tay các bổn đạo, thì bọn họ cũng không ngừng canh chừng từ phía bên kia, nhằm ngăn các bổn đạo liên lạc với bên ngoài. Mục đích hiển nhiên của quân Văn Thân là định giam đói các bổn đạo và phải giành thắng lợi, nếu không bằng vũ khí thì chí ít cũng bằng cái đói.

Thật vậy, lương thực bắt đầu thiếu hụt trong họ đạo. Thực phẩm ở chỗ Cha Bruyère cũng gần như cạn kiệt, bởi vì ngài phải nuôi ăn một đám đông các bổn đạo đã đến lánh nạn tại nhà xứ mà không thể mang theo người bất cứ thứ gì. Không sao! Mọi người đặt niềm tín thác vào Chúa, hy vọng vào Đức Thánh Trinh Nữ, đấng sẽ không bỏ rơi họ sau khi đã nâng đỡ họ bấy lâu nay.

Khắp nơi trong tỉnh, trước sự im lặng thê lương theo sau loạt đạn đại bác hai ngày trước đó, người ta tin rằng Trà Kiệu đã thất thủ. Quân Văn Thân thích thú reo hò chiến thắng và ca hát tưng bừng, thậm chí còn dọa sẽ tràn xuống Đà Nẵng. Bọn họ tấn công Phú Thượng hòng che đậy thất bại của mình, nhưng đã bị Cha Maillard đẩy lùi và liền quay trở lại Trà Kiệu.

Lần này chỉ huy của họ là một viên cựu đô đốc, ông  Chuong Thuy Ty[29], mà bọn họ đã đến xin giúp đỡ bằng tài năng quân sự của ông ta, hòng một lần dứt khoát, chiến thắng bọn bổn đạo Gia-tô quỉ sứ. Ngày 14 tháng 9, người ta thấy bọn họ từ phía Nam tiến đến rất đông. Cha Bruyère, từ sáng sớm đã leo lên đồi Kim Sơn để quan sát động tĩnh của quân Văn Thân, và ngài rất ngạc nhiên khi thấy toàn bộ khu vực, từ phía nam, lố nhố những toán quân địch tiến đến vừa hò hét vừa đánh trống.

Vị thừa sai vội vã đi xuống, ra lệnh chuẩn bị chống đỡ một đợt tấn công. Ngài chỉ vừa đến giữa những người của mình thì quân Văn Thân đã tràn ngập đoạn lũy cổ của người Chiêm thành, và bắt đầu dựng lên ở đấy một hàng rào chắn. Bọn họ gấp rút, vì đã định trước một cuộc tấn công, nên hàng rào chắn được dựng lên cực kỳ nhanh chóng. Cha Bruyère, nhận định là sẽ rất nguy hiểm nếu để cho bọn họ ổn định và củng cố binh lực ngay tại đoạn lũy cổ mà từ đó có thể đánh thọc sườn họ đạo, nên ngài ra lệnh tấn công ngay lập tức. Ở phía Đông, đội Ba phải bắt đầu trước, và leo lên đầu dãy lũy cổ vẫn chưa bị chiếm, để từ đó mà đẩy lùi quân địch ở trước mặt, hoặc đẩy chúng xuống các ruộng lúa ở phía bên kia. Một phần đội dự bị sẽ đến trợ lực cho đội ấy, trong khi phần còn lại sẽ giúp đội Một tấn công trực diện. Tưởng là gặp phải một cuộc chống cự mãnh mẽ, nên người ta chuẩn bị tinh thần để kiên cường chiến đấu. Các bổn đạo rất ngạc nhiên khi thấy quân Văn Thân quay lưng tháo chạy ngay cả trước khi giáp chiến. Chuong Thuy Ty hò hét cật lực và chật vật ngăn cản bọn họ, nhưng không được. Ông ta gần như bị bỏ lại một mình trên đoạn lũy cổ, chỉ có chưa đến chục người còn bao quanh ông ta. Trông thấy các bổn đạo leo lên, chính ông ta cũng đâm đầu bỏ chạy; nhưng đã quá muộn: hai thanh niên bổn đạo đuổi theo, và khi hai người này đuổi đến gần, ngay cả đám cận vệ của ông ta cũng bỏ rơi ông ta để chạy cho nhanh hơn. Thấy mình sắp bị bắt, ông ta quay người lại, và khúm núm cầu xin hai thanh niên tha chết:

Nếu mà đã muốn sống đến thế – hai thanh niên trả lời – thì mi đừng mang cái chết đến cho bọn tao. Ở đây, không có chuyện khoan hồng.

Và hai người dùng giáo đâm chết ông ta, tịch thu thanh kiếm và chặt đầu ông ta mang về.

