Kính thưa cộng đoàn,
- Đức Cha Lambert de la Motte thành lập dòng Mến Thánh Giá năm 1670 tại Đàng Ngoài (miền Bắc). Dòng MTG là đặc sản của dòng nữ tại Việt Nam. “Mến Thánh Giá” tên tiếng Việt, tiếng Anh gọi là “người tình, người yêu của Thánh Giá” (The lover of the Holy Cross). Người Âu Mỹ mới nghe tước hiệu này họ chau mày nói làm gì có ai lại đi yêu thập giá, yêu đau khổ bao giờ, có chăng chỉ là chấp nhận như một điều không thể tránh khỏi thôi. Nhưng trong tâm ý của đấng sáng lập, mến thánh giá có nghĩa là yêu Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh trên thập giá để cứu nhân loại tội lỗi.
- Như thế nữ tu Mến Thánh Giá là nữ tu yêu Chúa Giêsu bằng chính đau khổ của cuộc sống, cuộc sống của chính mình và của anh chị em đồng loại như Chúa đã yêu ta và yêu họ khi chấp nhận vác thập giá đời mình là vâng theo thánh ý Chúa Cha. Linh đạo của hội dòng nằm ở trọng tâm này. Và như thế, yêu trong đau khổ, yêu là bằng lòng chấp nhận khổ đau, yêu là đau khổ không còn là loại hình lãng mạn của những nghệ sĩ, mà là một hiện thực khiến người nữ tu phải trực diện mỗi ngày. Sáng mở mắt ra ta thấy người đau yếu, nghèo đói bệnh tật, trưa ra đường ta thấy người ăn xin lê lết trên vỉa hè, chiều tối về ta gặp người vô gia cư đói rách không chỗ qua đêm, vào trà đình tửu quán ta thấy những con người đang bị chất kích thích hủy hoại cuộc đời, có khi đưa đến nhàm chán và quyên sinh hoặc thực hiện những hành vi manh động… Vác thập giá là đối diện và tiếp cận cả với những người vô tín, vô đạo, những người bài xích, mỉa mai cuộc sống lành thánh của những người muốn nên thánh theo gót Chúa Giêsu… Và như thế, sống đời nữ tu MTG quả là một thách đố liên lỉ cho một thiếu nữ từ lúc mới chập chững bước vào nhà tu, và càng đáng trân trọng với những chị, bà dấn thân hàng nhiều năm, 25, 50 năm như chị Bền của chúng ta đây hay nhiều nhiều hơn nữa (60, 75 năm…).
- Đạt được một hành trình 50 năm khấn dòng chiếm 1/3 đời người, trước hết là ân ban của Chúa, sự thu hút khó cưỡng của Thiên Chúa như Ngài đã làm cho ngôn sứ Hose: Ta đã yêu ngươi bằng một Tình Yêu không đổi thay. Thứ đến là sự đáp trả quảng đại của đương sự: Chúa là gia nghiệp đời con, Chúa Kitô thập giá là đối tượng của lòng yêu mến của con; và hơn nữa là sự dìu dắt, giáo dục đúng đắn đầy tính sự phạm của Giáo Hội và Hội dòng, dưới tác động âm thầm nhưng rất mãnh liệt của Thần Linh Chúa, của Chúa Thánh Thần, Đấng thổi hồn và dẫn dắt cho mọi linh đạo trong Giáo Hội.
Tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn người, tạ ơn đời là hành vi đẹp và phải lẽ. Tâm tình tạ ơn trào dâng những cảm xúc lắm khi đã bị chôn vùi trong cuộc sống bình dị và bình lặng giờ được dịp tràn ra bờ con tim. Tâm tình này còn là một thôi thúc, tái hun đúc ý chí và nhiệt thành của nữ tu trong những ngày tháng còn lại của đời dâng hiến. Đó không phải là ánh đuốc sắp tàn, nhưng được bùng cháy mạnh hơn nữa để rọi soi cho các thế hệ tiếp nối.
Giáo dân, giáo hội chúng ta vẫn còn phải cảm ơn những thanh thiếu nữ như thế, đã hiến tuổi hoa niên và thanh xuân cho dự báo về Nước Trời, nơi không có chuyện dựng vợ gả chồng; dám bỏ cuộc chơi nhân thế để bước vào con đường chẳng mấy ai muốn đi: con đường thập giá.
Các nữ tu là những người cầm đèn sáng trong đêm. Nói như thi hào Tagore: người ta thường chỉ biết cảm ơn ánh sáng, nhưng hay quên những người cầm đuốc sáng đàng sau. Hãy biết ơn cả hai: ánh sáng Chúa Kitô đang soi rọi khắp thế gian, và những người cộng sự viên của Ngài, những người tình của thập giá, là người mang nó đi khắp đó đây. Ước mong họ là những hoa tiêu cầm đèn sáng đợi chủ về, để khi chủ về gõ cửa thì mở ngay cho ông.
Với những tâm tình ấy, xin cùng tạ ơn Thiên Chúa với các chị và chúc các chị hoàn thành sứ vụ cho tới ngày Chúa đến.
Linh mục Phaolô Đoàn Quang Dân
One thought on “Bài giảng của cha Phaolô Đoàn Quang Dân dịp lễ tạ ơn Kim Khánh khấn dòng của nữ tu Isave Fécilie Nguyễn Thị Bền”