Có thể người ta thấy như vậy là quá tàn ác, luật chiến tranh đâu có như thế. Hỡi ôi! những bổn đạo tội nghiệp! Đối với họ, người ta có tuân thủ luật lệ gì đâu? Già trẻ, nam nữ, tất cả những ai bị bắt bất cứ đâu trong tỉnh, đều bị điệu về Trà Kiệu và bị cắt cổ tại đấy trước mắt các thân nhân của họ.

Đấy mới là tàn bạo! Về vấn đề này, nếu muốn thuật lại mọi chuyện thì tôi chẳng thể nào thuật hết được.

Ngày hôm đó, lần đầu tiên, người ta thấy xuất hiện một con voi trong đạo quân Văn Thân. Các bổn đạo vẫn chưa quen với loại “chiến binh” mới này, và họ cũng ít nhiều lo lắng; nhất là các phụ nữ rất sợ bị con vật đó tấn công.

Một thanh niên tình nguyện một mình ra đánh đuổi con vật:

Đưa cho con một cây đuốc đã được thắp lửa – cậu ta nói – và mọi người sẽ thấy nó quay lưng bỏ chạy ngay thôi.

Quả vậy, cậu thanh niên tấn công con voi bằng cây đuốc đang cháy, và con vật hoảng sợ bỏ chạy, dù gã quản tượng có cố đến mấy cũng không ghìm nó lại được. Cậu thanh niên phóng ngọn giáo vào hông con vật trong lúc rượt theo, nhưng không đủ sức đâm xuyên vào người nó. Gã quản tượng ngã xuống hay là trượt té vào một bụi râm rồi bỏ chạy trối chết. Kể từ đó, không ai còn sợ voi nữa, và quân Văn Thân cũng không thể thúc nó đánh lại các bổn đạo trong hai trận đánh khác mà bọn họ dẫn theo để nó tham chiến.

Ngày 15, không diễn ra trận đánh nào: quân Văn Thân bận phải củng cố lực lượng ở phía Đông, xung quanh đồi Non Trọc. Dưới chân đồi, phía đối diện với họ đạo, là phần đất của người ngoại giáo ở Trà Kiệu, có điểm tập trung chính của bọn họ. Đó là đình làng[30], một ngôi nhà rất đẹp, lợp ngói và được bao quanh bởi một tường gạch. Ở đấy còn có hai hoặc ba ngôi chùa, một tăng viện, tất cả đều lợp ngói và cũng được bao quanh bởi một bức tường. Bị đánh đuổi khỏi đồi Kim Sơn, quân Văn Thân đã chọn nơi đây để đặt bản doanh, và củng cố công sự để ẩn nấp khi bị đột kích bất ngờ. Súng đại bác của bọn họ, được đặt trên Non Trọc, pháo kích xuống họ đạo và gây ra những tổn thất đáng kể. Từ đó về sau, bọn họ ít tấn công vào nhà thờ hoặc nhà cửa mà chỉ nhắm bắn vào con người, và đại bác của bọn họ thường được nạp đạn chùm, mỗi phát bắn gồm 80 đến 100 viên đạn, được đựng trong một giỏ mây nhỏ, khi bắn sẽ bung ra.

Một hôm, Cha Bruyère, núp đằng sau rặng tre, đã lãnh nguyên một phát bắn đạn chùm như thế. Đúng là một cơn mưa đạn! Thoạt đầu, ngài tưởng mình đã chết, theo bản năng ngài đưa tay sờ soạng khắp người, và không muốn tin là mình vẫn chẳng hề hấn gì.

Ôi, những tín hữu đáng thương! Nếu không chết hết, nếu có thể thoát được cuộc vây hãm tàn bạo này, thì dĩ nhiên, đó là được Đức Thánh Trinh Nữ che chở cách riêng. Nhưng chúng ta hãy tiếp tục, bởi vì chúng ta vẫn chưa nghe hết câu chuyện này.

Ngày 16, có ba trận đánh: hai trận trong bãi cát nhỏ ở phía Bắc (quân Văn Thân thích chọn nơi đây làm chiến trường, bởi vì không có gì cản trở đường rút chạy của họ), trận thứ ba diễn ra ở hướng Đông Nam, phía trước dãy hàng rào phòng thủ được giao cho đội Một. Quân Văn Thân căm giận đội này vì đã gây ra cho bọn họ biết bao tổn thất trong các trận đánh. Ông Phổ, người chỉ huy như chúng ta đã thấy, trong những ngày đầu, đã xua tan sự yếu nhược của các bổn đạo, rất biết cách thông truyền sự gan dạ của mình cho các đội viên, đến mức một đôi lần còn đẩy sự gan dạ ấy đến chỗ liều lĩnh. Do đội quân ấy là trụ cột chính của họ đạo, nên đã trở thành đối tượng hứng chịu sự hung hãn của Văn Thân nhiều nhất. Bọn này không bỏ qua điều gì miễn là chiến thắng. Để đốt cháy những cây tre, bọn họ đã mang đến phía này một lượng lớn rơm rạ đằng sau có giấu những khẩu đại bác và súng trường. Voi cũng xuất hiện ở đấy, nhưng lần này, quản tượng là một ông tú tài.

Quân của ông Phổ, đã dạn dày chiến đấu nhờ trải qua biết bao trận đánh, không hề sợ hãi trước cuộc tấn công ấy, thậm chí họ còn cười nhạo. Một người trong số họ, đu người trong một lùm tre, lớn tiếng chế nhạo quân địch: “Đội trưởng – người đó nói – chúng đông thật, nhưng không đáng sợ mấy; tất cả chúng đều để móng tay dài và mặt mũi chúng chẳng khác gì bọn nghiện.” (quân Văn Thân rất hãnh diện vì có móng tay dài, đôi khi dài đến bảy, tám phân). Một phát súng vang lên, đáp lại lời cậu trai trẻ, may sao không trúng; cậu ta vội tụt xuống. Trận chiến không kéo dài bao lâu, các bổn đạo lao vào quân Văn Thân như bầy sư tử và rượt đuổi chúng chạy rất xa, thu nhiều súng đại bác và súng nhỏ. Khi thấy kẻ nào đó bỏ chạy có mang theo súng, tức thì họ la to lên: “Nhanh, nhanh, đâm cái thằng mang súng đó”, và gã ngoại giáo kia tưởng mình sắp bị giết đến nơi, liền vội vã vứt vũ khí để chạy nhanh hơn.

Ngày 17, quân Văn thân cũng bao vây chung quanh như thường lệ nhưng  không áp sát để gây chiến.

Ngày 18  tháng 9, chỉ có 1 cuộc giao tranh kéo dài trong vài phút. Qua chi tiết này người ta để ý thấy quân Văn Thân cũng có tài sáng kiến. Điều mà bọn họ sợ nhất là sự gan dạ của giáo dân cứ cắm đầu xông thẳng vào, và gần như lúc nào cũng buộc bọn họ phải thụt lùi, ngay khi vừa mới đụng trận.

Vì vậy bọn họ thấy cần phải tìm cách làm sao để chặn đứng, giữ chặt các bổn đạo lại, hoặc nắm lấy búi tóc dài, hoặc túm lấy quần áo trên người, để làm cho các bổn đạo hầu như không cựa quậy được. Bọn họ nghĩ ra cách làm những bó gai[31] mũi rất bén và có mấu, hễ người nào không may vướng phải thì chẳng thể nào gỡ ra được.

Những bó gai như vậy được đem buộc chặt vào những cây tre, sẽ được phóng cho chụp lên đầu các bổn đạo khi họ tiến đến gần. Các bổn đạo của chúng ta, bị gai móc cách này hay cách khác, liền bị chặn lại, gần như bị giữ đứng yên bất động và rất dễ bị giáo mác đâm chết. Phải thừa nhận rằng đây không phải là một sáng kiến tồi, nhưng liệu có phải chỉ có một mình quân Văn Thân tìm ra mà không có sự trợ giúp từ những cuốn cổ thư của Khổng Phu tử chăng?… Tôi không dám khẳng định, nhưng sự thật là khi thấy quân Văn Thân tiến đến gần với những bó gai trên đầu những chiếc sào, mà bọn họ mang theo một cách trịnh trọng như những lá cờ hiệu, thì các bổn đạo rất kinh ngạc. Cha Bruyère đeo kính vào, quan sát rất kỹ và phát hiện ra mưu mẹo của quân địch. Trận đánh sắp diễn ra ở phía Nam, giữa mấy đám ruộng lúa sắp chín. “Các con đừng sợ – ngài bảo họ – khi những bó gai đó rơi xuống ruộng lúa, thì không sao kéo lên được nữa; do đó, chỉ cần ngay lúc đầu tránh đừng để chúng vướng phải là được.” Các bổn đạo đã được cảnh báo trước nên rất biết cách né tránh những bó gai và quân Văn Thân bị đánh bại phải ùa nhau bỏ chạy, để lại trên chiến địa nhiều xác chết.

Hai ngày sau, 19 và 20 tháng 9, không diễn ra trận đánh nào. Hàng ngũ quân Văn Thân thưa thớt dần, do đào ngũ nhiều hơn là do bị tổn thất tại chiến trường, và phải tìm thêm viện binh. Các làng mạc lại một lần nữa bị trưng tập : tất cả phải cung cấp thêm người tùy nguồn nhân lực và các phương tiện. Nhưng sự hăng máu của những ngày đầu đã sụt giảm, nghiệp binh đao không còn hấp dẫn đối với những người nông dân nghèo khổ, nói chung là rất đôn hậu và dĩ nhiên họ cũng chẳng hề có ý định đi ăn thua với các giáo dân Trà Kiệu làm gì. Thế là quân Văn Thân quyết định mở cửa các nhà tù, và đưa về Trà Kiệu tất cả các tù nhân, đứa thì thuộc hạng hung ác, đứa thì đáng xử tội lăng trì. Bọn họ đã nhầm, bởi vì những tên tù đó không quan tâm đến việc chiến đấu mà chỉ nghĩ đến chuyện làm sao để lấy lại được tự do, và bọn chúng sẽ đào thoát ngay khi có cơ hội. Rốt cuộc, quân Văn Thân buộc phải cạo trọc đầu bọn chúng và canh giữ bọn chúng rất nghiêm ngặt. Ban ngày, dưới sự hướng dẫn của nhiều chỉ huy khác nhau, bọn chúng được đưa lên đồi Non Trọc để phòng vệ; còn ban đêm, bọn chúng được gom lại đưa về giam ở trại và bị xích bằng xích sắt.

Nhưng rồi ngày này qua ngày khác, các bổn đạo đáng thương vẫn chưa được nhìn thấy cơn hoạn nạn của họ kết thúc. Họ từng hy vọng Đà Nẵng sẽ cấp tốc đến tiếp cứu họ, nhưng, hỡi ôi, đã 20 ngày bị vây hãm mà không thấy một tiếp ứng nào đến giải vây giúp họ; cứ như thể họ đã bị bỏ rơi cho số phận hẩm hiu của mình. Thời gian cấp bách, bởi vì tình trạng đói khát, kẻ thù khủng khiếp còn hơn cả quân thù, đang ập đến rất nhanh. Cha Bruyère đã khám xét hết các ngôi nhà và lục tìm khắp xó xỉnh. Ngài chỉ có thể tìm thấy một ít lúa giống được những hộ giàu có nhất trữ lại chuẩn bị cho mùa sau. Tất cả được sung làm của chung, nhưng chỉ có thể giúp mọi người đủ sống trong vòng 2 hoặc 3 ngày nữa thôi. Vì thế, các bổn đạo bất hạnh không thể cứ tiếp tục ảo tưởng mãi được; phải phá vây hoặc chết đói. Chờ đợi thêm thì vừa vô ích lại vừa nguy hiểm, bởi vì với cái bụng đói thì ai mà còn can đảm để đánh nhau? Thế là họ quyết định dứt khoát phải tấn công và sau đó sẽ truy đuổi quân thù cho đến cùng. Ngày mai họ sẽ bắt đầu, và cố gắng chiếm cho được Non Trọc.

Bổn đạo Trà Kiệu chuẩn bị tấn công, đồng thời cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa và sự che chở của Đức Thánh Trinh Nữ. Cuộc tấn công sẽ rất khó khăn, nếu không nói là liều lĩnh, chẳng qua là vì quá cần thiết mà phải miễn cưỡng tiến hành, bởi lẽ lần này đánh đuổi kẻ thù, không phải bằng một cuộc tấn công bất ngờ, nhưng là bằng một cuộc tấn công trực diện. Trước khi tiến đến được chân đồi Non Trọc, thì phải đẩy lùi quân Văn Thân để tái chiếm lại những đám vườn, mà theo lệnh Cha Bruyère, đã phải bỏ lại trong những ngày đầu. Đội Một, đội Ba và đội Bốn sẽ bắt đầu cuộc tấn công và cố gắng đẩy lùi quân địch càng xa về hướng Đông và hướng Nam càng tốt. Cả ba đội đã không mấy khó khăn thực hiện đúng kế hoạch, bởi vì quân Văn Thân, không hề nghĩ các bổn đạo có thể tấn công như thế, đã phải rút lui về phía sau dãy giậu chắn của bọn họ. Đội Một tiến về phía Nam ngọn đồi để tạo điều kiện cho việc có thể leo lên được trên đó từ phía Tây. Đội Bốn cũng tiến thẳng về phía bắc, trong lúc đội Ba đi ở giữa, sẵn sàng yểm trợ cho phía nào bị đe dọa nhất. Mười thanh niên đội Bốn tình nguyện leo lên đồi và đánh lui những tên tù binh đang canh giữ ở đấy. Thoạt đầu, họ núp sau một cái miếu, ở phía Đông chân đồi, để tránh hỏa lực của địch; sau đó, chờ đến lúc thuận lợi, họ chạy đến nấp ở sườn đồi, đằng sau một tảng đá lớn. Trong khi đó, phía bên dưới, các chỉ huy Văn Thân hối thúc quân lính tiến lên để ngăn không cho các bổn đạo đánh chiếm vị trí. Bọn họ có ý định thúc voi tiến lên, nhưng con vật không chịu đi, mặc dù gã quản tượng không ngừng giáng búa lên người nó. Chẳng những vậy, thay vì tiến tới, con vật lại thụt lùi; bấy giờ gã quản tượng la lên với các chỉ huy quân Văn Thân rằng con voi hoảng sợ vì thấy vô số đội quân của các bổn đạo, nên không chịu tiến tới:

Nhìn kìa – gã nói – đạo quân trẻ em từ trên những cây tre đang tuột xuống. Tốt nhất là chạy đi, bọn đạo Gia-tô đông không đếm xuể.

Các bổn đạo nghe những lời đó rất rõ ràng, nhưng chẳng trông thấy gì cả. Cuối cùng, một trong số 10 thanh niên đội Bốn, leo lên được trên đồi, đã bắn một phát súng vào mấy tên đang phòng thủ trên đỉnh đồi. Một tên chỉ huy ngã xuống, những tên còn lại vội vàng tháo chạy. Các bổn đạo, nhân đó tiến lên đỉnh đồi nơi bọn Văn Thân đang hốt hoảng đào tẩu. Thế là cả một cuộc bỏ chạy tán loạn: quân Văn Thân lúc bấy giờ có mặt chung quanh Trà Kiệu cũng bỏ chạy ra xa đến tận 15, 20 cây số, vì cứ tưởng vẫn bị các bổn đạo truy đuổi.

Vậy là Trà Kiệu được giải vây; lát sau, đám cháy bùng lên ở đình làng, các chùa chiền và tăng viện, khiến cho nỗi kinh hoàng lan ra khắp chung quanh; giờ đây quân ngoại đạo bắt đầu lo sợ bị trả thù.

Trong doanh trại Văn Thân, các bổn đạo tìm thấy 3 khẩu đại bác, một vài khẩu súng trường, và nhất là có nhiều thuốc súng và các loại quân nhu. Do phát hiện ở đấy có rất ít lúa gạo, các bổn đạo nghi ngờ quân Văn Thân cất giấu lương thực ở đầu làng ngoại giáo ấy; không chậm trễ, các bổn đạo chạy ngay đến nơi đó, và quả thật, ở đấy họ tìm thấy một số lượng gạo rất lớn. Thời gian còn lại của ngày hôm đó được dùng để vận chuyển số gạo ấy về họ đạo.

Đến tối, khi mọi việc xong xuôi, lòng đầy vui sướng và phấn khởi, các bổn đạo tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức Thánh Trinh Nữ, Mẹ nhân hiền của họ, đấng đã cứu vớt họ, tạ ơn các thánh Thiên thần đã đoái thương chia sẻ với họ cuộc chiến đấu; tâm hồn họ ngập tràn niềm vui sướng, bởi lẽ, thay vì phải chết đói, hay chết vì đao kiếm của kẻ thù, giờ đây họ thấy mạng sống của mình được bảo đảm, thấy đã chắc chắn chiến thắng. Cuộc bao vây tấn công kéo dài 21 ngày đêm. Các bổn đạo Trà Kiệu tổn thất 15 đàn ông, và 25 người bị đạn bắn chết không phải do các cuộc giao tranh. Về tổn thất của quân Văn thân thì không thể nào biết chính xác được, nhưng có thể nói mà không sợ nhầm, số tử thương của bọn họ là trên 300 người.

Hôm sau, ngày 22 tháng 9, các bổn đạo tiếp tục ưu thế chiến thắng của mình, đã trừng phạt các làng chung quanh vốn ra mặt thù nghịch đối với đạo và đã mau mắn hỗ trợ quân Văn Thân. Các bổn đạo không gặp phải sự kháng cự nào, quân ngoại đạo, hoặc đầu hàng, hoặc vội vàng bỏ trốn.

Nhiều làng tự cho người đến xin lỗi về việc họ bị buộc phải cung cấp sức người, sức của cho quân Văn Thân, và hứa với các bổn đạo là sẽ không phân biệt lương giáo nữa. Cha Bruyère tỏ ra rất khoan dung và ngăn cấm các giáo dân, bằng những hình phạt rất nghiêm khắc, vì lo cho những người ngoại giáo đã thành tâm qui phục.

Phần quân Văn Thân, còn lâu mới thừa nhận đã bị đánh bại.

Bọn họ lại tập trung về thành Quảng Nam và cho phổ biến khắp nơi tuyên bố thành lập những đội quân mới và đe dọa tất cả những ai không chịu theo.

Ngày 23, từ sáng sớm, quân Văn Thân xuất phát từ thành Quảng Nam và tiến về phía Trà Kiệu, mang theo một khẩu đại thần công và bốn mươi quả đạn. Bọn họ vừa qua khỏi hồ Chợ Củi[32], cách Trà Kiệu 5 cây số, thì người ta nghe thấy một tiếng nổ rất lớn. Chẳng mấy chốc, bọn họ hay tin quân Pháp đã chiếm thành, sau khi dùng bộc phá cho nổ tung cổng thành. Vứt khẩu đại pháo lại tại chỗ, quân Văn Thân bỏ chạy sau khi vùi mấy quả đạn xuống một cánh đồng gần đó. Cha Bruyère, khi hay tin những gì đã xảy ra ở làng Chợ Củi, liền cho người đến lấy mấy quả đạn; nhưng ngài vẫn để khẩu đại pháo lại tại chỗ, bởi vì quá nặng.

Kể từ ngày ấy, quân Văn Thân không còn xuất hiện trong thời gian khá lâu. Bọn họ cứ kiện cáo các nhà truyền giáo, các Kitô hữu, cho rằng mình là nạn nhân các cuộc tấn công của những người ấy, và, bằng sự dối trá, bọn họ tìm cách đạt cho được những gì đã không thể đạt được bằng sức mạnh đao kiếm. Lẽ ra bọn họ đã đạt được mục đích nếu không có sự can thiệp của hải quân trung tá Touchard, chỉ huy chiếc Le Hagon, người đã có lòng tốt trì hoãn việc giải giáp Cha Maillard theo lệnh các quan chức Pháp ở Huế.

Quân Văn Thân, sau khi xin được lệnh giải giáp và tưởng là mọi chuyện đã xong xuôi, liền kéo quân rất đông đến tấn công Phú Thượng vào ngày 18 tháng 10 (1885), và kịch chiến với các bổn đạo ở đấy suốt ba ngày. Nếu mà thực sự đã bị giải giáp, hẳn là Cha Maillard không tránh khỏi bị đánh bại cùng với bốn nghìn bổn đạo của ngài. May thay, ngài vẫn có trong tay những vũ khí của mình và, nhờ đó, đã đánh cho quân Văn Thân tan tác. Từ đó trở đi, ngài không còn bị tấn công qui mô nữa.

Nhưng quân Văn Thân vẫn không ngừng tập trung, tự tổ chức hàng ngũ và xây thành đắp lũy tại những nơi thuận tiện. Từ những nơi đó, bọn họ đe dọa, khi thì thành Quảng Nam, khi thì Trà Kiệu và Phú Thượng. Ngay cả Đà Nẵng cũng không tránh khỏi bị bọn họ đột nhập. Phân tán thành những toán nhỏ rất khó bị phát hiện, họ gây tổn hại cho xứ sở, cướp bóc và đốt cháy ngay cả những ngôi làng phục tùng họ, đồng thời duy trì sự khủng bố và tình trạng vô chính phủ ở khắp nơi.

Trong thời gian ba ngày tôi lưu lại tại Quảng Nam, khi thì ở Phú Thượng, khi thì ở Trà Kiệu, không ngày nào trôi qua mà chúng tôi không bị đe dọa về một cuộc tấn công, nhất là tấn công vào ban đêm. Những giáo dân nào dám đi xa họ đạo một chút, đều bị bắt và bị tàn sát không thương tiếc.

Cuối cùng, vào ngày 20 tháng 4 vừa qua (1886), Trà Kiệu lại bị bao vây lần nữa, vào khoảng hai giờ sáng. Cuộc tấn công kéo dài không lâu; khi trời vừa chớm sáng, quân Văn Thân đã bị đánh cho tan tác.

Những gì đang xảy ra tại Quảng Nam hôm nay, thì cũng như đang xảy ra tại Qui Nhơn, nơi có năm nghìn bổn đạo sống chen chúc chung quanh khu nhượng địa dành cho người Pháp. Không ai có thể đi xa đến hai cây số trong vùng mà không có nguy cơ bị bắt và bị sát hại. Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con! đến khi nào những thử thách của chúng con mới kết thúc?

Hãy cầu nguyện cho chúng tôi và làm cho có nhiều người cầu nguyện cho chúng tôi thêm nữa. Tôi xin quý vị hãy luôn gửi gắm chúng tôi cho tình thương của các ân nhân dành cho hoạt động truyền giáo. Nếu tình thương ấy không nỗ lực gấp bội, chúng tôi có nguy cơ biến mất mà không được nhìn thấy ngày những gian truân của chúng tôi kết thúc.

———- HẾT———

                                                            Giáo xứ Quảng Thuận, ngày 12/7/2024

 Nôbertô Thái Văn Hiến chuyển ngữ


[1] Nguyên văn= Une Page de Persécution en Cochinchine : Một trang sử về cơn bách hại ở Đàng Trong.

  Cochinchine, tức Đàng Trong (chữ Nôm: 唐冲), hay Nam Hà (chữ Hán: 南河) là tên gọi vùng lãnh thổ Đại Việt do chúa Nguyễn kiểm soát, xác định từ sông Gianh (Quảng Bình) trở vào Nam. Bắt đầu từ năm 1600, khi từ Bắc trở về Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã xây dựng một thế lực độc lập, điều này dẫn tới nội chiến chia cắt hai miền vào năm 1627, và các đời chúa Nguyễn tiếp sau ở thế đối đầu với thế lực chúa Trịnh (cho đến khi quân Tây Sơn đánh đổ cả 2 dòng chúa và thống nhất 2 miền). Tuy nhiên, các chúa Nguyễn vẫn công nhận Đàng Trong là một phần lãnh thổ của nước Đại Việt do vua Lê nắm quyền tối cao, họ tự coi mình là quan nhà Lê, thay mặt vua Lê cai trị vùng đất này mà thôi. Xem thêm tại: https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%A0ng_Trong

(*) Lưu ý: Tất cả ghi chú trong bản dịch này đều do người dịch đưa thêm vào để bản văn được sáng tỏ hơn. Người dịch (ND).

[2] Cha François GEFFROY (Cố Bửu), sinh ngày 04/07/1843 tại Giáo phận Saint-Brieuc, nước Pháp. Cha lãnh nhận thiên chức Linh mục ngày 11/06/1870 tại Saint-Brieuc. Ngày 06/07/1870 ngài được sai đi truyền giáo tại Qui Nhơn và thông thạo tiếng Việt. Cha François GEFFROY qua đời tại Gia Hựu (Qui Nhơn) lúc 11g30, ngày 25 tháng 01 năm 1918. https://irfa.paris/en/missionnaire/1062-geffroy-francois/

[3] Bài này được đăng trên tuần báo “Missions Catholiques” – Paris, vào các ngày 03, 10 và 17 tháng 9/1886. Sau biến cố vài tháng, Cha Geffroy đã trực tiếp đến tại Trà Kiệu, ngài lắng nghe người trong cuộc chia sẻ lại và viết thành bài tường trình này gởi về MEP để đăng. Đây là tài liệu rất quan trọng về Đức Mẹ Trà Kiệu.

[4] Cha Jean MAILLARD (Cố Thiên), sinh ngày 08/06/1851 tại Besançon, nước Pháp. Cha lãnh nhận thiên chức Linh mục ngày 27/08/1876 và được sai đi truyền giáo ở Việt Nam vào ngày 12/04/1882. Cha qua đời tại Phú Thượng, Giáo phận Đà Nẵng ngày 20/05/1907. https://irfa.paris/en/missionnaire/1521-maillard-jean/

[5] Cha Jean BRUYÈRE (Cố Nhơn), sinh ngày 06/01/1852 tại Bloye, nước Pháp. Cha lãnh nhận thiên chức Linh mục ngày 23/09/1876 và được sai đi truyền giáo ở Việt Nam vào ngày 30/11/1876. Sau sáu tháng học tiếng Việt ở Quảng Ngãi, ngài được sai đến Trà Kiệu, tỉnh Quảng Nam. Cha qua đời tại Sài Gòn vào lúc 15g14, ngày 29/4/1912. Đến ngày 10/12/2002, trong một Thánh lễ long trọng, Cha Jean BRUYÈRE đã được an vị tại Giáo xứ Trà Kiệu. https://irfa.paris/en/missionnaire/1309-bruyere-jean/

[6] Tức là cha Phêrô Lê Văn Du. Lúc bấy giờ vùng Quảng Nam có 03 xứ: Bắc Quảng Nam có An Ngãi, trung tâm Quảng Nam có Trà Kiệu, phía Nam Quảng Nam có Hà Đông (tiền thân của Tam Kỳ), Năm 1882, cha Du phụ trách Hà Đông. Năm 1885, số giáo dân Hà Đông chay trốn lên miền núi, sau lập thành giáo xứ Thuận Yên. Năm 1885, cha Du có chạy ra Trà Kiệu, rồi chạy về Đà Nẵng. Sau Văn Thân, cha Du làm việc ở Nam Bình. Chi tiết này được cha Võ Đình Đệ, GP Qui Nhơn cho biết.

[7] Phong trào Văn Thân là một phong trào quần chúng do các nho sĩ Việt Nam lãnh đạo với mục tiêu “bình Tây, sát tả” (nghĩa là: “dẹp người Pháp, giết người Công giáo”) để cứu nước. Phong trào này bùng phát dữ dội tại Nghệ An và Hà Tĩnh do tú tài Trần Tấn và học trò của ông là tú sinh Đặng Như Mai lãnh đạo năm 1874. Phong trào Văn Thân tự phát mà không có lệnh chính thức của vua, cho đến năm 1885 thì nó nương theo nghĩa khí của Phong trào Cần Vương do Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi phát động. Nhưng có ý kiến cho rằng vì Văn Thân quá tay tàn sát bừa bãi người Công giáo cho nên về sau, Phong trào Cần Vương đã loại Văn Thân ra khỏi công cuộc kháng chiến chống Pháp của họ. – Nguồn Wikipedia

[8] Tức là tháng 8 năm 1885 (Ất Dậu), đời vua Hàm Nghi.

[9] Xem thêm tại:  https://trakieu.net/doi-net-ve-giao-xu-tra-kieu/

[10] Nguyên văn=chrétienté.

[11] Wikipedia ghi: Ngày 4 tháng 9 năm 1885 (?), nghĩa quân Quảng Nam bao vây chiếm tỉnh thành La Qua (còn gọi là La Thành, tức thành tỉnh Quảng Nam), buộc Bố chính Bùi Tiến Tiên và Tuần phủ Nguyễn Ngoạn phải dẫn quân rút chạy.

[12] Nguyễn Duy Hiệu (chữ Hán: 阮惟斆; 1847–1887), có sách ghi là Nguyễn Hiệu, tục gọi Hường Hiệu; là một lãnh tụ trong phong trào Cần Vương tại Quảng Nam trong lịch sử Việt Nam.

Nguồn : https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Duy_Hi%E1%BB%87u

[13] Các súng dùng thuốc bột và đạn rời được dùng cho đến giữa Thế Kỷ 19, đến nửa sau Thế Kỷ 19 đạn có vỏ mới dần thay thế.

Các súng dùng thuốc bột rời này gọi trong Tiếng Việt là súng hỏa mai và súng kíp, súng châm lửa và súng tự đánh lửa và trong các tiếng châu Âu, chúng đều là một, musketoon. Tuy nhiên cần phân biệt, trong tiếng Pháp thì từ này còn được dùng chỉ súng trường, Tiếng Việt thừa kế tiếng Tây bồi mút cơ tông, nói tắt là mút.

[14] Lefaucheux M1858 là loại súng lục do Casimir Lefaucheux thiết kế sử dụng đạn 12mm có kim điểm hỏa, súng đã được thông qua và sử dụng trong lực lượng quân đội Pháp. Đây là loại súng ngắn ổ xoay sử dụng đạn có vỏ kim loại đầu tiên được thông qua để sử dụng trong quân đội. Lực lượng chính trang bị loại súng này là lực lượng hải quân Pháp năm 1858 và một số nhỏ lực lượng kỵ binh cũng sử dụng chúng ở Mexico năm 1868. Ngoài ra nó còn được dùng để xuất khẩu cho các nước khác và được thấy dùng để chiến đấu trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ bởi cả hai phe. Nó cũng còn là khẩu súng mà Vincent van Gogh đã dùng để tự sát.

[15] Gọi là Hòn Bằng. [Dựa theo bản dịch 1992].

[16] Gọi là Bửu Châu, Non Trọc hay Non Trược. [Dựa theo bản dịch 1992].

[17] Theo bản dịch năm 1992, bốn giáo dân này do hoảng sợ bỏ chạy và bị ngã chết.

[18] Nguyên văn: “O caé Poi cài vè phai canh gui chonghien nhat, Pung cho Pua nao thoat nghe”.

[19] Nguyễn văn=néophytes=các tân tòng.

[20] Nguyên văn= l’Ong-pho, tức là ông Ông Trương Phổ, tên thật là Trương Văn Phiến sinh năm 1811 con thứ 4 của Bà Lê Thị Trừng. Bà Trừng thuộc dòng tộc Lê (là một trong những tộc kỳ cựu nhất đến Trà Kiệu) đã lấy chồng tộc Trương sinh ra hết thảy năm người con. Ông Trương Văn Phiến (tự Phổ) sinh hạ được 4 người con, hai gái hai trai. Ông mất năm 1910, mộ phần của ông hiện nay nằm trong khu nghĩa trang tộc Trương tại Cửa Hẩn, cách Trà Kiệu chừng 4 km.

[21] Nguyên văn=cathéchiste Phan, ở đây ghi là “Phận”, dựa theo bản dịch năm 1992.

[22] Tạm dịch chữ “fusils de rempart”: súng trường cỡ nòng lớn trang bị cho binh lính đóng trên thành lũy và chiến hào cho đến thế kỷ 19.

[23] Nguyên văn= comme des furies: giống như mấy mụ đàn bà nổi cơn tam bành.

[24] Nếu là con của ông Ông Ích Khiêm, thì không biết đây là người nào, vì ông Ông Ích Khiêm có 3 người con trai: Ông Ích Thiện, Ông Ích Hoắc và Ông Ích Kiền.

[25] Theo bản dịch 1992, ở đây được gọi là Phước Viện (Tu viện Mến Thánh Giá).

[26] Bản dịch 1992, có thêm chi tiết rõ ràng về địa hình: phía tay phải, sát bờ suối.

[27] Theo khẩu truyền được lưu lại cho đến nay thì có hai người được nhìn thấy Ðức Mẹ, đó là bà Nguyễn Thị Chỉnh và cháu là bà Phạm Thị Nhã.   Nguồn : https://trakieu.net/doi-net-ve-giao-xu-tra-kieu/

[28] Tiếng La tinh

[29] Bản dịch năm 1992 ghi là Chưởng Thủy Tý. Không rõ nhân vật này là ai và chưa thể xác minh được, nên vẫn giữ nguyên văn là Chuong Thuy Ty.

[30] Nguyên văn=maison communale.

[31] Tiếng địa phương còn gọi là chà chươm. Xem trong tiểu mục: Về chiến trận, tại https://trakieu.net/chia-se-cam-nghiem-ve-su-hien-linh-cua-duc-me-tai-tra-kieu/

[32] Tức là Câu Lâu.

Leave a Reply